Dâng hiến Sáng tạo (phần 11)
V. ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG
Sự thích ứng cá nhân được đánh giá qua những tương quan liên vị. Việc nhận thức về chính mình tăng trưởng và tự điều chỉnh sau một thời gian; sự tiến triển của nó trong chiều hướng hội nhập cá vị đương nhiên cũng kéo theo một sự nhạy cảm lớn hơn đối với kẻ khác và một ý thức sắc bén hơn về các thực tại của đời sống cộng đồng.
Ở đây, “đời sống cộng đồng” được hiểu theo nghĩa: “đời sống chung, đời sống cộng đoàn” trong đời tu, cùng với kẻ khác. Ngày nào mà một cá thể biết thích ứng đầy đủ nơi chính mình, thì nó cũng có khả năng thích nghi nhiều hơn đối với kẻ khác và với các nhóm. Chúng ta giúp nhau đạt đến trưởng thành trên phương diện xã hội, khi chúng ta hiểu biết các yếu tố của sự thích nghi xã hội.
Từ đâu có sự áy náy trong đời sống tập thể? Rất cần nên tự hỏi mình điều đó, mặc dầu sự khám phá này không bảo đảm về thành quả của sự chọn lựa của chúng ta. Sự hiểu biết về năng động thích nghi xã hội có một giá trị giới hạn, nhưng nó cho phép chúng ta đặt kiểm soát nhiều hơn trên các năng động nội tại của mình. Bao lâu chúng ta còn thiếu hiểu biết về nguồn gốc của các sự áy náy, xung đột và bất thích ứng của mình, thì chúng ta không thể làm gì để giảm bớt các khó khăn này. Biết được nguồn mạch của chúng là đưa chúng vào ý thức và từ đó, một cách trực tiếp hơn, đặt chúng dưới sự kiểm soát ý thức của chúng ta.
Các thái độ và thể thức tư duy của chúng ta có những liên hệ chặt chẽ với sự thích nghi xã hội của chúng ta, và có nhiều thứ tương quan giữa các sự thích ứng cá nhân nội tại và khả năng đóng góp vào sinh hoạt xã hội
Thiện cảm
Các quan niệm xã hội của chúng ta, các tiêu chuẩn mà chúng ta dựa vào đó để đánh giá các hoàn cảnh xã hội, là những chỉ dẫn rất ý nghĩa về những tâm tình mà chúng ta có đối với kẻ khác. Tu sĩ nhất là người trẻ phải biết rõ điều đó; mặc dầu tính cách vô lý của những ý kiến và quan điểm của một vài đồng bạn hay của các tu sĩ lớn tuổi hơn, người trẻ không vì thế mà có quyền chỉ trích, và càng không được lên án những kẻ ấy.
Sự nể trọng mà họ phải có đối với kẻ khác, đòi buộc một sự kính trọng nào đó đối với ý kiến và quan điểm của các kẻ ấy, dầu các điều này có chấp nhận được hay không. Sự nể trọng không có nghĩa là đồng tình với các điều vô lý, nhưng là kính trọng tư cách làm người của những kẻ ấy, cũng thế, thực tình biểu lộ sự niềm nở đối với các tu sĩ khó tính là một công việc của trưởng thành cũng như của bác ái. Phương châm: “Mắt thế mắt, răng đền răng” là của Cựu Ước và của các tòa án; đó không phải là một yếu tố của trưởng thành, xuất phát từ tình yêu chân chính, vốn vượt trên sự công bình.
Không nên cười đùa trên nỗi bất hạnh của kẻ khác. Một vài thứ hài hước trái mùa làm cho mình mất phán đoán và cũng phá hoại đời sống xã hội. Giữa tu sĩ luôn có người lệch hướng, mặc dầu họ luôn được nhắc bảo về những sự mù quáng hay thiếu thiện chí nào đó, hay một sự rối loạn xuất phát từ các xung đột nội tại làm cho họ vấp phạm luôn mãi. Bề trên hay bạn hữu không thể chấp nhận lầm lỗi của họ. Điều này không có gì là mâu thuẫn. Chỉ cần phân biệt giữa con người và hành vi của nó. Chỉ với điều kiện duy nhất này, người ta mới có thể giúp đỡ những con người đáng thương hiểu được nguồn gốc các vấn đề của họ.
Sự thiếu thiện cảm chung quanh họ chỉ tổ làm cho họ xa đời sống cộng đồng hơn thôi. Thiện cảm mà chúng ta biểu lộ đối với các vấn đề của họ, cả khi chúng ta không đồng tình với tác phong của họ, sẽ giúp họ hiểu rằng cách thức hành động của họ làm giảm uy tín cho chính mình.
Cũng vì những lý do đó mà chúng ta phải tỏ ra lịch sự với những người khiếm nhã; cách cư xử vô lễ của họ không cho phép chúng ta hành động giống như họ. Điều đó chỉ là một cách chứng tỏ sự thiếu trưởng thành của chúng ta và còn rơi vào khuyết điểm mà chúng ta chê trách. Chính những khiếm khuyết cá nhân của ta làm ta chú ý đến khuyết điểm của kẻ khác. Cứ thế mà đi, những kẻ khiếm nhã càng trở nên khả ố.
Sự kính trọng của chúng ta đối với kẻ khác, không thể xây dựng trước tiên trên điều họ có, họ làm hoặc họ nói, nhưng trên thực tế của họ như những ngôi vị toàn thể. Không một nét đặc thù nào có thể đủ để diễn tả con người toàn diện và càng học biết và thấu hiểu kẻ khác – nhất là các tu sĩ gương mẫu – chúng ta càng nhận ra những đức tính lớn lao của họ, những nét huy hoàng hiện thực của nội tâm họ, mặc dầu mọi khuyết điểm của họ.
Chúng ta không thể thực sự đánh giá một tu sĩ, dựa vào tài sản của gia đình họ hoặc uy tín mà họ có, cả những thành quả họ đạt được. Tất cả những cái đó chỉ là phụ thuộc so với cái tôi hiện thực của họ. Sự kính trọng của chúng ta đối với một tu sĩ khác phải phù hợp với thực tại của họ như là một tu sĩ, với mọi sự cao cả ẩn kín nơi con người nội tâm của họ, nghĩa là nơi con người thật của họ. Sự kính trọng đích thực phải được xây dựng trước tiên trên chính họ, trên tư cách làm người và là hữu thể nhân linh độc nhất dưới cái nhìn Đấng Tạo Dựng, và kế đó, trên cá tính riêng biệt mà thiên nhiên phú bẩm cho họ.
Tài sản của cộng đồng
Có nhiều sự hiểu lầm về tiêu chuẩn đời sống xã hội riêng biệt cho tu sĩ. Việc sử dụng tài sản của cộng đồng cách tập thể phát xuất từ sự từ bỏ tư hữu của mỗi người. Từ đó người ta có thể dễ dàng kết luận rằng: “điều gì thuộc về bạn cũng thuộc về tôi”, mà không cần nghĩ thêm về lợi ích của kẻ khác cũng như của cả cộng đồng. Tuy nhiên trật tự và hài hòa đòi hỏi mỗi người phải tôn trọng sự vật mà người khác đang sử dụng và không được phép chiếm đoạt chúng mà không có sự đồng ý minh nhiên của kẻ khác. Sự chú ý và quan tâm của mỗi người đối với các đồ vật họ vay mượn chứng tỏ sự lương thiện và sự kính trọng của họ đối với kẻ khác. Mỗi tu sĩ cần phải ghi tâm nguyên tắc thứ nhất là tôn trọng tài sản của cộng đồng.
Thanh bần
Người ta cũng có thể quan niệm sai lầm về tinh thần khó nghèo. Sự từ bỏ vì Chúa Kitô qua lời khấn Khó Nghèo giải thoát tu sĩ khỏi bận tâm về các tài sản cá nhân và cho phép họ dấn thân cách hoàn toàn hơn vào đời sống thiêng liêng và việc tông đồ; dầu vậy cũng có những tu sĩ đầy thiện chí còn lẫn lộn ý nghĩa đích thực của Khó Nghèo với tật hà tiện. Vì mãi nhắc nhở đến sự cần kiệm, nhai đi nhai lại những khó khăn kinh tế của cộng đoàn, kêu gọi mọi người dè xẻn trong sự tiêu dùng, nên rốt cuộc người ta mặc nhiên khuyến khích một thứ tinh thần tư hữu nào đó nơi các phần tử của cộng đồng.
Như chúng ta đã nói, các tu sĩ bị ám ảnh bởi sợ hãi, cuối cùng sẽ có thái độ góp nhặt hơn là tiết kiệm. Sự lo toan tích trữ, tính keo kiệt làm cho họ trở thành khó tính, càu nhàu; trong khi tinh thần khó nghèo có đặc tính là vui tươi tự nguyện. Bởi thế, người ta nên trình bày các sự kiện cách khách quan, nên đối xử với các phần tử của cộng đoàn như những người có ý thức trách nhiệm và như những cộng tác viên, đó là một cách tốt đẹp hơn để kêu gọi đến tinh thần hy sinh và cần mẫn của họ. Vì cảm thấy có trách nhiệm, nên đa số chắc chắn sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Biết ơn
Mức độ tôn trọng nếp sống xã hội của một người được dễ dàng nhận thấy qua cách nói cám ơn. Những thứ ân huệ, cử chỉ ưu ái, quà tặng và vô số dấu hiệu lưu tâm khác ít cụ thể hơn và ít rõ ràng hơn, đáng cho chúng ta ghi nhớ với lòng tri ân. Đa số tu sĩ có những cách rất tế nhị để bày tỏ lòng tri ân của họ đối với những việc tử tế của những người ngoài đời, nhưng trong chính đời sống cộng đồng, những sự trao đổi tâm tình và tri ân như vậy cũng rất cần thiết.
Sự biết ơn đòi hỏi tinh thần vô vị lợi; người ích kỷ tưởng tượng một cách quá dễ dàng là họ có quyền đòi hỏi tất cả và rất mù quáng về điều mà kẻ khác luôn làm cho họ. Phải có thời gian, phải biết suy nghĩ để biểu lộ lòng tri ân của mình, nhưng nếu không có thiện chí hỗ tương, thì đời sống cộng đoàn có nguy cơ trở thành một lối hiện hữu buồn tẻ, vụ hình thức. Mọi cộng đồng tu sĩ có thể và phải trở nên một hình ảnh của nhiệm thể Chúa Kitô, nơi mà mọi chi thể được hợp nhất và tương trợ lẫn nhau để tham dự vào đời sống tâm linh. Cách diễn tả lòng tri ân là một biểu tượng của sự gặp gỡ thần nhân này.
Đàm thoại
Cũng như một nghệ sĩ có cách để thông truyền tư tưởng của mình, thì người tu sĩ cũng có những cách thức khéo léo để biểu lộ cho anh chị em trong đời tu sự thích thú và lòng kính trọng của mình đối với họ. Những cử chỉ hồn nhiên rất nhỏ cũng đủ để diễn tả các thái độ tích cực của người tu sĩ đối với những anh chị em khác. Biết cách giới thiệu, biết bắt đầu một câu chuyện, cả giữa những người chưa hề quen biết nhau, sẽ gợi lên sự tin tưởng và xua đuổi tức khắc sự ngỡ ngàng lúng túng.
Biết nói chuyện là cả một nghệ thuật, nhất là trong hoàn cảnh thông thường của đời sống hằng ngày, mà một vài thành ngữ và công thức mau trở thành cũ kỹ. Trong đời sống cộng đồng, biết đàm thoại tốt đẹp là cả một nghệ thuật mà do ơn gọi, mỗi người phải cố gắng lĩnh hội. Sự thong thả nhẹ nhàng trong các tương quan, lời nói và cách xử thế, siết chặt những mối giây liên lạc của nhóm.
Một cách thông hiệp khác với bạn đồng liêu, là hỏi họ cách tế nhị và cẩn trọng về anh chị em, bạn hữu và nhắc cho họ tên những người rất thân yêu của họ. Sự lưu tâm đến các bạn hữu của đồng bạn, các dự định, ước muốn và nguyện vọng của họ, làm cho câu chuyện thêm linh động và hào hứng. Những cuộc trò chuyện cho thấy nét trưởng thành hay ấu trĩ của chúng ta, bằng nhiều cách thức khác nhau.
Tật nói về mình thì làm vui thích kẻ nói hơn người nghe và thói quen cắt ngang lời nói kẻ khác để phát biểu ý kiến cá nhân của mình hay chỉ để nói cho vui thôi, là một thái độ ấu trĩ, khó nhọc cho chính đương sự và cho tất cả mọi người. Các bậc thầy trong nghệ thuật trò chuyện biết thích nghi với hoàn cảnh từng người và biết rõ giá trị cao hơn của thinh lặng đầy hảo ý.
Khen tặng
Khen thưởng những người xứng đáng là một điều tốt. Những lời khen tặng đúng chỗ không mâu thuẫn với sự thành thật trái lại còn làm chứng cho lòng chân thành, bởi vì chúng không tùy thuộc các cảm tưởng hay tính khí. Một lời khen thưởng xứng đáng là một khích lệ để kẻ khác tiếp tục. Các tu sĩ không nên do dự khi khen tặng chúc mừng bề trên mình trong vài trường hợp. Phẩm cách và cương vị của ngài không ngăn chặn ngài cảm thấy nhu cầu được nâng đỡ và sự đơn sơ chân chân thành thân thiện chung quanh ngài. Đừng coi việc chúc mừng này như một thứ thủ đoạn hay nịnh bợ hèn hạ. Lối suy nghĩ tiêu cực này là ấu trĩ.
Các buổi hội họp cộng đồng dù mang hình thức nào, luôn là hoàn cảnh để tu sĩ tập luyện xã hội tính. Sự thành công của chúng tùy thuộc thái độ thân thiện của những người tham dự và mỗi người phải góp phần vào hạnh phúc của tất cả mọi người.
Giải trí
Các buổi họp và giờ giải trí cộng đồng đòi hỏi hy sinh và quảng đại; đó là dịp để bộc lộ sự tự tin và tinh thần tháo vát. Tìm những sáng kiến mới để giúp giải trí hay cùng hoạch định một chương trình văn nghệ vào dịp lễ, là cách giúp phát triển sự viên thành cá vị, đồng thời đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Sự kiện mọi người cùng đóng góp tài năng và sức lực thường khơi dậy một tình trạng phong phú gồm những tư tưởng độc đáo, rất quý giá cho phẩm tính của các chương trình giải trí.
Mỗi người cần phải đặt hết tâm trí vào việc lan tỏa niềm vui trong cộng đồng bằng cách nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác hơn là hạnh phúc của chính mình. Vấn đề thực sự là biết chúng ta có thể cho đi điều gì chứ không phải có thể mong đợi gì. Nguyên chỉ một việc chúng ta tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận đối với các cố gắng của kẻ khác và vui lòng tán thưởng các kết quả của họ là một hình thức tham dự. Nếu chúng ta phải bỏ ra đi trước lúc kết thúc buỗi lễ, thì ít nhất thái độ luyến tiếc cho thấy chúng ta rất thích ở lại. Nếu bạn hoàn toàn dửng dưng hay bỏ ra trước với vẻ thoải mái rõ rệt thì bạn làm hỏng đi cái vui của toàn thể cộng đoàn.
Thuyết trình, hội thảo
Mỗi cộng đoàn thỉnh thoảng tổ chức những buổi thuyết trình hay hội thảo theo mục đích của công việc họ thực hiện. Những buổi gặp gỡ này có thể dành riêng cho các phần tử của cộng đồng hay còn bao gồm các giáo dân, học sinh, người giúp việc hay phụ huynh học sinh. Sự thành công của những buổi hội họp này thường tùy thuộc vào sự tiếp đón nồng hậu của cộng đoàn. Để làm việc đó, cần phải có nhiều sự đóng góp khác nhau.
Trước tiên là công việc đáng kể của những sáng kiến và chuẩn bị. Không cần đứng đầu công việc mới lo cho nó thành công. Khi nó liên hệ đến cả cộng đồng thì đó là công việc của tất cả. Dầu khi không phải tất cả đều thảo luận, nhưng mỗi người phải chú ý đến sự chuẩn bị. Dọn dẹp phòng bè, chuẩn bị bút mực giấy tờ… và những thứ tiện ích làm cho những người được mời tham dự cảm thấy thích thú, đó là những công việc có tính cách xã hội. Chúng đóng góp vào việc tiếp đón khách mời cách nồng hậu. Nếu đa số các chi tiết này được trao phó cho những người ở ngoài, thì các tu sĩ cũng cần phải sẵn sàng để bề trên và những người có trách nhiệm nhờ đến.
Hiếu khách
Mỗi người phải nghĩ đến vang âm xa xôi của các cảm tưởng mà họ để lại nơi kẻ khác, nhất là nơi giáo dân. Trong một nhà tu, mỗi tu sĩ luôn là người mà khách tìm đến hoặc để được chỉ dẫn hay được một điều gì khác. Biết bao nhiêu ơn gọi tu trì được chớm nở nhờ sự khả ái và vui vẻ của một tu sĩ, đã bỏ thời giờ để hướng dẫn khách thăm nhà cách lịch sự. Biết bao nhiêu người giữ lại một hình ảnh quyết định về đời sống tu trì qua một biến cố nhỏ như thế!
Ngôn ngữ và tư cách của tu sĩ phải luôn gợi lên những nét nào đó của chính Đấng Cứu Thế. Một câu trả lời khô khan cứng cỏi, một cử chỉ bực dọc cũng đủ dập tắt tia sáng tìm hiểu vốn lôi cuốn một người khách lạ đến thềm nhà chúng ta. Họ sẽ tức giận quay về và người ta sẽ không thấy họ trở lại nữa. Họ sẽ giữ lại một hình ảnh đen tối và méo lệch về người tu sĩ mang danh Chúa Kitô.
Qua cách nói năng lịch sự và tự nhiên, bằng sự ân cần vui thích và lưu tâm mà một tu sĩ biểu lộ cho bất cứ ai xin một việc gì hay biết dừng lại để nói chuyện với kẻ ấy, người tu sĩ dầu có chức vụ gì, luôn phải biểu thị niềm vui nội tại và bình an đích thực của mình. Giáo dân mong đợi thấy được nơi họ hạnh phúc và sự thanh thản.
Trái lại, nếu người ngoài đọc thấy sự cay đắng trên bộ mặt cau có của họ, thì họ sẽ nghi ngờ về khả năng tu trì của họ và nghi ngờ luôn về chính đời tu nữa. Một tu sĩ buồn chán không phải là điều làm kẻ khác cảm thấy an lòng; nhưng người nào có tài làm bạn bớt nhăn nhó bằng diện mạo vui tươi hay bằng chính sự dịu dàng dễ thương của họ, chắc chắn sẽ giúp kẻ khác kết nối lòng tin tôn giáo với điều thiện hảo đáng mong ước trong đầu óc của họ. Một tu sĩ hạnh phúc và vui tươi là một “quảng cáo” tốt đẹp cho cộng đồng của họ.
Tương trợ
Bấn loạn, lúng túng là một hình thức đau khổ và một tâm hồn cao thượng đương nhiên tìm cách làm cho kẻ khác được thoải mái. Đời sống tu trì sẽ phù hợp với tinh thần Chúa Cứu Thế hơn, khi mỗi người cố gắng xóa bỏ mọi thứ cảm tưởng lung túng chung quanh mình. Nếu một chủ đề trò chuyện gây căng thẳng, thì tốt hơn là tránh nó nhưng không lộ vẻ nghiêm trọng để khỏi làm cho bầu khí thêm ngột ngạt. Trốn tránh cách lộ liễu sẽ gây thêm căng thẳng chớ không đẩy lui nó. Khi gặp riêng một người anh em, có thể khuyến khích họ giải bày tâm tự, nhưng chỉ khi nào họ muốn làm điều ấy.
Các bệnh tật thể xác cũng rất khó nhọc và trong khi người đau ốm phải cố gắng tối đa để không làm khổ kẻ khác thì những người này cũng phải thông cảm thực sự với họ. Nếu quả thật chúng ta chấp nhận họ trong cộng đồng, thì phải biết tiên đoán các sự phiền hà của họ và biết cách nâng đỡ họ.
Khi các tu sĩ phải “vấp phạm” (té ngã) bên trong hoặc bên ngoài cộng đồng, thì có những thái độ làm gia tăng sự hổ thẹn của họ, như: “không phải là lần đầu tiên”, hay là giảm bớt sự đau khổ của họ: “đó là những điều thường xảy đến cho tất cả mọi người”. Phản ứng đầu tiên của chúng ta nói nhiều về cách suy nghĩ của chúng ta hơn là những lời (diễn giải) của chúng ta sau đó.
Tình bạn
Những sự tế nhị và dễ thương nho nhỏ của chúng ta vốn thật quan trọng cho đời sống cộng đồng, cũng đương nhiên làm cho chúng ta có nhiều bạn. Luôn luôn có những người, nhờ tính tình và hoàn cảnh, gây được sự tín nhiệm nơi kẻ khác, và một số người cảm thấy lôi cuốn đến với họ cách thân mật hơn, nhưng cách chung, một tu sĩ trưởng thành sẽ có nhiều bạn thay vì một số rất nhỏ những tình bạn độc chiếm. Sự trưởng thành có đặc tính là chiều rộng mở và chiều sâu, và khi giao kết với mọi hạng người, nó không hao mòn đi. Những chân trời rộng rãi cũng mở rộng tầm nhìn của chúng ta; một lỗ nhỏ của đường hầm trái lại thu hẹp sự nhận định của chúng ta.
Người tu sĩ trưởng thành mau chóng cảm thấy sự cô độc của kẻ khác. Đi vào sự cô độc đó, giả thiết một sự siêu thoát cao độ đối với chính mình, điều mà người ta thâu nhận được nhờ thử thách và đau khổ. Sự hảo tâm khả ái này khơi dậy nơi mỗi người một sự tế nhị của tình cảm, ngôn ngữ và phương cách, vốn sẽ giúp họ dần dà đi vào sự cô độc của kẻ khác. Họ sẽ mau mắn nhận ra người nào hầu như sống ngoài cộng đoàn, vì sức khỏe yếu kém không cho phép kẻ ấy ra khỏi phòng, vì kẻ ấy không có gì đáng chú ý hay đáng yêu; hay một cách đơn giản, vì do tuổi tác, “quá trẻ” hoặc “quá già”, để có thể biết điều gì xảy ra trong cộng đồng.
Nếu bên ngoài mọi sự xem ra “ổn thỏa”, thì có thể vì đó mà kết luận rằng cách sống này không làm cực lòng họ sao? Không ai lại không biết đến sự cô độc, nhưng trong một cộng đồng, không có gì khó nhọc hơn là cảm tưởng bị bỏ rơi. Mỗi người cho riêng mình, phải học khám phá những chiều kích mới của nét đẹp chìm sâu vào trong chính mình và ôm ấp nhiều chân trời tâm linh mới, vào những giờ cô độc. Nhưng đối với kẻ khác, họ phải cố gắng khám phá người anh em bất hạnh bị bỏ quên, để cho kẻ ấy có cơ hội bộc lộ, và cảm thấy sự có mặt của người khác. Sự cảm thông gần với đức ái thần linh nhất là biết ưu tư về những anh em sống ngoài lề gia đình cộng đồng.
Cách xử trí tốt đẹp trong các tương quan phản chiếu những nguyên tắc tiềm ẩn của trách nhiệm xã hội và điều này cách nào đó cũng tuỳ thuộc sự thích ứng cá nhân. Người tu sĩ quân bình (biết thích ứng), cần biết cách sử dụng tài năng sẵn có của mình để giúp kẻ khác và cũng biết các thái độ có thể làm phương hại đến sự tăng trưởng cá nhân và giảm bớt ảnh hưởng tốt đẹp của mình trên những người cùng chia sẻ cuộc sống. Nếu thấy được những hậu quả tâm lý cũng như các bất lợi thiêng liêng từ những thái độ thiếu thích ứng chắc họ sẽ mau mắn sửa đổi tác phong của mình.
(còn tiếp)