Công cuộc Phúc Âm hóa lục địa kỹ thuật số tại Châu Á

...Hầu hết chúng ta là những người mới nhập cư vào thế giới kỹ thuật số, chúng ta cần học biết về các nền văn hóa kỹ thuật số, cũng như chúng ta mong đợi các nhà truyền giáo học hỏi các nền văn hóa của những người mà họ đang đến rao giảng Tin Mừng. Chúng ta phải 'được hội nhập văn hóa'. Điều đó không chỉ là cần học cách để tạo ra một tài khoản Facebook, nhưng hơn thế, chúng ta cần học một phương cách hoàn toàn mới trong lối suy nghĩ, lối sống, và cách truyền giáo trên lục địa kỹ thuật số hôm nay

Công cuộc Phúc Âm hóa lục địa kỹ thuật số tại Châu Á

Chuyển ngữ và tổng hợp: Ngọc Lan, fmm.

Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã ủy nhiệm cho Văn phòng Truyền thông Xã hội (OSC) mang lại một chiều kích Kitô giáo cho mọi hoạt động truyền thông và phát triển Truyền thông xã hội trong cộng đồng Công giáo châu Á, để trợ giúp đời sống Kitô hữu và việc phục vụ Tin Mừng. Hội nghị BISCOM (Hội nghị của Hiệp hội các Giám mục về Truyền thông xã hội / Bishops’ Institute for Social Communications) được tổ chức hàng năm bởi Văn phòng Truyền thông Xã hội, nhằm trang bị cho các giám mục Á châu các kỹ năng và kiến ​​thức cần thiết để xử lý các phương tiện truyền thông hiện đại. Hội Nghị BISCOM cũng nhằm mục đích phát triển phương pháp tiếp cận mục vụ đối với các phương tiện truyền thông mới nảy sinh.

Hội Nghị lần thứ VIII của Hiệp Hội các giám mục về Truyền thông xã hội (BISCOM VIII) được tổ chức tại Đại học Assumption, Bangkok, Thái Lan. Hội Nghị kéo dài một tuần (từ ngày 3 đến ngày 8 tháng Chín 2012), có chủ đề "Truyền thông xã hội: Lướt web, Mạng, Blog, Trò chơi, Nghiện internet - Thách thức và Cơ hội cho Sứ vụ Truyền thông tại châu Á". Hội Nghị có 45 người tham dự trong đó có 14 giám mục và tổng giám mục từ 12 quốc gia Nam Á.

Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông xã hội, đã khai mạc BISCOM VIII. Bài thuyết trình của ngài mang tựa đề “Loan báo và Làm chứng trên mạng: Các mô hình và chiến lược mới nảy sinh”, đã nêu bật các chiến lược để công bố sứ điệp của Chúa Kitô trong môi trường truyền thông mới.

Các Giáo Hội tại châu Á cần phải phúc âm hóa lục địa kỹ thuật số của mình, và có thể tìm hiểu làm thế nào để thực hiện điều này bằng cách xem xét những tiến bộ trong lĩnh vực này của Đài phát thanh Vatican. Đây là ý kiến của Tiến sĩ Chainarong Monthienvichienchai, Chancellor của Đại học St John, Bangkok, Thái Lan và là một nhà tư vấn trong thời gian dài cho Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội. Đó cũng là những gì ông đã nêu lên với các giám mục Châu Á vào ngày họp thứ 2 trong Hội Nghị lần thứ VIII của Hiệp Hội các giám mục về Truyền thông xã hội - BISCOM VIII, được tổ chức tại  thủ đô Bangkok.

Thông tín viên Đài phát thanh Vatican tại Bangkok, Joseph Paimpalli, đã tham dự buổi họp và báo cáo: "Trong nền văn hóa kỹ thuật số, ý kiến của mọi người đều là hợp lệ và có giá trị, có nghĩa là nếu có một câu hỏi hoặc vấn đề mâu thuẫn được đăng lên, những người sử dụng kỹ thuật số mong đợi có một sự đáp trả hoặc một điều gì đó như một cuộc trò chuyện. Chúng ta có thể lựa chọn không hội nhập vào tư duy văn hóa đó, nhưng chúng ta làm như vậy sẽ nguy cơ lớn cho uy tín của Giáo Hội và khả năng tiếp cận với tâm trí của người tham gia, những người đang ngày càng tăng lên trong nền văn hóa mới này. Đây là một hình thức mới của mục vụ. Đó có thể không phải là các nền tảng chúng ta đang tìm kiếm, nhưng là một cơ hội lớn lao đến độ chúng ta nên xem xét kỹ các hậu quả của việc không quan tâm đến điều đó".

Khi giới thiệu về "Giáo Hội và InternetCác Tài liệu và Giáo huấn về một "nền văn hóa mới", Tiến sĩ Chainarong bắt đầu với một bài thuyết trình bằng video về sự khởi đầu của Đài phát thanh Vatican, mức đạt được và cách tiếp cận của nó hiện tại, và làm thế nào Đức Giáo Hoàng Benedict XVI có chương trình 'tweet' đầu tiên của mình. Ông nói: "Bạn cũng có thể đã nghe nói rằng Giáo hội Công giáo từng là lực lượng tiên phong trong truyền thông. Kể từ thời của Chúa Giêsu Kitô, những người theo Ngài đã đi khắp thế giới rao giảng và biến đổi cả hàng trăm, hàng ngàn người tin vào những chân lý của sứ điệp Tin Mừng. Những học giả của Giáo hội đã biên dịch Kinh Thánh và các sách để học hỏi, tiếp tục nối dài ảnh hưởng của họ trên thế giới hôm nay. Các thành viên của Giáo hội cũng đã thiết lập hệ thống các trường học phổ thông, Đại học, các bệnh viện, và các nhà thờ... Rõ ràng là Giáo Hội trong lịch sử đã nắm vững nghệ thuật của truyền thông xã hội." Tuy nhiên, Tiến sĩ buồn tiếc cho tình hình hiện nay của Giáo Hội trong lĩnh vực truyền thông và nói rằng "bạn có thể quan sát thấy rằng ngày hôm nay ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Á, Giáo Hội đã giảm sút danh tiếng và đang bị tụt hậu so với các tổ chức khác trong việc áp dụng các hình thức mới của truyền thông. Nói chính xác hơn, Giáo Hội thiếu nỗ lực trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông mới và công nghệ kỹ thuật mới tiếp tục tiến tới trước, bỏ lại Giáo Hội phía sau. Thật vậy, Giáo Hội ngày nay thấy mình ở giữa một cuộc cách mạng công nghệ, sự chuyển dịch truyền thông lớn nhất kể từ khi báo in ra đời. "

Ông cho biết: "Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 44 trong năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tập trung vào tầm quan trọng của truyền thông kỹ thuật số,  trong đó các linh mục có thể khám phá những khả năng mới cho việc thực hiện các chức vụ của họ và cho Lời Chúa. Các linh mục có thể giúp con người trong thời đại chúng ta bằng cách sử dụng các nguồn lực sẵn có của kỷ nguyên kỹ thuật số trong đó chúng ta sống. Đức Thánh Cha đã đề cập đến nhu cầu cần thiết đối với sự hiện diện mục vụ của các linh mục trong không gian mạng. Vì "tất cả các linh mục có nhiệm vụ chính là rao giảng Chúa Giêsu Kitô", họ có để đáp ứng cho những thách thức của việc rao giảng phúc âm giữa những thay đổi về văn hóa hiện nay.

Nhìn lại BISCOM VI, Tiến sĩ Chainarong nhắc nhở các tham dự viên rằng "Bản tuyên bố cuối cùng (BISCOM VI) cho biết, các chuyên gia từ các ngành khác nhau cần đôn đốc các tham dự viên giám mục nhìn vào các cơ hội của môi trường truyền thông mới với đôi mắt mới: chúng ta càng hiện diện trong không gian mạng, chúng ta càng bị thách thức phải mở rộng 'giáo xứ' của chúng ta. Giáo Hội cũng cần tích hợp Công nghệ Thông tin và truyền thông vào công tác quản trị và mục vụ của mình".

Cũng không kém phần thú vị khi quan sát các ghi chú trong Bản tuyên bố cuối, rằng tình hình của Giáo Hội tại Châu Á đang còn xa với lý tưởng trong việc tích hợp công nghệ thông tin. "Ngoại trừ một số ít quốc gia, nhiều giám mục đang làm việc giữa những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề do thiếu điện, nghèo về nguồn lực tài chính và không có khả năng truy cập hoặc tiếp xúc với công nghệ hiện đại. Họ không thể có được lợi ích đầy đủ từ các phương tiện truyền thông hiện đại." Tuy nhiên, các Giám mục đồng ý trong bản tuyên bố rằng công nghệ đang chuyển động tiến về phía trước không ngừng, ngày càng giảm chi phí và có các công cụ truyền thông mới giá cả phải chăng và dễ tiếp cận với số lượng người dân ngày càng tăng, nhất là giới trẻ.

Trong bài nói chuyện của mình trên đài phát thanh Vatican, Tiến sĩ Chainarong kết luận: "Bạn có thể đã nghe nói rằng kể từ ngày 1 tháng 7, một chương mới trong lịch sử của Đài phát thanh Vatican đã phát triển từ các chương trình sóng ngắn đến các chiến lược truyền thông mới. 40 chương trình ngôn ngữ khác nhau của Đài phát thanh Vatican bây giờ có thể nhận được không chỉ thông qua vệ tinh, nhưng cũng có 'phát trực tiếp' trên năm kênh web, theo các yêu cầu, và trong podcast.

Theo Cha Federico Lombardi, Tổng giám đốc của Đài phát thanh Vatican, đã đến lúc cần giảm bớt sự phụ thuộc vào các công nghệ truyền thống, như các chương trình phát thanh trên các làn sóng ngắn và trung bình, và phát triển các nguồn lực của mình theo những tiêu chuẩn công nghệ mới mẻ, sáng tạo hơn".

Suy nghĩ của ngài khơi dậy những nhận định sau đây: "Hầu hết chúng ta là những người mới nhập cư vào thế giới kỹ thuật số, chúng ta cần học biết về các nền văn hóa kỹ thuật số, cũng như chúng ta mong đợi các nhà truyền giáo học hỏi các nền văn hóa của những người mà họ đang đến rao giảng Tin Mừng. Chúng ta phải 'được hội nhập văn hóa'. Điều đó không chỉ là cần học cách để tạo ra một tài khoản Facebook, nhưng hơn thế, chúng ta cần học một phương cách hoàn toàn mới trong lối suy nghĩ, lối sống, và cách truyền giáo trên lục địa kỹ thuật số hôm nay".

Nguồn: FABC / Radio Vatican.