Chương 5: Tại sao một số nhà lãnh đạo thì xuất chúng

Làm sao nhà lãnh đạo phát triển tinh thần xuất chúng trong một ngày làm việc khi mà hầu hết mọi việc đều trôi qua một cách bình bình? Câu trả lời là: họ phải bắt đầu bằng chính Thiên Chúa. Họ phải chiêm ngắm sự xuất chúng và những đức tính của Thiên Chúa...

Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn

Chương 5: Tại sao một số nhà lãnh đạo thì xuất chúng

Tốt là kẻ thù của tốt nhất. Khi người ta được hỏi về một lớp học hay một chuỗi các cuộc họp hay một sứ vụ tông đồ thì họ rất thườn trả lời “Ừ thì cũng tốt”. Một vài người thì trả lời “Thật tệ!” Dường như đó chỉ là lời an ủi, vì hầu hết các câu trả lời đều thuộc loại xã giao bình thường. Việc bằng lòng với tình trạng hiện tại thể hiện các chương trình đó thật sự có vấn đề. Đặc biệt điều đó rất đúng khi một nhà lãnh đạo biết thực trạng đang rất ảm đạm mà lại bằng lòng với tình trạng đó.

Trái lại, một số việc khác thì rất tốt đẹp. Chương trình mới mẻ và sống động, và những người tham dự vào thì rất hăng hái, có động lực, hiệu suất làm việc cao. Nhìn vào hậu trường, bạn sẽ tìm thấy một nhà lãnh đạo có tố chất mà không thể có nơi một con người bình bình. Anh ấy hay chị ấy là một nhà lãnh đạo xuất chúng.

Xuất chúng

Phẩm chất đầu tiên của nhà lãnh đạo tài ba là tinh thần xuất chúng. Họ là những người nỗ lực cho sự xuất sắc, và họ không thuộc kiểu người bình bình. Nhưng người ta bắt đầu nỗ lực phát triển phẩm chất này từ khi nào? Làm sao nhà lãnh đạo phát triển tinh thần xuất chúng trong một ngày làm việc khi mà hầu hết mọi việc đều trôi qua một cách bình bình? Câu trả lời là: họ phải bắt đầu bằng chính Thiên Chúa. Họ phải chiêm ngắm sự xuất chúng và những đức tính của Thiên Chúa.

· Thánh Danh của Thiên Chúa thì lẫy lừng. “Lạy ÐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao.” (Tv 8:1). “Nào ca tụng thánh danh Ðức Chúa, vì thánh danh Người cao cả vô song, và oai phong vượt quá đất trời.” (Tv 148:13)

· Tình yêu của Thiên Chúa thì cao quý. “Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao! Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.” (Tv 36:8)

· Sự vĩ đại của Thiên Chúa thì tuyệt hảo. “Ha-lê-lui-a! Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa, ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh.” (Tv 150:1)

· Ơn cứu độ của Thiên Chúa thì trọn lành. “Ðây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Ðức Chúa là sức mạnh tôi, là Ðấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó: Hãy tạ ơn Ðức Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Người siêu việt. Ðàn ca lên mừng Ðức Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường.” (Is 12:2-5)

· Công trình của Thiên Chúa thì xuất sắc. “Trời hãy lắng tai, này tôi sắp kể, đất nghe cho tường lời lẽ miệng tôi: Giáo huấn của tôi như giọt mưa thánh thót, lời tôi dạy bảo tựa sương móc nhỏ sa, khác nào mưa rơi trên nội cỏ, giống như nước đổ xuống đồng xanh. Này tôi xưng tụng thánh danh Ðức Chúa, trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ! Người là Núi Ðá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay. Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh.” (Đnl 32: 1-4)

· Đường lối của Thiên Chúa thì toàn thiện. “Ðường lối Thiên Chúa quả là toàn thiện, lời Ðức Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường. Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người.” (2 Sm 22:31)

· Ước muốn của Thiên Chúa thì nhân lành. “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12:1-2)

Còn nhiều đoạn Kinh Thánh khác nói về đề tài này. Hãy lưu ý điều này: Tinh thần xuất chúng trong cuộc sống của một nhà lãnh đạo là sự phản chiếu một trong những đức tính của Thiên Chúa. Thường thì người Kitô hữu hiểu lầm điểm nhấn này và thường đồng hoá điều này với những nỗ lực của con người và những hoài bão của trần thế. Điều đó không đúng! Suốt trong Kinh Thánh chúng ta nhận thấy sự nhấn mạnh không ngừng về việc noi gương Thiên Chúa, trở nên giống Ngài hơn.

Cuối đời, vua David đã nói đến việc xây dựng đền thờ. Vua David nói “Sa-lô-môn con ta còn trẻ người non dạ, và ngôi nhà sắp xây kính Ðức Chúa phải được cả thiên hạ coi là thật nguy nga, lẫy lừng và tráng lệ. Nào ta hãy chuẩn bị cho nó!” Thế là vua Ða-vít chuẩn bị hết sức chu đáo trước khi qua đời” (1 Sb 22:5).

Tại sao vua David cảm nhận mạnh mẽ về điều này và khăng khăng đền thờ của Thiên Chúa phải thật nguy nga? Vì điều đó phản chiếu danh thánh Chúa, đó là tuyệt hảo trên mọi tạo vật. Đoạn Kinh Thánh này là một nhắc nhở cho đích danh các nhà lãnh đạo. Nếu những gì bạn làm là nhân danh Thiên Chúa, hãy đảm bảo là công việc đó xứng đáng với thánh danh, đó nghĩa là sự nguy nga tuyệt vời.

Mong muốn làm việc một cách xuất sắc chính là trở nên giống Đức Kitô. Người ta đã nói về Ngài, “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả” (Mc 7:37). Thật ngạc nhiên khi quan sát một nhà lãnh đạo có niềm tin Kitô, noi gương lòng trắc ẩn và tình yêu của Đức Kitô nhưng hoàn toàn thiếu đức tính xuất chúng của Ngài. Tôi đã từng thấy đề tài chia sẻ “Trở Nên Giống Chúa Giê-su Hơn” trên bảng tin nhà thờ mà lại được thực hiện một cách cẩu thả đến nỗi trở thành một sự cố và hổ thẹn. Thật là nghịch cảnh!

Tôi nhớ đã nghe John Crawford, người đại diện cho The Navigators tại New Zealand trong nhiều năm, kể về một công việc xây dựng mà ông ấy điều hành ở Los Angeles. Lúc ấy The Navigators đang xây dựng văn phòng mới của họ. Công trình gần hoàn thành, và công nhân thì đang làm việc ở cửa sau, nơi mở ra một con hẻm. Dawson Trotman sắp trở về Los Angeles và họ đang gấp rút hoàn tất công trình trước khi ông ấy về đến.

Trotman, nhà sáng lập The Navigators, là con người của chuẩn mực. Vì thế công trình văn phòng được thực hiện trong tâm thế của chuẩn mực. Tuy nhiên, do ít ai đi lại ở cửa sau và cũng vì vội vả nên họ đã hoàn tất nó nữa vời.

Khi Dawson trở về, ông ấy rất phấn khởi chờ xem lối vào văn phòng sẽ ra sao. Ông ấy kiểm tra mọi thứ và hết lời khen ngợi công nhân. Và rồi đến lúc ông ấy trông thấy cửa sau. “John,” ông ấy gọi, “chúng ta cần phải thay cái cửa”.

“Nhưng Daws à, cửa đó chỉ mở ra con hẻm thôi mà”.

“Vâng tôi biết vậy mà John,” Daws trả lời, “nhưng khi chúng ta làm việc cho Chúa, thì cả cửa sau cũng phải tốt như cửa trước.”

Tôi thường vẫn suy nghĩ về câu nói đó và tự hỏi điều gì đã thúc đẩy Daws có suy nghĩ như vậy. Tôi cho là bởi vì ông ấy biết Thiên Chúa nhìn nhận cửa sau cũng theo cách Ngài nhìn nhận cửa trước, cho dù con người không nhìn nhận như vậy.

Thư ký của Dawson kể về sự chuẩn mực ngay cả trong việc chỉnh chu về bìa thư và các lá thư. Các linh mục khắp cả nước gởi thư kể rằng họ cảm thấy bị thúc bách bởi hình thức của những lá thư đến từ The Navigators ra sao. Thậm chí có vài người còn đề cập đến sự chỉnh chu cho những bảng tin của nhà thờ mà họ đang thực hiện, từ đó nâng chuẩn mực về hình ảnh lên rất nhiều.

Trong các khoá hội thảo mùa hè tại Glen Eyrie, trụ sở chính của The Navigators thế giới, thỉnh thoảng vào cuối của tuần làm việc cực lực tôi hỏi một vài người “Đâu là thách đố lớn nhất bạn gặp phải khi làm việc ở đây?” Thường thì câu trả lời là:

“Những người trẻ lau chùi sàn nhà một cách cần mẫn!” / “Tôi ngạc nhiên cách bạn giữ nền nhà” / “Tôi thật sự bị thúc bách khi nhìn cách những người này vệ sinh các cửa sổ trong toà nhà.”

Tầm ảnh hưởng của một con người, người rất chú tâm việc thực hiện công việc một cách xuất sắc vẫn tồn tại lâu sau khi ông ấy đã mất.

Trong dụ ngôn những yến bạc, người tôi tớ giỏi được khen ngợi, còn người tôi tớ lười biếng thì không những bị lấy lại yến bạc mà sự lười biếng của người ấy còn được xem là vô dụng. (xem Mt 25: 14-30). Hãy nhớ lại lời khuyên bảo của Phaolô “Nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:11)

Công trình của Thiên Chúa thể hiện trong đời sống chúng ta ít nhất qua bảy phương cách đem đến tinh thần xuất chúng.

1. Qua việc giúp chúng ta nhận ra yếu đuối của chính mình. “Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. (2 Cr 12:9)

2. Qua lời cầu nguyện của người khác. “Anh Êpápra, người đồng hương với anh em và là tôi tớ của Ðức Kitô Giêsu, gửi lời chào anh em; anh không ngừng chiến đấu cho anh em bằng lời cầu nguyện, để một khi đã trưởng thành và hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự, anh em được đứng vững” (Cl 4:12)

3. Qua người chia sẻ Lời với chúng ta. “Ðêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em” (1 Tx 3:10)

4. Khi chúng ta học Kinh Thánh cho chính mình. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3: 16-17)

5. Qua những khổ đau. “Thiên Chúa, nguồn mọi ân sủng, là Ðấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Ðức Kitô, sẽ cho anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.” (1 Pr 5:10)

6. Qua việc ban cho chúng ta lòng khao khát sự thánh thiện. “Anh em thân mến, vì nắm được những lời hứa ấy, nên chúng ta hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2 Cr 7:1)

7. Qua ao ước đời sống đem lại hoa trái hướng đến trọn lành. “Hạt giống rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành” (Lc 8:14)

Một vài lời cảnh tỉnh cần được vang lên lúc này. Trước hết, chúng ta cần nhận định lại động cơ của mình. Xét theo nghĩa riêng thì xuất chúng không phải là tiêu chuẩn của chúng ta, nhưng trở nên xuất chúng là cho Thiên Chúa.

Tôi đã kết hôn với một người phụ nữ tuyệt vời trong nhiều năm qua. Với sự hỗ thẹn tôi phải thừa nhận rằng nhiều lần tôi đã quên kỹ niệm ngày cưới. Nhưng khi tôi nhớ thì tôi hẳn đã tặng vợ tôi bông hồng. Bây giờ sự thể sẽ như thế nào nếu vào ngày 21 tháng sáu tôi bước vào nhà và nói, “Này, tặng em nè! Nhiều bông hồng lắm! Anh đã tặng em những cánh hoa này trong nhiều năm rồi, và đây là một bó nữa. Vừa kịp lúc đúng không. Anh cảm thấy đó là trách nhiệm anh cần làm, vì thế em nhận đi! Vui nhé!”

Sự việc sẽ diễn tiến thế nào? Trông giống như trao tấm lưu niệm! Nếu tôi trao tặng những cánh bông hồng đơn thuần chỉ do kỹ niệm ngày cưới, thì những cánh bông hồng đó không có ý nghĩa mấy.

Bây giờ hãy hình dung là năm nào đó tôi quên ngày kỹ niệm đó. Ba ngày sau tôi bị thúc bách như chong chóng máy bay trực thăng đang quay rằng ngày kỹ niệm đã tới và đã qua. Tôi vội chạy đến tiệm hoa và mua vội một bó hoa hồng và bước vào nhà với bó hoa sau lưng. Tôi tiến tới chỗ Virginia và nói “Em yêu à, anh tin chắc em biết thiếu sót của anh là gì. Anh không tưởng tượng nỗi sao em lại có thể tỏ ra bình thường với anh như vậy, nhưng anh vui vì em làm vậy. Em yêu, anh muốn tặng em những cánh hoa hồng này, để nói rằng anh yêu em biết dường nào, và mong em tha thứ. Từ đáy lòng mình em có thể thứ lỗi cho anh thêm một lần nữa được không?”

Cho phép tôi hỏi bạn nhé, như vậy thì sự việc sẽ thế nào? Chẳng khác gì món quà là chiếc xe đạp mới trong ngày lễ Giáng sinh! Tại sao? Tôi đã không đúng hẹn, tôi đã quên và tôi đã để nó trôi qua. Trong ví dụ đầu tiên tôi thực hiện điều tốt đẹp đúng thời hạn, nhưng việc đó không được đón nhận. Trong ví dụ thứ hai tôi đã có lỗi về thời gian nhưng những gì tôi làm lại đem lại điều tốt đẹp. Tại sao? Vì động cơ khác nhau.

Điều thứ hai cần lưu ý là đã có một Con Người từng sống và thực hiện tất cả những gì tốt đẹp. Tất nhiên, Con Người đó là Giê-su. Với suy tư đó hãy đọc chậm rãi Thư gởi tín hữu Do Thái 13:2-21 “Thiên Chúa, nguồn mạch bình an, đã đưa ra khỏi cái chết Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên là Ðức Giêsu, Chúa chúng ta, Ðấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu. Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Ðức Giêsu Kitô. Kính dâng Ðức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời.” Tác giả bức thư này đã thiết lập một tiêu chuẩn rõ ràng “ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người!”

Làm thế nào mà con người có thể đạt được tiêu chuẩn đó? “Nhờ Đức Giê-su Kitô!” Nhờ Đức Giê-su Kitô, Con Người duy nhất đã thực hiện mọi sự tốt lành, trong mỗi giây phút trong đời Ngài. Vì vậy niềm hy vọng duy nhất để giúp đạt được tiêu chuẩn xuất chúng giống Đức Kitô là nương tựa hoàn toàn trong vòng tay của Chúa Giê-su và để Ngài sống đời sống của Ngài trong tôi. Bằng mồ hôi, sức lực riêng của mình chúng ta không bao giờ có thể đạt được điều đó. Chỉ “nhờ Đức Giê-su Kitô” mới có thể đạt được.

Ngài là đấng tạo dựng và hoàn tất đức tin của chúng ta, Ngài chờ đợi để gánh vác những thất vọng, thất bại của chúng ta và chuyển chúng thành những thành tựu trong hân hoan, hầu từ đó tôn vinh Thiên Chúa. Đấng vẫn đang thực hiện những điều tốt đẹp vẫn đang chờ đợi để “ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người”.

Tính khởi xướng

Tố chất thứ hai của nhà lãnh đạo thành công là tính khởi xướng. Các nhà lãnh đạo không chờ đợi sự việc xảy đến; họ giúp cho sự việc xảy đến. Họ dấn thân cho hành động. Đó là một lý do mà nhiều người ngại đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo. Họ biết rằng “khi lãnh đạo ban nhạc thì họ phải dấn thân vào âm nhạc”.

Một trong những đặc tính cần thiết của nhà lãnh đạo là họ phải sẵn lòng thực hiện công việc.

Kinh Thánh đề cập nhiều đến những gương điển hình những con người chủ động trong việc hoàn thành mục đích của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ví dụ, vua Đa-vít đã chọn Giô-áp là nguyên soái của mình vì lý do rất rõ ràng. “Vua Ða-vít đã nói: ‘Bất cứ ai là người đầu tiên giết được người Giơ-vút, người ấy sẽ được làm thủ lãnh, làm nguyên soái.’ Ông Giô-áp con bà Xơ-ru-gia là người đầu tiên đã lên được, nên ông đã trở thành thủ lãnh” (1 Sb 11:6). I-sai-a cũng đã bước ra từ một dân để trở thành tiếng nói của Thiên Chúa cho dân chúng thời của ông. “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?’ Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6 :8).

Rõ ràng là tính khởi xướng là một tố chất căn bản của vai trò lãnh đạo. Vào đêm có buổi cầu nguyện giữa tuần thì cơn bão tuyết lớn kéo đến. Một vài người can đảm đi đến nhà thờ, mở cửa ra, bật đèn lên và đợi linh mục tới. Nhưng họ không hề biết rằng xe của vị linh mục bị mắc kẹt vì tuyết và ông đang cố hết sức làm sao cho chiếc xe của mình chạy lại được. Ông mượn cái xẻng để cào tuyết ra. Ông nhờ vài người giúp ông đẩy chiếc xe nhưng tất cả nỗ lực đều vô vọng. Chiếc xe của ông không hề nhúc nhích mà thời gian thì cứ trôi qua.

Trong lúc đó, ở nhà thờ thì người ta đang thắc mắc không biết chuyện gì đang xảy ra với vị linh mục, họ ngồi khắp nhà thờ chờ đợi buổi cầu nguyện. Cuối cùng một người trong số họ đứng lên và đề nghị mọi người hát một hai bài thánh ca trong khi họ chờ đợi. Ông ấy thông báo cho mọi ngưới số trang của sách hát và bắt đầu điều khiển mọi người hát. Trong ví dụ này, việc người đàn ông đó có từng làm ca trưởng chưa không quan trọng; ông ấy chính là nhà lãnh đạo. Có thể ông ấy có thể có hoặc không có kỹ năng. Ông ấy có thể biết hoặc không biết việc hát tập thể đó sẽ ra sao. Bằng một hành động nhỏ là chủ động đứng lên, ông ấy đã thể hiện vai trò lãnh đạo. Ông ấy có thể điều khiển mọi người hát tốt hay không tốt, dù việc hát đó có thế nào thì ông ấy vẫn là người phụ trách. Tính khởi xướng là một trong những trách nhiệm chính của vai trò lãnh đạo.

Tất nhiên, tất cả các Kitô hữu cần phải chủ động trong việc hiến dân đời mình để phục vụ Thiên Chúa. Các nhân vật trong Kinh Thánh, những người chẳng bao giờ được biết đến với vai trò lãnh đạo, lại là những người được Thiên Chúa chúc phúc và sử dụng bởi vì họ phục vụ nhưng không.

Rê-bê-ca trở thành vợ của I-xa-ác và là “mẹ của triệu dân” bởi vì cô đã chủ động phục vụ người quản gia của Ap-ra-ham. Cô xung phong múc nước từ giếng không chỉ cho ông mà còn cho cả lạc đà của ông nữa, một việc ý nghĩa; và hành động đó khiến Thiên Chúa xe duyên cô với I-xa-ác (St 24:14-21).

Một đứa bé đã trở thành tâm điểm của phép lạ vì đứa bé đã bước tới cho đi những gì là bữa trưa của mình để giúp đám đông đang đói được no nê (Ga 6:9-11).

Nhưng hình ảnh điển hình nhất trong Kinh Thánh chính là Thiên Chúa. “Ông Simon đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người” (Cv 15:14). Nếu để dân ngoại chủ động thì chắc họ không đến với Ngài.

Vì thế, Thiên Chúa đã khởi xướng. “Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8). Tính khởi xướng là một đặc tính của Thiên Chúa.

Các nhà lãnh đạo phải luôn thực hiện những khởi xướng theo nhiều phương cách: Phương cách thứ nhất như đã đề nghị, là khía cạnh phục vụ. Thánh Phaolô tông đồ thể hiện điều này rất sống động. Con tàu đưa đưa ông tới Rôma bị trôi dạt đến đảo Man-at. “Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mùa mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông” (Cv 28:2-3). Tại đây Thánh nhân, một người lớn tuổi, lại đi vơ cành khô để đốt lửa sưởi ấm cho những người khác. Chẳng nghi ngờ gì là Thánh nhân cũng mệt mỏi như bao con người kia, nhưng ngài đã chủ động phục vụ người khác, cũng giống như Đức Kitô đã từng làm khi trong cuộc đời sứ vụ trần gian của Ngài.

Mark Sulcer, một người phụ trách lớp Kinh Thánh cho lứa tuổi thiếu niên trong thành phố chúng tôi, dấn thân hết mình. Bằng xe của mình anh đưa các em đi đến hết nhà thờ này tới nhà thờ khác, hết trường nọ đến trường kia. Anh theo sát việc học Kinh Thánh của các em. Mark luôn dành thời gian cho các em bất luận ngày hay đêm. Tôi có thể nhận ra rằng bọn trẻ chưa từng có người phụ trách nào như vậy và chúng có ấn tượng rất tốt về anh.

Khi Giáng Sinh sắp đến, hai bạn trẻ cùng bàn luận với nhau để chuẩn bị một món quà ngạc nhiên cho Mark. Không cho ai biết ý định đó, hai cô bé đi siêu thị để sắp xếp mọi chuyện. Vào tối đêm vọng Giáng sinh, chúng trao cho Mark món quà. Anh mở hộp quà ra và thấy một chiếc cúp bằng bạc có khắc dòng chữ: “Thân tặng người phục vụ vĩ đại thứ hai trên thế giới”.

Cuộc sống và gương mẫu của Mark đã sinh hoa kết trái, và sự thăng tiến của bọn trẻ là bằng chứng cho điều đó. Tính khởi xướng của anh đã được đền đáp.

Phương cách thứ hai để thực hiện những khởi xướng là đi bước trước trong việc hoà giải. Có hai đoạn Kinh Thánh đề ra những hướng dẫn rất rõ trong khía cạnh này. “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5: 23-24). “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18:15). Nếu bạn có lỗi với anh chị em của mình và Thiên Chúa nhắc nhở mình về lỗi phạm đó thì bạn nên chủ động đến gặp người anh em để xin thứ lỗi. Trái lại, nếu một ai đó mắc lỗi với bạn thì bạn vẫn nên chủ động đến với người đó để nói về lỗi phạm đó để rồi bỏ qua. Trong cả hai trường hợp, bạn cần chủ động đi bước trước.

Tất nhiên, điều này là điều khó thực hiện nhất trên thế giới. Và càng khó hơn đối với nhà lãnh đạo. Nhiều nhà truyền giáo kể cho tôi nghe họ đã phải chiến đấu với điều này thế nào khi dấn thân trong sứ vụ. Tính tự kiêu là rào cản lớn nhất. Khi họ sẵn lòng gạt bỏ tính tự kiêu của bản thân và chủ động thì Thiên Chúa ban cho họ niềm vui, sự giải thoát và chúc phúc cho họ trong hoàn cảnh đó.

Một trong những mưu mô của ma quỷ là khiến cho nhà lãnh đạo nghĩ rằng nếu họ khiêm nhường và đến gặp một người thừa cấp để xin tha thứ hoặc hoà giải việc gì, thì người thừa cấp đó sẽ xem thường họ. Chẳng gì cao quý hơn sự thật. Chính qua hành động rất đáng trân trọng đó mà nhà lãnh đạo thể hiện con người mình tốt nhất, và người khác sẽ nhận ra điều đó. Thường thì khi làm vậy nhà lãnh đạo sẽ thắng trong việc có những thừa cấp trung thành, những người bạn tốt, những cộng sự đáng tin trong công việc.

Phương cách thứ ba để thực hiện những khởi xướng là trau dồi hiểu biết. “Ý định lòng người tựa nước sâu thăm thẳm, người hiểu biết mới kín múc được.” (Cn 20:5). Niềm vui của nhà lãnh đạo thì đa dạng và không thể mong chờ nhà lãnh đạo có thể biết hết mọi thứ. Vì thế nhà lãnh đạo cần phải học hỏi nơi những Kitô hữu hiểu biết rộng.

Một lần nữa, tình tự kiêu lại cản lối. Tôi nhớ đến một sự việc xảy đến trong đời tôi khi tính tự kiêu cản lối. Tôi được chuyển từ một sứ vụ về công việc đại trụ sở chính. Tôi đã không dành nhiều thời gian để tìm hiểu tình hình trước khi nhận công việc vì vậy tôi không rõ lắm thực trạng thế nào. Khi trao đổi công việc trong uỷ ban làm việc tôi nhận ra mình không nắm rõ về những gì đang trao đổi. Nhưng tôi chần chừ trong việc thừa nhận về điều đó và chần chừ đặt câu hỏi. Tôi cho là mọi người mong đợi sự uyên bác nơi tôi. Thế là tôi nhận ra rằng bắt đầu đặt câu hỏi càng lộ ra mình chẳng biết gì cả. Vì vậy là tôi cứ tiếp tục trong tâm thế phớt lờ đi.

Thêm ví dụ nữa, lúc này lúc kia tôi được mời tham gia họp với uỷ ban tài chính. Sau nhiều tháng tôi mới khám phá ra là khi họ nói đến I.R.S thì họ ý nói đến những người có thuế thu nhập! Bạn có thể hình dung việc tôi tham gia vào uỷ ban này có lợi không. Nếu mấy tháng trước tôi gạt bỏ tính tự kiêu của mình và chủ động hỏi những câu hỏi về những từ viết tắc thì có lẻ tôi có thể đóng góp công việc chung từ lâu rồi. Các nhà lãnh đạo không nên ứng xử giống như tôi đã từng. Họ cần phải tích cực tìm hiểu thông tin họ cần để thực hiện công việc tốt hơn. Họ phải đặt câu hỏi. Họ phải sẵn lòng học hỏi người khác.

Tính khởi xướng được định nghĩa là tinh thần cần có để khởi sự hành động. Làm thế nào để một nhà lãnh đạo có thể có được tinh thần đó? Làm thế nào để một người trở nên người khởi sự hành động? Điều hữu ích nhất mà một nhà lãnh đạo có thể làm là tự đào luyện mình nhìn xa trông rộng. Một nhà lãnh đạo được miêu tả là người thấy nhiều hơn những gì người khác thấy, nhìn xa hơn người khác, và nhìn thấy trước khi người khác nhìn thấy.

Một khi nhà lãnh đạo tự đào luyện mình nhìn xa trông rộng thì sẽ có hai tác động hiệu quả đến công việc của họ. Thứ nhất, điều đó sẽ giúp họ tránh những rắc rối. Họ sẽ tránh được những cám dỗ, cạm bẫy trong quá trình thực hiện công việc. Họ có thể tự hỏi “Nếu chúng ta làm điều này, điều gì sẽ xảy đến? Tiếp đến điều đó sẽ đưa dẫn tới điều gì? Và khi điều đó xảy ra thì nó có đem lại kết quả này không? Chúng ta có mong muốn kết quả đó không? Nếu không thì thậm chí đừng bắt đầu theo hướng đó.” Thứ hai, bằng khả năng nhìn xa trộng rộng các nhà lãnh đạo có thể thiết lập mục tiêu cho họ và cho tập thể của họ. Và rồi họ có thể thấu đáo đề ra những giải pháp tốt nhất để đạt được những mục tiêu đó và bắt đầu khởi xướng những hành động phù hợp.

Tất cả những điều này chỉ có ý nghĩa khi các nhà lãnh đạo kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa thông qua Lời và cầu nguyện hàng ngày (xin tham khảo chương 2). Nếu không thì họ bị những hiểu biết riêng mình đưa dẫn hoặc họ xử dụng sự khôn ngoan trần thế để thiết lập các kế hoạch. Các nhà lãnh đạo cần nhớ rằng sự thật chỉ được tìm thấy nơi Đức Giê-su Kitô. Những sách hay tài liệu quản trị trần thế thì rất hữu ích, tuy nhiên nguồn lực nền tảng của chúng ta là Thiên Chúa. “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25)

Tính sáng tạo

Lý do thứ ba giúp cho nhà lãnh đạo xuất chúng là họ sáng tạo trong công việc. Họ không ngại thử những điều mới và khác lạ. Khi bạn nhìn vào cuộc sống của các môn đệ bạn không thể tìm thấy sự đơn điệu hay cứng nhắc mà đang hình thành trong cuộc sống ngày nay. Có thể qui chiếu với bản tính của Thiên Chúa để thấy được sự khác biệt với bản tính con người.

Để hiểu rõ hơn, Thiên Chúa là Chúa của sự đa dạng và trật tự, trong khi con người thì nỗ lực tuân theo và vô trật tự. Con người đấu tranh để thích nghi. Hãy đi đến bất cứ thành phố nào, nhìn những ngôi nhà được xây dựng trong cùng một thời điểm, tất cả đều hao hao giống nhau. Con người tranh đua để giống người khác trong việc nói năn, ăn mặc, mua sắm. Cũng tương tự, người ta có thể nhận ra thể loại âm nhạc của từng thập kỷ.

Trái lại, khi chiêm ngắm Thiên Chúa và công trình của Ngài thì thấy tươi sáng biết bao. Ngài yêu sự phong phú. Tôi ngỡ ngàng trước sự đa dạng trong sở thú. Cá sấu, hưu cao cổ, voi là bằng chứng cho tình yêu của Chúa trước sự đa dạng. Những loài hoa, các loại chim và chủng loại cây cũng nói lên sự thật đó. Các nhà khoa học nói rằng chẳng có bông tuyết nào giống nhau cả. Khi nhìn nhận tất cả những điều này, thì thật buồn khi công việc chúng ta làm cho Chúa thì khác với việc chính tay Ngài làm. Những công việc tẻ nhạc, những chương trình nhàm chán cứ được thực hiện hết năm này đến năm khác. Nói chung là thiếu sáng tạo, thật đáng buồn.

Tôi ngỡ ngàng trước tính sáng tạo của Thiên Chúa qua những phương cách đáng ngạc nhiên, khác thường và thích thú. Vợ chồng tôi đi tham quan Liên Bang Nga. Khi chúng tôi sắp rời đất nước đó thì chúng tôi được yêu cầu ký giấy xác nhận không đem đồng rúp ra khỏi nước Nga. Chúng tôi được phép giữ ít tiền lẻ để kỹ niệm, nhưng nếu cố đem tiền giấy ra khỏi nước Nga thì bị kết tội tù khổ sai. Chúng tôi qui đổi những đồng rúp mình còn sang tiền đô la và chúng tôi ký giấy cam kết. Chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh và ngồi trong sảnh đợi giờ cất cánh đi Helsinki.

Cuối cùng giờ lên máy bay cũng đến, và chúng tôi xếp hàng để kiểm tra an ninh. Người đàn ông đầu tiên là một du khách người Mỹ to cao, nói năng rất lớn. Sau khi họ kiểm tra hành lý xách tay của ông ấy thì ông ấy đi qua máy soi kim loại, chuông báo động reng lên. Ông ấy bỏ hết đồ trong túi ra và đi lại qua máy soi. Chuông lại reo. Ông ấy cởi giây nịch ra và đi qua máy lần nữa. Chuông lại kêu. Lần này thì ông ấy buồn cười quá nên phá lên cười. Ông ấy cười to đến nỗi cả gian phòng ai cũng đều nghe. Việc chuông reo cứ lập đi lập lại khiến ông ấy càng cười to hơn.

Lúc đó có khoảng bốn mươi người chúng tôi đang đợi để kiểm tra túi xách tay, ví tiền, hành lý xách tay. Còn vị du khách người Mỹ to con, nói năn ồn ào thì đang cởi quần dài và áo để đi qua lại chiếc máy soi kim loại, và tiếng chuông thì kêu liên hồi. Chằng biết lý do gì mà tiếng chuông cứ reo lên. Nhân viên an ninh thì bối rối, đám đông hành khách thì càng buồn cười. Tất cả chúng tôi bế tắc.

Sau những phút rối loạn đó, cuối cùng vợ tôi cũng đứng được vào hàng để đợi kiểm tra ví tiền, cô ấy không hề biết dưới đáy ví có tám đồng rúp! Cô ấy để xót lại ở đó khi qui đổi tiền. Với số tiền đó cô ấy dường như sẽ bị bắt và bị kết tội nghiêm trọng ở Nga. Nhưng sự việc rắc rối nêu trên vẫn tiếp diễn. Người đàn ông vẫn gây ra tiếng chuông reo liên hồi trong khi bản thân ông lại cứ phá lên cười. Giờ máy bay cất cánh bị hoãn lại nhưng đám dông không để ý lắm. Họ chưa bao giờ chứng kiến sự việc này bao giờ. Giống như một cuộc vui vậy. Nhưng các viên chức an ninh thì chẳng thấy vui tí nào. Liên ban Nga rất tự hào về công nghệ của họ nhưng ngay lúc này những du khách Mỹ đang chế nhạo trình độ công nghệ đó.

Cuối cùng viên an ninh la to “Đi đi” trong tâm thế tức giận, thất vọng. Thế là vợ tôi vô tình đem những đồng rúp lên máy bay, một điều bị cấm. Khi chúng tôi đến Helsinki thì cô ấy phát hiện ra số tiền đó và chúng tôi toát mồ hôi. Thế là chúng tôi biết tại sao cái chuông cứ reo lên mà chẳng biết lý do vì sao. Chúa đã nhìn xuống thấy hai đứa con tội nghiệp của mình mắc phải hoàn cảnh bế tắc và Ngài đã giải thoát cho chúng. Một lần nữa Ngài thể hiện tính cải tiến và sáng tạo. Sáng tạo là một phần trong bản tính của Thiên Chúa.

Cách đây không lâu tôi đang ngồi trong văn phòng của chủ tịch tổ chức tín hữu thế giới. Chúng tôi đang thảo luận về công việc của Chúa trên khắp thế giới, thì ông ấy cho tôi xem một bức thư ông mới nhận từ một trong những nhà truyền giáo ông quen biết. Bức thư đầy những tin tức và những chia sẻ về hồng ân của Chúa trong những sứ vụ. Nhưng có một câu khiến nhà lãnh đạo lo lắng. Câu đó là “Chúng tôi theo đuổi cùng một chương trình trong năm năm qua và vẫn sinh hoa trái.” Ông chủ tịch nhìn lên tối và nói, “Nếu quả thật họ đã theo đuổi cùng một chương trình trong năm năm qua thì có lẻ họ không nên làm như vậy. Chắc hẳn phải có cách thức nào tốt hơn chứ!”

Tôi nghĩ nhiều về câu nói đó và tôi thừa nhận là ông ấy đúng. Chắc hẳn phải có cách thức nào tốt hơn! Chắc chắn chúng ta chưa nhắm tới cách tiếp cận tốt nhất để đến với những anh em mất niềm tin anh những người chưa tin. Chắc chắn có cơ hội cải tiến. Chắc chắn Chúa có thể mặc khải những thay đổi và những cách tiếp cận mới hầu có thể gặt hái tốt hơn cho vương quốc của Ngài.

Sự sáng tạo của bốn người mà chúng ta không biết được tên đã đem bạn của họ đến với Đức Giê-su đã thôi thúc tôi.

Người ta tụ tập lại, đông đến nỗi không còn chỗ nữa, cả ngoài cửa cũng không còn…Bấy giờ người ta đem đến cho Ðức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Ðức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2:2-5)

Đây là bốn người có cùng một công việc. Họ có người bạn và muốn đem người bạn đó đến với Chúa Giê-su nhưng họ thấy không thể nào thực hiện điều đó được. Trình thuật có nói “họ không sao khiêng đến gần Người được” Không có cách nào. Đáng ra họ đã phải nói, “Xin lỗi anh bạn, chúng tôi đã cố gắng nhưng không thể.” Nhưng họ đã không nói như vậy. Lòng trắc ẩn và tình yêu dành cho người bạn đó và nhiệt tâm muốn đưa người bạn đến với Chúa Giê-su đã giúp họ có một kế hoạch cực kỳ sáng tạo. Họ dỡ mái nhà và thả người bạn từ mái nhà xuống.

Làm thế nào bạn có được tinh thần sáng tạo? Một phương cách là giữ cho tư tưởng đúng đắn. Luôn tìm kiếm phương cách tốt hơn. Tự đào luyện mình để có suy nghĩ “Việc gì thành công thì rồi nó cũng sẽ lỗi thời.” Duy trì tư duy cởi mở và suy tư. Cầu nguyện cho lòng can đảm và dũng cảm thử những gì mới khi Chúa mặc khải cho bạn.

Nhưng điều chính yếu là sống trong tương quan mật thiết, liên lỉ với Chúa Giê-su. Vì Ngài là đấng sáng tạo. “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.” (Cl 1:16). Mọi vật trong thế giới thiêng liêng vô hình đều được tạo bởi Đức Giê-su Kitô. Mọi vật trong thế giới thể lý hữu hình cũng được tạo bởi Ngài. Vì thế Kinh Thánh nói đến Đức Kitô như là Đấng mà Thiên Chúa đã nhờ Người “mà dựng nên vũ trụ” (Dt 1:2). Bạn có muốn trở thành người sáng tạo không? Nếu có thì bạn phải dành thời gian để kết hiệp với Đấng sáng tạo nhất vũ trụ.

Khi Ngài dấn thân vào trái đất này với tư cách người thầy thì Chúa Giê-su đã khiến bao người gặp Ngài đều ngạc nhiên. Những gì Ngài làm thì khác lạ. Những gì Ngài nói thì khác thường. Tất cả họ đều ngạc nhiên về những gì Ngài giảng dạy. “Các vệ binh trả lời: ‘Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!’” (Ga 7:46). Có người thì than trách là Ngài sống trái ngược với những truyền thống lâu đời của họ. Bạn và tôi thì nhìn nhận lạ và nói “Tạ ơn Chúa vì Ngài đã sống như vậy!”

Cũng giống như Chúa Giê-su, bạn và tôi phải sẵn lòng khai phá vùng đất mới và bước ra khỏi khuôn khổ lâu đời. Khi Thiên Chúa nhìn thấy các nhà lãnh đạo trong công cuộc của Ngài mà có tinh thần và ao ước này thì Ngài đặt tay mình vào đời họ và nói như Ngài đã nói với các tiền nhân “Này Ta sắp làm một việc mới!”

Vậy là có ba điều chúng ta cần phải tìm kiếm nơi Thiên Chúa. Thứ nhất là sự xuất chúng. Phương thế để có được sự xuất chúng, nghĩa là xuất chúng trở thành tiêu chuẩn của chúng ta, là tựa nương vào cánh tay của Chúa Giê-su và để Ngài sống trong đời sống chúng ta. Ngài là Đấng duy nhất “làm mọi sự tốt đẹp.” Thứ hai là tính khởi xướng. Một lần nữa chính Thiên Chúa là gương mẫu điển hình nhất. Hãy học nơi Ngài khi chúng ta mưu cầu thực hiện công việc của Ngài, đó là phương thế hiệu quả nhất chúng ta cần theo đuổi. Thứ ba là tinh thần sáng tạo. Một lần nữa, sự kết hiệp với chính Chúa Giê-su bằng trái tim rộng mở là phương thế tốt nhất để nhận ra tính sáng tạo được triển nở trong đời sống chúng ta bởi Thần Khí của Chúa.

Để trở thành nhà lãnh đạo xuất chúng, chúng ta cần xin Chúa ban cho ý thức về sự xuất chúng, tính khởi xướng và tính sáng tạo. 

 

** Hướng dẫn học cá nhân và tập thể

Xây dựng cng đồng

1. Hãy chọn một nhà lãnh đạo mà ai trong nhóm bạn cũng biết. Và thảo luận xem tố chất nào đã giúp nhà lãnh đạo ấy nổi bậc?

2. Giả dụ bạn là một sinh viên và là nhà lãnh đạo trẻ trong một chuyến đi cắm trại giới trẻ. Bạn sẽ thể hiện sự xuất chúng, tính khởi xướng và tính sáng tạo như thế nào?

Câu hỏi khám phá

1. Khi nhìn thấy tựa đề “Tại Sao Một Số Nhà Lãnh Đạo Lại Xuất Chúng,” thì bạn nghĩ đến những tố chất hay những thành tựu nào?

2. Eims đã chia sẻ “Nếu những gì bạn làm là nhân danh Thiên Chúa, hãy đảm bảo là công việc đó xứng đáng với thánh danh, đó nghĩa là sự nguy nga tuyệt vời.” Ông ấy cũng gọi bảng tin nhà thờ mà lại được thực hiện một cách cẩu thả là “một sự cố và hổ thẹn”. Theo bạn thì sự xuất chúng cần thiết ra sao trong sứ vụ tông đồ?

3. Nhìn lại bảy phương cách để có được sự xuất chúng. Phương cách nào (nếu có) có hiệu quả nhất trong đời sống của bạn như một phương thế giúp bạn tiến đến sự xuất chúng?

4. Eims đã mô tả Đức Giê-su Kitô là “Con Người duy nhất đã thực hiện mọi sự tốt lành, trong mỗi giây phút trong đời Ngài.” Bạn có tin là Chúa Giê-su hẳn phải làm TẤT CẢ MỌI SỰ tốt lành? Hãy giải thích.

5. Một cách thực tế chúng ta có thể “nương tựa hoàn toàn trong vòng tay của Chúa Giê-su” như Eims chia sẻ bằng cách nào?

6. Nếu chúng ta theo đuổi tiêu chuẩn xuất chúng của Đức Kitô thì những nỗ lực của chúng ta phù hợp ở khía cạnh nào?

7. Eims đã định nghĩa tính khởi xướng ra sao? Tính khởi xướng là một đặc tính giống Thiên Chúa theo nghĩa nào?

8. Hãy liệt kê ba cách mà Eims gợi ý thực tập tính khởi xướng. Bạn có thể bổ sung thêm những cách nào khác không?

9. Điều gì khiến cho tính khởi xướng của nhà lãnh đạo là tín hữu khác với tính khởi xướng của những nhà lãnh đạo vô thần?

10. Bạn có thể làm gì để có được tinh thần sáng tạo?

11. Khi chúng ta cố gắng sáng tạo, làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ những phương thức và mục tiêu truyền thống có giá trị?

12. Bạn có nghĩ là việc nhà lãnh đạo là tín hữu quyết định “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo xuất chúng” và làm việc theo định hướng đó thì cũng tốt? Hãy giải thích.

13. Điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà lãnh đạo quá tập trung vào ba đức tính (xuất chúng, khởi xướng và sáng tạo)?

14. Làm thế nào chúng ta biết là chúng ta đang xuất sắc trong sứ vụ của mình hay chưa?

Gợi ý cu nguyện

Hãy cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo và cho bản thân bạn để có thể thăng tiến trong xuất chúng, khởi xướng và sáng tạo hầu vinh danh Chúa. Cảm tạ Chúa vì những việc Ngài làm qua bạn. 

Những hot động khác

1. Hãy chọn một lĩnh vực trong sứ vụ hay công việc của bạn và lượng giá xem bạn đang ở mức độ nào của sự xuất chúng, tính khởi xướng và tính sáng tạo.

2. Hãy theo dõi thông tin đại chúng trong tuần này và tìm kiếm những mẫu gương về xuất chúng, khởi xướng và sáng tạo.

Bài tập

1. Đọc chương 6 và làm bài tập

2. Quyết định sự ảnh hưởng cụ thể mà bạn muốn thực hiện trong sứ vụ của mình.