Dâng hiến Sáng tạo (phần 1)

Một sự dâng hiến trọn vẹn và hoàn toàn ý thức là một yếu tố tích cực cho sự triển nở nhân cách. Sự dâng hiến tốt đẹp tự nó có tính cách sáng tạo, tức là làm cho người dâng hiến thể hiện chính mình cách viên mãn và hoạt động có kết quả tốt đẹp. Người ấy sẽ không bị mòn hao cạn kiệt vì một lối sống khô cằn, máy móc.

Dâng hiến Sáng tạo (phần 1)

Sách “Dâng hiến Sáng tạo” của sơ Marian DOLORES, S.N.J.M, nói về đời sống dâng  hiến dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II và Tâm lý hiện đại, do cha Ngô văn Vững, S.J. chuyển dịch và chú thích.

LỜI GIỚI THIỆU

I. ĐỜI SỐNG DÂNG HIẾN

Dưới nhiều hình thức và qua nhiều văn kiện khác nhau, Công đồng Vaticanô II, khi bàn đến đời sống tu trì, luôn khẳng định: yếu tính của đời sống tu trì trong Giáo Hội công giáo là sự thánh hiến.

1/ Giáo luật vốn thường chú trọng đến khía cạnh pháp lý của sinh hoạt Giáo Hội, nhưng khi đề cập đến đời sống tu trì lại mở đầu bằng một định nghĩa tín lý, dựa trên giáo huấn của Hiến chế Lumen Gentium về Giáo Hội và Sắc lệnh Perfectae Caritatis về việc canh tân thích nghi đời sống tu dòng: “Đời sống tu trì, xét vì là sự dâng hiến toàn thể con người, nên biểu lộ trong Giáo Hội cuộc hôn nhân huyền diệu mà Thiên Chúa đã thiết lập như dấu chỉ của đời sau. Như vậy, tu sĩ hoàn tất sự trao hiến trọn vẹn như hy lễ dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó tất cả cuộc đời của họ trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa liên lỉ trong đức ái” (GL #607; x: LG 44; PC 1,5,6).

Nếu yếu tính của đời sống tu trì là sự dâng hiến cho Thiên Chúa, thì đời sống đó phải được gọi là đời sống dâng hiến. Người ta có thể nhận thấy rằng: sau Công đồng Vaticanô II, đã có một sự chuyển hướng trong cách suy nghĩ về đời tu trong Giáo Hội. Bằng chứng là: các văn bản thần học về đời tu dần dà thay thế cụm từ: ‘đời sống tu’ bằng thuật ngữ: ‘đời sống dâng hiến’. Sự kiện ý nghĩa nhất vẫn là Tông huấn sau Thượng Hội Đồng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II mang tên: Vita Consecrata(VC), được ban hành ngày 25.3.1996.

Tựa đề: ‘Đời thánh hiến’ (hay: Đời sống dâng hiến) của Tông huấn tóm lược tất cả ý nghĩa mà Giáo Hội muốn gán cho đời tu trong thời đại hậu công đồng Vaticanô II. Sự thánh hiến này, hoặc được hiểu như một sự can thiệp của Thiên Chúa để đóng ấn những kẻ thuộc về Người[1]hoc như một sự dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa, thì trong cơ bản nó luôn bao hàm ý nghĩa: trực thuộc Thiên Chúa, được biến đổi và thánh hóa bởi ân sủng.

Tuy nhiên đời sống dâng hiến cho Thiên Chúa không vì thế mà có nghĩa là từ khước trần gian và xa lánh loài người. Chính để nhấn mạnh đến chiều kích Giáo Hội và xã hội của đời dâng hiến mà Vaticanô II không ngừng nhắc đến khía cạnh dấu chỉ của nó, đến độ trong các tài liệu công đồng người ta luôn thấy ý niệm “dâng hiến” gắn liền với ý niệm “dấu chỉ”.

2/ Trong khi Lumen Gentium tuyên bố rằng: “Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm xuất hiện như một dấu chỉ vốn có thể và phải gây một ảnh hưởng hữu hiệu trên các phần tử của Hội thánh” (LG 44) thì Perfectae Caritatis còn khẳng định rõ: “đời sống tu xuất hiện như một dấu chỉ sáng ngời của Vương quốc Thiên Chúa” (PC 1). Và giáo huấn của Công đồng còn được Giáo Luật tóm kết cách rõ ràng: “Đời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các LKPA là một lối sống bền vững […], tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa […] và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo hội, tiên báo vinh quang trên trời” (GL #573, 1).

Như vậy, đời dâng hiến trong Giáo Hội phải là dấu chỉ hữu hiệu cho Dân Chúa, cũng như cho mọi người, nhưng dấu chỉ ấy là gì nếu không là dấu chỉ về Vương quốc Thiên Chúa? Hay nói cách khác, người dâng hiến phải sống thế nào để trở nên dấu chỉ cho mọi người nhận thấy rằng: Nước Thiên Chúa đã đến. Một cách cụ thể, Nước Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô. Và đời sống dâng hiến mật thiết gắn liền với Đức Kitô, đến độ người ta có thể nói: đời dâng hiến là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Kitô ở trong Hội Thánh và bởi thế, cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới.

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đặc biệt yêu thích khía cạnh dấu chỉ này của đời tận hiến. Trong cuộc hành hương Lisieux vào năm 1980, ngài đã hai lần sử dụng hình ảnh “hiển linh” để nhắc nhở về thực tại dấu chỉ này, khi đề cập với các tu sĩ về đời sống tu trì. Lần thứ nhất, với các bề trên thượng cấp: “Hãy hết sức chú ý để đời sống tu phải là một sự ‘hiển linh’ của Chúa Kitô.

Thế giới hiện nay cần những dấu chỉ. Đêm vắng sao là nguồn mạch của lo âu”. Lần thứ hai, với các nữ tu sống đời chiêm niệm: “Phải làm sao, để khi gặp chúng con hay khi thấy chúng con, mỗi người đều có thể nói hay ít nhất cảm nghiệm rằng họ đã gặp Thiên Chúa, họ đã biết được một cuộc hiển linh của mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn là ánh sáng và là tình yêu! Thời đại mà chúng ta đang sống cũng cần những chứng nhân như cần những nhà hộ giáo! Về phần chúng con, hãy trở nên những chứng nhân khiêm tốn và trong suốt này!”

Ý niệm dấu chỉ càng rõ ràng hơn trong Tông Huấn Vita Consecrata, khi Đức Thánh Cha viết: “Việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm làm cho họ trở thành những dấu chỉ ngôn sứ cho cộng đoàn của anh em họ và cho thế giới” (số 15). Hoặc: “Đời thánh hiến trở nên lời tuyên xưng và dấu chỉ về Ba Ngôi” (số 21). Cùng với ý niệm dấu chỉ, Đức Thánh Cha nói đến chức năng hiển thị hay bày tỏ của đời dâng hiến: “Đời thánh hiến có nhiệm vụ bày tỏ Con Thiên Chúa làm người…” (số 16).

3/ Gắn liền với ý niệm dấu chỉ của đời dâng hiến, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II thường nhắc đến thực tại chứng nhân: người dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa phải đặt mình trong thế giới như một chứng nhân có ý nghĩa, hữu hiệu và trung tín. (x. Diễn từ, ngày 07.5.1985).

Đời sống tu trì chỉ có thể là dấu chỉ khi nó là một thực tại nhân linh, nhưng đồng thời lại đưa về những thực tại vô hình. Hay nói cách khác: thực tại nhân linh phải viên mãn, tốt đẹp và chiếu tỏa đến mức độ người ta thấy được nơi đó sự hiện diện của ân sủng vô hình. Khi nói về ý nghĩa của việc độc thân thánh hiến, Cha A. Chapelle viết: “Nếu độc thân thánh hiến không có ý nghĩa tích cực nào ở mức độ nhân loại học, thì làm sao nó có thể bộc lộ sự thật thần học và thần nhiệm của nó?

Thiên Chúa không nói với chúng ta qua các dấu chỉ vô nghĩa.”[2] Điều có ý nghĩa đối với độc thân thánh hiến cách riêng thì cũng có ý nghĩa đối với đời sống tu hành cách chung. Trở thành dấu chỉ của Nước Chúa, đó là một niềm vinh hạnh và cũng là một đòi hỏi lớn lao đối với đời sống dâng hiến. Điều này giả thiết đời dâng hiến phải sáng ngời giữa lòng Hội Thánh. Tuy nhiên, trong thực tế, đời dâng hiến không luôn là một dấu chỉ rạng ngời. Có những vùng ánh sáng nhưng cũng có những miền tăm tối. Hay nói cách đơn giản, là có những bất toàn, khiếm khuyết trong đời tu, làm cho sự dâng hiến không được trọn hảo. Và một khi sự dâng hiến bị hà tì thì dấu chỉ cũng mờ nhạt.

Nếu có những vùng tăm tối trong đời dâng hiến thì cũng có nhiều nguyên do. Ở đây, chúng ta không thể kê khai tất cả những lý do làm cho đời dâng hiến mất đi tính cách dấu chỉ của nó, nhưng chỉ mạo muội đưa ra một nghi vấn có tính cách thực nghiệm: “Nếu đời dâng hiến không thành tựu phải chăng vì có sự thiếu hiểu biết? Hiểu biết về chính mình, hiểu biết về ơn gọi, hiểu biết về chính đời sống dâng hiến?”

Khi chúng ta có một bộ máy tinh xảo, mà không biết cách sử dụng nó, thì không thể đạt kết quả mong muốn. Cũng thế, đời dâng hiến là một lý tưởng cao đẹp, nhưng nếu chúng ta không biết sống thế nào cho phù hợp với lý tưởng đó thì phải mất nhiều thời giờ và sức lực mà không đạt mục đích. Người ta sẽ mệt mỏi vì luôn dẫm chân tại chỗ hay nhiều khi còn là thụt lùi, thoái bộ nữa!

4/ Để phục vụ những người dâng hiến trong việc tìm hiểu và biết rõ hơn về chính mình, chúng tôi cống hiến một số tài liệu dựa trên những nguyên tắc tâm lý nhưng được thích nghi vào đời sống tôn giáo cách chung và đời sống dâng hiến cách riêng. Đời dâng hiến luôn bao hàm hai chiều kích: ân sủng và tự nhiên, Thiên Chúa và con người. Nếu người ta bỏ quên một trong hai yếu tố, thì sẽ không còn là đời dâng hiến, hay ít nhất lúc đó đời dâng hiến sẽ không còn là dấu chỉ rạng ngời.

Vì lẽ đó, trong khi Công đồng luôn đề cao ý nghĩa của sự dâng hiến như: “việc tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” (PC 6), thì Công đồng cũng không quên lưu ý đến chiều kích nhân bản của sự dâng hiến này: “Chớ gì tất cả mọi người nên nhận biết rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm, mặc dù đòi hỏi sự từ bỏ các của cải vốn đáng được quý trọng, nhưng không ngăn trở sự thăng tiến con người, trái lại, tự bản chất còn rất thuận lợi cho việc phát triển nhân cách” (LG 46).

Theo kinh nghiệm, một sự dâng hiến trọn vẹn và hoàn toàn ý thức là một yếu tố tích cực cho sự triển nở nhân cách. Tức là khi một người chấp nhận cho đi chính mình ở mức độ thấp thì sẽ tìm thấy chính mình ở mức độ cao hơn. Hay nói cách khác, sự dâng hiến tốt đẹp tự nó có tính cách sáng tạo, tức là làm cho người dâng hiến thể hiện chính mình cách viên mãn và hoạt động có kết quả tốt đẹp. Người ấy sẽ không bị mòn hao cạn kiệt vì một lối sống khô cằn, máy móc. Không kéo lê một cuộc đời vô nghĩa, chỉ biết đến việc tuân thủ các hình thức hoặc kỷ luật bên ngoài. Người ấy sẽ không bị gò bó bởi các thể chế, qui luật, vốn bị áp đặt từ bên ngoài nhưng không được thấu hiểu từ bên trong.

Sự tự do nội tại của một nhân cách viên mãn cho phép họ biết rõ chính mình và cũng biết tại sao mình hành động. Người ấy biết rằng qui luật hành động tốt nhất của người trưởng thành là: nếu không thể làm điều mình muốn thì hãy muốn điều mình làm. Người ấy cũng sáng suốt nhận thấy rằng: có một số việc mình thích nhưng không có khả năng thực hiện, bởi đó không nên mất thời giờ và sức lực vào những chương trình không thực tế ấy.

5/ Một nhân cách viên mãn, thành toàn luôn mang tính sáng tạo. Chúng ta gọi đó là một cuộc đời thành tựu. Thành tựu không có nghĩa là được người đời biết đến và ca tụng. Cũng không đồng nghĩa với hiệu năng trong công việc làm ăn sản xuất, mà hậu quả thấy được là có nhiều tiền của, nhiều quyền lực. Thành tựu ở đây đúng hơn là triển nở mọi khả năng và tiềm năng của hữu thể. Thành tựu là luôn sống trong tự do, theo nghĩa: động lực thúc đẩy hành động là tình thương chớ không phải sợ hãi. Hay nói cách khác, một nhân cách thành toàn là một giá trị ở mức độ hiện hữu, chớ không ở mức độ chiếm hữu.

Đời sống dâng hiến trên lý thuyết phải đưa đến việc triển nở nhân cách theo nghĩa trên.Vì theo Thánh Tôma, thì ân sủng không hủy hoại nhưng hoàn chỉnh tự nhiên. Nhưng trong thực tế có những sự thất bại. Vậy, cần phải can đảm và sáng suốt tìm ra nguyên nhân của những thất bại này. Những nguyên nhân nhiều khi được ý thức nhưng thường là vô thức. Khoa tâm lý chiều sâu sẽ giúp chúng ta nhận ra những ngăn trở vô thức để một khi nhận diện được chúng, mỗi người sẽ có cơ hội tốt để tự giải thoát chính mình.

Khi một con người được giải thoát từ bên trong, tức là được tự do nội tâm, người ấy sẽ sống nhẹ nhàng, hạnh phúc. Người ấy sẽ luôn thanh thản trong cuộc sống hàng ngày, luôn tin tưởng tiến về phía trước và luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Họ có khả năng làm chủ trong mọi cảnh huống chớ không bị các hoàn cảnh đè bẹp, khiến họ bị tê liệt, thụ động. Với tâm hồn lạc quan cởi mở, người ấy luôn sống trong sự tươi mới, khám phá những điều mới và không ngừng sáng tạo những tác phẩm mới.

Nhân cách sáng tạo là một cuộc sống tốt đẹp. Khi một người dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa thì phải dâng cho Chúa một cuộc sống tốt đẹp. Trong thực tế, đời dâng hiến tốt đẹp cốt ở việc hoàn toàn phó nộp hữu thể của chính mình cho Thiên Chúa, để Người biến đổi nó thành một tạo vật mới. Chỉ khi nào đời dâng hiến được Thiên Chúa biến đổi thành một điều gì mới mẻ, trong sáng, thì mới thành dấu chỉ Nước Trời cho những con người đồng thời.

Dấu chỉ, bởi vì tự mình, con người không thể đổi mới. Khi một người “đi tu” mà không bị thiệt thòi, mất mát gì nơi nhân cách, mà còn trở thành một nhân cách sáng tạo, thì quả là một dấu chỉ rạng ngời của ân sủng Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ban ơn tái tạo để biến đổi chúng ta thành người mới, nhưng Chúa đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta. Bởi thế, chúng ta phải ý thức xây dựng một nền tảng tự nhiên lành mạnh vững chắc, để ân sủng Thiên Chúa không gặp trở ngại mà trái lại, còn tìm thấy những hoàn cảnh thuận tiện hầu làm cho thửa đất tự nhiên nơi con người chúng ta được trở nên phong nhiêu, sung mãn.

II. TÂM LÝ NHÂN CÁCH

Hình ảnh con người là một thực tại đa dạng và những vấn đề con người luôn phức tạp. Nhìn từ những góc độ khác nhau, người ta có nhiều hình ảnh khác nhau về con người. Bởi thế, trước khi đọc một tài liệu tâm lý, cần phải xem tác giả nhìn con người từ quan điểm nào. Nghĩa là: trước hết cần hiểu được lập trường và quan điểm nhân học của tác giả. Trong khoa tâm lý hiện đại, có rất nhiều trường phái khác biệt nhau. Mỗi trường phái nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó trong cách giải quyết vấn đề con người. Nếu không chú ý, người ta có nguy cơ đi đến một cái nhìn phiến diện.

Tâm lý về nhân cách là một nổ lực tìm kiếm và giới thiệu một hình ảnh đầy đủ về con người. Nó cứu xét mọi yếu tố ảnh hưởng đến đời sống con người trong hoàn cảnh hiện sinh cụ thể. Nhưng trong lãnh vực tâm lý nhân cách, cũng có nhiều trường phái khác nhau. Tâm lý năng động là một trường phái quan trọng, ít nhất là trong hoàn cảnh hiện thời. Tâm lý năng động cung cấp một khí cụ tương đối thích hợp nhằm giải thích hiện tượng con người. Bởi thế, nó thường được sử dụng trong việc huấn luyện nhân bản hay phát huy sức khỏe tâm thần.

Một số tác giả công giáo (trong đó có M. Dolores) nói đến sinh hoạt đời tu trong nhãn quan của môn tâm lý năng động. Tuy nhiên, những khái niệm về tâm lý năng động có tính cách chuyên môn, không luôn dễ dàng nắm bắt đối với tất cả mọi người. Vì thế, thật hữu ích nếu chúng ta nhắc lại – dù chỉ là cách sơ lược, đơn giản – một vài khái niệm cơ bản về tâm lý học cách chung và về tâm lý năng động cách riêng.

Trước tiên, chúng ta bàn qua các giai đoạn của lịch sử tâm lý học để sau đó có thể xác định rõ hơn về chỗ đứng của môn tâm lý năng động.

Thực ra không dễ giản lược các lý thuyết Tâm lý học vào một vài điểm chính và phân loại các trường phái. Tâm lý học như môn học về con người – để tìm hiểu chính mình hay người khác – đã có từ khi có con người. Nhưng tâm lý học như một khoa học (theo nghĩa: khoa học thực nghiệm) thì xuất hiện gần đây. Nói theo nhà tâm lý người Đức H. Ebbinghaus, thì: “Môn tâm lý học có một quá khứ dài nhưng có một lịch sử ngắn”.

Để có cái nhìn bao quát (mặc dầu sơ lược), chúng ta tạm thời phân chia lịch sử tâm lý học làm ba giai đoạn:

(1). Giai đoạn thuần lý.

(2). Giai đoạn thực nghiệm.

(3). Giai đoạn nhân bản

1. Giai đoạn thuần lý.

Trong giai đoạn đầu, tâm lý học còn là một lãnh vực giới hạn của Triết học (hay cả Thần học, hoặc Y học), liên quan đến phần vô hình trong con người. Triết gia là người sử dụng lý trí để suy tư về các thực tại siêu hình. Khi suy nghĩ về con người thì triết học cổ truyền không xét đến khía cạnh vật chất, cụ thể, mà chỉ dừng lại ở điều được gọi là: các cơ năng của linh hồn (facultés de l’âme), thuộc thế giới bên trong, thuộc về cái “tâm”. Đại khái như: Bản tính của linh hồn. Chức năng của linh hồn. Vấn đề linh hồn bất tử. Khởi nguyên của các ý tưởng và tiến trình hoạt động của các ý tưởng… Hay các chức năng cao hơn của con người, như: tư duy, ước muốn, nhận thức, v.v…

Nói tóm lại: khoa Tâm lý cổ điển, sử dụng phương pháp triết học, hoàn toàn có tính cách thuần lý (rationnel) để cứu xét những vấn đề thuộc linh hồn. Ngoài ra, nó còn bị giới hạn rất nhiều bởi thuyết nhị nguyên (dualisme) vốn tách rời hay còn cả đối chọi: xác với hồn. Vì thế, nó không giúp nhiều trong việc tìm hiểu con người cách cụ thể và toàn diện.

2. Giai đoạn thực nghiệm.

Tâm lý học được coi như trở thành bộ môn khoa học biệt lập, tách rời khỏi Triết học, khi Wilhelm WUNDT (1832-1920) thiết lập phòng thí nghiệm tâm lý đầu tiên tại Leipzig, vào năm 1879. Nó trở thành khoa học theo đúng nghĩa với các lý thuyết và phương pháp rõ rệt. Những giả thuyết khoa học luôn được kiểm chứng qua những sự kiện có thể quan sát, đo lường được nhờ các thiết bị hay máy móc thích hợp.

Theo Wundt, tâm lý học nhắm đến việc phân tích các tiến trình ý thức thành những yếu tố, đồng thời với việc khám phá các qui luật chi phối mối tương quan giữa các yếu tố này. Theo ông, nội quan (introspection) là phương pháp ưu tiên của môn tâm lý. Qua nhiều bài khảo luận và nghiên cứu sâu sắc về tiến trình tri thức và nhận thức, Wundt chứng minh rằng: tâm lý là một khoa học và các vấn đề tâm lý có thể được nghiên cứu trên căn bản thực nghiệm. Ông có tham vọng đóng góp vào sự hiểu biết đầy đủ về đời sống tâm lý, mà ý thức chỉ cho thấy một vài khía cạnh.

Chắc chắn với Wundt, khoa tâm lý đã bước sang một giai đoạn mới. Nhưng không phải mọi nhà khoa học đều đồng ý với phương pháp nghiên cứu của Wundt. Những giả thuyết và phương pháp khác nhau là nguyên nhân đưa đến nhiều lập trường khác biệt nhau. Chính vì thế mà Tâm lý thực nghiệm mau chóng phân chia thành nhiều trường phái, trong mức độ mà các người chủ xướng nhấn mạnh đến điểm này hơn điểm kia.

- Cơ cấu thuyết (Structuralism). Xuất hiện vào năm 1879. Những nhà tâm lý đầu tiên theo phương pháp do Wundt chủ trương – trong đó nổi bật nhất là Edward B. Titchener (1867-1927) – được gọi là những người theo cơ cấu thuyết, vì họ dựa trên ức thuyết cho rằng: mọi kinh nghiệm tâm não (mental), dầu có phức tạp đến đâu, cũng có thể được coi như sự phối hợp hay tổng hợp của những yếu tố hay tiến trình đơn giản. 

Qua việc phân tích các yếu tố sơ đẳng của tâm não, như: cảm giác, cảm xúc, hình ảnh…, người ta có thể khám phá được cơ cấu nền tảng của ý thức, mà theo trường phái cơ cấu, thì đối tượng chính của việc nghiên cứu tâm lý là những kinh nghiệm ý thức. Hay nói cách khác: ý thức (consciousness), lãnh vực của trí não, chứa đựng những cảm quan, nhận thức và ký ức, có thể đụng chạm và quan sát được, nhờ nội quan. Và qua việc cẩn thận quan sát, người ta có thể thiết lập những nền tảng sinh lý cho các thể loại kinh nghiệm ý thức.

(Chú ý: Cơ cấu thuyết ở đây không giống cơ cấu thuyết của Piaget, nhà tâm lý người Pháp, cũng không phải là cơ cấu thuyết của Levi-Strauss, nhà nhân chủng học, người Pháp).    

- Chức năng thuyết (Functionalism). Vào những năm l900, một nhóm tâm lý gia khác, dưới sự hướng dẫn của John Dewey (1859-1952), chỉ trích nhóm cơ cấu thuyết như quá hạn hẹp. Dựa trên thuyết tiến hoá của Darwin, họ định nghĩa tâm lý học như: “Tình trạng thích ứng của con người vào môi trường sống”. Họ nhấn mạnh đến giá trị của kinh nghiệm tâm linh trong việc thích ứng với môi trường. Họ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm ý thức và vẫn còn dựa trên các mô tả nội quan của chủ thể, nhưng nới rộng mục đích của môn tâm lý khoa học, bằng cách nhấn mạnh đến tác phong và sự thích ứng, chớ không giới hạn vào những tình trạng tâm não biệt lập. Hay nói cách khác, họ phân tích trí não và tác phong, trong tương quan với các chức năng hay tính cách hữu dụng của chúng, hơn là cứu xét nội dung của chúng.

- Tác phong hay phong cách thuyết (Behaviorism). Nhóm người mệnh danh là“behaviorists” còn đi xa hơn, bằng cách nhấn mạnh rằng: kinh nghiệm ý thức ở ngoài tầm của việc quan sát khách quan và không thể là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Chủ trương cực đoan nhất không những loại trừ khía cạnh nội tại của sinh hoạt tâm lý mà còn cả khía cạnh sinh lý với những hệ thống thần kinh, nội tiết của nó. Chịu ảnh hưởng của nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov, họ chủ trương: chỉ nghiên cứu tác phong lộ diện (overt behavior) bên ngoài, mà người ta có thể quan sát được. Vì theo họ, tác phong được xác định bởi một hệ thống phức tạp của những mắt xích: “kích thích – phản ứng” (Stimulus-response). Các mắt xích này trở nên phức tạp hơn qua tiến trình học tập.

Mặc dầu không phải mọi người đều đồng ý rằng kinh nghiệm ý thức không có chỗ đứng trong tâm lý, nhưng các nhà “phong cách thuyết”, dưới sự lãnh đạo của E.L. Thorndike (1874-1949) và nhất là John B. Watson (1878-1958), vào những năm 1914, có ảnh hưởng lớn trong địa hạt tâm lý học Hoa Kỳ, nhờ các phương pháp nghiên cứu khoa học rất tiến bộ, luôn nhắm đến tính cách khách quan trong việc tìm tòi tra cứu. Mặt khác, vì họ chủ trương: đối tượng nghiên cứu khoa học duy nhất thích hợp trong lãnh vực tâm lý, là tác phong có thể quan sát và đo lường được, trong khi ý thức và tình trạng trí não chỉ là những hiện tượng đi kèm, nên họ bị coi như thuộc hệ phái “phong cách thuyết” cực đoan. 

Sau này, B.F. Skinner (b.1904) chủ trương một đường hướng ôn hoà hơn, mệnh danh “phong cách thuyết canh tân”, theo đó, điều đáng lưu tâm không phải là chính hành vi cho bằng những hiệu quả mà hành vi tác động trên môi trường. Chính vì có sự khác biệt đáng kể trong quan điểm và phương pháp của những người theo phong cách thuyết, mà cho đến nay, thật khó mà đưa ra một định nghĩa chính xác, thế nào là một “tác phong” (behavior).

- Trường phái Tổng thể (Gestalt theory) là một phản ứng chống lại mọi chủ trương cho rằng: các tiến trình hoạt động tâm não (mental processes) hay tác phong bên ngoài có thể coi như sưu tập hay tổng cộng của những yếu tố riêng lẻ. Theo họ, chỉ có thể hiểu những hiện tượng tâm lý khi cứu xét chúng như những toàn thể có tổ chức, có cơ cấu (Gestalten). Bởi thế, việc tách rời, phân tán, xé lẻ của các lập trường tâm lý “hạt nhân hoá” (atomistic hay molecular) trước kia, không còn được chấp nhận. 

Tại Đức, Max Wertheimer (1880-1943), cùng với W. Kohler và F. Koffka, thiết lập trường phái Gestaltism, vào khoảng năm 1912, dựa trên nguyên tắc căn bản: toàn thể kinh nghiệm hay tác phong thì lớn hơn tổng cộng các thành phần của nó. Lập trường này sau đó được F. Koffka trình bày trong: Principles of Gestalt Psychology(1935). Mặc dầu lý thuyết này hiện giờ không còn tồn tại dưới hình thức nguyên thủy, nhưng những khám phá của nó góp phần rất lớn vào lãnh vực “trường nhận thức” (field of perception) và lý thuyết về “trường bãi” (field theory) trong tâm lý xã hội, hay việc nhấn mạnh đến cách suy nghĩ sáng tạo trong tâm lý giáo dục.

3. Giai đoạn nhân bản.

Tâm lý hiện đại có xu hướng chung là cứu xét con người như đối tượng ưu tiên. Những khái niệm trừu tượng hay tác phong bên ngoài, chỉ được cứu xét trong tương quan với con người cụ thể. Hay nói cách khác, một đặc tính nổi bật của tâm lý hiện đại là chiều kích nhân bản. Vấn đề quan trọng là làm sao giúp con người hiểu biết về chính mình cũng như hiểu biết người khác. Chính con người trong bản chất độc đáo của nó, với tất cả cơ năng tinh thần, sự cấu tạo thể lý, yếu tố di truyền, lịch sử cá nhân, ảnh hưởng gia đình và tương quan xã hội… chiếm trọn sự chú ý của các nhà tâm lý học. Để nghiên cứu con người như một toàn thể trong chính nó, cũng như trong tương quan với người khác và cảnh sống, khoa tâm lý hiện đại sử dụng một khái niệm tổng quát là: nhân cách (Personality).

Nhân cách” trong bối cảnh tâm lý học, là một từ rất khó định nghĩa cách chính xác. Trong tác phẩm: Personality (1937), G.W. Allport, một chuyên viên về tâm lý nhân cách đã đưa ra gần 50 định nghĩa khác nhau về nhân cách… Dầu sao thì khái niệm nhân cách được sử dụng trong tâm lý học hoàn toàn có tính cách khách quan chớ không mang ý nghĩa giá trị. Nghĩa là: theo quan niệm thông thường, một người được gọi là ”nhân cách”, khi bên ngoài họ có vẻ oai vệ, đi đứng chững chạc, ăn nói hấp dẫn, hay khi được nhiều người biết đến, được nhiều người nể trọng, v.v… 

Nhưng trong tâm lý học, “nhân cách” là một khái niệm tổng quát bao gồm ba yếu tố chính liên can đến con người: (1) tác phong bên ngoài; (2) kinh nghiệm chủ quan bên trong, hay ý thức về một cái “ngã” thường hằng; (3) một tổ chức các đặc tính đo lường được. Cách vắn gọn, các nhà tâm lý học Hoa Kỳ mô tả “nhân cách”, như “tác phong có tổ chức của một cá vị”. Theo đó, yếu tố: “tổ chức, tác phong và cá vị” có tầm quan trọng đặc biệt, bởi lẽ tâm lý học về nhân cách không chỉ cứu xét hành vi bên ngoài mà còn chú trọng đến các cơ cấu và tiến trình ảnh hưởng trên tác phong đó.

Mỗi trường phái tâm lý nhân cách sẽ chú trọng đến một khía cạnh nào đó của nhân cách và cũng sẽ định nghĩa nhân cách theo nhãn quan của mình. Vì hiện nay, tâm lý nhân cách phát triển sâu rộng, mà trong phạm vi giới hạn của một bài dẫn nhập chúng ta không thể kê khai tất cả mọi trường phái, nên chỉ đề cập đến ba xu hướng chính, ít nhiều tiêu biểu cho các lãnh vực nghiên cứu về nhân cách.

- Lý thuyết về các điển loại (Typology). Tương quan giữa đặc tính thể lý và yếu tố nhân cách.

Đây là phương thức cổ xưa nhất trong việc nghiên cứu về nhân cách. Từ thời Hippocrates (460-377 b.C.), y học đã có khuynh hướng mô tả, xếp loại những đặc tính sinh lý hoặc thể lý trong tương quan với những đặc tính tâm lý và tác phong, hầu giúp con người hiều biết hơn về chính mình cũng như về đồng loại. Galien (130-200), theo truyền thống của Hippocrates, tiếp tục khai triển giả thuyết về bốn loại “khí chất” căn bản trong con người: máu, mật đen, mật vàng (huỳnh đảm), bạch huyết. Tuỳ theo sự phối hợp ít nhiều của các yếu tố này mà người ta có thể phân biệt bốn loại tính tình khác nhau, như: nóng nảy (sanguine/đa huyết), đa sầu (melancholic), dễ giận (choleric), và phớt tỉnh hay lãnh đạm (phlegmatic).

Cách phân loại này còn được cụ thể hóa bằng những mẫu nhân vật lấy từ trong thần thoại Hy lạp, như: Epimêtêô (buồn), Dionysiô (nóng nảy), Prômôtêô (phớt tỉnh), Apolloniô (giận dữ). Trong suốt thời Trung Cổ, điển loại này tương đối phổ thông và không ai đặt lại vấn đề.

Tuy nhiên, phải đợi đến E. Kretschmer (1888-1964) mới thấy xuất hiện một lý thuyết đầy đủ về điển loại. Dựa trên những khảo sát lâm sàng, Kretschmer – vào năm 1925 – mô tả bốn loại nhân cách tương ứng với các đặc tính cơ thể, như: pyknic (ngắn, tròn): người hay có phản ứng cực đoan; asthenic (dài, mảnh khảnh): người sống mơ mộng, xa thực tế; hypoplastic (thiếu phát triển): có nhiều mặc cảm tự ti, và athletic (lực sĩ): khoẻ mạnh, tự tin. Đây là hạng người lý tưởng, dưới cái nhìn của Krestchmer.

Dầu vậy, lý thuyết của Krestchmer bị phản bác vì lấy mẫu từ kinh nghiệm lâm sàng, không phù hợp với những đặc tính của con người bình thường.

Đặc biệt, W.H. Sheldon (1898-1970), qua một hệ thống phức tạp, vào khoảng năm 1942, muốn chứng minh rằng có một tương quan chặt chẽ giữa cấu trúc thể lý và những yếu tố tâm lý. Trên bình diện thể lý, ông phân biệt ba thành tố sơ đẳng: béo phì (endomorphy/nội bì) mà tâm bào và nội tạng là những cơ quan nổi bật, hình dáng bên ngoài thì tròn trịa; gân guốc (mesomorphy/trung bì), người có cơ thể, gân cốt của lực sĩ; ốm yếu (ectomorphy/ngoại bì), người mảnh khảnh, nhỏ thó, có hệ thống thần kinh nhạy cảm.

Trong tương quan giữa thể lý và tính tình- khí chất, người ta diễn dịch ba thành tố sơ đẳng về thể chất như tương ứng với ba điển loại nhân cách:

1/ (viscerotonia/vượng bào, thịnh về nội tạng): thích ẩm thực, vui vẻ, cởi mở, lịch thiệp;

2/ (somatotonia/vượng thể, thịnh về thể xác): cường tráng, vạm vỡ, thích phiêu lưu mạo hiểm;

3/ (cerebrotonia/vượng não, thiên về trí óc): nhút nhát, dè dặt, đắn đo.

(Dầu vậy, lý thuyết này cũng không có sức thuyết phục đối với các nhà tâm lý chuyên nghiệp, vì bị coi như mắc phải một số sai lầm về tính toán, không có nền tảng khoa học, bởi lẽ không có tương quan nguyên nhân- hậu quả, mà chỉ có mô tả và nhận định).

- Phân loại tính tình của Jung (1903)

Một phân loại khác, hiện nay được các nhà tâm lý tôn giáo lưu ý sử dụng vì phần nào liên can đến đời sống tu đức và cầu nguyện, đó là phân loại của Carl Gustav Jung (1875- 1961). Trong lý thuyết về nhân cách, Jung phân biệt hai thái độ căn bản là: hướng nội (introvert) và hướng ngoại (extrovert). Hai thái độ này được diễn tả cách cụ thể qua bốn chức năng giúp tăng trưởng trong ý thức và thích ứng vào thế giới bên ngoài: suy nghĩ (Thinking), cảm nghiệm (Feeling), trực giác (N = Intuition), và cảm quan (Sensation). Sự phối hợp của hai thái độ căn bản với bốn chức năng này làm nên đặc tính của mỗi nhân cách.

Điển loại của Jung sau này- vào khoảng 1950- được Isabel Myers và mẹ là Katherine Briggs sửa đổi đôi chút để làm thành bảng trắc nghiệm tâm lý (Myers Briggs Type Indicator = MBTI), gồm bảy câu hỏi, dựa trên các yếu tố căn bản sau đây. Về phương diện nhận thức, có hai cách xử lý đối nghịch, qua cảm quan (Sensation) và qua trực giác (N = Intuition). Giác quan giúp tiếp nhận thực tại từ bên ngoài. Trực giác là nhận thức từ bên trong hay từ hoạt động của vô thức. 

Cũng có hai cách đưa đến kết luận hay phê phán về một thực tại: từ tư duy hay suy nghĩ (Thinking) và từ cảm tính (Feeling). Hai cặp (SN và TF) có thể phối hợp với nhau để làm nên nhiều loại tính tình khác nhau. Sự khác biệt trong cách nhận thức và phán đoán giữa những con người còn được tỏ hiện qua tính cách hướng nội (I) hay hướng ngoại (E) của mỗi người. Trong cách ứng xử với thế giới bên ngoài, còn có hai thái độ, là: phán đoán (Judging) và nhận định (Perceiving). Như vậy, có cả thảy là mười sáu cách phối hợp giữa các cặp EI, SN, TF, JP. Mười sáu cách này có thể giúp mỗi người nhận ra cá tính của mình. 

Đồ biểu tâm lý này, thoạt đầu gặp nhiều đề kháng, nhưng hiện nay được sử dụng rộng rãi trong các môi trường tôn giáo như trường hợp của phương pháp “Cửu bộ” (Enneagram), khá phổ biến tại Mỹ Quốc từ những năm l971-1974. Về phương diện xếp loại tính tình, cũng nên nhắc đến “tính tình học” của René Le Senne hay E. Mounier (1946), tại Pháp, mặc dầu phương pháp này không được coi như có giá trị khoa học vững chắc.

- Lý thuyết về các nét hay đặc tính (Traits Approaches).

Lối tiếp cận này dựa trên giả thuyết cho rằng nhân cách là một sự tổng hợp các nét hay đặc tính trong cách ứng xử, suy nghĩ, phản ứng, v.v… Thoạt đầu, các lý thuyết gia chỉ nhắm đến việc kê khai, xếp loại các nét đặc trưng của tác phong. Chỉ sau này, các chuyên viên mới sử dụng các kỹ thuật phân tích yếu tố (factor analysis) để khám phá những nét căn bản dựa trên những nhu cầu cá nhân: sơ đẳng (viscerogenic) hay thứ đẳng (psychogenic), như H. Murray chủ trương. 

Còn E. Spranger (1882-1963) trình bày lý thuyết về các giá trị, trong quyển “Lebensformen”, được dịch ra Anh ngữ: Types of men (1928). Trong sách này tác giả muốn chứng minh rằng: cách tốt nhất để hiểu biết một nhân cách là nghiên cứu các giá trị hay triết lý sống của người ấy, vốn được gồm tóm trong sáu động lực cơ bản: lý thuyết, kinh tế, thẩm mỹ, xã hội, chính trị và tôn giáo.

Nhưng cuối cùng, chỉ có lý thuyết của R.B. Cattell (b. 1905) về các đặc tính gốc (source traits) là có ảnh hưởng sâu rộng. Theo Cattell, mục đích của lý thuyết về nhân cách là tạo ra một định thức cơ bản về các đặc tính cá vị để có thể tiên đoán về định hướng của tác phong. Mà các đặc tính này, mặc dầu giới hạn về lượng số, nhưng thực sự là những cơ cấu nền tảng ảnh hưởng trên tác phong. Các đặc tính gốc giải thích các đặc tính bề mặt (surface traits).

Chú ý: hai phương thức điển loại và đặc tính, bổ túc cho nhau như hai mặt của một đồng tiền. Điển loại nhấn mạnh đến khía cạnh tương đồng, còn đặc tính thì chú trọng đến sắc thái dị biệt của mỗi cá vị.

- Tâm lý năng động và phân tâm học.

(Psychodynamic and psychoanalytic theories).

Trong khi các phương thức trên có xu hướng mô tả, so sánh, xếp loại các đặc tính bên ngoài của nhân cách, mà không giải thích, thì phân tâm và tâm lý năng động hướng về việc tìm hiểu cơ cấu và những yếu tố sâu xa làm thành nhân cách. Tâm lý các nét đặc tính có thể giúp thoả mãn óc tò mò, thích phê phán, chớ không giúp chuẩn bị tiếp nhận và giúp đỡ kẻ khác. 

Các nhà phân tâm trái lại, thay vì đề nghị những mô hình nhân cách, thì đề nghị những lược đồ giúp khám phá cách sâu xa sự thành hình và các thành tố tạo nên tác phong. Những lược đồ nhiều khi không đầy đủ nhưng hữu dụng để giải thích một số trường hợp bất thích ứng của nhân cách. Hay đúng hơn, họ chỉ đề nghị một lược đồ nhưng giải thích nhiều điển loại nhân cách khác nhau.

Người ta có xu hướng lẫn lộn tâm lý năng động với phân tâm học (psychanalyse). Nhưng trong thực tế, thì hai ngành này khác biệt nhau.

Vì đây là một lập trường quan trọng trong việc tìm hiểu nhân cách, nên cần được cứu xét cách đặc biệt.

- Phân tâm học của S. Freud (1856-1939)

Cùng lúc với “chứ năng thuyết” ở Mỹ châu, phân tâm học xuất hiện ở Âu châu. Trong nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân và phương thế chữa trị các loại xáo trộn nhân cách (personality disorders) S. Freud đặt giả thuyết về sự hiện hữu của những tiến trình tâm não vô thức, vốn ảnh hưởng đến tác phong của một người bằng vô số phương cách gián tiếp, mặc dầu đương sự không ý thức về điều đó.

Lược đồ nhân cách do Freud đề nghị, chắc chắn có một giá trị lớn trong việc giải thích sự thành hình của – ít nhất một số lớn – những cấu trúc hay tình trạng tâm lý bất thích ứng (nhiễu tâm), khi việc phát triển tâm lý – phái tính bị nhiễu loạn bởi những vấn đề tâm cảm.

Người ta biết rằng, do những thành kiến khác nhau, Freud cho rằng phải quan niệm đời sống tâm lý như “chức năng” của một bộ máy, là “hệ thống thần kinh”. Cơ cấu tâm linh được coi như phát sinh cách tiệm tiến từ hệ thống thể lý bằng con đường tiến hoá. Trong nguồn gốc sâu xa, tiến trình này là vô thức. Nhưng khi trở thành hệ thống tâm linh, thì nó bắt đầu phân hoá và làm phát sinh ba “cấp”, “vùng” hay trung tâm chức năng, mệnh danh: Cái “Đó”, cái “Ngã” và cái “Siêu Ngã”.

- Cái “Đó” (Id) là vùng cổ xưa nhất trong hệ thống tâm linh. Nội dung của nó bao gồm tất cả mọi điều mà chủ thể mang theo khi sinh vào đời. Đây là phần tăm tối, khó dò thấu nhất trong nhân cách…và người ta chỉ có thể mô tả bằng cách đối chọi với cái Ngã. Nó không biết đến các phán đoán giá trị và luân lý. Chỉ biết có nguyên lý khoái lạc (principe de plaisir).

- Cái “Ngã” (Ego) xuất hiện như sau: dưới ảnh hưởng của thế giới bên ngoài bao quanh nhân cách, một phần của cái “Đó” trải qua một sự tiến hoá đặc biệt. Từ lớp vỏ não nguyên thuỷ…một tổ chức đặc loại được thành hình, làm trung gian giữa cái “Đó” và thế giới bên ngoài. Cái phần của tâm linh này được gọi là cái Ngã. Nó diễn tả sinh hoạt tâm não, trí tuệ và ý chí. Đây là vùng của tư duy và ý thức. Giữa ý thức và vô thức có “tiền thức” (préconscient),vốn là một phần của vô thức, có khi thì vẫn ở trong trạng thái vô thức, có lúc lại trở nên ý thức. Cái Ngã bị chế ngự bởi nguyên lý thực tại (principe de réalité) nghĩa là bởi những đòi hỏi của thế giới bên ngoài, tuy nhiên nó vẫn phải lưu ý đến cái Đó và những đòi hỏi của cái Siêu Ngã.

- Cái “Siêu Ngã” (Super-Ego) là một vùng mới, được thành hình trong lòng cái Ngã từ ấu thời, khi chủ thể ở dưới quyền của cha mẹ. Freud cho rằng đó là tiếng nói của lương tâm. Ngoài ra nó còn bao gồm các phán đoán giá trị và những lý tưởng mà chủ thể tự dặt ra cho chính mình.

Phải công nhận rằng lược đồ nhân cách này, mặc dầu là bất túc, nhưng lại phù hợp với một số dữ kiện được quan sát. Chính vì thế, mà khi đề cập đến phân tâm của Freud người ta luôn nói đến ba phần của tâm linh này, nhiều khi còn bình dân hoá hay đơn giản hoá thực tại đó nữa. Điều này góp phần vào việc hiểu sai quan niệm của Freud.

Những ý tưởng của Freud gây ảnh hưởng lên trên lý thuyết về nhân cách và trên những phương pháp chữa trị các loại xáo trộn tâm thần. Nhưng phân tâm học không đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản trong tâm lý, như tiến trình học tập và việc tổ chức những khả năng của con người. Lý thuyết phân tâm học thường bị phê bình do sự kiện là nó được xây dựng cách chủ yếu trên những dữ kiện lâm sàng chớ không phải trên những thí nghiệm được kiểm soát.

Chính trong trường phái phân tâm cũng có nhiều tiếng nói khác nhau, nhiều khi còn bài bác cả lập trường của Freud.

[1] “Thánh hiến” theo đúng nghĩa của từ latin là: “consecratio”; trong khi “dâng hiến” là “mancipatio” hay “oblatio”.

[2] A. Chapelle, ‘Pour une intelligence chrétienne du célibat’, in: Vie Consacrée 48 (15 nov 76), p. 325.

(còn tiếp)