Dâng hiến Sáng tạo (phần 10)
Tình thương của Chúa Cứu Thế
Suốt cả quảng đời công khai, Chúa Cứu Thế không ngừng dạy bảo rằng: đức ái cốt yếu là sự chấp nhận mỗi người vì phẩm cách của họ. Chúa Cứu Thế yêu Gioan, mặc dầu Gioan trẻ tuổi và có phần nào “lệ thuộc”. Ngài đã yêu Phêrô mặc dầu tính bốc đồng và hấp tấp của ông. Chúa yêu Tôma mà đức tin đã nghiêng ngả. Chúa không tìm cách biến đổi nhân cách của các đồ đệ trước khi chấp nhận họ như những con người. Người thâu nhận họ với cá tính của họ, rồi sau đó làm cho họ lớn dần bằng tình yêu và gương sáng của Người. “Được chấp nhận” là điều cho phép ta, vào lúc thuận tiện, trở thành những Kitô hữu dũng cảm và giá trị.
Phúc âm ghi lại biết bao nhiêu lần gặp gỡ của Chúa Cứu Thế trong đời sống công khai của Người. Người chứng tỏ đã chấp nhận người phụ nữ ngoại tình như thế nào, bằng cách bênh vực bà và tha thứ cho bà với tất cả lòng nhân hậu, khi những người tố cáo bà đã bỏ đi. Người chấp nhận dùng bữa tại nhà Simon với các người Biệt phái, mặc dầu Người biết họ sẽ không chấp nhận Người. Họ quá kiêu hãnh để có thể chấp nhận Người! Họ bị đóng khung trong sự kiêu căng và cuồng tín của mình.
Nhiều lần Chúa Giêsu đã quở mắng họ vì sự ngoan cố và thiếu thông cảm của họ, trong khi họ tự cho mình là mẫu mực của việc tuân giữ lề luật mà không có đức ái đích thực bên trong. Chúa còn gọi họ là mồ mả tô vôi. Thật kinh khủng! Sự chấp nhận kẻ khác mà không kể đến lỗi lầm hay hoàn cảnh của họ là một trong những bài học bác ái lớn nhất mà Chúa Cứu Thế để lại cho chúng ta. Nhưng đó cũng là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cách người biệt phái với Chúa Cứu Thế.
Tình yêu đích thực được thúc đẩy bởi các nguyên động siêu nhiên và sự chấp nhận đối với từng người, nhờ một sự thấu hiểu trưởng thành về tâm lý, đó là những đặc tính thiết yếu của đức ái Kitô giáo chân chính.
Mẫu gương của bề trên
Thông thường, chính bề trên điều khiển cộng đoàn và chỉ dẫn cách thế thực hiện sự chấp nhận. Nhiều khi tu sĩ thâu nhận cách vô thức thái độ của bề trên đối với các phần tử khác trong cộng đồng. Nhất thiết khi bề trên là người rất hoạt động và được nhiều người yêu mến. Nếu bề trên không có nhiều ảnh hưởng thì có thể xảy ra là hạnh phúc của cộng đồng tùy thuộc phần nào vào uy tín của một người ở cấp dưới.
Các tu sĩ không được quí mến, có vẻ kỳ dị hay bị bỏ rơi cảm thấy nhu cầu được chấp nhận nhiều hơn người khác, cả khi chính những thói tật kỳ dị của họ cô lập họ. Các tu sĩ thiếu an ninh có khuynh hướng lẩn tránh những ai không được quí chuộng và cho rằng phải tự đồng hóa cách nào đó với người tu sĩ được nhiều người biết đến. Khi chính bề trên mắc phải chứng bệnh bất an này, thì đời sống gia đình chung quanh người ấy cũng chịu thiệt thòi nặng nề.
Cảm thức trực thuộc
Con người trong yếu tính là một hữu thể xã hội và toàn bộ cơ cấu xã hội loài người được hình thành để đáp ứng những nhu cầu của nó. Đời sống cộng đồng là lối sống tập thể nhằm đạt đến mục đích thiêng liêng chung. Để được tiến bộ về mặt thiêng liêng trong khuôn khổ đời sống cộng đồng, tu sĩ cần phải có cảm thức trực thuộc; nếu không, họ sẽ bị mất chân đứng và chịu thiệt thòi trong việc tăng trưởng thiêng liêng cũng như cá vị.
“Trực thuộc một cộng đồng” theo đúng nghĩa của nó, là được anh chị em, đồng bạn yêu thương và quí chuộng. Hạn từ “trực thuộc” bao gồm ý niệm của những tương quan thân thiện giữa các tu sĩ của một hội dòng, một cộng đồng. Mỗi người cần phải giao kết tốt đẹp với các cộng sự viên và cùng với những người này hãnh diện về trường học, bệnh viện, tu viện, đan viện hay một nhiệm sở nào đó của mình.
Mỗi tu sĩ phải cảm thấy mình cũng quan trọng như bất cứ phần tử nào của cộng đồng, dầu mình ở nơi nào và phải và dầu cho chức vụ của mình không được cao lắm. Họ cần phải nghiệm thấy, bằng hành động cụ thể chớ không phải bằng lý thuyết, rằng: để làm thành một cộng đồng, cần có nhiều thứ tài năng và cũng phải có một phẩm trật. Không có thỉnh sinh và tập sinh thì tu hội cũng không có tương lai; không có người bệnh tật và già yếu, thì cũng không có kho tàng thiêng liêng; không có bề trên hay giám đốc, không thể có trật tự, phương hướng; không có số đông “quân sĩ”, thì cũng không có gì để hướng dẫn điều khiển.
Tuy nhiên, thường thì tinh thần trực thuộc này bị giảm sút đi vì sự lạnh nhạt hay dửng dưng và rồi các thái độ này lại làm phương hại đến sự phát triển cá vị hay sức khỏe tâm thần của những chủ thể. Mỗi tu sĩ phải cảm thấy rằng mình có một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện ở vào vị trí của mình. Dầu vai trò của mình xem ra có vô nghĩa đến đâu chăng nữa thì người ấy cũng cần nhận được sự bảo đảm, cách trực tiếp hay gián tiếp, về tầm quan trọng của nhiệm vụ mình đối với cả cộng đồng và cho lợi ích của mọi người. Nhu cầu trực tiếp này chỉ được thỏa mãn khi tu sĩ thực sự tham gia vào công việc của cộng đồng. Họ phải có cảm thức là thực sự đứng vào chỗ của mình và được thúc đẩy bằng ý thức mình đang làm điều gì nhờ vào cộng đồng tu sĩ.
Không ai phải cảm thấy thua thiệt vì gia đình của mình ở ngoài đời đã không thành công trên bình diện kinh tế, trí thức, xã hội… Cảm thức trực thuộc được xây dựng trên chính sự tham gia của mình vào đời sống của nhóm; còn việc coi trọng những thành quả của gia đình chỉ tổ phá hủy đời sống cộng đồng. Những bề trên nào đặc biệt chú ý đến những thành viên xuất thân từ những gia đình quyền quí hay giàu sang thì vi phạm tinh thần trực thuộc và làm lệch đi chính yếu tính của đời sống cộng đồng.
Khiêm tốn
Mọi tác giả tu đức đều khẩn thiết mời gọi các Kitô hữu và đặc biệt các tu sĩ hãy kiên quyết suốt đời khắc phục sự khiêm tốn, đồng thời cũng luôn nhắc rằng: sự kiêu hãnh cũng như cái “tôi” chỉ chết vài phút sau cái chết (sinh học) của chúng ta. Nhu cầu được quí chuộng và tham vọng muốn làm mọi điều tốt đẹp, không chống nghịch với phương ngôn này. Việc thỏa mãn các nhu cầu nhân linh không xung khắc với sự tăng trưởng thiêng liêng; nó chỉ đem đến một nền tảng tự nhiên vững chắc. Vì thế ý thức về phẩm cách cá vị nơi một người biết rằng mình cần phải tùy thuộc Thiên Chúa và đồng bạn để hoàn tất vai trò của mình trong đời sống cộng đồng không làm tổn hại đến đức khiêm tốn.
Khiêm tốn đích thật được xây dựng trên sự nhận biết phẩm cách của chúng ta như Kitô hữu, và biết rằng tất cả điều gì chúng ta có, đều được nhận lãnh từ Thiên Chúa. Nếu không phát xuất từ một sự hiểu biết thâm sâu về tính siêu việt của Thiên Chúa, các tâm tình về sự bất xứng của mình cũng gần như sự kiêu hãnh và thất vọng, và trên bình diện tâm lý sẽ đưa đến các cơ chế tâm não bệnh hoạn.
Để có cảm thức quân bình về phẩm cách cá vị, người tu sĩ cần phải thành công và được người khác nhìn nhận sự thành công đó. Đó là cốt tủy của một đời sống lành mạnh trong cộng đồng.
Các tu sĩ nào mà không được bề trên và bạn bè tán thưởng cách hợp lý, thường có khuynh hướng tìm bù trừ nơi khác, và nếu họ dựa vào giáo dân để được nâng đỡ cách đó, thì tinh thần tu trì sẽ giảm sút dần. Điều này có thể xảy đến cho các tu sĩ trẻ chưa được huấn luyện đầy đủ vào đời sống thiêng liêng và do đó không có khả năng lợi dụng các sự thất đoạt cũng như sự đau khổ để củng cố đời sống nội tâm mà đồng thời không gặp nguy cơ phát triển những thái độ cừu hận.
Để góp phần vào đời sống toàn diện của cộng đồng, người tu sĩ phải cảm thấy được quí chuộng, được sự tín nhiệm của kẻ khác và biết rằng người ta hy vọng nơi mình trong tương lai. Nếu một tu sĩ luôn bị bề trên và đồng bạn trách móc hay tự nhủ là mình không được người khác hoàn toàn chấp nhận thì người ấy có đứng vững được không? Chắc phải khó nhọc lắm và nếu được thì chính là nhờ những ân sủng phi thường. Những tu sĩ luôn bị bỏ rơi vì thói kỳ chướng, dần dần sẽ thành những người sống “bên lề”. Nhưng điều này cũng sẽ xảy đến cho nhiều người khác vốn có những tài năng đặc biệt như: giáo sư, văn sĩ v.v… những người vốn chỉ được biết đến ở ngoài cộng đồng.
Một vài tu sĩ hay bề trên nhiều khi không biết đến những tác hại trên bình diện thiêng liêng và tâm lý, do thái độ từ rẫy của họ đối với một số anh em mình. Khi một tu sĩ được người ngoài ca tụng vì một hành động can đảm hay một công trình đáng kể nào đó, nhưng nếu đồng thời người ấy không cảm thấy những thịnh tình trong cộng đồng, thì chắc chắn có mặc cảm bị bỏ rơi. Chắc chắn bất cứ ai không cảm nghiệm được giá trị cá vị của mình trong môi trường tôn giáo (tu trì) của mình thì cũng không thể ở lại đó lâu dài. Người ấy sẽ mang bệnh hay tìm các công việc có tính cách bù trừ. Rồi cuối cùng sẽ buông bỏ tất cả vì chán nản…
Tu sĩ cần cảm thấy hoàn toàn thích hợp với ơn gọi của mình và rằng bề trên cũng như đồng bạn để ý đến công việc của họ. Nếu một tu sĩ cứ liên tục bị từ rẫy và nghĩ rằng các ý tưởng của mình bị khước từ chỉ vì là của mình thì chắc chắn sẽ bị cô lập khỏi đời sống chung. Rất thường khi chúng ta thấy người này người nọ có khuynh hướng trốn tránh kẻ khác, nhưng ít có ai nghĩ rằng mình cũng là nguyên nhân, vì mình ít chú trọng đến người anh em bất hạnh. Người ta nhận thấy kẻ khác có điều gì lệch lạc nhưng ít có ai cho rằng có lẽ mình phải mang lấy trách nhiệmvề điều đó.
Tinh thần gia đình
Đời sống cộng đồng tốt đẹp, đòi hỏi một tinh thần gia đình đích thực từ trên xuống dưới. Do đó, bề trên phải lưu tâm đến bề dưới để giúp đỡ họ giải quyết các khó khăn và làm trọn nhiệm vụ của họ. Phải có trao đổi tư tưởng và ý kiến về các vấn đề của cộng đồng. Các biến cố trong ngày và những điều liên hệ đến cả nhà.
Nếu một tu sĩ sợ không dám phát biểu ý kiến của mình, thì sẽ không bao giờ nói gì và do đó, sẽ không thâu nhận tinh thần gia đình. Nơi đâu có một đời sống gia đình đích thực thì tu sĩ biết trao đổi ý kiến và tư tưởng với nhau, biết khen tặng nhau khi có một thành quả tốt đẹp. Phải có sự khôn ngoan để thẩm định các tài năng cũng như những sự đóng góp cho tài sản của gia đình, thay vì coi đó là những mối đe dọa cho sự an ninh của cộng đồng. Các thái độ tiêu cực này thường xuất phát từ sự ghen tương chứ không phải từ đức ái.
Can đảm
Một điểm khác thật hữu ích, nhưng dễ bị bỏ quên, để bảo đảm tinh thần gia đình, đó là mỗi người phải nhìn nhận sự can đảm của người khác. Một vị bề trên cần phải có can đảm để đưa ra những quyết định quan trọng gắn liền với nhiệm vụ của mình. Mọi sự sai lầm của vị ấy, vì là của một người bề trên, tức khắc bị phóng đại. Nếu mọi cử chỉ hằng ngày của bề trên còn được chú ý thì huống hồ các quyết định của vị ấy. Bề trên cần nhiều can đảm để dứt khoát lập trường. Chỉ một bước sai lệch mà thôi cũng đủ tạo nên giông tố. Các tu sĩ có tinh thần gia đình thì tự nhiên nâng đỡ bề trên trong cách điều hành của ngài. Dầu họ có mến ngài hay không, thì cũng coi như một bổn phận là phải nhận ra sự can đảm cần phải có nơi ngài để điều khiển cộng đồng.
Các phần tử ốm đau của cộng đồng thật đáng khâm phục, vì nêu gương can đảm bằng cách kiên nhẫn chịu đựng các sự thống khổ của mình hết ngày này sang ngày khác. Hiểu điều đó là giúp họ thấu đạt một đức tin lớn hơn và cũng là gia tăng kho tàng thiêng liêng cho lợi ích của cộng đồng.
Chúng ta cần có nhiều can đảm để bộc lộ chính mình mà không tô điểm với những khốn đốn của mình, không dùng những lối ngụy biện để bào chữa cho các thiếu sót của mình, cũng không mù quáng trước những hèn yếu của mình. Chỉ có ân sủng dồi dào của Chúa trong cộng đồng, nơi người ta chia sẻ niềm hy vọng trong một tinh thần gia đình đích thực, mới bảo đảm cho mọi người, sự can đảm cần thiết để kiên trì.
Tự tín
Một nhu cầu khác rất gần với nhu cầu được tán thưởng và thành công công là tự tín. Thuật ngữ “tự tín” ở đây phải được hiểu trong khuôn khổ của đời sống tôn giáo (hay: tu trì). Người ta luôn cần sự tự tín để đóng một vai trò trong đời sống, nhưng cách diễn tả sự tự tín thì rất khác biệt, tùy từng người; sự tự tín của một thương gia không phải giống như của một y sĩ. Nhưng các quy luật cốt yếu của sự tăng triển đều giống nhau.
Đối với một tu sĩ, nhu cầu tự tín cốt yếu nằm trong vai trò tu sĩ của mình. Một tu sĩ có thể xuất sắc như giáo sư, học giả, quản trị viên hay như đầu bếp, hoặc thừa phái và rất vui thích vì những công việc này, nhưng nếu tiên vàn không có lòng tự tín như một tu sĩ, thì vẫn thiếu điều cốt yếu để được sự tăng trưởng nhân linh. Người đó trước tiên là một tu sĩ và các chức vụ khác phải theo sau bản chất tu sĩ của mình. Những điều mà chúng ta đã đề cập đến như cách thức cho và nhận những dấu hiệu quí chuộng và việc phát huy ý niệm phẩm cách cá vị giữa lòng cộng đồng, có thể giúp tu sĩ rất nhiều để thêm tự tín. Nhưng chúng ta cần xác định thêm.
Nét tự tín trong đời sống tu trì được thâu nhận mỗi ngày một ít, khi người ta chuyên tâm trau dồi cách ứng xử và đời sống thiêng liêng của mình. Nhất là vào giai đoạn đầu của đời sống tu trì, người tu sĩ không những cần học biết phải làm gì mà còn cần hiểu các nguyên tắc tiềm ẩn dưới những tác phong mà họ muốn trau dồi.
Tu sĩ được thúc đẩy mạnh hơn nếu có một mục tiêu cụ thể rõ rệt; mục đích cuối cùng được sáng tỏ và xem như dễ thực hiện hơn, khi người ta tiến bước qua từng giai đoạn. Thí dụ, nếu một tu sĩ nhận thấy rằng sự thiếu bác ái của mình đối với anh chị em không những làm mất đi tình yêu đối với Chúa Cứu Thế mà còn ngăn cản không cho họ yêu Chúa Kitô và tha nhân cũng như yêu mến chính mình cách tốt đẹp, thì chắc chắn sẽ tìm cách sửa đổi. Ý thức về những sự thiệt hại mà thái độ của mình gây ra bằng cách làm chậm trễ tiến trình thiêng liêng, họ cảm thấy bị thúc giục nhiều hơn để loại trừ các nguyên nhân đó.
Chính vì để ý đến mối tương quan giữa trạng thái tâm thần và tác phong, giữa sự tăng trưởng tâm lý và phát triển thiêng liêng mà họ dần dà khám phá ra được toàn bộ mô thức tư tưởng và hành động của họ như một tu sĩ, và sự hiểu biết nhiều hơn về chính mình giúp họ luôn tiến bước với đầy tín nhiệm. Sự ngưng trệ thiêng liêng vốn hiển hiện bên ngoài nơi một tu sĩ tốt lành, phần lớn là do ý tưởng mơ hồ và lộn xộn mà họ có về chính mình như cá nhân và như tu sĩ. Lúc mà họ nhận thức hoàn cảnh cách rõ ràng hơn, thì sẽ tự tín hơn. Họ cũng còn biết phải làm gì để đạt đến sự trưởng thành tâm linh lớn hơn.
Sự tự tín như thế giúp tu sĩ biết sắp xếp công việc cách tốt đẹp, nhất là biết chọn lựa cách khôn ngoan. Nếu không có tự tín, tu sĩ sẽ không có khả năng chống lại những đòi hỏi vô lý của bạn bè, học sinh hay phụ huynh học sinh. Họ cần có sự quả cảm để đạt mục đích mặc dù gặp chống đối hay những sự chỉ trích của kẻ khác. Nếu thiếu tự tín, họ sẽ do dự và chán nản khi gặp trở lực đầu tiên. Mọi chương trình đều có những bất lợi của chúng, cần phải quyết định nên dừng lại hay vượt qua. Nếu phải chờ cho một dự án được hoàn hảo mới chấp nhận, thì có lẽ người ta sẽ không bao giờ làm điều gì.
Sự tự tín cũng giúp tu sĩ lợi dụng các sai lầm của mình thay vì bỏ dở tất cả khi gặp một dấu hiệu khó khăn đầu tiên. Tốt hơn là khuyến khích họ tiếp tục công việc cho đến cùng mặc dầu gặp khó khăn và lầm lẫn; đó là một cách làm cho họ thấy vững tin.
Sự bực dọc thường xuyên cũng xuất phát từ sự thiếu tự tin. Một tu sĩ thiếu xác tín về các khả năng của mình, dễ dàng trở nên hung hăng và cáu kỉnh. Chính lúc đó bề trên phải giúp người ấy ý thức rằng sự giận dữ và những phản ứng mạnh mẽ của họ chỉ làm giảm sút sự tự tín mà họ cần phải có để làm những công việc mới. Nguyên việc hiểu được chính sự thiếu tự tín là nguồn gốc của cơn giận cũng sẽ đem lại cho họ tin tưởng và bình an.
Khi một tu sĩ đã được chỉ dẫn để hiểu biết tầm quan trọng trên bình diện tâm lý của việc hoàn tất công tác khó nhọc mà không cần được khích lệ thì sẽ không luôn chạy tìm những thứ tán thưởng ấy. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, nếu chúng ta cần phải bén nhạy về những nhu cầu của kẻ khác và khi cần, để khen tặng họ mà không nên do dự, thì trái lại tốt hơn cho việc tăng triển thiêng liêng của chúng ta là không chờ mong và van xin những lời khích lệ. Chắc hẳn, một vài sự khuyến khích thì cần thiết cho tất cả chúng ta, nhưng vì sự trưởng thành của chúng ta, thì nên khích lệ người khác hơn là mong chờ họ khuyến khích chúng ta.
Chúng ta dần dà thủ đắc sự tự tín bằng cách hoàn thành những điều hữu ích cho chúng ta cả khi những điều ấy không làm chúng ta vui thích. Thí dụ, sự tự tín lớn lên mỗi khi có một cố gắng khó nhọc để vượt thắng sự nhút nhát, bằng cách bắt đầu một cuộc trò chuyện, bằng cách nói trước công chúng hay xin một người mà chúng ta khiếp sợ, giúp một công việc. Sự tự tín như vậy giúp thừa nhận các sự sai lầm, thất bại và lỗi phạm. Nếu thiếu tự tín như một tu sĩ, thì rất khó mà nhìn nhận lỗi lầm của mình. Người ấy ra vẻ hãnh diện và ngoan cố, nhưng thực sự người ấy bị dày vò bởi sợ hãi và những mặc cảm tự ti.
Sự tự tín giúp một tu sĩ dễ dàng đối thoại với bề trên, nhất là trình bày về chính mình. Để lãnh nhận những sự hướng dẫn thích hợp cho đời sống thiêng liêng, tự nhiên một tu sĩ cần có thể mở rộng tâm hồn cho một vị bề trên nào đó. Nếu không được huấn luyện đầy đủ để có tự tín vào lúc đầu của đời sống tu trì, có lẽ họ sẽ không bao giờ có can đảm bàn với bề trên, linh hướng hay bất cứ ai khác về thái độ, tâm tình và khó khăn của mình. Nếu không thể biểu lộ (khách thể hóa) các khó khăn ra bên ngoài, tu sĩ sẽ mất đi phương thế chắc chắn nhất để thăng tiến trong đời sống thiêng liêng.
Sự thiếu tự tín thường là điều ngăn cản tu sĩ có thể giao hòa với người khác. Họ tự hành hạ chính mình và mất hàng giờ, cả trong những giờ kinh nguyện để nghiền ngẫm sự bực dọc của mình thay vì lấy hết can đảm để giải quyết vấn đề với người trong cuộc và rồi mọi sự sẽ xong xuôi.
Một trong những dấu hiệu thường thấy của sự thiếu tự tín trong các cộng đồng là sự thiếu khả năng của một số người để thử những phương pháp làm việc mới. Người ta bám vào các thói quen lâu đời và những hệ thống cũ kỹ như những cái phao. Đó là trường hợp điển hình của những người luôn chống lại mọi sự thay đổi trong quy luật hay khó chấp nhận một vài cải cách phụng vụ. Đối với những ai không cảm thấy an ninh, mọi canh tân đều là đe dọa cho cách sống thủ cựu của mình: đi theo con đường đã được vạch sẵn là sự cứu rỗi đối với họ. Người ta còn đi đến chỗ đồng hóa sự thay đổi với lỗi nhân đức. Các phản ứng này cho thấy một sự gắn bó tinh vi với những tập tục cổ xưa và yên ổn, mặc dù đã lỗi thời.
Tự do
Để hiểu một trong những khuynh hướng thông thường nhất đưa đến tâm bệnh hay bất cứ một thứ xáo trộn tâm thần nào trong giới tu sĩ, thì trước tiên cần phải hiểu, thế nào là sự tự do cá nhân trong khuôn khổ đời sống cộng đồng. Thoạt đầu, ý niệm tự do, xem như có phần mâu thuẫn với ý niệm tuân phục. Thực ra, sự tự do cá nhân là yếu tố trong phẩm cách con người, làm cho sự vâng phục có thể thực hiện được, vì không có nó con người bị giản lược vào một thứ sinh hoạt máy móc rất gần với bản năng sinh tồn. Tuân thủ chủ nghĩa phát sinh từ sợ hãi, trong khi sự tuân phục đích thực xuất phát từ tình yêu; và khi tuân thủ chủ nghĩa thay thế tuân phục, thì tu sĩ bị ngăn chặn bởi những ràng buộc của bản năng, không còn tự do để tuân phục do tình yêu.
Sự tự do nhân linh không phải là buông thả, phóng túng hay một thứ năng lực không bị kiềm hãm hoặc kiểm soát. Không. Sự tự do đối lập với tinh thần phản loạn cũng như với tất-định-thuyết. Không có tự do thì cũng không thể có tự chủ.
Trong đời sống tu trì mỗi người có thể tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ và kiêu căng của biệt phái, tự buộc mình làm các việc đạo đức, các việc bổn phận vì sợ bị chỉ trích hay quở mắng, nhưng các trạng thái tâm thần này là nền tảng của những sự xáo trộn tâm bệnh hay các sự lệch lạc nghiêm trọng khác. Bằng cách đó người ta có thể bắt đầu làm phát sinh các xu hướng tâm bệnh trong đời sống tu trì; bằng cách bám víu vào một hình thức ngoại tại, khắt khe, như một lối sống thay vì trau dồi tinh thần yêu thương. Tinh thần này chắc chắn kéo theo sự chấp nhận đời sống cầu nguyện và làm việc của cộng đồng tự do.
Tu sĩ phải coi các việc đạo đức, bổn phận và nhiệm vụ trong nhà như những đặc ân và hoàn cảnh để thể hiện lòng mến. Cách chung thì như vậy, nhưng nhiều khi viễn tượng này bị lệch đi trong đầu óc của một số người do việc huấn luyện đầu tiên. Nếu chính bề trên không biết phân biệt sự nô dịch, vốn ăn sâu trong sự sợ hãi, và sự tuân phục, được bám rễ trong tình yêu thì có thể là các tu sĩ dưới quyền họ sẽ thu nhận một não trạng nô lệ. Do sự kiện là tác phong này lệ thuộc hoàn cảnh chứ không biểu lộ sự tự chủ, kết quả của nó có thể là một sự xáo rất tai hại. Điều đó giải thích tại sao sự kháng cự và thù hận có thể xuất hiện.
Chính sự tự do cho phép con người lớn lên trong lãnh vực thiêng liêng và tâm lý, nó giúp con người biến đổi để đạt tới một sự thiện cao hơn. Chính thái độ uyển chuyển cho phép một tinh thần tự do được ý thức và quyết tâm hướng về một mục đích cuối cùng. Một tu sĩ mà không có khả năng phát huy cảm thức cá nhân, thì không thể biết đến sự trưởng thành thiêng liêng cũng như tâm lý. Họ sống dưới sự cưỡng chế của não trạng sai lệch của chính họ, không có khả năng thay đổi khi một sự thiện cao hơn đòi hỏi, vì bị thống trị bởi óc nô lệ cứng nhắc của mình.
Trách nhiệm
Một vài thí dụ giúp soi sáng ý nghĩa cũa sự tự do cá nhân trong khung cảnh của cộng đồng. Nếu muốn dạy cho một tu sĩ cảm thức trách nhiệm thì phải để cho người ấy một phạm vi tự do nào đó. Nếu khi giao công việc, mà người ta dặn bảo họ quá tỉ mỉ, thì họ sẽ không còn dịp phát triển tinh thần trách nhiệm. Nếu gặp thất bại, họ luôn sẵn sàng đổ lỗi cho những chỉ dẫn của bề trên hay chỉ biết nhún vai tự nhủ: “tôi chỉ có vâng lời, hậu quả là việc của người đã ra lệnh cho tôi”.
Trái lại nếu người ta cho tu sĩ được tự do làm công việc như mình muốn, thì người ta cung cấp cho họ cơ hội phát triển sáng kiến riêng và nhận lãnh trách nhiệm, bởi vì đó là công việc của họ. Nếu họ lầm lỡ, thì họ cũng học cách chấp nhận thất bại và những quở trách. Đó là cách người ta thâu nhận ý thức trách nhiệm. Dầu cho công việc của họ là gì chăng nữa – thể dục, dạy học, ca nhạc – thì phải để cho họ tự do sử dụng phán đoán của mình. Nếu luôn luôn và cả trong những công việc rất nhỏ nhặt mà người ta cũng xếp đặt mọi chi tiết thì người thừa hành sẽ không bao giờ học nhận lãnh trách nhiệm. Không có tự do sáng kiến hay tự do để diễn tả, họ sẽ không có phương thế nào để thử luyện và thành công.
Sự kiểm soát quá khắt khe làm phương hại đến tính tình. Những người không bao giờ phải quyết định thì nhút nhát, do dự, và luôn nương tựa vào người khác. Một vài tu sĩ luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm, bằng cách dựa vào những quyết định của bề trên để thoái thác, khi công việc phải thất bại.
Giờ giải trí
Một việc thử luyện khác, hữu ích cho sự tự do cá nhân, có thể là giờ giải trí chung, do lề luật chỉ định, và những lúc nhàn nhã trong ngày. Nhưng nếu giờ giải trí chung là một hình phạt, giờ căng thẳng, một sự lo sợ cho số đông, thì có gì trục trặc và mục đích đã bị mất đi. Nếu giờ giải trí không phải là lúc tốt đẹp để gặp nhau và trao đổi trong bầu khí nhẹ nhàng thì mỗi người sẽ tìm kiếm cách nghỉ ngơi ở nơi khác. Nếu giờ đó các tu sĩ bị cưỡng bách làm những công việc cực nhọc hay bị bó buộc giữ thể diện phải đóng khung vào địa vị của mình, thì giờ giải trí chắc chắn là một sinh hoạt vô bổ.
Thật đáng thương khi thấy nhiều cá thể đầy sáng kiến trong đời sống xã hội hay khéo léo trong ngành nghề của mình trước khi vào tu, nay mất đi các đặc tính này trong nhà tập và thoái hoá trở lại trong tác phong ấu trĩ. Nhiều tập sinh và cả những tu sĩ trẻ, trước kia có những trách nhiệm xã hội hay trí tuệ ngoài đời, nay không còn có thể hành động trong đời sống cộng đồng và mất cơ hội thao diễn tài năng của mình. Trong giai đoạn chuyển tiếp của nhà tập, sự bất thường này có thể giải thích một phần nào; nhưng khi tình trạng này kéo dài hết năm này qua năm khác, thì có một sự sai lầm nào đó ở trong nền tảng.
Chắc rằng người ta đã bỏ đi mọi cơ hội để tu sĩ phô diễn tài năng, thay vì khuyến khích điều đó trong đời sống cộng đồng, nếu không phải là đã huấn luyện họ sống một cách máy móc thay vì dạy cho họ biết tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống mới. Một bề trên mà muốn áp đặt ý kiến của mình trên cộng đoàn hay muốn kiểm soát tất cả mọi điều xảy ra chung quanh trong chi tiết, không những không tạo một bầu khí triển nở trong cộng đồng mà còn bóp chết mọi khả năng trưởng thành.
Vì con đường đưa đến trưởng thành bị đóng lại, các cửa đưa vào tâm bệnh được mở ra. Cái khuynh hướng này được biểu lộ dưới hình thức tuân thủ chủ nghĩa dựa trên bản năng hay sợ sệt; tình trạng lo âu chống đối, thù hằn, căng thẳng, xung đột, phát triển và gia tăng trong một môi trường đóng kín cho sự trưởng thành và trách nhiệm. Người máy không có gì là đạo đức; những sự sai lầm máy móc của họ không do ý thức, vì thế họ không mang lỗi nhưng họ không thể tiến bộ; sự trưởng thành thiêng liêng và tâm lý chỉ có thể hiện hữu trong một cộng đồng mà các tu sĩ tự do chọn lựa và tự ý thực hành sự khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục. Không thể thực hành tự do nơi nào không có sự chọn lựa. Các thái độ độc đoán “cha chú” cũng như sự dửng dưng, đều làm phát sinh những sự xáo trộn tâm thần trong cộng đồng.
Sự cộng tác
Được đặc ân sống trong một cộng đồng, các tu sĩ phải hiểu rằng trách nhiệm đầu tiên của họ là sống hết mình cho cộng đồng trong mức độ có thể. Sự phát triển các khuynh hướng tâm bệnh hay các lệch lạc thần kinh khác có thể xuất phát từ chính tu sĩ, chớ không tùy thuộc môi trường xung quanh. Sự chán ngán không muốn tham dự vào các công việc, đời sống cầu nguyện và những giờ giải trí của cộng đồng đưa đến hậu quả là cô lập chính mình khỏi người khác.
Mỗi người phải chịu một phần trách nhiệm về việc tăng trưởng của mình trong đời sống thiêng liêng cũng như tâm lý. Và tiêu chuẩn cá vị quí báu nhất, có giá trị cho tất cả mọi người để có thể có những tương quan cộng đồng tốt đẹp, là khi những định thái (dispositions) tốt đẹp của chúng ta đối với người khác xuất hiện cùng với những sự thay đổi trong tâm hồn chúng ta.
Nhưng trên hết mọi nền tảng tự nhiên cần thiết cho sự tăng trưởng, có những hành động nhiệm mầu và bất khả ngôn của ân sủng thần linh, vốn có thể và thực sự cho phép nhiều người đạt đến mức độ viên thành của sự tăng trưởng thiêng liêng và tâm lý mặc dầu có những nghịch cảnh lớn lao đến đâu chăng nữa.
Trong đời sống cộng đồng, một quan niệm đúng đắn về sự tự do cá nhân là thiết yếu cho sự triển nở của đức ái Kitô giáo, vốn là mục đích của mọi tu sĩ trưởng thành. Chỉ nhờ sự chọn lựa, chấp nhận và yêu thương mà kỷ luật bên ngoài được biến thành kỷ luật cá nhân; và chỉ có sự hiện diện với chính mình và sự tham dự vào các giá trị thiêng liêng và tâm lý mà một tu sĩ có thể hội nhập và điều khiển đời sống mình hướng về đối tượng thâm sâu của mọi khát vọng, Thiên Chúa.
(còn tiếp)