Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm C

“Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Nghe và thực hành Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, thì tâm hồn sẽ được cảm hoá và biến đổi tốt lành hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn, gia đạo bền vững, vợ chồng quan tâm, kính trọng nhau, con cái hiếu đễ, ngoan ngoãn, yên vui, xum vầy...

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 2 Thường Niên C

Ga 2,1-11

1. Để cho tình mặn nồng

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Trăm năm hạnh phúc là lời chúc không thể thiếu trong các tiệc cưới. Tình duyên mãi sắt son và mặn nồng là điều ai cũng ước mong khi bước vào đời sống hôn nhân – gia đình. Nói về chữ tình thì có lẽ tình hôn nhân đứng hàng đầu so với các thứ tình nhân loại khác như tình mẫu tử, phụ tử, bằng hữu… Đức Bênêđictô XVI đã nhận định: “Tình yêu này, tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly và mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được, có vẻ là kiểu mẫu của tình yêu; bên cạnh tình yêu này, thoạt nhìn mọi hình thức khác của tình yêu hầu như mờ nhạt đi” (TĐ Thiên Chúa Là Tình Yêu số 2).

Tình yêu hôn nhân được đề cao không nguyên chỉ vì người ta thoáng nhận ra nét đẹp là sự hết lòng và tính vô cầu nơi tình yêu này mà còn thấy được tầm quan trọng của nó là làm nên gia đình vốn là tế bào của xã hội. Quả thật lịch sử minh chứng rằng ở đâu mà tình yêu hôn nhân bị hạ giá thì ở đó đời sống xã hội dễ bị xuống cấp, bất ổn và nền đạo đức dễ bị băng hoại. Thánh Tông đồ dân ngoại đã dùng tình yêu đôi lứa làm dấu chỉ cho tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Nhiều Ngôn sứ như Hôsê, Isaia cũng dùng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).

Con Thiên Chúa đã làm người, chào đời trong một mái gia đình. Khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng và trong lần đầu tiên thể hiện quyền năng, Chúa Giêsu đã cứu giúp một đôi tân hôn khỏi bẽ mặt trước quan khách trong một tiệc cưới. Qua bài tường thuật của tin mừng thánh Luca về phép lạ hóa nước thành rượu ngon của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana chúng ta có thể rút ra đôi điều nhận định về đời sống hôn nhân gia đình:

– Luôn có đó nhiều sự kiện hay biến cố dù không mong vẫn cứ đến, dù chẳng muốn vẫn cứ xảy ra. Đã tổ chức tiệc cưới thì việc chuẩn bị rượu cách đủ đầy và có dư là điều như tất yếu. Với người Do Thái thời bấy giờ thì đây là chuyện hẳn nhiên, vì theo phong tục tập quán thì tiệc cưới có thể kéo dài từ ba đến bảy ngày. Tiệc cưới tại Cana có thể nói là đám tiệc không nhỏ. Chúng ta có thể luận suy điều này vì có người quản tiệc và số lượng chum nước dùng cho việc thanh tẩy (sáu chum nước, mỗi chum khoảng tử 80 dến 120 lit nước). Tiệc lớn, ắt gia đình phải khá giả. Nhà khá giả thì chuyện chuẩn bị rượu cho khách không phải là chuyện quá sức và dĩ nhiên ít khi bị xao lãng. Thế mà tiệc chưa tàn thì rượu đã hết!

Từng hỏi nhiều đôi hôn nhân chung sống từ muời, hai muơi năm trở lên rằng các bạn đã bất hòa với nhau bao nhiêu lần, thì được câu trả lời là đếm không hết. Lại hỏi tần suất những lần mà những chuyện không như ý lớn nhỏ xảy ra là bao nhiêu, thì được trả lời là khoảng trên dưới một tuần một lần. Quả thật khi đã chung sống, chung mâm, chung nhà, chung… thì khó tránh được sự “chung đụng” do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan từ phía này hoặc phía kia. Nhìn nhận hiện thực cuộc sống để rồi chủ động tìm cách giải quyết, khắc phục, nghĩa là để duy trì và phát triển sự mặn nồng của tình yêu.

– Ngoài nỗ lực của bản thân người trong cuộc là đôi bạn thì rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và cả những người hữu quan miễn là họ vốn có tầm lòng và sự bén nhạy với các tình huống. Tấm lòng và sự nhạy bén của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana thì chúng ta đã rõ. Không kể Chúa Giêsu, có lẽ khách dự tiệc hôm ấy đang ở cao trào của tiệc vui vì tình trạng “ngà ngà say”, nên dường như chẳng có ai phát hiện sự cố thiếu rượu. Với tấm lòng nhạy bén, Mẹ Maria đã nhận ra sự cố này để rồi đến xin Chúa Giêsu ra tay can thiệp, cứu giúp.

Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng“. Sự thường người ngoài cuộc thì dễ có sự bình tâm để nhìn nhận vấn đề hơn. Tuy nhiên người ở ngoài này phải có cái tâm, cái tình và cái nhìn cách nào đó như tình người trong cuộc, nghĩa là xem như chuyện của mình. Để cho tình yêu hôn nhân vững vàng trước những sóng gió bễ đời, thì sự góp phần của mẹ cha, ông bà, thân bằng quyến thuộc là điều đáng trân trọng và đáng cầu mong. Xin đừng quên vai trò thiết yếu và hữu hiệu của người Mẹ đã nhận nhân loại chúng ta làm con khi Người đứng dưới chân thập giá năm nào (x.Ga 19,26-27). Đến với Mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ dẫn đến với Giêsu, Con của Mẹ là Đấng mà không có sự gì là không thể làm được.

– Đã yêu thì không chờ cơ hội cũng chẳng đợi đến thời đến buổi. Dù chưa đến giờ bày tỏ vinh quang, nhưng vì yêu thương Chúa Giêsu đã ra tay giáng phúc cho đôi tân hôn hôm ấy. Dù đã cùng với các môn đệ lánh riêng một nơi để nghỉ ngơi thế mà trước đoàn lũ dân chúng đông đảo như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu đã tiếp tục giảng dạy họ nhiều điều (x. Mc 6,30-34). Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải làm ngay hôm nay những gì ở trong tầm tay. Thiên Chúa là Tình Yêu và với Người thì mọi sự đều là hiện tại. Đã yêu hay sẽ yêu thì chưa hẳn là yêu. Động từ yêu cần phải luôn ở trong thì hiện tại.

– Sự kiện Chúa Giêsu làm cho sáu chum nước tức là khoảng sáu đến bảy trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon hảo hạng khiến chúng ta nhận ra một quy luật của tình yêu đó là phải nhiều và mặn nồng hơn mãi. Có lẽ nhiều đôi bạn như chưa nhận thức đủ quy luật này. Tương tự như sự học, chuyện tình yêu như con thuyền đi dòng nước ngược. Không tiến thì ắt lùi.

– Để mặn nồng trong tình yêu thì lời căn dặn của Mẹ Maria quả là rất đáng lắng nghe và tuân giữ: “Người bảo gì thì hãy làm theo”. Thực thi lời Chúa dạy là điều tất yếu, nếu muốn vẹn chữ tình. Xin chớ dong dài luận lý trước mệnh lệnh Chúa truyền nếu chúng ta đã tin nhận Người là Đấng toàn tri và nhân hậu vô cùng. Vẫn có đó nhiều lứa đôi than vãn rằng con cầu xin mãi mà Chúa chưa ban cho gia đình ấm êm, thuận hòa. Trong nhiều lý do thì thường có lý do này là họ vẫn mãi cố chấp biện minh cho mình mà không thực thi điều Chúa phán trong lương tâm hay qua sự hướng dẫn của các mục tử hay qua sự khuyên bảo của những người khôn ngoan và đầy thiện ý.

– “Hãy đổ nước đầy các chum!” Đây là nước dùng cho việc thanh tẩy theo tục lệ của người Do Thái thời bấy giờ. Tập tục lúc bấy giờ, khi dùng bữa người Do Thái không ngồi trên ghế mà nằm nghiêng giữa sàn nhà. Vì thế việc rửa chân tay không chỉ mang tính lễ nghi thanh tẩy theo truyền thống mà còn để giữ vệ sinh cho sàn nhà, nơi các thực khách nằm mà dùng bữa. Để giữ sự mặn nồng tình yêu thì Chúa Giêsu lại ra lệnh làm một việc của sự thanh tẩy. Điều này nhắc nhớ chúng ta sự thật này: những bất hòa, bất ổn trong tình yêu hôn nhân gia đình thường có nguyên nhân là lỗi hay tội của ai đó hay của cả đôi bên. Thanh tẩy tâm hồn là điều cần thực hiện liên lĩ. Thanh tẩy không nguyên chỉ để cho tâm hồn mình trong sáng, tinh sạch mà còn vì hạnh phúc của người mình yêu thương.

Tu thân -Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Cái nhìn của người xưa vẫn chưa hề lỗi vậy.

 

2. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R)

Thời nay, đài truyền hình làm chương trình “chìa khóa thành công” hướng người trẻ khám phá và phát triển những khả năng của bản thân, hầu thành công trên đường đời.

Sáng kiến của đài truyền hình thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, đối với người tín hữu, mọi hoạt động của cuộc sống con người phải bắt đầu từ việc sống lời Chúa.

Trình thuật Tin Mừng tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11) sẽ soi sáng điều này.

1. TIỆC CƯỚI

Rất tự nhiên, để sống đời hôn nhân, đôi nam nữ chính thức tuyên bố cho mọi người biết về sự chung sống của họ nơi bữa ăn mà người đời thường quen gọi là tiệc cưới.

Ngày hôn lễ, đôi tân hôn hạnh phúc tràn ngập; khách dự tiệc, họ hàng thân hữu hân hoan chúc tụng… và mong ước cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc, vẹn nghĩa thủy chung… Tại tiệc cứơi Ca-na, Đức Ma-ri-a, Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự để chia sẻ niềm vui với nhà cưới.

Ngày cưới, khởi đầu cuộc sống hôn nhân, mọi người và nhất là đôi tân hôn mong ước mọi sự diễn ra tốt đẹp, bởi đầu có xuôi thì đuôi mới lọt.

Vậy mà, tại tiệc cưới Ca-na, đang khi mọi người vui say hào hứng, thì nào có ai biết, nhà cưới lại đứng trước nguy cơ tắc trách. Hết rượu!

Ai đã phát hiện ra điều này? Mẹ Ma-ri- a.

Với tất cả tấm lòng nhậy cảm của một người mẹ lo toan chăm sóc trong gia đình, Mẹ đã sớm phát hiện ra nguy cơ lúng túng của nhà cưới và nói với Đức Giê-su con của Mẹ: “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).

Bây giờ, xử lý giải pháp này ra sao? Mẹ dặn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

2. CHÚA GIÊSU LÀ LỜI THIÊN CHÚA

Bằng lời quyền năng: “đổ nước vào các chum” (Ga 2, 7) Đức Giê-su đã cứu nguy cho nhà cưới một bàn thua trông thấy. Dấu lạ đã xảy ra, nước lã đã hóa rượu ngon, nhà cưới đã thoát hiểm, niềm vui tiếp tục dâng cao.

Từ dấu lạ đầu tiên tại Ca-na, các môn đệ đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa và “tin vào Người” (Ga 2, 11) và sau này xác tín mạnh mẽ: chỉ nơi Chúa Giê-su ” mới có những lời mang lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).

Thì ra, sau khi tội nguyên tổ ập xuống trên con cháu, cuộc sống của con người không hoàn toàn tuyệt mỹ. Dầu người ta có mong ước mọi chuyện tốt đẹp nhưng sự tắc trách vẫn luôn rình rập và tai họa có thể ấp đến bất cứ lúc nào.

Đến nay, trong Chúa Giê-su, không chỉ mọi khó khăn trong sinh hoạt thường ngày của đời người sẽ được giải gỡ, mà sâu xa hơn, nơi Người, Thiên Chúa thông đạt thiện ý nhiệm mầu (Dt 1, 1) “Thiên ý này là kế hoạch yêu thương. Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1, 9).

Lắng nghe lời Chúa Giê-su, người ta biết được Thiên Chúa là Cha, biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, biết được sự sống đời đời “sự sống đời đời là được nhận biết Cha Thiên Chúa duy nhất chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17, 3).

Qua nhiều cách, Chúa vẫn đang ban lời của Người cho nhân loại để giải thoát con người mọi bế tắc, giúp họ tìm lại nguồn hạnh phúc, hướng dẫn họ tìm được giải pháp để thành công. Nhờ vậy, họ không còn phải đi trong bóng tối mà bước đi trong ánh sáng. Lời Chúa tiếp tục vang lên nơi Hội Thánh.

3. LỜI CHÚA NƠI HỘI THÁNH

Trước khi về trời Chúa Giê-su đã ban cho Hội Thánh nhiệm vụ công bố lời Người. (Mt 28, 18-20).

Hội Thánh không thể quên dấu lạ nước lã hóa rượu ngon ở tiệc cưới Ca-na được gợi lên từ sự quan tâm của Mẹ Ma-ri-a, từ tình yêu tuyệt đối của Đức Giê-su.

Dầu là người mẹ của Con Thiên Chúa quyền năng những Mẹ Ma-ri-a chưa hề xin cho bản thân hay cho Thánh Gia một dấu lạ nào. Có chăng, Mẹ chỉ âm thầm hy sinh và suy gẫm những kỷ niệm Chúa ban cho gia đình (x. Lc 2, 19). Vậy mà, nơi tiệc cưới Ca-na, vì hạnh phúc của nhà cưới, Mẹ Ma-ri-a đã lên tiếng khẩn cầu Chúa “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).

Rõ ràng chính tình yêu và lòng quảng đại và sự quan tâm của Mẹ Ma-ri-a đến đồng loại đã làm nên sự biến đổi diệu kỳ: nước lã được biến đổi thành rượu hảo hạng. Trong ân sủng và tình thương, mọi bế tắc sẽ được giải gỡ, những khó khăn sẽ không còn, mọi lo lắng sẽ thành niềm vui và hoan lạc.

Nối tiếp sứ vụ của Chúa, và gương sáng của Mẹ Ma-ri-a, Hội Thánh sẽ mang trọng trách không ngừng loan báo lời Chúa cho muôn người, thể hiện qua những sinh hoạt của Hội Thánh (cụ thể nơi những thành phần như: Đức Giáo Hoàng – các Đức Giám Mục nhất là Đức Giám Mục giáo phận – các linh mục – giáo dân – các vị thừa sai khắp nơi…) bằng lời rao giảng, bằng sự quan tâm trách nhiệm dấn thân, bằng tình yêu và bằng chính mạng sống của mình.

Đứợc Chúa Thánh Thần hướng dẫn (x Ga 14, 17), Hội Thánh xác tín mọi ơn ban đều là quà tặng của Chúa Thánh Thần “có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí” (1Cr 12, 4) được ban cho nhiều người khác nhau không phải để mưu ích cho cá nhân mà là ” vì ích chung” (1Cr 12, 7).

Từ đó, Hội Thánh vững vàng tin tưởng chính Chúa Thánh Thần sẽ nhắc cho người tín hữu nhớ việc làm và lời dạy của Chúa Giê-su (Ga 14, 26). Trời đất dẫu qua đi nhưng lời Chúa thì sẽ tồn tại mãi (x.Mt 24, 35).

KẾT

Thành công là mong ước chính đáng của mọi người. Cách riêng thành công của người tín hữu được xây trên nền tảng lời Thiên Chúa, trong sự nguyện cầu của Mẹ Ma-ri-a.

Thế nên, người tín hữu tôn thờ Chúa Giê-su và tin tưởng Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1, 1. 14), ban lời sự sống vĩnh cửu cho con người (x. Ga 6, 68).

Với tâm hồn vui mừng, tạ ơn, người tín hữu đón nhận Lời Chúa là ngọn đèn, là ánh sáng soi sáng chỉ đường (Tv 118), biến đổi thành họ thành những người con đích thực của Chúa, hầu lãnh nhận “phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10).

 

3. Quan tâm đến tha nhân

(Suy niệm của JKN)

Chủ đề: Thiên Chúa cứu chữa điều hư hỏng nên hoàn hảo hơn cả tình trạng ban đầu

Câu hỏi gợi ý:

1. Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình – cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó – có phải là một lối sống được Thiên Chúa mong muốn và chúc lành không? Hay đó là một bậc sống thấp hèn?

2. Trường hợp đám cưới này, nhờ sự can thiệp cứu độ của Đức Giêsu, sự thiếu rượu cuối cùng lại biến thành có rượu mà rượu ấy lại còn ngon hơn rượu trước, khiến cho đám cưới trở nên tốt đẹp hơn dự tính. Điều đó hàm ý nghĩa gì khi có sự cứu chữa hay can thiệp của Thiên Chúa?

3. Vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh này quan trọng thế nào? Sự thường trong hoàn cảnh này, nếu không có Đức Mẹ, thì Chúa Giêsu có ra tay cứu chữa không?

4. Lý do gì khiến Đức Mẹ nhận ra họ thiếu rượu? Mẹ có nhậy bén trước nhu cầu của người khác không? Tại sao Mẹ lại nhậy bén như vậy?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu tham dự tiệc cưới và cứu chữa thế kẹt cho đám cưới

Ngay từ khởi thủy, “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, trở nên một với nhau, “cả hai trở thành một xương thịt” (St 2,24). Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Vì thế, đôi nam nữ yêu thương nhau, kết hợp với nhau thành vợ chồng, thành gia đình. Họ còn cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người. Đó là điều hết sức tốt đẹp và thánh thiện, nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên – có thể nói kế thượng sách – của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, là phép lạ dành cho tiệc cưới Cana. Cả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa – qua con người Đức Giêsu – đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, đáng được ủng hộ và chúc phúc.

Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, nên Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch thứ hai là kế hoạch cứu chuộc. Ơn gọi linh mục hay tu sĩ nằm trong kế hoạch cứu rỗi này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ của Giáo Hội, thì Đức Giêsu đã lập bí tích hôn nhân trong tiệc cưới Cana này.

2. Kế hoạch cứu chuộc làm kế hoạch sáng tạo thành công tốt đẹp hơn

Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giêsu, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui đi rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó mà Đức Giêsu mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơn, hơn cả khi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự tiệc vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là sửa chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra trục trặc nào cả. Chính vì thế, trong lễ đêm Phục sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc. Và theo sự khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ sửa chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp hơn lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới có thể làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Kitô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.

3. Sự đồng công của Đức Mẹ trong công việc của Chúa Giêsu

Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới (vốn thuộc kế hoạch thứ nhất) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ) đã được Chúa Giêsu cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp (kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công).

Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy lòng thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giêsu, nhưng nếu không có Mẹ Maria thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.

Người Kitô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Maria trong việc nên thánh và sống đời Kitô hữu của mình. Trong việc nên thánh, những Kitô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria thì thường là dễ thành công hơn.

4. Mẫu gương quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nơi Mẹ Maria

Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giêsu, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy cảm trước nhu cầu, nỗi khó khăn, sự đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù theo lẽ thường họ cố gắng không biểu lộ ra. Chắc chắn có biết bao phụ nữ cùng đi dự đám cưới ấy đã không nhận ra điều ấy.

Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải lúc nào cũng là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương.

Chúng ta thường nghĩ rằng mình đang yêu thương, đặc biệt những người gần gũi ta nhất: cha mẹ, vợ con (hay chồng con), anh chị em ta. Nhưng có đích thật là ta yêu thương những người ấy không? ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không? ta có sẵn sàng thỏa mãn những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không? ta sẵn sàng tới mức độ nào?

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác.

 

4. Cuộc sống luôn cần sự quan tâm

(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)

Sau khi chịu phép rửa của Thánh Gioan, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai. Ngài rao giảng Tin mừng. Đi liền với lời rao giảng là các phép lạ. Bài Tin mừng hôm nay tường thuật phép lạ Ngài biến nước thành rượu ngon theo lời thỉnh cầu của Đức Mẹ. Đây là phép lạ đầu tiên của Ngài. Qua phép lạ này, chúng ta thấy được những bài học về sự quan tâm: Sự quan tâm của Đức Mẹ; sự quan tâm của Chúa Giêsu và sự quan tâm của các gia nhân.

1. Sự quan tâm của Đức Mẹ

Đi dự đám cưới để chúc mừng hạnh phúc của đôi tân hôn là chuyện bình thường trong cuộc sống. Đặc biệt khi con người có những mối liên hệ: Ruột thịt, họ hàng, bạn bè, làng xóm láng giềng với nhau. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi dự tiệc cưới. Chắc chắn gia đình chủ tiệc có liên hệ gì đó với Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Thông thường, những người được mời đến dự tiệc sẽ được sắp xếp ngồi vào chỗ đã chuận bị trước và được gia chủ tiếp đón một cách chu đáo. Đức Mẹ và Chúa Giêsu là khách mời, và có lẽ là khách mời danh dự nên sẽ được sắp xếp vào chỗ ngồi đặc biệt. Nhưng tại sao Đức Mẹ lại biết chủ tiệc hết rượu? Vì Mẹ quan tâm đến gia chủ. Mẹ quan sát và thấy gia chủ bối rối. Mẹ tìm hiểu và thấy họ hết rượu.

Đúng như người ta nói: Bác ái là tìm tòi. Tìm sự thiếu thốn của người khác để quan tâm, để giúp đỡ. Giúp đỡ như thế nào đây? Đức Mẹ đã nghĩ đến Chúa Giêsu. Vì Mẹ tin tưởng chỉ có Con của Mẹ mới có thể giải quyết được chuyện này. Thế là Mẹ đã mạnh dạn đặt vấn đề với Chúa Giêsu, Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi”(x. Ga 2,3). Vai trò của Mẹ là như thế: Cầu bầu. Việc còn lại là của Chúa Giêsu. Mặc dầu, câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ lạnh nhạt: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”(x. Ga 2,4). Nhưng Mẹ vẫn tin tưởng Chúa Giêsu sẽ làm gì đó để giúp đỡ chủ tiệc. Bằng chứng là Mẹ đã bảo những người giúp việc “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”(x. Ga 2,5).

Mẹ Maria có mặt ở tiệc cưới Cana là do lời mời của gia chủ, và cũng là do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, nhiều gia đình đang thiếu thốn cách này cách khác: Thiếu thốn sự quan tâm, thiếu thốn tình yêu, thiếu thốn miếng cơm manh áo, bị bệnh tật…Hãy mời Mẹ về với gia đình, hãy dâng những nỗi khổ, những sự thiếu thốn của gia đình chúng ta cho Mẹ. Mẹ sẽ sẵn sàng cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ gia đình chúng ta như xưa Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ gia đình tiệc cưới tại Cana.

2. Sự quan tâm của Đức Giêsu

Trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu hằng luôn quan tâm đến mọi hạng người để giúp đỡ, để biến đổi, để chữa lành. Riêng trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Ngài quan tâm đến lời yêu cầu của Đức Mẹ. Khi Mẹ Maria đề nghị Ngài cứu giúp gia tiệc, Chúa Giêsu trả lời cho Mẹ biết “Giờ Ngài chưa đến”(x. Ga 2,4). Mặc dầu giờ chưa đến nhưng do lời thỉnh cầu của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon. Điều đó chứng tỏ Ngài quan tâm đến Mẹ. Sự quan tâm đó còn được thể hiện qua việc Ngài lối Đức Mẹ cho Thánh Gioan và lối Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Từ đó, Mẹ trở thành mẹ của mỗi người chúng ta. Mẹ hằng yêu thương giúp đỡ chúng ta khi còn sống cũng như khi đã về trời. Vì vậy, Giáo hội thường gán cho Mẹ các tước hiệu như: Đấng bênh vực, Mẹ Phù hộ, Mẹ cứu giúp, Đấng làm trung gian (x. LG 62).

Chúa Giêsu không những quan tâm đến Đức Mẹ mà Ngài còn quan tâm đến chủ tiệc và đôi tân hôn, tức là quan tâm đến đời sống gia đình. Đám cưới là niềm vui lớn nhất trong đời của đôi tân hôn. Chính vì vậy, cả đôi tân hôn và cả gia đình chủ tiệc đều mong muốn có một niềm vui trọn vẹn. Thế mà, không hiểu sao giữa tiệc vui lại hết rượu. Đây là sự cố xảy ra ngoài ý muốn của gia đình và cô dâu chú rể. Vì không muốn họ mất đi niềm vui trọn vẹn, nên Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon để cứu giúp họ. Việc Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới và làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon nói lên sự quan tâm của Ngài đối với gia đình. Đó lá dấu chỉ Ngài sẽ lập Bí tích hôn phối sau này. Bí tích hôn phối được Chúa thiết lập kết hợp người nam và người nữ thành vợ chồng. Đặc tính của bí tích này là đơn hôn và vĩnh hôn. Nghĩa là phải một vợ một chồng và phải sống với nhau cho đến chết.

3. Sự quan tâm của các gia nhân

Thông thường trong các đám cưới, ngoài cha mẹ anh em họ hàng ra còn có những người làng xóm, bạn bè…Họ không phải là khách mời, nhưng là những người đến để giúp đỡ. Họ giúp gia chủ những công việc như: Dựng rạp, sắp đặt bàn ghé, trang trí, nấu nướng, bưng bê mâm cỗ…Tại đám cưới ở Cana, vai trò của những người này hết sức quan trọng. Không những họ làm những công việc trên, mà họ còn đóng góp phần mình trong phép lạ hoá nước thành rượu ngon. Sau khi đề nghị với Chúa Giêsu, Mẹ Maria bảo họ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x. Ga 2,5). Và khi nghe Chúa Giêsu bảo đổ đầy nước vào các chum. Họ liền làm đúng như vậy. Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc” (x. Ga 2,8). Họ cũng làm theo như vậy, và phép lạ đã được thực hiện.

Như vậy, phép lạ hoá nước thành rượu ngon do Chúa Giêsu làm nhưng nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ Maria và sự cộng tác tích cực của các gia nhân.

Trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống gia đình, cần có sự quan tâm, giúp đỡ, cộng tác của những người xung quanh. Đó là sự cộng tác: giữa vợ chồng với nhau; giữa cha mẹ và con cái; giữa anh em ruột thịt; giữa bạn bè; giữa làng xóm láng giềng. Mỗi người Chúa ban cho mỗi khả năng, nếu biết quan tâm, giúp đỡ, cộng tác với nhau chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn. Thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói: “Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”(1 Cr 12, 9-11).

Cuộc sống cần sự quan tâm. Noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các gia nhân trong bài Tin Mừng, mỗi chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với những người xung quanh. Mình giúp người, người giúp mình đó là quy luật của cuộc sống. Để thấy rõ hơn điều đó, chúng ta hãy nghe câu chuyện cảm động sau đây: Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thịt đông lạnh. Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc, như thường lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra một chút. Đột nhiên, cửa phòng bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết.

Cô vừa hét khản cổ họng vừa đập cửa với hy vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu, nhưng vẫn không có ai nghe thấy. Lúc này tất cả công nhân đã tan ca, toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh.

Sau 6 giờ chiều hôm ấy, nữ công nhân lạnh cóng người, tuyệt vọng và đau khổ… Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa thì bất ngờ được người bảo vệ đến mở cửa cứu ra ngoài.

Hôm sau, cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa, mặc dù đây không phải khu vực mà ông ấy quản lý.

Người bảo vệ trả lời: “Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào. Nhưng cô là người duy nhất mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy! Hôm nay, tôi biết rõ ràng buổi sáng cô có đi làm bởi vì sáng sớm cô còn nói “cháu chào bác!” Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: “Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!” Thế là tôi quyết định đi vào trong nhà xưởng tìm xem xem thế nào. Tôi đi đến những chỗ góc hẻo lánh tìm cô và cuối cùng lại nghe thấy tiếng khóc và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh…”

Hãy luôn khiêm tốn nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình bởi vì bạn không thể biết được sự tình gì sẽ xuất hiện vào ngày mai!

(Theo NTDTV, Mai Trà biên dịch)

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đến tham dự tiệc cưới ở Cana và Chúa đã cứu gia đình chủ tiệc một bàn thua trông thấy khi làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon. Ngày hôm nay, nhiều gia đình đang tan nát vì họ thiếu thố đủ thứ: Thiếu tình thương, thiếu sự kính trọng, thiếu sự quan tâm, thiếu niềm tin, thiếu lòng chung thuỷ…Xin Chúa hãy đến với họ để giúp họ như xưa Chúa đã giúp gia chủ và đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana. Amen.

 

5. Ý nghĩa phép lạ Cana

(Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi có viếng thăm Nhà Thờ Cana. Nơi đây cách Nagiarét 7km về hướng Bắc. Một vùng nông thôn nằm giữa Nazarét và biển hồ Tibêria, ngày nay gọi là Kefr Kenna. Cana cũng là quê hương của Tông đồ Nathanael (Batôlômêô).

Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại Cana. Ngài biến nước thành rượu hảo hạng (Ga 2,1-12). Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ nói với gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”. Chúa Giêsu nói với gia nhân: “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon. Người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.

Chúa Giêsu còn thực hiện một phép lạ khác tại Cana: chữa lành cho con một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54).

Từ chỗ dừng xe, phải leo lên một đoạn dốc cao, hai bên có nhiều quày hàng bán quà lưu niệm vui vẻ mời chào.Chúng tôi thấy một ngôi Thánh đường có hai tháp, biểu tượng cho đôi lứa và một vòm ở giữa tượng trưng sự tận hiến của đơn vị gia đình.

Bên trong Thánh đường, người ta đặt chum rượu của thời Chúa Giêsu một cách cung kính ở ngay Cung Thánh. Những chum đá dưới bàn thờ cũng như ở tầng hầm có từ thế kỷ V. Chum có hình dáng như chum đá tại tiệc cưới Cana ngày xưa. Nơi đây như trình bày đặc ân mà Chúa muốn dành phép lạ đầu tiên để thánh hóa tình yêu lứa đôi và kiện toàn thể chế gia đình bền vững. Có một chum đá to được trưng bày trang trọng cho khách tham quan ngắm nhìn; đây là 1 trong 6 chum đá của phép lạ Cana được các nhà khảo cổ tìm thấy.

Có nhiều đoàn hành hương đã cử hành nghi thức lập lại lời hôn ước cho những cặp vợ chồng tại Nhà thờ Cana. Có những đoàn chọn Cana để kỷ niệm ngày thành hôn. Xin Chúa chúc lành cho hạnh phúc lứa đôi tại nơi này thì thật là ý nghĩa.

Chúng tôi quỳ gối đọc kinh, cầu nguyện cho những người sống đời đôi bạn được hạnh phúc, tín trung.

Phía trước Nhà thờ có nhiều quày bày bán quà lưu niệm. Những chai rượu Cana là quà mừng cho người thân bạn bè được du khách ưa chuộng nhất. Rượu nho sản xuất tại Cana. Ai cũng mua vài chai làm quà tặng quý giá như rượu chính phẩm được Chúa làm phép lạ năm xưa.

1. Phép lạ đầu tiên

Theo Tin Mừng Gioan thì hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa là quy tụ các môn đệ. Hành động thứ hai là đi dự tiệc cưới. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên cả Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng đi dự. Có thể là một đám cưới nhà nghèo nên thiếu rượu nữa chừng.

Tại Palestina, tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà, mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày.

Đám cưới Cana này mới đến ngày thứ ba thì đã hết rượu rồi. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối, khó xử. Các Rápbi vẫn nói: Không rượu thì không vui. Người Việt nói: Vô tửu bất thành lễ. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu rất quan trọng. Say rượu là một điều thật xấu hổ, nên họ uống rượu pha, hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều hổ thẹn, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana này. Sáu chum nước thành rượu ngon. Sáu chum đầy chứa khoảng 700 lít. Một lượng rượu khổng lồ.

Chúa Giêsu đi ăn cưới. Người không mang quà cáp hay phong bì. Chúa Giêsu chia sẻ cho cô dâu chú rể, cho họ hàng đôi bên và mọi người niềm vui của Người mà rượu là biểu tượng như lời Thánh Vịnh 109: “Rượu ngon làm phấn khởi lòng người”. Trong các lễ cưới nhân loại, rượu ngon được đãi trước. Trong lễ cưới của Thiên Chúa với Dân Ngài, rượu ngon lại được đãi sau cùng. Chúa Giêsu là sự hoàn hảo, là ân ban tối hậu (x. Ga 4,10). Rượu Chúa Giêsu cung cấp được lấy từ nước của Do Thái giáo và thay thế thứ rượu bị thiếu. Luật Môsê được thay thế bằng chất lượng Lời Đức Kitô, là Lời loan báo một điều răn mới (Ga 13,34), điều răn của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người trong Đức Kitô hiển vinh (x. Ga 14,20).

Tương quan giữa Luật Môsê và Lời Đức Giêsu được diễn tả tuyệt vời bằng hai loại rượu được dọn tại Cana. Một loại được tân lang phàm tục dọn còn bị thiếu nữa. Có một thứ rượu tuyệt hảo được ban tặng bởi Tân Lang đích thực là Chúa Giêsu. Ơn Cứu Độ chính là niềm vui trọng đại. Tiệc cưới được dùng làm hình ảnh Nước Trời. Hôn nhân là hình ảnh Thiên Chúa và Dân Người.

Trong Tin Mừng Gioan, có 7 phép lạ được kể lại. Pháp lạ Cana có một giá trị nổi bật vì đó là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu làm trong cuộc đời công khai. Các phép lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gioan không chỉ biểu lộ quyền năng Thiên Chúa mà còn mạc khải về mầu nhiệm Chúa Giêsu. Các phép lạ có tính biểu tượng cao. Các phép lạ là những dấu chỉ cho biết về con người Chúa Giêsu.

Sau mỗi phép lạ thường có một bài giảng nhằm vén mở ý nghĩa sâu xa của phép lạ đó. Chẳng hạn:

– Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa tự giới thiệu: “Ta là bánh hằng sống” (Ga 6).

– Sau khi chữa người mù được thấy ánh sáng, Chúa nói: “Ta là ánh sáng thế gian”(Ga 9).

– Sau khi cho Ladarô sống lại, Chúa tự nhận: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11).

2. Ý nghĩa phép lạ Cana

– Phép lạ Cana xảy ra trong một tiệc cưới. Trong Cựu Ước, để diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa đối với dân Israen, các Ngôn Sứ đã dùng hình ảnh hôn lễ, Thiên Chúa làm đám cưới với dân của Ngài. Thiên Chúa là chú rể. Đoạn văn (Is 54, 4-8) là một minh hoạ rất lý thú phối hợp đề tài xuất hành với một đề tài trong sách Hôsê, đó là Giuđa được coi như người bạn trăm năm của Thiên Chúa. Vì yêu thương người bạn trăm năm của mình bị bỏ rơi, Thiên Chúa sẽ đem những người lưu đày trở về quê nhà. Chủ đề của bài đọc I là cuộc phục hưng Giêrusalem trong tương lai được diển tả bằng ngôn ngữ hôn ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Với từ hôn ước này, Thiên Chúa sắp hoàn lại tước vị “hôn thê” cho dân Ngài. “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”. Niềm vui của Giáo Ước được làm mới lại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, tiên báo niềm vui thời Mêsia, niềm vui dạt dào như rược tiệc cưới Cana.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở tiệc cưới Cana mở màn cho hôn nhân Kitô giáo một kỷ nguyên mới. Đây là lễ hôn phối đầu tiên trong đạo mới. Chính Chúa Giêsu làm phép cưới, trước sự chứng giám của Mẹ Maria và các Tông Đồ. Bí tích Hôn phối của đạo mới khai nguyên từ đám cưới này. Dựa trên học thuyết của thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô, ca tụng tình yêu chồng vợ cao đẹp như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là hiền thê (Ep 5,22-33), Giáo Hội khẳng định “Chúa Kitô đã nâng hôn nhân giữa hai người được rửa tội lên hàng bí tích” (Giáo Luật # 1055). Từ nay, hôn nhân có đặc tính là nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly; hôn nhân được Chúa chúc phúc và được Giáo Hội chứng nhận.

– Phép lạ Cana diễn ra trong một bữa tiệc. Bữa tiệc là hình ảnh được dùng để diễn tả niềm vui vào ngày Đấng Mêsia đến. Bữa tiệc này dồi dào rượu ngon: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, thịt thì béo, rượu thì ngon”. Chúa Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Người ví mình là chú rể, là tân lang. Chúa Giêsu ví giáo huấn của Người là rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ. Đọc trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp một chú rể lúng túng và bất lực vì hết rượu đãi khách. Gia đình chỉ có nước dùng để thanh tẩy theo luật Môsê. Chúa Giêsu xuất hiện như Chú Rể thực sự của nhân loại. Người biến nước thành rượu, biến nước Cựu Ước thành rượu Tân Ước. Rượu của Người vừa ngon vừa nhiều, có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy Ơn Cứu Độ do Chúa Giêsu mang đến thật là nguồn ơn quý giá và dư đầy.

– Tiệc cưới Cana là biểu tượng Tiệc Cưới Con Thiên Chúa và loài người. Phép lạ nước hoá thành rượu đem lại niềm vui cho người dự tiệc loan báo về mầu nhiệm Thánh Thể; bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô đem lại nguồn vui Ơn Cứu Độ cho con người.Mỗi lần dự lễ là một lần dự tiệc. Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể là một phép lạ xảy ra hàng ngày trên bàn thờ, bánh và rượu nên Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, vì biết rằng Chúa yêu chúng ta, Người trở nên Bánh Hằng Sống nuôi chúng ta. Cả hai bàn tiệc nuôi dưỡng cuộc đời chúng ta sống trong niềm tin yêu vào Thiên Chúa.

3. Hãy đến với Mẹ Maria

Phép lạ Cana do Chúa thực hiện, nhưng Đức Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Sự can thiệp của một người mẹ nhạy cảm và từ ái góp phần làm nên phép lạ hoá nước thành rượu.

Tin Mừng Gioan nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana và lần cuối ở Núi Sọ. Mẹ chứng kiến cái chết của con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19, 25- 27). Cả hai lần đều có sự hiện diện của Chúa Giêsu và sự hiện diện của con người. Mẹ đã đưa con người đến với Chúa Giêsu ở Cana, và Chúa Giêsu cũng đã đưa Thánh Gioan, đại diện cho các tín hữu đến với Mẹ “Này là Mẹ con”. Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở núi Sọ. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu. Mẹ vẫn đi mãi, đồng hành với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Mẹ vẫn chia sẻ niềm vui và âu lo, nâng đỡ và ban ơn cho mỗi con người trong cuộc đời này.

Cuộc sống thường ngày có những trắc trở, những lúng túng, những khó khăn. Hãy đến với Mẹ. Lời cầu bàu của Mẹ có giá trị lớn lao trước Nhan Thánh Chúa. Mẹ vẫn thường nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” và Mẹ cũng hay nói với mỗi người chúng ta: “Hãy làm mọi điều Chúa bảo…”. Hãy làm theo lời Chúa, để rượu tình thương không bao giờ cạn vơi trong gia đình chúng ta.

 

6. “Ngài có bảo gì, hãy làm theo!”

(Trích trong ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)

Sở dĩ gọi Cana trong miền Galilê là để phân biệt với Cana miền Coelo-Syria. Đây là một làng rất gần Nadaret. Thánh Hiêrônimô, người từng ở Palestine bảo rằng, từ Nadaret ông có thể nhìn thấy Cana. Tại đó đang có một đám cưới, Đức Maria được mời đến dự và giữ một vai trò đặc biệt, chắc liên quan đến việc tổ chức nên bà đã tỏ ra lo lắng khi thấy thiếu rượu. Bà cũng có đủ quyền để ra lệnh cho đầy tớ làm bất cứ điều gì Chúa bảo.

Tại xứ Palestine, lễ cưới là một cơ hội thật sự quan trọng. Theo luật Do thái, lễ cưới của một trinh nữ phải tổ chức vào ngày thứ tư. Điều này rất thú vị, vì nó cho chúng ta căn cứ để tính lui lại: nếu đám cưới nhằm ngày thứ Tư, thì ngày Chúa Giêsu gặp Anrê và Gioan lần đầu tiên phải là ngày sa-bát, và cả hai đều ở với Ngài trọn ngày đó.

Tại Palestine tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường làng, dưới ánh đuốc, có lọng che đầu. Họ được đưa theo con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Tại Palestine vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Họ được đối xử như vị vua và hoàng hậu, và lời nói của họ là luật. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Chúa Giêsu đã vui vẻ tham dự ngày hạnh phúc ấy. Nhưng đã có trục trặc xảy ra.

Trong đám tiệc của người Do thái, rất cần rượu. Các Rabi vẫn nói: “Không rượu thì không vui”. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng bên Đông phương món rượu thật quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ uống pha hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn, thức uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Vì thế Đức Maria đã báo cho Chúa Giêsu biết sự việc này. Mà Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền năng của Ngài để cứu gia đình mộc mạc này khỏi bị tổn thương nhục nhã. Ngài đã hành động vì lòng ưu ái, tử tế, thông cảm với những người mộc mạc đơn sơ.

Câu chuyện đã được kể lại cách sống động nên rõ ràng phải là do người đã chứng kiến tận mắt ghi lại, nhưng không phải là ghi lại ngay sau khi xảy ra mà là bảy mươi năm sau, và cũng ghi lại tác dụng của phép lạ ấy: “Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana và bày tỏ vinh quang của Người.” Chúa làm phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người. Chúng ta cố gắng tìm biết các nguyên tắc bày tỏ tỏ vinh quang này.

– Bước đường cùng khiến người ta quay về với Chúa, cung cấp dịp tiện cho Người hành động, ân huệ của Chúa được ban cho ai thành khẩn kêu cầu Ngài. Dầu có người chê cầu nguyện là mê tín, hay bình thường thì chẳng bao giờ cầu nguyện, nhưng một khi đã lâm vào cảnh khốn cùng, chẳng ai không ngước mắt lên trời mà kêu cầu.

– Đức Maria là người thân trong gia đình này, được mới tới dự tiệc cưới, khi thấy rượu đã hết, biết ngay chủ nhà sẽ rất bối rối, sẽ bị bẽ mặt, và các thực khách sẽ mất vui. Không kể đến địa vị làm mẹ, đến với Đức Giêsu mà cầu khẩn: “Họ hết rượu rồi.” Làm mẹ, mà hạ mình cầu cứu con, không phải dễ lắm đâu. Đàng khác chưa biết ý Chúa ra sao, đường đột đưa ra một lời cầu như vậy mà không thăm dò trước có khi rước lấy tai họa. Thế nhưng đến nước này, nếu không kêu cầu Chúa thì còn biết trông cậy vào ai nữa!

Lời cầu nguyện của Đức Maria bị thôi thúc vì hoàn cảnh mà Mẹ đảm trách lấy, là kiểu mẫu cho những lời cầu bầu của chúng ta.

Vì chúng ta thấy lời cầu của Đức Maria là lời cầu “Ý Cha thực hiện” vì Ngài chỉ nói: “Họ hết rượu rồi” chứ không thêm gì vào nữa! Một lời cầu nguyện tốt nhất là “trình lên Chúa các nhu cầu của mình” rồi để Ngài làm theo ý Ngài. Đức Maria đã làm như thế; còn phần chúng ta, ngoài việc trình nhu cầu lên Chúa, thường hay bày thêm cách này cách kia, đôi khi còn đòi Chúa phải làm theo ý của mình. Đức Maria không ép Chúa, Ngài để Chúa tự do địnhh liệu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có người đã làm theo gương Đức Maria, khi Ladarô đau nặng, hai chị em Matta và Maria sai người đi thưa Chúa “người Thày yêu đau nặng.”

– Lời cầu nguyện của Đức Maria là lời cầu nguyện hạ mình: đây là lời cầu xin của bà mẹ đối với con. Nếu còn giữ thể diện thì không dễ gì một bà mẹ sẵn lòng hạ mình kêu cầu con; đã thế lại còn nhận được một lời đáp ứng dường như cứng cỏi của Chúa Giêsu: “Thứa bà, chuyện đó can gì đến bà và con, giờ của con chưa đến.” Thế nhưng, Đức Maria đã từ bỏ mình trước rồi, chỉ nghĩ đến tình hình khẩn cấp chứ không nghĩ đến thể diện cá nhân. Lời câu xin không kể đến thể diện mình quả là phép mầu để Chúa được vinh hiển. Chẳng những tại đây, do lời cầu của Đức Maria mà Chúa được vinh hiển, mà khắp nơi qua Kinh Thánh đều thấy Chúa làm phép lạ là do có người kêu cầu.

– Này, có một người phong đến gần Ngài thưa: “Lạy Chúa, nếu Chúa ưng, xin cho con được lành mạnh. Chúa giơ tay sờ đến anh phá: Ta muốn, anh được lành sạch. Tức thì người phong được sạch.”

– Khi Chúa vào Caphanaum, có một sĩ quan đến thưa Ngài: “Con gái tôi đau gần chết, xin Thày đến đặt tay trên nó, để được sống.” Chúa bèn đứng dậy đi theo ông.”

– Phêrô hòng chìm xuống nước la lên: “Thầy ơi cứu con với, tức thì Chúa giơ tay ra cứu ông.”

– Hai người mù thưa: “Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được sáng. Chúa động lòng thương, liền sờ đến mắt và hai người thấy được”

Có thể trưng nhiều hơn, nhưng cũng đủ để thấy Chúa thường hay mượn cớ người ta cầu nguyện để ban ơn, để tỏ bày vinh hiển của Ngài. Nguyện lời cầu của chúng ta cũng giống thế.

Thấy nhà chủ hết rượu Đức Maria trình lên Chúa nhu cầu, thì nhận được một lời đáp ứng không mấy tích cực: “Chuyện đó can chi đến bà và con, giờ của con chưa đến.” Làm thân bà mẹ mà phải hạ mình xin con đã là khó, nay lại nhận được một câu trả lời như thế, rất dễ nản lòng, mất hết cậy trông. Đức Maria không thế, Ngài vẫn bình tĩnh bảo những người giúp việc Đức Giêsu bảo gì cứ làm theo đó. Tại sao Đức Maria biết Chúa sẽ ra lệnh cho các kẻ giúp việc? Đó chỉ do bà tin. Bà chẳng vì cảm xúc mà nghi ngờ điều mình xin, nhưng lấy đức tin mà nắm lấy lời hứa của việc cầu nguyện: “Cứ xin thì được.” Chính vì đức tin mà Maria dặn bảo các người giúp việc phải tuân theo lệnh Chúa.

Trình bày nhu cầu xong, phải tin vào lời hứa của Chúa mà chắc chắn mình được nhận lời. Thiếu đức tin thì không bao giờ thấy vinh hiển của Chúa. Các vĩ nhân trong lịch sử thánh đều là những anh hùng đức tin: bởi đức tin, nước Biển Đỏ rẽ đôi, bởi đức tin có thể qua sông Giođan, bởi đức tin có thể đánh lui toán quân của ngoại bang, bởi đức tin có thể khiến thành Giêricô sụp đổ, khiến người mù được sáng, què được đi, kẻ phong được sạch, người chết rồi cũng được sống lại. Có việc nào không bởi đức tin mà tỏ bày vinh quang của Chúa đâu. Thế nên, Chúa từng phán với Matta rằng: “Ta đã chẳng nói với con rằng nếu con tin con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa.” Giả như lúc này Đức Maria không dặn bảo những người giúp việc sẵn sàng làm theo lệnh Chúa thì Chúa cũng chẳng bảo họ làm gì nữa, mà dầu có bảo họ cũng chẳng nghe theo. Thế thì đã không có phép lạ nước hóa ra rượu… nhưng vì đức tin của Đức Maria quá lớn, nên phép lạ đã xảy ra.

Sở dĩ chúng ta không được thấy vinh hiển Chúa trong đời sống, không phải vì chúng ta không cầu xin, nhưng vì cầu xin trong sự không tin. Hãy bắt chước Đức Maria, nghĩa là phải lấy đức tin mà nhận điều mình cầu xin dầu hoàn cảnh là thập phần khó khăn, cảm giác thập phần lạt lẽo, nhưng phải làm xong điều gì phải làm như Đức Maria đã từng làm thì Chúa sẽ phải giữ lời Ngài đã hứa mà ban ơn cho ta để tỏ vinh quang Ngài.

Với lòng đầy tin tưởng, Đức Maria nói gì: “Người bảo gì cứ làm theo đó.” Phải ghi chặt vào lòng câu nói đó. Vì đó là việc buộc phải làm về phương diện loài người. Nếu ta không chịu vâng phục mà làm theo, vinh quang của Chúa có thể bị cản trở vì bất tuân của loài người.

Các bạn có tin Thiên Chúa rẽ đôi nước Biển Đỏ không? Tin chứ, nhưng nếu bất tuân mà không giơ cây gậy lên thì nước Hằng Hải đâu có phân đôi tả hữu; các bạn có tin nước Giođan nhưng chảy không? Tin chứ, nhưng nếu vì bất tuân mà không đặt chân vào dòng sông thì nước không dồn lại thành đống. Bạn có tin Chúa có thể làm sụp đổ tường thành Giêricô không? Tin chứ, nhưng nếu không nghe lời Chúa mà đi vòng quanh thành đủ bảy ngày, thì tường thành không tự nhiên đổ xuống đâu. Người teo tay phải vâng lời Chúa mà giơ tay ra, mới được lành; người phong phải vâng lời Chúa đem thân đến cho thấy tư tế khám nghiệm mới được sạch phong; người mù phải vâng lời Chúa đi xuống ao Silôê mà rửa mới xem thấy được. Trong Kinh Thánh có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự vâng phục là điều kiện buộc phải có để Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài.

Trong tiệc cưới, các gia nhân đang bận rộn, vậy mà Chúa bảo họ phải đổ đầy nước vào sáu cái chum đá, thế mà họ vâng lệnh “đổ đầy tới miệng”. Rồi tiếp theo lệnh thứ hai: “Bây giờ hãy múc đưa cho người quản tiệc. Họ liền đem cho ông.” Chữ ‘liền’ ở đây rất ý nghĩa, đây chính là thái độ tỏ rõ vinh quang Chúa. Có gì buộc mà họ phải vâng lời Ngài, Ngài đâu có phải là chủ của họ, họ đang bận rộn, gặp lúc thiếu rượu lại còn quýnh lên; lại nữa lời bảo của Chúa chẳng hợp lẽ chút nào: đổ nước vào chum đá đã là phiền hà, lại còn múc đem cho người quản tiệc để làm gì? Bảo làm thế, để làm gì trong tình thế khó khăn này? Thế nhưng gia nhân đã vâng theo không hề phản kháng càu nhàu, Chúa bảo làm gì họ làm thế. Họ đem lại cho Chúa cơ hội hoàn toàn tự do để bày tỏ quyền năng là biến nước thành rượu. Nếu người ta không chịu vâng phục mà đổ nước vào rồi lại múc nước ra, hay tuy là vâng theo, nhưng không trọn vẹn, chỉ để lưng chừng, thì thế nào cũng giảm bớt hay làm bế tắc vinh hiển của Chúa. Thế mới biết vâng lời không cần lý do mới khó làm sao! Nhưng vâng phục không cần lý do quả thực là điều kiện duy nhất của những ai giúp việc Chúa!

Đến với Chúa, chúng ta chỉ có sự cầu xin thì không đủ, cần phải có đức tin nữa; chỉ có đức tin cũng chưa đủ, còn phải có sự vâng phục nữa. Chắc có nhiều người nói mình đã có đức tin rồi, nhưng thử hỏi thật lòng mình đã có vâng phục hoàn toàn chưa. Chúa bảo bạn làm điều gì cứ làm ngay điều đó, đừng nhìn xen hoàn cảnh, đừng đòi lý do, “cứ làm theo đi” một người đi theo Chúa, quả có nhiều bài phải học, mà bài khó học hơn hết là vâng phục, có thể nói rằng hễ ai tiến bộ trong sự vâng phục là có tiến bộ trong đời thuộc linh. Vâng phục là đem chủ quyền của mình mà nhường cho Chúa, để Chúa cai trị, khi nào người môn đệ hoàn toàn vâng phục Chúa, Chúa mới hoàn toàn làm chủ người môn đệ. Phải biết chắc rằng bạn có vâng phục Chúa, Chúa mới vâng phục bạn (nghe lời bạn cầu xin).

 

7. Kính mời Đức Giêsu đến dự tiệc cưới

(Suy niệm của AM Trần Bình An)

Ngay từ đầu sách Tin Mừng của mình, Thánh Sử Gioan đã tường thuật lại câu chuyện tiệc cưới ở Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên (Ga 2,1-11). Đức Giêsu không chỉ tham dự buổi lễ cưới, nhưng còn “cứu nguy cho buổi lễ ấy” bằng một phép lạ hóa nước thành rượu ngon!

Như thế, dấu lạ đầu tiên trong chuỗi những dấu lạ Ngài thực thi để bày tỏ vinh quang, nằm trong bối cảnh của một tiệc cưới, và điều này cho thấy một sự đồng cảm lớn lao Ngài dành cho một gia đình vừa mới khai sinh, nhờ sự thúc dục và quan tâm đầy nét từ mẫu của Mẹ Maria. Điều này giúp chúng ta nhớ đến sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa hoàn thành công trình tạo dựng và các tuyệt tác của Ngài; tuyệt tác đó là chính người nam và người nữ. Nơi đây, Đức Giêsu bắt đầu các phép lạ của mình cũng bằng một tuyệt tác, trong một cuộc hôn nhân, một tiệc cưới giữa người nam và người nữ. Như thế, Đức Giêsu dạy bảo chúng ta rằng tuyệt tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau! Đây chính là tuyệt tác! Từ lúc diễn ra tiệc cưới ở Cana cho đến nay, đã có rất nhiều thứ thay đổi, nhưng “dấu chỉ” này của Đức Kitô vẫn mãi là một thông điệp có giá trị.

Ngày nay, dường như chẳng dễ để nói về hôn nhân như là một ngày vui, mà người ta kỷ niệm vào những chặng đường khác nhau trong cuộc đời của hai người. Có một sự thật là số lượng người kết hôn với nhau đã giảm đi. Đây là một thực tế: giới trẻ không còn muốn kết hôn nữa. Thay vào đó, tại nhiều nước, con số vợ chồng ly dị gia tăng, và số con cái người ta có trong gia đình thì giảm xuống. Những khó khăn vẫn còn đó, có thể giữa hai người, có thể trong gia đình, đã khiến họ phá vỡ mối dây hôn phối thường xuyên và nhanh chóng hơn, và chính con cái là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả. Chúng ta hãy nghĩ đến những nạn nhân đầu tiên, và vô cùng quan trọng đã phải chịu đựng hậu quả nhiều hơn ai hết trong vụ ly dị, đó chính là con cái. Tôi tin rằng chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về việc tại sao nhiều bạn trẻ không cảm thấy muốn kết hôn. Có phải do lối nghĩ về một nền văn hóa tạm bợ, tất cả đều tạm bợ, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn?..

Chứng tá thuyết phục nhất của phúc lành hôn nhân Kitô giáo chính là đời sống tốt đẹp của cặp vợ chồng Kitô giáo và của gia đình. Không hề có một cách thức nào tốt hơn để nói về nét đẹp của bí tích! Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hóa sẽ giúp bảo vệ mối dây liên kết giữa người nam và người nữ, là loài được Thiên Chúa chúc lành từ khi tạo dựng trời đất; và đây chính là nguồn mạch của bình an, thiện hảo dành cho đời sống lứa đôi và gia đình. Tin Mừng gia đình, Tin Mừng loan báo chính bí tích này chống lại nền văn hóa ly dị…

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ mời Đức Giêsu đến dự tiệc cưới! Đừng sợ mời Giêsu đến nhà chúng ta, vì Người luôn ở với chúng ta và che chở gia đình chúng ta. Mẹ Maria, Mẹ của Người cũng thế! Khi người Kitô hữu kết hôn “trong Chúa”, họ sẽ được biến đổi trong một dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu Thiên Chúa. Người Kitô hữu không kết hôn chỉ cho mình, nhưng họ kết hôn trong Chúa vì lợi ích của tất cả cộng đồng và toàn thể xã hội. (Pr. Lê Hoàng Nam, SJ dịch,ĐTC Phanxicô: Đừng sợ mời ĐứcGiêsu đến dự tiệc cưới, dongten.net)

Hiệp ý cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mong tất cả những đôi tân hôn đều trân trọng kính mời Đức Giêsu đền dự tiêc cưới, cùng với Mẹ Maria và các Tông Đồ, để được quan tâm, giúp đỡ, khỏi lâm vào nỗi khổ tâm “hết rượu.”

Trong hôn nhân, không thiếu xảy ra những hoàn cảnh “hết rượu,” tình yêu phai nhạt như nước ốc, không còn nồng ấm như thuở ban đầu. Gia đình trở nên âm u, lạnh lẽo, không còn tiếng nói huyên thuyên, giọng cười dòn dã, chỉ còn tiếng bấc tiếng chì nặng nhẹ, không còn ánh mắt long lanh dịu dàng, thắm thiết, chỉ còn đôi mắt lườm nguýt, trợn trừng, doạ dẫm, dữ dằn, xa lạ. Khi tình yêu vỗ cánh bay đi, lửa hận tình thù kéo đến, cạn tình ráo máng.

Nhân dấu lạ hoá nước thành rượu, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ đến tất cả những đôi hôn phối, làm thế nào xây dựng gia đình hạnh phúc luôn bền vững, trọn hảo.

Tình Yêu

Nếu hôn nhân chỉ dựa trên tình yêu vị kỷ, sắc dục, xác thịt, hưởng thụ, (Eros) hay tình yêu bằng hữu (Philia) chiếu lệ, hời hợt, đãi bôi, hoặc tình yêu gia đình huyết tộc, cha mẹ, con cái, anh chị em, (Storge) thì cũng sẽ dần mai mọt, nhạt nhẽo theo năm tháng. Còn nếu hôn nhân đặt trên nền tảng tình yêu xả kỷ vị tha, dâng hiến, hy sinh, cho đi vô điều kiện, (Agapé) theo Đức Giêsu, thì mới tồn tại viên mãn. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của minh.” (Ga 15, 13)

Chạy theo tình yêu vị kỷ, con người sẽ không bao giờ thoả mãn, vì sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, ảo ảnh, phù vân, không bao giờ trường tồn, cũng chẳng bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu đòi hỏi vô chừng. Chỉ có tình yêu xả kỷ vị tha mới đem lại bình an và hạnh phúc, vì Chúa luôn bù đắp gấp trăm, gấp vạn lần cho đi. “Hãy cho đi, và các ngươi sẽ được người ta cho lại. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc, đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo các ngươi. Vì các ngươi đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy.” (Lc 6, 38)

“Đừng để tháng ngày làm cho quả tim già nua. Hãy yêu thương một một tình yêu ngày càng mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: Tình yêu Chúa đổ vào quả tim con. (Đường Hy Vọng, số 178)

Vâng phục

“Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo.” Lời nhắc nhủ của Mẹ Maria chan chứa yêu thương dành cho những người giúp việc phục vụ, đồng thời cũng dành cho tất cả người Kitô hữu, nhất là dành cho các đôi hôn nhân muốn được bình an và hạnh phúc. Bởi chưng “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105) Nghe và thực hành Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, thì tâm hồn sẽ được cảm hoá và biến đổi tốt lành hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn, gia đạo bền vững, vợ chồng quan tâm, kính trọng nhau, con cái hiếu đễ, ngoan ngoãn, yên vui, xum vầy.

Đức Giêsu truyền lệnh: “Hãy đổ nước đầy các chum.” Họ đổ đầy tới miệng.” Không băn khoăn, do dự, nghi ngại, thắc mắc, những người giúp việc mau mắn, răm rắp thi hành, theo như lời Mẹ Maria đã ân cần dặn dò. Lập tức dấu lạ xảy ra. Nước lã bỗng dung biến thành rượu ngon! Vâng theo Thánh Ý Chúa, kết quả hoàn mỹ, ngoài sức tưởng tượng, không ai có thể ngờ trước được!

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô căn dặn vợ chồng phải vâng phục, yêu thương nhau với lòng kính mến Chúa. Đó chính là Thánh Ý Chúa, là bổn phận làm chồng làm vợ, là nghĩa vụ giáo dục con cái và trách nhiệm với Thiên Chúa và xã hội. “Anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Và như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy… Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. (Ep 5, 21-24; 28-30)

Hiệp nhất

Có tình yêu hiến dâng và vâng phục Lời Chúa, hôn nhân mới được Chúa chúc phúc và hiệp nhất, như nước lã tẻ nhạt, tầm thường, vô vị, được Chúa đồng nhất biến thành mỹ tửu đậm đà, độc đáo, thơm ngon. “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết.” Chỉ những ai nghiêm túc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mới có thể cảm nghiệm được dấu lạ cả thể đã biến đổi, canh tân và thánh hoá cuộc đời mình lẫn gia đình. Đồng thời vinh quang của Đức Giêsu được dịp biểu hiện công khai với tha nhân.

Hơn nữa, đó là những điều kiện tiên quyết để hiệp nhất gia đình một cách mật thiết và sung mãn nhất. “Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với Mẹ Người, anh em và môn đệ Người.” Khiêm nhu, vâng phục, yêu thương vị tha đã kết hiệp chặt chẽ các thành viên trong gia đình, cũng như đã liên kết Thánh Gia và Gia Đình Mục Vụ mới, gồm Đức Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ, gắn bó, hiệp nhất với nhau làm một, khi cùng đồng tâm xuống Capharnaum rao giảng.

Đây cũng là hình ảnh hiệp nhất giữa Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền. “Vì người được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi, sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa, ngươi thờ.” (Is 62, 4-5)

“Phần thứ nhất của tiệc cưới Cana là yêu thương và hưởng thụ. Nhưng giữa tiệc cưới chỉ còn nước! Đôi tân hôn mới ý thức rằng: Phương tiện mình hạn hẹp, tình yêu mình lạnh nhạt. Phần thứ hai của tiệc cưới Cana là khám phá ra kho tang đạo đức chưa được xử dụng, rượu sau ngon hơn rượu trước: Một tình yêu chân thực, một quả tim biết thắng mình, quên mình, trung thành và hiến dâng không đòi lui.” (Đường Hy Vọng, số 464)

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con tình yêu xả kỷ, sẵn sàng cho đi, hiến dâng tất cả cho Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con biết vâng theo Thánh Ý Chúa, qua Lời Chúa và giáo huấn Hội Thánh, để chúng con được bình an, hạnh phúc và hiệp nhất trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.

Lạy Mẹ Maria, khấn xin Mẹ đoái thương những gia đình, những đôi hôn nhân đang còn lạc đường, đắm chìm trong những phù phiếm hưởng thụ, vị kỷ. Khấn xin Mẹ thức tỉnh chúng con đừng sa ngã vào văn hoá tiêu thụ, nô lệ cho tiền tài, của cải tiện nghi và tà thần. Kính xin mời Mẹ và Con Mẹ đến dự đám cưới chúng con và ở cùng gia đình chúng con luôn mãi. Amen.

 

8. Có Chúa, niềm vui sẽ trọn vẹn

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, vì trong cả ba lễ này, Đức Giêsu đều tỏ vinh quang của mình ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Nếu Chúa Nhật lễ Hiển linh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại qua Ba Đạo Sĩ nơi ngôi sao lạ, để loan báo ơn cứu độ phổ quát cho muôn dân; rồi Chúa Nhật lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, Thiên Chúa Cha giới thiệu Ngài là Con Yêu Dấu và được Chúa Thánh Thần tấn phong, đây là một cuộc mạc khải về thiên tính và sứ vụ nơi Đức Giêsu, thì đến Chúa Nhật này, Đức Giêsu tỏ vinh quang của Ngài cho mọi người dự tiệc cưới qua dấu lạ đầu tiên, đó là: phép lạ nước lã thành rượu ngon.

Qua việc tỏ vinh quang trong bối cảnh tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ đầu tiên, và một cách tiệm tiến, Ngài đi từ tiệc cưới tự nhiên, tức là tiệc cưới Cana để dẫn con người đến tiệc cưới giữa Thiên Chúa với dân Người.

1/ Tiệc cưới Cana

Tin Mừng hôm nay cho biết, tại làng Cana, miền Galilê có một đám cưới của đôi bạn trẻ. Trong số những khách dự tiệc hôm ấy, có sự hiện diện của Mẹ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên. Đây thật là một hồng phúc cho gia chủ và nhất là đôi tân hôn!

Theo văn hóa, phong tục của người Dothái thì nghi lễ thường được được bắt đầu vào lúc mặt trời đã xế bóng. Khi ấy, đôi tân hôn được đưa về nhà mới, nơi họ sẽ ở và sinh sống trong tư cách là vợ chồng. Đến giờ đã định, một cuộc rước linh đình bắt đầu diễn ra. Họ được đưa đi qua các con đường dưới ánh sáng của các ngọn đuốc và có lọng che đầu.

Khi đã về đến nhà, họ ở tại nhà mới của mình và bắt đầu tiếp khách. Thời gian kéo dài khoảng một tuần lễ. Đầu họ đội vương niệm và mặc y phục của lễ cưới. Tuần lễ này có thể nói là tuần lễ vui mừng và hạnh phúc, vì đây là dịp duy nhất của đời người, họ được mọi người kính nể, trọng vọng và trân quý cách đặc biệt.

Trong bầu khí hân hoan đó, người ta không ngại gì tốn kém, và ai nấy ăn uống thoải mái, nào là chén chú chén anh, chén tạc chén thù, chén thương chén nhớ…

Như vậy, rượu dùng để đãi khách là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đám cưới hôm nay niềm vui không được trọn vẹn, vì tiệc đang dang dở thì hết rượu. Đây là điều cấm kỵ trong văn hóa của người Dothái và nỗi tủi nhục ập đến cho gia chủ cũng như đôi tân hôn.

Nhưng, nhờ sự tinh tế, nhạy bén, thấu hiểu và cảm thông của Mẹ Maria, nên Mẹ đã không nỡ để cho gia chủ phải bẽ mặt hổ ngươi, vì thế, Mẹ đã cậy nhờ Đức Giêsu để Ngài cứu nguy cho họ, qua đó, giữ thể diện cho gia chủ!

Khi được Mẹ thông báo, Đức Giêsu cũng một tâm tình như Mẹ mình, nên Ngài đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon.

2/ Tiệc cưới của Thiên Chúa với dân Người

Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để mạc khải cho nhân loại biết: giữa Thiên Chúa và dân Người cũng được ví như một tiệc cưới.

Hình ảnh này được ngôn sứ Isaia nhắc đến trong bài đọc I hôm nay:

Dân Israel vốn là một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương, nhưng sự bội ước, bất trung đã làm cho họ phải chịu cảnh nô lệ nơi đất khách quê người, bị chủ nô coi thường, khinh bỉ. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa thì lớn lao hơn cả tội lỗi của con người, nên Người đã cứu dân ra khỏi kiếp lưu đày, thoát khỏi cảnh nô lệ, để từ nay, không còn bị nghe thấy dân ngoại sỉ nhục là: “Đồ bị ruồng bỏ” và xứ sở không còn mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Từ nay, dân Israel thoát ra khỏi lời nguyền khinh miệt, được trở thành một dân tự do trong tiếng vui cười hân hoan. Thiên Chúa và dân Israel được ví như: “… trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui của Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5). Như vậy, trong tư cách là hôn phu, Thiên Chúa hằng ân cần chăm sóc, kiêm tâm, nhẫn nại và hết mực yêu thương dân Israel như hôn thê của mình.

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô được ví như vị hôn phu của Giáo Hội (x. Ep 5,22-23). Hình ảnh này đã được sách Khải Huyền nhắc tới khi đề cập đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem trên trời (Giáo Hội) (x. Kh 21,9).

Thật vậy, Đức Kitô đã chọn Giáo Hội làm hôn thê của mình, nên Ngài đã hiến dâng trọn vẹn, ngay cả cái chết trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho Giáo Hội.

Sự gắn bó đầy yêu thương này một lần nữa được sáng tỏ trong bài Tin Mừng hôm nay: vì yêu thương, cảm thông và liên đới, nên Đức Giêsu đã làm phép lạ nước lã hóa rượu ngon. Qua sự kiện này, một mặt Ngài bày tỏ quyền năng và vinh quang của mình cho các môn đệ thấy mà tin, mặt khác, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để loan báo một triều đại mới, triều đại của Đấng Thiên Sai, đến để ban phát ân sủng nhằm thay thế cho thời đại cũ vì nó không còn phù hợp.

Như vậy, chúng ta thấy: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Ngài là nguồn gốc của tình yêu, Ngài san sẻ tình yêu cho con người để họ yêu Ngài và yêu nhau.

3/ Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết xây dựng mối tương quan gia đình trên nền tảng tình yêu.

Vợ chồng yêu thương nhau, cha mẹ yêu thương con cái như khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi; như hình ảnh khăng khít giữa Thiên Chúa và dân Israel, như Đức Kitô hiến mình vì Giáo Hội. Đây là tiêu chuẩn, mẫu số cho mọi người Kitô hữu noi theo.

Tuy nhiên, muốn sống được điều đó, chúng ta cần:

Trước tiên, loại bỏ lối sống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng để thay thế vào đó bằng thứ rượu tình thương, độ lượng và hy sinh, liên đới, cảm thông và chia sẻ.

Thứ đến, mọi người luôn biết nghe và thi hành Lời Chúa như những gia nhân trong Tin Mừng hôm nay. Thiên Chúa phải là trung tâm của mọi sinh hoạt trong gia đình. Nếu không có Chúa, niềm vui của chúng ta sẽ hão huyền, phù phiếm, mau qua, chóng hết và không trọn vẹn.

Cuối cùng, mọi nỗi khó khăn, vất vả, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, chúng ta đến với Chúa là nguồn cội bình an, là đích điểm hạnh phúc, Ngài sẽ ban cho chúng ta được no đủ và hoan lạc, như xưa Ngài đã nhận lời Đức Mẹ mà cứu giúp gia chủ trong tiệc cưới tại Cana.

Lạy Chúa Giêsu, đời sống của nhiều gia đình Công Giáo hôm nay bị thiếu rượu yêu thương, liên đới và trách nhiệm. Vì thế, gia đình không còn là nơi tiếp nhận và chia sẻ tình yêu.

Xin cho các gia đình của chúng con biết chọn Chúa làm trung tâm của cuộc sống và cho mỗi người luôn được Lời Chúa hướng dẫn, ngõ hầu chúng con được bình an, niềm vui và hạnh phúc. Amen.