Dâng hiến Sáng tạo (phần 7)
III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ
Sự trưởng thành tâm lý là một lý tưởng trong lãnh vực tự nhiên, cũng như sự thánh thiện và toàn thiện Kitô giáo là những lý tưởng của đời sống thiêng liêng. Nhưng sự tăng trưởng trong hai lãnh vực còn tuỳ thuộc nhiều tiến trình nhất định. Chúng ta nhận thấy được là trong đời sống tu trì, có nhiều người tiến xa hơn chúng ta trên con đường toàn thiện và chúng ta cũng nhận biết là cần phải vượt qua biết bao thất bại và bất toàn để tiến lên. Điều cốt yếu là sự khiêm tốn do chính các khuyết điểm dạy chúng ta và niềm hy vọng Kitô giáo mà chúng ta phải mang trong hồn nếu muốn tiến tới.
Để đạt đến trưởng thành tâm lý, cần phải có thái độ sẵn sàng chấp nhận các khiếm khuyết của chính mình và vượt qua các chướng ngại, bất túc của bản tính tự nhiên. Người tu sĩ chân thành nuôi hy vọng là có thể đạt đến sự hoàn thiện và con đường dẫn đến sự trưởng thành tâm lý chắc chắn là sẽ lâu dài.
Phải biết mình
Khi đọc những sách đạo đức nói về các thất bại thông thường nhất trong đời sống thiêng liêng người ta có cảm tưởng là mình cũng phạm hết các lỗi lầm đó. Người ta cũng sẽ có kinh nghiệm đó trong những điển hình về tình trạng ấu trĩ. Thiếu đức hạnh và thiếu trưởng thành là những kinh nghiệm rất thường tình cho mọi người ở mọi nơi. Dĩ nhiên, càng có khả năng nhận ra các khiếm khuyết này trong đẳng trật thiêng liêng hay tâm lý, chúng ta càng có cơ hội để sửa đổi.
Ý thức về các sự yếu đuối trong đời sống thiêng liêng hay về những sự thiếu trưởng thành không nên làm chúng ta chán nản, trái lại phải thúc đẩy chúng ta hành động tốt đẹp hơn. Nhận thức được những điều đó là một dấu hiệu thông minh và nhạy cảm. Chính sự thiếu ý thức về chính mình là một triệu chứng ấu trĩ kinh niên. Không có gì tuyệt hảo để đương đầu với tai họa này hơn là học biết năng động điều-chỉnh-thích-ứng* được diễn tả như thế nào trong khuôn khổ đời sống tu trì. Tình trạng ấu trĩ có thể ngăn chặn hiệu năng cá vị và đời sống sung mãn trong Chúa Kitô: biết điều đó là động lực căn bản trong việc phát huy nhân cách.
Khi các nhu cầu nhân linh nền tảng quá mãnh liệt và những phương thế thông thường không đủ để thỏa mãn chúng thì người ta tìm các phương tiện thay thế (bù trừ). Các nhu cầu là các năng động lực và tự bản tính, chúng thúc đẩy tìm đối tượng thỏa mãn. Chúng ta cũng biết rằng: nơi con người các năng lực này cấu thành một hệ thống có tôn ti đẳng cấp. Dầu có trực thuộc nhau hay không, thì các chuyển động này cũng có tính cách bẩm sinh. Chúng luôn hiện hữu và liên tục tìm dịp để bộc lộ bằng cách này hay cách khác.
Tu sĩ nên ý thức là khi thử loại bỏ hay kềm hãm các năng lực này, người ta có thể ngăn cản một vài thể thức phổ biến nhưng không tiêu diệt được chính các năng lực ấy, nếu không nói là càng làm cho chúng mạnh thêm. Thí dụ: vì không hiểu bản chất đích thực của các ước muốn, người ta có thể diễn tả chúng dưới các hình thức ngụy trang. Ý thức về bản chất, sức mạnh, cách sử dụng và lạm dụng, những lối biểu thị cũng như che giấu của các năng lực và biết cách hướng dẫn các năng lực đủ loại này đến những thể thức phô diễn bình thường và hữu ích. Đó là phương tiện duy nhất để đạt đến sự hội nhập các tiềm lực nhân linh.
Một tu sĩ càng sớm hiểu biết về các nhu cầu và cách thức phô diễn của chúng nơi nhân cách thì càng có thể hướng dẫn chúng đến những lộ trình hữu ích. Những thái độ ngăn ngừa, cấm kỵ nơi những người có trách nhiệm có thể gây xáo trộn nơi các chủ thể và đưa đến việc tìm các phương thế bù trừ. Điều này nếu xảy ra cách vô ý thức và liên tục, có thể dẫn đến các lệch lạc gây tâm bệnh. Sự khôn ngoan cốt ở việc biết nhận định điều gì cần phải làm theo hoàn cảnh chứ không phải phủ nhận các sự kiện. Và bởi vì không biết các tình cảm nội tại không có nghĩa là tiêu diệt chúng, nên cần phải xét kỹ động lực nội tại của chúng.
1. Vô thức và ý thức
Các tiến trình vô thức ảnh hưởng trên chúng ta nhiều hơn là chúng ta tưởng. Nhiều khi chúng giúp ta giải quyết vấn đề, nhiều khi chúng có thể ngăn cản việc tìm giải pháp đích thực cho các sự xung đột của ta.
Nhiều biến cố xa xưa hiện giờ bị quên lãng, kho tàng các kỷ niệm, cơ chế hoạt động hiện tại của những hành vi tâm linh thiếu suy nghĩ và ý thức, tất cả những thứ đó đồng thời cấu thành lãnh vực đời sống tâm thần của chúng ta, vốn được biết dưới danh hiệu vô thức. Khi cái vô thức này trở nên quá lớn và khi người ta cũng vô thức tìm đến những phương thế bù trừ không thích hợp để giải quyết các sự xung đột, thì hậu quả là những lược đồ tâm não phối tán (disintegrating mental patterns/ schèmes mentaux désintégrants) có thể xuất hiện.
Cần phải phân biệt hai hạn từ thường bị lẫn lộn và hiểu lầm: tự chế (suppression /répression) và dồn nén hay ức chế (repression/ refoulement).
§. Tự chế là một hiện tượng ý thức, gồm có việc cố ý từ bỏ một vài tư tưởng hay hành động. Tất cả chúng ta đều phải học loại bỏ những cử chỉ hấp tấp, những phán đoán táo bạo và những tư tưởng xấu xa. Như khi học hành, có lúc chúng ta cần phải xua đuổi một vài tư tưởng đến quấy rầy công việc suy nghĩ của chúng ta. Tự chế có một đặc tính căn bản là ý thức và chủ động.
§. Dồn nén hay ức chế, trái lại, là một tiến trình vô thức nhằm loại bỏ các thực tại làm bực dọc, khó chịu mà ta không muốn có. Những người dồn nén, một cách vô ý thức và thường xuyên, lẩn tránh đương đầu với các vấn đề, lỗi phạm hay các thực tại khó chịu khác. Điều đó đã thành thói quen và vượt ra khỏi sự kiểm soát của ý thức. Những sự dồn nén luôn gia tăng và quá mức, có khuynh hướng làm tan rã cơ cấu nhân cách và làm xáo trộn tác phong trong lãnh vực tâm cảm. Những người dồn nén quá nhiều thì làm mồi cho các sự xáo trộn tâm thần và các xu hướng tâm bệnh hay điên loạn.
Một tu sĩ bị đè nặng dưới áp lực các sự dồn nén, mất hết mọi uyển chuyển trong thái độ đáp ứng. Các tương quan nhân loại của họ trở thành máy móc vì họ nhận thức mọi cảnh sống từ một khung quy chiếu duy nhất là chính những nhu cầu của họ. Trái lại, những tu sĩ được giải tỏa khỏi các sự dồn nén quá mức, thì rất uyển chuyển trong thái độ và có lối sống hòa hợp với con người và nơi chốn.
Người tu sĩ bị tâm bệnh, dồn nén, thường cứng nhắc trong suy nghĩ. Họ giải thích những gì xảy ra quanh họ và các hành vi của kẻ khác qua lăng kính của lòng họ. Họ phán đoán kẻ khác tùy theo cách thức người khác đụng chạm đến họ. Nếu kẻ khác đe dọa sự an ninh của họ, thì họ có khuynh hướng giải thích thái độ đó như không tốt và còn có thể lên án (dạy đời) nữa. Nếu họ nhận thấy chỉ có thể bảo đảm an ninh bằng cách thu về với chính mình, bằng sự thù hận hay bằng sự chống đối như một thứ trả thù tinh vi, thì họ càng trở nên cứng nhắc hơn. Người tu sĩ bị các dồn nén khống chế thường hành động theo các cảm nghĩ của mình; họ không thể nhìn nhận là cách thức “cảm nghĩ” của họ nhiều khi phải lệ thuộc “điều họ làm.”
Tóm tắt, các tự chế là những hành vi kiểm soát có ý thức trên tư tưởng và hành động. Ví dụ, một tu sĩ biết mình có tính hay nổi nóng bất thường, cố gắng không nói những lời giận dữ, thì người ấy trấn át một hành vi xấu một cách cố tình và ý thức. Nhưng, hạ giá các công việc của đồng bạn bằng những lời phê bình khiếm nhã, là một cách biểu lộ cho sự thiếu khả năng của chính mình bằng cách làm cho người khác thành kém cỏi như mình; đó là một cách dồn nén cái ý thức về sự yếu đuối của chính mình. Đó là một cách chạy trốn thực tại mà mình không ý thức cũng không thể kiểm soát, chứ không phải là một biểu dương sức mạnh được suy nghĩ và chọn lựa. Dồn nén tức là cho phép các yếu tố vô thức được thống trị. Không phải mọi thứ dồn nén đều xấu, nhưng khi chúng trở thành quá mức, thì chúng làm giảm sút sức mạnh của cơ cấu nhân cách.
2. Động năng điều ứng (điều chỉnh và thích ứng)
(Adjustment dynamisms)
Các sách về tâm lý coi việc tự chế như là một sự cấm đoán có kiểm soát và dồn nén như một hiện tượng điều ứng. Những sự dồn nén cũng còn được coi như các cơ chế tâm não, động lực tâm thần hay cơ chế thích ứng. Chúng ta sẽ dùng thuật ngữ “động năng điều ứng” (Adjustment dynamisms/ dynamismes d’adaptation) để chỉ các loại dồn nén này. Ai trong chúng ta đã không có lúc sử dụng các động năng điều ứng này? Trẻ con rất thường làm như vậy khi gặp xung đột. Những người đạt đến mức độ trưởng thành trung bình nhanh chóng ý thức về cách cư xử đó và cố gắng giải quyết vấn đề của họ cách thiết thực hơn.
Thiết tưởng cũng cần cứu xét một vài loại động năng điều ứng thông thường nhất, để chúng ta quen dần với mọi khía cạnh của hiện tượng dồn nén trong các tương quan nhân loại. Các động năng điều ứng một vài khi làm dịu bớt căng thẳng nhưng chỉ có tính cách tạm thời thôi và thường thì lại không thực tế. Ai ai cũng sử dụng các kỹ thuật đặc loại này để làm dịu bớt căng thẳng một vài khi, nhưng nơi tác phong của những kẻ thật sự trưởng thành, thì người ta ít thấy các xảo kế đó.
1/ Giải biện (rationalization) là một cố gắng giải thích sao cho hợp lý, lý sự đối với một tác phong mà nguyên động bị giấu kín. Chính hạn từ “giải biện” cũng không đúng, vì mặc dầu cho cảm tưởng đó là một tiến trình duy lý, nhưng thực ra chỉ có một tiến trình hoàn toàn phi lý. Sự giải biện là một trong những loại động năng thích nghi thông thường nhất và nó gồm có nhiều thứ loại khác nhau.
Các nguyên động thầm kín ẩn giấu của người giải biện là ý muốn thống trị, ước muốn được chấp nhận, được yêu mến và biết ơn. Người ấy trình bày những lý lẽ sáng sủa nhất để che giấu người khác cũng như cho chính họ, những lý do mà họ cho là thấp kém hay đáng trách. Mỗi lối biện giải chỉ trình bày phân nửa sự thật. Một tu sĩ đến trễ vào giờ đọc kinh. Người ta hỏi lý do. Người tu sĩ cho biết là phải gặp một phụ huynh học sinh. Sự kiện quả đúng như vậy, nhưng nếu tu sĩ cố ý giữ người khách lại để trốn giờ chung, thì người ấy sử dụng cách biện giải.
Một con người như vậy có thể quy tội cho sách vở hay phòng học khi họ gặp thất bại trong việc dạy học. Họ đổ cho cây vợt khi bị thua trận bóng bàn… Những cách nói: “Tôi không bao giờ có dịp…” hay: “Người ta không dạy tôi như dạy người khác…” “Nếu tôi giỏi hơn…” là những động năng thích ứng. Học trò thi hỏng đổ lỗi cho thầy. Thầy dạy dở đổ lỗi cho trò. Những cách giải biện như vậy rất thông thường.
Nếu tu sĩ có trình độ thông minh trung bình, thì họ thường rất khó đối diện với sự kiện kết quả xấu, nhất là khi bề trên ca tụng quá đáng người có điểm cao. Nếu điểm cao được nhấn mạnh quá mức, thì một số tu sĩ phải bị xáo trộn tâm thần vì không thể đạt đến trình độ ưu hạng người ta mong đợi. Còn khi bề trên nhẹ nhàng bảo đảm là điểm trung bình cũng đủ để tốt nghiệp thì giúp nhiều để loại bỏ mọi thứ biện giải trong việc học hành. Những tu sĩ trẻ, cách đặc biệt, hay vướng mắc vào việc cạnh tranh trong học tập. Họ cần nhận thức rằng thông minh được biểu lộ bằng nhiều cách, chớ chẳng phải chỉ có học hành khoa bảng.
Sự hạ giá cũng là một loại biện giải. Một người thua cuộc trong một trò chơi tuyên bố: “cóc cần thắng”. Đó là cách giảm giá trị người thắng, để vớt vát cho sự thất bại của mình. Những người kém cỏi thường có xu hướng hạ giá bằng những sự tổng quát hoá có tính cách tuyệt đối: “Những người học giỏi thì tự phụ, những phụ nữ đẹp thì ngu đần, những người học nhanh thì mau quên, những người trẻ thì thiếu kinh nghiệm…”. Những loại khẳng định tổng quát và không thể kiểm chứng được như thế là những cách thường xuyên để giải biện. Bằng các kỹ thuật hạ giá như vậy, người ta có thể tìm cách đánh lừa kẻ khác về các nguyên động đích thực của tác phong mình, để tránh bị chỉ trích.
Lấy ví dụ trường hợp các tu sĩ bàn bạc với nhau về tài ba của đồng bạn. Người có khuynh hướng giảm giá tuyên bố: “Ông ta làm thợ giỏi, nhưng khi dạy học thì quá tệ”. Câu thứ hai làm giảm giá câu thứ nhất. Hay khi người ta đề cao một tu sĩ được thành công thì có người phản kháng: “Tôi còn biết nhiều người giỏi hơn thế”. Một cách vô thức, người có khuynh hướng hạ giá kẻ khác tìm cách đề cao cái tôi của mình. Như thế, giải biện thường che giấu sự ganh tị.
Khuyết điểm đó còn được bộc lộ cách khác: lãnh đạm, giả vờ. Khi biết một đồng bạn vừa được học bổng, một tu sĩ cho rằng: “tôi chẳng thích tí nào”, nhưng giọng điệu của người ấy chứng tỏ ngược lại. Cả khi người ấy có vẻ thực sự vô tư, thì người ấy cũng bộc lộ sự ganh tị đối với quyền lợi của người khác. Còn nhiều hình thức giải biện khác, nhưng mọi thứ đều có đặc tính là óc vị kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu người khác.
Tranh luận với người giải biện chỉ làm cho họ triển khai phản ứng tự vệ bằng cách cố gắng bảo vệ lập trường của mình. Phương cách hay nhất giúp họ chữa trị là đưa họ gặp gỡ người khác, đồng hóa với người khác, có thể đối diện với thực tại mà không cần phải xoay xở để biện hộ cho cách cư xử của mình.
2/ Sự bù trừ (overcompensation) là một phương cách bù đắp trong một lãnh vực điều mà người ta cảm thấy thiếu vắng trong một lãnh vực khác. Có người vì bất an, nên bù trừ bằng cách trở nên hỗn xược: một người nhút nhát, trở nên liều lĩnh bất cẩn khi lái xe. Một người khác bị thất bại trong một cuộc họp mặt, chỉ còn giữ lại một tình cảm cay đắng và từ đó về sau, mọi cuộc hội thảo đối với họ chỉ là “đấu láo, tán phét”.
Một người khác bị mặc cảm tự ti, nên có vẻ kênh kiệu. Như chúng ta đã thấy: sự tham ăn là một loại bù trừ thường xuyên cho việc thiếu tình thương. Vì những lý do tương tự, một vài người lại chỉ trích và đả kích người khác thậm tệ. Có người lại phóng đại tầm quan trọng của công việc mình làm để có vẻ không thua sút người khác. Tất cả các loại tác phong này bộc lộ sự khao khát vô thức được chú ý.
Có rất nhiều thái độ nết na quá lố cho thấy nhu cầu tìm bù trừ. Những sự lên án đại thể đối với những công việc vô thưởng vô phạt: hút thuốc, đánh bài, trang sức v.v… – có thể là những phản ứng bù trừ. Các phản ứng đó đưa đến nhiều công việc điên rồ, quái đản, lập dị.
3/ Sự đồng hóa (identification) là một cách giải tỏa căng thẳng ở mức độ vô thức, nhờ sự trung gian của các thành quả nơi người khác hay nhóm khác. Thường thì người đồng hóa không ý thức là họ thay đổi tác phong của mình để họa lại cung cách của kẻ khác. Sự đồng hóa như động năng điều ứng không giống như sự cố tình bắt chước vốn làm cho nhân cách được sung mãn. Thường nó chỉ là sự gán ghép căn tính của mình vào một người khác để được uy tín hay thế lực. Sự kiện gia nhập vào hội đoàn này hay câu lạc bộ nọ làm cho một số đông thoả mãn khát vọng cá nhân của mình…
Một số người đồng hóa chính mình với của cải coi như dấu hiệu của công đức vĩ đại. Tu sĩ có thể đồng hóa mình với của cải, uy tín và thành đạt của gia đình, bằng cách coi như chính mình đã thành đạt vậy! Người nào cứ khoe khoang cha mẹ mình như những mẫu gương trong mọi sự, chứng tỏ sự ấu trĩ của mình bằng cách đồng hóa với cha mẹ. Loại động năng này dẫn đến một thứ an ninh giả tạo và làm cho đương sự thiếu trang bị trước thực tại.
Một người có thể đồng hóa với một người khác mặc dầu không có liên hệ gì, chỉ cốt cho mình được thêm quan trọng. Đồng hóa với người được ca tụng và quý chuộng là một cách củng cố cái tôi của mình. Tuy nhiên, khi sự đồng hóa đưa đến một tác phong tốt đẹp hơn và một sự thay đổi tích cực, thì đó là một việc hữu ích, như khi người ta bị lôi cuốn bởi các đức tính tốt như: can đảm, cao thượng… và muốn bắt chước các đức tính đó. Sự đồng hóa đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và có thể là một trợ lực hữu hiệu cho tu sĩ trẻ trong thời gian huấn luyện. Nhưng nếu sự đồng hóa tích cực chỉ có tính cách hoàn toàn tưởng tượng thì nó sẽ hết sức tai hại cho việc thành hình nhân cách.
Trong đời tu, người ta nhấn mạnh nhiều đến việc bắt chước nhân đức Chúa Kitô và các thánh. Trắc nghiệm của việc đồng hóa đích thực là ý muốn áp dụng nó vào các công việc tầm thường trong đời sống hằng ngày. Những sự cố gắng đích thực theo chiều hướng này, mặc dầu có thất bại, cho thấy đó là một sự đồng hóa hữu ích.
Đối với một tu sĩ đứng tuổi, sự đồng hóa phải là một tiến trình ý thức và hướng đến một sự trưởng thành lớn hơn. Một tinh thần vui tươi, bác ái chứng tỏ một sự đồng hóa tốt đẹp dầu nó được thể hiện ở một đức tính nào. Nhưng sự đồng hóa mà không có đức ái đại đồng thì còn rất ấu trĩ; không có đức ái, sự đồng hóa đạo đức có thể là một ảo tưởng.
Sự đồng hóa trở nên đáng ngờ khi nó có tính cách tự vệ, quá đáng hay kỳ quặc. Một sự đồng hóa cực đoan và đặt chủ thể ở ngoài thực tại có thể trở thành nguy hiểm và đưa đến tâm bệnh. Nếu sự tách rời khỏi thực tại đưa đến những điều khác thường trong tác phong như: ăn mặc cẩu thả, dơ bẩn, luộm thuộm, thì thật là có lý do để lo ngại. Những người hành động như vậy có thể hoàn toàn vô ý thức. Sự dồn nén nghiêm trọng và kéo dài loại này có nguy cơ dẫn đến một sự phân lìa nhân cách và trở thành tâm bệnh.
4/ Phóng chuyển (projection) là một cơ chế tự vệ mà người ta sử dụng bằng cách gán các khuyết điểm, nguyên động và tâm tình của chính mình cho người khác. Thường người ta dễ thấy nơi người khác các đặc điểm và nguyên động thiếu sót nơi chính mình. Ví dụ một tu sĩ có nhiều khuyết điểm trong quá khứ. Người ấy tìm cách bù trừ trong hiện tại bằng một đời sống không tì vết, nhưng vì ký ức quá khứ vẫn còn đè nặng trên lương tâm, nên người ấy có khuynh hướng phóng giọi các tật cũ của mình cho người khác. Họ rất là ngờ vực, những cái nhìn, lời nói, cử chỉ có thể bị diễn giải như dấu chỉ đe dọa hay dấu vết của sự gian trá. Việc phóng chuyển làm cho họ dễ chịu với chính mình vì không còn thấy các lỗi phạm này như đặc điểm của chính mình, nhưng như đặc tính của người khác.
Gán ghép lỗi lầm của mình cho người khác cũng là một lối phóng chuyển thông thường. Một tu sĩ không mấy hòa hợp trong cộng đoàn có thể tìm những lý lẽ không có thực để tự bào chữa: chính người khác không muốn nói với họ, tiếp xúc với họ, thay vì nhìn nhận những khía cạnh kém xã hội của chính mình. Nhưng họ phải được chỉ dẫn để nhận biết thực tại của mình. Sự chấp thuận của xã hội không là tất cả. Cuộc sống hiện thực mới là một cuộc đời hạnh phúc. Thói quen phóng chuyển và đổ lỗi cho kẻ khác làm cho tu sĩ không còn được hạnh phúc.
Phóng chuyển là cách vất đi một điều ta không thích trên người khác hay vật khác. Thường thì người ta phóng giọi các ý tưởng và ước muốn đen tối nhất cho người khác. Phóng chuyển là một phương thức chủ quan, không thiết thực để đổ lỗi của mình cho người khác. Thường phóng chuyển bị thúc đẩy do nhu cầu muốn được yêu thương, tình trạng này luôn gia tăng cường độ do sự sợ hãi và thất đoạt. Chính sự sợ hãi thúc giục chúng ta gán cho tha nhân những tư tưởng đen tối và những ý định xấu xa. Những người nhát đảm tưởng tượng ra đủ mọi thứ nguy hiểm và sự sợ hãi thúc giục họ thổi phồng các đe dọa hoàn toàn có tính cách tưởng tượng.
Sự phóng chuyển thường bao hàm những phán đoán sai lầm. Các tu sĩ có khuynh hướng lệch lạc này nhìn thấy mọi thứ nguy hiểm, tai họa, ác ý nơi những người hoàn toàn vô tội và hoàn cảnh vô thưởng vô phạt. Cả khi không có một bóng dáng hận thù, họ cũng thấy là có khiêu khích. Rõ ràng là họ phóng đại. Nhiều khi họ cho là kẻ khác ghét họ, nhưng có thể chỉ là tưởng tượng. Khi một tu sĩ tố cáo người khác khó tính mà không đưa ra những dẫn chứng cụ thể, thì có lẽ là họ phóng chuyển.
Một trong những điển hình tinh tế nhất là trường hợp một tu sĩ luôn dữ tợn và gây hấn đối với người khác. Người nào thích rầy la mắng mỏ kẻ khác, cả khi cần thiết, phóng giọi các thúc bách của mình. Tật già mồm, thích đả phá người khác trong câu chuyện, luôn là một hình thức gây hấn và nhiều khi trở thành một thói quen phóng giọi. Sự thô bạo thường xuyên, sự trêu chọc độc hại, những chuyện đàm tiếu, tin đồn nhảm nhí cũng là những hình thức phóng giọi.
(còn tiếp)