Dâng hiến Sáng tạo (phần 9)

Điều quan trọng đối với tu sĩ là biết rằng đời sống thiêng liêng của mình tăng trưởng trước tiên với ân sủng Chúa ban cho, kế đến với sức lực toàn nhập của các động năng trong chính mình. Nguồn mạch thứ nhất là tặng phẩm đơn thuần của Đấng Tạo dựng và nguồn thứ hai là sự tiếp nhận và cộng tác với ân sủng, mà họ có thể tự do phát triển hay không...

Dâng hiến Sáng tạo (phần 9)

IV. THÍCH ỨNG CÁ NHÂN

Đối với tất cả chúng ta, việc hiểu biết nguyên động tác phong của mình thật hữu ích. Từ đâu mà có những sự căng thẳng thần kinh, những phản ứng thần kinh loạn và những thứ xáo trộn tâm thần khác, vốn là những trở ngại cho đời sống thiêng liêng của chúng ta và làm phương hại đến sức khỏe của chúng ta?

Chúng ta đã đề cập đến động lực nhân linh như nguồn mạch của mọi hành động, theo nghĩa sự ổn định hay rối loạn của động năng này là chìa khóa giải thích mọi tác phong tốt đẹp hay lệch lạc của chúng ta. Biết được nguyên do thúc đẩy chúng ta hành động là điều thích thú. Trong toàn thể âm giai những sinh hoạt nhân linh, mọi thể thức tác phong của chúng ta đều có những lý lẽ và giải thích của chúng; một vài lý lẽ được biết đến, một số khác còn bị chìm sâu trong những vùng bị lãng quên và vô thức.

Tiếp theo đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về sinh hoạt tâm linh có liên hệ đến việc thích ứng cá nhân.

Năng động lực, nguồn mạch của tác phong

Trong đời sống tôn giáo, chúng ta gặp thấy một vài lề lối tác phong có liên hệ chặt chẽ với các yếu tố tâm lý hơn là các yếu tố thiêng liêng, mặc dầu cả hai đều ảnh hưởng trên sự phát triển thiêng liêng. Các căng thẳng thần kinh, những phản ứng tâm loạn và những loại xáo trộn tâm cảm khác có thể nguy hại đến đời sống thiêng liêng cũng như sức khỏe thể lý. Bởi vì động lực nhân linh là nguồn mạch của mọi hành động tốt xấu của chúng ta, nên ta có thể tìm thấy nơi đó lời giải thích về các hình thức tác phong có quy củ hay vô trật tự

Phân tích và thấu hiểu nguyên động của tác phong nhân linh không phải là việc dễ làm. Không có những định thức máy móc hoặc những giải đáp hoàn hảo để giải thích những sự phức tạp của cuộc sống. Nhưng người tu sĩ muốn liên tục phát triển về phương diện thiêng liêng cũng còn lệ thuộc những định luật tâm lý tiềm ẩn dưới sự huấn luyện thiêng liêng của mình và thực hữu ích, nếu người ấy biết rõ, chừng nào có thể, những chuyển động tâm lý trong chính mình khả dĩ trợ giúp hay trái lại, làm tê liệt đà tiến của mình.

Tác phong là biểu thị ngoại diện của động lực nhân linh trong hình thức pha trộn của nhiều mức độ khác nhau. Bao nhiêu là quyết ý (volitions = hành vi của ý chí), cảm xúc và bản năng đồng thời cộng tác vào việc phát sinh một hành vi nhân linh độc nhất và tất cả mọi yếu tố này chịu ảnh hưởng của tri thức đã có hay hiện có của chúng ta.

Các năng lực tinh thần này trong sự hỗn hợp của chúng đang tìm cách được thỏa mãn. Các thể thức và tiêu thức mà các mức độ nhu cầu khác nhau làm phát sinh, giải thích cơ cấu tâm lý của mỗi nhân cách. Sự hiểu biết các nhu cầu tâm lý này và các thể thức đặc biệt mà chúng kết tinh nơi mỗi người đưa đến một ý thức sâu xa hơn về chính mình. Sự kết tinh này còn cho phép người ta hiểu nhiều hơn về tác phong của mỗi người. Không có một sinh hoạt nhân linh nào mà là hậu quả của một cặp “kích thích-phản ứng” lẻ loi. Mỗi người có thể thấy rằng đời sống thiêng liêng của mình bị ảnh hưởng sâu đậm bởi các phản ứng của các năng động lực trong mình. Các động lực tự bảo vệ, tự biểu lộ và tự hướng dẫn luôn bao trùm lên nhau, liên hệ với nhau trong mỗi mô hình nhân cách.

Điều quan trọng đối với tu sĩ là biết rằng đời sống thiêng liêng của mình tăng trưởng trước tiên với ân sủng Chúa ban cho, kế đến với sức lực toàn nhập của các động năng trong chính mình. Nguồn mạch thứ nhất là tặng phẩm đơn thuần của Đấng Tạo dựng và nguồn thứ hai là sự tiếp nhận và cộng tác với ân sủng, mà họ có thể tự do phát triển hay không, theo sự thúc đẩy của những nhu cầu nội tại hướng đến tình trạng trưởng thành. Cả những sinh hoạt đơn giản cũng diễn tả một phối hợp của các nhu cầu. Điều quan trọng cho sự tăng trưởng cá vị của tu sĩ, đó là những năng động toàn nhập và tự hướng dẫn phải chiếm ưu thế trong đời sống của họ.

Ví dụ: một tu sĩ chưng dọn bàn thờ cách thẩm mỹ và được bạn bè tán thưởng, có thể thỏa mãn nhu cần căn bản là được kẻ khác chấp nhận và đồng thời thỏa mãn nhu cầu chu toàn bổn phận. Cả hai đều quan trọng, và bởi vì không có đường ranh phân chia rõ rệt trong cách diễn tả những nhu cầu bên trong, tu sĩ cần xác quyết là chu toàn việc bổn phận phải là động cơ chính yếu, cả khi nhu cầu được nhìn nhận có thể đã thúc đẩy họ làm một công việc.

Nhu cầu tâm lý cũng cấp bách cho sức khỏe tâm thần như nhu cầu thể lý cho sức khỏe thể xác, nhưng nhu cầu tâm lý thì được nhận thức và thấu hiểu cách mơ hồ hơn nhu cầu thể xác. Sức khỏe thể xác được bảo tồn khi thực phẩm chúng ta hấp thụ bao gồm một tỷ lệ thích hợp chất đạm, carbohydrates, sinh tố và đầy đủ chất sắc, can xi, cùng những chất dinh dưỡng khác. Sức khỏe tâm thần được bảo vệ khi ta duy trì được sự cân bằng trong việc đáp ứng những nhu cầu tâm lý.

Tương quan giữa đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng

Trong đời sống tu trì, vì không thấu hiểu những nhu cầu trong tiến trình đưa đến viên thành mà nhiều vị hướng dẫn đã nhầm lẫn khi chọn các phương pháp huấn luyện chỉ đưa đến kết quả giả tạo. Họ có thể khuyến khích, nhiều khi chỉ là một cách vô ý thức, những thái độ và tập quán tâm lý có hại cho sức khỏe tâm thần cũng như đời sống thiêng liêng.

Tự bản tính, đời sống tu trì mật thiết gắn liền với đời sống tâm lý. Kinh nguyện, suy niệm, các lời khấn, các nhân đức, và những thực tại thiêng liêng khác trước tiên mang tính chất tâm lý chứ không phải thể lý. Chúng là nền móng để xây dựng tòa nhà đời sống tu trì. Vì phải tập trung cao độ vào các sinh hoạt siêu nhiên nhiều hơn ở ngoài đời nên đời sống tu trì cũng đòi hỏi một sự quân bình tâm não vững chắc hơn và phải chú ý nhiều hơn đến các tiến trình tâm lý.

Các nhu cầu căn bản của con người, mặc dầu mang nhiều dạng thức khác biệt nhau, nhưng có thể được tóm lược vào hai loại chính: thích ứng cá nhân và thích nghi xã hội. Hẳn nhiên, các nhu cầu hướng về việc tự-điều-ứng (hay thích ứng cá nhân) thì căn bản hơn. Khi mà chúng được ổn định và có tổ chức, thì mỗi cá nhân đều hướng về việc tìm kiếm những con đường bình thường và các phương tiện bình thường để thỏa mãn những nhu cầu xã hội. Nếu một tu sĩ biết tự điều chỉnh cách tốt đẹp, thì người ta có thể dạy cho họ biết thích nghi vào môi trường xã hội trong khuôn khổ đời sống tu trì. Nếu đương sự không thích ứng được như vậy, thì việc giáo dục tâm lý của người đó đòi hỏi quá nhiều thời gian đến độ sẽ không còn cơ hội cho việc phát triển đời sống thiêng liêng.

Việc phát huy đời sống thiêng liêng đòi hỏi một cấp độ hội nhập cá nhân nào đó, mà nếu không có, thì chính sự tập trung vào sinh hoạt thiêng liêng có thể càng củng cố sự thiếu thích ứng cá nhân. Trong khung cảnh khắc khổ và đóng kín của đời sống tu trì, các xu hướng tâm bệnh càng gia tăng và làm tê liệt mọi sinh hoạt tâm linh. Đời sống tu trì không phải là một phương thế để tái lập sức khỏe tâm thần; trái lại, một cuộc sống tu trì tích cực (có tính cách xây dựng), tùy thuộc sức khỏe tâm thần còn nhiều hơn sức khỏe thể lý.

Vì các nhu cầu tâm lý của chúng ta xuất phát từ những năng lực sinh động, nên chúng cũng được xếp loại theo một đẳng trật từ dưới đi lên. Một vài nhu cầu thì thiết yếu hơn một vài thứ khác. Các nhu cầu thượng đẳng có thể bị các nhu cầu hạ đẳng lấn áp, nếu loại sau này quá mạnh, như kinh nghiệm cho thấy. Người ta ít quan tâm đến việc tán thưởng của kẻ khác, khi bị đau yếu hay suy kiệt về phương diện thể lý. Người ta không còn hăng hái làm việc, khi biết sinh mạng của mình bị đe dọa. Trong thời chiến tranh người ta nhanh chóng vất bỏ mọi của cải để thoát chết.

Tuổi thơ triển nở

Cũng cần biết rằng sự viên thành của con người tiên vàn tùy thuộc sự thỏa mãn các nhu cầu của tuổi thơ. Nhiều sự rắc rối trong cuộc đời là hậu quả của những nhu cầu chưa được thỏa mãn. Khi các nhu cầu căn bản không được thỏa mãn trong khoảng thời gian dài, thì sẽ đưa đến những lệch lạc tâm thần, và sự thất đoạt ở bất cứ lãnh vực nào trong những nhu cầu tâm lý cũng đều phát sinh những què quặt tâm lý. Người ta chỉ phát huy những đức tính xã hội và chỉ lưu tâm đến hạnh phúc của kẻ khác khi chính mình đã cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và quý chuộng cách đầy đủ. Lúc đó người ta mới có khả năng nhận ra những mục đích ở ngoài mình. Đây là một điểm quan trọng để hiểu sự trưởng thành.

Sự thích ứng không tự nhiên mà đến. Đó là một tiến trình tăng trưởng và học tập. Chúng ta học yêu mến kẻ khác vì người khác đã yêu mến chúng ta. Chúng ta học mở rộng tâm hồn, đại lượng và vô vị lợi đối với kẻ khác, sau khi đã thủ đắc lòng tự tin và cảm thức về phẩm cách cá vị của mình.

Một trẻ em đã sống lâu năm trong một bầu khí gia đình xáo trộn, thì cách này hay cách khác sẽ mang lấy dấu ấn ấy trên mình. Trẻ con xuất thân từ các gia đình bất hòa thường mang thương tích trong tâm cảm. Sự thích ứng nơi người lớn phải có nền tảng đầu tiên là hạnh phúc ở giữa gia đình. Và để hiểu những tu sĩ gặp nhiều vấn đề động năng, nhiều khi cần phải dò xét hậu cảnh ấu thời. Như chúng ta đã nhắc đến, đời sống tu trì không phải là một trung tâm cải huấn tốt. Khi một ứng viên xin gia nhập một cộng đồng mà không có một cấp độ thích ứng cá nhân và xã hội bình thường, thì có nhiều lý do để nghĩ rằng người ấy không có những khả năng cần thiết. Sự định hướng và thích nghi vào đời sống tu trì đòi hỏi một sự trưởng thành tương ứng với tuổi thời gian.

Một sự sai lầm trong việc hướng dẫn và huấn luyện vào thời gian tập viện và những năm đầu của đời sống tu trì nhiều khi có thể làm phát triển một vài tâm bệnh gây phương hại cho sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên có thể là một tu sĩ bị tâm thần, trước khi gia nhập cộng đồng đã mang chứng bệnh ấy, mà người ta đã không chú ý đủ. Các yếu tố tâm lý thì khó nhận thấy, và bởi thế nhận biết những người thiếu khả năng tâm thần thì khó hơn là nhận ra những người bị tật bệnh thể xác.

Tuyển chọn ứng viên

Những cuộc nghiên cứu gần đây về sự chọn lựa các ứng viên vào đời sống tu trì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các trắc nghiệm (test) trong việc tìm ra các xu hướng lệch lạc, nếu có. Đó là một sự thận trọng hữu ích cho cộng đồng cũng như cho chính đương sự. Thường thì một ứng viên chưa đủ trưởng thành hay thiếu thích ứng trước khi vào tu, không nên dựa vào kỷ luật đời sống tu trì để chỉnh đốn các khiếm khuyết của mình. Việc huấn luyện của tập viện và kỷ luật nhà tu càng làm cho các tập quán tâm não lệch lạc phát triển thêm và đưa đến các cơ chế tự vệ.

Để giúp kẻ khác thâu nhận những xu hướng tốt, thì cần phải nhấn mạnh đến việc phát triển các đặc tính tích cực hơn là loại bỏ các điểm tiêu cực. Như vậy, vào lúc đầu, cần phải biết bỏ qua một vài nết xấu để chú ý nhiều hơn đến những thái độ và đức tính cá nhân cần được trau dồi.

Trong đời sống tu trì, cần phải sớm đi đến việc luyện tập và cảm nghiệm thứ tình yêu thương thích hợp cho đời sống chung. Cả khi ứng viên đã đạt đến trưởng thành, sự thiếu tình thương và sự nhấn mạnh quá đáng đến các lỗi phạm trong các năm huấn luyện, có thể thúc giục họ tìm bù trừ. Thực ra bao lâu còn sống, chúng ta luôn cần đến tình thương. Các nguyên tắc này, vốn có giá trị cho tất cả mọi tu sĩ, được áp dụng đặc biệt cho người trẻ và những người ở trong giai đoạn chuyển tiếp, mặc dầu những người đứng tuổi hơn thường cũng cảm được cái ích lợi của phương pháp tích cực và những sự nâng đỡ này.

Tình yêu, tâm tình thứ nhất

Theo thánh Tôma, tình yêu là một cảm xúc trụ cột, và một cách nào đó mọi tình cảm khác đều bắt nguồn từ đó. Các nhu cầu có liên quan đến tình yêu thật khẩn thiết đến độ nếu không có một cấp độ thích ứng cần thiết nào đó trong lãnh vực yêu thương, thì một tu sĩ không có khả năng tiến xa trên đường thiêng liêng. Trong đời sống tu trì, sự thương mến phải được biểu lộ cách khác hơn là giữa những thân bằng quyến thuộc, nhưng vẫn cần phải có những tương giao thân thiện.

Tình yêu siêu nhiên đòi hỏi một cơ cấu tự nhiên như nền móng. Nhiều khi các tu sĩ trẻ được huấn luyện quá tiêu cực về các tương quan giữa nhau và với người đời, nên tưởng cần phải biểu lộ những cung cách giả tạo, đầy màu sắc biệt phái. Thật đáng buồn khi muốn giản lược sự hồn nhiên và nhiệt tình của tuổi xuân vào những cử chỉ cứng nhắc, tính toán. Cách chung, nhu cầu được yêu thương không được thấu hiểu trong đời sống cộng đồng. Người ta nhắc đi nhắc lại cho các tu sĩ là phải giữ gìn, nhưng ít khi họ được chỉ dạy những cách thức cư xử hữu ích theo những tương quan tự nhiên nhưng vẫn phù hợp với bậc sống của mình.

Một cách biểu lộ tình thương sâu đậm nhất là biết cho thì giờ và sự chú ý của mình. Thái độ tích cực chú ý đến việc xin phép của một người dưới hay lắng tai nghe những chuyện thất vọng nho nhỏ của họ, là dấu hiệu yêu thương nơi một bề trên. Nếu bề trên không chú ý nghe, hay làm việc khác, hoặc đọc báo, thì đã từ chối sự chú ý đầy đủ và cũng là dấu hiệu tình thương, mà bề dưới rất nhạy cảm.

Điều này cũng đúng khi các tu sĩ mang một thứ ngờ vực nào đó đối với bề trên cũng như học trò đối với thầy mình. Họ coi bề trên như một cái máy tự động phân phát các việc cho phép và sửa dạy. Hình như có một số người không bao giờ nghĩ rằng, để làm trọn nhiệm vụ mình, bề trên cũng cần cảm thấy tình thương của cộng đồng mình. Nguyên một việc nói với bề trên cách lịch sự và tự nhiên, chẳng hạn đã là một bằng chứng tình thương đối với vị ấy.

Bác ái hằng ngày

Một sự quan tâm hồn nhiên đến những vui buồn của bạn hữu và bề trên là một cách thức trưởng thành và hữu ích để biểu lộ lòng yêu thương trong đời sống cộng đồng. Tìm hiểu công việc của kẻ khác cách khả ái, kín đáo thăm hỏi sức khỏe của họ, bạn bè, gia đình của họ, những lo âu và niềm vui của họ, đó là những cái dễ thương nho nhỏ nhưng cũng làm vui lòng giống như những bằng chứng thiện cảm – thư từ, bông hoa, quà bánh – được lưu dụng giữa người đời.

Mặc dầu những điều này xem ra hiển nhiên, nhưng lại là điều dễ bị quên nhất, trong đời sống chung. Người ta rất dễ nhận thấy cái hay cái đẹp của các phương thế này nhưng ít ai hiểu rằng việc quảng đại trong thời giờ và chú ý là một cách đáp ứng nhu cầu căn bản nhất của con người. Người ta có thể nghĩ rằng những sự thiếu bác ái nhỏ mọn này thật không đáng kể! Có lẽ điều ấy đúng về phương diện luân lý, nhưng trên bình diện tâm lý thì chắc chắn không. Những điều xem ra vụn vặt này lại là những biểu hiện hùng hồn nhất của đức ái sâu thẳm trong một cộng đồng.

Cũng là một dấu hiệu bác ái khi chúng ta thành thật tán thưởng kẻ khác, khi đồng ý với họ, thay vì biểu lộ sự hững hờ nào đó. Nếu không đồng ý thì cũng có cách chú ý khác hơn là thái độ khinh khỉnh. Lưu ý đến kẻ khác, lắng nghe một người kể chuyện cũng là một cách thiết thực để duy trì sự thân tình trong một nhóm.

Cũng như thói tích trữ cho mình chứng tỏ một sự thiếu vắng yêu thương, thì ngược lại, thích chia sẻ là dấu hiệu của một cộng đồng hướng về đức ái. Nơi một cộng đồng mà tinh thần nghèo khó trở thành tính hà tiện, nơi mà các tu sĩ đa số quên mất niềm vui chia sẻ, nơi đó thói tích trữ chắc chắn sẽ lớn dần. Người ta cất giấu đủ thứ để rồi nhiều khi chúng phải hư đi một cách vô ích. Khi thiếu thốn, thì đề phòng chết đói. Khi có dư đầy trong kho lẫm, thì các tu sĩ sẽ tìm cách tích trữ trong phòng mình. Rồi từ đó nảy sinh tật bám víu vào những của cải đồ đạc. Để chống lại khuynh hướng này, một phương thế tốt đẹp nhất là giúp các tu sĩ biết thông chia cho nhau, không những của cải vật dụng mà cả ý kiến và kinh nghiệm của mình.

Ai yêu cách đích thực cũng dễ dàng đoán biết được nhu cầu kẻ khác. Nhớ đến ngày sinh nhật hay một biến cố vô nghĩa nào đó là một dấu hiệu quan tâm đích thực. Cũng như người ta lấy làm hãnh diện khi kẻ khác nhớ tên mình và nhớ mặt mình, cũng thế, người ta thích có người nhớ đến những điều liên hệ đến mình. Một đời sống cộng đồng tốt đẹp được dệt bằng những sự việc nho nhỏ, những sự chú ý cỏn con, nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Thiếu tình thương

Người tu sĩ bị mất mát quá nhiều trong tình thương có khuynh hướng chiếm hết thì giờ và chú ý của kẻ khác. Sự đòi hỏi này biểu lộ một tình trạng bần cùng hóa, tàn tích của những nhu cầu ấu trĩ chưa được thỏa mãn hay những sự thất đoạt vào lúc khởi đầu của đời sống tu trì. Những tu sĩ bị thất đoạt về đời sống yêu thương, thường tìm đủ mọi cách để lôi kéo sự chú ý của bề trên. Nhiều khi bề trên có thể sử dụng những nhu cầu và đòi hỏi của các tu sĩ này cách hữu ích. Nhưng phải tránh nhờ họ giúp những dịch vụ cá nhân. Trở thành kẻ chịu ơn, bề trên sẽ làm dịp cho họ gia tăng những đòi hỏi có tính cách khống chế. Bề trên có bổn phận phải lưu tâm đến tất cả mọi người dưới quyền mình.

Nếu có một người nào quá lệ thuộc vào mình thì rất thiệt hại cho nhiệm vụ. Tốt hơn là tìm dịp cho những người như thế được làm những công việc hữu ích cho toàn thể cộng đồng. Nhiều khi bề trên có thể khích lệ và nâng đỡ nhưng luôn luôn nhắm đến lợi ích của cộng đồng chứ không phải là cá nhân mình. Những cách biểu lộ ngoan ngoãn khác thường đối với bề trên thường là một hình thức van xin tình thương được che đậy. Nếu không lôi kéo được sự chú ý bằng những phương thế thông thường, người ta có thể dùng xảo kế. Trên bình diện tâm lý, sự quở mắng còn dễ chịu hơn là sự lãng quên.

Một xảo thuật thường được dùng đến để được chú ý là làm phiền hà. Phương thế ấu trĩ nhưng không phải ít thấy nơi những người lớn mà chưa được thỏa mãn về phương diện tình thương. Lắm khi bề trên phải biểu lộ yêu thương đối với những người kém sút nhiều hơn là những người hấp dẫn. Nhưng sự lưu tâm cá nhân này không được chiếm hết thời giờ của mình đến độ làm phương hại đến tinh thần gia đình của cộng đồng.

Cách chung, tình thương giúp tu sĩ có những cung cách phù hợp với bậc sống của mình: sự quí chuộng và yêu mến cộng đồng, của cải cũng như quyền lợi của cộng đồng.

Nhu cầu được chấp nhận mật thiết gắn liền với nhu cầu được yêu thương, nhưng được biểu lộ cách khác. Sự chấp nhận là một thái độ tinh thần vốn thường được biểu lộ mà không cần lời nói. Chúng ta chứng tỏ sự chấp nhận đối với các tu sĩ trẻ tuổi bằng cách tỏ ra khoan dung thông cảm trước sự yếu đuối và sự vui đùa ồn ào của họ. Người đứng tuổi thường hay khó chịu về những sự rộn ràng của tuổi trẻ và khi biểu lộ sự bực dọc thì cũng bày tỏ sự khước từ đối với họ. Ngược lại, “chấp nhận” các tu sĩ lớn tuổi là lắng nghe những câu chuyện bất tận mà họ kể về quá khứ của mình, là mất thời giờ để nói chuyện với họ và thông cảm với những khổ đau của họ.

Chấp nhận và từ rẫy

Những cách thức chấp nhận và từ rẫy người khác thì có nhiều và một vài thứ rất tinh vi. Nên biết rằng người ta có thể chấp nhận một người nào nhưng không tán đồng những khuyết điểm của người ấy. Sự chấp nhận và từ rẫy là những hình thức tương quan cá nhân tích cực và tiêu cực. Như chúng ta đã thấy, diễn tiến tích cực thì thuận lợi cho việc tăng trưởng cá nhân hơn thể thức tiêu cực với toàn những lời trách móc. Cách thức quở trách cũng diễn tả thái độ chấp nhận hay khước từ của chủ thể. Khiển trách người nào một cách vô tư nghĩa là không có dấu hiệu giận dữ là chấp nhận con người trong khi loại trừ lỗi phạm.

Khi lời trách cứ được biểu lộ mà không có đam mê, thì có sự phân biệt giữa lỗi phạm và tình cảm. Đương sự không cảm thấy bị từ rẫy. Những sự sửa lỗi với lòng hiền hòa thì có lợi, còn khi có đam mê xen vào thì thường không ích lợi gì, vì lúc đó người ta chỉ còn giữ lại cái cảm tưởng của một sự bực dọc. Sự phân biệt này thật căn bản. Những lời được nói ra mà không có sự giận dữ thường đi xa hơn. Cách nói năng và hành động của chúng ta bộc lộ sự chấp nhận hay từ rẫy nhiều hơn là điều chúng ta nói hoặc làm. Sau đây là một vài ví dụ về cách diễn tả sự chấp nhận trong một cộng đồng.

Những câu chuyện hướng về điều làm cho người khác vui thích, về các ước vọng và hy vọng của họ mà không có dấu hiệu kiêu kỳ, thì đương nhiên tỏa chiếu nhiệt tình và tiếp nhận. Cũng thế, đón nhận người khác theo bản tính của họ, mà không quở trách họ để uốn nắn họ theo một khuôn mẫu tiền chế, chứng tỏ một sự chấp nhận đích thực.

Làm cho một người hiểu, bằng thái độ và tác phong của chúng ta, rằng: người ấy hoàn toàn có khả năng tự điều khiển là một cách chấp nhận người ấy trong sự thật và trong tinh thần Kitô giáo.

Khi một tu sĩ trẻ rủi ro làm rách một quyển sách hay làm hư một cái tủ, thì bề trên có thể khiển trách hoặc ra hình phạt. Đó là thói quen, vốn thường được chấp nhận trong đời sống cộng đồng. Nhưng thái độ của bề trên và bề dưới sau đó là một “trắc nghiệm” về sự chấp nhận hỗ tương. Tương quan của họ sau khi sửa lỗi, vẫn như trước hay có một hàng rào giữa nhau. Nếu sau biến cố, bề trên cũng vẫn tử tế như trước, thì nơi vị ấy, sự chấp nhận cá vị không thay đổi. Nhưng sự chấp nhận có hai chiều. Tu sĩ bị quở trách cũng phải nhận lỗi và không để cho hận thù len lỏi vào trong thái độ đối với bề trên.

Gương mẫu của bề trên quan trọng biết bao! Chính thái độ của hai người sau biến cố, cho thấy cấp độ của sự chấp nhận đích thực.

Điều này cũng đúng trong trường hợp bất hòa giữa hai tu sĩ. Chấp nhận là sự nhanh nhẹn mà họ chứng tỏ để giao hòa với nhau, sau khi đã xin lỗi nhau. Đa số chấp nhận công thức nhưng không nhất thiết chấp nhận người sử dụng công thức. Chính vẻ lạnh lùng đối với kẻ khác chứng tỏ sự khước từ chấp nhận kẻ khác, mặc dầu khuyết điểm của họ. Trong thực tế sự chấp nhận hỗ tương được biểu lộ bằng thái độ và cách thức nhiều hơn là bằng lời nói.

Đức ái đích thực được nhận thấy cách tốt đẹp nhất qua thể thức chúng ta chấp nhận kẻ khác. Lịch sự tối thiểu mà tương quan xã hội đòi buộc không phải là dấu hiệu của đức ái. Lịch sự qui về văn tự của lề luật chớ không phải tinh thần bác ái. Các tương quan nhân loại dựa trên “lịch sự” hơn là trên đức ái và việc chấp nhận kẻ khác thì hoàn tất lề luật theo văn tự chớ không có gì khác.

Đến mức độ nào chúng ta có thể chấp nhận một người mà không chú trọng đến khuyết điểm của họ? Đó là dấu hiệu để đo lường đức ái của chúng ta đối với người ấy.

(còn tiếp)