Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn
Chương 2: Nguồn lực của nhà lãnh đạo?
Trục trặc về điện có thể là một tai hại. Bệnh viện và những nơi quan trọng có hệ thống phát điện dự phòng trong trường hợp cúp điện. Các trang thiết bị này phải luôn trong tình trạng vận hành tốt vì nhiều sự sống phụ thuộc vào nó. Điện năng và những trang thiết bị để sử dụng điện rất quan trọng trong xã hội công nghiệp hóa.
Các nhà lãnh đạo phải ý thức điều này. Họ phải nhận ra rằng họ phải giữ cho công việc của họ, những con người xung quanh họ và chính bản thân họ được chuyển động. Đâu là nguồn lực để nhà lãnh đạo có thể quán xuyến tất cả những việc này? Nguồn lực đó chính là Thiên Chúa.
Kết Hiệp
Thánh Phaolô tông đồ đã chia sẻ với một trong những cộng đoàn của mình “Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:13). Vua David trước đây cũng đã nói “Chính Thiên Chúa là nơi trú ẩn vững chắc của tôi, mở ra cho tôi đường lối thiện toàn” (2Sm 22:33). Chính Thiên Chúa là nguồn lực của chúng ta, nhưng kết hiệp với Thiên Chúa chính là yếu tố “bật công tắc” và làm cho nguồn lực đó hoạt động và đem lại ơn ích trong đời sống chúng ta. Sự chuẩn bị tốt nhất cho David để trở thành nhà lãnh đạo, một vị vua, là thời gian một mình ông với Thiên Chúa khi còn là cậu bé chăn cừu trên đồi núi vùng Giu-đê-a.
Những năm tháng chỉ có một mình với Thiên Chúa đã chuẩn bị cho David vai trò lãnh đạo dưới quyền năng của Chúa. Chắc chắn ông đã nhìn thấy vai trò lãnh đạo được thể hiện ra sao trước hết là khi còn trẻ sống trong cung điện, nhưng thời gian khi ông với Thiên Chúa có một giá trị cao lớn cho ông hơn là lúc ông sống với những người khác. Là một nhà chỉ huy quân đội, một người điều hành đất nước nhưng ông có rất ít sự chuẩn bị. Ông không được cử đi học các khoá đào tạo bài bản. Không không được học các khoá quản trị kinh doanh, nhưng ông nhận biết Thiên Chúa.
Khía cạnh này cũng là chỗ mà ma quỷ tấn công mãnh liệt nhất. Chúng ít quan tâm đến việc bạn tham gia các buổi hội thảo về lãnh đạo hoặc việc bạn đăng ký mua Tuần Báo Kinh Doanh. Nhưng một khi bạn nghiêm túc trong việc nhận biết Thiên Chúa thông qua sự kết hiệp mật thiết với Ngài, thì chúng sẽ tấn công tổng lực để ngăn cản bạn. Khi ấy bạn sẽ thấy lịch trình của bạn để gặp Chúa bị dán đoạn và nhiều vấn đề gấp gáp dồn đến khiến bạn bị phân tâm. Bạn sẽ trở nên quá bận rộn, không thể kết hiệp với Thiên Chúa nữa.
Tại sao kẻ thù của tâm hồn chúng ta lại tranh dành thời gian với Thiên Chúa một cách quyết liệt như vậy? Vì đặc tính cuộc sống của nhà lãnh đạo. Chúng ta có thể tự hỏi đâu là phần thưởng tinh thần nếu chúng ta trung thành trong sự kết hiệp với Thiên Chúa trên đường đời? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải đặt ra một câu hỏi khác. Đâu là cùng đích của con người trên trần gian? Câu trả lời: “…tất cả những người mang danh Ta, đã được Ta tạo dựng, nắn thành hình và làm nên, cho danh Ta rạng ngời vinh hiển”. “Cùng đích của con người là tôn vinh Thiên Chúa”. Nhiều người thường trả lời như vậy nhưng họ không thật sự hiểu điều đó ý nghĩa ra sao trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi nhớ có lần tôi trao đổi điều đó với một nhóm các chủng sinh. Họ ý thức rõ cùng đích của chúng ta khi sống trên trần gian là tôn vinh Thiên Chúa. Tôi hỏi một người trong số họ là một con người cần phải làm gì để đạt được cùng đích đó? Bạn tôn vinh Thiên Chúa bằng cách nào? Bạn ấy đổi sắc mặt, nở một nụ cười xấu hổ hơn là hài hước, bạn ấy nói “Tôi cũng chẳng có ý niệm gì rõ ràng”. Hãy tưởng tượng xem! Một nhóm các chủng sinh, những người chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo tinh thần lại không có ý niệm nào về việc làm thế nào để hoàn thành mục tiêu cao quí nhất trong đời sống.
Hãy để tôi chia sẻ với bạn một bài học đơn giản tôi học được từ một Kitô hữu trẻ. Thiên Chúa tạo dựng con người để họ tôn vinh danh Ngài. Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài để kết hiệp với Ngài. Thiên Chúa có tương quan mật thiết với Adam và Eva trong vườn địa đàng. Nhưng khi họ phạm tội, họ không tuân theo lời Chúa, họ không còn làm vinh danh Ngài nữa. Hình ảnh trở nên hư hỏng và sự kết hiệp bị cắt đứt. Tuy nhiên, khi thời khắc đến Thiên Chúa thực hiện một bước quyết định để tạo dựng lại tiềm năng làm sáng danh Ngài trong con người.
Đã từng có ai mà mọi suy nghĩ, lời nói của người đó đều làm sáng danh Thiên Chúa trong từng giờ, từng ngày, suốt năm trong đời họ không? Có, chỉ một. Chúa Giê-su Kitô. Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Ngài đã nói về chính mình “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17:4). Vì vậy, nếu giả như tôi đã hoàn thành cùng đích trong đời tôi, là vinh danh Thiên Chúa, thì ắc hẳn là tôi đã biến đổi để ngày càng giống hình ảnh của Ngài, trở nên giống Chúa Kitô.
Với con tim yêu thương Thiên Chúa mong muốn chúng ta trở nên giống Người Con của Người. “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29). Đó chính là tôn vinh Thiên Chúa.
Vậy bằng cách nào tôi trở nên giống Chúa Kitô? Làm cách nào để một người trở nên giống người khác? Bằng cách ở bên người đó, nói chuyện với người đó, cùng làm việc với nhau. Bạn đã từng thấy một tấm hình một cặp vợ chồng sống chung với nhau trong năm mươi năm và đang tổ chức mừng ngân khánh chưa? Họ không chỉ hành xử giống nhau mà còn có sở thích giống nhau, có khẩu vị giống nhau và thậm chí còn giống nhau nữa!
Tôi nhớ ngày mà trung uý Al Vail của thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ cưới Margie Igo, một sinh viên tốt nghiệp đại học Standford, duyên dáng, xinh đẹp và thông minh. Họ gặp nhau tại một hội thảo Kitô giáo tại Colorado và Al đem lòng yêu mến Margie. Trong trang phục điển hình của thuỷ quân lục chiến trung uý Al đã thực hiện một chiến dịch để chinh phục vô ấy. Bắt đầu bằng những việc gởi thư, gọi điện, gởi hoa và quà.
Ban đầu Margie hơi lo ngại trước những việc này, nhưng sau vài tháng cô ấy nhận ra sự chuẩn nhận của Thiên Chúa trong trái tim mình rằng Al chính là sự lựa chọn mà Thiên Chúa dành cho cô. Vì vậy họ tiến tới hôn nhân. Hơn một năm sau đám cưới tôi đến thăm họ tại nhà ở Virginia. Khi tôi đến Margie xin lỗi vì để tôi phải đợi vài phút để dọn dẹp căn phòng cho tôi. Theo cách cô ấy nói thì “căn phòng chưa được ngăn nắp lắm”.
Chưa được ngăn nắp! Tôi chợt nghĩ. Một sinh viên tốt nghiệp Standford ít để ý đến sự ngăn nắp. Nhưng cô cựu sinh viên này thì lại như vậy vì cô đã có một năm sống với Al Vail, thuộc thuỷ quân lục chiến, những người có kỹ luật cao về sự ngăn nắp trong công việc và kỹ lưỡng với mọi người. Cô ấy đã hoà nhập với tính cách của chồng mình. Rồi sau đó Al về nhà, và tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy lối sống của Margie cũng đã ảnh hưởng đến ông ấy. Họ đã sống kết hiệp với nhau và trở nên giống nhau.
Tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy. Để chúng ta “nên đồng hình dạng với Chúa Giê-su Kitô”, chúng ta phải dành nhiều thời gian cho sự kết hiệp cá nhân với Ngài. Những nhà lãnh đạo có tương quan kết hiệp này, những người “vun đắp” đời sống suy niệm hơn là lối sống “nhất thời”, sẽ nhận ra Thiên Chúa chạm đến lòng mình một cách sống động và được Thiên Chúa sai đi một cách trọn vẹn. Thiên Chúa tìm kiếm những con người như vậy. “Ta đã tìm kiếm trong bọn chúng một người xây tường và đứng trước nhan Ta, nơi lỗ hổng, để bảo vệ xứ sở, nhằm ngăn cản Ta phá thành, nhưng Ta không tìm ra” (Ed 22:30). Sự tìm kiếm này vừa mới mẻ như chúng ta trông chờ những đứa con chưa sinh ra của mình, vừa cũ kỹ như bình minh của nhân loại. Một khi Thiên Chúa tìm thấy một người mà ưu tiên hàng đầu của họ là đời sống kết hiệp mật thiết, cá nhân và năng động với Ngài thì Ngài sẽ ban cho người đó và qua người đó quyền năng, sự hướng dẫn và sự khôn ngoan của Ngài. Thiên Chúa đã tìm ra một người mà nhờ người đó Ngài biến đổi thế giới.
Lời Chúa
Ba yếu tố cơ bản làm nên đời sống kết kiệp với Chúa. Thiên Chúa nói với chúng ta qua Lời của Ngài. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3: 16-17).
Chúng ta cần phải đón nhận Lời và Lời phải đi vào tâm hồn chúng ta. Chúng ta đón nhận Lời bằng việc nghe giảng, đọc và nhớ Lời Chúa. Chúng ta để cho Lời đi vào tâm hồn chúng ta bằng suy niệm. Qua suy niệm chúng ta để Lời Chúa thấm vào đời sống thiêng liêng của chúng ta. Cũng giống như thức ăn thể lý vậy, không phải những gì chúng ta ăn vào là nuôi dưỡng cơ thể chúng ta, mà chính mà những chất mà chúng ta tiêu hoá, thấm vào máu. Đó chính là suy niệm. Suy niệm chính là đi sâu vào Lời, suy ngẫm Lời trong tâm tư, để đi vào cõi thâm sâu. “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!” (Tv 119:97).
Vào năm 1963 tôi có ghé Luân Đôn nhân một chuyến đi giảng. Trong lịch trình thì chúng tôi có một ngày đi tham quan. David Limebear, một chàng trai trẻ thuộc nhóm trường đại học của chúng tôi tại đó được cử làm hướng dẫn viên và cậu ta rất phấn khởi hướng dẫn chúng tôi tham quan và nghe về thành phố đáng yêu của mình. David đến từ sáng sớm, đem theo một danh sách những địa điểm lịch sử và lịch tàu điện. Cậu ấy lên kế hoạch chi tiết tới mức độ giờ nào tàu điện đến, có bao nhiêu thời gian ở đó và khi nào cần phải rời nơi đó để kịp bắt chuyến tàu tiếp theo để đến trạm kế tiếp.
Tôi tham gia chuyến tham quan của cậu ấy đầy hứng thú theo kiểu bạn có thể thấy nơi một cậu bé đến từ Neola, Iowa đi tham quan một thành phố lớn. David là người có vóc dáng rất thể thao và dẫn chúng tôi đi liên tục. Chúng tôi đi bộ nhanh qua nhà thờ chính toà, chạy vội xuyên qua công viên, dừng lại phút chốc để ngắm những bức tượng, và liếc nhanh những toà nhà sừng sững và cổ kính. Chúng tôi có thật sự tham quan Luân Đôn không?
Vài năm sau hai vợ chồng chúng tôi đến đó lần nữa trong nhân chuyến công tác và ngày cuối cùng chúng tôi đi tham quan với một số người. Tốc độ chuyến tham quan thì thư thái. Tôi chiêm ngắm và thưởng thức vẻ đẹp và sự uy nguy của nhà thờ chính toà mà tôi từng đi bộ nhanh qua vài năm trước. Lần này tâm trí tôi bị tác động. Tôi có thời gian thật sự ngắm những thắng cảnh, trải nghiệm chúng và cảm nghiệm ý nghĩa và thông điệp nơi chúng.
Với Lời Chúa cũng vậy. Nếu chúng ta đọc vội vả một đoạn Tin Mừng, nếu chúng ta cố hoàn thành việc học Kinh Thánh cho nhóm vào ngày Chúa Nhật, nếu chúng ta nhìn đồng hồ với hy vọng nghi thức sắp kết thúc để chúng ta vội vàng chạy đi một việc khác, thì chẳng có điều gì xảy đến trong đời chúng ta cả. Cũng giống như đi nhahn ngang qua một nhà thờ chính toà. Có vẻ chúng ta nhìn nhà thờ, nhưng thật ra chúng ta không thấy. Nếu chúng ta mở Lời và dành thời gian để Thần Khí của Chúa tác động lên đời sống của chúng ta, để cho Lời ngấm vào tâm hồn chúng ta, để nhận ra vẻ đẹp và sự hùng vĩ của nó, thì chúng ta sẽ có sự kết hiệp thật sự với Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua Lời của Ngài. Nếu chúng ta dành thời gian suy ngẫm Lời Ngài, chúng ta sẽ trải nghiệm sự thâm sâu và vĩ đại của thông điệp, Thần Khí Chúa sẽ nói với chúng ta và tác động đến đời sống chúng ta. Và đây là điều quan trọng. Chính Chúa đang nói với bạn, chứ không phải những từ ngữ in trong trang giấy. Thiên Chúa dùng Lời Ngài như là phương tiện, khí cụ để mặc khải chính Ngài cho chúng ta. “Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài, xin cho con được sống” (Tv 119:25). Lưu ý rằng chính Thiên Chúa đã thổi một đời sống mới vào những tác giả Thánh Vịnh. Ngài dùng Lời Ngài như một khí cụ để thực hiện điều đó.
Chúng ta cần yêu mến Lời của Chúa “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!” (Tv 119:97). Chính tình yêu với Lời Chúa đã thúc đẩy các tác giả Thánh Vịnh suy niệm Lời. Đó chính là điểm khởi đầu. Xin Chúa giúp bạn yêu mến và hân hoan trong Lời Ngài. “Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi, vì con ưa thích đường lối đó” (Tv 119: 35). “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban” (Tv 112: 1). “Con vui thú với mệnh lệnh của Ngài và hết lòng yêu mến.” (Tv 119: 47).
Những nhà lãnh đạo có chất muối và dẫn dắt tinh thần cho người khác phải là người của Lời.
Cầu nguyện
Yếu tố thứ hai của sự kết hiệp là cầu nguyện. Thiên Chúa nói với chúng ta qua Lời và chúng ta nói với Ngài qua cầu nguyện. Cần nhớ rằng có những lời cầu nguyện khiến Thiên Chúa phải ra tay, và cũng có những lời cầu nguyện chẳng đem lại điều gì. Đâu là sự khác biệt?
Chúa Giê-su nói về những loại cầu nguyện khác nhau trong dụ ngôn sau:
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (Lc 18:10-14)
Vào một mùa hè nọ tôi được hân hạnh nghe hoà nhạc trên sông Potomac ở Washington D.C. Dàn nhạc biểu diễn bản mở màn 1812. Trong một khoảng khắc pháo bông được bắn lên. Việc bắn pháo bông chẳng nhằm việc gì, chỉ tạo ra “hiệu ứng lửa” thôi. Nó khiến cho bản mở màn thêm kịch tính và sự phấn khích.
Tôi nhớ lại thời tôi còn trong thủy quân lục chiến trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai với vai trò là chinh sát trong một đơn vị pháo binh. Mỗi nòng pháo có thể bắn thử một lần, và tôi có thể quan sát điểm pháo rơi so với mục tiêu. Rồi tôi nhắn qua điện đàm để nâng lên hay hạ nòng pháo xuống, qua trái hay qua phải. Họ lại tiếp tục bắn thử lần nữa, và tôi lại đưa ra hướng dẫn mới. Cuối cùng, tôi đưa ra hướng dẫn cuối cùng và báo để họ “bắn hiệu quả”.
Tôi dùng cách diễn đạt tương tự vì điều đó liên quan tới khúc mở màn, nhưng lại muốn nói đến điều khác xa. Vào thời điểm đó toàn bộ năng lượng đều tập trung nhắm đến mục tiêu để có hiệu quả tàn phá.
Dụ ngôn Chúa Giê-su kể cũng vậy. Những người Pharisêu chỉ thuần tuý cầu nguyện cho những tác động, như là phương thế để gây ấn tượng, và Chúa Giê-su nói Ông ấy đứng riêng một mình, cầu nguyện”. Còn ngược lại, người thu thuế thì lao tác với Chúa. Anh ta cầu nguyện để có những ứng nghiệm, hoàn tất việc gì đó. Đây chính là loại cầu nguyện mà chúng ta nên dâng lên Chúa. “Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5:16). Vì để lời cầu nguyện được ứng nghiệm thì lời cầu nguyện đó phải xuất phát từ lòng nhiệt thành.
Điều này cũng được mô phỏng bằng một biến cố xảy ra thời giáo hội sơ khai (Cv 12: 1-12). Vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. (2) Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan và cũng toan giết Phêrô. Phê-rô đang tròng tù với sự canh giữ bởi 16 lính canh. Nhưng các tín hữu cầu nguyện cho ông, và để đáp trả lại lời cầu nguyện đó Thiên Chúa gởi một thiên sứ đến giải thoát ông. Nhiều chú giải sử dụng những từ ngữ khác nhau để mô tả lời cầu nguyện đó. Từ ngữ được dùng để mô tả lời cầu nguyện là từ ngữ để diễn tả cường độ của cảm giác mà một người có được khi bị kéo phanh thay trên giá tra tấn.
Lý do để có lời cầu nguyện nhiệt thành này thì đã rõ ràng. Trước hết, về thể lý thì Phê-rô không thể thoát khỏi nhà tù. Tuy nhiên, một điều chính yêu dẫn đến lời cầu nguyện nhiệt thành là quá khứ của Phê-rô. Ông được biết đến là đã chối Chúa khi tình hình căng thẳng. Thiên Chúa có đáp lại lời cầu nguyện của họ không? Đáp trả gấp nhiều lần! Đêm trước khi bị xử Phê-rô ngủ như một em bé, bị xích giữa hai lính canh. Lời cầu nguyện nhiệt thành của nhóm nhỏ các tín hữu đem lại hiệu nghiệm. Phê-rô không những không bị thương gì mà còn được giải thoát khỏi tù bằng một cách thức không ngờ. Thiên Chúa đã nghe và đáp lời.
Cách đây vài năm tôi có mời một bác sĩ tới nhà. Sau khi khám bệnh xong bác sĩ đó nói “Người đàn ông có trái tim tệ. “Tôi tự hỏi, làm sao mà ông ấy biết?” Người đàn ông này có thể cho rằng chưa bao giờ ông cảm thấy khỏe như bây giờ, tấm thân già cỗi này đang rất sung mãn, bác sĩ này thật phí thời gian khi nói về sức khỏe với ông. Nhưng cho dù người đàn ông này nói gì đi nữa thì bác sĩ Frank đã biết trái tim ông không tốt. Làm thế nào mà bác sĩ biết vậy? Đơn giản. Bác sĩ lắng nghe nhịp tim bằng ống nghe và không để ý tới những gì người đàn ông nói.
Với Thiên Chúa cũng vậy. Chúng ta không cầu nguyện bằng cách nói vào micro thiêng liêng với Thiên Chúa, Đấng đang lắng nghe chúng ta bằng tai nghe của thiên đàng. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta bằng ống nghe thiêng liêng. “Dân này Kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15:8). Lời mời gọi của Giê-rê-mi-a “trước nhan Chúa, hãy trút niềm tâm sự” (Ac 2:19) cần phải được lưu ý ngày nay.
Có bao giờ bạn từng nghe người Kitô hữu khi chia tay họ nói, “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn” chưa. Thông thường thì đó chỉ là cách nói tạm biệt thôi. Nhưng lời nói của Thánh Phaolô tông đồ thì khác thế nào “Thiên Chúa là Ðấng tôi hết lòng thờ phượng khi loan báo Tin Mừng về Con của Người, chính Người làm chứng cho tôi là tôi hằng nhắc nhở đến anh em: mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng xin Người cho tôi có ngày nào được dịp tốt đến thăm anh em, nếu Người muốn” (Rm 1: 9-10)
Để lời cầu nguyện nhiệt thành thì phải cụ thể. Thường thì chúng ta hay rơi vào lối mòn cầu nguyện. “Xin Chúa chúc lành cho giáo hội,” hoặc “Xin Chúa khích lệ những nhà truyền giáo,” hoặc “Xin Chúa giúp lớp chúng con.” Lời cầu nguyện của nhà lãnh đạo cần phải cụ thể trong hai khía cạnh.
Thứ nhất, lời cầu nguyện của nhà lãnh đạo cần phải tập trung vào sự thăng tiến và phát triển của những ai mà họ đang lãnh đạo. Thánh Phaolô tông đồ cho chúng ta một ví dụ:
“Vì thế, từ ngày chúng tôi nghe biết như vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1:9-10)
Tương tự như vậy, hãy xem lời cầu nguyện của Êpapra “Anh Êpápra, người đồng hương với anh em và là tôi tớ của Ðức Kitô Giêsu, gửi lời chào anh em; anh không ngừng chiến đấu cho anh em bằng lời cầu nguyện, để một khi đã trưởng thành và hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự, anh em được đứng vững” (Cl 4:12).
Thứ hai, những nhà lãnh đạo nên cầu nguyện cho sự trưởng thành trong đức tin của những người họ lãnh đạo và xin Chúa cất nhắc trong số những người đang cùng làm việc với họ đưa vào cánh đồng truyền giáo trên thế giới.
“Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. (Mt 9: 36-3)
(Còn tiếp)
Tác giả: LeRoy Eims
Dịch giả: Luca Trần Gia Huấn