Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57

Ngày 24/1/2023, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng của giới báo chí Công giáo, Vatican đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 21/5, lễ Chúa Thăng Thiên. Sứ điệp có tựa đề "Nói cách chân thành. 'Theo sự thật và trong tình bác ái'" (Ep 4,15), trong đó Đức Thánh Cha mạnh mẽ kêu gọi đi ngược dòng với khuynh hướng xã hội để ủng hộ những khát vọng hòa bình theo gương của Thánh Phanxicô đệ Salê.

« Lời mời gọi nói bằng trái tim chất vấn thời đại chúng ta cách triệt để, vốn dễ đi đến sự dửng dưng và phẫn nộ, thậm chí đôi khi dựa trên cơ sở thông tin sai lệch bóp méo và công cụ hóa sự thật ». Đức Phanxicô cảnh giác như thế trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần  thứ 57, có chủ đề « Nói bằng trái tim. Theo sự thật trong tình bác ái ». Ngài nhấn mạnh : « Chúng ta đừng sợ công bố sự thật, dù đôi khi có thể không thoải mái, nhưng phải sợ nói sự thật mà không có bác ái, không có tấm lòng ».

Đức Thánh Cha khuyến khích lội ngược dòng để thúc đẩy hòa bình, theo gương thánh Phanxicô Salê, mà đối với thánh nhân, « truyền thông không bao giờ bị giảm thiểu thành một thứ mưu mẹo, thành một chiến lược tiếp thị, nhưng phải là sự phản ảnh của tâm hồn, là bề mặt hữu hình của một cốt lõi tình yêu vô hình trước mắt ». Theo thánh nhân, « chúng ta phải là những gì chúng ta truyền thông », vậy mà, như Đức Thánh Cha cho thấy, ngày nay, « việc truyền thông thường bị công cụ hóa để thế giới nhìn chúng ta như chúng ta muốn chứ không phải như chúng ta là. »

Đặc biệt, đối với Đức Thánh Cha, « trong bối cảnh xung đột thế giới đầy bi thảm mà chúng ta biết đến, điều cấp bách là phải khẳng định một nền truyền thông không được thù địch. … Chúng ta cần những người truyền thông sẵn sàng đối thoại, tham gia vào việc thúc đẩy giải trừ quân bị toàn diện và dấn thân xua tan chứng loạn thần chiến tranh đang ẩn núp trong tâm hồn chúng ta ».

Trong bối cảnh Giáo hội hiệp hành, Đức Thánh Cha tuyên bố : « Tôi ước mơ về một nền truyền thông của Giáo hội biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dịu dàng và đồng thời có tính ngôn sứ, biết tìm ra những hình thức và phương thức mới cho việc loan báo kỳ diệu mà nó được mời gọi thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba. Một nền truyền thông đặt mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt những người thiếu thốn nhất ở trung tâm ».

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khẳng định : « Thực sự nhờ hoán cải tâm hồn mà số phận của hòa bình được định đoạt, bởi vì virus chiến tranh đến từ bên trong tâm hồn con người . Từ tâm hồn tuôn ra những lời nói đúng đắn để phá tan bóng tối của một thế giới khép kín và chia rẽ và xây dựng một nền văn minh tốt hơn nền văn minh mà chúng ta đã nhận được…».

Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha :

Nói bằng trái tim. 
« Theo sự thật, trong tình bác ái » (Ep 4, 15)

Anh chị em thân mến !

Sau khi đã suy tư, trong những năm trước, về các động từ “đến và xem” và “lắng nghe” như những điều kiện để truyền thông tốt, với Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông  lần thứ 57 này, tôi muốn dừng lại ở “nói bằng trái tim”. Chính trái tim đã thúc đẩy chúng ta đi, xem và lắng nghe, và chính trái tim chúng ta đẩy chúng ta truyền thông cởi mở và đón tiếp. Sau khi tự rèn luyện khả năng lắng nghe, vốn đòi hỏi sự chờ đợi và kiên nhẫn, cũng như từ bỏ việc khẳng định tiên thiên quan điểm của mình, chúng ta có thể bước vào sự năng động của đối thoại và chia sẻ, vốn chính là sự năng động của truyền thông bằng trái tim. Một khi chúng ta đã lắng nghe người khác bằng một trái tim trong sáng, chúng ta cũng sẽ tahnhf công trong việc nói theo sự thật trong tình yêu (x. Êp 4, 15). Chúng ta đừng sợ công bố sự thật, dù đôi khi có thể không thoải mái, nhưng phải sợ nói sự thật mà không có bác ái, không có tấm lòng. Bởi vì “chương trình của người Kitô hữu – như Đức Bênêđíctô XVI đã viết – là “một trái tim biết nhìn”” [1]. Một trái tim, thông qua những nhịp đập của nó, cho thấy sự thật về con người chúng ta và, vì lý do này, phải được lắng nghe. Điều đó thúc giục người nghe đặt mình trên cùng bước sóng, đến độ có thể cảm nhận được nhịp đập của người khác trong trái tim của mình. Như thế, phép lạ của cuộc gặp gỡ có thể xảy ra, khiến chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, đón nhận những yếu đuối của mỗi người với sự tôn trọng, hơn là phán xét bằng nghe phong thanh và gieo rắc bất hòa và chia rẽ.

Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng xem quả thì biết cây (x. lc 6, 44): “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (c. 45). Do đó, để có thể truyền thông theo sự thật trong tình bác ái, chúng ta phải thanh luyện tâm hồn mình. Chỉ khi lắng nghe và nói bằng một tâm hồn trong sáng mà chúng ta mới có thể nhìn thấy xa hơn những vẻ bề ngoài và vượt qua tiếng ồn không rõ ràng, mà ngay cả trong lãnh vực thông tin, cũng không giúp chúng ta phân định được trong sự phức tạp của thế giới chúng ta đang sống. Lời mời gọi nói bằng trái tim chất vấn thời đại chúng ta cách triệt để, vốn dễ dẫn đến sự dửng dưng và phẫn nộ, thậm chí đôi khi dựa trên cơ sở thông tin sai lệch bóp méo và công cụ hóa sự thật.

Truyền thông bằng trái tim

 Truyền thông bằng trái tim có nghĩa là người nào đọc hay lắng nghe chúng ta sẽ nắm bắt được sự tham gia của chúng ta vào những niềm vui và nỗi sợ hãi, những hy vọng và đau khổ của người nữ và người nam trong thời đại chúng ta. Người nào nói như thế sẽ yêu thương người khác bởi vì họ quan tâm đến người khác và chăm lo cho sự tự do của người khác mà không vi phạm nó. Chúng ta có thể thấy phong cách này nơi Người Lữ Hành mầu nhiệm trò chuyện với các môn đệ trên đường về Emmaus sau thảm kịch trên đồi Golgotha. Chúa Giêsu phục sinh nói với họ bằng trái tim, đồng hành cách trân trọng trên con đường đau khổ của họ, đề nghị thay vì áp đặt, yêu thương mở tâm trí họ để hiểu ý nghĩa sâu xa hơn về những gì đã xảy ra. Quả thế, họ có thể thốt lên vui mừng vì thấy lòng họ bừng cháy khi Ngài trò chuyện dọc đường và giải thích Thánh Kinh cho họ (x. Lc 24, 32).

Trong một giai đoạn lịch sử được ghi dấu bởi những phân cực và mâu thuẫn – mà thật không may, cộng đồng Giáo hội không được miễn trừ – sự dấn thân truyền thông “bằng trái tim và vòng tay rộng mở” không chỉ liên quan đến các chuyên gia thông tin, mà còn là trách nhiệm của mọi người. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm và nói lên sự thật, và làm như thế với lòng bác ái. Đặc biệt, các Kitô hữu chúng ta liên lỉ được khuyến khích giữ gìn cái lưỡi của mình khỏi sự dữ (x. Tv 34, 14), vì, như Thánh Kinh dạy, với nó, chúng ta cũng có thể chúc tụng Thiên Chúa và nguyền rủa những người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. Gc 3, 9). Từ miệng chúng ta không nên thốt ra những lời xấu xa, “nhưng là những lời  tốt đẹp và có tính xây dựng, có ích cho người nghe” (Êp 4, 29).

Đôi khi một lời nói tử tế xuyên thủng trái tim chai lì nhất. Chúng ta cũng tìm thấy dấu ấn của nó trong văn chương. Tôi nghĩ đến trang đáng nhớ này trong chương 21 của cuốn tiểu thuyết “Những người đính hôn” (Promessi Sposi) trong đó Lucia nói bằng trái tim mình với Kẻ Vô danh cho đến khi Kẻ Vô danh này, bị tước vũ khí và dày vò bởi một cuộc khủng hoảng nội tâm bổ ích, nhường chỗ cho sức mạnh dịu dàng của tình yêu. Chúng ta trải nghiệm điều đó trong sự chung sống dân sự, nơi sự tử tế không chỉ là vấn đề về “những cách thức tốt”, nhưng là liều thuốc đích thực cho tàn ác, mà thật không may có thể đầu độc các tâm hồn và làm nhiễm độc các mối  tương quan. Chúng ta cần điều đó nơi các phương tiện truyền thông, để việc truyền thông không nuôi dưỡng sự oán giận gây phẫn nộ, tạo ra sự tức giận và dẫn đến đối đầu, nhưng giúp mọi người suy nghĩ một cách bình tĩnh, giải mã thực tại họ đang sống, với tinh thần phê bình và luôn tôn trọng.

Truyền thông từ trái tim đến trái tim: “Để nói tốt, chỉ cần yêu nhiều là đủ”

Một trong những mẫu gương sáng ngời và hấp dẫn nhất về việc “nói bằng trái tim” là của thánh Phanxicô Salê, Tiến sĩ Hội Thánh, người mà gần đây tôi đã dành tặng tông thư “Totum amoris est”, 400 năm sau cái chết của ngài. Song song với lễ kỷ niệm quan trọng này, tôi muốn nhắc lại một lễ kỷ niệm khác trong năm 2023 này: kỷ niệm 100 năm tuyên bố ngài là bổn mạng của các nhà báo Công giáo với Thông điệp “Rerum omnium perturbationem”. Là một trí thức lỗi lạc, một nhà văn viết nhiều, một nhà thần học có chiều sâu, thánh Phanxicô Salê là Giám mục của Genève vào đầu thế kỷ XVII, trong những năm khó khăn được đánh dấu bằng những cuộc tranh cãi gay gắt với những người theo thuyết Calvin. Sự dịu dàng của ngài, lòng nhân ái của ngài, sự sẵn sàng kiên nhẫn đối thoại với tất cả mọi người và nhất là với những người chống đối ngài, đã biến ngài thành chứng nhân phi thường cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói về ngài rằng “ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái” (Hc 6, 5). Vả lại, một trong những tuyên bố nổi tiếng nhất của ngài, “trái tim nói với trái tim”, đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tín hữu, mà thánh John Henry Newman đã biến thành khẩu hiệu của mình, Cor ad cor loquitur. “Để nói tốt, chỉ cần yêu nhiều là đủ”, là một trong những xác tín của ngài. Điều đó cho thấy làm thế nào, đối với ngài, truyền thông không bao giờ bị giảm thiểu thành một thứ mưu mẹo, thành – ngày nay chúng ta có thể nói – một chiến lược tiếp thị, nhưng phải là sự phản ảnh của tâm hồn, là bề mặt hữu hình của một cốt lõi tình yêu vô hình trước mắt. Đối với thánh Phanxicô Salê, chính “trong trái tim và qua trái tim mà tiến trình thống nhất tinh tế và mãnh liệt này được hoàn thành, nhờ đó con người nhận ra Thiên Chúa” [2]. Bằng cách “yêu nhiều”, thánh Phanxicô đã thành công trong việc tương giao với Martin, người câm điếc, trở thành bạn của anh ta; đó là lý do tại sao chúng ta cũng nhớ đến ngài như một người bảo vệ những người bị khuyết tật tương giao.

Chính từ “tiêu chí yêu thương” này mà, qua các tác phẩm và chứng tá đời sống của mình, thánh Giám mục của Genève nhắc nhở cho chúng ta rằng “chúng ta là những gì chúng ta truyền thông”. Một bài học đi ngược lại với ngày nay, vào thời đại mà, như chúng ta đang sống đặc biệt trên các mạng xã hội, việc truyền thông thường bị công cụ hóa để thế giới nhìn chúng ta như chúng ta muốn chứ không phải như chúng ta là. Thánh Phanxicô Salê đã phân phát nhiều bản sao các tác phẩm của mình trong cộng đồng Genève. Trực giác “báo chí” này đã mang lại cho ngài danh tiếng nhanh chóng  vượt ra ngoài chu vi giáo phận của mình và vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Các tác phẩm của ngài, như thánh Phaolô VI đã nhận xét, tạo nên “việc đọc cực kỳ dễ chịu, bổ ích và khích lệ” [3]. Nếu quan sát tình hình truyền thông ngày nay, đó chẳng phải chính là những đặc điểm mà một bài báo, một phóng sự, một chương trình phát thanh hay truyền hình hay một bài đăng trên mạng xã hội phải thỏa mãn hay sao? Do đó, ước gì các chuyên gia truyền thông được truyền cảm hứng bởi vị thánh dịu dàng này, bằng cách tìm kiếm và kể lại sự thật cách can đảm và tự do, đồng thời từ chối cám dỗ sử dụng những cách diễn đạt va chạm và hung hăng.

Nói bằng trái tim trong tiến trình hiệp hành

Như tôi đã nhấn mạnh, “ngay cả trong Giáo hội, cũng có một nhu cầu lớn lao để lắng nghe và lắng nghe nhau. Đó là món quà quý giá nhất và quảng đại nhất mà chúng ta có thể trao cho nhau” [4]. Từ việc lắng nghe không định kiến, chăm chú và sẵn sàng, nảy sinh một “phát ngôn” theo phong cách của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Chúng ta có một nhu cầu cấp bách trong Giáo hội về một sự truyền thông làm phấn khởi trái tim, xoa dịu vết thương và soi sáng con đường cho anh chị em chúng ta. Tôi ước mơ về một nền truyền thông của Giáo hội biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dịu dàng và đồng thời có tính ngôn sứ, biết tìm ra những hình thức và phương thức mới cho việc loan báo kỳ diệu mà nó được mời gọi thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba. Một nền truyền thông đặt mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt những người thiếu thốn nhất ở trung tâm, và biết thắp lên ngọn lửa đức tin hơn là gìn giữ đống tro tàn của một căn tính tự quy chiếu. Một nền truyền thông mà những nền tảng của nó là lòng khiêm tốn lắng nghe và lòng can đảm nói ngay nói thẳng (parresia), vốn không bao giờ tách rời sự thật khỏi bác ái.

Giải trừ vũ khí của các tâm trí bằng cách cổ võ một ngôn ngữ hòa bình

Sách Châm Ngôn nói: “Lời mềm mỏng làm nát tan xương cốt” (25, 15). Ngày nay, nói bằng trái tim là cần thiết hơn bao giờ hết để thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình ở đâu có chiến tranh; để mở ra những nẻo đường cho phép đối thoại và hòa giải nơi đâu lòng thù hận và oán ghét đang hoành hành. Trong bối cảnh xung đột thế giới đầy bi thảm mà chúng ta biết đến, điều cấp bách là phải khẳng định một nền truyền thông không được thù địch. Điều cần thiết là phải vượt qua “thói quen loại bỏ tư cách của đối thủ ngay lập tức bằng cách áp dụng những tính ngữ làm mất thể diện, thay vì một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng” [5]. Chúng ta cần những người truyền thông sẵn sàng đối thoại, tham gia vào việc thúc đẩy giải trừ quân bị toàn diện và dấn thân xua tan chứng loạn thần chiến tranh đang ẩn núp trong tâm hồn chúng ta, như thánh Gioan XXIII đã khuyến khích một cách ngôn sứ trong thông điệp Pacem in terris: “Hòa bình đích thực chỉ có thể được xây dựng trong sự tin tưởng lẫn nhau” (số 61). Một sự tin tưởng cần đến những người truyền thông không cố thủ, nhưng gan dạ và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm ra một cơ sở thương lượng để gặp gỡ nhau. Như 60 năm trước, ngày nay chúng ta đang trải qua giờ phút đen tối trong đó nhân loại đang lo sợ một cuộc leo thang chiến tranh, mà cần phải ngăn chặn càng sớm càng tốt, kể  cả trên bình diện truyền thông. Chúng ta kinh hoàng khi nghe những lời kêu gọi hủy diệt các dân tộc và lãnh thổ được thốt ra một cách dễ dàng như thế nào. Thật không may, những lời nói thường biến thành hành động hiếu chiến bằng bạo lực hung dữ. Đó là lý do tại sao mọi thứ hùng biện hiếu chiến phải bị loại bỏ, cũng như mọi hình thức tuyên truyền thao túng sự thật, bóp méo nó với mục đích ý thức hệ. Trái lại, cần phải thúc đẩy trên mọi bình diện một nền truyền thông giúp tạo ra những điều kiện để giải quyết xung đột giữa các dân tộc.

Với tư cách Kitô hữu, chúng ta biết rằng thực sự nhờ hoán cải tâm hồn mà số phận của hòa bình được định đoạt, bởi vì virus chiến tranh đến từ bên trong tâm hồn con người [6]. Từ tâm hồn tuôn ra những lời nói đúng đắn để phá tan bóng tối của một thế giới khép kín và chia rẽ và xây dựng một nền văn minh tốt hơn nền văn minh mà chúng ta đã nhận được. Đó là nỗ lực được đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta, nhưng đặc biệt đòi hỏi ý thức trách nhiệm từ phía các chuyên gia truyền thông, để họ thực  thi nghề nghiệp của mình như một sứ mạng.

Xin Chúa Giêsu, Lời tinh tuyền tuôn trào từ trái tim của Chúa Cha, giúp chúng ta làm cho việc truyền thông của chúng ta được tự do, trong sáng và thân ái.

Xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người, giúp chúng ta biết lắng nghe nhịp đập của các trái tim, tái khám phá mình là anh chị em, và giải trừ sự thù địch gây chia rẽ.

Xin Chúa Giêsu, Lời sự thật và tình yêu, giúp chúng ta nói lên sự thật trong tình bác ái, để cảm thấy mình là những người bảo vệ nhau.

Rôma, Đền Thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng Giêng năm 2023, lễ nhớ thánh Phanxicô Salê.

PHANXICÔ

 ————————————–

[1] Thông điệp Deus caritas est, số. 31.

[2] Tông thư Totum amoris est (28 /12/ 2022).

[3] Tông thư Sabaudiae gemma, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của thánh Phanxicô Salê, Tiến sĩ Hội Thánh (29/1/1967).

[4] Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56 (24/1/2022).

[5] Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 201.

[6] Xem Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 56, 1/1/2023.

———————————

Tý Linh chuyển ngữ (nguồn : vatican.va)