Ngày thứ 2 – 29/05/2019
Thuyết trình viên: Linh mục Gioan B. Phương Đình Toại, Dòng Camilô
Đề tài 1: KHÍA CẠNH TÂM LÝ TRONG TIẾN TRÌNH ĐÀO TẠO TU SĨ
Nói đến vấn đề tâm lý trong đời tu chúng ta cần loại trừ những thành kiến và những cách nhìn nhận sai về tâm lý:
- Dùng tâm lý như phương thế cuối cùng để xem đương sự có ơn gọi hay không, hoặc để thay đổi con người khi không còn cách khác. Ví dụ bề trên nghi ngờ vấn đề giới tính của 1 em và làm việc, em nhìn nhận có vấn đề đồng tính, bề trên gởi đi gặp chuyên viên để sửa cong thành thẳng…
- Dùng nhà tâm lý để nói em chuyển hướng: sau nhiều năm trong đời tu thấy em không có ơn gọi đẩy em tới nhà tâm lý để xin họ nói em không có ơn gọi.
- Thành kiến đến gặp nhà tâm lý là người có bệnh tâm thần.
Những trường hợp cần gởi đi gặp nhà tâm lý:
- Trong vô thức em chưa nhận thức được, cần giúp để em nhận ra.
- Nhà đào luyện đồng hành nhận thấy những xung năng cần giúp để hiểu rõ.
- Khi đương sự có vấn đề cần điều trị: nghiện ngập, luôn gây xung đột… Nghiện sex, phim khiêu dâm: rất nguy hiểm.
- Khi cần giúp phân định ơn gọi, kiểm soát tâm cảm, không để cảm xúc lôi kéo, giúp nhận biết bản thân và trưởng thành cảm xúc.
Hướng dẫn của Vatican: Cần tìm hiểu đời sống tâm cảm, gia đình và những tổn thương của ứng sinh.
Năm 42 tuổi ĐTC Phanxicô đã đi gặp một nhà tâm lý chiều sâu suốt 6 tháng để hiểu mình hơn.
Những thách đố về tâm lý đối với những ứng viên và tu sĩ trẻ hôm nay:
- Độ tuổi trưởng thành trễ (nhận vào dòng trước 25 tuổi: ngày nay đó mới là tuổi dậy thì, chưa có trách nhiệm, do vấn đề văn hóa, gia đình và mạng xã hội)
- Độ tuổi kinh nghiệm về tình dục sớm và có những trải nghiệm khác nhau trước khi vào dòng (nghịch lý). Tuổi kinh nghiệm về tình dục tại VN là 18 tuổi, tỉ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục rất cao (87%). Có nghĩa là nhiều ứng sinh có kinh nghiệm tiêu cực về đời sống tính dục khi vào dòng, chưa được đối diện cách thỏa đáng, có thái độ sợ hãi, lẩn trốn hoặc né tránh khi nói đến vấn đề tính dục.
- Thiếu một ai đó kiên vững bên cạnh: gia đình thiếu gắn kết hiện diện và thủy chung (cha gia trưởng, bạo hành làm sao cảm nghịệm Thiên Chúa Cha?), cha mẹ chạy theo nhu cầu cảm xúc và vật chất, kinh nghiệm tiêu cực về vai trò cha mẹ trong gia đình, chứng kiến sự bất nhất trong đời sống gia đình, nhiều cha mẹ ảnh hưởng nền giáo dục văn hóa ngày nay (sống thời sau chiến tranh, đau khổ, lo cơm áo, lơ là con cái, sau 1975 các giá trị thay đổi…).
Ngoài ra còn do ảnh hưởng của mạng xã hội và phim ảnh xấu: gây trầm cảm, lo âu, giảm giá trị bản thân. Có những tu sĩ nghiện phim ảnh khiêu dâm (ngủ gục, hay cáu gắt..., khi đăng ký gói Safenet thống kê lịch sử chặn: 1 tuần hơn 5.000 lượt xem: khủng hoảng).
Vấn đề khả năng hội nhất giá trị ơn gọi thấp:
Biết và chấp nhận chưa đủ, giá trị phải đồng bộ với thái độ sống, hoàn cảnh sống, và động cơ sống.
Biểu hiện thiếu khả năng hội nhất:
- Vâng phục để né trách nhiệm,
- Đồng hóa với người nổi tiếng…
- Thiếu nhất quán tâm lý: ảo tưởng, chỉ làm điều mình thích
Hậu quả: Không còn sự khách quan và tự do trong việc theo đuổi giá trị ơn gọi, dành thời gian giải quyết lo âu và căng thẳng nội tâm, tìm lời khen thay vì tìm Chúa, không có khả năng lắng nghe, không áp dụng được lời Chúa trong đời sống, phản ứng tự vệ khi sống trong căng thẳng, đe dọa… không cảm thấy an toàn với chính mình để yêu thương chân thực.
Thách đố của nhà đào luyện hôm nay:
- Một chiếc neo cũ trước những cơn sóng thần? Phương pháp huấn luyện của chúng ta quá cũ trước làn sóng lớn của thay đổi, thường quá tải trong đồng hành, không kịp cập nhật.
- Quá tải! Bao lâu nhà đào luyện gặp ứng sinh 1 lần? 6 tháng? Có tương xứng với thời gian em được đồng hành bởi các tác nhân khác (facebook…)?
- Kiến thức nền tảng về tâm lý huấn luyện thiếu, chưa được chuẩn bị.
- Những khó khăn của nhà đào luyện trong quá khứ chưa được giải quyết, bị hoán chuyển lên người thụ huấn tạo ra vòng luẩn quẩn (thuơng riêng, ngôn từ bạo lực, nhân cách cứng nhắc, nệ luật hoặc lệ thuộc tình cảm).
Thách đố với người thụ huấn
- Thiếu người đồng hành thiêng liêng và tâm lý, lẫn lộn giữa linh hướng, cha bố, người đồng hành… Làm sao giúp phân định ơn gọi và biết mình?
- Các em ngờ vực về giá trị đời sống thánh hiến.
- Thiếu sự trưởng thành tâm cảm.
- Thiếu sự giúp đỡ hiệu quả trong việc sống khiết tịnh và tính dục.
Một vài đề nghị:
- Chúng ta cần chú ý những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ gia đình lên ứng sinh.
- Cần sàng lọc mức độ trưởng thành tâm cảm, tâm lý tính dục của ứng sinh để đồng hành sâu hơn, biết những giới hạn và điểm mạnh của em.
- Áp dụng những phương thế cào bằng không còn hiệu quả, cần đồng hành thiêng liêng (người thứ ba trong ơn gọi: nơi để các em được lắng nghe mà không sợ hãi). Cần có người giúp các em.
- Cần chú ý đến vấn đề mạng xã hội và nạn khiêu dâm.
- Cần trang bị những kiến thức tâm lý nền tảng cho nhà đào luyện.
Câu hỏi suy tư trao đổi
1. Chúng ta hiểu ứng viên của mình đến đâu trong quá trình đào tạo?
2. Làm như thế nào chúng ta biết những ảnh hưởng trên ơn gọi của ứng sinh?
3. Chúng ta gặp khó khăn gì trong việc tìm hiểu lịch sử tính dục của ứng sinh và kinh nghiệm tính dục của em? (Đưa ra các điểm cho em chọn, nghe rồi không bỏ qua).
4. Đâu là những phương thế tốt nhất chúng ta có thể làm để giúp ứng viên trưởng thành tâm cảm và hội nhất giá trị ơn gọi?
5. Chúng ta có cộng tác với các dòng và các nhà chuyên môn khác?
6. Chúng ta chuẩn bị nhân sự đào tạo như thế nào ?
_____________________
Sau phần trình bày đề tài, thuyết trình viên đã dành nhiều thời gian lắng nghe các thắc mắc và chia sẻ những nguyên tắc hướng dẫn cũng như nhận định về từng vấn đề liên quan đến đề tài rất "hot" do các tham dự viên nêu lên. Ai ai cũng thấy các dòng tu còn non yếu trong lãnh vực huấn luyện liên quan đến tâm lý chiều sâu.
Do tầm quan trọng của đề tài và dựa vào ý kiến đa số, toàn thể Hội nghị đã nhất trí xin hủy bỏ chương trình Thảo luận tổ buổi chiều để có thêm thời gian lắng nghe thuyết trình viên và trao đổi trực tiếp.
Ghi nhận: Sr. Ngọc Lan, fmm.