Dâng hiến Sáng tạo (phần 4)

Chiều sâu đời sống thiêng liêng của mỗi người tùy thuộc vào sự viên mãn của các tương quan đối với Ngôi vị Chúa Kitô. Sự trưởng thành tâm lý mật thiết gắn liền với sự hội nhập cá vị và các tương quan hữu hiệu đối với người khác. Sự phát triển thiêng liêng và tâm lý của tu sĩ hệ tại ở việc luôn hướng về Chúa Kitô và tha nhân, chứ không phải tách lìa khỏi hai đối tượng đó.

Dâng hiến Sáng tạo (phần 4)

I. T NHIÊN VÀ ÂN SNG

Đời sống tôn giáo[1] trong cơ bản là một sự tăng trưởng trong ân sủng. Con người tôn giáo được ban cho các trợ lực thiêng liêng để thấm nhuần ánh sáng Thiên Chúa và phát huy chính mình nhờ các ân huệ siêu nhiên. Nhưng các quyền lực siêu nhiên này chỉ là một khía cạnh trong sự kết hợp giữa linh hồn và thể xác, chúng được bổ túc bởi các năng lực xuất phát từ những yếu tố thể lý. Vai trò siêu nhiên của con người mật thiết gắn liền với các tài nguyên tự nhiên của nó.

Những khả năng tinh thần và thể xác được biểu lộ và kết hợp với nhau để xây dựng một hiện hữu tốt đẹp hầu đem lại lợi ích tối hậu cho con người toàn diện. Sự hoàn thiện và trưởng thành ở mức độ tự nhiên phải giúp phát huy đời sống thiêng liêng. Sức khỏe tâm thần phải làm cho tu sĩ cởi mở hơn đối với các chuyển động của ân sủng. Sức khỏe tâm thần tiên vàn quy về việc phát triển các năng khiếu tích cực của tinh thần và các tập quán tâm não* thuận lợi cho sự tăng trưởng của con người trong ân sủng. Nó cũng giả thiết sự hiểu biết những mô hình tâm não nào phải tránh, trong mức độ mà chúng làm phương hại đến sự thiện cao hơn của chính mình cũng như của kẻ khác.

Trưởng thành tâm lý và tăng trưởng thiêng liêng

Sự lớn lên trong đời sống thiêng liêng và trong trưởng thành tâm lý đều được xây dựng trên một thứ thành thục, lão luyện nào đó như một hữu thể nhân linh và cả hai còn tuỳ thuộc những tương quan nhân loại. Chiều sâu đời sống thiêng liêng của mỗi người tùy thuộc vào sự viên mãn của các tương quan đối với Ngôi vị Chúa Kitô. Sự trưởng thành tâm lý mật thiết gắn liền với sự hội nhập cá vị và các tương quan hữu hiệu đối với người khác. Sự phát triển thiêng liêng và tâm lý của tu sĩ hệ tại ở việc luôn hướng về Chúa Kitô và tha nhân, chứ không phải tách lìa khỏi hai đối tượng đó.

Tiến trình này cốt ở hành động hơn là lẩn tránh, gia tăng hơn là giảm thiểu, yêu mến hơn là thù hận. Nói cách khác, sự toàn thiện thiêng liêng và sự trưởng thành tâm lý đều hướng tới một mục đích giống nhau, nhưng bằng những con đường khác nhau; tuy nhiên, cả hai điều hướng về hữu thể của con người hơn là vô thể.

Từ đó, các phương tiện tích cực thì thích hợp với sự tăng trưởng thiêng liêng và tâm lý hơn là các phương tiện tiêu cực. Nếu cần biết điều gì phải tránh, thì trái lại cũng cần biết điều gì phải làm, và biết rõ các giá trị nội tại cũng như ngoại tại, các tương quan, ý tưởng, tâm tình, cảm xúc và chọn lựa phải có. Mọi tu sĩ phải học biết mình là gì, mình có khả năng làm gì và sống ra sao để có thể trở thành một nhân cách toàn nhập, sáng tạo, liên tục tăng trưởng trong ân sủng và tự nhiên, hướng đến Chúa Kitô. Bởi đó, họ cần phải biết các tập quán và cơ chế tâm não nào làm phương hại đến sự hội nhập này và giảm thiểu hiệu năng của chính họ như một hữu thể nhân linh và như một tu sĩ. Họ cũng phải hiểu cách sống chủ quan nào có thể giúp họ bảo đảm sự thích nghi của mình vào đời sống thực tế.

Vai trò của Tâm lý

Tâm lý học thì cổ xưa như con người, nhưng những tìm tòi gần đây cung cấp nhiều hiểu biết mới về tác phong con người. Với những cái nhìn mới này, người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến sự phức tạp cũng như tính duy nhất của ngôi vị. Vì công việc của chúng ta là ở trong môi trường đời sống hiện đại, vậy tốt nhất là tu sĩ có được mọi trợ giúp để đáp ứng nhu cầu.

Những người mà chúng ta tiếp xúc trên mọi nẻo đường tông đồ, đã bị tràn ngập bởi đủ loại thông tin về tâm lý dưới dạng bình dân, người tu sĩ vì thế cần phải biết phân định giữa sự kiện và hư cấu trong khoa học mới này, cho dù là chỉ để đương đầu với những vấn đề người ta đem đến cho mình. Khoa Tâm lý hiện đại có thể đem nhiều lợi ích đáng kể, nhất là cho các tu sĩ, mà ơn gọi đặc biệt là phải làm việc với nhiều hạng người khác nhau.

Lợi thế chính của Sức khỏe tâm thần là nó hoàn toàn phù hợp với lý tưởng Kitô giáo. Sự thích ứng và trưởng thành tâm lý không đòi buộc điều gì nghịch lại với đức hạnh chân chính. Sư thăng tiến trong đời sống đức hạnh được trở nên dễ dàng nhờ những cơ năng tâm thần lành mạnh và sự thích ứng tâm lý rất cần thiết để tiến triển trong đời sống thiêng liêng. Đó là nền tảng tự nhiên thứ nhất để xây dựng siêu nhiên.

Sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng không nhất thiết phải bị ngăn trở vì một sức khỏe thể lý yếu kém nhưng nó bị ngăn trở vì một tình trạng tâm thần không lành mạnh. Sự thiếu thích ứng cá vị làm suy yếu việc chú tâm vào những giá trị cao hơn. Người tu sĩ thiếu thích ứng về phương diện tâm lý thì quá bận tâm về chính mình, quá lo lắng về các nhu cầu của riêng mình, để có thể hoàn toàn tập trung chú ý vào Chúa Kitô.

Những giao động hay “chấn động cảm xúc” (emotinal upsets / chocs émotionnels) ngăn cản không cho họ thấu hiểu các chân lý thần khải. Và từ đó cũng hạn chế sự triển nở của đức ái thần linh nơi họ. Một tu sĩ bị chìm ngập trong ám ảnh, bối rối, thúc bách và mơ mộng hay những hình thức căng thẳng thần kinh khác, không thể hiểu được ý nghĩa của sự siêu thoát đích thực, tinh thần khó nghèo, tình yêu tha nhân và nhất là hạnh phúc của tình yêu Thiên Chúa. Họ không được “tự do để tự hiến” hay “siêu thoát”: những đòi hỏi cấp thiết nơi các nhu cầu riêng tư làm tê liệt quá nhiều sự tự do của họ, nên họ không còn thời giờ và rảnh rỗi để nghĩ đến điều gì khác ngoài chính mình họ.

Các nhu cầu riêng tư của họ thật quá khẩn cấp nên họ phải mất hết sức lực để đương đầu với chúng. Để có thể yêu mến, cần phải được tự do. Đời sống thiêng liêng thiết yếu hệ tại ở việc lớn lên trong tình yêu và tự do đối với chính mình. Người tu sĩ thiếu thích ứng sa lầy trong các sự cùng khốn nội tại; họ sống trong tình trạng hỗn loạn, vốn là nguyên nhân gây phương hại lớn lao cho bình an tâm hồn

Lch lc tâm lý và trách nhim luân lý

Những sự xáo trộn tâm lý thường xuất phát từ các nguyên nhân vô thức và không phải mỗi người luôn luôn có thể tự mình sửa đổi. Sự thiếu thích ứng mà chúng ta bàn đến, với hậu quả là tình trạng chậm tiến thiêng liêng, không nhất thiết phải bị quy trách, bị coi là có lỗi. Người tu sĩ bị trục trặc vì chứng bệnh thiếu thích ứng tâm lý, có thể ít chịu trách nhiệm – hoặc không gì cả – về các hậu quả phức tạp của nó. Một vài xu hướng hay tập quán tâm não bệnh hoạn bắt nguồn từ lúc ấu thơ; nhiều khi chúng bị xác định bởi các yếu tố vô thức.

Dẫu chúng bắt nguồn từ đâu chăng nữa, thì thường người bị những chứng bệnh loại đó, từ đầu không thể thấy trước những hậu quả cuối cùng và các sự bất lợi tự nhiên của chúng đối với đời sống thiêng liêng. Các tập quán tâm não có hại cho đời sống thiêng liêng không nhất thiết phải là những thể thức lệch lạc cố ý và ý thức; và vấn đề luân lý nhiều khi không được đặt ra. Ở đây chỉ có vấn đề cứu xét các yếu tố nhân cách, hoặc thuận tiện hoặc bất lợi cho sự tiến bộ thiêng liêng. Nói cách đơn giản, có nhiều khi nhân cách không được vẹn toàn nhưng lỗi không ở nơi chủ thể. Dầu vậy, những sự lệch lạc nơi nhân cách cũng làm phương hại đến đời sống thiêng liêng, bởi đó chúng cần được tu chỉnh.

Nhu cu nhn biết

Các yếu tố nhân cách có thể thay đổi được, nghĩa là có thể tốt hơn cũng như có thể xấu hơn và chúng ảnh hưởng rất mạnh trên sự tự do của con người. Vì thế cần phải biết phân biệt những yếu tố nhân cách nào thuận lợi hay nguy hại đến sức khỏe tâm thần, để tự biết mình và hướng dẫn kẻ khác. Cũng cần học biết các điều kiện môi trường nào và các ảnh hưởng tâm lý nào có ích lợi cho đời sống thiêng liêng.

Việc hiểu biết các cơ chế tâm não tiềm ẩn dưới sự trưởng thành đã cho phép chúng ta hiểu rõ những thành tố của một nhân cách lành mạnh và khám phá ra những giai đoạn khởi đầu của các tập quán và thái độ bệnh hoạn. Cần phải biết điều đó cho chính mình cũng như cho kẻ khác. Nếu nó được nhận diện từ lúc mới phát hiện, thì sự thiếu thích ứng* có thể được chữa trị. Cũng cần phải nhận ra những thái độ nào trong chính đời sống chúng ta khả dĩ làm phương hại đến sức khỏe tâm thần của người khác, nhất là khi chúng ta có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn họ trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cần phải học biết cách chữa trị hay giảm bớt các sự căng thẳng thần kinh và các tập quán tệ hại khác đã được thành hình.

Trong Tâm lý học của thánh Tôma chúng ta thấy một điểm nhấn thật cách mạng đối với những người đương thời. Đối với nhiều thức giả đương thời cũng như những kẻ đi trước ngài, linh hồn bị giam cầm nơi ngục tù thân xác. Dựa theo Aristotle, thánh Tôma chống lại quan niệm này. Ngài luôn luôn xác định là linh hồn không phải bị giam cầm nơi thân xác, nhưng sự hiệp nhất giữa linh hồn và thân xác là thiết yếu đối với con người. Sau khi chấp nhận chân lý này, nền tu đức Kitô giáo dần dần ý thức được ý nghĩa sâu xa của nó. Một nền tu đức muốn phát huy các phẩm tính của linh hồn mà lãng quên hay khinh thường ảnh hưởng hỗ tương giữa thể xác và linh hồn là một thứ tu đức què quặt.

Ân sng xây dng trên t nhiên

Trước hết, chúng ta đề cập đến các phương tiện tự nhiên giúp phát triển đời sống thiêng liêng. Ân sủng được ban phát cho tất cả mọi người và chúng ta không thể không biết đến những điều kỳ diệu của nó. Chỉ có Chúa mới có thể ban ân sủng cho chúng ta. Những ân sủng vô vàn mà chúng ta cần đến trong đời sống tu trì được Chúa ban một cách nhưng không. Nhưng Thần học dạy chúng ta phải làm hết sức, ở mức độ tự nhiên, để có thể mở rộng tâm hồn và thụ nhận hơn đối với ân sủng. Thánh Tôma nói rằng: “Ân sủng được xây dựng trên tự nhiên”. Cách chung, đa số chúng ta phải bước theo tiến trình thiêng liêng thường tình và cần nhờ đến mọi sự trợ giúp tự nhiên mà ta có thể có trên con đường toàn thiện Kitô giáo. Sức khỏe thể lý và sức khỏe tâm thần thuộc về loại này.

Nếu chúng ta được chiêm ngưỡng Trái Tim Chúa Kitô như thánh nữ Margarita Maria, hay có một sự hiểu biết thần nhiệm về vĩnh cửu như thánh Têrêxa Avila, chúng ta có thể chịu đựng các sự thiếu thốn của thể xác và linh hồn mà không bị hề hấn gì. Những thị kiến thiên quốc mà các vị thánh thụ nhận, làm cho các ngài có thể thắng vượt các trở ngại vốn thực sự lớn lao đối với các phần tử trung bình. Chính vì thế mà một tác giả cho rằng: “đa số các thánh, mặc dầu có một vài sự thống khổ và giao động tạm thời, vẫn đạt đến một tình trạng quân bình và sức khỏe tâm thần cao hơn những người nổi tiếng về sự tự chủ của họ; và các ngài được điều đó, chính là nhờ vào sự thánh thiện của mình”[2].

Nhưng trong tình trạng thiếu vắng các ân sủng phi thường giúp siêu vượt trên tự nhiên, chúng ta cần nhờ đến các trợ lực và phương thế thông thường ở trong tầm tay mình. Dầu vậy cũng chẳng đủ. Cuối cùng chỉ có ân sủng mới hoàn thành tất cả. Vai trò của chúng ta là làm cho mình được tự do và chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng ân sủng. Sự trưởng thành thiêng liêng có đặc tính là quảng đại, vô vị lợi và đầy yêu thương. Sự trưởng thành loại đó luôn gắn liền với một tình trạng thích ứng tâm lý tốt đẹp. Bởi đó cần phải hiểu biết các thành tố của sự trưởng thành tâm lý và của sức khỏe tâm thần, cũng như các phương thế cần thiết để thâu đạt và duy trì tình trạng tốt đẹp này.

Nhng s xáo trn tâm thn

Thời đại chúng ta rất hãnh diện vì những khám phá mới mẻ trong nhiều địa hạt: không gian, y học hay tâm lý. Nhưng nghịch lý thay, trong khi các tiến bộ của khoa sinh vật học và y học giúp kéo dài đời sống con người, thì các sự xáo trộn tâm thần cũng gia tăng, làm cho đời sống vẫn bị đe dọa.

Ở các nước Âu Mỹ, các con số thống kê cho thấy những người cần phải chữa trị về tâm lý gia tăng một cách đáng sợ. Nơi nào trong các bệnh viện tâm thần cũng đầy người và thiếu nhân viên chăm sóc cho họ. Nhiều trường hợp khác không vào bệnh viện, chỉ vì việc chữa trị quá tốn kém hay không còn chỗ trong bệnh viện.

Xung đt tâm thn

Các cộng đoàn tu sĩ cũng chịu ảnh hưởng và áp lực của “kỷ nguyên không gian” của chúng ta và tu sĩ cũng phải đương đầu với những vấn đề giống như những người ở ngoài đời vậy. Có nhiều tu sĩ đau bệnh có nguồn gốc tâm thần, do sự xung đột nội tâm hơn là đau bệnh thể xác. Từ mấy mươi năm nay, tu sĩ cũng như người thế tục bắt đầu biết đến nhiều hiện tượng đáng ngại. Các hiện tượng này bao gồm nhiều khía cạnh và phản ứng thể lý nhưng căn nguyên của chúng không thể chữa trị bằng sinh tố hoặc kháng sinh.

Khi một tu sĩ bị dày vò bởi sự áy náy hay khi chán ghét công việc hoặc một đồng bạn, thì sinh tố không giúp ích gì. Thuốc an thần cũng không chữa lành sự xao xuyến hay sự đố kỵ của họ. Tuy nhiên đó là những vấn đề có thể làm xáo trộn hiện hữu chúng ta và dọn đường cho các tật bệnh thể xác. Nếu các tình trạng này kéo dài hoặc gia tăng, chúng ta có thể bị ốm đau thật sự trên thể xác.

Những sự xao xuyến và đố kỵ là những sự kiện có thật mà không ai phủ nhận sự hiện hữu hay sức phá hoại, nhưng nhiều tu sĩ không biết làm thế nào để tự giải thoát hay giúp người khác giải thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Chúng ta cũng không ý thức được làm sao tác phong của chúng ta ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của kẻ khác. Những thiên kiến và nhạy cảm quá độ của chúng ta có thể làm lung lạc quân bình tâm lý của những người ở xung quanh ta. Chúng ta có thể làm cho họ thêm xao xuyến bằng những sự thiếu nhã nhặn hay những sự chế giễu của chúng ta. Cả khi nói về một người thứ ba, sự thiếu nhã nhặn của ta cũng có thể ảnh hưởng đến một người ưu lự (hay nghĩ ngợi). Sự âu lo và đố kỵ tự bản chất là tâm thn, các tương quan xã hội cũng thế; mọi sự đều liên hệ với nhau.

Trên bình diện tích cực, những cách bày tỏ thiện cảm, những cuộc đàm đạo thanh nhã, tinh thần hài hước của chúng ta có thể hữu hiệu hơn là các loại thuốc bổ hay những sự chăm sóc của bác sĩ nhằm xoa dịu những nỗi xao xuyến. Chúng ta không bao giờ biết được chúng ta đã làm ích lợi đến mức nào với những câu chuyện hóm hỉnh và tinh thần vui tươi của chúng ta. Quí hóa thay cho một cộng đoàn, những người tu sĩ có khả năng, trong giây lát, đánh tan sự căng thẳng vào giờ giải trí, nhờ sự vui đùa và dễ thương của họ. Khi câu chuyện trở nên tẻ nhạt nặng nề, thì một vài người có đức tính tự nhiên là làm cho nó trở nên nhẹ nhàng vui vẻ. Đây chính là một hình thức tông đồ.

Nếu ta chịu suy nghĩ một chút, thì các nguyên tắc nền tảng cho sức khỏe tâm thần này, nhất là trong viễn tượng áp dụng vào đời sống cộng đồng, rất hữu ích cho cách thấu hiểu vấn đề thích ứng* trong đời sống tu trì.

Đnh nghĩa sc khe tâm thn

Trước tiên, cần thiết phải hiểu ý nghĩa của thuật ngữ tâm bệnh, như được sử dụng trong khoa tâm lý trị liệu. Việc nghiên cứu sức khoẻ tâm thần trước tiên nhằm tìm kiếm các phương thế phòng ngừa tâm bệnh và phát triển những tình trạng tâm lý tốt đẹp. Như tình trạng tinh thần, sức khỏe tâm thần nói lên một sự quân bình nội tại, đem đến cho ta cảm thức thoải mái nơi chính mình và cho phép ta duy trì những tương quan xã hội tốt đẹp. Những phương thế duy trì sức khỏe tâm thần trong khuôn khổ đời sống tu trì được xây dựng trên sự hiểu biết các nguyên tắc thiết yếu về sức khỏe tâm thần và các tương quan liên vị, theo những đòi hỏi của đời sống cộng đồng.

Theo kinh nghiệm của các bề trên, cố vấn và linh hướng, và từ những nghiên cứu khoa học khá tỉ mỉ, người ta thấy rằng các tu sĩ gặp phải rất nhiều vấn đề tâm lý. Những vấn đề này làm ngăn chặn sự tăng trưởng thiêng liêng của họ, và hình như thuốc men cũng không thể chữa trị được và cả những sự chăm sóc tận tụy cũng không làm thuyên giảm. Nhiều khi ảnh hưởng xa xôi của các yếu tố tâm lý có thể vượt quá sự nhận định của chúng ta và có thể bị bỏ qua hay giải thích sai lầm. Không nên bỏ qua một khía cạnh hay nguyên tắc về tác phong nhân linh nào, khi giải quyết vấn đề hạnh phúc của con người toàn diện. Vì các khía cạnh tâm lý khó đụng chạm hơn và ăn sâu nơi nhân cách, nên ta cũng khó nhận ra các triệu chứng tâm bệnh hơn là các triệu chứng bệnh lý thể xác.

Cần hiểu biết những phương thế làm giảm bớt căng thẳng tâm não không lành mạnh. Điều đó giả thiết là phải truy tầm những căn nguyên đưa đến các cơ chế tâm não* lệch lạc.

Suy nhược thn kinh (nervous breakdown/ dépression nerveuse)

Thành ngữ “suy nhược thần kinh” thường bị lạm dụng quá nhiều. Người ta dùng nó để nói về một khủng hoảng cảm xúc hay một sự giao động tâm thần. Chắc chắn tình trạng “suy nhược thần kinh” không làm phương hại đến các tế bào thần kinh nhưng chỉ ảnh hưởng đến các chức năng động lực của con người. Thường thì thần kinh hệ vẫn còn nguyên vẹn. Khi người ta đề cập đến “suy nhược thần kinh” thì thực sự người ta chỉ muốn nói đến một sự giao động trong đời sống tâm cảm và một sự hỗn loạn trong khả năng tự quyết của con người.

Thần kinh có thể cũng có liên hệ phần nào nhưng lúc đó nó là hậu quả hơn là nguyên nhân của các giao động xúc cảm. Một sự suy nhược thần kinh đích thực làm cho cơ thể mất đi sự liên hợp giữa các bắp thịt như trong trường hợp tê bại. Thuật ngữ “suy nhược thần kinh” diễn tả một sự xáo trộn tâm lý, một sự nhiễu loạn có tính cách năng động. Để hiểu ý nghĩa của tâm bệnh và cách thế phòng ngừa, cần phải biết “đời sống năng động” có nghĩa gì. Sức khỏe tâm thần đặc biệt liên hệ với các chức năng được hội nhập của động lực nhân linh.

Vấn đề phức tạp của tâm bệnh

Nhiều tu sĩ tưởng rằng chỉ cần cầu nguyện, đền tội và lãnh nhận các bí tích thì đủ để giải quyết mọi vấn đề tâm lý. Thực ra các phương tiện đó giúp ích rất nhiều, nhưng nghĩ rằng: cầu nguyện, đền tội và nhiệm tích sẽ giải quyết mọi vấn đề tâm lý, thì cũng nông nổi như cho rằng các phương tiện ấy sẽ chữa trị mọi chứng bệnh thể lý. Chúng ta không thể mong chờ sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, mà không nhờ đến bác sĩ để chữa các bệnh sưng phổi, lao phổi, đau tim hay đau răng v.v… Chúng ta có thể xin Chúa cho được khỏe mạnh hơn, hay xin Chúa giúp chúng ta chịu đựng các sự đau khổ thể xác, nhưng cũng cần phải dùng các phương tiện tự nhiên thích hợp để bảo vệ hay tìm lại sức khỏe.

Khi tu sĩ bị bệnh, bề trên đưa họ đi bác sĩ chứ không bảo họ vào nhà thờ cầu nguyện để xin Chúa chữa lành. Đa số các bề trên rất chú trọng đến các nhu cầu thể xác của các tu sĩ, không phải chỉ vì họ quan tâm đến sức khỏe thể xác mà còn lo lắng về lợi ích phần hồn nữa. Sức lực và sức khỏe thể xác là những yếu tố thuận tiện cho công việc thiêng liêng. Bởi đó Chúa dạy chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thể xác.

Tuy nhiên, thường thì người ta ít quan tâm đến những xáo trộn tâm lý hơn là những sự đau yếu thể xác vì lý do này hay lý do khác, nhất là nơi các tu sĩ. Có lẽ là ở ngoài thế gian, người ta hiểu biết nhiều hơn về động lực của con người, hay vì một kinh nghiệm rộng rãi hơn làm họ chú ý nhiều hơn đến các sự xáo trộn tâm lý. Các chứng bệnh tâm thần ít rõ ràng hơn các chứng bệnh thể lý, và sự chuyên chữa cũng khó khăn và chậm chạp hơn. Sự chữa trị các chứng bệnh tâm lý ở trong các cộng đoàn, đối với bề trên, nặng nề hơn là việc đi mua một vài thứ thuốc. Điều đó đòi hỏi sự hy sinh nặng nhọc nhất: thời giờ và chú ý.

Đưa người bệnh đi bác sĩ hay đi mua thuốc tương đối dễ dàng, vì đó là những công việc rõ ràng, cụ thể và thường có hậu quả tốt. Người bệnh sau khi được chữa trị, tiếp tục công việc của mình như trước. Nhưng khi sự xáo trộn được coi là không có nguyên nhân thể lý đặc loại và gán cho cái tên “căng thẳng thần kinh” thì khó mà tìm ra giải pháp. Chính vì sự căng thẳng thần kinh gắn liền với năng động, và vì năng động lực của một người có liên hệ với những người cùng sống với họ, nên giải pháp bao gồm nhiều âm hưởng sâu xa rộng lớn.

Không thể có phương dược ở hiệu thuốc. Cần phải nhiều khó nhọc, thông cảm, quan tâm và kiên nhẫn nơi bề trên và anh chị em (đồng bạn), với sự cộng tác của đương sự mới có sự thuyên giảm. Thể xác không cần phải có sự thông cảm để mà thuyên giảm nhưng tinh thần thì trái lại. Các chứng bệnh tâm thần có nhiều nguyên nhân khác nhau nên cũng rất phức tạp. Năng động lực xuất phát từ các vùng sâu thẳm, thầm kín, ý thức hay vô thức nơi cá thể. Nó bao trùm mọi năng lực sống động nhất, tích cực nhất của cơ thể và được biểu lộ qua mọi khía cạnh của hiện hữu.

[1] Thuật ngữ: “Đời Sống Tôn Giáo” (Religious Life /Vie religieuse) được sử dụng trong bản dịch trước tiên theo nghĩa rộng: việc tôn thờ Thiên Chúa trong đời sống của con người hoặc sinh hoạt tôn giáo của người tín hữu cách chung; từ đó thuật ngữ này cũng được hiểu theo nghĩa hẹp và thường dùng: “đời sống tu trì, đời sống dâng hiến của những người từ bỏ thế tục để hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa và anh em, đặc biệt dưới hình thức khấn dòng”.

[2] Jacques Douillet, What Is a Saint? (New York: Hawthorne Book Publishers, 1958)

(còn tiếp)