Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn
Chương 4: Thái độ của nhà lãnh đạo với tha nhân
Như đã giải thích trong chương trước, những hoa trái và thành công của nhà lãnh đạo Kitô hữu phụ thuộc phần lớn vào đời sống nội tâm của họ. Chẳng ai theo những nhà lãnh đạo nào phục vụ bản thân, tự kiêu, lười biếng hoặc đạo đức giả. Bây giờ chúng ta nhìn vào đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo ở một chiều kích khác: thái độ cơ bản của họ với tha nhân.
Thánh Phaolô tông đồ đã nói, “Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” (1 Tm 1:5). Mục đích tối thượng của lời giáo huấn này là hãy thể hiện tình yêu với tha nhân, có lương tâm ngay thẳng trong lòng và lòng tin thật vào Thiên Chúa. Đây chính là nền tảng của đời sống vui tươi (joy)
J-O-Y: Jesus first, Others Second, and Yourself last. (Trước hết là Chúa Giê-su, thứ đến là tha nhân, và cuối cùng là bản thân)
Một Trái Tim Phục Vụ
Chúa Giê-su cho chúng ta thấy tóm lược cơ bản về đời sống của Ngài: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Ngài đến giữa chúng ta như là Người đến để phục vụ “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22:27).
Ngày nay chúng ta không thể phục vụ Thiên Chúa bằng việc đem con vật hiến tế lên đồi, đốt lửa và dâng cho Ngài. Để phục vụ Thiên Chúa chúng ta phải phục vụ nhau, như Chúa Giê-su đã làm. Các nhà lãnh đạo phải hiến dâng đời sống của mình lên bàn thờ Thiên Chúa để được ngọn lửa tình yêu của Chúa đốt bừng lên, hầu phục vụ tha nhân. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Ðức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1 Ga 3:16). Tất nhiên, điều này trái ngược với những gì những nhà lãnh đạo thế tục thể hiện. Vào bất cứ văn phòng công sở nào nhìn vào sơ đồ tổ chức của công sở đó bạn sẽ thấy hình ảnh và tên của nhà lãnh đạo ở bên trên với đường kẻ từ trên xuống dưới. Và trong hầu hết các trường hợp thì nhà lãnh đạo và các vị trí quản lý cấp cao đều đòi hỏi sự phục tục nơi người khác.
Chúa Giê-su đã đến và đảo ngược hướng phục vụ mà không đánh mất đi vai trò lãnh đạo của Ngài. Ngài bảo các môn đệ của mình: “Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mt 20: 25-28).
Những huấn giáo của Đức Kitô là một cách mạng và là điều xa lạ với những người nghe thời của Ngài. Giáo huấn của Ngài về lãnh đạo tiếp tục là một điều không quen thuộc trong thời đại mà người ta phải nỗ lực để leo lên bậc thang danh vọng. Kinh Thánh dạy rằng lãnh đạo là phục vụ. Trong những khoảng khắc thiêng liêng hơn chúng ta nhận ra sự thật về khái niệm này và đáp trả với một thái độ tích cực và dấn thân. Tuy nhiên thách đố xảy đến khi áp dụng điều này trong đời sống hàng ngày. Thật dễ dàng để nói ai đó đem cho bạn một ly trà đá trong ngày nắng oi bức. Nhưng đã bao lâu rồi kể từ lần chúng ta đánh bóng giày cho ai đó, chứ chưa nói tới việc rửa chân cho người đó!
Một tối nọ vợ chồng chúng tôi phục vụ bữa cơm cá cho khoảng hai mươi đàn ông. Vài người trong số đó đi câu ở hồ và đem về bốn mươi con cá hồi. Chúng tôi phục vụ tráng miệng bằng món kem nhà làm. Sau bữa ăn, một người trong số họ đề nghị để họ giúp phần dọn dẹp. Thật tuyệt!
Khi các ông ấy đang chia ra lo việc sắp xếp lại đồ nội thất, lau sàn nhà, đổ rác, rửa chén bác, thì tôi thấy một cảnh tượng khó mà tin nỗi. Một người trong số họ là người ăn nhiều nhất, thưởng thức bữa ăn nhất, đứng dậy rời khỏi chiếc ghế, tiến tới cửa sổ và dấu mình sau rèm cửa. Thật vậy! Ông ấy dấu mình sau rèm cửa!
Sau khi việc dọn dẹp hoàn tất và mọi việc đâu vào đấy thì ông ta bước ra, đi đến chiếc ghế, ngồi xuống và bắt đầu đọc báo. Hãy nhớ lời nói của Chúa Giê-su, “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27). Còn ông bạn này thì làm ngược lại.
Công việc phục vụ thì cần thiết ở khắp nơi. Một vị trí nhỏ dưới ánh đèn sân khấu thì có vẻ hơi chật chội, nhưng trong những nơi khuất luôn có chỗ cho những ai mong muốn phục vụ.
Stephen là người có đức tin vững vàng và đầy uy quyền, kẻ thù của Đức Kitô không thể kháng lại sự khôn ngoan và thần khí mà dựa vào đó ông phát biểu. Ông ấy rất am hiểu Lời Chúa và có dũng khí khi giảng dạy với tính thuyết phục cao. Một ngày nọ các đồ đệ đến hỏi ông có thể phục vụ bàn ăn cho những bà quá người Hy lạp, những người bị lãng quên, không được phát thức ăn không.
Stephen có thể đã nói, “Tôi ư? Phục vụ bàn ăn ư? Rõ ràng là các anh không biết về sự khôn ngoan, uy quyền. đức tin và khả năng giảng thuyết của tôi. Hãy yêu cầu ai khác bình thường mà phục vụ. Tôi tin chắc rằng các anh có thể nhận thấy tôi phù hợp đứng dưới ánh đèn giữa sân khấu hơn.
Nhưng không, tạ ơn Chúa, đó không phải là phản ứng của Stephen. Ông ta hăm hở đứng vào vị trí với sáu người phục vụ khác và phục vụ bàn ăn. Tôi tin chắc đó là lý do chính giúp ông ấy đứng ở vị trí dưới ánh đèn của Chúa qua nhiều thập kỷ. Stephen có thể là một trong những người tử đạo vì Đức Kitô. Không ai thay thế được ông ta.
Kinh Thánh dạy rằng con đường thăng tiến chính là tự hạ “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23:11-12)
Một tinh thần nhạy bén
Thái độ thứ hai của nhà lãnh đạo với tha nhân được miêu tả như một tinh thần nhạy bén. Một lần nữa Chúa Giê-su là một gương mẫu điển hình nhất về điều này cho chúng ta. Hãy quan sát phản ứng của Ngài trước nhu cầu của con người.
Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Ðức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến”. (Mc 8:1-3)
Chúa Giê-su biết nếu bụng đói thì con người chẳng đi được bao xa. Ngài đã nhịn đói bốn mươi đêm ngày trong hoang địa. Ngài không nhìn bao quát đám đông rồi yêu cầu họ tiếp tục hội họp. Ngài có thể đã nói, “Đừng nói việc đói khát với tôi. Tôi biết cơn đói thì như thế nào. Tôi đã từng nhịn đói bốn mươi ngày, và những con người này thì chỉ mới ở đây có ba ngày thôi. Hãy bảo họ đừng than phiền nữa. Chúng ta chỉ mới bắt đầu công việc thôi.”
Đây là sai lầm thường thấy nơi các nhà lãnh đạo. Họ tự đánh giá khả năng của mình và mong chờ mọi người khác cũng phải như họ. Nhưng như vậy là không nên. Nhiều Kitô hữu chân thành có con tim chân thành hướng đến Chúa nhưng lại giới hạn trong khả năng. Họ cần bước chậm một chút và đi con đường đi ngắn hơn. Vì các nhà lãnh đạo có thể làm việc cực lực hơn, có khả năng cầu nguyện hơn, và khát khao Lời Chúa hơn, nên họ thường vượt trội hơn những người xung quanh. Đó là lý do vì sao họ là nhà lãnh đạo.
Vì thế nhà lãnh đạo phải nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân và có lòng trắc ẩn khi tương quan với họ. Một điều mà họ phải làm trên hết mọi việc là biết rõ cá nhân từng người trong số những người mình lãnh đạo.
Một ngày kia con trai tôi đi học về. Tôi kể cho cháu nghe về ngày làm việc của tôi và mọi chuyện xảy ra thế nào. Và rồi cháu kể về ngày học của cháu cho tôi nghe. Cháu nói cháu rất thích một giáo viên kia. Tôi hỏi cháu tại sao.
Cháu trả lời rất đơn sơ, “Bố biết không, cô ấy biết tên con.” Thật thú vị! Cháu chẳng thích giáo viên đó vì khả năng hay học vấn của người đó. Cháu cũng không nói là giáo viên đó nói to rõ hay nhẹ nhàng, dịu dàng hay nghiêm khắc. Giáo viên đó biết tên của Randy. Chỉ có vậy thôi.
Nhưng Thiên Chúa nói với tôi ngang qua các tình huống. Cần nhận ra rằng người ta đang đói. Không chỉ có vậy, các nhà lãnh đạo đúng nghĩa sẽ hiểu rõ tha nhân. Đó là phương cách duy nhất họ có thể làm cho tha nhân và dẫn đưa họ hướng đến những gì có ý nghĩa.
Kinh Thánh dạy một cách rõ ràng rằng chúng ta phải tương quan với con người theo tính cách riêng của họ. “Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người” (1 Tx 5: 14).
Đoạn Kinh Thánh này đề cận đến ba kiểu người. Kiểu người thứ nhất cần được uống nắn lại – người vô kỹ luật.
Người chăn chiên chắc hẳn hiểu khía cạnh này của lãnh đạo, ông ta dành nhiều thời gian để giúp con chiên phá phách khỏi phải lạc lối. “Chúa chọn Ða-vít, người tôi trung, cất nhắc ông, thuở còn là mục tử, cho vời đến, lúc đang giữ bầy chiên, để chăn dắt dân Người là Gia-cóp, và Ít-ra-en sản nghiệp của Người. Ông chăn dắt họ với một lòng liêm chính, tay dẫn đưa khéo léo tài tình.” (Tv 78:70-72)
Có lẽ “người vô kỹ luật” bao gồm cả những ai đối diện với vấn đề hay khó khăn, muốn vứt bỏ mọi thứ và ra đi. Họ có thể ra đi, nhưng họ nhận ra tốt hơn nên ở lại. Có lẽ họ bị ai đó xúc phạm và họ muốn về nhà. Tất nhiên, đây là phản ứng của những người thiếu trưởng thành. Phải ứng xử với những người này bằng cách của trẻ nhỏ. Vì sao? Vì họ là trẻ con. Nhưng thật ra họ cần được giúp đỡ, và nhả lãnh đạo cần sát sao với họ. Cần thật kiên nhẫn và cầu nguyện liên lĩ, mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Kiểu người thứ hai được đề cập là người nhút nhát, hay nói đúng hơn là những người thiếu tự tin, rụt rè. Những người này có xu hướng lo sợ cái bóng của chính họ. Họ cần được dẫn dắt để họ có thể bước đi trong niềm tin, và cuối cùng vững tin trải nghiệm tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa.
Cách giúp đỡ hay nhất đối với những người này là giúp họ nghe được những câu chuyện có thật của những ai đã vượt qua nỗi lo sợ và nhận ra Thiên Chúa luôn trung thành. Thiên Chúa có thể sử dụng những câu chuyện đó để xây dựng lòng can đảm trong đời sống của những ai rụt rè.
Cách đây vài năm một lớp Kinh Thánh cho quý bà tổ chức gặp gỡ tại thành phố của tôi, do bà Morenna Downing chủ sự. Morena đã theo Chúa trong nhiều năm và câu chuyện được lan toả và đức tin sâu xa của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người – trong đó có tôi. Lớp học của bà ấy mở rộng không ngừng và nhờ tài lãnh đạo của Morena mà kết quả lớp học thật đáng nể, họ đã sống chứng tá.
Giờ đây nhiều người tự tin trong đời sống chứng tá của họ. Nhiều người khác rất kie6nn vững cho sự công chính và sự thật, thậm chí trong cả những lúc lối sống đó không được cho là bình thường. Hoa trái là khá nhiều người gặp được Đấng Cứu Thế ngang qua đời sống của những quý bà này. Morena đã thật sự tăng sức mạnh cho những con người “thiếu tự tin”.
Harvey Osland là một nhà lãnh đạo thiêng liêng trong thành phố thủ đô của chúng tôi, đời sống của ông được Thiên Chúa chúc phúc. Ngày nay nhiều người cả đàn ông lẫn phụ nữ, những người đã tiếp xúc với ông và được ông đào tạo, đang phục vụ Thiên Chúa khắp nơi trên thế giới. Một trong những điểm mạnh của ông là khả năng truyền cảm hứng cho tha nhân dấn thân cho Chúa.
Một lần nữa, vấn đề không hệ ở những gì Harvey nói nhưng hệ ở việc ông ấy là người thế nào. Ông ấy dâng cho Chúa đời sống, tiền tài, và tất cả những gì ông có. Ông ấy là một trong những con người rộng lượng nhất tôi từng gặp. Tôi đã tiếp xúc với những người tìm thấy được niềm vui của sự trao tặng nhờ gương của ông. Trước khi gặp Harvey họ sợ việc cho đi; họ ngồi trên một núi tiền nhưng rất do dự trong việc bỏ một đồng tiền nhỏ vào giỏ. Khi nhìn thấy cách Harvey sống, họ đã thay đổi hoàn toàn. Ngày nay đời sống của họ được ghi dấu bằng sự hy sinh và sự rộng lượng. Khi biết đến những nhu cầu đặc biệt, họ nghiên cứu kỹ, hành động mạnh mẽ trong đức tin và cảm nghiệm niềm vui của sự trao tặng.
Hãy nhớ rằng “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Những con người từng là nhút nhát, do dự, lưỡng lự trong việc trao tặng lại trở nên những người biết trao tặng một cách mạnh mẻ với niềm vui lớn lao. Làm thế nào mà được như vậy? Khi còn là những con người thiếu tự tin, họ đã được ảnh hưởng bởi đời sống của người mà đã vạch ra hướng đi cho họ. Đời sống và những gì ông là đã truyền cảm hứng cho họ đã tăng thêm sức mạnh cho họ và giúp họ biến đổi.
Kiểu người cuối cùng được đề cập đến là những người yếu đuối. Tôi thiết nghĩ điều này ám chỉ đến những người dù có đức tin nhưng bị ám ảnh bởi những tội lỗi. Hướng dẫn trong Kinh Thánh là “nâng đỡ người yếu đuối”. Một lần nữa đây là những người cần sự quan tâm đặc biệt, tương quan và sự trợ giúp cá nhân. Thường thì những người này sẽ cảm thấy được nâng đỡ khi họ có được cơ hội nói về điểm yếu của họ với người nào đó mà họ tin tưởng, những người mà họ biết sẽ giữ bí mật những chia sẻ của họ. Thật là khó chịu khi biết được câu chuyện bạn chia sẻ với lãnh đạo của mình lại được đem ra bàn tán trong tập thể, cho dù tên nhận vật đã được thay đổi để che đậy lỗi phạm!
Thật ra một Kitô hữu bị ám ảnh bởi một cuộc chiến kéo dài với tội lỗi không có nghĩa là người đó thiếu tiềm năng để Thiên Chúa sử dụng. Dawson Trotman, nhà sáng lập The Navigators, thường kể về cuộc chiến trước những phát ngôn bậy bạ của mình khi còn là một tín hữu trẻ tuổi. Ông ấy quyết tâm bỏ tội ấy, nhưng luôn thất bại hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, nhờ tình yêu bền bỉ và lời cầu nguyện khẩn thiết của một giáo viên lớp giáo lý ngày Chúa Nhật mà ơn Chúa đã giúp ông ấy vượt qua thói quen xấu đó.
Rod Sargent là khí cụ của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, thời trai trẻ ông ấy gặp nhiều khó khăn do tính nghiện rượu của mình. Trước khi biến đổi, ông thường lui tới các quán bar ở Los Angeles và chỉ thức dậy vào sáng hôm sau với cơn nhức đầu như búa bổ và sự trống rỗng kinh hoàng. Ông đến với Đức Kitô nhờ tham gia cộng đoàn tín hữu ở Pasadena, và duy trì sinh hoạt với cộng đoàn đó để học Kinh Thánh và cầu nguyện. Nhưng thỉnh thoảng ông không cưỡng nổi trước cơn cám dỗ đến quán bar uống vài ly.
Đời sống hai mặt đó đã dẫn đến sự việc là cộng đoàn đó không chào đón ông đến sinh hoạt nữa. Tuy vậy, vị lãnh đạo cộng đoàn đó, dù biết sự việc, nhưng vẫn tiếp tục gặp gỡ Rod để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Nhà lãnh đạo đó thực tập lời khuyên trong Kinh Thánh “nâng đỡ người yếu đuối”. Đến hôm nay, Rod là một nhà lãnh đạo thiêng liêng được kính trọng. Người lãnh đạo cộng đoàn mà đã giúp Rod có một tinh thần nhạy bén, biết và đáp ứng nhu cầu của Rod.
Hãy tìm hiểu để biết rõ về những ai bạn đang lãnh đạo. Cần biết ai cần được hung đút ngọn lửa trong họ để họ tiến lên và ai cần được giữ yên tại chỗ. Với những ai có tài năng thì cần trao việc cho họ. Những người khác thì ngại đối diện với những việc vượt ngoài khả năng và năng lực của họ. Nếu được tạo cơ hội liều lĩnh thì họ có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm và yêu cầu hơn khả năng của họ.
Vậy là hai điều này: con tim phục vụ và tinh thần nhạy bén thì rất quan trọng đối với nhà lãnh đạo. Nếu bạn lãnh đạo thì những phẩm chất này phải trở thành một phần cốt yếu trong đời sống của bạn “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1 V 3:9).
** Hướng dẫn học cá nhân và tập thể:
Xây dựng cộng đồng
1. Hãy tưởng tượng bạn là chủ của một nhà hàng cấp trung. Bạn có thể làm gì để thể hiện thái độ phục vụ mà Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta?
2. Bây giờ hãy tưởng tượng công việc của bạn ở nhà hàng đó là nhân viên phục vụ bàn. Bạn có thể làm việc đó với tinh thần phục vụ như thế nào?
Câu hỏi khám phá
1. Đâu là những phản đối mà bạn có hay bạn nghe được về nguyên tắc J-O-Y (Jesus first, Others second, and Yourself last. (Trước hết là Chúa Giê-su, thứ đến là tha nhân, và cuối cùng là bản thân). Điều gì khiến người ta phản đối nguyên tắc này?
2. Trong Thư Gởi Tín Hữu Phi-Líp-Phê 2:3, có nói: “Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình”. Có bao giờ bạn cho rằng việc hạ thấp mình sau rốt là điều không đúng không? Vui lòng giải thích.
3. Chúng ta có thể cho rằng nguyên lý lãnh đạo của Chúa Giê-su, điều được giải thích trong Matthêu 23: 11-12 thì đúng với vai trò lãnh đạo trong môi trường tôn giáo thôi. Bạn có nghĩ là nguyên lý đó cũng ứng dụng được trong những vai trò lãnh đạo trong đời thường và trong công sở không?
4. Khi một ai đó được ban tặng tài năng trong một vị thế cao trọng, chẳng hạn như giáo viên, cũng có thể dành thời gian dọn vệ sinh nhà thờ hoặc làm việc trong nhà trẻ thì bạn nhận thấy ơn ích gì từ điều đó?
5. Một người thường xuyên nhận những tán dương thì có thể làm gì để gìn giữ con tim phục vụ?
6. Tinh thần nhạy bén là yếu tố cá tính, món quà thiêng liêng hay là điều mà người ta có thể phát triển được? Vui lòng giải thích.
7. Eims tin rằng một điều mà nhà lãnh đạo cần phải làm trên hết mọi việc là biết rõ cá nhân từng người mà họ đang lãnh đạo.Vậy thì làm thế nào một nhà lãnh đạo của một tập thể đông người có thể làm được điều đó?
8. Bạn nhận ra ý tưởng nào (hay bạn tưởng tượng ra cũng được) để khuyến khích việc quan tâm từng con người với những nhu cầu khác nhau?
9. Thái độ của nhà lãnh đạo với tha nhân ảnh hưởng thế nào đến tập thể mà họ lãnh đạo?
Gợi ý cầu nguyện
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một mẫu gương lãnh đạo phục vụ và nhạy bén, đó là Chúa Giê-su. Hãy cầu nguyện để Chúa giúp bạn trở nên giống Chúa Giê-su hơn.
Những hoạt động khác
1. Hãy tìm kiếm hai mươi hay ba mươi đoạn Kinh Thánh có nói đến hành động phục vụ, người phục vụ và công việc phục vụ. Hãy suy ngẫm những bài học từ những đoạn Kinh Thánh đó. Cố gắng thực tập, trong trọn một ngày CHỈ phục vụ người khác và tự hạ mình thấp nhất trong mọi hoàn cảnh.
2. Trong phạm vi lãnh đạo của bạn hãy thực hiện một thay đổi cụ thể để thể hiện thái độ phục vụ hay tinh thần nhạy bén hơn nữa. Chia sẻ với những ai có thể cầu nguyện cho bạn.
Bài tập
1. Đọc chương 5 và làm bài tập
2. Nhìn lại sứ vụ bạn đang dấn thân xem đâu là điều bạn đang làm tốt, đâu là điều cần cải tiến. Đối với những điều mà bạn đang làm tốt thì đâu là yếu tố tạo ra sự khác biệt?