Hiệp thông với chính mình

Sự hiệp thông với chính mình đặt nền tảng trên sự hiệp thông với Chúa vì nó liên quan đến căn tính của mỗi người thì khi chúng ta sống thật với chính mình, bản thân sẽ đụng chạm đến Hữu thể ở tận đáy lòng mình. Đó là kinh nghiệm mà thánh Augustinô đã đúc kết trong thời gian dài cầu nguyện, qua câu nói: “Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung của lòng tôi”.

Hiệp thông với chính mình

Có thể nói, từ khởi thủy, do tội lỗi, con người đánh mất đi sự hiệp thông với mọi tương quan. Thật vậy, khi sa phạm tội, con người khước từ tình yêu Thiên Chúa, tự đánh mất tương giao thân tình với Ngài, Đấng vốn là tình yêu hiệp thông với mọi chiều kích hiện hữu.

Thế nên, khi tự tách lìa khỏi tình yêu Chúa, đất bỗng trở nên gai góc (bất hòa điệu với thiên nhiên), con người trở nên thù địch, đổ lỗi cho nhau (bất hòa đồng với tha nhân) và bản thân trở nên xa lạ với chính mình (bất hòa hợp với chính mình). Mà trong giới hạn bài viết, chúng ta chỉ bàn đến sự bất hòa hợp hay bất hiệp thông với chính mình. 

Theo thánh Biển Đức, chính khi đánh mất sự hiệp thông với chính mình mà con người bắt đầu thực hiện một cuộc trở về: Tìm Chúa. Mỗi chúng ta cần trở về với Chúa, Đấng là nguồn của mọi chiều kích hiệp thông. Chúng ta có thể tìm Chúa ở đâu ? Bài viết này sẽ gợi ý cách chứng nghiệm Chúa ngay trong tâm hồn. Chúng ta cần để cho Ánh Sáng Chúa đi vào tận góc khuất của tâm hồn; để cho Tình Yêu chữa lành hay lòng thương Xót Chúa chạm đến những ngổn ngang của nội tâm. Vì chính khi hiệp thông với Chúa, con người tìm lại được căn tính của mình. 

Để thực hiện tiến trình đi vào nội tâm, chúng ta cần nại đến lối tiếp cận của tâm lý học. Qua đó, chúng ta khám phá ra những biểu hiện của tình trạng đánh mất sự hiệp thông với chính mình; tiếp đến, nhận định và đánh giá những nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng này và hướng khắc phục cụ thể.   

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA TÌNH TRẠNG ĐÁNH MẤT SỰ HIỆP THÔNG VỚI CHÍNH MÌNH 

Mặc dù, sự hiệp thông với chính mình được diễn ra trong thẳm cung lòng mình, nhưng chúng ta có thể nhận ra những biểu hiện này như những dấu hiệu giúp chúng ta đánh giá thực trạng bản thân. 

Khuynh hướng qui ngã 

Theo nhận định của tác giả Jame E. Sullivan trong tác phẩm Hành trình tự do, thời đại chúng ta đang sống được mệnh danh là thời đại ái kỷ. Trong thế giới ấy, con người chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi. Những gì họ thu nhận vào mình một cách “dư thừa” sẽ tạo thành một thứ rác rưởi làm ô uế nội tâm; nó tạo thành một không gian “biển chết” khiến mọi tương quan cũng bị bóp nghẹt. 

Một khi không đặt Thiên Chúa là đối tượng duy nhất của lòng mình, họ cố đi tìm một thần tượng nào đó để lắp đầy sự trống rỗng nội tâm. Khi càng thu quén, không gian nội tâm càng chật hẹp khiến không còn một chỗ cho Thiên Chúa ngự vào. Kết cục, họ tự hủy hoại mình khi khước từ Đấng Tình Yêu. Một khi không còn sống tình yêu chia sẻ, họ đánh mất sự tự do nội tâm – điều kiện tiên quyết, giúp họ tái lập sự hiệp thông với chính mình. 

Thật ra, họ cũng cố thiết lập tương quan với người khác, nhưng mọi người chỉ là phương tiện để họ sử dụng và đáp ứng nhu cầu bản thân; họ thăng tiến chính mình bằng cách vượt trên nỗi đau của đồng loại. Đến một mức độ nào đó, họ không còn nhận ra nỗi đau của những người vì họ mà bị tổn thương. Họ mất dần cảm thức tội lỗi trong một xã hội “toàn cầu hóa sự dửng dưng” (cách nói của Đức Phanxicô). Và như thế, họ không còn khả năng thiết lập tương quan với bản thân, trong đó, hiệp thông với chính mình là một chuyện viễn vong. 

Ảo tưởng 

Có cả một thế giới lý tưởng, trong đó con người được tự do mơ tưởng và hoạch định những dự phóng cho tương lai. Nhưng có mấy ai thành công trong những đòi hỏi khắc nghiệt của cuộc sống. Con người trở nên ảo tưởng khi chưa khám phá bản thân cách đúng đắn và trung thực để trả lời cho câu hỏi mình là ai (căn tính) và vị thế của mình trong thế giới này (sứ vụ). 

Nếu hiểu căn tính của mỗi Kitô hữu là thuộc về Đức Kitô, chúng ta càng xác tín hơn về nguồn gốc thần linh của mình. Thật vậy, chúng ta được sinh ra để sống những giá trị tinh thần siêu việt. Nhưng một khi chúng ta tìm sự thỏa mãn ở đời này như thể chỉ có thiên đường trần thế, chúng ta tự dối lòng mình. Và như thế, chúng ta đánh mất đi sự đơn sơ chân thành đối với bản thân, đó là một trở ngại để hiệp thông với chính mình. 

Nếu hiểu căn tính của người sống đời thánh hiến là bước theo Đức Kitô, các tu sĩ cần phải xác tín trong việc họa lại cách trung thực hình ảnh Đức Kitô. Nhưng thực tế, có nhiều tu sĩ đã ảo tưởng khi cho rằng mình là một “Alter Christus” (Kitô khác) nhưng kỳ thực, họ khác Đức Kitô. Đức Kitô đi đến cùng trên con đường Thập giá để chấp nhận mang tiếng là một kẻ điên rồ, còn các tu sĩ lại tìm mình trong lời khen của người khác;  trong khi cái chết của Đức Kitô bị đánh giá là một kẻ bất lực, những người bạn thân tình với Ngài lại sống nhờ vào sự cung phụng của tha nhân. Như thế, họ đánh mất chính mình và mất liên lạc với bản thân. Hiệp thông trở thành lời sáo ngữ trong ngôn từ của những kẻ giả danh là thế ! 

Trong sứ vụ cũng vậy, đôi khi chúng ta vì không tìm được chỗ đứng của mình trong cộng đoàn hay hội dòng và ngay cả Giáo hội, nên dễ sinh ra ảo tưởng: có chút gì thành công cũng qui về cho mình. Một chút nể trọng của người đời có thể đánh đổi lòng tự trọng của một tu sĩ. Ngài tưởng rằng không có mình thì chẳng có chi nên chuyện. Tu sĩ sống ảo tưởng dễ đánh mất mình trong những gì ngoại tại, hào nhoáng và vô thường, vì đâu ? Thưa: vì họ mất đi sự liên lạc nội tâm cần thiết để chuẩn bị cho một sứ vụ. Một người không đủ “sức mạnh nội lực” dễ đánh mất căn tính khi thi hành chức năng của mình trong một cộng đoàn. 

Một đan sĩ cũng có thể bị cám dỗ khi nghĩ rằng mình được ơn này ơn kia là do công đức của mình. Thay vì tự hào trong Chúa, họ vênh vang như thể mình toàn năng. Có thể nói, không gian nội vi khả dĩ giúp họ dễ dàng hiệp thông với chính mình nhất, nhưng nó đã bị “khử thiêng” ngay trong chính môi trường được xem là thánh thiêng nhất. Một trong những mối nguy lớn nhất đe dọa đời sống nội tâm là ảo tưởng mình thánh thiện và lấy thế làm đủ. Họ cố tạo cho mình một phong thái thanh thoát và một phong cách đạo mạo như thể mình vô tội. Với khả năng vốn có, họ dễ dàng tạo cho mình một hào quang bao quanh nhằm bảo vệ “cái tôi dễ bị tổn thương” của họ. Tắt một lời, người ảo tưởng không dám đối diện với thực tại đời sống, cách riêng những gì còn ngổn ngang trong nội tâm vì họ đánh mất đi tính hiệp thông nội tại.          

Ngôn hành bất nhất 

Trong tác phẩm Tâm tình Chúa Con,  cha Amedeo Cencini đã khẳng định rằng trong con người có sự bất nhất là do phân hóa nội tâm. Thật vậy, sự phân cách giữa lý tưởng và thực tế đã tạo nên bước trượt dài khiến chúng ta đôi khi cảm thấy mình tự mâu thuẫn. Có những mâu thuẫn giúp con người tiến bộ (K.Marx), cũng có những mâu thuẫn khiến con người mất đi thế quân bình trong đời sống, điều này vương hại đến nhân cách của chúng ta. 

Nếu hiểu lý tưởng là điều không thể thủ đắc ở thế gian vô thường này và thực tế của mỗi người cũng giới hạn thì ai trong chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của sự bất nhất trong đời sống. Nhưng nó chỉ trở thành vấn đề khi chủ thể không kết nối nó trong thực tế, để rồi dễ gây nên tình trạng mà chúng ta đang bàn là mất đi sự hiệp thông với chính mình. 

Trong giới hạn bài viết, xin đề ra hai cách để nhận diện tình trạng này: mất tự chủ và thiếu trách nhiệm.

Quan sát đời sống cụ thể, chúng ta nhận ra có những người nói thao thao bất tuyệt mà không còn kiểm soát được lời nói của mình và bất khả lường trước những hệ lụy do điều tệ hại này gây ra. Lời nói của họ như một cái roi đánh vào không gian (không mục đích), đến khi đuối sức gậy ấy lại đập vào lưng ông. Họ không hề phản tỉnh và lượng giá xem tầm ảnh hưởng của lời nói mình trước đám đông. Họ thích nói chuyện về người khác mà không thẹn với mình. Họ quên một chân lý: nói người phải nghĩ đến ta. Chỉ vì họ không nghĩ đến mình nên họ mất đi sự hiệp thông nội tại trong chính mình. 

Cũng chính khi không làm chủ bản thân mà họ đã thoái thác trách nhiệm cho người vô tội. Những người phải chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp về sự thiếu nhất quán của họ, không ai khác là người cấp dưới. Điều này thường xảy ra nơi cộng đoàn trong môi trường huấn luyện giữa ban đào tạo và thụ huấn sinh. Thật vậy, trong khi nhà đào tạo thuyết về giá trị và lợi ích của một sinh hoạt nào đó trong đời sống chung, nhưng chính ngài lại bỏ bê “việc đồng hành” với anh em thì xem ra, đây là một hình thức phản cảm dễ gây tác động tiêu cực trên các thụ huấn sinh. Và khi được bề trên nhắc nhở và người khác gợi ý để chỉnh sửa, họ lại đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thái độ thiếu tế nhị này là bằng chứng cho sự thiếu thống nhất nội tâm. 

NGUYÊN NHÂN VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC 

Sau khi đã tìm hiểu ba trong nhiều biểu hiện của người đánh mất sự hiệp thông với chính mình và bàn sơ bộ về chuỗi tâm lý của những mẫu người này, giờ đây, chúng ta sẽ cố gắng tìm ra hướng khắc phục. Tất nhiên, mỗi người là một nhân vị độc đáo và duy nhất. Thế nên, cách khắc phục có thể phù hợp với người này nhưng lại bất cập với người kia. Còn những gì được viết ra đây chỉ như những gợi ý được góp nhặt từ cách giải quyết vấn đề của một số nhà chuyên môn tâm lý mà người viết tiếp cận được. 

Một trong những thái độ căn bản cần có khi chúng ta đứng trước bất cứ một vấn nạn nào là: chấp nhận chính mình, nghĩa là dám đối diện với thực trạng cái tôi đang là. Tôi đang đánh mất sự hiệp thông với chính mình. Có thể nói, đây là một vết thương sâu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến căn tính của cái tôi là. Sau khi nhận ra tình trạng bệnh khá nặng nề, chúng ta sẽ biết mình cần phải dùng những thứ thuốc đặc trị nào hầu chữa lành và giúp chủ thể sống vững mạnh. Để trị tận gốc rễ, chúng ta cần tìm ra: đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đánh mất sự hiệp thông này? 

Từ những biểu hiện như: qui kỷ, ảo tưởng và ngôn hành bất nhất, chúng ta có thể xác định rằng có sự sai lạc về hệ thống nhận thức của chủ thể. Thật vậy, chính khi chúng ta quan niệm và đánh giá lệch lạc về thực tại đời sống, nó sẽ chi phối trên thái độ, hành vi, cách sống, cách nói…và ngay cả nhân cách của chúng ta. Chẳng hạn: về khuynh hướng qui kỷ, với ai đó có thể hiểu rằng ấy là cách yêu mình phải lẽ nhưng thật ra, đây là một điều lệch lạc. Họ nghĩ rằng mình cần thủ đắc mọi sự dưới bất cứ hình thức nào để tạo thế mạnh cho mình và giúp bản thân thể hiện mình trước mắt mọi người.

Thế nhưng, vô hình trung, họ đã tạo bức tường an toàn, làm một pháo đài tự vệ khiến không ai có thể tiếp cận được với họ; khi xây bức tường, vô tình họ chối bỏ chiếc cầu hiệp thông với mọi tương quan. Và như thế, sự hiệp thông khép kín với chính mình tạo nên nơi họ một chứng ung thư ác tính, lây lan gây độc hại cho toàn diện con người. Và sự nhận thức sai lạc nơi chủ thể cũng là nguyên nhân mà chúng ta có thể dùng để giải thích về tình trạng ảo tưởng và ngôn hành bất nhất. 

Sau khi đã chấp nhận tình trạng này và khám phá ra điểm yếu của bản thân, chúng ta cần tha thứ cho chính mình. Có những người luôn nhìn về quá khứ với một thái độ ghét bỏ và tự lên án mình, họ tìm nhiều cách để tự trừng phạt mình như thể đền bù những hậu quả do mình gây nên. Từ đó, tạo nên một thứ mặc cảm khiến bản thân mất đi sự đơn sơ chân thành khi đối diện với chính mình. Một trong những nguyên nhân đang được các nhà tâm lý cổ võ và đề cao mọi người nhằm áp dụng để chữa trị tâm lý, đó là tuổi thơ. 

Quả thật, có những vết thương tuổi thơ quá lớn khiến đương sự không dám đối diện, huống nữa, đến chuyện tha thứ cho chính mình. Chẳng hạn, chúng ta xét về biểu hiện của mẫu người ảo tưởng. Chủ thể sống trong một gia đình với người cha người mẹ cầu toàn. Họ luôn đòi hỏi và không bao giờ khen thưởng con mình dù chỉ là một lời động viên khích lệ. Họ luôn đặt ra những tầm cao và buộc con mình phải cố gắng mà không nhận thức rõ mức độ và khả năng của con mình. Từ đó, đứa bé lớn lên với những yêu sách của người khác; đồng thời, tạo nơi bản thân tâm thức của một người không thể chấp nhận tình trạng hiện tại của mình. Chàng không bao giờ hài lòng với kết quả hiện tại dù biết rằng mình sẽ không cố hơn được nữa, và vì thế, chàng sinh ra ảo tưởng, sống xa rời thực tế. Tắt một lời, vết tổn thương của tuổi thơ đang phát huy tác dụng mà chi phối và ảnh hưởng cuộc sống chàng, từ cảm nghĩ, lời nói đến việc làm. 

Để tránh tình trạng này và tha thứ cho bản thân, chúng ta cần có thái độ bao dung với chính mình. Vì khi bao dung với chính mình, chúng ta làm hòa với bản thân và chữa lành vết thương của sự hiệp thông. Có thế, bản thân mới vượt trên chính mình để có thể sáng tạo những bước đột phá mới trong đời sống. 

Bước thứ ba khá quan trọng, là: sống thật chính mình. Chúa Giêsu đã hứa: Sự thật sẽ giải phóng anh em, và Ngài sẽ thực hiện cho những ai dám cởi mở với mọi chân lý cuộc sống. 

Nếu như hai bước trên, phần chủ động thuộc về chúng ta thì ở bước ba này, chỉ cần một tâm hồn rộng mở để đón nhận ơn Chúa. Như chúng ta đã khẳng định từ đầu, sự hiệp thông với chính mình đặt nền tảng trên sự hiệp thông với Chúa vì nó liên quan đến căn tính của mỗi người thì khi chúng ta sống thật với chính mình, bản thân sẽ đụng chạm đến Hữu thể ở tận đáy lòng mình. Đó là kinh nghiệm mà thánh Augustinô đã đúc kết trong thời gian dài cầu nguyện, qua câu nói: “Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung của lòng tôi”.

KẾT LUẬN 

Cuộc sống là một chuỗi dài đan xen giữa hiệp thông và bất hiệp thông. Chính sự bất toàn của vạn hữu mà con người luôn khát khao đi tìm Đấng Vô Biên. Chúng ta cần xác tín rằng bản thân không bao giờ chấp nhận chính mình cho đủ mức; cũng như không thể nào bao dung chính mình cho cân xứng, đồng thời, sống thật với chính mình cho trọn vẹn, vì còn đó những lệch lạc trong hệ thống nhận thức của con người và bao tổn thương của tuổi thơ. 

Nhưng dù sao, chính khi bản thân được giải thoát khỏi những áp lực và chướng ngại vật bên trong tâm hồn mà chúng ta đạt đến sự tự do nội tâm của con cái Chúa; khi ấy, tâm hồn ngoan ngoãn buông theo ân sủng và lắng nghe tiếng Chúa để bước theo Ngài. Và khi hiệp thông với Chúa, chúng ta hòa hợp với chính mình và mở ra: hòa đồng với tha nhân và hòa điệu với thiên nhiên. Được thế, chúng ta trở thành những chuyên viên hiệp thông như lời mời gọi của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Vita Consecrata (số 46).  

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.