Chương 7: thiết lập các giai đoạn hướng đến thành công

Khi chúng ta bắt đầu một việc gì, thì chúng ta đừng cố gắng chặn mọi người lại và cố yêu cầu mọi người thay đổi hướng đi một cách đột ngột. Chúng ta phải bước đi cùng với họ theo hướng họ đang đi trong một khoảng thời gian. Rồi sau khi chúng ta đã thiết lập tương quan với họ rồi thì lúc ấy chúng ta đề nghị thay đổi hướng đi...

Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn

Chương 7: thiết lập các giai đoạn hướng đến thành công

Hoạch Định Một Khởi Đầu Tốt Đẹp

Khởi đầu thì thường khó khăn. Bản thân bạn thì mới làm công việc đó; những người xung quanh thì để ý xem bạn sẽ làm được gì; và bạn cảm thấy không dễ dàng và an toàn cho lắm. Trong hoàn cảnh đó thì một số người cố che đậy cảm giác trống vắng đó bằng cách “tả xung hữu đột”. Cách này thường khiến mọi người thêm buồn chán và bạn sẽ phải dành thời gian để thoát khỏi vị thế kiểu đó trong vài tháng tới.

Lorne Sanny kể về một bài học mà anh ấy đã học được khi điều hành một trung tâm dịch vụ quân đội ở Nam California. Khi mới đảm nhiệm vai trò điều hành đó, anh ấy đứng trước trung tâm và phát thư mời cho những quân nhân đi ngang qua và mời họ vào trung tâm. Hầu hết mọi người đều bỏ đi qua. Thế là anh ấy nảy ra một ý tưởng. Anh ấy đi lên phía đầu đường cách khoảng vài dãy nhà và cùng đi với những người đang đi trên đường. Anh ấy bắt chuyện với vài người trong số họ và khi họ đi đến gần trung tâm thì anh ấy nhã ý hỏi xem nếu có họ có thể dừng lại ít phút uống tách cà phê và trò chuyện đội chút được không. Thật ngạc nhiên là vài người nhận lời mời của anh ấy.

Khi chúng ta bắt đầu một việc gì, thì chúng ta đừng cố gắng chặn mọi người lại và cố yêu cầu mọi người thay đổi hướng đi một cách đột ngột. Chúng ta phải bước đi cùng với họ theo hướng họ đang đi trong một khoảng thời gian. Rồi sau khi chúng ta đã thiết lập tương quan với họ rồi thì lúc ấy chúng ta đề nghị thay đổi hướng đi. Bằng cách này ý kiến của chúng ta sẽ được lắng nghe và chúng ta nhận được sự đáp trả tích cực.

Thánh Kinh hướng dẫn chúng ta trong việc này theo một cách thức khác lạ. Sa-un không được biết đến như một nhà lãnh đạo tinh thần. Các nhà thuyết giảng trong hội đường và tác giả các sách đều nói đến những thất bại và những thiếu sót của ông. Nhưng bản thân tôi thì bị thúc bách bởi một khởi đầu tốt đẹp mà ông có được với tư cách là một nhà lãnh đạo và bởi sự khôn ngoan mà ông thể hiện. Chúng ta có thể học một bài học quan trọng từ câu chuyện của ông.

Ông Sa-mu-en triệu tập dân đến với Ðức Chúa ở Mít-pa. Xuất thân từ chi tộc Ben-gia-min, Sa-un đã trúng thăm. “Ông cho chi tộc Ben-gia-min tiến đến theo thị tộc, và thị tộc Mát-ri trúng thăm. Rồi ông Sa-un con ông Kít trúng thăm. Họ tìm ông mà không thấy. Họ lại thỉnh ý Ðức Chúa: ‘Thưa còn người nào đến đây nữa không?’ Ðức Chúa trả lời: ‘Nó đây này, nó đang lẩn trốn trong đống hành lý.’” (1 Sm 10: 21-22). Rõ ràng làm Sa-un không cố dành lấy vị trí lãnh đạo đó hoặc không cố vươn lên dành lấy nó. Ông đã kiềm chế và kiểm soát bản thân khi vài người chế nhạo ông. “Nhưng có những tên vô lại đã nói: ‘Làm sao hắn cứu chúng ta được?’ Chúng coi thường ông và không đem quà biếu ông. Nhưng ông làm như không nghe thấy.” (1 Sm 10:27)

Thời gian sau đó một tình huống khác xảy đến và một hành động khôn ngoan của nhà lãnh đạo thì thật cần thiết lúc này. Người Am-mon muốn chọc thủng mắt phải dân Gia-vết và bắt họ làm nô lệ nếu không họ sẽ bị tấn công. Trong chiến tranh thời đó, cái khiên lớn che tầm nhìn mắt trái; vì vậy việc mất mắt phải sẽ khiến cho người lính dường như là mù loà khi chiến đấu. Họ vẫn có thể chăn cừu, trồng trọt, nhưng khả năng tự vệ thì không còn.

Trong khi đó thì Sa-un đã quay về trang trại mình và chăn cừu. Đối với tôi điều này thể hiện rất rõ về con người này. Ông là người đã được xức dầu để trở thành vua của Ít-ra-en, nhưng ông không cố thể hiện quyền lực của một vị vua. Ông trở về với đàn cừu của mình. Tất nhiên ông vẫn đang chuẩn bị đón nhận những tình huống xảy đến mà ông cần phải giúp dân mình. Ông chờ đợi cho đến khi trách nhiệm mới của ông phù hợp với một nhu cầu cụ thể. Làm như vậy dân chúng sẽ tán dương vai trò lãnh đạo của ông và vui vẻ theo ông.

Mối đe doạ của người Am-mon là tình huống cụ thể xảy đến. Khi Sa-un nghe về hoàn cảnh của dân mình ông đã tập họp binh lính để đến giúp nhu cầu cụ thể này. Dân chúng tụ tập, đồng lòng đồng trí. Trong trận chiến đó quân của Sa-un đã đánh bại quân Am-mon.

Sau khi được giải thoát khỏi quân áp bức, dân chúng đã trung thành với Sa-un tới độ họ còn có ý định trả thù những người đã chế nhạo Sa-un trước đó. “Dân nói với ông Sa-mu-en: ‘Ai là người nói: “Sa-un mà lại làm vua cai trị chúng tôi sao’? Các ông hãy nộp chúng cho chúng tôi xử tử” (1 Sm 11:12). Ngay lập tức Sa-un can thiệp vào. “Không ai sẽ bị xử tử hôm nay, vì hôm nay Ðức Chúa đã chiến thắng tại Ít-ra-en.” (1 Sm 11:13).

Hãy để ý là Sa-un không bao giờ tạo sự chú ý vào bản thân ông bằng cách nói “tôi đã làm điều này, điều nọ,” nhưng ông dâng mọi vinh quang từ những thành tựu đạt được cho Thiên Chúa.

Nhờ tố chất này mà dân Ít-ra-en một mực trung thành và tin tường Sa-un. Mọi người sẵn lòng theo ông. Ông đã có một khởi đầu tốt đẹp. Ơn gọi Chúa mời gọi ông là bằng chứng sống động với mọi người. Hành động và những bước đi trong đức tin của ông đã giải thoát dân chúng khỏi những bách hại.

Đây là bài học lớn cho những ai được mời gọi lãnh đạo. Đừng vội vàng trong việc thực hiện nhiều thay đổi. Đừng gấp rút thể hiện cho mọi người thấy ai là cấp trên. Nếu bạn mong muốn thực hiện vài thay đổi, thì trước hết hãy giúp cho mọi người suy nghĩ theo hướng đó đã.

Đây là một bài học khác tôi học từ Lorne Sanny. Anh ấy luôn nhận ra sự việc trước mọi người trong Navigators. Vì vậy anh ấy bắt đầu bằng việc gieo những hạt giống suy tư. Anh ấy thường chia sẻ những ý tưởng hoặc đặt câu hỏi giúp chúng tôi suy nghĩ theo hướng nào đó. Thế là một khi kế hoạch được đề xuất thì một số trong chúng tôi đã nghĩ về nó đủ lâu để cho là đó là ý tưởng của chúng tôi!

Thay đổi thì có thể được thực hiện. Những ý tưởng mới sẽ được đón nhận. Đường hướng mới có thể được nghiên cứu. Nhưng cần thời gian. Người ta thường phản kháng trước thay đổi. Vì thế hãy hoà nhịp với họ, bước đi theo hướng của họ trong một khoảng thời gian, và rồi dần dần hướng họ vào lộ trình mới và hiệu quả hơn.

Chuẩn Bị Trước

Sau khi bạn đã có một khởi đầu tốt thì bạn cần phải thực tập một điều tiếp theo. Đó là chuẩn bị trước cho công việc. Nghĩa là mọi người biết bạn là người có câu trả lời. Khi bạn có một dự án đề xuất hay một lời đề nghị nào đó thì bạn cần phải có sẵn những thông tin liên quan. Bạn cần phải nắm sẽ cần bao nhiêu chi phí, sẽ mất bao lâu. Và bạn phải có khả năng giải thích tại sao đó là một ý kiến hay.

Các nhà lãnh đạo hay học hỏi nơi sách Nơ-khe-mi-a.  Ông Nơ-khe-mi-a, một vị quan cận thần thời xưa của It-ra-en, thường được gọi là nhà lãnh đạo hiệu quả. Ông là người biết cách làm cho công việc được triển khai. Hãy nhìn ông khi hành động để xem chúng ta có thể học nơi ông điều gì trong việc chuẩn bị kỹ cho công việc.

Nơ-khe-mi-a quen sống trong lâu đài đầy tiện nghi, và giữ vị trí là người dâng rượu cho vua. Một ngày kia, ông biết được hoàn cảnh tuyệt vọng của dân của mình ở Giê-ru-sa-lem. “Họ nói với tôi: ‘Ở miền đó, những người sống sót sau thời gian tù đày đang thật là khốn khổ nhục nhằn. Tường thành Giê-ru-sa-lem bị phá đổ, cửa thành bị đốt cháy.’” (Nhm 1:3).

Thiên Chúa động lòng trước tấm lòng của Nơ-khe-mi-a khi nghe tin dữ đó. “Nghe các lời ấy xong, tôi ngồi xuống mà khóc, buồn bã suốt mấy ngày liền như người chịu tang, ăn chay cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa các tầng trời.” (Nhm 1:4). Sau đó không lâu, một ngày nọ khi ông đang làm công việc bổn phận của mình với lòng nặng trĩu về tình cảnh ở Giê-ru-sa-lem, thì nhà vua để ý thấy tâm trạng đau buồn của ông và hỏi “Sao mặt khanh buồn rầu thế? Khanh có đau ốm gì đâu! Hẳn trong lòng phải có chuyện chi buồn lắm!” (Nhm 2:2)

Sau khi nghe được nỗi bận tâm của Nơ-khe-mi-a thì nhà vua hỏi “Vậy khanh muốn gì?” (Nhm 2:4). Điều đầu tiên Nơ-khe-mi-a đã làm là cầu nguyện với Thiên Chúa, và rồi sau đó trả lời câu hỏi của nhà vua. Và câu trả lời của ông cũng rất cụ thể. Ông đã chuẩn bị kỹ. Nếu ông đã không chuẩn bị kỹ trước đó, thì ông đã phải nói vòng vo và có thể đánh mất cơ hội quí báu.

Nơ-khe-mi-a nói:

“Nếu đẹp lòng đức vua và nếu bề tôi của ngài là người vừa ý ngài, thì xin cử thần đi Giu-đa, đến thành có phần mộ của tổ tiên thần để xây dựng lại.”

Lúc ấy có hoàng hậu ngồi bên vua; vua hỏi tôi: “Khanh đi bao lâu? Bao giờ mới trở lại? ” Vua bằng lòng cử tôi đi và tôi xin hẹn với vua một kỳ hạn. Tôi thưa với vua: “Nếu đẹp lòng đức vua, thì xin hạ lệnh cấp chiếu thư cho thần đem tới các trưởng Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, để họ cho phép thần đi qua đó đến tận Giu-đa. Cũng xin một chiếu thư cho ông A-xáp, quản đốc ngự lâm, để ông cấp gỗ cho thần làm khung cửa đồn luỹ ở sát Ðền Thờ, làm tường thành và làm nhà cho thần đến ở.” Vua ban cho tôi như thế, vì bàn tay nhân lành của Thiên Chúa tôi che chở tôi. (Nhm 2: 5-8).

Tôi hy vọng là bạn nhận ra ý nghĩa của khung cảnh đó. Từ những gì chúng ta quan sát trước đó thì rõ ràng là Nơ-khe-mi-a đã quỳ trước Thiên Chúa và dành nhiều thời gian để cầu nguyện về sự việc. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông đã nghĩ kỹ điều ông cần phải thực hiện. Rõ ràng là ông suy tư về câu trả lời cho lời cầu nguyện. Và ông đã sẵn sàng khi cần phải trả lời.

Hãy hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu khi nhà vua hỏi ông cần gì, thì ông trả lời là: “Dạ, tâu bệ hạ, tôi chưa nghĩ nhiều về điều đó. Hạ thần chỉ muốn, nếu bệ hạ cho phép, đích thân mình đến đó, và tất nhiên hạ thần đề xuất một vài ân ban của bệ hạ. Hạ thần có thể đi và suy nghĩ thêm về điều này trong vài ngày được không ạ?”

Nhưng những gì diễn ra thì không phải vậy! Nơ-khe-mi-a đã chuẩn bị trước và biết chính xác dự án cần những gì: các chiếu thư để gởi cho các trưởng vùng bên kia sông; chiếu thư cho quản đốc ngự lâm; sỹ quan và kị binh. Ông ấy đã chuẩn bị trước.

Hoạch Định

Khi bạn nhận một trách nhiệm thì một trong những điều trước tiên bạn nên làm là dành thời gian khám phá sứ mệnh mới của bạn là gì. Theo đề nghị của tôi thì sứ mệnh đó thường được chia làm hai mục tiêu riêng biệt nhưng có liên hệ với nhau. Một là thực hiện công việc để công cuộc của Đức Kitô được triển nở. Hai là nhận ra từng thành viên trong nhóm của bạn có đời sống kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa và trở thành những chi thể hữu hiệu của thân thể Đức Kitô.

Trước hết hãy chia sẻ làm thế nào để mục tiêu làm cho công cuộc của Đức Kitô được triển nở ngang qua công việc của bạn. Việc này có thể được nhìn nhận qua việc thiết lập mục tiêu loan báo Tin Mừng tại địa phương giáo xứ của bạn, đưa Lời Chúa đến với từng ngôi nhà trong thành phố, v.v. Sau đó bạn phải chia mục tiêu đó nhỏ ra thành những công việc có thể thực hiện được và tìm người có khả năng để trao việc. Trao thẩm quyền để họ làm việc và thỉnh thoảng kiểm ta để yên tâm là họ vẫn đang tập trung công việc đó.

Trong công việc của mình chúng tôi sử dụng một bảng kế hoạch bốn bước được gọi là POLE (Plan (Hoạch Định), Organize (Tổ Chức), Lead (Dẫn Dắt) and Evaluate (Lượng Giá). Tất cả những yếu tố này nghe có vẻ khô khan và thuần tuý kỹ thuật trừ phi bạn nghĩ về chúng trong bối cảnh bình thường. Chẳng hạn như bạn và nhóm của bạn quyết định dành sáng thứ bảy để dọn vệ sinh chung quanh nhà thờ. Đó là mục tiêu của bạn. Đó là một ngày đẹp trời vào đầu mùa xuân chứ nếu là sau một đông băng giá thì công việc còn nhiều hơn.

Bạn quyết định gặp nhau lúc 9h sáng và làm việc cho đến trưa. Bạn yêu cầu các thành viên đem theo cái cào, xô, giẻ lau, cọ sơn, chổi, bất cứ vật dụng gì cần cho việc dọn vệ sinh.

Nhóm bạn tập trung, có phút cầu nguyện và cam kết thực hiện công việc dâng cho Chúa. Rồi bạn chia nhỏ công việc thành những việc nhỏ. Joe cùng với vài người phụ trách bãi cỏ. Peter và Hank bắt đầu rửa cửa sổ. Bạn và bốn người nữa lo tầng hầm, dọn vệ sinh và dùng sơn dặm vá chỗ này chỗ kia.

Một giờ sau Joe đến và thông báo là bãi cỏ đã xong, họ đã cào cỏ, cắt tỉa các bụi cây v.v và hỏi ý kiến xem họ có nên xuống khu nhà trẻ để trồng hoa không. Bạn phải bước ra và xem công việc thế nào. Và bạn thấy ngay là nếu nhóm của Joe bắt đầu công việc thêm đó thì họ sẽ không hoàn tất công việc chính, là dọn vệ sinh, vào giờ trưa. Vì thế bạn đề nghị nhóm đó hãy tập trung công việc được phân công ban đầu, và nếu họ hoàn thành sớm thì có thể đảm nhận thêm việc trồng hoa. Joe đồng ý với lời đề nghị đó và qua trở lại việc dọn vệ sinh.

Giờ đây, có một số phương cách khác để bạn có thể làm việc với Joe. Một là nhận ra bạn ấy đang bị chệch hướng và nhắc bạn ấy tuân thủ và thực hiện theo những gì thống nhất ban đầu. Cách này sẽ giúp bạn đạt được hai điều: Thứ nhất, có thể bạn khiến cho nhiệt huyết của Joe trong công việc trở nên nguội lạnh. Thứ hai, có thể bạn đã dập tắc những ý tưởng từ Joe cho công việc tương lai. Sau này, khi bạn cố gắng nghĩ ra cách tốt nhất để loan báo Tin Mừng trong chòm xóm thì Joe sẽ ngại chia sẻ ý tưởng vì sợ bị bẽ mặt.

Khoảng 11h trưa bạn đi lòng vòng kiểm tra xem công việc được thực hiện ra sao. Bạn thấy rõ Peter và Hank chưa rửa xong các cửa sổ trong khi nhóm của bạn có thể hoàn thành công việc trước thời gian quy định. Vì thế bạn điều hai người trong nhóm của bạn sang phụ rửa cửa sổ. Đến giờ trưa toàn nhóm tập hợp lại và chiêm ngắm công việc đã hoàn tất. Sứ vụ được hoàn thành. Các dụng cụ được gom lại và rửa sạch. Tất cả dâng lời cầu nguyện tạ ơn Chúa đã ban cho nhóm một buổi sáng tốt lành, sau đó lên xe về nhà.

Khuôn mẫu hoạch định này phù hợp cho tất cả mọi công việc. Bạn phải suy nghĩ thấu đáo và xây dựng một kế hoạch. Và rồi bạn tổ chức công việc để mọi thành viên trong nhóm đều biết công việc của mình và biết họ báo cáo cho ai. Và nhà lãnh đạo cần phải dẫn dắt. Nhà lãnh đạo phải làm gương mẫu. Họ phải xắn tay áo lên và hành động. Lượng giá định kỳ có thể giúp điều chỉnh trong quá trình triển khai công việc. Khi dự án kết thúc thì thật cần thiết ngồi lại lương giá toàn bộ dự án để nhìn nhận những gì có thể cải tiến. Việc lượng giá như vậy sẽ giúp việc hoạch định tốt hơn trong tương lai.

Bây giờ hãy chọn hai điều và xem xét chúng thấu đáo hơn: Chọn người chủ chốt và sự dấn thân của cá nhân bạn với tư cách là nhà lãnh đạo.

Trước hết, sự chọn lựa. Thợ sơn giỏi nhất chưa hẳn là đội trưởng đội sơn giỏi nhất. Người phụ trách dự án cũng cần phải biết sơn, nhưng ngoài ra anh ta phải là mẫu người truyền cảm hứng cho người khác làm việc tốt nhất và giữ cho tinh thần đồng đội luôn ở mức cao.

Trước khi chọn mười hai tông đồ của mình thì Chúa Giê-su cầu nguyện suốt đêm. “Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ” (Lc 6:12-13). Thánh Phaolô tông đồ nói với Ti-Mô-Thê “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người có khả năng dạy cho người khác.” (2 Tm 2:2). Ngài tìm kiếm những người tin cẩn và có khả năng dạy người khác.

Một điều tôi tìm kiếm là khi một ai đó bắt đầu gọi hoạt động của nhóm là “công việc của chúng ta”, thì rõ ràng người đó tham dự vào công việc. Khi một người mới tham gia vào một nhóm thì anh hay chị ấy phần nào đó như là một khán giả – quan sát những gì đang diễn ra. Sau một thì gian anh hay chị ấy có thể bắt đầu tham dự vào công việc nhiều hơn. Mục tiêu của bạn là dẫn dắt người đó từ một vị thế khán giả thành người tham dự và thành người đóng góp. Bạn sẽ tìm kiếm những người chủ chốt để phụ trách các dự án từ nhóm những người đóng góp.

Hãy cẩn thận chọn người trước khi giao cho họ một nhiệm vụ. Tôi đã học bài học đắc giá về điều này. Thường thì đặt một ai đó vào vị trí lãnh đạo thì dễ dàng hơn việc đưa họ ra khỏi vị trí đó. Thánh Phaolô đã nói “Anh đừng vội đặt tay trên ai” (1 Tm 5:22). Điều này ý nói đến việc phong chức cho các nhà lãnh đạo, và đây là một lời khuyên hay. Phần sau chúng ta sẽ trao đổi vài phẩm chất cần lưu ý khi tìm kiếm người chủ chốt để giúp triển khai công việc trong nhóm.

Bây giờ, hãy nói về sự dấn thân của cá nhân bạn trong công việc bạn đang lãnh đạo. Bạn có nên xắn tay áo lên và bắt đầu làm việc với toàn nhom? Tất nhiên là nên rồi! Việc làm gương luôn có một tác động mà không bao giờ bị cho là thái quá. Thánh Phêrô đã nói với những nhà lãnh đạo Hội Thánh sơ khai “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Ðừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5:2-3). Chúng ta cũng phải “nêu gương” chứ không “lấy quyền mà thống trị.” Các Kitô hữu đã có Chúa ngự trị trong họ rồi.

Hãy dấn thân thực hiện công việc mà bạn mong muốn dẫn dắt những người khác làm. Một lần kia tôi nhận lời dạy một lớp ở trường nhà thờ trong kỳ hè. Một trong những mục tiêu của tôi là tăng sỉ số của lớp học. Tại thời điểm hiện tại có khoảng hai mươi bạn trẻ ở tuổi trung học tham dự đều đặn.

Trong hai, ba Chúa Nhật đầu tiên tôi khuyến khích các học viên mời bạn bè đến lớp trong tuần sau. Nhưng chẳng bạn nào thực hiện cả.  Thế là tôi bắt đầu cầu nguyện. Trong một lần cầu nguyện Thiên Chúa mạc khải cho tôi lý do vì sao chẳng học viên nào mời bạn đến lớp: Vì bản thân tôi đã không thực hiện điều đó.

Tôi bắt đầu nghĩ cách để mời một số bạn trẻ tuổi trung học đến lớp. Một Chúa Nhật nọ tôi đế ý thấy một nhóm phục vụ trẻ tuổi đang đi trong công viên gần nhà thờ, Thiên Chúa cho tôi một ý tưởng.

Chúa Nhật tuần sau vợ tôi, tôi và hai con đi dự lễ sớm hơn nữa tiếng. Chúng tôi đi dạo trong công viên và mời một vài bạn phục vụ trẻ tuổi đến lớp học với chúng tôi. Một người chồng, một người vợ và hai đứa con thì trông có vẻ không có gì nguy hại cả. Vì vậy một vài bạn theo chúng tôi đến lớp. Họ không cần phải làm gì cả. Khi đến lúc cần phải giới thiệu khách mời thì tôi giới thiệu ba hay bốn người đã đến cùng với chúng tôi.

Một vài tuần trôi qua, và rồi một bạn trong lớp đến và hỏi tôi đã tìm đâu ra những khách mời đó. Tôi kể cho bạn ấy nghe hoạt động trước giờ lớp mỗi Chúa Nhật của tôi. Bạn ấy thích thú và xin tham gia hoạt động đó. Chúng tôi gặp nhau Chúa Nhật tuần sau đó, chia ra đi những nơi khác nhau trong công viên và mời được khá nhiều khách. Vài bạn khác trong lớp biết được ý tưởng đó và bắt đầu làm tương tự.

Cuối mùa hè đó, lớp chúng tôi đạt trung bình 180 bạn tham dự mỗi tuần. Tôi học được bài học đơn giản này. Công việc của tôi là dạy học và lãnh đạo các học viên. Việc đó được tóm lược trong Cn 4:11: “Thầy dạy cho con biết lối khôn ngoan, dẫn con đi trên đường ngay nẻo chính.”

Ngoài việc nhìn thấy sứ vụ được hoàn thành thông qua công việc của nhóm, thì mỗi thành viên cũng cần phải có một công việc sâu xa được thực hiện trong đời mình. Bài kiểm chứng thực tế cho tài lãnh đạo của bạn là khi bạn lãnh đạo bạn có phát triển thêm những nhà lãnh đạo khác nữa không. Một trong những mục tiêu tối cao của bạn là việc phát triển tố chất giống như Đức Kitô trong con người của những ai làm việc dưới sự lãnh đạo của bạn. Bởi vì tầm quan trọng của điều này, nên chúng ta sẽ chia sẻ rõ thêm trong chương 11.

Trên đây là vài gợi ý – đã được rút ra từ những bài học xương máu – trong việc bạn khởi đầu công việc thế nào và thực hiện nó ra sao. Tôi tin rằng những gợi ý này sẽ đem lại những gì giá trị cho bạn trong quá trình thăng tiến trong vai trò lãnh đạo thật sự.

Hướng dẫn học cá nhân và tập thể

Ba việc giúp thiết lập các giai đoạn hướng đến thành công trong vai trò lãnh đạo sứ vụ: một khởi đầu tốt đẹp, chuẩn bị trước, hoạch định.

Xây dựng cộng đồng

1. Nếu bạn đón nhận thì nhiệm vụ trong đời sống thực tế của bạn là cùng nhau làm việc để thể hiện sự tán thành cách này hay cách khác (chẳng hạn khen ngợi thư ký, tán thành người chủ trì cuộc họp). Hãy thảo luận về những yếu tố như: ai, khi nào, cách nào, v.v. Khi thảo luận xong hãy lượng giá qui trình bằng cách dùng mô hình POLE mà Eims đã gợi ý.

2. Hãy thảo luận khái niệm “thành công” trong sứ vụ. Khi lượng giá thành công của sứ vụ thì bạn để ý đến những điều gì?

Câu hỏi khám phá

1. Tại sao hoạch định cho một khởi đầu tốt lại quan trọng đối với sứ vụ? Một khởi đầu tốt có những đặc tính gì?

2. Nhà lãnh đạo nên làm gì nếu họ khởi đầu chưa đúng?

3. Eims đã kể về câu chuyện của vua Sa-un, bạn đã bao giờ lẫn tránh vai trò lãnh đạo bằng cách lẫn trốn “trong đóng hành lý” như Sa-un chưa?

4. Eims cũng chia sẻ là sau khi được chọn làm lãnh đạo thì “đừng” vội vàng trong việc thực hiện nhiều thay đổi. Nếu bạn dấn thân vào lãnh đạo một sứ vụ đang có nhiều xáo trộn thì làm cách nào bạn quyết định khi nào nên kiên nhẫn, khi nào nên hành động?

5. Bạn được đánh động điều gì nhất trong câu chuyện của Nơ-khe-mi-a?

6. Đã có khi nào bạn đánh mất một cơ hội vì bạn đã chuẩn bị chưa tốt? Trái lại, đã có lúc nào bạn tận dụng được một cơ hội vì bạn đã chuẩn bị tốt?

7. Trong mô hình bốn bước POLE thì bạn có thế mạnh ở bước nào nhất? Bạn yếu nhất ở bước nào? Hãy mô tả khi bạn thể hiện thế mạnh và điểm yếu đó

8. Khi tìm kiếm nhân sự cốt cán để cộng tác trong sứ vụ thì bạn tìm kiếm theo tiêu chí gì?

9. Làm cách nào bạn có thể đánh giá một người có đủ năng lực hay không trước khi giao nhiệm vụ quan trọng cho họ?

10. Nếu bạn nhận thấy không có sự phát triển theo chiều hướng trở nên giống Đức Kitô trong những con người mà bạn đang phụ trách thì điều đó có nghĩa gì? Bạn có thể làm gì?

Gợi ý cầu nguyện

Hãy tạ ơn Chúa đã ban cho bạn cơ hội phục vụ ngang qua vai trò lãnh đạo. Hãy cầu xin Ngài giúp bạn hoạch định và đo lường thành công theo tiêu chuẩn của Chúa. Hãy dành những giây phút lắng động để cầu nguyện cho những nhu cầu cụ thể cho vai trò lãnh đạo của bạn.

Những hoạt động khác

1. Hãy học hỏi lời cầu nguyện của Thánh Phaolô và cách Ngài cầu nguyện cho những ai Ngài đang dẫn dắt. Hãy cầu nguyện cho những người đang chung sức trong sứ vụ của bạn và tìm kiếm những phương cách cụ thể để khích lệ họ trở nên giống Đức Kitô hơn.

2. Trong dự án lãnh đạo tiếp theo, hãy áp dụng mô hình POLE và ghi lại xem bạn đã thực hiện từng bước ra sao và kết quả thế nào. Chia sẻ điều đó với nhóm học của bạn.

Bài tập

1. Đọc và học chương 8 và làm bài tập của chương

2. Hãy xem xét bạn đang cảm thấy thế nào trước khối lượng công việc so với lượng thời gian bạn có. Những sách công giáo hay xã hội hay ý tưởng nào ảnh hưởng đến bạn trong việc nhìn nhận này?