Ronald Rolheiser, 2013-08-25
Một kitô hữu thiện tâm đã hỏi Fritz Pearls, nhà tâm lý học lừng danh và can đảm, là liệu ông có được ơn cứu rỗi hay không. Ông trả lời bằng cách nói rằng, tôi vẫn đang cố để tìm xem nên để người ta dùng tôi thế nào đây! Lời vặn lại của ông cũng giống lời của thánh nữ Têrêxa Avila, người đã tuyên bố một khi chúng ta đạt đến đỉnh cao nhất của sự trưởng thành thì chúng ta chỉ còn một câu hỏi là: Tôi sẽ có ích đến đâu? Cả hai đều đúng, và cái nhìn sâu sắc của họ là một đòi hỏi thách thức cần thiết. Chúng ta thường dễ dàng có một quan điểm sai cả về cương vị kitô hữu lẫn sự trưởng thành của con người.
Một khi đã trưởng thành, câu hỏi không được đặt ra trong đời chúng ta là: Tôi phải làm gì để vào thiên đàng? Hay, tôi phải làm gì để không vào hỏa ngục? Điều này không có nghĩa là sự lo lắng về ơn cứu độ của chúng ta không quan trọng, hay thiên đàng và hỏa ngục không có thật, mà vấn đề là động cơ sâu xa nhất của chúng ta là phải làm việc cho người khác chứ không cho bản thân mình. Thiết yếu, nếu chúng ta biết tập trung vào nhu cầu của người khác, thì ơn cứu độ của chúng ta sẽ tự nhiên có. Có thể nói, cả Kinh thánh và những tinh hoa khôn ngoan của nhân loại đều cho rằng chúng ta không nên quá tập trung vào việc giúp đỡ người khác mà quên mất nhu cầu của chính mình, nhưng cả hai, cũng như kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô đều nói việc chăm lo bản thân là nghịch lý vì chính lúc chúng ta cho người khác là lúc chúng ta nhận được những gì cần cho cuộc sống của chính mình.
Vì thế mối bận tâm tiên quyết của chúng ta là không nên đặt những loại câu hỏi: Liệu tôi có được cứu độ hay không? Hay thậm chí cả câu: “Liệu tôi có thấy Chúa Giêsu là đấng cứu độ riêng của tôi hay không?” Một lần nữa, cần phải thẩm định lại điều này: Đối với kitô hữu, mối liên hệ riêng tư và xúc cảm với Chúa không phải là điều không quan trọng hay có thể bỏ qua. Thật vậy, trong Tin Mừng, đặc biệt trong Tin mừng thánh Gioan, một mối liên hệ sâu đậm, xúc cảm, và riêng tư với Chúa Giêsu là trọng tâm và mục đích của vai trò môn đệ của kitô hữu. Xét cho cùng, chúng ta không phát triển mối liên hệ với Chúa Giêsu để có được năng lượng và kim chỉ nam đúng đắn để từ đó giúp đỡ người khác, dù nó ở trong mối liên hệ này. Nhưng đúng hơn, chúng ta phát triển mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu vì cùng đích của nó là lý do tối hậu để chúng ta trở nên kitô hữu.
Truyền thống giữ đạo của các phái Phúc âm và Công giáo La Mã đã xác nhận điều này là đúng. Không có gì hơn được mối liên hệ riêng tư và đầy xúc cảm với Chúa Giêsu và nếu không có mối liên hệ đó thì quả thật, chúng ta không phải là môn đệ đích thật của Chúa Kitô nữa. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã làm nhẹ bớt cách hiểu chính thống cực đoan hay sùng đạo phiến diện của vấn đề này khi Ngài gắn tình yêu mật thiết đối với Ngài và việc yêu tha nhân tóm gọn trong điều răn: Kính mến Đức Chúa Trời và yêu người như mình vậy. Nói đơn giản là qua việc giúp người là chúng ta đã yêu mến Chúa. Cương vị môn đệ kitô hữu không bao giờ hướng về mối quan hệ duy nhất giữa Chúa Giêsu và bản thân, cho dù luôn luôn phải là như thế.
Có một sinh viên hỏi một linh mục bạn của tôi đang dạy ở một đại học đời: “Có bao giờ cha gặp Chúa Giêsu Kitô chưa?” Câu trả lời của cha, chắc chắn có một chút gì đó mệt mỏi: “Có, tôi đã gặp Chúa Giêsu Kitô, cuộc gặp gỡ này đã làm cuộc đời tôi đảo lộn! Có những lúc tôi ước mình chưa từng gặp Ngài!” Trong câu trả lời có vẻ bất kính gói gọn rất đúng những điểm quan trọng, rằng việc gặp gỡ Chúa Giêsu là một cái gì đó cao hơn cuộc gặp gỡ riêng tư, lãng mạn, đầy xúc cảm và an toàn với Ngài, và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thì cao hơn là cảm nhận riêng tư trong linh hồn thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và bảo bọc.
Một phần không thể nhân nhượng trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu chính là việc được sai đi, và không chỉ ra đi tìm con đường thiêng liêng cho riêng mình hay cho mục vụ cá nhân của mình. Sai đi này là được mời gọi vào cộng đoàn, vào giáo hội, và được sai đi cùng với người khác, “mỗi hai người”, để, nói theo ẩn dụ của Nikos Kazantzakis là, “bước theo bước chân đầm đìa máu của Chúa Kitô”, nghĩa là bước đi trong hỗn loạn và thất bại, hiểu lầm và đóng đinh, bối rối và mệt mỏi, bước đi trong bóng tối và dường như Thiên Chúa thì chỉ câm nín, đôi khi lòng dậy lên hoài nghi rằng liệu mình có tìm được một tảng đá gối đầu hay không. Sự thân thiết với Chúa Giêsu gần như không giống gì với sự thân mật trong các phim Hollywood hay trong sách thiêng liêng cá nhân cả. Sự thân thiết này đúng ra gần giống với sự thân thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha khi ngài quyết về Giêrusalem, dù các môn đệ ngăn cản, chấp nhận tất cả mọi khó khăn mà Ngài biết đang chờ sẵn cho mình. Các đội tiên phong của Dòng Tên tóm gọn cương vị môn đệ của mình trong câu này: “Tan nát vì sự sống!” Lời này đã tóm gọn tuyệt vời cả sự thân thiết và ý nghĩa của sự thân thiết.
Thánh Têrêxa Avila đã nói chúng ta trưởng thành trên con đường theo Chúa nếu những hoài nghi và bận tâm của chúng ta không còn quy hướng về mình nữa: Liệu tôi có được cứu độ hay không? Có bao giờ tôi gặp Chúa Giêsu Kitô chưa? Tôi có yêu Chúa Giêsu cho đủ hay không? Những câu hỏi này vẫn luôn có giá trị, nhưng chúng không là trọng tâm của chúng ta. Những câu hỏi thật sự của chúng ta phải là: Tôi sẽ có ích đến đâu?
Fritz Pearls đã họa lại câu này cách đơn giản nhưng sinh động hơn như sau: Người ta sẽ dùng tôi như thế nào đây? Suốt cuộc đời trưởng thành của chúng ta, câu hỏi trên phải lấn át câu hỏi: Liệu tôi có được cứu độ hay không?
J.B. Thái Hòa dịch