Dâng hiến Sáng tạo (phần cuối)

Không phải luôn dễ dàng để thẩm định điều gì đáng làm hơn trong một vài trường hợp nhất định: cho lời khuyên hay chỉ chú ý lắng nghe? Thời gian, kinh nghiệm và sự cởi mở đối với kẻ khác sẽ làm cho cảm năng (sensitivity) của chúng ta bén nhạy hơn trước những nhu cầu sâu xa nhất của người khác.

Dâng hiến Sáng tạo (phần cuối)

VI. HƯỚNG DN TÂM LINH

Chúng ta hiểu thế nào là hướng dẫn (hay tư vấn)? Vấn đề thật căn bản cho đời sống tu trì. Có thể nói, sự phồn vinh và sa sút của một cộng đồng tùy thuộc nơi đó.

Từ ngữ “hướng dẫn” (counseling) có thể hiểu theo một nghĩa rất rộng, để chỉ một hình thức trợ giúp, khuyên bảo, giải thích hay trong một nghĩa rất hẹp, đặc biệt dành cho khoa tâm lý trị liệu. Trong mọi trường hợp, mục đích cũng chỉ là một, giúp đỡ một người nào đó.

Hướng dn theo nghĩa rng

Nếu hiểu theo nghĩa rộng, hướng dẫn (tư vấn) viên là bất cứ ai chuyên lo trợ giúp kẻ khác về phương diện tinh thần bằng một hình thức thông giao liên vị nào đó. Khi một tu sĩ cho người đồng bạn mượn một quyển sách chẳng hạn, thì kẻ ấy không làm công việc hướng dẫn mặc dầu tự bản tính, sách vở có thể giúp ích cho người bạn. Mặt khác, một tu sĩ kiên nhẫn nghe một đồng bạn tả lại bầu khí khủng khiếp của một kỳ thi chẳng hạn; bên ngoài kẻ ấy xem ra không cho bạn gì cả nhưng trong thực tế và theo đúng nghĩa, thái độ của kẻ ấy có thể là một sự “hướng dẫn”. Bằng cách lắng nghe thuật lại những cảm xúc của người bạn, kẻ ấy không cho bạn một điều gì, nhưng cho bạn chính mình.

Trong cuộc sống, hai cách cho này đều có thời gian và vị trí của chúng, nhưng phải hiểu đúng bản chất của chúng. Nếu một tu sĩ cần một cục xà phòng, thì việc bề trên có lắng nghe hay không, ít có ý nghĩa, nếu không cho điều họ cần: họ cần bánh xà phòng chứ không cần một người biết nghe cách lịch sự. Một tu sĩ đến mượn máy vi tính của một đồng bạn; người này có nghe họ cách chăm chỉ cũng vô ích; nếu họ không mượn được máy vi tính, thì vẫn cảm thấy bị thất đoạt.

Điều ngược lại cũng hoàn toàn vô lý như vậy. Một tu sĩ đến gặp bề trên, vì đang căng thẳng và muốn bề trên giúp ra khỏi tình trạng này. Nếu bề trên cho y viên thuốc đau đầu và khuyên đi ngủ sớm thì thật là quá dễ! Một tu sĩ khác vì gặp nhiều thử thách trong công việc, nên đến tâm sự với người bên cạnh. Nếu người này trả lời cách tỉnh bơ: “tất cả những thứ đó chỉ là tưởng tượng” và biếu người ấy viên kẹo rồi mời về, thì viên kẹo sẽ hết sức đắng đót cho con người ấy. Những thí dụ trên đây có vẻ kỳ cục nhưng biểu lộ khá rõ ràng thực tại chính xác của các tương quan và trao đổi trong cuộc sống thường ngày. Đời sống tu trì cũng đầy dẫy những thứ vô lý như vậy. Điều cần phải lưu ý là làm sao hiểu biết các nhu cầu nhân linh cách tốt đẹp hơn.

Hướng dn theo nghĩa chuyên nghip

Trong thế giới chuyên nghiệp của tâm bệnh, tâm lý và giáo dục, “tư vấn” là một kỹ thuật tâm lý trị liệu với mục đích giúp đỡ thân chủ biết định hướng và ổn định nhân cách của mình. Chữa trị tâm thần bằng phương pháp hướng dẫn đặc biệt chú ý đến việc giải quyết các giao động tâm cảm nơi người bình thường hay các xáo trộn quan trọng hơn nơi những người mắc bệnh tâm thần.

Có nhiều thứ “hướng dẫn trị liệu” như: phân tích, giáo dục cá nhân hay tập thể v.v… Chúng ta chỉ đề cập đến “hướng dẫn” theo một nghĩa rộng: tiến trình thông giao liên vị, nhờ đó một người cố gắng giúp người khác đang gặp vấn đề cá nhân hay xung đột. Việc hướng dẫn trị liệu được đặt trong một khung cảnh bệnh viện và chỉ có thể thực hiện bởi một chuyên viên. Công việc hướng dẫn theo nghĩa rộng liên quan đến tất cả mọi người, vào một lúc nào đó. Tất cả chúng ta đều được mời gọi thi hành chức năng cố vấn trong những việc rất nhỏ.

Người tu sĩ trong một cộng đồng luôn chung sống và làm việc với anh, chị em mình trong các nhóm nhỏ, thường gặp những trường hợp tương tự. Có nhiều thái độ và yếu tố khả dĩ làm cho việc hướng dẫn trở thành hữu hiệu, trong khi một số khác làm nó phải thất bại. Nhiều khi những giao tiếp với mục đích bác ái và thiện chí có thể không đem lại lợi ích nào trong việc làm nhẹ bớt một giao động cảm xúc nếu không nói là còn làm nặng hơn.

S tr giúp hu hiu

Đây là một vài suy nghĩ thực tiễn về cách tốt đẹp nhất để giúp đỡ nhau trong đời sống cộng đồng. Những sự thất bại trong lãnh vực này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết hơn là thiếu thiện chí. Không phải luôn dễ dàng để thẩm định điều gì đáng làm hơn trong một vài trường hợp nhất định: cho lời khuyên hay chỉ chú ý lắng nghe? Thời gian, kinh nghiệm và sự cởi mở đối với kẻ khác sẽ làm cho cảm năng (sensitivity) của chúng ta bén nhạy hơn trước những nhu cầu sâu xa nhất của người khác.

Một tu sĩ muốn có những chỉ dẫn chính xác, muốn biết về các phép tắc trong nhà hay biết cách sử dụng một khí cụ, đương nhiên mong đợi những câu trả lời thích đáng. Nhưng chắc chắn không phải một lời khuyên hay một chỉ dẫn có thể làm thỏa mãn một tu sĩ bị xâu xé vì áy náy, buồn nản hay những giao động cảm xúc. Nói chuyện với họ, giải thích hay khuyên bảo, không làm cho họ bớt lo âu. Bởi thế chúng ta hiểu chữ hướng dẫn như sự kiện sẵn sàng giúp đỡ hơn là ý tưởng ban phát một dịch vụ. Chúng ta có thể là người hỗ trợ kẻ khác bằng cách đi vào tương quan liên vị với họ. Điều này giúp họ cởi mở và bộc lộ chính mình.

Cố gắng giúp đỡ một tu sĩ áy náy bằng cách đem đến cho họ của cải vật chất thì vô ích, bởi vì một tu sĩ bị xáo trộn trong đời sống tâm cảm thì không van xin vật chất; họ yêu cầu kẻ khác giúp đỡ họ, cứu chữa họ; điều này không phải là ban phát một sự cứu trợ hay đồ tiếp tế. Trợ giúp, nâng đỡ một người là muốn thông hiệp với người ấy trên mức độ tâm cảm. Ban phát cứu trợ có thể là cung cấp những chỉ dẫn hay đồ dùng cần thiết.

Một tu sĩ áy náy, trầm uất và cần được nâng đỡ, không chấp nhận một sự trao đổi thuộc trật tự ý thức hệ nhưng ở cấp độ tâm cảm. Những lời khuyên lơn, chỉ bảo, thay vì làm dịu bớt sự căng thẳng có thể làm cho nó gia tăng, bởi vì khuyên lơn nhủ bảo là những tư tưởng thuộc lãnh vực trí tuệ, trong khi sự căng thẳng, băn khoăn, suy nhược là những xúc cảm, những hình thức năng động vốn phải được hiểu đúng theo bản tính của chúng trước khi các ý tưởng thiện hảo có thể được tiếp nhận.

Cách giải quyết hoàn toàn có tính cách trí tuệ đối với một tu sĩ căng thẳng, âu lo và suy nhược, diễn tả một thứ tinh thần tự cao kẻ cả nào đó. Và bởi thế càng làm cho bệnh nhân thêm khổ cực. Để có thể hiểu được các ý tưởng, giải thích sự căng thẳng của mình, bệnh nhân cần cảm thấy sự nồng nhiệt của tiếp đón và chấp nhận; cần cảm thấy rằng một người khác thật sự hiện diện với mình. Người tu sĩ muốn giúp anh chị em mình cần phải chứng tỏ cho kẻ ấy thấy sự sẵn sàng của mình qua thái độ dịu dàng, khả ái, nhất là đến với kẻ ấy mà không có thái độ tự vệ nào.

Một tu sĩ bị xáo trộn trong đời sống tình cảm, căng thẳng, yếu nhược, không thể thẩm định giá trị của những lời khuyên cho đến khi các xúc cảm giảm đi và họ có thể suy nghĩ cách hợp lý về những vấn đề của mình. Điều cốt yếu là phải nhận biết cách xử sự nào tốt nhất tùy theo trường hợp và hoàn cảnh.

Nhiều khi chúng ta có những cách nâng đỡ kẻ khác rất lạ lùng. Một tu sĩ giải thích cho bề trên là họ cảm thấy đuối sức và chắc cần ngủ thêm vài giờ. Bề trên đồng ý cho phép, nhưng đồng thời cho người ấy biết là còn phải giao cho y một số công việc khác nữa. Kẻ bất hạnh ra về, hoàn toàn thất đảm về điều mình vừa nghe nên không thể chợp mắt vào những giờ ngủ thường lệ, còn nói gì đến các giờ phụ trội.

Một thí dụ khác: một đồng nghiệp yêu cầu bạn giải thích cho y một bài toán. Bạn sẵn sàng chấp nhận nhưng đồng thời còn nhắc cho người kia rằng, họ rất là lầm lẫn để đương đầu với những điều phức tạp như thế trong khi không có đủ phương tiện. Lời giải thích cuối cùng này giết chết lợi ích của lời trước bằng cách gieo rắc tâm tình bất an nơi kẻ khác.

Chúng ta có thể nói chuyện, làm việc, giải trí với kẻ khác, sống với họ từ sáng đến chiều mà không cố gắng giúp ích cho họ một cách rõ rệt. Và có thể một vài hoàn cảnh không đòi hỏi gì khác ngoài các tương giao hoàn toàn vô thưởng vô phạt; nhưng nếu chúng ta muốn làm ích cho kẻ khác, nếu chúng ta có hoàn cảnh để làm điều đó với tư cách bề trên, giám đốc, thầy dạy hay bạn hữu, thì nên suy xét coi cần phải có những cách thế nào và thái độ tinh thần nào.

Cũng cần khám phá những tâm tình và thành kiến cá nhân hay bất cứ điều gì khác có hại cho những ý hướng thiện hảo của chúng ta. Một tu sĩ được bề trên hay anh em nâng đỡ trong đức ái, thì có thể cảm thấy nhiều mức độ thông hiệp hay thay đổi nơi bản thân. Nếu có một sự thay đổi nào đáng kể nơi người ấy: bình an, hiểu biết thực tại nhiều hơn, thay đổi tác phong, thì luôn luôn tùy thuộc những hoàn cảnh thuận tiện và thiết yếu cho những tương quan tốt đẹp.

Can thiệp rõ ràng và đặc biệt

Khuyên bảo kẻ khác, nói với họ về công việc và sở thích của họ, thì xem ra không có gì tầm thường hơn. Dầu vậy, vấn đề không đơn giản như thế! Ít nhất chúng tôi muốn nói đến trường hợp một tu sĩ muốn khởi công trợ giúp một người đồng bạn nào đó bằng một sự can thiệp rõ ràng, khác với việc trò chuyện đơn giản hay cuộc thảo luận thông thường. Về phương diện này, người ta thường dễ dàng gán cho mình những khả năng mà mình không có. Thành quả tùy thuộc phẩm chất của các cảm tưởng hỗ tương, khi hai người đối diện nhau. Có một thứ năng động tiềm ẩn dưới sự thông hiệp, vốn được cảm thấy hơn là được minh nhiên công nhận.

“Người hướng dẫn” nên dành trọn chú ý cho tâm hồn muốn phó thác cho mình! Một bề trên hay bất cứ tu sĩ nào, phải bận tâm làm một công việc khác cùng một lúc như lo ghi sổ chẳng hạn, thì không thể đạt đến kết quả thật sự. Có thể họ sẽ có cảm tưởng là đã làm xong bổn phận. Nghĩ cho cùng, điều này cũng đúng nếu họ không muốn làm tốt hơn; nhưng khi người ta thực sự chú tâm làm ích cho ai đó thì điều cốt yếu là trước tiên phải hiểu quan điểm của người ấy và kiểm soát coi mình tiếp đón kẻ ấy trong trạng thái tâm hồn nào. Nếu không hoàn toàn tận hiến cho tư tưởng và tâm tình của người được hướng dẫn, thì người ta chỉ tổ làm mất thời giờ của mình.

Không nên vụ hình thức

Người ta có thể thành thật muốn làm ích cho kẻ khác nhưng lại quên đi một vài điều kiện cần thiết để thành công. Điều thứ nhất là cả hai phía đều vào việc một cách chân thành. Người hướng dẫn ngay từ đầu, phải làm cho người đối diện được thoải mái, dầu vấn đề của họ thuộc bất cứ địa hạt nào. Một vài chi tiết nhỏ cũng đóng góp nhiều vào sự thành công. Bầu khí, nơi chốn, có thể làm giảm sút hay gia tăng sự căng thẳng.

Hãy tưởng tượng một tu sĩ đang ngồi sau bàn làm việc trong một văn phòng chính thức, tay cầm viết. Kẻ ấy có thể giúp người đến thăm bằng một vài chỉ dẫn cụ thể, tài liệu lịch sử, giờ làm việc, các tựa sách… nhưng không thể giúp nhiều hơn! Tất cả những thứ đó có vẻ quá trịnh trọng, qui ước, để có thể khuyến khích sự thổ lộ tâm tình.

Nếu không có phòng khách hay một nơi thích hợp cho việc gặp gỡ này, thì văn phòng có thể được tổ chức cách nào đó cho dễ nói chuyện. Khi một bề trên hay giám đốc mời một tu sĩ đến gặp mình để khuyến cáo, thì nên cho người kia thấy dễ chịu tức khắc bằng cách đi vào đề cách nhã nhặn, và trực tiếp: “Tôi mời bạn đến đây vì sự vắng mặt của bạn vào các giờ chung. Tôi thiết tưởng chúng ta có thể cứu xét vấn đề cùng với nhau để xem bạn có quá nhiều công việc chăng và có phương thế nào để giải quyết điều đó không?”

Đi thẳng vào vấn đề cách đơn giản như vậy tức khắc loại bỏ một số chấm hỏi trong đầu óc của người được mời. Ngay từ đầu, kẻ ấy cảm thấy nhẹ hơn! Mối thiện cảm và lưu tâm mà người ta biểu lộ cho kẻ ấy sẽ kêu gọi sự cộng tác và thiện chí của họ; nhất là nếu người ta khởi sự bằng cách nhắc đến một vài điều làm kẻ ấy hãnh diện.

Sự ưng thuận của người được hướng dẫn

Một cách bắt đầu khác cũng tốt đẹp là kêu gọi đến sự ưng thuận của người được hướng dẫn trước khi đi vào vấn đề. “Bạn có thấy trở ngại gì khi trình bày với tôi những vấn đề này và cho tôi biết từ đâu có những khó khăn này không?” Không nên quên rằng khi nói chuyện với một tu sĩ khác, chúng ta tiếp xúc với một người trưởng thành và không thể buộc người ấy phải nói. (Cả đối với trẻ con cũng thế, và cũng cần phải xử sự như vậy).

Tình cảm thuộc về một địa hạt khó đụng chạm hơn tư tưởng và các khó khăn hay xung đột cá nhân đều luôn ứ đọng tình cảm. Trong đời sống tu trì, người ta thường quên sự kiện cốt yếu này; bởi thế người ta mất nhiều thời giờ và cố gắng để đối thoại mà không đưa đến đâu.

Người hướng dẫn phải lượng định xem điều gì là tốt đẹp nhất cho kẻ khác. Lúc đầu trong một lần gặp gỡ mà thời gian được giới hạn hay khi vì một lý do nào khác, xét thấy không cần phải làm xáo trộn đương sự, thì phải kiêng tránh mọi thứ tranh luận mang nhiều màu sắc cảm tính. Ví dụ, vì thiếu thời giờ và câu chuyện lại đang đụng chạm đến những tâm tình áy náy hay buồn phiền sâu xa nơi một tu sĩ mà ta muốn nâng đỡ, người này có thể ra về trước khi tìm lại sự quân bình của mình. Cuộc nói chuyện đưa đến xáo trộn, thay vì làm ích có thể làm hại, hoặc đưa đến suy sụp và căng thẳng trầm trọng.

Khôn ngoan và thiện cảm luôn là những quy luật, cả khi câu chuyện xoay quanh các chủ đề nghiêm trọng. Người hướng dẫn phải cố gắng giúp người đối thoại tránh khỏi những xúc cảm vô ích. Tốt hơn là khởi đầu câu chuyện với những chủ đề vô thưởng vô phạt, những công việc được ưa thích, các biến cố trong ngày, tin tức trong nhà và sau đó, khi đã thiết lập được tương quan, thì bàn đến các chủ đề bao hàm những xung đột cảm xúc.

Một vị hướng dẫn nhạy cảm và tế nhị thì đem hết sức mình ra giúp người được hướng dẫn một cách hồn nhiên và đơn sơ. Tốt nhất là có một bầu khí tự do và tự nhiên, chớ không phải là thái độ kẻ cả và trịnh trọng. Sự cưỡng bách sẽ hoàn toàn cắt đứt mối hiệp thông; nài ép là vô ích.

Một phần “thiện cảm” theo đúng nghĩa (feeling with = hiệp thông tâm tình) nào đó rất cần thiết để hướng dẫn kẻ khác, để họ có thể gửi gắm tâm tư cách tự do hơn, nhận ra chính mình và biết rằng mình được chấp nhận như con người thật của mình. Đó là khung cảnh duy nhất để có sự thay đổi bên trong. Nếu việc gặp gỡ không thấm nhuần đức ái Kitô giáo với hiến dâng và chia sẻ, hiện hữu và trao đổi, thì nó không thúc giục ý chí và sẽ không có gì thay đổi từ việc gặp gỡ ấy.

Tương quan

Một tu sĩ quyết tâm thảo luận các vấn đề của mình cách tự do và hữu ích, phải có khả năng tiếp xúc với người hướng dẫn mình trong tin tưởng, tức là phải biết tin tưởng vào người ấy. Tương quan là một sự trao đổi hỗ tương tích cực đầy tín nhiệm làm cho người ta cảm thấy nhẹ nhàng và có thể thảo luận về các khía cạnh chính yếu của vấn đề một cách sâu xa. Tương quan cũng đem cho việc hướng dẫn một ý nghĩa xây dựng và năng động. Luôn có một tương quan năng động giữa người tu sĩ trợ giúp và kẻ được giúp đỡ và hiệu năng cũng như các hậu quả tích cực của tương quan tâm cảm này là những yếu tố quan trọng cho sự thành công của trao đổi liên vị.

Để được sáng sủa hơn, chúng ta cẩn thận xét đến giá trị của chữ “tâm cảm” (emotional) trong mạch văn này. Nhiều tu sĩ hiểu sai ý nghĩa của nó. Từ ngữ “tâm cảm” quy về sự diễn tả chính mình bất cứ dưới hình thức nào và không nhất thiết chỉ một sự trao đổi khả giác hay một sự biểu thị của các phản ứng không được kiểm soát. Nếu không có một sự trao đổi năng động của tâm cảm, thì việc hướng dẫn sẽ không giúp ích gì. Nếu một vị hướng dẫn mà không có khả năng thực hiện tương quan hay ít nhất có thái độ trung lập, thì khó có thể giúp giảm bớt các căng thẳng hay đạt đến một kết quả tích cực. Một bề trên hay linh hướng nào không thể vượt thắng các tình cảm tiêu cực đối với một tu sĩ khác, thì cũng không có khả năng làm ích lợi cho kẻ ấy.

Sự kiện một tu sĩ có thể cảm thấy những tình cảm tiêu cực đối với một vài loại người nào đó mà không thể làm gì để thay đổi, là một điều có thể xảy ra, nhưng người ấy cần phải ý thức và hiểu rằng sự can thiệp của mình trong những trường hợp đó thì vô hiệu quả. Họ nên ý thức về sự gia tăng căng thẳng mà thái độ tiêu cực của mình có thể gợi lên nơi kẻ khác. Họ phải ghi nhận rằng sự thiếu “tương quan” của họ giải thích sự thất bại của họ trong cương vị linh hướng.

Không ai là người hướng dẫn tốt đẹp cho tất cả mọi người; mỗi người chỉ có thể thành công nơi người này nhiều hơn nơi khác. Không ai được quyền quên các giới hạn này. Tuy nhiên, một tu sĩ tốt không nên dựa vào đó để tránh khỏi mất thì giờ và lao nhọc để “hướng dẫn” kẻ khác. Các tu sĩ nào gặp được những bề trên biết thông cảm hay các đồng bạn đầy khôn ngoan để họ có thể bộc lộ tâm tình cách tin tưởng, thì ít khi phát triển những vấn đề nội tâm quan trọng, trừ trường hợp họ đã mắc các chứng bệnh ấy cách sâu đậm hay là đã có những triệu chứng ít nhiều rõ rệt trước khi vào tu.

Việc chấp nhận người thụ hướng

Một khi đã thực hiện được tương quan tốt đẹp thì mối hiệp thông liên vị còn có nhiều khác biệt trong phẩm tính và chiều sâu. Người ta có thể nói với kẻ khác về công việc và khó khăn của mình ở một mức độ rất hời hợt, không đi quá tình trạng lễ độ và vô thưởng vô phạt. Trong nhiều trường hợp khác, sự hướng dẫn có thể rất hữu hiệu, cả khi bên ngoài người thụ hướng không cho thấy một sự thay đổi rõ rệt.

Trong một vài hoàn cảnh khác, người thụ hướng, khi bàn bạc, có thể bị xúc động đến rơi lệ, hổ thẹn và lúng túng, hay còn đầy giận dữ và phẫn nộ nữa. Chính trong những lúc đó mà người ta phải thông cảm và chấp nhận kẻ ấy để không làm cho vấn đề của y thêm trầm trọng thay vì được giải tỏa. Nếu vị linh hướng cứ làm thinh hay lộ vẻ trái ý, khó chịu, hoặc đáp lại sự tức giận bằng thái độ hằn học, thì người ấy chứng tỏ sự ấu trĩ của mình và còn góp thêm những khó khăn mới vào những vấn đề sẵn có của kẻ thụ hướng. Để có thể thành công trong việc hướng dẫn kẻ khác, phải luôn làm chủ sự quân bình nội tại của mình.

Thái độ lạnh nhạt, dè giữ, xa cách đối với người thụ hướng đang bộc lộ những căng thẳng của họ bằng giận dữ và cay đắng, cũng tố cáo một sự thiếu kiểm soát nơi người hướng dẫn. Chúng phá hủy công hiệu tính của tương quan và có thể gợi lên những tâm tình áy náy sâu đậm nơi người thụ hướng. Các căng thẳng và vấn đề của một tu sĩ sẽ thêm chai lì trước sự lạnh nhạt và giận dữ và chỉ được giải quyết dưới tác động của tiếp đón và thân tình. Tình thương được chứng minh cách rõ ràng và sự chấp nhận chân thành còn có hiệu quả lớn lao trước mọi thứ thù oán và căm hờn, căng thẳng và trầm uất, hơn mọi hình thức minh nhiên của khuyên bảo và hướng dẫn.

Theo quan niệm thông thường của chúng tôi, tương quan gợi lên một thái độ khả ái và cởi mở từ phía người thỉnh cầu. Tuy nhiên sự thù hằn hay giận dữ của một tâm hồn bị thử thách có thể là một dấu hiệu tốt đẹp của sự tin tưởng. Các thái độ tiêu cực này làm cho tài ba và đức hạnh của vị linh hướng phải chịu thử thách khá nhiều.

Sự chấp nhận và vô tư của vị ấy trước những biểu thị của sợ hãi và giận dữ là hai đức tính cốt yếu trong hoàn cảnh tương tự. Những sự xáo trộn này đòi hỏi phải được giải quyết với nhiều trưởng thành và kinh nghiệm hơn với một đời sống nội tâm sâu đậm hơn. Yếu tố hữu hiệu nhất dẫn đến một sự thay đổi sâu xa nơi một tu sĩ là chấp nhận kẻ ấy, mặc dù những biểu thị tiêu cực của y; điều này có thể là một khởi đầu để y cải thiện tình trạng của mình.

Người ta không bao giờ nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng của việc chấp nhận người khác trong các tương quan nhân loại hữu hiệu. Cả khi người ta không thể chấp nhận các lỗi lầm và thái độ tiêu cực của kẻ ấy. Không có điều kiện tiên quyết này, người ta sẽ không bao giờ đạt đến một kết quả nào… Một vị linh hướng không có khả năng vượt lên trên các tình cảm tiêu cực của riêng mình và phải luôn đối kháng với tình trạng chống lại kẻ mình hướng dẫn thì nếu có thể được, nên mời người ấy tìm một người hướng dẫn khác.

Một bầu khí yên tĩnh

Dầu là hướng dẫn, khuyên bảo hay cứu xét một vấn đề nào, thì luôn phải có bầu khí yên tĩnh. Việc đàm đạo phải diễn ra trong một nơi thanh vắng, không điện thoại; không có nguy cơ bị quấy rầy. Hãy tưởng tượng tình trạng xúc cảm của một tu sĩ đang bộc lộ các tâm tình và các căng thẳng, đột nhiên bị cắt đứt vì bề trên phải trả lời điện thoại hay phải ra ngoài để tiếp chuyện một người khác. Kẻ đáng thương ấy cảm thấy lạc lõng và không thể tiếp tục, nên sẽ đổi đề tài và trốn tránh điểm cốt yếu của vấn đề. Chắc còn phải qua nhiều ngày tháng để đương sự có can đảm trở lại vấn đề. Về phía hướng dẫn viên cũng khó lòng mà trở lại như trước, và như vậy cũng không còn tương quan tốt đẹp nữa!

Dầu thái độ tiếp đón và giúp đỡ là điều cần phải có, nhưng điều đó thường không thực hiện được khi người ta có những công việc khác. Đối với những người đảm nhận việc linh hướng, đặc biệt là bề trên mà thời giờ rất giới hạn, thì tốt hơn nên có những giờ nhất định dành cho những cuộc gặp gỡ lâu dài (cũng như cho những lần tiếp xúc ít quan trọng hơn). Với một chút tiên liệu và sắp đặt, những trường hợp bị cắt ngang nhiều khi khó tránh, được giảm thiểu tối đa.

Những chi tiết nhỏ mọn trong lúc đối thoại cũng có thể tạo nên hậu quả bình an cho người thụ hướng. Bàn ghế đơn sơ, màu sắc đi đôi với một trật tự nào đó cũng giúp tạo ra những tâm tình nồng ấm và những thái độ cộng tác tốt đẹp. Những điều này nhiều khi khó thực hiện, nhưng không ai chối cãi là chúng rất hữu hiệu.

Tình trạng tinh thần của vị hướng dẫn còn quan trọng hơn bầu khí bên ngoài. Làm sao có thể mong chờ một sự trợ giúp thích đáng từ một con người lộn xộn, căng thẳng, quá bận tâm với những vấn đề riêng của mình để có thể tập trung vào vấn đề của kẻ khác. Dầu người ấy quá bề bộn công việc hay phải gánh vác quá nhiều, nhưng nếu họ bộc lộ điều đó thì làm hỏng cả công việc. Người đến gặp kẻ ấy cần được tiếp đón cách thư thả, thân mật, không hấp tấp vội vã. Cả khi họ đến với vẻ khó chịu, họ cũng phải luôn được tiếp đón lịch sự.

Như chúng ta đã thấy, những biểu thị tiêu cực cũng có tầm quan trọng của chúng và có thể còn bảo đảm hơn là sự hờ hững phơn phớt. Phản ứng của người hướng dẫn đối với các thái độ này rất là ý nghĩa cho người thụ hướng. Một tu sĩ mà nhận thấy bề trên hay đồng bạn luôn bình tĩnh, khả ái, kiên nhẫn và sẵn sàng, cả khi có nhiều người đang chờ đợi ở ngoài, thì được củng cố trong sự tín nhiệm. Nhưng nếu họ có cảm tưởng bị thúc giục, nhất là vào lúc cố gắng diễn tả tình trạng xung đột nội tâm, thì càng trở nên bối rối hơn, và do đó cũng ít bộc lộ hơn. Một linh hướng bực dọc thì vấp phải một hàng rào của những sự thoái thác và những thứ tự vệ khác; thái độ cộc cằn ít khi khuyến khích những việc thổ lộ tâm tình.

Khi tinh thần khôi hài bị thiếu vắng, thì việc hướng dẫn thường có nghĩa như mất thì giờ. Những tâm hồn đau khổ thì vô cùng bén nhạy trước sự thiếu nhã nhặn. Một lời nói quá mạnh, một sự thay đổi trong cung giọng có thể làm hỏng hết mọi kết quả tốt đã được thâu nhận. Một người hướng dẫn hững hờ hay cau có thì dần dần làm kẻ khác xa tránh; một vị hướng dẫn luôn bén nhạy và chú ý đến điều người ta tâm sự với mình thì thường được khuyến khích bởi lòng tin tưởng của kẻ khác đối với họ, bằng sự cộng tác và thiện chí của kẻ thụ hướng.

Tình trạng sức khỏe

Người hướng dẫn có thể bị giới hạn trong nhiệm vụ vì tình trạng sức khỏe của người thụ hướng. Đó là một điều cần lưu ý. Nếu một tu sĩ phải bệnh hay không được khỏe, thì tốt hơn là rút ngắn câu chuyện hay hẹn gặp lại vào một lúc khác. Diễn tả nội tâm của mình, xem xét các sự xung đột là một điều mệt nhọc thật sự, và đối với người không được khỏe mạnh thì điều này có thể là một cố gắng quá lớn.

Sức khỏe và mệt nhọc có thể được nhận biết cách dễ dàng qua nhiều dấu hiệu: nét mặt, dáng diệu thể xác, cách phản ứng nhanh chậm, hứng thú hoặc hững hờ. Người hướng dẫn cũng cần có sức khỏe về mặt thể lý cũng như tâm cảm, vì chức vụ của họ đòi hỏi nhiều chú ý và năng lực tâm thần. Việc thảo luận các vấn đề tâm cảm làm cho cả hai phía đều nhọc mệt. Những thứ bất an nho nhỏ như sổ mũi, nhức đầu, mất ngủ hay đói bụng, cũng có thể làm cản trở một tương quan tốt đẹp và phương hại đến hiệu năng của việc hướng dẫn.

Thái độ thụ động của hướng dẫn viên

Cả khi cần duy trì một bầu khí thân tình và đơn sơ trong việc đối thoại, những câu chuyện vui có tính cách cá nhân của chínhngười hướng dẫn cũng không đúng chỗ; phải tránh kể lể về chính mình. Các điển hình từ kinh nghiệm bản thân làm tập trung chú ý quá nhiều vào hướng dẫn viên, mà thái độ đúng hơn phải là thụ động chớ không chủ động. Người ấy phải quên mình và mọi chú ý phải hoàn toàn hướng về người được tư vấn.

Khi nghe hướng dẫn viên nói về những vấn đề riêng, những hoàn cảnh tương tự mà họ đi qua, người thụ hướng có nguy cơ nhìn thấy nơi đó sự biện minh cho những khó khăn riêng của mình và kết luận rằng họ không cần phải cố gắng lướt thắng những phản ứng tâm cảm của mình. Một loại thí dụ nào đó của vị hướng dẫn chỉ có thể gây ra sự xáo trộn bằng cách gợi lên những tâm tình lệ thuộc. Tốt hơn hết là làm sao cho các lần gặp gỡ linh hướng được khách quan chừng nào có thể, bằng cách giới hạn chủ đề vào việc cứu xét, hiểu biết nhân cách và nhu cầu của người thụ hướng. Người hướng dẫn càng ít lộ diện chừng nào có thể thì việc hướng dẫn càng thêm hữu hiệu.

Những câu hỏi trực tiếp thường làm xáo trộn tương quan tốt đẹp. Một hướng dẫn viên dùng câu hỏi trực tiếp thì điều khiển cuộc đàm thoại và theo sự thường, người kia sẽ phó mặc. Điểm cốt yếu là cho người thụ hướng có dịp định hướng câu chuyện, tự giải thích chính mình và có can đảm nắm lấy vận mạng mình. Các câu hỏi trực tiếp có xu hướng làm giảm bớt sức mạnh của các nguyên động và làm cho sự tự quyết phải yếu đi; chúng cũng có thể tạo nên một bầu khí rất căng thẳng.

Người ta có thể đưa ra những suy luận tổng quát về một vài khía cạnh của vấn đề, về tình trạng căng thẳng của người thụ hướng, nhưng không phải để tra khảo và hạch sách kẻ ấy. Các chi tiết do kẻ ấy trình bày phải được sử dụng vì lợi ích của kẻ ấy, để giúp đỡ chớ không bao giờ để lên án họ. Đó là một trong những nguyên tắc thiết yếu nhất. Nhiều khi người hướng dẫn cần phải biết một vài điều có liên can đến bề trên thượng cấp.

Tuy nhiên, nếu người ấy lợi dụng cuộc trò chuyện linh hướng để điều tra thì có nguy cơ sẽ mất hết mọi sự tín nhiệm của kẻ khác và không còn tư cách hướng dẫn viên. Điều tra viên và hướng dẫn viên là hai phận sự hoàn toàn khác biệt và phải được dành để cho những lúc khác nhau.

Hướng dẫn lương tâm và bảo vệ kỷ luật

Các nhiệm vụ của một tu sĩ thì có nhiều và khác biệt nhau. Thường một người lại kiêm nhiệm hai chức vụ, giám luật và linh hướng; hai vai trò hoàn toàn khác xa nhau và có đối tượng phân biệt rõ ràng.

Ví dụ bổn phận của bề trên cộng đoàn là làm cho kẻ khác phải tôn trọng tập tục, duy trì sự điều hòa và kỷ luật của cộng đoàn ấy. Một tu sĩ với nhiệm vụ giáo sư cũng phải bảo đảm trật tự và kỷ luật trong trường và trong lớp học của mình. Bất cứ tu sĩ nào cũng có nhiệm vụ nhắc nhở một đồng bạn hay một giám thị sửa đổi một vài điều trong phương pháp của mình để đạt những kết quả khả quan hơn. Trong những trường hợp tương tự, người có trách nhiệm can thiệp cũng có thể bị bắt buộc phải quở trách rầy la, từ chối một vài điều xin xỏ hay phép tắc, hoặc cắt giảm một số đặc ân vì những vi phạm kỷ luật; nhưng cả trong những hoàn cảnh này, tốt hơn là nên cư xử ôn hòa.

Tuy nhiên, quở trách, hình phạt hay rút lại các đặc ân tự chúng không giúp phát huy sự tăng trưởng thiêng liêng và trưởng thành tâm lý, nếu không có sự hướng dẫn cá nhân đi theo sau. Những sự sửa dạy và hình phạt có thể làm sửa đổi tác phong bên ngoài nhưng ít ảnh hưởng đến sự thay đổi các thái độ bên trong. Trong một vài trường hợp giao động về xúc cảm, kỷ luật có thể đem đến sự tuân thủ ngoại tại nhưng đồng thời nó lại củng cố sự chống cự bên trong. Nếu những việc sửa trị và hình phạt có mục đích cải thiện một hoàn cảnh và giúp người khác sửa mình, thì chúng phải đi kèm theo sự tăng trưởng nội tâm vốn là hoa quả của việc linh hướng.

Việc hướng dẫn tâm linh không có mục đích thuyết phục kẻ khác nhìn nhận sai lầm và khiếm khuyết của họ; đó là một dịp để người thụ hướng cảm nghiệm một sự giảm bớt căng thẳng, xao xuyến hay mệt nhọc để họ có thể khám phá ra nguồn gốc của các khó khăn riêng một cách sáng sủa hơn. Trong cốt yếu, đó là dịp để họ tự do phát triển và nói lên mọi điều làm họ nặng lòng.

Ở điểm này, việc hướng dẫn và các nhiệm vụ hành chánh hay kỷ luật có những con đường khác nhau. Một người có thể thi hành những nhiệm vụ này, nhưng không cùng một lúc và cũng không dưới một danh nghĩa.

Để giúp một tu sĩ hiểu các vấn đề và những khiếm khuyết của họ, vị hướng dẫn phải biết cách chính xác quan niệm của họ về cách sống tu trì. Khi người ta cho họ cơ hội nhìn thấy rõ các tâm tình của mình, đào sâu các ý tưởng và khám phá những quan điểm mới, người thụ hướng sẽ điều chỉnh các thái độ của mình; nhưng trước khi họ nhận biết chính mình cách chính xác trong tương quan với kẻ khác và trong các hoàn cảnh của đời sống, họ không thể tiến tới trong đời sống nội tâm.

Sự nghiêm khắc và trách mắng, những hình phạt và biện pháp chế tài mà không có việc linh hướng thì làm hại cho việc tăng trưởng cá vị và sự viên thành. Những sự chế nhạo và trách móc xúc phạm đến cảm tính, tạo nên tình trạng tự quy và khơi dậy những cơ chế tự vệ. Giảng luân lý thì không dạy điều gì mới cho đương sự.

Những phương cách tiêu cực như trên, dựng lên những hàng rào tự vệ và tăng cường những sự lo âu, căng thẳng. Mục đích của việc linh hướng là giảm bớt các kinh nghiệm xúc cảm vốn có xu hướng làm cho một đương sự phải mù quáng về nguồn gốc của những khó khăn của chính họ. Linh hướng và trợ giúp không giống như kỷ luật. Nếu vì nhu cầu, người ta ôm đồm cả hai phận sự thì phải phân biệt rõ ràng mục đích và phương pháp của mỗi bên.

Hai nhiệm vụ này đều có lý do tồn tại và mục đích của chúng trong tương quan với sự tăng trưởng cá vị. Kỷ luật trực tiếp quy về tác phong bên ngoài và việc tuân hành một nếp sống được đồng ý và chấp thuận; đó là một công việc tương đối nhanh chóng. Việc linh hướng trái lại cần nhiều thì giờ bởi vì nó bao hàm một sự tiến triển, nhưng nó đưa đến những sự thay đổi nội tại lâu bền hơn và hoàn tất bên trong điều mà kỷ luật cố gắng thâu đạt bên ngoài.

Một trong những căn nguyên thông thường nhất của âu lo và căng thẳng trong đời sống tu trì, là sự lầm lẫn giữa kỷ luật bên ngoài và hướng dẫn tâm linh. Một vài phương thế kỷ luật không có khả năng đạt đến những tiến bộ nội tại có tính cách quyết định nếu không có hướng dẫn, tuy nhiên có nhiều lúc người ta mong chờ đều đó.

Trái lại chúng có thể, như chúng ta đã thấy, ngấm ngầm thúc đẩy sự kháng cự bên trong và tăng cường sự áy náy và căng thẳng. Một lần nữa cần phải hiểu rõ là có một sự khác biệt giữa việc thông đạt tư tưởng và hiệp thông ý muốn, cảm xúc, tâm tình. Kỷ luật chỉ có hiệu quả từ lúc mà các ý tưởng được thông đạt biến thành các giá trị cá biệt và được củng cố bằng những tâm tình và cảm xúc. Chỉ bằng cách này mà các hệ quả của kỷ luật mới có thể thành những nguyên động cá nhân.

Các ý tưởng được đề ra trong kỷ luật thì được đơn giản hóa và không đòi hỏi một cố gắng hấp thụ đáng kể, bởi thế người ta dễ tiêu hóa chúng cách nhanh chóng. Nhưng nếu các ý tưởng có liên can đến những khúc mắc của tình cảm hay bị lẫn lộn trong những tương quan liên vị hoặc các tình trạng nội tâm sâu đậm, thì việc linh hướng được coi như cần thiết.

Trong những trường hợp đó, kỷ luật có thể đem đến một sự tuân thủ bên ngoài, nhưng một cách tạm thời và chắc chắn cùng với các năng động tự vệ. Một số tu sĩ có thể tùng phục kỷ luật cách chặt chẽ nhưng các thái độ lắm lời, lễ độ gượng ép, chỉ trích, nhạo báng, kiêu sa, hờ hững, nghi ngờ của họ là bấy nhiêu dấu chứng rõ ràng về sự cưỡng chống bên trong cách sâu đậm và là những loại căng thẳng và xao xuyến có tính cách tự vệ.

Việc kiểm thảo của người hướng dẫn hay tư vấn

Người hướng dẫn phải luôn sáng suốt về các tâm tình thực sự của mình. Các thành kiến, khắc khoải, các tình trạng xúc cảm của họ có thể làm giảm sút những đức tính để quan sát và sự minh mẫn trong phán đoán của họ. Một linh hướng* lý tưởng luôn thức tỉnh trước các yếu tố chủ quan này nhất là vào những lúc phải quyết định nhanh chóng. Nếu người ấy cảm thấy một ác cảm nào đó đối với người thụ hướng, thì phải tiến bước cách thận trọng, vì biết rằng mọi định kiến tự nhiên nơi mình đều làm cho thực tại méo lệch phần nào.

Nhiều khi những thành kiến vô thức cũng đủ làm cho chúng ta mù quáng trước những nhận xét quan trọng hay làm méo lệch những lối giải thích của chúng ta. Người linh hướng nên lưu ý kẻo họ cho phép các tình cảm riêng tư quá tự do hoạt động. Sự cứng cỏi, tính lắm lời, giọng điệu cộc cằn, thái độ kẻ cả, nổi cơn lôi đình, là dấu chứng tố cáo những phản ứng sâu xa của họ, và bởi đó, hành động ngược lại những đức tính của họ và làm tê liệt ảnh hưởng của họ như người linh hướng.

Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại điều này cho đủ: việc hướng dẫn lương tâm chỉ có một mục đích duy nhất là tìm hiểu thái độ tâm linh của kẻ khác, dầu chúng như thế nào, tốt đẹp hay xấu xa: tìm biết quan điểm của họ để giúp họ tự bộc lộ, lắng nghe ý kiến của họ để giúp họ thấy rõ chính mình, để họ thay đổi đường lối và để tự hướng dẫn mình một cách tốt đẹp hơn. Để tiến đến một giải pháp thuận lợi cho vấn đề tâm cảm, để được giảm bớt căng thẳng và xao xuyến, điều cốt yếu là người hướng dẫn cố gắng tìm hiểu, chớ không phải phán đoán các tình cảm của kẻ thụ hướng là tốt hay xấu, rồi từ đó lại lên án họ. Chính người được hướng dẫn phải nhận ra các sai lầm và các tự vệ cảm xúc khó chấp nhận của mình để có thể tự giải thoát khỏi những thứ ấy.

Lúc nào phải chỉ bảo?

Lúc nào phải đưa ra những lời chỉ bảo và lúc nào phải tránh. Rất khó mà biết. Bao lâu có thể, nên giữ thinh lặng, vì một lý do đơn giản: đưa ra những chỉ dẫn là một cách quyết định thay cho kẻ khác. Tốt hơn là đưa người thụ hướng tới việc tự quyết định. Tuy nhiên nếu một tu sĩ muốn được biết ý kiến của một tu sĩ khác vốn có khả năng trả lời, thì vị này không có quyền từ chối. Một vài hoàn cảnh được coi như thuận lợi hơn hoàn cảnh khác.

Tương quan tốt đẹp phải được thiết lập một cách vững chắc. Thái độ khôn ngoan là không đưa ra ý kiến của mình nếu không biết rõ chủ thể và cũng vì lý do đó, cần phải xem xét hoàn cảnh cách cẩn thận, tìm hiểu nhân cách của người thụ hướng, các vấn đề và khó khăn của họ, trước khi khuyên bảo hay quyết định thay cho họ.

Nơi đây, chúng ta cũng ghi nhận ảnh hưởng của việc chuyển đổi, như phương thế làm dịu bớt các căng thẳng để được thuyên giảm. Điều này đặc biệt quan trọng khi vị linh hướng có hoàn cảnh để làm điều đó hay đưa ra ý kiến đó. Nhiều khi một tu sĩ bị xâu xé vì lo âu, căng thẳng còn phải khổ cực hơn vì hoàn cảnh của những người chung quanh. Một sự thay đổi trong công việc là giải pháp duy nhất có thể cầm hãm một sự xáo trộn cảm xúc sâu xa. Dầu vậy hậu quả của việc chuyển đổi chỉ là làm nhẹ bớt cường độ của căng thẳng. Và chỉ trong một thời gian! Nguyên việc thay đổi hoàn cảnh không, chưa đủ tạo nên một kết quả lâu bền.

Nếu không được “hướng dẫn” cách nào đó, thì con người khốn khổ kia sẽ gặp những khủng hoảng khác trong những hoàn cảnh tương tự. Nhiều khi trong các cộng đoàn, người ta tưởng rằng cách tốt đẹp nhất để giải quyết một vấn đề là chuyển đổi: đổi môi trường, đổi nhà, đổi công việc. Nhưng tất cả những sự chuyển đổi từ việc này sang việc kia, từ nhà này sang nhà nọ, có thể làm phát triển một tình trạng sôi sục đa dạng.

Quá nhiều sự thay đổi trong quá nhiều lãnh vực làm cho người ta mất chân đứng và cái cảm tưởng mất chân đứng sẽ nhanh chóng biến thành một thứ băn khoăn mơ hồ. Mất gốc và giao động, người tu sĩ vì thế sẽ trở nên căng thẳng, xao xuyến, ham thích giải trí; người ấy cảm thấy khó cầm trí, suy niệm, học hành. Họ bắt đầu quen thói đi la cà, thích nhàn rỗi, ngồi lê đôi mách, ham săn tin tức sốt dẻo, thích nghe ngóng những chuyện bên ngoài. Họ làm hỏng cả cuộc đời, sức lực, tài năng của mình, vì không có khả năng chú ý lâu giờ vào một công việc.

Siêu thoát và bất ổn định

Nhiều khi trong đời sống tu trì, người ta lẫn lộn tinh thần thoát tục với điều vốn chỉ là một hình thức bất ổn định (instability). Có những tu sĩ, vì trong cuộc sống đã trải qua nhiều khó khăn mà họ chỉ có thể giải quyết nhờ một vài thuyên chuyển hay thay đổi trong lối sống, nên thay vì tìm thấy nơi đó bài học của siêu thoát, thì trái lại chỉ mong chờ thay đổi để làm dịu bớt căng thẳng.

Siêu thoát là sức mạnh, là kiên cường, là khả năng tăng trưởng về mặt thiêng liêng và đạt đến sự trưởng thành tâm lý, dầu các hoàn cảnh có thuận tiện hay không. Quá nhiều sự thay đổi trong công việc, nơi chốn có thể làm cho một tu sĩ mất cơ may lãnh nhận ý thức trách nhiệm. Về phương diện thiêng liêng và tâm lý, nhiều khi để cho tu sĩ tiếp tục kiên trì mặc dù gặp phải trở ngại thì lợi cho họ hơn; để cho họ có thời giờ mà dò xét căn nguyên ẩn kín của các khó khăn gặp phải, bằng cách cho họ sáng kiến tìm thấy phương thế thích hợp để giải quyết vấn đề và thành công nơi mà trước kia họ gặp thất bại.

Kinh nghiệm này giúp họ thêm tự tín và trưởng thành. Thêm bớt một vài sửa đổi nhỏ mọn cho hoàn cảnh của họ nhiều khi chỉ làm họ mất đi trách nhiệm phải cố gắng. Những thay đổi hời hợt này chỉ cho phép họ lặp lại các thói quen và lề lối hành động cũ trong một hoàn cảnh mới. Nếu các vấn đề thích ứng của họ quá phức tạp, thì điều họ cần là được hướng dẫn chớ không phải thay đổi.

Cần phải có thời gian cho vấn đề xúc cảm: bàn bạc một lần ít khi đủ để giải quyết. Lắm khi mỗi lần thăm vếng, đòi hỏi hơn một tiếng đồng hồ. Đối với một vài tu sĩ, còn phải nhiều nữa để có thể giải tỏa tâm tình và trình bày các sự âu lo của họ; nhưng tốt hơn cho họ và cho vị linh hướng là giới hạn vào một giờ như mức tối đa. Người ta không thu lượm được gì hơn khi ở mãi trong các vấn đề của mình. Về điểm này không có quy tắc tuyệt đối: sự khôn ngoan và óc phán đoán sẽ là những hướng dẫn viên tốt nhất. Nhưng cách chung, một giờ thì đủ rồi. Quá thời gian này người hướng dẫn có thể hẹn lại lần khác.

Kết thúc buổi gặp gỡ

Để kết thúc, người hướng dẫn phải đề phòng, đừng ra vẻ hấp tấp, vội vã, đường đột, bằng cách nghĩ đến công việc mình đang làm dở dang. Điều này đủ để làm hỏng mất mọi thành quả đã thu lượm được. Nếu không thể giải quyết vấn đề trong một giờ, thì tốt hơn là để lại lần sau, chớ đừng muốn giải quyết tất cả trong một lần. Người hướng dẫn phải dành trọn thời giờ cho công việc chỉ định. Lý tưởng là sẽ có những giờ dành riêng cho công việc hằng ngày, và đặc biệt đối với các bề trên, có những lúc chỉ dành cho việc xin phép hay những sự thăm viếng chính thức và những lúc khác dành riêng cho những vấn đề cá vị hơn và riêng tư hơn.

Người tu sĩ mệt nhọc, bối rối trước khi ra khỏi phòng vị hướng dẫn phải có một tâm tình hy vọng và một cảm tưởng hài lòng. Một lời nói đúng chỗ và đúng lúc về một công việc đáng khen, cho phép người hướng dẫn tập trung câu chuyện trên một khía cạnh tích cực. Trước khi chấm dứt, người ta có thể hướng câu chuyện về những vấn đề khác làm kẻ thụ hướng cảm thấy được khích lệ. Cần phải biết nói thế nào để họ cảm thấy lạc quan hơn, tin tưởng vào chính mình để thành tựu trong công việc bổn phận và cảm nghiệm hạnh phúc trong đời sống tu trì.

Một sự hiểu biết nhiều hơn về chính mình phải giúp mỗi người tự điều khiển cuộc đời cách tốt đẹp hơn, chớ không phải làm họ chán nản hơn. Kết quả này có thể đạt đến, bằng cách cho kẻ thụ hướng thấy rằng chúng ta lưu tâm đến họ, cư xử thân tình với họ hơn là đụng chạm tới những thứ tự vệ của họ cách lạnh lùng bằng những lý luận, chứng cứ. Việc linh hướng luôn có mục đích là làm ích cho kẻ khác, mang đến cho họ sự tự do để xây dựng chính mình, để hy vọng, để triển nở; không bao giờ để phá đổ, triệt hạ, hay hủy hoại những ảo ảnh và lệch lạc mà không thay thế điều gì tốt đẹp hơn.

Trước khi tiễn đưa người thụ hướng, hướng dẫn viên có thể nhắc đến những việc thắng lợi của họ như: sức khỏe dồi dào, trí khôn sắc sảo, tài nghệ và những đức tính khác, để xua đuổi những vấn đề và lo âu ra khỏi trí óc họ. Điều gì có thể khích lệ họ cách kín đáo và đưa tinh thần họ lên thì sẽ đóng góp vào việc làm giảm bớt căng thẳng của họ.

Kết thúc một công việc cách tốt đẹp đòi hỏi nhiều khéo léo, khả ái và thư thả. Người hướng dẫn có thể hoàn tất câu chuyện như chúng ta vừa đề cập bằng cách này: “tôi hài lòng vì đã gặp bạn; sự thành thật và thiện chí của bạn làm tôi vui thích”; hay “tôi muốn biết bạn sẽ ra sao và có tiến bộ không?” hay “tôi hy vọng sẽ có dịp gặp lại nhau vào tuần sau, nếu có thể được?” Sự khả ái chân thành này để kết thúc, đồng thời sẽ là một lời mời “tái ngộ” nếu cần.

Điều gì xảy ra trong khi bàn bạc thì ít quan trọng, dầu người thụ hướng có khóc lóc, chống cự, phản kháng nhưng điểm cốt yếu là họ ra về cách nhẹ nhàng. Họ phải cảm thấy được vững mạnh, thoải mái và hài lòng hơn. Người hướng dẫn nên biết điều này để bao lâu có thể được, loại bỏ những gì có thể để lại một cảm tưởng khó chịu trước khi chấm dứt. Sự thành tựu của các lần hướng dẫn phần lớn tùy thuộc cảm tưởng của người thụ hướng ra đi. Trong mức độ nào họ sẽ đạt đến trưởng thành, họ có thể thấy rõ hơn chăng, họ sẽ suy nghĩ một cách hữu ích về điều đã được trình bày trong lần gặp gỡ chăng, họ có trở lại không? Tất cả mọi thứ này đều tuỳ thuộc cảm tưởng cuối cùng.

Những đòi hỏi của việc linh hướng thì thật lớn lao. Cần phải có thời gian, kiên nhẫn, bỏ mình, trong khi đời sống cộng đồng đã chồng chất quá nhiều gánh nặng rồi! Dầu vậy người ta không thể giải quyết các lo âu căng thẳng mà không có một sự kiên nhẫn lâu dài; không có cực nhọc và bỏ mình.

Không có đường tắt cho những xung đột nhân linh, không có xảo kế tài tình. Nếu chúng ta muốn tận tình giúp đỡ kẻ khác, thì không nên quên rằng các thái độ và nguyên động được thành hình cách tiệm tiến, dần dà cùng với thời gian. Người ta có chỉ dạy, và giải thích cho chúng ta các nguyên tắc và lý tưởng cũng nhọc công vô ích, vì luôn phải có thời gian để thấm nhuần và hấp thụ các điều ấy.

Bề trên thường là người ở địa vị thích hợp nhất để làm nhiệm vụ linh hướng nhưng đó là một dịch vụ mà các tu sĩ chia sẻ cùng một cuộc sống có thể giúp đỡ lẫn nhau, một cách hết sức đơn sơ, miễn là các nguyên tắc cốt yếu được hiểu biết và thực hành cách chính xác.

Những tu sĩ sống cùng với nhau có thể biết những khiếm khuyết của nhau nhiều hơn những kẻ ở ngoài, nhưng họ chỉ có thể thay đổi điều ấy một chút nào đó bằng việc thực hành linh hướng cách chân thành và khéo léo. Một lần nữa, chúng tôi không hiểu chữ “hướng dẫn” ở đây theo nghĩa tâm lý trị liệu, vốn là một ngành chuyên môn của y học dành cho các chuyên viên, nhưng một cách đơn giản, theo nghĩa của những tương quan liên vị, vốn cho phép chúng ta trợ giúp nhau để đạt tới trưởng thành.