KHÓA THƯỜNG HUẤN HÈ 2019
“CÁC THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO TU SĨ TRẺ HIỆN NAY”
Khóa thường huấn hè 2019 cho Liên tu sĩ toàn quốc được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn - 6bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1 trong 03 ngày: 28, 29 và 30 tháng 5 năm 2019, với hơn 450 tham dự viên thuộc hơn 90 đơn vị Dòng tu. Các Thuyết trình viên gồm có: (1) Nữ tu Thecla Nguyễn Thị Giồng, Dòng Đức Bà - (2) Linh mục Gioan B. Phương Đình Toại, Dòng Camilô - (3) Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ có 10 chị em tham dự.
Ngày 1 - Thuyết trình viên: Nữ tu Thecla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà
Đề tài: Những THÁCH ĐỐ TRONG ĐÀO TẠO NHÂN BẢN - THIÊNG LIÊNG
“Chữ Nhân viết mãi vẫn run tay”, đào tạo là công việc suốt đời không có ngày ra trường. Những kinh nghiệm trong việc đào tạo cho thấy chúng ta dù nhiều tuổi vẫn còn non trẻ, thiếu trưởng thành trước mặt Chúa. Việc huấn luyện nhân bản và thiêng liêng luôn là thách đố cho chúng ta. Đời tu là trường kỳ kháng chiến, có những đau thương cuộc đời làm chúng ta chán nản, nhưng đừng quên tu là việc cả đời. Dòng nào cũng có vấn đề, đừng nên so sánh hoặc tự ti mặc cảm. Chúng ta mang thân xác mỏng dòn, tiến rồi lại lùi. Mỗi lứa tuổi có những vấn đề riêng, chúng ta cần nhắc nhở nhau, xây dựng và đào tạo mình để có thể cho các em trẻ những giá trị tốt đẹp. Cần biết nhìn theo 3 hướng: nhìn lại mình, nhìn xuống các thế hệ đàn em và nhìn lên Chúa. Xã hội nhiều thay đổi, con người chúng ta cũng thay đổi, vì vậy chúng ta phải cập nhật những hiểu biết. Có 4 thách đố cho việc huấn luyện đời tu hôm nay:
1. Sự tự do nhân bản - nội tâm: Tự do là con dao 2 lưỡi.
2. Mục tiêu: Chúng ta tìm gì trong đời tu? Dường như Chúa chưa là trọng tâm, điểm quy chiếu duy nhất của mình. Chúng ta quá nghiện việc.
3. Việc huấn luyện đào tạo: thao thức của mọi dòng tu nhiều thề hệ. Hai đối tượng là người thụ huấn và người huấn luyện, chúng ta thiếu chú trọng người huấn luyện. Con hư tại “Mẹ Thầy”, cần nhấn mạnh người huấn luyện hơn là người thụ huấn.Con người muôn mặt: mỗi con người là duy nhất và những vấn đề của mỗi người là duy nhất. Chúa Thánh Thần có vai trò quan trọng nhưng cần sự cộng tác. Vai trò của người huấn luyện rất quan trọng.
4. Tự huấn trường kỳ: Giờ nào chúng ta cũng phải chiến đấu. Giá trị và trách nhiệm của mỗi người nằm trong việc tự huấn. Thường huấn chỉ là việc chung của nhà dòng, mỗi người có những thao thức nếm cảm riêng, cần tự huấn cách nghiêm túc, cần ý thức giá trị của mình để mỗi ngày học hỏi nhằm nên người và nên thánh hơn. Những hăng say ban đầu phai nhạt, mệt mỏi, biến chất, chúng ta cần bắt đầu lại luôn luôn. Cần thường xuyên duy trì cho mình sự nhiệt tình mới mẻ, những nếm cảm trẻ trung, luôn đổi mới nhu cầu của con tim.
I. VIỆC TỰ HUẤN TRƯỜNG KỲ CỦA NGƯỜI TU SĨ
Mỗi tu sĩ có trách nhiệm về đời tu của mình. Có những người vốn liếng đầu đời ít nhưng phát triển nhiều. Cần làm giàu vối liếng của mình về moi mặt, db các giá trị nhân bản và thiêng liêng. Bề trên không lo hết nhưng mỗi người có trách nhiệm tự huấn luyện mình. Mỗi ngày ăn 3 bữa nhưng đời sống tinh thần chúng ta có thêm gì không: Những bệnh tinh thần chúng ta không nhìn thấy để chăm sóc chữa trị. Tự huấn luyện giúp chúng ta duy trì sự sống tinh thần, đứng vững mạnh mẽ trong đời tu và tăng trưởng.
Giọt nắng giọt sương cho cây đời vươn. Cây cuộc đời chúng ta cần phát triển, cần nắng tốt và sương mát. Đó là những biến cố cuộc đời mà chúng ta cần mở ra đón nhận. Cũng có những biến cố con người làm chúng ta đắng đót: phân bón. Có những người 35-40 chết rồi, 80-90 mới chôn, vì họ không còn tiếp thu và tăng trưởng nữa, không biết đón nhận những giọi nắng giọt sương để vươn lên. Mỗi giai đoạn chúng ta cần đặt ra những mục tiêu cho bản thân, trẻ cần mở thêm kiến thức, già cần đào luyện con tim để có thể cảm nhận những gì xảy ra. Vấn đề hôm nay: con người vô cảm - con tim như chết rồi. Người tu sĩ cần có con tim sống động, cần huấn luyện con tim nhạy cảm với tất cả những gì xảy ra chung quanh ta.
Mỗi người có khả năng tự học, khi nào hấp hối hạ huyệt mới hết học. Chúng ta cần có nỗ lực, càng nhiều tuổi chúng ta càng làm biếng vì mệt mỏi… Người ta già không vì tuổi tác mà vì ngưng học. Học là khám phá, là tiếp thu, cần làm giàu vốn liếng mỗi ngày. Chúng ta không cần học trường lớp nhưng cần biế tổ chức thời gian để có giờ đọc, ngẫm nghĩ, viết và suy tư.
Nguyên tắc thứ nhất - lắng nghe: Chúng ta không đến lớp nhưng có thể nghe nhiều cách
Nguyên tắc thứ hai - quan sát: chúng ta xem xét những gì xảy ra
Nguyên tắc thứ ba - suy ngẫm: không chỉ dùng cái đầu nhưng suy đi ngẫm lại
Nguyên tắc thứ tư - chất vấn: chúng ta phải chất vấn bản thân mình: tại sao người ta làm thế hoặc không làm thế, tại sao tôi làm không được…
Chúng ta cần nuôi đưỡng tâm mình để không bao giờ chán nản, cần có óc khao khát, sống đầy năng lực. Để tự huấn chúng ta cần chủ động, biết nhu cầu của mình và tìm cách đáp ứng: chủ động ăn món mình cần, nạp vào giá trị mình muốn, tìm cái đúng nhu cầu của mình chứ không ngồi chờ sung rụng, hoặc đợi bề trên lo cho mình…
Mỗi người có hướng sống riêng, mỗi dòng có linh đạo riêng, cần rõ điểm nhấn của tôi là gì? Cũng là giáo dục nhưng có người chỉ lo dạy cho xong, có người lại muốn là ngọn đèn gợi hứng cho người khác. Nhà đào tạo cần dạy cho người khác biết cách học, tạo ra cú hích đầu tiên để gợi hứng, cho người khác niềm hứng khởi, thấy ra điều quan trọng, xác tín và có quyết tâm để tự bắt tay vào việc. Chúng ta dâng hiến cho Thiên Chúa điều gì: một bông hoa tươi đẹp đầy năng lực hay 1 đời sống “xìu xìu ển ển”? Làm sao cho đời ta tràn đầy sức sống, không kéo lê để chờ ngày Chúa gọi về? Tuổi nào chúng ta cũng cần đầy sức sống, không để cho đời sống tâm linh bị trì kéo. Chúng ta cần khơi gợi tính tò mò, chủ động, ham thích rèn luyện, biết duy trì năng lực trong mọi độ tuổi. Một số lãnh vực cần chú tâm:
- Đào tạo bản lĩnh: con người có nội lực, sức mạnh bên trong và sự tự do.
- Đào tạo con tim: người tu cần quan tâm đến yếu tố tình cảm, không ủy mị: “Đây con tim rướm máu, tấm thân gầy héo tình con hững hờ…”
- Sống trung thực: đồ dổm là đồ TQ. Chúng ta phải sống thật vì là con Thiên Chúa. Đừng trước mặt khác, sau lưng khác. Đáng buồn!
- Cần có tự do, tự chủ, tự chế: đó là cái “phanh” của cuộc đời để thắng lại khi cần dừng. Càng lớn càng biết giữ cái thắng cho an toàn trong cuộc đời.
- Sự quân bình: giữa công việc và quyền lợi, trách nhiệm chung và riêng, tinh thần và thể chất… hưởng thụ và khổ chế, thiêng liêng và trần tục, tôi và chúng ta (Phát triển bản thân nhưng cũng phát triển cộng đoàn, Hội dòng…). Ngày trước các Sơ cao tuổi khổ chế dữ lắm, ngày nay ăn chay hãm mình sớm, 40 tuổi xin nghỉ hưu non…
- Đào tạo nhân bản: cần chú ý đến những điều sau
- Khả năng yêu thương : yêu như thế nào cho đúng? Cứ dấu này mà biết ta yêu đúng: khi ta và đối tượng ta yêu thương được “lớn lên”, làm cho cả hai phát triển - thăng tiến - vui tươi phong phú hơn. Lưu ý:
+ Yêu “dấu”: “Đừng về dối chị để mà yêu ai…” làm cho nhau khô cứng, mất giá trị. Cần bật đèn vàng ngay.
+ Chơi với ai mà thầy mình ngày càng xa cách chị em: bật ngay đèn đỏ.
+ Gần ai mà can đảm sốt sắng hơn, nhiều năng lượng hơn, vui sống hơn: bật đèn xanh.
- Làm cho đời sống chúng ta lành mạnh: có cái tâm lành mạnh, nhân cách lành mạnh. Cần lành mạnh từ trong suy tư. Tội từ trong suy tư. Đi cầu nguyện mà cứ gây lộn nháp… Nhớ thương buồn hận trong đầu: không lành mạnh. Những chị có trách nhiệm cần tạo môi trường & bầu khí lành mạnh cho các em lớn lên: sống tự do, quân bình. VN ung thư cao vì đầy ô nhiễm. Trong đào tạo chúng ta đừng quên có Chúa Thánh Thần...
II. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Bản thân nhà huấn luyện: khi được chọn giao trọng trách huấn luyện thế hệ tương lai, chúng ta chỉ là người cộng tác vào công trình của Chúa. Người huấn luyện cũng là con người mang trong mình những yếu đuối, có khi không dám đảm nhận vai trò được giao. Có người tự cao cho mình có đủ khả năng (chủ quan). Đừng quên “nghề” đào tạo rất cao quý, xây dựng những con người, những đền thờ Chúa Thánh Thần - nhưng cũng đòi hỏi vô cùng. Dạy học: cần học để có thể dạy, người huấn luyện là những người phải học nhiều nhất, vì chúng ta không thể cho cái mình không có.
2. Chuẩn bị người đào tạo: tương lai thế hệ trẻ trong dòng phụ thuộc vào các nhà đào tạo, cần chuẩn bị sớm và kỹ cho các nhà đào tạo. Phẩm chất của các thế hệ trẻ tùy thuộc nhiều nơi công tác đào tạo, chúng ta cần tự đào tạo bản thân để đóng góp và công tác đào tạo. Nhiều người trẻ đảm nhận công việc mà làm một mình, cần khiêm tốn học hỏi, càng trẻ càng dám đi hỏi. Có thể được học nhưng thiếu kinh nghiệm, cần mở ra học hỏi, cộng tác và có hệ thống hỗ trợ. Nên có tuổi đời và tuổi tu để làm nhà đào tạo tốt (ngoài 40). Người dốt thường thấy mình đủ, người giỏi càng học càng thấy mình còn thiếu. Chúng ta cần soi sáng trí tuệ nhưng cũng cần giúp biến đổi. muốn hiểu phải tìm, muốn dạy phải học, muốn học phải hỏi. Hệ thấn hỗ trợ càng rộng càng tốt.
3. Giai đoạn đầu của đời tu: cần giúp các em cảm nhận sự hấp dẫn qua cách sống, tương quan của mình, và bầu khí chung. Nên để những chị em tốt nhất cho giai đoạn bán đầu, giúp các em cảm nếm được hương vị tuyệt vời ngay từ đầu mới thực sự mê đời tu. Cần cho các em tiếp xúc đầu tiên với những con người giúp các em say mê Chúa, có những cảm nghiệm sống để sau này thích thú tiến sâu trong đời sống tâm linh. Sức hấp dẫn của ơn gọi nằm trong các nhà đào tạo, “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”….
Đừng coi thường các em trẻ (nghé con), đừng để các em ngày càng héo tàn đi nhưng có sự tăng trưởng. Cần cho các em cái vốn để đứng vững trong cả đời tu. Dạy em cách tự học và đảm nhận trong đức tin những biến cố đời mình.
III. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI TU
1. Đi tu để làm gì? không phải để sửa mình, nhưng là chọn theo và sống với một con người cụ thể: Chúa Giêsu. Cần giúp các em hiểu cái chính yếu của đời tu ngay từ đầu, mục đích của đời tu là Chúa. Khi tìm gặp được Chúa, yêu Chúa thì sẽ biết sửa mình. Có những người thiếu vitamin C: có Chúa trong cuộc đời nỗi sướng vui tuyệt với. Nhà đào tạo không có Chúa làm sao cho các em? Đừng tưởng cứ dưới là ngu, cứ trên là sướng cứ tu là hiền… Có những em ngủ gật một chút, lười một chút không quan trọng, nhưng không gây chia rẽ. Quan trọng không phải thiếu cái nết nhưng thiếu cái tâm, làm những chuyện đụng đến đức ái, các giá trị.
2. Để giúp người trẻ đạt mục tiêu: Nhà đào tạo cần có trái tim của người mẹ và cái tâm của người thầy. Hơn ai hết các nhà đào tạo phải tự luyện kiến thức và nhất là con tim của mình. Cần có kinh nghiệm và sự tín nhiệm để các em cảm nhận được, để giáo dục cần trao hiến cho người khác. Không ai cho nhiều bằng người mẹ, không nghĩ đến bản thân mình. Chỉ như thế mới giúp các em học được gương hy sinh, bớt đi tính ích kỷ. Nhà đào tạo cần có khả năng thích nghi, giúp các em cảm nhận niềm vui: có tâm hồn cởi mở, yêu nghề. Vai trò đào tạo không thể cẩu thả vì in dấu trên tâm hồn các em.
3. Nhưng vấn đề cần lưu ý:
- Nhà đào tạo rất cô đơn và dễ căng thẳng, cần mở ra cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Kẻ trồng người tưới nhưng Chúa cho mọc lên. Chúng ta yếu đuối nhưng có Đấng Bảo trợ. Cần loại bỏ khía cạnh trần tục, siêu hóa những phần trần tục trong mình để các em nhận ra Chúa nơi mình: Ngài phải lớn lên…
- Nhà đào tạo không phải là những nhà hình sự dọa nạt người khác. kẻ nào yếu mới dùng quyền, dọa nạt. Người mạnh chỉ cần một cái nhìn là người khác thay đổi. Mẹ la không bằng cha ngăn một tiếng.
- Người trẻ hôm nay rất mỏng dòn, dễ bị lôi cuốn, sức đề kháng mong manh nhưng hay phản ứng. Chúng ta cần có tâm hồn đào tạo, kiến thức, năng lực, sự nhạy bén của con tim và khả năng thích nghi. Chúng ta như là những bà đỡ, giúp các tâm hồn được sinh ra trong đời sống dâng hiến.
- Nhà đào tạo cần có đức khiêm nhường, vì chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa. Cần khiêm tốn để học hỏi, để tìm sự giúp đỡ của nhiều người, để mở ra cho hệ thống hỗ trợ. Chúng ta hoàn hảo đến mấy cũng không đủ, phải dám mở ra tìm sự giúp đỡ, biết từ chối trọng trách khi thấy mình không thích hợp, biết xin lỗi khi mình có sai sót (đừng cả vú lấp miệng em). Đi tu trước chưa chắc khôn hơn. Khiêm nhường để biết chỗ đứng của mình là phụ, Chúa mới là chính.
Như thế nhà đào tạo trước hết phải theo sát Chúa Giêsu, suy nghĩ theo cách Chúa Giêsu, hành động với sức mạnh của Chúa Giêsu. Cần phán đoán với cái tâm và đào tạo theo phương pháp sư phạm của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần làm việc ở cả hai phía, người huấn luyện và người thụ huấn đều phải để cho Chúa Thánh Thần làm việc. Cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Huấn luyện là một tiến trình hoán cải từ con người tự nhiên đến con người siêu nhiên. Chúng ta cần kiên nhẫn gieo những hạt mầm, không thể có ngay cây cổ thụ. Ngày nay chúng ta còn cần giải độc để gieo và cho các em thời giờ để lớn lên.
Huấn luyện là hoán cải từ 1 Phaolô chém giết Kitô hữu thành 1 tông đồ, từ 1 Augustinô đắm đuối trong các thú vui thành 1 vị thánh… Như người ươm cây giống, chúng ta chăm sóc cho cây mọc lên để đưa ra vườn đời. Đừng chỉ nghĩ đến yếu tố con người mà quên mất yếu tố siêu nhiên và ngược lại chú trọng siêu nhiên bỏ qua nhân bản, nhưng ý thức đó là những con người đi tìm Chúa, cần có cả 2 nhưng bắt đầu từ con người trước. Tu là hiến dâng, cần giúp các em nhận ra mình là những con người có giá trị, những món quà Chúa yêu thích (không phải thành công bên ngoài). Nẻo đường nên thánh đi qua sự trưởng thành, không thể đi nhanh, không có lối tắt. Không thể xây dựng đời sống thiêng mà không có đời sống nhân bản, phải có mình để dâng mình. Đào tạo cần giúp điều đó trước.
Nhiều tu sĩ trẻ hay mặc cảm dù được học rất nhiều và có nhiều phương tiện. Ra ngoài co mình lại, trong nhà có sự so sánh. Cần giúp các em nhận ra giá trị duy nhất của các em trước mặt Chúa, không ngó qua ngó lại, so sánh với người khác. Chúng ta muốn đời tu của các em mang hình hài nào? Sức sống của chúng ta lấy từ đâu? Tu mà không triểu nở, không có sức sống làm sao tiếp tục, cần có khả năng biến hóa sự dữ nên sự lành là khả năng của người trưởng thành. Mọi sự sinh ích lợi cho người yêu mến Chúa, cần giúp các em đảm nhận được những khó khăn của cuộc đời, biến khó khăn nên sức mạnh, có nội lực, những bất lợi là giá trị cho đời sống tâm linh. Đó là một kỹ năng quan trọng “xài lai rai” suốt đời. Đời tu không là màu hồng, thiên đàng dưới thế, cần nhìn vào thực tế và biết mình có khả năng đảm nhận. Khả năng của đất là không từ chối điều gì, thâu nhận tất cả và biến nên những của ăn, những giá trị cho loài khác sinh hoa trái.
Đời tu chính là để trở nên những con người sống động. Hạnh phúc đời tu được làm nên từ những thánh giá, chắt lọc từ những nỗi đau như viên ngọc trong lòng con trai : vết thương lòng qua năm tháng hóa ngọc châu. Cần giúp các em biến khó khăn nên sức mạnh, nhận ra đó là lúc Chúa đang huấn luyện mình, vì càng đau khổ ta càng cầu nguyện sốt sắng và gần Chúa hơn. Người ngoài khuyên đi tu cho sướng vì họ chưa tu nên không biết.
Ngoài nhân bản chúng ta cần gieo những mầm thánh. Nhà đào tạo phải chăm chút trồng người và đào luyện thiêng liêng, cần nâng niu nhẹ nhàng vì là mầm. Tu là học yêu nhưng có khi chúng ta quá hình sự, dùng “biện pháp răn đe…”. Cần giúp các em nhận ra mình có giá trị bằng những ngôn từ đẹp, tránh những ngôn từ bạo lực thiếu chất Ki-tô. Trong thực tế: nhiều chị em chưa được chuẩn bị để làm nhà đào tạo. Không ai được chuẩn bị 100% nhưng chúng ta luôn cần học để làm. Xã hội này chưa dạy cho người ta điều tốt, họ cần dẫn dắt nhưng không chịu đưa tay cho người khác dẫn, có đưa tay họ cũng không cầm. Giới trẻ thấy họ đủ rồi, thiếu mà không biết mình thiếu (ếch ngồi đáy giếng). Xã hội rất tự tin và tự mãn về mình: có kiến thức, tự do, ước mơ nhưng chỉ ở mặt nổi, thiếu rễ ở bề sâu. Nhà đào tạo cần khai phá, giúp các em hiểu và nhất là cho các em chiều sâu, có khả năng dung hòa giữa cái tôi và chúng ta.
Đời tu là đi tìm Chúa. Chúng ta không lấy gì làm hơn Đức Kitô. Đây là thách đố ưu tiên và quan trọng nhất. Tu là chọn 1 người. Không thể sống mà không yêu. Nếu nói tu là nhịn nhục, là sửa mình, là phục vụ người nghèo thì người lập gia đình hy sinh chịu khó hơn, nhà xã hội phục vụ người nghèo tốt hơn. Sứ vụ là hệ quả của việc theo Đức Kitô, vì muốn theo Người mà tôi sửa mình và phục vụ. Tu không phải là một nếp sống luân lý nhưng là đi vào mối tương quan với Chúa...
Đời sống thiêng liêng là gì?
Chúng ta đểu biết con ốc mượn hồn: Hồn của tôm cua nhưng xác là ốc. Trong kinh thánh cũng có chuyện mượn hồn “Tôi sống nhưng không phải tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi”: hồn của Đức Kitô sống trong xác của Phaolô. Chúng ta cũng cần để cho Chúa Giêsu mượn thân xác mình, để Chúa dùng mình, chiếm ngự mình. Điều này không dễ vì chúng ta phải phần đấu cả đời để bỏ bớt cái tôi.
Các thánh là những người cho Chúa sử dụng, trở nên những người mượn hồn, mặc lấy tâm tình của Đức Kitô. Phao-lô nói anh em hãy từ bỏ những tâm tình ám muội mà mang lấy những tâm tình của Đức Kitô. Chúng ta hãy cho Chúa mượn con tim của mình để yêu, con mắt của mình để nhìn, bàn tay của mình để phục vụ. Chúa Giêsu nói với Phêrô khi còn trẻ muốn đi đâu thì đi, khi về già để cho người khác thắt lưng và lôi đi nơi người không muốn: xác của Phêrô nhưng hồn không còn là của ông. Phép lạ xảy ra, xác Phêrô không làm được nhưng Chúa Giêsu trong ông thực hiện.
Đời tu là ý thức mình không làm nhưng để Chúa làm qua mình, nói cách khác vì tin vào danh Chúa Giêsu mà lời nói của Phêrô có giá trị, để cho Chúa mượn bàn tay của mình xoa dịu những bất hạnh của con người, mượn bàn chân để đi đến với mọi người.
Sống kết hợp với Chúa là có kinh nghiệm về Chúa, mọi sự đều nên ích cho những ai yêu mến Chúa. Nhưng chúng ta đã yêu Chúa chưa? Cần khơi được trong các em và chính mình lòng khao khát Chúa dù ta chưa yêu Chúa, cần dành chỗ cho Ngài trong ta. Chúa vẫn biết con cần đến Chúa, đó là thái độ khiêm nhường. Đời sống chúng ta đừng quá khô khan. Dường như chúng ta không sống động đủ như những con người đang được yêu, mà buồn như những "cô gái già". Chúng ta quá nghiêm túc, đến mức thiếu sinh khí.
Quan trọng chúng ta phải tạo ra kích thích tố, làm cho các em trẻ muốn tu, muốn sửa. Madalena là hiện thân của 1 linh hồn khao khát Chúa, bà tìm cách gặp cho được Chúa và Chúa cũng bị đánh giá theo. Ngài kết luận rất hay: bà này yêu nhiều nên được tha nhiều. Bà là 1 phụ nữ không ra gì, nhưng sau khi chôn xác Chúa các môn đệ về ngủ còn bà thao thức để ra mồ sớm nhất. Quan trọng là có lòng với Chúa. Khi các thiên thần nói Chúa không còn ở đó các môn đệ đi về còn bà tiếp tục tìm kiếm, để rồi Chúa phải cho gặp…
Điều cần coi chừng trong đời sống tu: chúng ta dễ trở thành những người nghiện việc. ĐHY Thuận nói chúng ta cần phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Đang làm việc rất ngon ngài bị chuyển đi không kịp nói lời từ biệt, nhưng sẵn sàng đi vì vâng lời, rồi tù tội, 9 năm biệt giam cô đơn quẫn trí… Nhưng nhận ra quan trọng là theo Chúa hơn là làm công việc của Chúa. Chúng ta bám vào công việc, vào con người, vào chỗ ở nên khi cần buông bỏ chúng ta đau khổ. Biết bao gian khổ, điều gì làm chúng ta có khả năng vượt qua, chúng ta cần xem lại.
IV. TỰ DO (NHÂN BẢN VÀ NỘI TÂM)
Tự do là điều rất quý nhưng cũng là con dao 2 lưỡi.
Hỡi tù nhân hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi? Chúng ta thu tích những gì và ngủ quên trên những công trình nào? Chúng ta làm những xiềng xích nào để rồi trói buộc mình vĩnh viễn… Chúng ta trở nên nô lệ cho cái tôi. Chúng ta dễ nhân danh tự do để ràng buộc người khác. Cần phân biệt thế nào là tự do thực. Tự do là quà tặng Chúa cho ta, nhưng Chúa cũng quá liều lĩnh. Chúng ta hay nói Chúa thử thách mình quá… Thực sự chúng ta dùng tự do của mình để làm khổ nhau rồi đổ thừa cho Chúa. Lòng tham hoặc sự ích kỷ của nhau gây đau khổ, không phài Chúa.
Thách đố lớn nhất của chúng ta là sử dụng đúng tự do. Tự do là thong dong trong ràng buộc, tự tại trong khổ đau. Chúng ta phải luôn tỉnh thức. Tự do luôn luôn đi với trách nhiệm và luôn phải nghĩ đến người khác. Nếu sử dụng sai tự do chúng ta sẽ đi vào con đường chết.
Nhiều người không phân biệt được giữa dây cương và dây xích: dây xích để trói buộc, dây cương để điều khiển, cũng như quyền bính đi với bổn phận. Chúng ta tự do để ngày càng nên giống Chúa hơn.
Tự do nội tâm: sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương. Tự do thực luôn giải thoát, tự do không cần thêm gì cả nhưng có thể bớt đi. Tự do nằm sâu trong nội tâm con người. Tự do vừa là món quà vừa là liều thuốc độc. Dùng tự do để làm những gì mình thích theo bản năng là nếm hương vị của chiến thắng bằng cách sống theo thú tính…
Thánh Phao-lô: Anh em đừng rập theo đời này. 1Cr 10, 23: Được phép làm mọi sự nhưng không phải mọi sự đều có ích.
Kinh nghiệm tự do của các tu sĩ:
- Một cha dòng Biển Đức ở Đức nhận định: Khi đồng hành tôi luôn cảm thấy đau khổ khi thấy các tu sĩ cố gắng suốt đời để chu toàn bổn phận tu hành mà không được tiếp xúc với các chân lý nội tâm, họ phải làm sao cho đẹp mặt và chu toàn để có sự kiêng nể của người khác và không ai chê trách. Lộ trình đó không đưa tới chân trời tự do mà đưa tới ảo tưởng, chỉ đáp ứng chờ mong của người khác và giữ luật để thể hiện chính mình. Họ đi qua cuộc đời nhưng trái tim trống vắng…
- Một nữ tu luôn tỏ ra trung thành với đời sống cầu nguyện hàng ngày nhưng điều đó không cung cấp cho chị sức sống. Chị làm nhiều việc đạo dức nhưng không vì vậy mà có lòng đạo đức, không đi vào tương quan với Thiên Chúa. Giữ luật đúng đắn nhưng cả đời chị không bao giờ hạnh phúc, không qui về Chúa và dâng cho Chúa, không buông thác cho Chúa nhưng bám chặt vào chính mình. Thay vì sinh hoa kết trái chị tìm an toàn và thành tích nhưng lòng luôn trống rỗng. Chị tìm sự nhìn nhận của người khác, hành động của chị do động lực của nỗi sợ thay vì xác tín vào tương quan với Chúa. Chị chỉ thấy cuộc đời nhạt nhẽo vô vị…
Câu hỏi thảo luận
1. Với tôi, đâu là điểm khó khăn và cản trở trong việc đạt tới sự tự do nội tâm?
2. Đâu là những vấn đề nổi cộm mà các cha, thầy, chị giáo hay bề trên gặp phải trong công tác đào tạo hoặc điều hành của mình? [Xin nhìn vấn đề ở cả 2 phía người thụ huấn và nhà huấn luyện].
Sau thời gian thảo luận, 20 tổ đã đúc kết các nội dung chia sẻ và Sơ thuyết trình viên nêu ý kiến cuối. Sơ nói:
Chúng ta thiện chí nhưng thiên về hình thức, thích bề ngoài hoành tráng mà quên giá trị đích thực. Có ảnh hưởng của xã hội nhưng quan trọng cần giúp các em biết mình muốn gì, và muốn thì phải dám chọn, chọn phải dám buông. Không thể bắt cá hai tay. Khi có đủ Chúa trong mình thì có thể vượt mọi khó khăn. Cần giúp các em bắt đầu mối tương quan với, nhận ra chỗ đứng của Chúa trong đời mình. Tiêu chuẩn số 1 là các em thiết lập được mối tương quan với Chúa trong đời sống, nhưng vấn đề khác sẽ bớt đi. Ngài phải lớn lên còn tôi nhỏ lại mỗi ngày. Những thứ khác không khó. Chúng ta hay dùng quyền và trách nhiệm mà quên tình thương là dấu ấn quan trọng nhất. Làm sao để trái tim chúng ta đừng vì tu lâu mà khô héo. Cần nhận lấy Chúa Thánh Thần làm bạn đường đồng hành với mỗi chúng ta hàng ngày...
Trước khi cầu nguyện kết thúc, một đại diện các tham dự viên đã cám ơn thuyết trình viên với lòng biết ơn rất chân thành. Ngày thường huấn khép lại, mọi người hẹn gặp lại cho một đề tài mới của ngày thứ hai…
Ghi nhận: Sr. Ngọc Lan, fmm.