Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm C

Niềm vui Phục sinh là niềm vui đến ‘sau’ sự sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (từ cái chết của một kẻ bị đóng đinh) mà từ đó trở đi không có gì để cướp đi khỏi họ niềm vui này: đó là niềm vui và sự bình an phát xuất từ “lòng tin” vào Đức Giêsu.

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm C

Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa

Ga 20,19-31

 

1. Hãy đụng chạm tới lòng Chúa thương xót

(Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)

Môn đệ Tô-ma đòi được tận tay chạm vào các thương tích của Thập Giá nơi thân thể Chúa Phục Sinh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tại sao lại thế nhỉ? đòi hỏi của ông có thật sự cần thiết không? gặp được Thầy Giê-su sống động, đi lại, nói năng và ăn uống như người thường, chẳng lẽ lại không đủ sao? tại sao ông lại đòi hỏi phải được “cho xem tay và cạnh sườn” Người? hơn nữa, việc mắt thấy tay chạm có ý nghĩa đặc biệt nào đối với nhóm môn đệ nhút nhát, nhất là đối với ông Tô-ma?

Dưới cặp mắt các môn để, việc Thầy Chí Thánh bị đóng đinh vào thập giá và con tim Người bị đâm thủng chắc chắn không chỉ mang ý nghĩa thể lý về cái chết đau đớn của một thân xác treo trên giá thập tự. Đối với các ông – và đó cũng là nội dung giáo huấn trường kỳ của Đức Giê-su trước đây, dấu đinh trên tay chân và vết thương nơi cạnh sườn mà họ nhìn thấy nói lên sự tự hiến yêu thương của Chiên Vượt Qua, diễn tả tình yêu bao la của Thiên Chúa cứu độ. Khi cho các ông xem tay và cạnh sườn, Đấng Phục Sinh hẳn muốn nói cho các môn đệ thân yêu một điều gì vượt xa lời khảng định rằng: Người đã sống lại về mặt thể lý. Điều Người muốn khảng định qua các dấu tích đó là: tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành bất diệt và toàn thắng! Các môn đệ do đó cần một cảm nhận cụ thể để tin vào điều này cách vững bền. Các ông là những nhân chứng được chứng kiến tình yêu đó đã đạt tới đỉnh điểm, thì cũng cần phải xem và chạm vào các dấu đinh ở tay chân, và vết đòng trên ngực Người để có bằng chứng không thể chối cãi rằng lòng xót thương tha thứ đó vẫn còn sống, vì nó là vô địch.

Môn đệ Tô-ma trong thâm sâu muốn điễn đạt nhu cầu đó khi phát ngôn câu nói mà nhiều khi bị coi là thách thức: “Nếu tôi không….” Phần mình Đức Giê-su phục sinh đã coi yêu cầu đó là hoàn toàn chính đáng, và Người không ngần ngại đáp ứng: “Đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy”. Quả vậy, Tô-ma và tất cả các môn đệ khác đều cần tới cái cảm nghiệm cụ thể này, nhất là sau tất cả các biến cố xáo trộn mà các ông vừa trải qua; ông đã thấy, đã chạm vào các dấu tích…, và ông đã tin. Ông không chỉ tin Chúa đã sống lại, mà đúng hơn: tin vào sự toàn thắng của tình yêu cứu độ.

Đối với Ki-tô hữu chúng ta thuộc các thế hệ sau này thì sao; Đức Giê-su đã không hề tuyên bố trải nghiệm đó là không còn cần thiết! Ngược lại là đàng khác! Tuy nhiên Người khẳng định: trải nghiệm này phải được thể hiện bằng lòng tin, thay vì phải đụng tới bằng giác quan thể lý, “Vì đã thấy Thầy nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Bí tích Thánh Thể mà Người đã thiết lập chính là để các tín hữu trải qua các thế hệ chạm tới được các dấu đinh trên tay chân và vết thương cạnh sườn Chúa Phục Sinh. Cử hành Thánh Thể vì thế trở nên tâm điểm của đời sống Ki-tô hữu, chính vì nơi đây, trong niềm tin, các Ki-tô hữu từng người một, cảm nghiệm cách rất riêng tư và sống động lòng thương xót vĩnh cửu của Thiên Chúa đang được lặp lại cho mình. Trong cử hành Thánh Thể, linh mục và tín hữu cùng được mời gọi “Đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy”; đúng là họ, hơn bất cứ ai khác, cần đụng chạn tới biểu hiện của lòng thương xót cứu độ, trong tất cả sức mạnh và hữu hiệu của nó.

Bất luận ai là Ki-tô hữu đều phải coi đây là công việc quan trọng hàng đầu họ cần làm! Họ sẽ có cùng thái độ của Phê-rô và Gio-an, khi đứng trước người bất toại trong hành lan đền thờ: “Anh hãy nhìn chúng tôi đây… Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có tôi cho anh đây…” (Cv 3:6) Mọi Ki-tô hữu, bao gồm cả tu sĩ, linh mục lẫn giáo dân, cách riêng các tân tòng, đều cần ý thức rằng: họ không nhất thiết phải là người giầu có nhất về mặt vật chất tiền của, cũng không cần là những người phong phú nhất về diện tinh thần hay thiêng liêng, nhưng gia sản quí giá nhất họ sở hữu, đặc ân duy chỉ một mình họ có, đồng thời cũng là điều duy nhất họ có thể cống hiến cho nhân loại đang quằn quại trong nỗi thống khổ cùng cực, đó là được biết, được chạm tới, và được cử hành cách sinh động lòng thương xót từ ái vô biên và bất diệt của Thiên Chúa, đã được thực hiện qua Thập Giá và Phục Sinh của Đức Ki-tô Giê-su.

Riêng cá nhân tôi! tôi có thực sự xác tín điều này không?

Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho phép con được dùng đức tin để xỏ ngón tay con vào các lỗ đinh, đặt bàn tay con vào cạnh sườn Người, để con có được cảm nghiệm sâu sắc rằng: tình yêu cứu độ Chúa dành cho con quả là bất diệt. Xin cho việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày mang lại cho chính con trước hết sự bình an của một người cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương, và tin chắc rằng: tình yêu đó sẽ bất diệt và bền vững cho đến muôn đời, bất chấp những yếu hèn, sa ngã của kiếp người ô trọc. Xin cho con được cử hành mầu nhiệm Phục Sinh ngay từ bây giờ, trong chính đời sống hàng ngày của con. A-men

 

2. Ý nghĩa các vết sẹo

(Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.

Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

1. Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần.Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…”.

Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).

Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.

Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

2. Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.

Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.

Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…

Chàng trai ngạc nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.

Chàng trai thắc mắc:

– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

Ông cụ mỉm cười rồi nói:

– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…

Ông lão nói tiếp:

– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.

Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn…

3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”.

Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh!

Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, “chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?”.

Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6.000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.

Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, “Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người”.

Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: “Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ.”

Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.

 

3. Hơi thở của Chúa – Peter Feldmeier

(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)

“Bình an cho anh em” (Ga 20,9).

Hồi còn là sinh viên, tôi bắt đầu thích thú tìm hiểu các chân lý Kitô giáo, khởi đầu qua một sự kiện. Trong lớp học hôm đó, một bạn sinh viên trong lớp thách thức một thần học gia và khẳng định rằng những gì không được kiểm chứng cụ thể thì không phải là chân lý đáng để chúng ta tin theo. Tôi rất tâm đắc lời khẳng quyết này. Là một Kitô hữu, tôi cũng đã từng có kinh nghiệm khá nhiều về tình yêu của Thiên Chúa phủ ngập trong cuộc đời tôi. Nhưng phải thú thật, chỉ những Kitô hữu tốt lành và thánh thiện mà tôi đã gặp, mới là những chứng nhân và gương sáng rất cụ thể, đã đánh động và kiện cường đức tin nơi bản thân tôi. Thái độ và cách sống của họ biểu tỏ cho thấy họ đã trải nghiệm thực sự bình an của Chúa nơi tâm hồn, và được biểu thị rõ ràng qua cuộc sống của họ, một cuộc sống được đổi mới trong Thần khí. Trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay, Thánh Gioan tông đồ cũng khẳng quyết “Mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra, đều thắng được thế gian” (1Ga 5,4). Như thế, những người được tái sinh bởi Thần khí sẽ không còn lý do gì để phải sợ hãi. Họ có được an bình trong tâm hồn, giống như những Kitô tốt lành mà tôi đã gặp gỡ.

Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan cho ta thấy các tông đồ cũng được tái tạo, được đổi mới nhờ hơi thở linh thánh của Đấng Phục Sinh. Đây chính là hơi thở mà ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã thổi vào để tác sinh con người. Sách Sáng thế viết “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2,7). Vào buổi chiều ngày Phục sinh, các tông đồ sợ sệt, ngồi co rúm lại với nhau trong một căn phòng đóng kín. Họ đã trải nghiệm niềm vui tột cùng khi được gặp gỡ Đấng Phục sinh, người Thầy đáng kính của họ. Đức Giêsu đến, đứng ở giữa họ và nói “Bình an cho anh em”. Khi nói xong, Ngài thổi hơi trên họ và nói “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”.

Các Ngài đã lãnh nhận hơi thở thần thiêng, đã được sinh ra “từ trên cao”, tức là các Ngài đã được đổi mới hoàn toàn, bởi vì “những gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt, và những gì sinh bởi thần khí chính là thần khí (Ga 3,6.7). Rồi sau đó Đức Giêsu ủy trao sức mạnh thần thiêng cho các tông đồ. Họ đã nhận lãnh quyền năng từ chính Đấng Phục sinh “Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, người đó bị cầm giữ”. Tôi không nghĩ rằng, lúc đó Đức Giêsu có ý ám thị về bí tích tha thứ nơi tòa giải tội, cho dù sau này, Giáo hội vẫn hiểu như thế, và chắc chắn Đức Giêsu đã trao ban năng quyền bính tha tội cho các thừa tác viên nơi tòa cáo giải.

Nhưng thiết tưởng, động thái của Đức Giêsu thổi thần khí vào các tông đồ, là nhằm tái sinh các ông, ban cho các ông một sự sống mới, để họ được thông dự vào sức sống và quyền năng của Đấng Phục sinh từ sâu tận trong tâm hồn các ngài. Đức Giêsu thổi hơi thở của Ngài, hơi thở của Thần khí trên các tông đồ. Đây là sinh khí và sức sống biểu thị sứ mạng cứu thế và quyền năng của Đấng Sống lại. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tác giả sách tông đồ công vụ cũng cho thấy, các tông đồ đã có đầy quyền năng (mega dynamis), một năng động lực với uy quyền để làm chứng cho Đấng Sống Lại.

Tuy nhiên, Tôma không có mặt, không gặp được Chúa buổi chiều ngày hôm đó. Tôma đã không tin, chính xác hơn là ông chưa tin. Tuần sau, Ngài lại hiện đến, với sự hiện diện của Tôma. Vị tông đồ này không chỉ tin, nhưng còn mạnh mẽ thốt lên “Lạy Chúa, Thiên Chúa của con”. Hành vi tuyên tín của Tôma giống như một động thái mang tính tiên tri, đã mở toang cánh cửa của căn phòng đóng kín, và khai mở sứ vụ rao giảng Tin mừng nơi toàn thể Hội thánh. Trọng tâm của Tin mừng là sứ vụ công bố cho thế giới “Lời” và “Ánh Sáng thật” (Ga 1,1-4) , là chính mầu nhiệm Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Được ơn soi sáng, Tôma đã can đảm nói lên lời xưng thú và dũng cảm tuyên xưng đức tin. Hành vi tuyên tín của ông có vẻ như đầy kịch tính, nhưng mở ra cho giáo hội một viễn ảnh mới để công bố và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh.

Có lẽ, chúng ta dễ nghĩ tưởng rằng Thomas đã tự dàn dựng một khung cảnh để bào chữa cho mình. Ngài đã được các tông đồ khác thuật lại câu chuyện tiếp cận trực tiếp với Đấng Sống Lại, và họ cũng kỳ vọng Thomas sẽ tin mà không cần kiểm chứng hoặc hỏi han điều gì. Khi tôi nghe một ai thuật lại một câu truyện về kinh nghiệm thiêng liêng của họ, ví dụ họ đã được thị kiến gặp thấy Chúa, tôi luôn đặt vấn đề, xem có thực sự đó là một ơn ngoại thường Chúa ban riêng cho họ, hay chỉ là một sự bịa đặt hoang tưởng. Thái độ của Thomas cũng phản ánh những suy nghĩ mang tính loại suy như của các Kitô hữu sau này, bởi vì họ cũng không gặp trực tiếp Đức Giêsu Phục sinh. Chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với ông “Có phải vì anh đã thấy Thầy nên anh tin? Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Câu nói của Đức Giêsu ngỏ trao cho Tôma cũng là sự nhắc nhở Chúa gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Liệu có phải chúng ta cần những chứng cứ cụ thể để tin, hay chúng ta muốn trở nên những người được Thiên Chúa chúc phúc vì đã tin cho dù không thấy? Vấn đề ở đây, không phải là Tôma cần những bằng chứng cụ thể, và càng không phải là một con người cố chấp, cứng lòng, không tin. Điều quan trọng, là ông đã cảm nghiệm thực sự và bị cột trói vào những gì rất rõ ràng mà ông cảm nhận được. Ông đã tận mắt thấy sự biến đổi sâu xa nơi các bạn đồng nghiệp.

Họ đã được đổi mới hoàn toàn. Từ những con người tuyệt vọng và nhát đảm, họ đã trở nên những con người can đảm và tràn đầy hy vọng. Từ những con người ẩn nấp trong bóng tối nơi căn phòng khép kín, các ông đã mở toang cánh cửa, cánh cửa của ngôi nhà chật chội đóng khép, cũng như cánh cửa của ngôi nhà mù tối nơi tâm hồn họ. Giờ đây, các ông ngập tràn niềm tin và được phú trao quyền năng mạnh mẽ. Các ông đã có được quyền năng siêu phàm của Đấng Phục sinh để diễn bày tình thương tha thứ đến cho mọi người. Nhưng trên hết, sự sợ hãi và bất an nơi các học trò Đức Giêsu đã được thay thế bằng sự an bình trong Thần khí mà Đức Giêsu đem lại. Đó chính là quà tặng vô giá. Bởi vì, quà tặng bình an là món quà lớn nhất mà họ đã sở đắc được. Đây là chứng từ mạnh mẽ mà Tôma đã thấy. Ông đã tận mắt mục kích và cảm nghiệm một sức sống mới, tuôn trào mãnh liệt từ sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Đó quả là một cuộc tái tạo trong chính Thần khí của Đức Kitô, Đấng Phục sinh. Tôma đã trở nên như một hình mẫu đức tin cho chúng ta.

 

4. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour.

 

HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ (không có ông Tôma): 20,19-23

CHÚA HIỆN ĐẾN (cc. 19-20)

Cảnh tượng diễn ra có chiều ngày hôm ấy. Các tiểu đoạn trước xem chừng không thay đổi cách hành xử của các môn đệ (ta có thể nghĩ rằng các môn đệ ở đây ám chỉ nhóm Mười Một, dù rằng Lc 24,33 thêm “các bạn hữu” vào nhóm Mười Một này). Các ông sống trong lo âu sợ hãi và trốn tránh. Chính trong nơi cửa đóng then cài này mà Chúa Giêsu ngự đến. Sự hiện diện của Người không còn lệ thuộc vào luật lệ thể xác và những điều bó buộc tự nhiên như những sự bó buộc của con người với thể xác mình. Không thấy nói Chúa đi xuyên qua tường: đơn giản Người có thể hiện diện cách khác hơn loài người.

Chúa đến, như thuở sinh thời, là nguồn bình an. Người nói “Chúc anh em được bình an”, điều này không chỉ là một lời chúc xã giao, mà còn có nghĩa là món quà hữu hiệu của ơn cứu độ, của niềm vui và của sự bình an. Các dấu vết đóng đinh trên tay và cạnh sườn của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng, bất chấp các tình huống kỳ lạ về sự xuất hiện của Chúa Giêsu, thánh sử không muốn rằng độc giả xem Chúa như một bóng ma, nghĩa là ai đó khác với Đấng chịu đóng đinh. Hẳn thật, sự hiện diện thể lý bình thường của Chúa Giêsu đã chấm dứt, tuy nhiên con người đang đứng ở giữa họ là Chúa Giêsu, nghĩa là cũng một con người như Đấng họ đã biết và y trong, nhưng mà từ nay sự Phục Sinh đã làm biến đổi. Sự lo âu sợ hãi tiêu tan, các môn đệ hân hoan vui mừng.

SỨ VỤ (cc. 21-23)

Những lần hiện ra tự nó không nhằm mục đích riêng. Chúng mở màn cho một sứ vụ. “Như”: đây không chỉ là một sự so sánh, đây là căn nguyên và nền móng. Các môn đệ được sai đi (theo từng chữ “làm Tông đồ”) để kéo dài hoạt động của Chúa Giêsu. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của mình, Gioan gán tước hiệu Tông đồ cho nhóm Mười Một. Chủ đề sai đi này đã được trình bày sâu rộng trong diễn từ tư tế (17,17-19). Như Thiên Chúa đã thổi sinh khí trên Ađam (St 2,7), như Thần Khí đã ngự xuống trên Chúa Giêsu (1,33-34), Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã tôn làm Chúa, thổi (cũng động từ Hy Lạp ở đây như trong St 2,7) quyền năng của Thần Khí trên các môn đệ (x. 14,26). Người là Đấng đến để có kinh nghiệm về cái chết, tự tỏ mình ở đây như là Chúa Tể sự sống.

Còn các môn đệ, cho đến lúc ấy còn sợ hãi, bây giờ mặc lấy sức mạnh của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa, rồi Đấng được sai đến là Chúa Giêsu, họ có thể tha tội, nghĩa là thanh tẩy tội lỗi trong quyền năng cái chết của Chúa Giêsu. Thần Khí kết buộc họ với Thiên Chúa chặt chẽ đến nỗi, khi họ được tha cho ai hoặc cầm giữ tội của ai, thì chính Thiên Chúa qua họ mà tha cũng như cầm giữ tội lỗi. Chúng ta có ở đây một dạng văn phạm gọi là “thì thụ động thần linh” nhằm tránh tên gọi Thiên Chúa qua thì thụ động. Ta có thể dịch như thế này: “Bất cứ người nào anh em tha… Thiên Chúa sẽ tha tội cho họ… Bất cứ người nào… Thiên Chúa sẽ cầm giữ tội họ”.

Chúa đến lần này, cũng như lần tiếp theo, đều diễn ra vào “ngày của Chúa”, nghĩa là vào lúc các Kitô hữu tiên khởi hội họp cử hành phụng vụ, thời điểm đặc biệt để Thiên Chúa hiện diện với cộng đoàn của Người và mỗi khi họ tập hợp để bẻ bánh cũng là mỗi lần hiện thực hóa một lần nữa việc sai họ đi khắp thế gian.

ÔNG TÔMA: KHÔNG THẤY MÀ TIN (20,24-29)

Việc ông Tôma vắng mặt cho phép người kể chuyện đưavào cảnh tượng tiếp sau. Sự cứng lòng không tin của ông Tôma được đặc biệt nhấn mạnh, bởi lẽ điều này được diễn tả gần như cùng một từ ngữ như trong 4,48: “Nếu không thấy dấu lạ điềm thiêng, các ông sẽ chẳng tin đâu”. Ông Tôma, là người tuy đã mời gọi các bạn đồng môn cùng đi cùng chết với Chúa Giêsu (11,16), lại chối từ cùng với các bạn đi theo Chúa trong đức tin vào Chúa Giêsu hằng sống. Ông có hai lỗi: trước hết không tin vào lời chứng của các Tông đồ; sau nữa, nghi ngờ Chúa Giêsu sống lại.

Chúa Giêsu hiện đến lần thứ hai cũng được miêu tả với những từ ngữ như lần thứ nhất. Tuy nhiên sự cứng lòng tin của ông Tôma cho phép thánh sử thực hiện hai mục tiêu: trước tiên việc nhấn mạnh về những dấu vết thương tích đánh dấu sự liên tục và sự liên kết giữa Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Chúa Giêsu được tôn vinh. Chính việc nâng cao là thập giá làm nên mặc khải tối thượng về tình yêu của Chúa Cha và vinh quang của Chúa Con.

Tiếp đến, đức tin mà ông Tôma, kẻ không tin, tìm gặp lại, trổi vượt đức tin của các môn đệ bởi vì ông dành cho Chúa Giêsu tước hiệu vĩ đại nhất của cả Tin Mừng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Trong số tất cả các tước hiệu của Chúa Giêsu đã được khai trình giữa chương đầu này, chúng ta đạt đến tột đỉnh mà mọi định nghĩa giáo lý sau này đều không thể vượt qua được. Giữa “Ngôi Lời là Thiên Chúa” ở Lời Tựa (1,1) và lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Chúa và Thiên Chúa”, mọi sự đều đã rõ. Quả là ngược mặc khải, kẻ làm chứng về chân lý này lại là người không muốn tin vào lời chứng của các Tông đồ.

Hạnh phúc cuối cùng là kết luận của Tin Mừng và là sự lặp lại chủ đề chính yếu của đối tượng: giữa thấy và tin, cảnh tượng và nghe biết, sự kỳ lạ và lời nói, thì chính phần thứ hai mới là điều kiện thường tình và lý tưởng của kẻ tin. Ngay cả những kẻ đã thấy, cũng phải tin hơn điều họ đã thấy. Ngôi Lời từ lúc mặc lấy các phàm, nghĩa là nhân tính nơi mà vẫn phải “nhận biết Thiên Chúa tỏ hiện trong vinh quang”. Chúng ta, những người lãnh nhận Tin Mừng, chúng ta quả có phúc vì đã không thấy mà nhờ những lời chứng của các Tông đồ, chúng ta gắn bó với Chúa Kitô và trở nên những kẻ tin vào Người.

KẾT LUẬN (20,30-31)

Hai câu này làm thành đoạn kết của Tin Mừng trước khi chương 21 được thêm vào. Gioan là tác giả duy nhất trong các thánh sử đã đưa vào tác phẩm của mình đoạn kết. Để cho độc giả tương lai tiện sử dụng, ông có hai xác định quan trọng:

Trước hết, Gioan nhận biết đã cố ý thực hiện một sự tuyển chọn trong số các sự kiện liên quan đến Chúa Giêsu. Vậy nên cần phải ghi nhớ điều đó mỗi khi thấy một vài thời kỳ trong cuộc đời của Chúa Giêsu được các Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại, còn ông thì vẫn im lặng, và đừng vội kết luận rằng ông không hay biết các sự kiện đó. Trong khi định trước các môn đệ như những người lãnh nhận các dấu lạ, Gioan đặc biệt liên tưởng đến các độc giả của mình, tuy đã trở thành môn đệ, nhưng lại không thấy các dấu lạ được thực hiện trong cuộc đời của ông.

Sau nữa và nhất là, ông minh định mục tiêu của mình: kiên định các môn đệ trong đức tin vào Chúa Giêsu, vừa là Đấng Mêsia như Kinh Thánh đã hứa, vừa là Con Thiên Chúa, từ đó các môn đệ có được sự sống nhờ Chúa Giêsu. Như vậy, độc giả có sẵn chìa khóa để học hiểu. Tin Mừng không phải là một quyển sách bình thường, sáng tác để cho độc giả giải trí, mà là một quyển sách có sự sống; thừa hưởng cũng một năng lực từ sự xác tín và cũng một tiềm năng sự sống như lúc Chúa Giêsu còn tại thế. Đối với các độc giả sinh sống vào thời mà Chúa Giêsu không còn hiện diện bằng xác thể nữa, thì có quyển sách này đây, sẵn sàng cho cuộc hội ngộ giữa độc giả và quyển sách, làm nảy sinh sự sống do đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng Mêsia và Con Thiên Chúa.

 

5. Chú giải của Noel Quesson.

 

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở… Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà đó.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh “hiện ra” cách nhau tám ngày. Tự nhiên chúng ta dễ để tâm chú ý dện lần hiện ra thứ hai với “Tôma” hơn, vì ta thường đồng hóa với ông, khi trên thực tế ta cũng thấy nơi mình một “kẻ hồ nghi”, một “kẻ cứng lòng tin” và có thể gặp được nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu đức tin của ta.

Nhưng dù có thông đồng với Tôma, ta cũng không thể bỏ qua việc đọc trọn vẹn bản văn trên.

Trước tiên, ta cần lưu ý, Đức Giêsu hằng sống thường hiện ra vào Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, đó có phải là điều ngẫu nhiên không? Ta quá biết rõ, thời đó các Kitô hữu tiên khởi đâu có ngày nào cũng họp nhau lại. Hằng ngày mỗi người đều phải lo sinh kế. Họ không thể luôn sống bên nhau. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh chỉ hiện “đến” trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Chúng ta có thể nhầm lẫn khi coi đức tin như một vân đề hoàn toàn “riêng tư” hay “cá nhân”: ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh đăc biệt được nhận biết, thấu cảm, và xác nghiện trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ tập thể. Họ cùng hiện diện với nhau, tập họp chung ‘trong Giáo Hội’.

Các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông.

Vào lúc thánh Gioan viết những dòng trên. Giáo hội đang gặp sợ hãi và bách hại. Các môn đệ Đức Giêsu đã có thói quen tụ họp này tại nhà ông này, mai tại nhà ông khác. Họ đón tiếp nhau. Họ kiểm tra lẫn nhau: có những người rút lui, có những kẻ bồ đức tin, bỏ nhóm. Họ đâm hoảng sợ. Họ đóng kín cửa. Nhưng giờ đây mỗi Chúa nhật như “Chúa nhật đầu tiên” này, “dấu chỉ” bữa tiệc ly lại được cử hành và một cách huyền nhiệm, Đức Giêsu lại lướt qua những kẻ thuộc về Người, trong “nơi mà họ hiện diện” tại Êphêxô, Côrintô, Giêrusalem, Rôma. Đúng vậy mỗi Chúa nhật là ngày Phục sinh! Chúa vẫn luôn hiện diện giữa cuộc sống chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con sống động, dù không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tin.

Lạy Chúa, ngày nay chúng con cũng dễ khóa chặt cửa lại vì sợ hãi, khi Thánh Thần Chúa thổi đến, xin cho những bức tường vây hãm chúng con sụp đổ, để chúng con trở lại thời ca vang: Nào ta hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô Phục sinh.

Trước khi đi xa hơn trong việc suy niệm đoạn tin Mừng trên, chúng ta tự hỏi Đức Giêsu muốn giải thoát để phục sinh chúng ta khỏi những tình trạng nào? Khỏi tình trạng bí bức không lối thoát, khỏi tình trạng sợ hãi, đóng cửa cài then, khỏi tình trạng “nguy tử” cho mình? Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khỏe, đau đớn và thất vọng, khó khăn thuộc phạm vi gia đình, nghề nghiệp. Đó là “Nơi các môn đệ đang hiện diện: đóng cửa cài then!”

Người nói với các ông: “Chúc anh em được bình an”. Thế rồi, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an!”.

Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, trước hết không phải là niềm vui dễ dàng, niềm vui tự phát; nghĩa là niềm vui tự nhiên làm ta thấy phấn khởi khi mọi sự đều ổn thỏa, tình trạng sức khỏe khả quan, “tuổi trẻ” vẫn tràn đầy sinh lực, công việc đều thành công, tương quan bạn hữu và gia đình luôn thoải mái. Nhưng niềm vui Phục sinh là niềm vui đến ‘sau’ sự sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (từ cái chết của một kẻ bị đóng đinh) mà từ đó trở đi không có gì để cướp đi khỏi họ niềm vui này: đó là niềm vui và sự bình an phát xuất từ “lòng tin” vào Đức Giêsu.

Cũng như ngày thứ nhất trong tuần đó, mỗi buổi họp mặt Chúa nhật, Đức Giêsu đều chúc bình an cho ta, qua tiếng nói của Linh mục: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” và Công đồng Vatican II đã tái lập truyền thống xưa “hôn chúc bình an”: các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô: bắt tay nhau, ôm hôn, mỉm cười với nhau và chào chúc: “Bình an Đức Kitô. Đó không phải là cử chỉ tầm thường, nhưng là “trở nên Đức Kitô” đối với người gần cận của mình; “khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy hiện diện ở đó giữa họ”

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em.

Đó! Chúng ta đâu có thể tưởng tượng được một lời nói như vậy! Thế mà chính Đức Giêsu lập lại cho ta. Tôi là một con người đâu có ra gì, thế mà lại trở nên Đức Giêsu, được sai gởi đến với anh em tôi y như Người đã được “Chúa Cha” sai gởi đến trần gian. Chúng ta đừng lướt qua nhanh những lời trên. Cũng đừng vội vàng gán cho Tôma là kẻ cứng lòng tin. Hãy dừng lại nơi những lời nói trên đây của Đức Giêsu. Ta hãy hiểu biết trách nhiệm trọng đại mà Người trao phó cho ta: “sứ vụ” của Đức Kitô được trao phó cho Giáo Hội và một phần cho tôi. Tôi được Đức Giêsu “sai đi” như Đức Giêsu được Chúa Cha “sai đến”.

Một lần nữa tôi phải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ trên: “sứ vụ” có nghĩa là “sự sai đi” (bởi tiếng La tinh là “missus”) và “tông đồ” có nghĩa là “kẻ được sai đi” (bởi tiếng Hy Lạp là ‘apostolos’). Khi tôi gặp một người nào trong công việc làm ăn, trong môi trường sống của tôi, thì không phải chỉ nhân danh cá nhân, hay vì lợi ích riêng của tôi, mà chính vì tôi được Đức Kitô sai đến? Tôi phải truyền thông cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người nói với bạn những gì tôi sẽ nói với bạn; Người luôn “sống động” trong tôi. Tôi là “miệng lưỡi” của Người, là “thân thể” Người, kề cạnh bạn, để thông tỏ cho bạn tình yêu của Chúa Cha.

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Đó là việc ban Thánh Thần, một cuộc “tạo thành mới”: Thần Khí của Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ. Đức Giêsu đã chết “đã tiến về gặp gỡ Chúa Cha” các Kitô hữu tiếp tục công trình của Người. Họ sẽ mang hơi thở sống động của Người, mang Thần Khí Người. Họ sẽ tiếp tục thể hiện những việc làm của Người. Sau này thánh Phaolô sẽ nói: “Anh em là thân hình Đức Ki tô. Anh em là Đền thờ của Thánh Thần”. Còn thánh Gioan cho ta biết, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của Thiên Chúa Đấng tạo thành trong sách Sáng thế (St 2,7): “Lạy Thánh linh tạo dựng, xin hãy đến!”.

Đối với Gioan, việc Thánh Thần ngự đến đã xảy ra vào chiều ngày Phục sinh: hoạt động cốt thiết của Đức Giêsu sau khi chiến thắng tử thần, là thông ban “Thánh Thần, Đấng đã Phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết” (Rm 8,11). Trong kinh Tin kính đó là điều cốt yếu ta kháng định về Thánh Thần: “Người là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống”. Thần Khí được trao ban cho các môn đệ ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, sẽ hiện lộ ngời sáng trên công trường năm mươi ngày sau đó, vào ngày lễ Ngũ tuần. Đó là thần khí của Thiên Chúa vừa mới thành công rực rỡ, ta dám nói như thế – khi giật Đức Giêsu ra khỏi quyền lực tử thần, và mạc khải Ngài như con Thiên Chúa, nhờ cuộc Phục sinh. “Xét như Đấng đã được Thần Khí thánh hóa, Người đã được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng, do việc Người từ cõi chết sống lại” (Rm 1,4).

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

‘Thắt buộc” và “tháo cởi”, “tha giải” và “cầm giữ”. Kiểu nói này là một hình thức văn phạm của tiếng Aramên: theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác nhận một thực tại cách mạnh mẽ hơn, và để nhấn mạnh tới từ mang tính “tích cực”. Như thể, khi trao ban cho các môn đệ Thần Khí Ngài, Đức Giêsu cũng thông nho họ quyền tháo gỡ con người khỏi sự ác: kể từ đó, ngay tại trần gian, các ông trở nên những kẻ mang” tình xót thương của Thiên Chúa cho mọi người, cũng như Đức Giêsu đã trở nên hiện thân của tình thương đó! “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”.

Người Kitô hữu cũng được trao ban cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu đã tuyên bố là của Người, trong Hội đường Nagiarét, vào lúc khởi đầu tác vụ: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân của Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc, 4,18-19). Tôi có mang thần khí đó, Thần khí giải phóng, Thần khí ban sự sống, Thần khí yêu mến và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là một ân huệ Phục sinh.

Một người trong nhóm Mười Hai, nên là Tôma, không có mặt khi Đức Giêsu đến. Ông nói: “Nếu tôi không thấy… tôi chẳng có tin”.

Đó là “con người chậm trễ”. Sau buổi lễ gặp mặt, ông mới tới. Trong Tin Mừng, Tôma luôn là người chỉ tin vào lương tri của mình, là người thiết thực nên nghi ngại cả thái độ liều lĩnh của Đức Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu? (Ga. 14,15). Khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh cho Lagiarô, thì Tôma chỉ thấy trước mắt cái chết (Ga 11,15-16).

Tám ngày sau… Đức Giêsu lại đến và nói: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy, đừng cứng lòng tin nữa”.

Một tuần. Tôi thấy như Đức Giêsu đang mỉm cười hóm hỉnh trao đổi với Tôma. Người có vẻ đang nói với ông: “Này anh bạn, bạn tưởng tôi đã chết và khuất mặt, khi bạn bày tỏ thái độ không tin. Nhưng tôi vẫn hiện diện lúc đó, cách vô hình, chứng kiến các bạn nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, lúc đó tôi không tỏ mình ra với các bạn”. Đó là thái độ kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người đã chọn thời gian của Người.

Ong Tôma thưa Người: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”

Đó là tiếng kêu diễn từ một lòng tin của con người đã đòi “chạm, thấy”. Ong đã hiểu được Đức Giêsu cho dù không hiện hình, vẫn có đó! Người hiện diện cả vào giờ phút ông nghi ngờ.

Vì thấy Thầy, nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.

Đó là mối phúc, mối phúc cuối cùng. Những thực tại cao siêu nhất của Thiên Chúa, ta không thể tự mình thấy được. Chỉ có “đức tin” dẫn đưa chúng ta tiến sâu vào những thực tại đó. Và đó chính là hạnh phúc đích thực!

 

6. Chú giải của Fiches Dominicales.

 

TỪ CHÚA NHẬT NÀY TỚI CHÚA NHẬT KIA,

TỪ NHẬN THỨC ĐẾN TRUYỀN GIÁO (Ga 20,19-31)

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1) Từ ‘ngày đầu tuần’

Phần đầu của Phúc âm Chúa nhật này đưa ta đến “sau cái chết của Đức Giêsu, vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần ngày quy tụ phụng vụ của các Kitô hữu, thời gian thuận tiện để Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn mà Người quy tụ lại để chia sẻ Lời và Bánh, và để sai họ đi vào thế giới.

Các môn đệ quy tụ lại ở cùng một nơi: một kiểu nói mà thánh sử dùng để báo trước tính giáo hội của việc Chúa hiện ra mà ngài sắp tường thuật. Các cửa đều “đóng kín” vì “sợ người Do thái? Nỗi sự hãi cho đến lúc này vốn bao trùm những người Israel, đến nỗi họ không dám tuyên bố ủng hộ Đức Giêsu, thì từ nay còn là phận của các môn đệ thân tín của Chúa: các ông đang cảm nhận một tâm trạng lo âu sọ hãi mà lát nữa đây ơn bình an sẽ đối nghịch lại và khoả lấp hết.

Người ta dễ dàng nhận ra ba tiến trình đặc biệt của những lần gặp gỡ sau phục sinh: Đức Giêsu có sáng kiến (1), Người tự tỏ mình ra cho các môn đệ (2) người uỷ thác cho các ông một sứ mạng (3).

– Sáng kiến của Đức Giêsu:

+ Đức Giêsu “đến” như vậy là Người thể hiện lời đã hứa với các môn đệ trong bài diễn từ giã biệt: “Thầy sẽ đến cùng anh em” (14,18-28).

+ Người “đứng giữa các ông”, dịch sát nghĩa là “Người đứng dậy”, chuyển từ trạng thái đang nằm, ý nói là chết sang tư thế thẳng đứng của Đấng phục sinh.

+ “Chúc anh em được bình an”. Đó là những lời đầu tiên Đấng-hằng-sống gởi cho các môn đệ của Người đang tu họp. Đây không phải chỉ là lời chào hỏi thông thường “Shalom” của những người Do thái khi gặp nhau. Càng không phải là lời cầu chúc suông, nhưng là ơn huệ mang hiệu quả thực sự của Bình an, đúng như lời Chúa hứa: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy; Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (14.27).

Các môn đệ nhận biết Chúa.

Đức Giêsu cho họ xem “tay và cạnh sườn Người” (đối chiếu với ngọn giáo của Gioan 19,34). Chắc chắn từ nay đã qua rồi thời gian người hiện diện thể lý, nhưng Đấng đang đứng giữa họ lúc này vẫn là Đức Giêsu, nghĩa là cũng vẫn là Đấng mà họ đã thấy chết và được mai táng, nhưng từ nay đã biến hình đổi dạng nhờ mầu nhiệm Phục sinh. Và trong cái “nhận Thầy” do lòng tin ban cho, các môn đệ “tràn đầy niềm vui” niềm vui bất tận và Chúa đã báo trước cho các ông: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (16,22).

Trao phó sứ mạng:

Việc các môn đệ được gặp Đấng-đang-sống, cùng nhận ra Đấng đã trải qua và chiến thắng vẻ vang cơn thử thách của cái chết trên thập giá, không phải là đã hoàn tất. Cuộc gặp gỡ ấy giờ đây khai mở một sứ mệnh.

+ Sau khi đã làm mới lại ơn bình an: “Chúc anh em được bình an!”.

+ Đức Giêsu “thổi hơi vào các ông”, làm lại cử chỉ ban đầu khi tạo dựng con người, giống như trong Sáng thế ký 2,7: ở đây hành động này càng ám chỉ rõ nét là hành động sáng tạo của Chúa, nhất nữa vì đây là lần duy nhất Tân Ước sử dụng cách diễn tả của bản văn Sáng thế ký.

Đúng là một cuộc tạo dựng mới. Đức Giêsu vinh hiển thông ban Thần Khí tái sinh cho con người. Khi cho họ được chia sẻ sự hiệp thông với Chúa. “Như (chữ ‘Như’ ở đây không phải chỉ là một so sánh, nhưng ám chỉ một nền tảng, một liên hệ sâu xa) Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”.

+ Và nếu các môn đệ được sai đi, chính là để loan báo cho ‘mọi người tin mừng về ơn tha thứ của Thiên Chúa’. X. Leon- Dufour giải thích: “Tha/cầm giữ “ lối văn chương Do thái dùng một cặp từ trái nghĩa nhau để diễn tả một sự trọn vẹn ở đây cách diễn tả ấy có nghĩa là trọn vẹn quyền thương xót được đấng Phục sinh trao ban cho các môn đệ. Thể văn thụ động diễn tả hiệu quả đạt được đều ngụ ý rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng ban ơn tha thứ, cách dùng thì (động từ) ở quá khứ hoàn thành có nghĩa là ơn tha thứ của Chúa là yếu tố quyết định. Người ta sẽ có thể giải thích một cách rộng rãi là khi cộng đoàn tha thứ, thì chính Thiên Chúa tha thứ vậy. (Lecture de l’evangile se lon Jean. quyển IV, Seuil. tháng 11/1996, trang 241).

2) đến buổi tụ họp “tám ngày sau”

Lần hiện ra thứ hai đã được tác giả đặt vào ‘tám ngày sau’, tức Ngày Chúa nhật tiếp đó, ngày mà các Kitô hữu của Gioan quy tụ lại để cử hành Thánh Thể, để chia sẻ Bánh và Lời như chúng tôi đã viết ở trên. Ngày đó trong sách Khải Huyền, cũng được gọi là “Ngày của Chúa”. Đó là ngày tưởng niệm mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô.

Ông Tôma, được tác giả báo trước, “không có mặt khi Đức Giêsu đến”. Độc giả của Phúc âm thứ tư đồng hoá mình ngay với Tôma, bởi lẽ chính người ấy cũng được mời gọi chỉ dựa vào nguyên chứng từ của các Tông Đồ mà có được niềm tin phục sinh: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”.

Ngay lập tức, Tôma từ chối nhận chứng từ của cộng đoàn; ông đòi xem tận mắt, sờ tận tay, tự mệnh xác minh thì mới tin: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Thế là diễn ra lần hiện ra thứ hai của Đức Giêsu được mô tả cùng một kiểu cách như lần trước. Đức Giêsu lại hiện đến, mặc dầu các cửa đều “đóng kín”. Một lần nữa Người nói lời cầu chúc bình an cho các môn đệ, lời mang ơn cứu độ của phục sinh: “Chúc anh em được bình an!”. Người cho Tôma xem tay và cạnh sườn như để nhấn mạnh cho ông hiểu rằng Đấng bị đóng đinh xưa với Đấng nay được vinh hiển cũng là một. Giữa hai tình trạng đó vẫn có sự nối kết và liên tục. Rồi Người bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin”.

Tác giả chẳng cần nói đến chuyện người môn đệ kia không còn nghĩ đến việc đưa bàn tay ra để sờ và đặt vào cạnh sườn Chúa nữa. Ông kể lại phản ửng tức thời của Tôma là thay đổi hẳn thái độ; con người ấy một khi đã vấp phải chướng ngại là cái chết, thì giờ đây công khai tuyên xưng niềm tin tuyệt đối:

“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”, trong tư cách là người phát ngôn của cộng đoàn Kitô hữu. Độc giả nào tự cho mình có thái độ như thái độ đầu tiên của Tôma đều được mời gọi thực hiện một sự trở lại tương tự.

3) Cho tới Chúa nhật hôm nay, ngày chúng ta tụ họp

Câu chuyện Đức Giêsu hiện ra kết thúc bằng một mối phúc hứa ban cho tất cả. Những ai đang sống vào thời không còn sự hiện diện hữu hình của Đức Kitô, cũng hứa ban cho chính chúng ta, những con người hôm nay đang tụ họp nhân danh Người: “Ai không thấy mà tin, mới là người có phúc”.

Dufour kết luận: “Lời hứa này không còn liên quan tới Tôma nữa, nhưng là nhắm đến các môn đệ tương lai. Cộng đoàn Kitô hữu hôm nay không có gì phải nuối tiếc về khoảng cách và sự khác biệt về hoàn cảnh sống của mình. Nếu cách thức cộng đoàn tiếp cận niềm tin không giống như các tông đồ trước đây, thì những ai đang và sau này không thấy mà tin, chính họ là người có phúc vậy. Kinh nghiệm mà những chứng nhân tận mắt được hưởng là kinh nghiệm làm nền và không thể được tái diễn: kinh nghiệm ấy được ban cho họ không chỉ vì họ mà thôi, nhưng còn vì những thế hệ tương lai mà lòng tin sẽ dựa vào lời chứng được truyền lại cùng với sức mạnh của Thánh Thần, chứ không dựa vào những dấu chỉ cụ thể về sự Chúa hiện diện, xuyên qua các môn đệ đang đứng trước mặt Người lúc đó, Đức Giêsu hướng chú ý của Người tới tất cả những ai sẽ nối tiếp các ngài sau này tới tất cả con cái Thiên Chúa mà Người đã đến quy tụ lại nên một; vào buổi chiều lễ Vượt qua. Đức Giêsu há đã chẳng nói với các môn đệ của Người rằng sứ mạng của các ông từ nay sẽ diễn tả và nối dài sứ mạng của Người đó sao? Giờ đây lòng trí Người hẳn đang nghĩ tới những ai sẽ là thành quả của sứ mạng được sai đi rao giảng và làm chứng này."

Cuộc gặp gỡ của Đấng đang-sống với các môn đệ của Người không kết thúc bằng sự nghỉ ngơi. Cuộc gặp gỡ ấy vẫn luôn là một khai mở hàng về một tương lai vô tận trong niềm hân hoan tồn tại dù khi các chứng nhân tận mắt không còn nữa. Đó là điều đã được diễn tả khéo léo trong thư thánh Phêrô: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt, mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả” (1Pr 1,8-9) (O.C., trang 251-252).

 

7. Đã thấy, đã không thấy

(Suy niệm của Lm Trịnh Ngọc Danh)

Sau khi sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện ra lần thứ nhất với các tông đồ, nhưng vắng mặt ông Tôma. Ngài đã chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì đã được xem thấy Chúa, và họ đã cho ông Tôma biết: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”; nhưng ông này cương quyết: “ Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà; lần này có mặt ông Tôma. Chúa Giêsu lại hiện ra lần thứ hai cùng các ông. Sau khi chúc bình an, Ngài đã cho ông Tôma xem những dấu đanh nơi bàn tay và vết thương nơi cạnh sườn Ngài và đã khiển trách ông: “ Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Và ông Tôma chỉ còn biết kêu lên: “ Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”. Và Ngài nói tiếp với ông: “ Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Đã xem thấy, đã tin

Cũng như các môn đệ khác, ông Tôma cũng đã từng được nghe những giáo huấn của Chúa, đã được xem thấy những việc kỳ lạ Ngài đã làm, và cũng được nghe Ngài tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài…; nhưng ông vẫn còn bán tín bán nghi về việc chết đi sống lại của Thầy mình; vì, Chúa quyền năng có thể làm cho người chết sống lại như trường hợp ông Lagiarô thì còn hiểu được; nhưng đàng này, chính Chúa lại phải chết và lại tự cho mình sống lại thì thật là một việc quá sức tưởng tượng của ông: Làm sao lại có thể có chuyện ấy được! Và đức tin của ông đã bị chao đảo! Ông nghi ngờ đòi cho được tận mắt thấy những dấu đanh nên thân thể Chúa mới tin cũng phải thôi, vì ông đã một lần thất vọng khi thấy Thầy, một Đấng quyền phép mà ông đã tin, lại phải chịu nhục hình cho đến chết trên thập giá. Cũng còn may là ông còn lui tới với cộng đoàn, không như hai môn đệ trên đường Êmau, sau khi Thầy chết, đã thất vọng, sợ hãi tìm đường trốn chạy. Điều đó cho thấy ông vẫn còn tin tưởng vào Thiên Chúa, vẫn còn muốn đạt đến một đức tin viên mãn để được cứu độ.

Tuy bị Thầy khiển trách là cứng lòng tin, nhưng qua đó, ông đã thấy và ông đã tin. Đức tin của ông đã được củng cố cho vững mạnh hơn bao giờ hết đến nỗi ông đã kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.

Cũng không phải chỉ có ông Tôma mới nghi ngờ sự sống lại của Thầy mình, mà ngay chính những người được tận mắt thấy ngôi mộ trống cũng bán tín bán nghi.

Ngày thứ nhất trong tuần, từ sáng tinh mơ, các bà mang theo thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, bước vào trong, không thấy xác Chúa, bà Maria Mađalêna đã hốt hỏang chạy về báo: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” (Ga 20: 2); và đang khi còn ngơ ngác, vào trong mồ, thì thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà: “ Các bà đừng sợ. Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiareth chịu đóng đinh, nhưng người đã sống lại…”. Các bà chạy ra và trốn khỏi mồ, vì các bà run rẩy bàng hoàng. Các bà không nói gì với ai, vì các bà sợ hãi… (Mc. 16, 6-8)

Trở về nhà, các bà thuật lại cho các tông đồ; “nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin” (Lc. 24,11)

Vì không thấy, nên ông Tôma chỉ đòi hỏi thấy mới tin, nhưng các bà và các tông đồ đã thấy, đã nghe nói về việc ngôi mộ trống, về việc Chúa đã sống lại, thế mà các bà thì sợ hãi cho là ma, còn các ông thì cho đó là truyện vớ vẩn. Ai là người kém lòng tin hơn ai?

Hơn nữa, đứng về phương diện đức tin, thì có thể ông Tôma là người cứng lòng tin, nhưng đứng về phương diện khoa học, thì sự nghi ngờ của ông lại là điều cần thiết để tìm ra sự thật. Nếu khoa học kiểm chứng được những gì chúng ta phải tin, thì những điều chúng ta tin mà khoa học khám phá, chứng minh được, thì cũng chẳng còn gì là siêu việt đối với trí óc của con người.

Ông Tôma cứng lòng tin, vì ông muốn lấy lý trí để củng cố cho lòng tin của ông. Có thể ông đã nghĩ rằng: Nghe người ta nói Chúa đã phục sinh chưa đủ, tôi còn phải tận mắt nhìn thấy Ngài, và phải được tiếp cận thân thể đầy thương tích của Ngài, thì tôi mới tin.Và cuối cùng, Tôma đã thấy và ông đã tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.

Việc ông Tôma đòi hỏi được nhìn, được sờ, được kiểm chứng Đấng Phục sinh không chỉ là một đòi hỏi cho riêng ông, nhưng cũng là một chứng tích cho chúng ta hôm nay.

Đã không thấy mà tin

Và sau khi nhân định về lòng tin của ông Tôma: Vì con đã thấy và con đã tin; Chúa lại đưa ra một mẫu lòng tin khác được chúc phúc; đó là: Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Qua sự việc của ông Tôma, Chúa đã gián tiếp nói với chúng ta là những người sinh ra “hậu Phục sinh”, những người đã không thấy Chúa sống, chết và phục sinh, nhưng chúng ta tin. Chúng ta chỉ được đọc, được nghe về Thiên Chúa, về Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa xuống thế làm người vì yêu thương con người, để rồi chịu chết và đã phục sinh…; nhưng chúng ta không được may mắn như dân Chúa xưa kia hay gần gũi hơn là các môn đệ đã thấy và đã tin.

Cám ơn các tông đồ và đặc biệt cám ơn ông Tôma đã giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ hơn về việc Chúa sống lại, về lòng tin của mình.

Từ ngàn xưa, con người nói chung và con cái Thiên Chúa nói riêng đã thấy, đã tin, nhưng vẫn còn vô số người đã thấy, nhưng vẫn chối từ, vẫn không tin. Đã không thấy mà tin là một đòi hỏi rất khó đối với đức tin, đồng thời cũng là một yếu tố xác định mức độ lòng tin của chúng ta.

Đức tin và bình an

Trong cuộc hành trình đức tin, những người đã không thấy mà tin và ngay cả những người đã thấy và đã tin vẫn luôn gặp những trở ngại, nghi ngờ, lo lắng, bất an.

Các môn đệ, sau cuộc “bức tử” của Thầy Giêsu, họ đã hoang mang, lo lắng, sợ sệt, bất an: số phận của họ rồi sẽ ra sao? Ai sẽ là người hướng dẫn để tiếp tục công việc của Thầy?… Tụ lại với nhau, nhưng cửa đóng then cài.

Và những người đã không thấy mà tin thì sao? Đức tin của chúng ta ở mức độ nào? Chúng ta tin, nhưng đã sống và chết vì đức tin như thế nào?

Đức tin chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt, chưa xác tín..thì luôn gặp những bất an. Thử thách, gian nan, khổ cực là thước đo đức tin, là những bất an trong tâm hồn.

Hiểu được tâm trạng lo lắng, sợ sệt, bất an của các môn đệ, nên qua hai lần hiện ra với các ông sau khi sống lại, lời trấn an đầu tiên mà Chúa gửi đến các ông là: “Bình an cho các con” và Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần xuống để cùng đồng hành với họ. Như thế là họ sẽ được bình an, được an tâm để lên đường tiếp tục công việc của Thầy, không còn phải lo lắng, hoang mang.

Và cũng hiểu được tâm trạng bất an của chúng ta ngày nay, Chúa cũng đã chúc bình an và hứa với chúng ta rằng: “Thầy sẽ xin Cha Thầy, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”. (Ga. 14,15). Cũng như các môn đệ họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện ra và chúc bình an cho họ, ngày Chúa nhật họp nhau tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng đón nhận bình an của Thiên Chúa và chúc cho nhau bình an của Ngài để rồi lại ra đi trong bình an của Ngài đến với anh em. Bình an ấy là kết qủa của đức tin.

Chúng ta là những người “đã không thấy mà tin”, và đã được Chúa chúc phúc; vì, như Thánh Gioan Tồng đồ đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Ai tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng ấy. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người…, và giới răn Người không nặng nề. Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Chiên Chúa? (1Ga. 5,1-6)

Đức tin đem lại cho chúng ta bình an của Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tuyên xưng đức tin mà còn phải sống đức tin: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết; cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc. 2,26)

 

8. Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.

Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.

Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.

Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.

Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

 

9. Tôma đa nghi – Flor McCarthy

(Trích trong ‘Phụng Vụ Chúa Nhật và Lễ Trọng’)

** Học hỏi từ Tôma

Thật dễ sai lầm khi cho rằng những ai đã nhìn thấy Đức Giêsu, thì dễ có lòng tin hơn so với chúng ta. Tin Mừng chứng tỏ rằng có nhiều người đã được nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng vẫn không có lòng tin nơi Người. Nhìn thấy không nhất thiết là tin. Động tác tin tưởng lôi kéo theo một quyết định tin tưởng.

Trên thực tế, Tin Mừng còn cho thấy rằng ngay cả các Tông đồ mà còn có vấn đề về lòng tin. Tôma không phải là người Tông đồ duy nhất nghi ngờ về sự sống lại. Tất cả các Tông đồ đều như vậy cả. Thánh Maccô kể cho chúng ta nghe rằng khi Đức Giêsu hiện ra với họ vào buổi tối Phục sinh, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người chỗi dậy”. (Mc 16: 14).

Chúng ta có thể thông cảm cho các Tông đồ. Cảnh Đức Giêsu bị đóng đinh đã làm cho họ bị tuyệt vọng. Họ đã dành cho Đức Giêsu một tầm quan trọng lớn lao. Họ đã bỏ hết công việc của mình, và để lại mọi sự để đi theo Người. Thế mà Người lại đột ngột ra đi. Càng nghe nói thật về cái chết của Người, thì sự mất mát của họ càng trở nên lớn lao hơn. Giá trị và ý nghĩa của tất cả mọi sự đều bị đe doạ: tình bạn đồng hành, lòng tin và toàn bộ cuộc sống của họ.

Và rồi một điều không thể tin nổi đã xảy ra – một lần nữa, Người lại đứng giữa họ. Việc đầu tiên mà Người làm, là chỉ cho các ông nhìn thấy những vết thương của Người. Tại sao Người lại làm như vậy? Trước hết, bởi và những vết thương này giúp cho các ông nhận ra Người chính là Đấng đã bị đóng đinh. Thứ hai, những vết thương này là bằng chứng tình yêu của Người đối với họ. Tình yêu phải được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể. Sau đó, Người còn mời gọi các ông “nhìn xem và sờ tay vào”.

Trường hợp của Tôma đặc biệt soi sáng chúng ta. Ông đã chứng tỏ một sự chân thành thật thú vị. Ông không hề cố gắng che đậy những nghi ngờ của mình. Người ta thường nhìn sự hoài nghi như là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng ta thường hay mang mặc cảm tội lỗi, vì đã có những hoài nghi. Nhưng hoài nghi có thể là một điểm nói lên sự đang phát triển, là một hòn đá bước lên để đi vào sự hiểu biết sâu xa hơn. Đây là điều chắc chắn đối với Tôma, bởi vì trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, ông đã tiến tới việc diễn tả lời tuyên xưng cao cả nhất về lòng tin nơi Đức Giêsu: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”.

Ở nơi đây, trên trái đất này, người ta không thể tuyệt đối biết chắc chắn về những điều thiêng liêng. Nếu biết chắc chắn, thì không còn cần đến lòng tin nữa. Sự tuyệt đối chắc chắn có thể đưa đến thói kiêu ngạo, không khoan dung và sự ngu xuẩn. “Kẻ tin nào không bao giờ tỏ ra hoài nghi, thì không phải là kẻ tin nữa” (Thomas Merton).

Một cộng đoàn đều có thể rút được kinh nghiệm từ một nhân vật như Tôma, nghĩa là một người có can đảm đặt ra những câu hỏi mà không một người nào khác dám hỏi. Đó là người chân thành, người như vậy cũng giúp cho những người khác giữ được chân thành. Họ làm cho những kẻ tin tức giận, khi bày tỏ sự mỏng dòn nơi lòng tin của họ; họ làm cho những kẻ hoài nghi tức giận, khi làm cho những người này cảm thấy sự dằn vặt của nỗi trống rỗng trong tâm hồn.

Sau khi chế ngự được khủng hoảng lòng tin của mình, Thánh Tôma đã tiếp tục can đảm làm chứng cho Đức Giêsu, và trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội tiên khởi. Theo truyền thống, ngài đưa Tin Mừng tới tận Ba Tư, Syria và Ấn Độ, là nơi ngài chịu tử đạo. Thánh Tôma là người Tông đồ đầu tiên chịu chết vì đức tin.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta tiếp cận với Người trong lòng tin, và nhìn vào những vết thương của Người. Mặc dù chúng ta không được đụng chạm vào Người về mặt thể lý, nhưng chúng ta vẫn có thể tiến lại gần Người về mặt thiêng liêng. Và chúng ta cũng được kêu gọi mang lời chứng đến cho những người khác. Công việc của Chúng ta là làm cho Đức Giêsu trở thành “nhìn thấy được” trên thế giới. Các môn đệ đầu tiên đã làm theo cách này. Một khi đã được nhìn thấy Đức Kitô, họ cảm thấy bắt buộc phải làm cho người khác nhận biết người.

Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và không tin tưởng. Cách thức duy nhất khiến cho họ được biến đổi trong lòng tin, đó là làm như thể họ “nhìn thấy” Đức Giêsu và “đụng chạm” vào Người thông qua những kẻ đi theo Người. Nhưng kẻ đi theo Người lại không hề có vết thương tình yêu để bày tỏ ra cho họ, vì thế, chưa chắc có thể thuyết phục được những kẻ không tin.

Xin cho chúng ta xứng đáng được kể và số những người mà Đức Giêsu chúc phúc, nghĩa là “những kẻ không thấy mà tin”.