Khóa thường huấn hè 2019 - ngày 3

Hiếp pháp cũng là một quyển sách hướng dẫn về đời sống thiêng liêng đem lại chất sống cho tu sĩ, không nên đưa vào quá nhiều luật. Nên đơn giản nhưng đầy đủ các yếu tố giúp thành viên sống. Cần có những qui định nội bộ (qui chế, nội qui, qui luật) để có thể thích nghi với từng nơi mà không cần qua trung ương. Tu sĩ nên thường xuyên đọc và suy gẫm Hiến pháp...

Ngày 3

Thuyết trình viên: Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Dòng Chúa Cứu Thế

ĐỀ TÀI: GIÁO LUẬT TỔNG QUÁT VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Đời tu không phải là một khuôn mẫu cứng ngắc nhưng chúng ta phải hiểu bản sắc của mình, biết mình là ai để sống cách phù hợp căn tính và đặc sủng của mình. Chúng ta cần hiểu rõ và phân biệt Dòng tu, Tu Đoàn tông đồ, Tu Hội đời (gọi chung là các Tu Hội). Tránh cái nhìn so sánh vì mỗi đơn vị có những giá trị riêng phù hợp với từng người theo tinh thần Đấng Sáng lập.

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN LÀ GÌ?

Điều 573 Đời sống thánh hiến là một lối sống bền vững, tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, được chuẩn nhận trong Giáo Hội. Khi Giáo Hội đã nhìn nhận rồi không còn là thử nghiệm nữa. Lối sống đó đi theo sát Đức Kitô (còn gọi là bậc trọn lành), bị đòi hỏi nhiều hơn nhưng không cao hơn những bậc sống khác. Dưới tác động Chúa Thánh Thần chúng ta được ơn nhiều hơn để sống vì yêu mến, chọn lự Thiên Chúa là Đáng duy nhất tốt lành. Mục đích: tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo Hội, vì phần rỗi thế giới. Các dòng tu có Lời khấn, những hình thức đời tu khác có những mối ràng buộc thánh theo luật riêng và được kết hợp cách đặc biệt với Giáo Hội. Có 5 hình thức đời tu: ẩn tu, dòng tu, tu đoàn tông đồ, tu hội đời, Trinh nữ thánh hiến.

Các yếu tố của đời tu: Lời khấn công, đời sống chung trong cộng đoàn, xa cách thế gian diễn tả qua tu phụcnội vi. Tu viện đều phải có nội vi tùy quy định của mỗi dòng.

Tu sĩ hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Các tu hội có thể có Lời khấn công (có người đại diện Giáo Hội nhận) hoặc Lời khấn tư (không công khai trước Giáo Hội nhưng khi hết thời hạn vẫn khấn lại).

Khấn dứt khoát chưa phải là khấn trọn đời; nhưng được làm bề trên, nhiều Tu hội đời có lời khấn dứt khoát mà không có lời khấn vĩnh viễn.

Điều 603 Lối sống ẩn tu: chọn sống cách biệt với thế gian để cầu nguyện tôn vinh Chúa, sám hối, trong thinh lặng đơn độc, nhưng cũng công khai tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm trước mặt Giám mục.

Điều 604 Trinh nữ thánh hiến: Những người nói lên sự quyết tâm lành theo theo Đức Kitô, được Giám mục cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được phê chuẩn. Họ có thể liên kết với nhau để sống trung thành và phục vụ Giáo Hội.

Điều 710 Tu hội đời là tu hội thánh hiến gồm các thành viên sống giữa thế giới, vươn tới đức ái để thánh hóa thế giới.

Điều 738 Tu đoàn tông đồ: có sứ vụ tông đồ và sống chung để vươn tới đức ái hoàn hảo bằng cách thực thi Hiến pháp. Có thể có hoặc không có lời khấn.

Điều 586 Mỗi Tu Hội có kỷ luật riêng trong Giáo Hội, duy trì 5 điểm: bản chất (giáo sĩ hay giáo dân), mục đích, tinh thần (bao gồm cung cách sống riêng), đặc tính (chiêm niệm, hoạt động, làm việc bác ái) và truyền thống của tu hội. 

Điều 587 Để bảo vệ ơn gọi và căn tính riêng, Hiến pháp phải có những quy định về việc lãnh đạo, thâu nhận, đào tạo thành viên… Học kỹ, đào sâu và sống Hiến pháp chặt chẽ giúp Dòng phát triển tốt. Hiến pháp phải được phê chuẩn và chỉ được thay đổi với phép của cùng thẩm quyền (Giám mục phê chuẩn nhưng phải đưa qua Tòa Thánh, cần nhờ chuyên viên giúp khi soạn thảo). Hiếp pháp cũng là một quyển sách hướng dẫn về đời sống thiêng liêng đem lại chất sống cho tu sĩ, không nên đưa vào quá nhiều luật. Nên đơn giản nhưng đầy đủ các yếu tố giúp thành viên sống. Cần có những qui định nội bộ (qui chế, nội qui, qui luật) để có thể thích nghi với từng nơi mà không cần qua trung ương. Tu sĩ nên thường xuyên đọc và suy gẫm Hiến pháp.

Điều 593 Các Tu Hội thuộc luật Giáo Hoàng trực thuộc Tông tòa về mặt kỷ luật nhưng có quyền tự trị. Tu Hội thuộc luật Giáo phận dưới quyền Giám mục.

CẦN LƯU Ý CÁC NGUYÊN TẮC GIÁO LUẬT ĐỂ TRÁNH CÁC THỦ TỤC TIẾN TRÌNH KHÔNG THÀNH SỰ:

Điều 597 Những tiêu chuẩn nhận vào đời tu: người Công giáo, có ý hướng ngay lành (động cơ ơn gọi), hội đủ các đức tính theo luật phổ quát và luật riêng (luật Giáo Hội và luật dòng), không vướng mắc ngăn trở nào, và được chuẩn bị thích đáng (tùy dòng, ít là 6 tháng trước khi vào TV).

Điều 641&642 Thâu nhận vào Tập viện thuộc quyền Bề trên cấp cao, cần đủ tuổi đòi buộc, sức khoẻ (cần giám định), tính tình thích hợp, có sự trưởng thành (phán đoán, trách nhiệm…) để đảm nhận nếp sống riêng của Tu hội. Không ai được làm tổn thương thanh danh người khác hoặc xúc phạm quyền riêng tư của người khác (Điều 220): nếu họ có bệnh hoặc đồng tính hoặc vấn đề riêng phải cho về thì cần tôn trọng không được làm lộ vấn đề vì sẽ bị kiện cáo.

Điều 643 Việc thâu nhận vào Tập viện sẽ vô hiệu nếu chưa đủ 17 tuổi trọn (tính đến 0g hôm sau), còn trong tình trạng kết hôn hoặc còn lời khấn ở tu hội khác, người vào do ép buộc hoặc man trá, người giấu giếm việc đã gia nhập 1 tu hội khác (hỏi mà không nói có vấn đề, nếu không hỏi không có vấn đề), hoặc qui định điều kiện riêng của mỗi tu hội.

Điều 647 Thành lập, di chuyển, giải thể tập viện phải thực hiện do sắc lệnh bằng văn thư của vị tổng quyền. Bề trên cấp cao có thể cho phép 1 ứng sinh tập tu tại 1 nhà khác của tu hội hoặc cho một nhóm tập sinh lưu trú một thời gian tại một nhà khác do ngài chỉ định vì ích lợi hơn (có đời sống cộng đoàn, kinh nghiệm tông đồ).

Điều 648 Tập tu phải kéo dài 12 tháng (12 lần 30 ngày) trong cộng đoàn tập viện (có thể không liên tục?), hiếp pháp có thể ấn định những thời gian sinh hoạt tông đồ ngoài cộng đoàn tập viện. Thời gian tập viện không quá 2 năm, có thể kéo dài nhưng không quá 6 tháng. Vô hiệu nếu vắng mặt quá 3 tháng, vắng quá 15 ngày phải được bù lại. Khấn lần đầu có thể trước kỳ hạn nhưng không sớm hơn 15 ngày (Điều 649), việc đào tạo dành riêng cho giáo tập dưới quyền Bề trên cao cấp.

Điều 652 Cần nhận định và trắc nghiệm ơn gọi của tập sinh. Hường dẫn họ phát huy nhân đức nhân bản và Kito giáo, tập cầu nguyện và từ bỏ mình... Họ phải cộng tác tích cực trong việc huấn luyện chứ không thụ động làm theo. Mọi thành viên của tu hội phải hết lòng cộng tác vào việc đào tạo.

Điều 653 Sau thời gian tập, tập sinh có thể tự do rời dòng hoặc nhà dòng có quyền sa thải.

Điều 656 Để hữu hiệu, việc khấn tạm đòi buộc đủ 18t trọn, thời gian tập hữu hiệu, bề trên thẩm quyền cho khấn với sự biểu quyết của ban cố vấn, lời khấn phải tự do thực hiện cách rõ ràng, minh nhiên, không do áp lực hoặc sợ hãi, do bề trên hợp pháp nhận lời khấn hoặc ủy quyền cho 1 người khác.

Điều 658 Khấn trọn phải đủ 21 tuổi trọn, khấn tạm ít là 3 năm.

Cần lưu ý những điểm liên quan đến giáo luật để những gì làm rồi có khi lại trở thành không làm: như khi linh mục chưa có năng quyền hoặc hết năng quyền giải tội.

Điều 667 Nội vi là cần thiết để đời tu xa cách thế gian. Đan viện còn có thêm nội vi Giáo hoàng: Giám mục cũng không được tự do ra vào.

Điều 668 Trước khi khấn lần đầu phải nhượng quyền quản trị tài sản cho người khác và trước khi khấn trọn cần lập chúc thư. Để thay đổi các việc định đoạt ấy cần có phép của BT thẩm quyền. Tất cả những gì họ thủ đắc hoặc nhận được đều thuộc về tu hội. Những dòng có lời khấn trọng phải từ bỏ hoàn toàn tài sản trước khi khấn trọn (khấn trọng đương nhiên mất quyền sở hữu khi khấn, không có quyền thủ đắc và chấp hữu nữa (nhận tài sản), còn khấn đơn không mất nhưng có quyền từ bỏ với phép bề trên có thẩm quyền). Khi tu sĩ chưa ra khỏi dòng những gì người ta cho vẫn thuộc của dòng.

Điều 678 Ngay cả dòng Giáo hoàng, việc coi sóc các linh hồn + cử hành thờ phượng công khai + các việc tông đồ phải tùy thuộc quyền Giám mục. Tất cả tu sĩ phải vâng phục điều luật này.

VIỆC CHUYỂN SANG TU HỘI KHÁC

Điều 684 Một thành viên đã khấn trọn không thể chuyển dòng nếu không có sự cho phép của BTTQ cả 2 bên với sự đồng ý của Ban TCV. Cần có thời gian thử luyện ít là 3 năm, sau đó nếu không được nhận cho khấn phải trở về dòng cũ hoặc xin đặc ân hồi tục. Chuyển từ đan viện này qua đan viện khác của cùng tu hội cần sự chấp thuận của Bề trên cao cấp mỗi đan viện và sự chấp thuận của công nghị đan viện tiếp nhận, không phải khấn lại. Chuyển sang một tu hội đời hay tu đoàn tông đồ phải có phép Tòa Thánh.

Điều 685 Khi chưa tuyên khấn trong tu hội mới vẫn phải giữ lời khấn, nhưng các quyền lợi và nghĩa vụ bị đình chỉ. Lúc bắt đầu thử luyện phải tuân giữ luật riêng của tu hội mới.

RỜI BỎ TU HỘI

Điều 686 Đặc ân cho sống ngoại vi: BTTQ cho khi có lý do nghiêm trọng nhưng không quá 3 năm. Với đan sĩ chỉ Tông tòa có quyền cho. Những trường hợp rất nghiêm trọng Tòa thánh (dòng giáo hòang) hoặc Giám mục (dòng giáo phận) có quyền áp đặt nhưng phải hợp lý và giữ đức ái (đe dọa dòng).

Điều 687 Sống ngoại vi được miễn giữ các nghĩa vụ, có thể mặc tu phục nếu được phép nhưng mất quyền bầu cử, ứng cử.

Điều 689 Bệnh thể lý hay tâm thần không thể bị sa thải nếu lý do mắc bệnh bởi sự chểnh mảng của tu hội.

Điều 690 Đã rời bỏ cách hợp pháp có thể được nhận lại mà không buộc lập lại kỳ tập tu.

Điều 691 Đặc ân hồi tục dành riêng cho Tòa thánh (dòng giáo hòang) hoặc Giám mục (dòng giáo phận).

Điều 692 Đặc ân hồi tục khi đã được ban bao hàm sự miễn chuẩn các lời khấn và các nghĩa vụ, nhưng khi thông báo nếu thành viên từ chối thì sẽ mất hiệu lực, phải làm thủ tục từ đầu để xin lại.

Một số thắc mắc:

- Khấn trọng khác khấn trọn như thế nào? Khấn trọng khác khấn đơn (Các dòng có O=Order)/ Khấn trọn khác khấn tạm. Khấn trọng hoặc khấn đơn chưa tháo mà xuất thì kết hôn bất thành Điều 1088. Khấn trọng mất khả năng sở hữu tài sản, khấn đơn còn sở hữu.

- Điều 691 Ban đặc ân hồi tục: Giám mục của nhà chính hoặc nhà nơi đương sự ở đều có quyền ban.

- Điều 668 Bề trên tự ý cho dòng khác miếng đất người khác cho: dòng này có quyền đòi lại tại Tòa án Giáo Hội vì tài sản đó không thuộc cá nhân bề trên nhưng thuộc nhà dòng.

- Mất trí khác tâm thần. Người bị điên thì lời khấn (tạm) bị ngưng lại và nhà dòng lo liệu, còn tâm thần có thể cho về gia đình chữa trị.

- Giấu giếm: khi đã gia nhập mà giấu mới không thành còn mới tìm hiểu không có vấn đề. Sau khấn mới hỏi thì trễ rồi, luật vẫn thành. Lương tâm có vấn đề là tòa trong, xưng tội là được.

- Khấn tạm hết lời khấn nhưng không được khấn lại ngay: Nếu chết lúc đó không là tu sĩ, sau đó khấn vẫn thành.

- Khấn trọn rồi không sống được trong cộng đoàn nhưng sợ nên bỏ trốn: Điều 665 Bề Trên phải ân cần tìm kiếm giúp họ quay trở về. Không tìm thấy cần cảnh báo bằng văn thư tới các cộng đoàn. Quá 6 tháng có thể trục xuất.

VIỆC SA THẢI CÁC THÀNH VIÊN

Ba trường hợp: đương nhiên sa thải (như vạ tuyệt thông tiền kết, không cần cới pháp quyết), phải sa thải và có thể sa thải.

Điều 694 Đương nhiên bị sa thải: hiển nhiên chối bỏ đức tin, đã kết hôn hoặc mưu toan kết hôn (dân sự), không phải ý định nhưng làm đám hỏi hoặc hôn thú giả… Khi tự vắng mặt bất hợp pháp suốt 12 tháng và không biết ở đâu.

Thủ tục: Bề trên cấp cao và ban cố vấn phải tuyên bố sự kiện không trì hoãn để sa thải về mặt pháp lý khi có đủ bằng chứng. Trường hợp này không có biện hộ hay thủ tục gì.

Điều 695 Phải sa thải: Điều 1397 người phạm tội sát nhân, bắt cóc, giam giữ, đả thương trầm trọng người khác Điều 1398 người thi hành việc phá thai hiệu quả (cộng tác, xúi giục, cho tiền…) Điều 1395 người có tư hôn, phạm tội điều răn thứ 6 công khai gây gương xấu… Tuy nhiên nếu có thể sửa chữa bù đắp được, BT có thể giải quyết cách khác.

Thủ tục: Trong các trường hợp như thế, sau khi đã thu thập đủ bằng chứng, BT thông báo cho đương sự và cho họ năng quyền tự biện hộ. Sau đó BT cấp cao và công chứng viên ký tên các văn kiện chuyển lên BTTQ.

Điều 696 Có thể sa thải: những lý do khác nghiêm trọng, bên ngoài, có thể quy trách nhiệm và chứng minh theo pháp lý: thường xuyên chểnh mảng nghĩa vụ đời tu, nhiều lầm tái vi phạm các lời khấn, ngoan cố không tuân giữ qui định hợp pháp (nhận bài sai không đi), sinh gương xấu trầm trọng do những sai lỗi…, ủng hộ truyền bá các học thuyết Giáo Hội kết án, công khai tán đồng ý thức hệ vô thần, vắng mặt bất hợp pháp 6 tháng, và các lý do nghiêm trọng khác tương tự mà luật riêng của tu hội phải ấn định.

Buổi Chiều: Trao đổi theo tổ và đúc kết

Sau khi lắng nghe trình bày và những thắc mắt của 20 tổ, Cha giải đáp một số vấn đề nêu ra. Nguyên tắc chung là chúng ta không có 1 giải pháp duy nhất cho mỗi vấn đề, nên phải tìm cách tốt nhất. Có những câu hỏi cần được lưu ý:

- Việc chuyển dòng: khấn tạm chuyển khó vì đang còn lời khấn, qua dòng kia chưa hết thời gian thử nghiệm đã hết lời khấn phải làm lại từ đầu. Giáo luật không mở ra việc chuyển dòng cho khấn tạm mà nên cho dừng hẳn để họ làm lại từ đầu.

- Thâu nhận người khuyết tật còn tùy loại, tùy mức độ; và nhận hay không còn tùy dòng tu. Đừng liều nhận để trở thành gánh nặng cho Hội dòng.

- Người có quan hệ tình cảm, vợ chồng, phá thai nhận được không? Nếu không có yếu tố cản trở vẫn được nhận nhưng quan trọng họ có vượt qua được không. Phải xem xét trước từng trường hợp và theo dõi quan sát kỹ, có những tương quan sâu quá khó tiếp tục vì vấn đề tâm lý rất nặng, phải cân nhắc vì họ dễ bị ám ảnh quay trở lại. Khi đó cần đặt vấn đề thẳng thắn.

- Người đồng tính: rất phức tạp do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, phần lớn đồng tính giả. Đó là khuynh hướng thì khác với đó là bản năng không thể kiểm soát, ám ảnh về tính dục như trọng tâm của họ trong nhận thức và cách sống, cố gắng thoát không được thì dù đồng tính hay không cũng khó có được sự thống nhất và quân bình tình cảm, không phù hợp với đời tu. Nhất là khi có có sự thúc bách thực hiện những hành vi tính dục, có nhận vào rồi cũng nên loại trừ.

- Tu sĩ vô kỷ luật: tùy mức độ sai lỗi, nếu đã nhắc nhở răn đe làm hết cách, cần xem xét cảnh cáo và trục xuất theo thủ tục.

- Trường hợp nguy hiểm: Điều 703 nếu sinh gương xấu nặng bên ngoài (đem người khác giới vào phòng) hoặc gây nguy hiểm, thiệt hại cho nhà dòng và các thành viên (đòi đốt nhà, đầu độc mọi người…), bề trên cấp cao với sự chấp thuận của ban cố vấn có thể trục xuất ra khỏi nhà ngay tức khắc (không phải ra khỏi dòng). Sau đó mới tiến hành thủ tục sa thải và đệ trình lên Tòa Thánh.

- Cần có những ban chuyên môn giúp tư vấn, điều trị. Có những trường hợp đưa đi mọi nơi không thay đổi, các cộng đoàn đều cám ơn vì không có vị ấy thì tốt hơn.

- Nghiện internet, game, sex… cũng cần những chuyên viên điều trị, có những phương pháp phù hợp, còn tình bác ái yêu thương không giúp thay đổi vì có những tổn thương sâu hoặc vấn đề quá khứ. Chúng ta không có khả năng giúp, họ nghe nhưng không thay đổi. Nên có ban hoặc có những địa chỉ tham vấn. Nhiều tình trạng nghiện không dễ thoát, cần xử lý nhiều cách.

- Cần nghĩ tới việc đào tạo cho các nhà đào tạo trong nước. Những người đào tạo phải yêu mến công việc huấn luyện các tâm hồn, cần đầu tư đúng mức để có phẩm chất và kiến thức đem lại ích lợi thực sự cho người trẻ.

- Tu sĩ bất mãn xử lý như thế nào? Bất mãn không nên cho chuyển để đùn đẩy gánh nặng cho người khác, chuyển là cần thiết để sống tốt hơn, yêu mến hơn, có thời gian cân nhắc suy xét kỹ, mục đích tốt mới nên chuyển. Khấn trọn không phải là chuyện đùa, cần chuẩn bị nghiêm túc thích đáng.

Hướng dẫn Giáo luật để biết cách hành xử theo thủ tục khi có vấn đề: Sau khi tham khảo Ban Cố vấn, nếu thấy cần sa thải tiến hành các bước:

* Bước 1:

1. Thu thập các bằng chứng: chẳng hạn bỏ giờ kinh chung, đóng cửa ở lì trong phòng, không tham gia…

2. Gởi văn bản cảnh cáo, có người làm chứng, đưa tận tay không nhận thì xin 2 người làm chứng với lời ngăm đe rõ ràng là không hối cải sẽ sa thải. Thông báo rõ những nguyên nhân sa thải và cho họ năng quyền biện hộ.

Nếu lời cảnh cáo vô hiệu phải cảnh cáo lần 2 sau 15 ngày.

3. Nếu các lời cảnh cáo vô hiệu, BT cấp cao và Ban CV thấy rõ đương sự không thể thay đổ, BT phải chuyển lên BTTQ các văn bản có đương sự và công chứng viên (Thư Ký tỉnh dòng/chưởng ấn) ký tên.

4. Phải tôn trọng quyền tự biện hộ, họ có quyền trình bảy thẳng với BTTQ.

* Bước 2:

- BTTQ và 4 thành viên cân nhắc các lý luận biện hộ của cấp dưới và đương sự. Sau khi bỏ phiếu kín, BTTQ làm sắc lệnh sa thải: dựa trên luật và những sự kiện nào mà đương sự đã vi phạm.

- BT phải trình lên Giám mục Giáo Phận những văn bản đã được xác minh.

- Sắc lệnh không có hiệu lực nếu không chuyển lên Tòa Thánh.

- Phải cho đương sự quyền kháng cáo lên cấp cao hơn trong vòng 10 ngày. Nếu họ kháng cáo, sắc lệnh chưa có hiệu lực.

Sau khi sa thải, tu sĩ hết lời khấn, còn thành viên linh mục không thể thi hành chức thánh cho tới khi có 1 GP nhận.

Những thành viên đã ra khỏi dòng cách hợp pháp hoặc bị sa thải không được đòi hỏi gì nhưng Tu hội vì bác ái phải giúp cho họ.

- Trốn ra khỏi dòng bất hợp pháp: nhà dòng không chịu trách nhiệm về những tai nạn xảy ra cho họ.

- Sau khi làm linh mục phát hiện ra trước kia đã giết người thì không được thi hành chức thánh: Điều 1041-1049.

Còn nhiều thắc mắc khác nhưng không đủ thời gian nên Thuyết trình viên phải dừng lại. Một đại diện các tham dự viên cám ơn Cha Giuse - Thuyết trình viên. Sau đó cha Đặc trách LTS cũng cám ơn Cha Giám đốc và cha Quản lý Trung Tâm Mục Vụ, chú Tuấn lo âm thanh ánh sáng, Nhóm Đức Mẹ Guadalupe phục vụ và cả những ai ở nhà hy sinh gánh vác công việc cho anh chị em mình có thể thong dong tham dự khóa Thường Huấn hè này. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều Dòng tu đề nghị, cha Đặc trách LTS dự định sẽ sớm mở thêm một khóa thường huấn có cùng nội dung, vì vừa qua nhiều dòng đăng ký nhưng đã hết chỗ.

Trước khi ra về một đại diện các tham dự viên cũng nói lên tâm tình tri ân cám ơn Cha Tôma Trung Đặc trách LTS, đã vất vả tổ chức chương trình thường huấn rất hữu ích cho anh chị em tu sĩ liên dòng toàn quốc. Ước mong trong tương lai có thêm nhiều chương trình học hỏi hữu ích và thiết thực cho tu sĩ, đặc biệt là các nhà đào tạo và giới hữu trách.

Ghi nhận: Sr. Ngọc Lan, fmm.