Tình Huynh Đệ: Sự Hỗ Trợ cho Lòng Kiên Trung

Với chị em do Thiên Chúa ban cho chúng ta: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống thành huynh đệ đoàn Phúc Âm… (HP ch. 3)

Nếu không có một cộng đoàn huynh đệ tốt, đời sống thiêng liêng của mỗi cá nhân sẽ gặp nhiều rủi ro. Thách đố luôn rình rập khi ẩn giấu dưới một mối tương quan riêng tư, lẩn tránh đời sống cộng đoàn đích thực, nơi đó chúng ta liều lĩnh nói rằng chúng ta muốn trở thành một ai đó không phải là con người thật của chúng ta. Viễn cảnh của đời sống chung được hiểu như trường dạy của tình yêu, nó dẫn đưa chúng ta chăm chú vào điều có thể trở nên cơ hội giúp biến đổi và tăng trưởng cách thực tế. Đức thánh cha Phanxicô mời gọi chúng ta tạo lập một căn nhà, sáng tạo một mái ấm và “hãy để lời ngôn sứ thấm nhập vào máu thịt của ta, làm cho từng khoảng khắc và ngày sống của ta bớt dần đi sự lạnh lùng, dửng dưng và ẩn danh.” Sáng tạo một mái ấm nghĩa là: “thiết lập mối tương quan bằng sự đơn sơ, bằng những hành động mà tất cả chúng ta có thể làm hàng ngày. Một tổ ấm, như chúng ta đều biết, đòi hỏi mọi người phải làm việc cùng nhau. Không ai có thể dửng dưng hoặc đứng ngoài cuộc, bởi vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây nên tổ ấm”. Các cộng đoàn đa văn hóa của những người nam và người nữ được thánh hiến là trường dạy đáng kể của tình huynh đệ trong đa dạng này. Chúng ta được mời gọi để hình thành những cộng đoàn đầy tình người, nơi ta được chào đón để ta có thể làm việc với tất cả giới hạn của mình. Theo cách này, tình huynh đệ là nâng đỡ vô giá cho sự kiên trung của nhiều người. Sự kiên trung như vậy có thể đạt được đến mức những điều kiện nhất định làm nền tảng cho quá trình trưởng thành giữa các cá nhân được tôn trọng: những cá nhân đó ý thức được cách thức riêng để đan dệt nên các mối quan hệ của chính mình và đồng trách nhiệm về những khả năng nảy sinh từ mối tương quan hỗ tương của họ. Hai điều kiện này có những hệ quả thực tế nổi bật đối với sự phát triển mang tính biến đổi của nhóm, bởi vì chúng giúp khám phá lại ý nghĩa thần học của đời sống chung và được liên kết chặt chẽ với ý nghĩa ơn gọi của sự hiện hữu nơi mỗi người.

Một cung cách tiếp đón                                 

Hệ quả đầu tiên liên quan đến khả năng tự thăng hoa, bởi vì ý thức những giới hạn của một người là lời mời gọi để nhìn vượt lên trên những biến cố làm ta đau đớn. Kinh nghiệm về những cuộc ra đi đòi buộc người ta phải tổ chức lại lối sống, biết rằng “sự hiệp nhất mà họ phải xây dựng là sự hiệp nhất được thiết lập trên cái giá của sự hòa giải.” Điều này là khả thi dựa trên nền tảng của tầm nhìn chung về đời sống được hiểu như một cơ hội quý báu để tái khám phá tính liên tục trong kế hoạch của Thiên Chúa, ngay cả trong sự đa dạng của những tình huống đã trải nghiệm.  

Hệ quả thứ hai liên quan đến sự quan tâm chăm sóc con người dành cho nhau. “Trong một cộng đoàn huynh đệ thực sự, mỗi thành viên cần có cảm thức về sự đồng trách nhiệm đối với sự trung tín của người khác, mỗi người đóng góp bầu khí thân tình của việc sẻ chia cuộc sống, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, mỗi người cần quan tâm đến những khoảnh khắc mệt mỏi, đau khổ, bị cô lập, hoặc thiếu động lực nơi người khác, mỗi người nâng đỡ những ai đang buồn phiền vì các khó khăn và thử thách.

Hệ quả thứ ba, mang tính cách tình cảm hơn, liên quan đến trải nghiệm cảm xúc của nhóm. Trên thực tế, con người có thể cảm nhận được sự chuyển đổi từ sự bất an sang cung cách trân trọng yêu thương lẫn nhau nếu họ khám phá lại giá trị mang tính giáo dục của tình yêu thương huynh đệ. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể thiết lập các mối tương quan mà mọi người cảm thấy được gọi “để chịu trách nhiệm về sự trưởng thành của người khác, để cởi mở, sẵn sàng đón nhận ân ban của tha nhân, để có thể giúp đỡ và được giúp đỡ, để được đặt để và được thay thế”.

Dựa trên gương mẫu của Chúa Giêsu, sự hỗ tương đích thực này sẽ giúp cho các thành viên của mọi cộng đoàn tu trì và mọi thực tại của đời sống thánh hiến xây dựng một bầu khí đáng tin cậy. Điều đó được khích lệ họ để họ dám đương đầu với những hiểm nguy trong một cách thức riêng biệt của tình yêu, tái khám phá ý nghĩa của sự hiệp thông trong cộng đoàn huynh đệ, giúp củng cố tâm lòng và vượt thắng được nỗi sợ hãi sự bấp bênh.

Cầu nguyện cộng đoàn - Pháp

Chắc chắn rằng, ngay cả trong giờ thử thách, “tình yêu của Đức Kitô tuôn đổ trong trái tim ta, thúc giục ta yêu mến anh chị em ngay cả đến mức nhận lấy những yếu đuối, những vấn đề, những khó khăn của họ.  Nói một lời: thậm chí đến mức dâng hiến chính bản thân”.

Biết đặt trọng tâm, vững chắc trong Chúa

Câu chuyện của mỗi chúng ta được đan quyện vào câu chuyện cuộc đời của những người anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi để sống cùng ơn gọi, đây không phải là sự ngẫu nhiên tình cờ, nhưng là kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Kế hoạch ấy biến những câu chuyện của mỗi người thành một cuộc hành trình chung để cùng khám phá khuôn mặt của Ngài. Những người nam, người nữ được thánh hiến mang lấy gánh nặng cho nhau (Gal 6:2) trong đời sống hàng ngày, điều đó có nghĩa là chúng ta chấp nhận những đau khổ, khó khăn, và những phiền phức.

Một vấn đề cụ thể là chúng ta thực hiện lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về “nền tảng vững chắc nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta. Đây là nguồn sức mạnh nội tâm giúp chúng ta kiên trì đón nhận những thăng trầm của cuộc sống, nhưng cũng để chịu đựng những thù nghịch, phản bội, những thất bại của người khác. “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai dám chống lại chúng ta?” (Rm 8:31): đây là nguồn bình an tím thấy nơi các thánh. Sức mạnh nội tâm như thế giúp chúng ta làm chứng về sự thánh thiện qua sự kiên trì và luôn luôn làm điều tốt giữa một thế giới theo nhịp độ nhanh, ồn ào và hung hãn.  Đó là dấu chỉ của sự trung thành phát sinh từ tình yêu, vì những ai đặt niềm tin vào Chúa (pístis) cũng có thể trung tín với người khác (pistós). Họ không bỏ rơi người khác trong những lúc tồi tệ; họ đồng hành với những người ấy trong sự lo lắng và đau khổ của họ, mặc dù làm như vậy có thể không mang lại sự thỏa mãn ngay lập tức”.

 

Trích sách “Món quà của Lòng trung tín, niềm vui của sự Kiên trung”

Thánh Bộ các Hội Dòng sống Đời sống Thánh hiến

Và các Hiệp hội của Đời sống Tông đồ.