Dâng hiến Sáng tạo (phần 3)
V. VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM CỦA MARIAN DOLORES
Để đóng góp vào việc xây dựng đời sống dâng hiến sáng tạo chúng tôi giới thiệu và chuyển dịch tác phẩm của nữ tu Marian DOLORES, S.N J.M
Nguyên tác:
Creative Personality in Religious Life, N.Y: Sheed and Ward, 1963.
(Bản dịch Pháp văn do Louis BREVET:
Vie religieuse et efficacité personnelle, Mulhouse: Ed. Salvator, 1966).
[Dịch giả mạn phép sửa đổi đôi chút và bỏ bớt một vài điều xem ra dư thừa, để thích ứng vào hoàn cảnh cụ thể, vì lẽ tài liệu này được viết ra trong bối cảnh văn hoá Âu Mỹ, vào lúc khởi đầu của cuộc canh tân đổi mới (hậu Công đồng), nên vẫn chưa hoàn bị. Dầu vậy, nội dung cốt yếu của nó vẫn còn thích hợp và hữu ích cho người tu sĩ. Một vài tiêu đề là của dịch giả.
Mặt khác, vì các từ ngữ tâm lý chưa được thống nhất nên chúng tôi phải chấp nhận dùng một số từ tiếng Việt nhiều khi không chính xác để chuyển dịch các ý niệm mới trong tâm lý hiện đại (và ghi thêm từ ngữ Anh/ Pháp để tiện việc tham khảo). Mong người đọc thông cảm và bổ túc cho những thiếu sót. Trong phần cuối sách, chúng tôi sẽ giải thích một sồ từ ngữ chuyên môn trong mục GLOSSARY.
Tài liệu này đã được chuyển dịch từ những năm 1976, nay được hiệu đính và chú thích, mong có thể giúp ích phần nào cho người đọc.]
1. Sơ lược về Tác giả
Tác giả Marian Dolores, là một nữ tu giàu kiến thức và kinh nghiệm. Kiến thức khoa bảng từ các đại học danh tiếng và kinh nghiệm lâu năm như giáo sư và chuyên viên tâm lý (tư vấn, hướng dẫn tâm linh). Bà còn đặc biệt am hiểu đời sống tu trì do chính kinh nghiệm bản thân, cũng như qua những lần gặp gỡ với những tu sĩ thuộc mọi thành phần và giới lớp. Tập sách mà chúng tôi chuyển dịch, được thành hình để đáp ứng một nhu cầu thiết thực của giới tu sĩ đối với những vấn đề nhân bản. Chính những người này thúc đẩy tác giả thu thập các bài thuyết trình và phổ biến thành sách. Cống hiến đặc sắc của Bà là đã đem những dữ liệu khoa học vững chắc đối chiếu với kinh nghiệm đời sống tu trì để rút ra những kết luận thực tiễn.
Nữ Tu Marian Dolores, tên họ trong gia đình là Margaret Robinson, sinh ngày 23.11.1915. Mất ngày 12.10.2007, thọ 91 tuổi.
Vào lúc 16 tuổi gia nhập Dòng Danh Thánh Chúa Giêsu và Đức Mẹ (Holy Names Sisters). Tốt nghiệp Đại học Mary Hurst College. Thạc sĩ và Tiến sĩ Tâm lý tại Đại học Loyola, Chicago.
Thi hành chức vụ nhà giáo trong 61 năm. Hiệu trưởng Maryhurst College từ những năm 1970. Khoa Trưởng Phân khoa Tâm lý kiêm Giám đốc môn Tư vấn và khải đạo tại đại học Maryhurst. Giáo sư, trưởng khoa Phụ nữ tại Assumption University, Windsor, Canada. Thuyết trình viên và giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học, như: Fordham University, New York, University of Portland. Ngoài việc giảng dạy môn tâm lý, bà còn là một chuyên gia tư vấn tâm lý.
2. Tác phẩm: Creative Personality In Religious Life, Sheed and Ward, New York, 1963
Quyển sách được thành hình từ một loạt bài thuyết trình tại Viện Sức Khỏe Tâm Thần cho Tu sĩ tại Đại học St. Louis, vào mùa hè 1960, theo lời mời của linh mục A. H. Scheller, Dòng Tên, giám đốc trường Công Tác Xã hội.
1/ Mục đích của tập sách là giúp những ai muốn tìm hiểu cấu trúc tâm lý tiềm ẩn dưới đời sống thiêng liêng của mỗi tu sĩ. Tác giả hy vọng chia sẻ một vài gợi ý, để tu sĩ làm triển nở những tiềm năng to tát mà họ được phú bẩm khi vào đời, cũng như khơi dậy những nguồn mạch cho sự phong nhiêu thiêng liêng và những lộ trình mới trong cách diễn tả sáng tạo trong đời sống. Vì không biết rõ về chính mình và những động lực nhân linh, nhiều người vô tình làm cho nguồn mạch sáng tạo tính bị khô cạn. Ngoài ra những vấn đề được trình bày cũng giúp trao đổi và chia sẻ cảm nghĩ liên quan đến một số kiến thức tâm lý.
Thành một nhân cách có nghĩa gì? Một hữu thể nhân linh đích thực là gì? Nhà triết học và tâm lý học đồng ý là có ít nhất hai yếu tố cần thiết cho sự triển nở tràn đầy của nhân cách: tự do và sáng tạo tính. Hai yếu tố này luôn được phát triển trong tư tưởng Kitô giáo: con người là hình ảnh Thiên Chúa, và vì thế được ban cho phẩm giá bất khả xâm phạm của nó. Nhưng trình bày cách rõ ràng mối tượng quan và ý nghĩa của tự do và sáng tạo tính là một viễn tượng mới của tâm lý hiện đại. Những khái niệm cơ bản và đặc thù của Tâm lý năng động như: tăng trưởng, tiến trình, trưởng thành, toàn nhập, vv. được tác giả diễn giải qua nhiều cách khác nhau. Người đọc cần nhận ra tầm quan trọng của những chủ đề này để lĩnh hội diễn trình tư tưởng của tác giả.
Trong lãnh vực tiên phong này, nữ tu Dolores trình bày một tổng hợp cân đối giữa những phân tích tâm lý và sự khôn ngoan của giáo huấn khổ hạnh truyền thống. Những suy tư thiết thực nhằm giúp bề trên và tu sĩ nhận ra giá trị tích cực của lời khuyên Phúc Âm và đời sống cộng đoàn.
Tu sĩ dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa để phục vụ Hội Thánh; tu sĩ càng viên mãn như một nhân cách thì sự dâng hiến càng có giá trị và khí cụ càng trở nên hữu hiệu, trong tay Chúa.
Xuyên suốt qua các trang sách, người ta nhận thấy tác giả áp dụng nguyên tắc căn bản: Ân sủng xây dựng trên tự nhiên.
2/ Điểm nhắm của tác giả không phải là đưa ra những lý thuyết cao siêu để thỏa mãn sự tìm tòi của các học giả uyên thâm, nhưng là giải thích những khái niệm và nguyên tắc căn bản bằng một lối văn đơn sơ, giản dị, vừa tầm nhận thức của đại chúng. Có lẽ vì thế mà những dữ kiện tâm lý được trình bày ở đây thật đơn giản và có phần sơ đẳng nữa, mặc dầu vẫn giữ được tính cách khoa học. Người đọc sẽ có được những hiểu biết tối thiểu về vệ sinh tinh thần để sống đời dâng hiến một cách tốt đẹp.
Kinh nghiệm về đời sống tu trì mà tác giả nêu lên, đặc biệt gắn liền với các cộng đồng nữ tu (ở Hoa Kỳ).
Thoạt đầu người đọc có cảm tưởng tác giả bị chi phối quá nhiều bởi các chi tiết tỉ mỉ, nhỏ nhặt, nhưng chắc những ai am tường sinh hoạt của các cộng đồng nữ giới đều công nhận tính cách quyết định của những yếu tố được coi như nhỏ mọn. Đời sống hằng ngày là một chuỗi những sinh hoạt tầm thường. Người ta có thể đưa ra những nguyên tắc tốt đẹp về hiện hữu và con người nhưng nếu chúng không đi vào cuộc sống thường ngày, thì lý thuyết cũng chỉ là hư ảo. Chính ở điểm này mà cái nhìn trực diện của tác giả là một đóng góp đáng kể. Đời sống tu trì được nói đến với những chi tiết cụ thể trong những khung cảnh của sinh hoạt hằng ngày, nơi mà mỗi người để lộ chân tướng của mình cách phũ phàng và những lý tưởng sáng ngời có cơ hội biến thành những vết xám trong chuỗi ngày buồn thảm lê thê.
Có lẽ vì muốn đi vào chi tiết của đời sống và muốn nhấn mạnh đến một vài điều mà nhiều khi tác giả lặp đi lặp lại một ý tưởng hay một vấn đề. Đối với những người thích những tư tưởng vắn gọn và chính xác, cách trình bày của tác giả có vẻ dông dài. Nhưng nếu ai thích những dẫn chứng cụ thể và những cách nói gợi hình, thì chắc chắn sẽ có dịp chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích.
3/ Nguyện ước của tác giả là giúp các tu sĩ thực hiện ơn gọi của mình trong vui tươi và hạnh phúc. Khoảng cách giữa lý tưởng tận hiến và thực tại tầm thường trống vắng mà người ta thấy được nơi các tu sĩ, phải chăng là do thiếu quảng đại hay thiếu đạo đức? Chắc không phải thế. Thiện chí và thành tâm không thiếu, nhưng có khi vì không biết đủ về mình nên có tình trạng: “trèo cao té nặng”. Hoặc không biết sử dụng cách hợp lý và đúng mức, mọi khả năng và sức lực tự nhiên Chúa ban cho, nên phải mòn hao sức lực. Hậu quả là tình trạng buồn phiền, thất vọng…Vì thế mà nếp sống tu trì không rạng ngời ánh sáng.
Có một tương quan đặc biệt giữa đời sống thiêng liêng và đời sống tâm lý. Nhiều khi người ta chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh thiêng liêng mà bỏ quên các yếu tố nhân loại. Tác giả muốn lưu ý mọi người về bản chất, chức năng và hành động của cơ cấu tâm lý tiềm ẩn dưới những thực tại thiêng liêng. Dĩ nhiên, tâm lý không thay thế thần học hay tu đức. Nhưng tâm lý giúp soi sáng một số vấn đề con người, mà nhiều khi thần học và tu đức giả thiết là đã được giải quyết.
Con đường dẫn đến Thiên Chúa đối với phần đông nhân loại là con đường xuyên qua xác thể. Và chúng ta phải khiêm tốn chấp nhận thân phận yếu đuối của con người. Phải đi từng bước âm thầm chớ không tìm cách nhảy vọt. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Hãy đuổi bản tính tự nhiên đi, nó sẽ tức tốc trở lại như con ngựa phi nước đại”. Nghĩa là phải tìm cách thuần hóa tự nhiên chớ đừng hủy diệt nó.
Thực ra, chính Thiên Chúa cũng luôn tôn trọng qui luật tự nhiên mà Người đã thiết định. Nếu thần học theo đúng nghĩa phải được xây dựng trên nền tảng nhân loại học, thì việc huấn luyện vào đời sống dâng hiến và tu đức cũng không thể bỏ qua những dữ kiện tâm lý. Hiểu biết đầy đủ về con người của mình và chuẩn bị để nó thành khí cụ hoàn hảo trong tay Chúa chẳng phải là một cách làm sáng danh Chúa sao?
4/ Những yếu tố tích cực và tiêu cực trong đời sống của mỗi cá nhân cần phải được soi sáng, nhất là dưới khía cạnh tâm lý năng động, để hành vi nhân linh không bị chi phối bởi các sức lực tối tăm mù quáng. Hơn bất cứ ai khác, người tu sĩ phải sáng suốt về chính mình, để có thể thực sự tận hiến và sống đời dâng hiến một cách an bình sáng tạo.
Khi con người được tự do trong chính mình thì các tương giao với người khác cũng được thiết lập cách ôn hòa, trật tự. Tu sĩ còn phải học cách cư xử với mọi người không phải theo công thức xã giao thế tục, nhưng trong tinh thần con cái Thiên Chúa. Phải học cách giao tế với anh em, chị em trong nhà, cũng như với tất cả mọi người ở ngoài cộng đồng, như một con người đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa. Yêu mến tất cả nhưng không chiếm hữu một ai. Sống cho tất cả mọi người nhưng không là sở hữu của một ai, vì chính mình đã thuộc trọn về Chúa.
5/ Đời sống cộng đồng là một yếu tố nền tảng xây dựng và nuôi dưỡng đời sống tu trì. Nó không thuộc cơ cấu pháp lý như các lời khấn dòng, nhưng là môi trường, là cội rễ để các lời khấn có cơ hội tốt đẹp hầu đâm chồi nảy lộc. Một cộng đồng khô cằn (theo mọi nghĩa) đương nhiên chỉ có thể làm phát sinh những trái non nớt, héo úa, già cỗi. Nhưng hình như cộng đồng là nơi người tu sĩ gặp nhiều thử thách. Phải chăng người ta cho rằng sống chung là một điều tự nhiên phải có, không cần được lưu ý? Thực ra việc huấn luyện một tu sĩ để sống cộng đồng là một việc nghiêm trọng và lâu dài.
Đức ái đương nhiên phải ngự trị giữa các cộng đồng tu sĩ như ân sủng của Thiên Chúa, vì nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Chúa Kitô thì có Chúa ở giữa họ. Nhưng đức ái không miễn chước khỏi những đòi hỏi của lễ độ và hòa nhã, không coi thường những đức tính nhân bản: “Lòng mến thì khoan dung, nhân hậu; lòng mến không ghen tuông; lòng mến không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong muôn sự, lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn…” (1Cr 13,4-7). Và điều này cần phải được huấn luyện.
6/ Con đường đưa đến hoàn thiện đầy trắc trở. Trong cộng đồng, người tu sĩ được sự trợ giúp của kẻ khác để tiến bước. Nếu đời tu thiết yếu gắn liền với cộng đồng là vì không ai tìm được sự cứu độ trong cô đơn. Con người luôn cần đến kẻ khác để thực hiện ơn gọi làm người.
Trong đời tu, sự cần nhờ đến anh, chị, em về phương diện vật chất thì thật rõ ràng. Nhưng đặc biệt dưới khía cạnh tinh thần, người ta càng phải cần nhờ đến sự giúp đỡ của kẻ khác. Điều này được thể hiện dưới hình thức mang danh hiệu “hướng dẫn tâm linh”. Hoặc hiện nay gọi là “đồng hành thiêng liêng”. Chúng tôi muốn dùng diễn ngữ này để chỉ một sự trợ giúp về tinh thần, rộng hơn điều chúng ta thường gọi bằng danh từ “linh hướng”, (như sự chỉ dẫn thiêng liêng thuộc thẩm quyền linh mục, hay một thừa tác vụ mà linh mục thừa hành nhân danh Hội Thánh).
“Hướng dẫn tâm linh” cốt ở việc một người hiện diện với người anh em (hay chị em) một cách thân tình và vô vị lợi, với mục đích nâng đỡ thật sự, dầu có nói lời khuyên bảo hay không. Điều quan trọng là người anh em (chị em) không cảm thấy lẻ loi, bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi hay những tư tưởng bi quan, tuyệt vọng. Việc “hướng dẫn tâm linh” theo nghĩa này thật quan trọng nhưng ít người có khả năng để hiểu biết và thực hành cách thích hợp. Chính vì thế mà những nhận định và đề nghị của tác giả thật hữu ích. Các người phụ trách cộng đồng có thể tìm thấy nơi đây những chỉ dẫn thực tiễn để không quá lúng túng khi phải trợ giúp người anh em (chị em).
Trên đây là những đường nét chính của tập sách này, mà người đọc sẽ có dịp đi vào chi tiết. Ưu tư cũng như nguyện vọng lớn nhất của tác giả là thăng tiến đời sống tu trì, đặc biệt qua việc chỉnh đốn khía cạnh nhân loại. Người ta sẽ không tìm thấy nơi đây một thủ bản thần học hay tu đức, mặc dù những khía cạnh tu đức luôn tiềm tàng trong mọi vấn đề.
Thay Lời Kết
*Hy vọng những chỉ dẫn sơ lược trong phần nhập đề này có thể giúp ích cho người đọc, trong mức độ giới hạn của một phần giới thiệu đơn giản.
Tài liệu này được biên dịch và hoàn chỉnh để trợ giúp việc huấn luyện đời tu. Vì nơi đây, vấn đề tu đức được trình bày với những khái niệm tâm lý cơ bản, nên người đọc cần nắm bắt ý nghĩa chính xác của những thuật ngữ chuyên dùng trong tâm lý hiện đại (phân tâm học, tâm lý chiều sâu) vốn được phổ biến bằng nhiều cách, nhưng không được thấu hiểu cho đúng mức.
*Mặc dầu người dịch cố gắng rất nhiều để trình bày một văn bản rõ ràng, dễ đọc, nhưng trong thực tế tài liệu này còn vướng vấp nhiều sai lầm và thiếu sót, xin người đọc thông cảm và góp phần chỉ giáo.
Xin chân thành đón nhận những đóng góp của người đọc và hết lòng cảm tạ.
*Cuối cùng, xin hết lòng ghi ơn những ai đóng góp vào việc thành hình tập sách này.
*Với nguyện ước người đọc trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại, trong thế giới và trong Hội Thánh hôm nay, vì đã được canh tân đổi mới trong ân sủng và trở thành con người mới trong Chúa Kitô.
Xin Chúa ban muôn ơn lành cho những người cộng tác, dưới mọi hình thức. Và cũng xin Chúa chúc lành cho những người đọc.
*** “Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người cách viên mãn hơn” (Hiến chế Gaudium et Spes, 41). ***
Thủ Đức, ngày 02, tháng 02, 2015
(Năm Đời Thánh Hiến)
(còn tiếp)