Hội Nghị Mục Vụ Thánh Kinh Đông Nam Á (Biblical Pastoral Congress)

Hội Nghị Mục Vụ Thánh Kinh Đông Nam Á được tổ chức tại Tagaytay city, Philippines từ ngày 12-16, 2019. Ban tổ chức dành nhiều tâm sức cho hội nghị, chuẩn bị rất chu đáo từ việc tiếp đón cho đến ăn ở ngủ nghỉ và nội dung của các thuyết trình viên.

Các thành phần tham dự gồm 1 Hồng Y, 2 giám mục,  82 tham dự viên, đa số là Filippino, Filippina thuộc nhiều giáo phận khác nhau trong nước và 22 linh mục, nữ tu từ Thailand, Indonesia, Myanmar và Vietnam.

Hội nghị này đã qui tụ nhiều nhân vật quan trọng trong Giáo Hội Philippines, từ Hồng Y, giám mục, linh mục dòng cũng như triều, nữ tu thuộc nhiều hội dòng và giáo dân. Chủ đề của Hội Nghị này lấy lại chủ đề Hội Nghị Quốc Tế về Thánh Kinh được tổ chức tại Roma từ ngày 23-26/4/2019 vừa qua nhân dịp kỷ niệm năm thứ 50 ngày thành lập Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo: “Thánh Kinh và Đời Sống: Linh Hứng Thánh Kinh Cho Toàn Bộ Đời Sống Và Sứ Mệnh Mục Vụ Của Giáo Hội – Các Kinh Nghiệm Và Thách Đố”.  Mỗi ngày, từ những bài thuyết trình đến bài giảng trong thánh lễ đều hướng về việc sống Lời Chúa, cam kết trung thành truyền bá Lời Chúa cũng như nhìn lại cách phục vụ của mình trong các sứ vụ. Thánh lễ được cử hành với nhiều sắc thái khác nhau thật phong phú: độc đáo trong các trang phục truyền thống, bài hát theo ngôn ngữ dân tộc mình, vẻ đẹp của điệu múa truyền thống khi ca nhập lễ hoặc dâng của lễ. Hầu hết các bài thuyết trình được khai triển từ Tông Huấn Lời Chúa (Verbum Domini của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, công bố 11/11/2010) hoặc từ các đề tài của Hội Nghị Kinh Thánh Quốc Tế ở Roma.

Một số điểm chính trong các bài thuyết trình

 a) Mở đầu hội nghị là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, President of the Catholic Biblical Federation. Các suy tư và chia sẻ của ngài xoay quanh chủ đề Kinh Thánh và Đời Sống trong những hoàn cảnh và tình huống cụ thể. Trước hết, ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại các hoạt động Kitô giáo thông thường của Giáo Hội ( Phụng vụ, các sứ vụ, các mục vụ tông đồ, các cơ cấu) có được náo hoạt bởi Lời Chúa không. Tông đồ Thánh Kinh không phải chỉ là một trong những sứ vụ tông đồ nhưng là linh hoạt toàn bộ sứ vụ. Lời Chúa không chỉ là một ý tưởng được nhớ lại mà còn là tái định hướng mọi sứ vụ của chúng ta, nguồn cảm hứng giúp chúng ta gặp gỡ chính Đức Giêsu , Lời của Chúa. Tông huấn Lời Chúa đang điều chỉnh lại toàn bộ đời sống và sứ vụ mục vụ trong Giáo Hội. Ba trụ cột nền tảng của Giáo Hội: Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể, công việc bác ái phải được bắt nguồn từ Lời và sống theo Lời cho đến chết. Hãy nhìn kỹ lại về những gì chúng ta đang thực hiện: có được linh hứng bởi Lời?

Dường như có những xung đột giữa Bí tích Thánh Thể và Lời trong các ưu tiên của chúng ta: Lời là Chúa Giêsu cũng như Bí tích Thánh Thể là Bí tích của con người Giêsu. Tông huấn Lời Chúa đòi hỏi chúng ta  phải xem lại về sự hiểu biết, y thức điều này. Phụng vụ mà không có Lời trở nên xác phàm thì tất cả chỉ là tập hợp các nghi thức. Linh hứng Thánh Kinh giải thoát ta khỏi trào lưu chính thống (tin tuyệt đối vào Kinh Thánh)

 Tiếp đến, Đức Hồng Y Tagle đề cập đến sự cần thiết của việc chuyển tải sức mạnh của Lời trong đời sống mục vụ của chúng ta: bài giảng trong Thánh lễ, giáo lý, huấn luyện trong các giai đoạn,  giảng dạy các môn học. Ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể liên hệ, trao đổi, tương tác, (communicate) Lời Chúa? Việc giao tiếp, liên hệ, trao đổi, tương tác (Communication) không phải là một kỹ thuật, một chiến lược, hay vận dụng sự khéo léo, thành thạo nhưng communicate là một giao ước với Chúa. Lời Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người để xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa.

Có những lúc sự thinh lặng lại rất quan trọng. Chúng ta trải qua những kinh nghiệm của sự thinh lặng? khi chúng ta đối diện với sự đau khổ, sự mất mát hay khi chứng kiến lòng từ bi nhân lành,  lòng yêu thương trong sáng, lòng vị tha…

Cuối cùng, Cardinal Tagle nhắc nhở chúng ta phải để cho Lời Chúa có thể tiếp cận đến mọi người, đặc biệt là người khiếm thính, những người đau khổ, những người đang tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống,  hãy cất lên tiếng nói hiện sinh của Kinh Thánh. Ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông cần được Tin Mừng hóa. Lời của Đại hội Mục vụ Thánh Kinh phải được chuyển tải, không chỉ ở Châu Á mà còn khắp thế giới. Mục tiêu là dẫn đưa mọi người đến việc gặp gỡ Chúa Giêsu, Ngôi Lời trở nên xác phàm.

b) Fr. Arlo Bernado Yap, SVD trình bày “ Bible and Communication” Hai mô hình của linh hứng Thánh Kinh: Bắt nguồn từ Lời và được nuôi dưỡng bằng Lời ( to eat how Jesus think; to receive the Word in the Eucharist; Food for thought; feed your mind).  Sự khác biệt giữa communications và communication.Communications là hành động chuyển tải thông tin từ nơi này sang nơi khác, communication: có nghĩa là người chia sẻ với nhau, trao đổi với nhau các thông tin qua 5 giác quan. Mục tiêu của communication: để đón nhận và trao ban; để đảm bảo sự hiểu biết; để thay đổi cách ứng xử…. The ways of communication: diễn tả bằng lời hay ngôn ngữ không lời, thông tin liên lạc bằng văn bản, giao tiếp trực quan….càng sử dụng nhiều giác quan càng tốt. Phạm vi: trong tâm trí mỗi người, giữa cá nhân với nhau, hình thành nhóm, đại chúng… Elements of communication: người giao tiếp, người liên lạc, người lãnh nhận, nội dung sứ điệp, công cụ, quà biếu tặng, sự phản hồi,…

c) Bishop Pablo Virgilio David nói về “The Bible and Social Transformation: The Human Hope for a Better World” .  Sứ vụ của Jacob ( Gen 18) là kết nối trời và đất một lần nữa, điều này được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài hoàn thành giấc mơ của Thiên Chúa cho nhân loại, trở thành chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và loài người. Sự cám dỗ lớn nhất hiện nay của chúng ta  là việc tự quy chiếu (self-referentiality), ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân, không quan tâm đến người khác ( inward-looking). Chúng ta bị lạc trong sứ vụ ((building the church, building the parish); chúng ta quá tập trung vào nội bộ, Ad-intra (within mission). Chúng ta nên đi ra, Ad-extra : có gì khác biệt khi ta tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu Kitô? Lời của Chúa là sáng tạo, Lời biến đổi thế giới, sứ vụ của chúng ta phải được biến đổi. ĐGM Pablo nhấn mạnh đến sức mạnh biến đổi của Lời Chúa trong sứ vụ, hãy để Lời Chúa biến đổi chúng ta trở nên muối đất, men trong bột, ánh sáng cho thế gian. Ngài giải thích các giấc mơ của ngôn sứ Isaiah 2: 1-5; Isaiah 11: 6-9;  Isaiah 65: 17-25; Micah 4; Revelation 21:1-4. Chính Đức Giêsu Kitô ứng nghiệm lời các ngôn sứ  (Luke 4;21),  Ngài đã sống, thực hiện thánh ý Chúa Cha qua việc hiện diện giữa chúng ta và làm cho thiên đàng có thể bắt đầu ở trần gian này.

d) Dr. Natividad Pagadut trình bày với đề tài “ Catechesis and the Bible”. Bà nhấn mạnh việc giáo dục thiếu nhi, thanh thiếu niên, và người lớn trong việc truyền đạt giáo lý đức tin Kitô giáo phải có tổ chức và hệ thống với mục tiêu dẫn dắt họ vào đời sống Kito hữu trọn vẹn, đến sự trưởng thành của đời sống đức tin. Điều này đòi hỏi chúng ta phải giúp họ gặp gỡ Đức Kito cách cá vị qua việc lắng nghe Kinh Thánh, nên sử dụng ngôn từ đơn giản và trình bày cách sáng tạo, tạo bầu khí vui tươi.

e) Fr. Alejandro Gobin, CMF giải thích về Exegesis and Hermeneutics. Thay vì dùng thuật ngữ chú giải ( exegesis) và thông diễn (Hermeneutics), cha Alejandro dùng từ đơn giản là “đọc bản văn và hiện thực hóa sứ điệp” (study of the text and actual-izing the message). Ngài đã sử dụng bài thuyết trình của Prof. Nuria Calduch Benages (Tây Ban Nha) trình bày trong Hội Nghị Quốc Tế Thánh Kinh tại Roma vừa qua. Bản văn nói gì cách khách quan? Bối cảnh lịch sử của bản văn? (exegesis) và  để lại cho tôi sứ điệp gì ngày hôm nay? (Hermeneutics) Chỉ khi ta thực sự hiểu bản văn khi nghiền ngẫm thì việc áp dụng vào đời sống, vào hành động mới có hiệu quả. Thông qua hành động thì Lời có hiệu quả. Cha đề cập exegesis va hermeneutics trong đối thoại, từ bản văn kinh thánh dẫn đến cuộc sống thực tế như thế nào qua việc giải thích các đoạn Jer 26-29 ( ngôn sứ tranh cãi, phấn đấu chống các ngôn sứ giả), Jer 26: 1-24 ( diễn từ trong Đền Thờ), Jer 26: 1-6 ( tổng hợp của diễn từ )
 

 d) Fr. Richard Lagos là National Director, YouCat Philippines đã trình bày “ The Bible and The Youth and New Evangelization ” qua những hình ảnh và chứng từ thật sống động. Ngài đặt câu hỏi chất vấn mỗi người: “what makes you really happy?”  Ngài nhắc lại ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxico: “Cha mơ về một thế hệ Kito hữu mới-một triệu bạn trẻ- sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho Giáo Huấn Xã Hội”, và động viên những người trẻ phải thấm nhuần quyển “Youcat” và “Docat”. “Docat” là cuốn sách cho giới trẻ giáo huấn xã hội của Giáo Hội theo phong cách “Youcat” mà ĐGH Phanxico ban tặng để ta không dừng lại ở kiến thức và cầu nguyện mà chuyển sang hành động để có thể thay đổi chính mình, thay đổi xã hội chung quanh và xây dựng nền văn minh tình thương ngay trong môi trường ta được mời gọi.

Trong những ngày Đại Hội, nhóm phụng vụ hướng dẫn các thành viên thực hành Lectio divina và thao thức mời gọi  mọi người cộng tác  để Lời Chúa đến với mọi tầng lớp và được ơn biến đổi trong đời sống. Tôi nài xin Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, làm Kinh Thánh bừng cháy trong tâm hồn mỗi người, để rồi với lòng yêu mến Lời, Lời sẽ được gieo vãi khắp nơi và đem lại cho mỗi người mối gặp gỡ chính Ngôi Lời thật sâu sắc và trở nên càng ngày càng giống Ngài hơn.

Marie Antoine Trần Thị Duyên Hường, fmm