Cha Laval, Cha Lataste Và Đức Phanxicô, Các Tông Đồ Nhà Tù

Đức Phanxicô đòi hỏi một sự “hoán cải khẩn cấp về mặt văn hóa”, thay đổi não trạng để đảm bảo tái hòa nhập và tái xã hội hóa cho các tù nhân để họ không còn là tù nhân của quá khứ.

Trong các chuyến tông du của mình, Đức Phanxicô thường đến thăm các tù nhân trong nhà tù. Ngài khiêm tốn thú nhận khi tự hỏi: “Mỗi lần tôi bước chân vào nhà tù để thăm viếng hay để dâng thánh lễ, tôi đều tự hỏi: ‘Vì sao là họ mà không là tôi’?”

Ngày 17 tháng 2 năm 2016, trong lần thăm nhà tù Ciudad Juarez ở Mêhicô, Đức Phanxicô đã tặng cây thánh giá bằng pha lê: “Chúa Kitô trên thập giá là sự mong manh lớn nhất của nhân loại. Tuy nhiên, với sự mong manh này, Chúa đã cứu chúng ta, Chúa giúp chúng ta, đưa chúng ta tiến về phía trước và mở cho chúng ta cánh cửa hy vọng”. Đức Phanxicô cũng xem nhà tù là triệu chứng của các vấn đề xã hội. Bi kịch của những người bị giam cho thấy các thiếu sót của gia đình, của hệ thống giáo dục, kinh tế và xã hội. Sẽ là quá dễ dàng và bất công khi tuyên bố mà không tìm hiểu hơn những người bị kết án, họ chỉ phải trả hậu quả cho hành động của họ.

Tái hòa nhập là nhắc đến việc phòng ngừa phải được thực hiện. Thánh Gioan Bosco, người tông đồ vĩ đại của tuổi trẻ, một ngày nọ ngài vào thăm nhà tù và thấy cần phải lo cho thiếu niên trước khi các em vào tù.

Đức Phanxicô đòi hỏi một sự “hoán cải khẩn cấp về mặt văn hóa”, thay đổi não trạng để đảm bảo tái hòa nhập và tái xã hội hóa cho các tù nhân để họ không còn là tù nhân của quá khứ.

Bộ luật hình sự Pháp quy định ý nghĩa của bản án: xử phạt và sửa đổi, thêm vào hòa nhập hoặc tái hòa nhập. Kinh Thánh cũng dạy: “Ác nhân mà được thương tình, nó sẽ không màng học đòi đức nghĩa” (Is 26, 10). Các tội ác và tội phạm phải bị trừng phạt. Người công dân có quyền được an toàn. Nhưng chúng ta đừng quên mục đích tái hòa nhập. Ý kiến quần chúng muốn trừng phạt nhưng đó không phải là mục đích duy nhất của nhà tù.

Bất cứ ai cũng có thể ở tù. Bạn chỉ cần uống quá nhiều trong bữa tiệc sinh nhật để rồi lái xe khi say và chẳng may gây ra tai nạn. Một cơn giận cũng có thể dẫn đến giết người.

Sự cao cả của một nền văn minh thể hiện qua việc chăm sóc các kẻ yếu bằng cách đảm bảo cho họ được hội nhập chứ không phải bị loại trừ. Về vấn đề này, lời mở đầu Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ ngày 18 tháng 4 năm 1999 đáng được nhắc lại: “Sức mạnh của cộng đồng được đo lường qua sức khỏe của những thành viên yếu nhất”.

Nhà tù đóng vai trò kiểm tra trong việc đánh giá chính sách. Các tiêu chuẩn châu Âu để giam giữ là một phần trong dự án của châu Âu. Thời gian gần đây, nước Pháp, quốc gia của nhân quyền đã bị Hội đồng Châu Âu tại Strasbourg lên án vì không tôn trọng các nhà tù trong các điều kiện phẩm giá con người.

Linh mục chân phước Laval (1803-1864) hàng ngày đến nhà tù Port Louis, Maurizio để giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần cho các tù nhân trong lúc họ gặp khó khăn.

Khi linh mục chân phước Latast Dòng Đa Minh (1832-1869) được bề trên Dòng gởi đi giảng cho phụ nữ ở nhà tù Cadillac, gần Bordeaux, miền nam nước Pháp, cha đau lòng đến đó với “ý nghĩ có thể là vô ích.”

Khi cha thấy các phụ nữ này sống trong điều kiện khốn cùng của nhà tù bẩn thỉu, phản xạ đầu tiên của xa là rút lui. Nhưng rồi cha suy nghĩ lại và nói: “Các chị em thân yêu của tôi.”

Các phụ nữ có khuôn mặt khép kín này đã mở ra với ân sủng, rạng rỡ khi khám phá tình yêu của Chúa Giêsu, họ giống hình ảnh các bông hoa tươi lại sau cơn mưa.

Thánh Phaolô mô tả hành động hướng về tương lai này: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu”. Sự thay đổi của con người là điều có thể. Chúa mở ra một con đường mới cho những ai hướng về Ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch