MỤC VỤ GIỚI TRẺ
202. Mục vụ Giới trẻ theo truyền thống đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi của xã hội và văn hoá. Người trẻ thường không thấy các chương trình thông thường của chúng ta đáp ứng được các mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn đề, và các thương tổn của họ. Sự lan rộng và tăng trưởng của các hiệp hội và các phong trào chủ yếu gắn với người trẻ có thể được giải thích như là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng chỉ cho chúng ta những nẻo đường mới. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ lưỡng cách thức các nhóm tham dự vào định hướng mục vụ tổng thể của Hội Thánh, cũng như cần có sự hiệp thông nhiều hơn nữa giữa các nhóm, và sự phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ. Mặc dù không luôn dễ dàng tiếp cận người trẻ, vẫn có hai khía cạnh chúng ta đang lớn lên: sự ý thức toàn thể cộng đồng phải tham gia vào công cuộc Phúc âm hoá người trẻ, và nhu cầu cấp bách để người trẻ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nữa trong các chương trình mục vụ.
Một mục vụ mang tính hiệp hành (synodalité)
203. Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo. Vì vậy, sẽ dư thừa nếu tôi dừng ở đây để đưa ra một cẩm nang mục vụ giới trẻ hay những hướng dẫn thực hành mục vụ. Tốt hơn là hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ.
204. Người trẻ giúp chúng ta nhận ra nhu cầu phải có những phong cách làm việc và chiến lược mới. Chẳng hạn, trong khi người lớn thường lo lắng mọi thứ phải được lên kế hoạch, với các cuộc họp định kỳ và thời gian biểu ổn định, thì đa số những người trẻ ngày nay ít quan tâm đến kiểu cách mục vụ này. Mục vụ giới trẻ cần được linh động hơn và mời người trẻ đến với các sự kiện mà nơi đó, người trẻ không chỉ có cơ hội để học hỏi, nhưng còn để chia sẻ cuộc sống, liên hoan, hát múa, nghe những câu chuyện thực của các chứng từ và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong cộng đoàn.
205. Đàng khác, chúng ta nên xem xét nhiều hơn đến những thực hành đã mang lại hiệu quả, như những phương pháp, ngôn ngữ và mục tiêu tỏ ra hữu hiệu trong việc đưa người trẻ đến với Chúa Kitô và Hội Thánh. Ta không cần quan tâm đến nguồn gốc hay nhãn hiệu, là “bảo thủ hay cấp tiến”, là “phe hữu hay phe tả”. Điều quan trọng là chúng ta tận dụng tất cả những gì phát sinh hiệu quả tốt lành và thông truyền hữu hiệu niềm vui Tin Mừng.
206. Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến đến một Giáo hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”. [111]
207. Bằng cách này, qua việc học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể diễn tả tốt hơn một thực tại đa diện kỳ diệu mà Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô phải trở thành. Hội Thánh có thể thu hút người trẻ chính vì mình không là một thực thể hiệp nhất đồng chất, nhưng trong một mạng lưới các ơn ban đa dạng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ và luôn đổi mới Hội Thánh, bất chấp sự nghèo nàn khốn cùng của Hội Thánh.
208. Tại Thượng Hội đồng, nhiều đề nghị cụ thể được nêu lên nhằm đổi mới Mục vụ Giới trẻ và giải phóng nó khỏi những cách thức không còn hiệu quả vì thiếu khả năng đối thoại với nền văn hoá của người trẻ thời đại. Dĩ nhiên, tôi không thể liệt kê tất cả những điều đó ở đây. Có thể tìm thấy một số đề nghị trong Văn kiện kết thúc của Thượng Hội đồng Giám mục.
Những đường hướng hoạt động chính yếu
209. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cách vắn tắt rằng Mục vụ Giới trẻ bao gồm hai hướng đi chính. Một là tìm kiếm, mời và kêu gọi để hấp dẫn các bạn trẻ mới hướng các bạn tới với một kinh nghiệm về Chúa. Hai là thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn.
210. Về điểm thứ nhất, tìm kiếm, tôi tin tưởng nơi người trẻ, chính họ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc âm hoá những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Sứ điệp Tin Mừng đầu tiên được loan báo, dù trong một “kỳ tĩnh tâm ấn tượng”, hay qua một cuộc trò chuyện trong quán bar, vào dịp nghỉ lễ ở trường học, hay trong bất cứ một đường lối diệu kỳ nào của Thiên Chúa, có thể làm thức tỉnh một kinh nghiệm đức tin sâu sắc. Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác.
211. Trong khi tìm kiếm, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ biểu lộ sự thân tình, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại và tương giao hiện sinh chạm đến được lòng người, tác động đến cuộc sống, đánh thức những khát khao và hy vọng. Người trẻ cần được tiếp cận qua văn phạm của tình yêu, chứ không phải bằng cách thuyết giảng chiêu dụ. Người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những người sống với họ và cho họ, và cả những ai, dù còn đầy giới hạn và yếu đuối, cố gắng sống đức tin chân thành. Đồng thời, chúng ta cũng phải cố tìm tích cực hơn nữa những cách thức để đưa lời rao giảng tiên khởi (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.
212. Về việc thăng tiến, tôi muốn nhắc nhở một điều quan trọng. Ở một số nơi, sau khi được giúp đỡ để có được một kinh nghiệm đậm đà về Thiên Chúa, thay vì được tạo điều kiện để gặp gỡ Chúa Giêsu Đấng đã chạm đến trái tim họ, người trẻ chỉ được tham dự những cuộc gặp gỡ “huấn luyện” lên lớp về những vấn đề đạo lý và luân lý như: những sự dữ trong thế giới ngày nay, về Hội Thánh, về học thuyết xã hội, về đức khiết tịnh, về hôn nhân, về kiểm soát sinh sản và những chủ đề khác. Kết quả là nhiều người trẻ chán ngán, mất đi lửa nhiệt thành gặp gỡ Chúa Kitô và niềm vui bước theo Người. Nhiều người bỏ cuộc, còn những người khác thì buồn chán và tiêu cực. Đừng quá lo lắng truyền đạt thật nhiều nội dung giáo thuyết, nhưng trước hết, chúng ta hãy cố đánh thức và giúp các bạn đào sâu những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Theo lời của Romano Guardini: “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn […] thì mọi sự sẽ trở nên một biến cố liên hệ trong tình yêu đó”. [112]
213. Bất cứ dự án giáo dục hay chương trình thăng tiến nào cho người trẻ chắc chắn cũng phải bao gồm việc đào tạo giáo lý và luân lý. Đây cũng là một điểm quan trọng được quy tâm vào hai trục chính. Một là đào sâu lời rao giảng tiên khởi kerygma, vốn là kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu. Hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục vụ.
214. Đây là điều đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) mà tôi thiển nghĩ giờ đây cần được nhắc lại. Một đàng, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong Mục vụ Giới trẻ “Lời rao giảng tiên khởi (kerygma) nên nhường chỗ cho một sự huấn luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn và khôn ngoan hơn lời rao giảng tiên khởi ấy. Tất cả sự huấn luyện đức tin Kitô giáo trước hết là việc đi sâu vào lời rao giảng tiên khởi và làm cho nó ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta”. [113] Vì thế, Mục vụ Giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống. Có thể làm điều này bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chí là sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan. Thế nhưng, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị gặp gỡ Chúa bằng một loại hình “tuyên truyền” có tính giáo điều nào.
215. Đàng khác, bất kỳ kế hoạch Mục vụ Giới trẻ nào cũng nên kết hợp rõ ràng với những phương tiện và nguồn lực khác nhau, để giúp người trẻ triển nở trong tình huynh đệ, sống như anh em với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đoàn, phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), “là sự chu toàn Lề luật” (Rm 13,10) và là cách tốt nhất thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa, thì nó phải chiếm một vị trí chính yếu trong mọi chương trình đào tạo và thăng tiến người trẻ.
Các môi trường phù hợp
216. Các tổ chức, đoàn thể của chúng ta cần phát triển và củng cố cho thật tốt hơn khả năng đón tiếp thân tình, vì nhiều bạn trẻ cảm thấy bị bỏ rơi. Ở đây, tôi không nói đến các vấn đề trong gia đình, mà muốn nói đến một kinh nghiệm tương tự liên hệ đến các trẻ em, người trẻ và người lớn, cha, mẹ và con cái. Đối với những kinh nghiệm “mồ côi” của người thời đại ngày nay, có lẽ cũng bao gồm cả chúng ta nữa, các cộng đoàn như giáo xứ hoặc trường học nên tạo những cơ hội để mỗi người cảm nghiệm tình yêu vị tha và triển nở, được khẳng định và trưởng thành. Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy họ là con cái kế thừa những ước mơ thất bại từ cha mẹ và ông bà, những ước mơ bị thiêu rụi bởi sự bất công, bạo lực xã hội, ích kỷ. Bao nhiêu là người cảm thấy bị trốc gốc! Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tan hoang, thật khó để họ có thể giữ được sống động ngọn lửa của những giấc mơ và hoài bão lớn. Nếu lớn lên trong một sa mạc trống rỗng ý nghĩa, làm sao người trẻ có thể nuôi dưỡng ước muốn dâng hiến để gieo mầm sống? Kinh nghiệm của sự đứt đoạn, trốc rễ và sụp đổ những điểm tựa nền tảng, bị tác động thêm bởi nền văn hoá truyền thông ngày nay, tạo ra một cảm giác “mồ côi” sâu sắc, đáp lại điều đó chúng ta phải tạo ra một môi trường hấp dẫn và đầy tình huynh đệ, nơi đó người trẻ có thể sống có định hướng.
217. Dựng “nhà” là dựng một “gia đình”. “Đó là học cảm nhận mình được liên kết với người khác qua một mối quan hệ liên đới vượt trên sự thực dụng hay sự vụ, cảm nhận được đời sống của mình đượm “tình người” hơn. Dựng “nhà” là để cho sấm ngôn mặc lấy xác phàm và để những ngày giờ đời ta bớt lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập những mối dây liên kết bằng những hành động hằng ngày đơn giản ai cũng làm được. Một mái nhà, như mọi người chúng ta biết rất rõ, cần được chung tay dựng xây. Không ai được phép thờ ơ hay đứng ngoài cuộc, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây nên ngôi nhà ấy. Điều này giả thiết ta phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn học biết kiên nhẫn, học biết tha thứ lẫn nhau, và bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi phải tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy, cần bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Để kiến tạo những mối liên kết vững chắc, phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày bởi lòng kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách phép lạ xảy ra: ở đây tất cả chúng ta cảm nhận được sự tái sinh, tất cả được sinh ra một lần nữa, bởi vì chúng ta cảm nhận được bàn tay chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa giúp chúng ta có thể mơ ước về một thế giới đầy tình người hơn, và do đó là một thế giới thần thiêng hơn.” [114]
218. Trong khung cảnh này, các tổ chức của chúng ta cần tạo cho người trẻ không gian của riêng họ, để họ có thể tổ chức thoải mái, họ có thể tự do đến và đi, cảm thấy được đón tiếp và có thể đi lại tự nhiên và tin cậy để gặp gỡ những người trẻ khác, khi gặp đau khổ chán chường, hay khi vui mừng hân hoan. Những nơi như thế đã được thực hiện ở một số nhà thờ có các nhà sinh hoạt và các trung tâm dành cho người trẻ. Trong nhiều hoàn cảnh, những nơi đó trở thành khung cảnh thân thiện người trẻ có thể sống kinh nghiệm tình bằng hữu, nam nữ hẹn hò, gặp gỡ nhau, chia sẻ niềm say mê âm nhạc, giải trí, thể thao, cũng như suy niệm và cầu nguyện, mà không phải bận tâm nhiều đến chi phí. Bằng cách đó, chúng ta mở đường cho việc loan báo sứ điệp Tin mừng thiết yếu qua sự tiếp xúc cá nhân, là cách mà không một phương pháp mục vụ nào khác có thể thay thế được.
219. “Tình bạn và sự trao đổi, ngay cả trong những nhóm có cơ cấu ít nhiều, thường đem đến cơ hội để củng cố các kỹ năng xã hội và tương giao, trong bối cảnh mà mình không bị đánh giá hay bị phê phán. Kinh nghiệm nhóm cũng là một thuận lợi rất lớn để chia sẻ đức tin và giúp nhau làm chứng. Người trẻ có khả năng dẫn dắt người trẻ khác và sống một đời tông đồ đích thực giữa những người bạn của mình”. [115]
220. Nói thế không có nghĩa là họ nên cô lập mình và đóng kín mọi liên hệ với các cộng đoàn của giáo xứ, những phong trào và những tổ chức tôn giáo khác trong Hội Thánh. Nhưng họ sẽ hoà nhập tích cực hơn vào những cộng đoàn mở ra cho họ, sống đức tin, tha thiết toả chiếu Đức Kitô, vui tươi, tự do, đầy tình huynh đệ và tinh thần dấn thân. Những cộng đoàn này có thể trở thành những kênh chuyển thông nơi đó họ cảm thấy có thể vun trồng những mối quan hệ quý giá.
Mục vụ giới trẻ trong môi trường giáo dục
221. Trường học chắc hẳn là một môi trường thuận tiện để tiếp cận thiếu nhi và người trẻ. Vì trường học là nơi ưu việt để phát triển con người, nên cộng đoàn Kitô hữu đã luôn rất quan tâm huấn luyện giáo viên và các nhà quản trị, thành lập các trường của mình với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau. Trong lĩnh vực giáo dục người trẻ, Thánh Thần đã khơi lên rất nhiều đặc sủng và chứng tá thánh thiện. Tuy nhiên, các trường cần cấp thiết tự kiểm điểm, nếu chúng ta lưu ý đến kết quả mục vụ của nhiều tổ chức giáo dục, sẽ thấy nhiều trường thường tập chú vào một kiểu giáo dục đức tin nào đó ít có khả năng khơi dậy những kinh nghiệm đức tin lâu bền. Hơn nữa, một số trường Công Giáo dường như được tổ chức chỉ để tự bảo tồn chính mình. Sợ thay đổi khiến các trường không thể chấp nhận được sự bấp bênh và phòng thủ trước các nguy cơ, cả nguy cơ thật lẫn tưởng tượng, có thể có do một sự thay đổi bất kỳ mang lại. Trường học mà biến thành một “hầm trú ẩn” bao bọc học sinh tránh xa những sai lầm “từ bên ngoài” là một biếm hoạ cho xu hướng này. Nhưng hình ảnh ấy phản ánh một cách đáng lo ngại về những gì mà nhiều người trẻ đang phải trải nghiệm khi họ tốt nghiệp từ một số cơ sở giáo dục ấy. Họ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo chúng, họ cũng không được học cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững được giữa nhịp sống vội vã của xã hội. Thật ra, một trong những niềm vui lớn nhất của một nhà giáo dục là nhìn thấy học trò của mình trở thành một con người mạnh mẽ, thống nhất, chủ động và có khả năng cống hiến.
222. Trường học Công Giáo vẫn là nơi chính yếu để loan báo Tin mừng cho người trẻ. Điều quan trọng là cần nhớ một vài tiêu chuẩn hướng dẫn được trình bày trong Tông hiến Veritatis Gaudium về việc canh tân và phục hưng các trường học và các đại học theo hướng “mở ra” truyền giáo. Đó là kinh nghiệm về lời rao giảng tiên khởi (kergyma), đối thoại ở mọi cấp bậc, các phương thức liên ngành và xuyên ngành, cổ võ nền văn hoá gặp gỡ, khẩn thiết tạo lập các mạng lưới và lựa chọn phục vụ những người thấp kém nhất, những người bị xã hội bỏ rơi. [116] Cũng quan trọng không kém là khả năng hội nhập kiến thức của trí óc, với con tim và đôi tay.
223. Đàng khác, chúng ta không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hoá. Hội Thánh luôn muốn phát triển nền giáo dục văn hoá tốt nhất cho người trẻ. Hội Thánh không được từ chối công cuộc ấy, vì người trẻ có quyền được như thế. “Đặc biệt ngày nay, quyền được giáo dục tốt có nghĩa là bảo vệ sự khôn ngoan, tức là, tri thức nhân văn và phát triển nhân bản. Chúng ta rất thường bị điều khiển bởi những lối sống tầm thường phù phiếm, lôi kéo chúng ta theo đuổi sự thành công rẻ tiền, hạ giá sự hy sinh và tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng giáo dục là không cần thiết trừ phi nó đem lại hiệu quả cụ thể tức thời. Không, giáo dục giúp chúng ta biết chất vấn, ngăn ngừa chúng ta không bị u mê bởi cái tầm thường, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta cần đòi lại quyền của mình không để bị lung lạc bởi những “thứ quyến rũ” tràn ngập ngày nay làm sao lãng khỏi cuộc tìm kiếm này. Ulysse, để không bị đắm bởi khúc hát của mỹ nhân ngư vốn hay làm mê hoặc các thủy thủ khiến họ lao thuyền vào ghềnh đá, đã tự trói mình vào cột buồm và buộc những người đồng hành phải bịt kín tai lại. Còn Orpheus thì lại có cách đối phó khác với khúc hát của các nàng tiên cá: chàng tấu lên một giai điệu còn hay hơn có sức mê hoặc các mỹ nhân ngư kia. Đây là nhiệm vụ cao cả của các con, đó là đáp lại những điệp khúc làm tê liệt xã hội của trào lưu tiêu thụ về văn hoá bằng những lựa chọn năng động và quyết liệt, bằng sự tìm tòi, hiểu biết và chia sẻ.” [117]
Những lĩnh vực cần được phát triển
224. Nhiều người trẻ đã học biết nếm hưởng sự thinh lặng và sống thân mật với Chúa. Ngày càng có nhiều nhóm tập hợp để tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa. Chúng ta không được xem thường khả năng của người trẻ trong việc cầu nguyện chiêm niệm. Chỉ cần tìm ra cách thức và kiểu mẫu thích hợp để giúp họ dấn thân vào kinh nghiệm quý giá này. Liên quan đến việc thờ phượng và cầu nguyện, “trong nhiều bối cảnh, giới trẻ công giáo mong muốn có được một đường lối phụng vụ mới mẻ, đích thực và vui tươi, đem đến cho họ những giờ phút cầu nguyện và những buổi cử hành bí tích có thể lay động đời sống thường ngày”. [118] Thật quan trọng nếu biết quý trọng những thời nhịp mạnh nhất của năm phụng vụ, đặc biệt là Tuần Thánh, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và Giáng Sinh. Người trẻ cũng vui thích gặp gỡ trong những dịp lễ khác ngắt nhịp sống đều đặn thường nhật và giúp họ sống kinh nghiệm niềm vui đức tin.
225. Những việc phục vụ của người Kitô hữu là một cơ hội ưu việt để người trẻ phát triển và mở ra đón nhận ơn huệ đức tin và đức ái do Chúa ban. Nhiều người trẻ được lôi cuốn bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo. Thường việc phục vụ này là bước đầu tiên để khám phá và tái khám phá đời sống Kitô hữu và Hội Thánh. Nhiều người trẻ mệt mỏi với những chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng, và đôi khi họ yêu cầu có cơ hội được tham gia tích cực vào các hoạt động giúp ích cho tha nhân.
226. Chúng ta không thể quên những diễn tả nghệ thuật, như kịch nghệ, hội hoạ, và nhiều thể loại khác. “Tầm quan trọng của âm nhạc vô cùng đặc biệt; âm nhạc là một môi trường thực sự và giới trẻ thường xuyên ngụp lặn trong đó, như một loại văn hoá và một loại ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính. Ngôn ngữ âm nhạc cũng là một lợi ích cho mục vụ, đặc biệt là cho phụng vụ và canh tân phụng vụ” [119]. Ca hát có thể là một lực đẩy quan trọng đối với người trẻ khi họ đi trên con đường trần thế. Như Thánh Augustinô nói: “Hãy ca hát, nhưng cũng tiếp tục tiến bước. Hãy hát ca để công việc của bạn được nhẹ bớt, đừng lười biếng. Hãy hát, nhưng cũng hãy tiếp tục tiến bước. […] Khi tiến bước bạn sẽ tiếp tục hành trình; nhưng hãy tiến bước trong nhân đức, trong đức tin chính thực và những việc làm thiện lương. Hãy ca hát, và bước tới”. [120]
227. “Việc luyện tập thể thao nơi giới trẻ cũng có tầm quan trọng không kém. Giáo hội không được đánh giá thấp những tiềm năng của thể thao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và phải cương quyết luôn hiện diện trong môi trường này. Thế giới thể thao cần được giúp để khắc phục những thái độ tiêu cực đi kèm, chẳng hạn như sùng bái vô địch, phục vụ lợi ích thương mại và ý muốn phải thành công bằng mọi giá”. [121] Ở tâm điểm của kinh nghiệm thể thao là “niềm vui: niềm vui được vận động, niềm vui quy tụ với nhau, niềm vui sống và đón nhận những quà tặng mà Đấng Tạo Hoá ban cho ta mỗi ngày”. [122] Đàng khác, một vài Giáo phụ đã dùng ví dụ về thực hành thể thao để mời gọi người trẻ phát triển sức mạnh và vượt qua sự chây lười hoặc nhàn rỗi. Thánh Basiliô Cả, khi viết cho người trẻ, đã dùng ví dụ trong thể thao. Ngài nói, cũng như những vận động viên cần phải rất cố gắng tập luyện để thi đấu thành công, cũng thế, sự hy sinh xét như một phương thế rất cần thiết để người ta lớn lên về mặt nhân đức. “Những người ấy phải chịu đựng muôn vàn hy sinh, sử dụng đủ mọi phương tiện để rèn luyện gia tăng thể lực, đổ mồ hôi khi thực hành các bài tập luyện thể lực vất vả, […] và, nói tóm lại, họ sống cả cuộc đời trong kỷ luật chỉ để chuẩn bị cho cuộc thi đấu, […] họ đặt nền bằng cách đầu tư cho các nguồn sức mạnh thể lý và tâm lý của họ, để dành cho được vòng hoa chiến thắng. Vậy thì chúng ta đang mong đợi trong cuộc sống kia những phần thưởng kỳ diệu không miệng lưỡi nào có thể mô tả được, làm sao chúng ta có thể nghĩ mình sẽ giành được phần thưởng ấy nếu chỉ biết sống nhàn rỗi và làm việc ì ạch”. [123]
228. Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên. Họ muốn tiếp xúc với thiên nhiên và nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường. Đó chính là trường hợp của phong trào hướng đạo và một số nhóm khác đang tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và các chiến dịch cải thiện môi trường. Trong tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, những kinh nghiệm này có thể khởi xướng một lộ trình huấn luyện sống tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm.
229. Những cơ hội này và nhiều cơ hội khác để Phúc âm hoá người trẻ, không được làm chúng ta quên rằng bên trên sự thay đổi của lịch sử và của các cảm thức của người trẻ còn có những ơn huệ của Chúa tặng ban luôn hợp thời. Những ơn ấy có một sức mạnh siêu vượt trên mọi thời đại và mọi hoàn cảnh. Đó là Lời Chúa luôn sống động và hiệu nghiệm, đó là sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể nuôi sống chúng ta, và bí tích Giải tội mang lại cho chúng ta tự do và sức mạnh. Chúng ta cũng có thể nhắc đến kho tàng thiêng liêng vô tận được Hội Thánh gìn giữ trong chứng tá của các thánh và trong giáo huấn của các bậc thầy thế giá về linh đạo. Cho dù phải tôn trọng những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, và có khi phải kiên nhẫn chờ đợi thời gian thích hợp, chúng ta nhất thiết cũng phải mời gọi người trẻ kín múc từ những suối nguồn sự sống mới này. Chúng ta không có quyền tước đi của họ điều tốt lành tuyệt vời này.
Một mục vụ giới trẻ đại chúng
230. Ngoài những mục vụ thông thường, theo kế hoạch đã định, mà các giáo xứ và các phong trào thực hiện, một điều cũng rất quan trọng là dành chỗ cho một mục vụ giới trẻ có tính “đại chúng”. Mục vụ này cần một phong cách, lịch trình, nhịp độ và phương pháp khác. Nó mở rộng hơn và uyển chuyển hơn, mục vụ này mở ra đi đến những nơi khác nhau mà người trẻ thực tế đang hoạt động, thúc đẩy những phẩm chất lãnh đạo tự nhiên và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi. Trước hết cần phải tránh áp đặt nhiều chướng ngại, quy tắc, kiểm soát và các cơ cấu trách nhiệm lên các tín hữu trẻ trung đang là những lãnh đạo tự nhiên trong khu vực của họ và trong các môi trường khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn nữa vào sự quan phòng của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động như Ngài muốn.
231. Chúng ta đang nói về những người lãnh đạo “đại chúng” thật sự, không phải những người thành phần ưu tú hay những người khép kín trong những nhóm nhỏ được chọn lọc. Để có thể hiến thân cho một mục vụ “đại chúng” cho giới trẻ “họ cần phải học biết lắng nghe cảm thức của dân chúng, trở thành người phát ngôn cho dân chúng và làm việc phục vụ cho sự thăng tiến của dân chúng”. [124] Khi chúng ta nói đến “dân chúng”, chúng ta không phải là nói về những cơ cấu xã hội hay Hội Thánh, nhưng là về tất cả những con người đang bước đi, không phải như những cá nhân riêng rẽ mà như một cộng đồng gắn kết chặt chẽ, bao gồm mọi người và vì mọi người, trên một hành trình không bao giờ bỏ lại phía sau những người nghèo nhất và những người yếu thế nhất. “Dân chúng muốn mọi người cùng chia sẻ những ích chung, và do đó, chấp nhận cùng tiến bước chung nhịp với những người bé mọn nhất để mọi người có thể cùng đi đến nơi”. [125] Những lãnh đạo “đại chúng”, vì thế, là những người có khả năng làm cho mọi người cùng tham dự hành trình, bao gồm những người nghèo nhất, những người yếu kém nhất, những người bị thương tích. Họ không xa lánh cũng không sợ hãi những người trẻ đã trải qua đau thương và đang vác nặng thập giá.
232. Cũng trong hướng đi đó, nhất là trường hợp những người trẻ không sinh trưởng trong các gia đình hay trong tổ chức Kitô giáo, và đang trưởng thành chậm chạp, chúng ta phải khích lệ tất cả những gì tốt đẹp có thể. [126] Đức Kitô đã cảnh báo chúng ta đừng chỉ nhìn thấy hạt giống tốt (x. Mt 13,24-30). Đôi khi trong lúc cố gắng phát triển một mục vụ giới trẻ lành mạnh và thuần khiết, được đánh dấu bởi những ý tưởng trừu tượng, xa cách thế giới thực và tránh xa mọi nhơ bẩn, chúng ta có thể sẽ biến Tin Mừng thành nhạt nhẽo, khó hiểu, xa vời, xa cách với văn hoá người trẻ và chỉ phù hợp với một thành phần người trẻ Kitô hữu ưu tú tự xem mình khác biệt, nhưng kỳ thực tự cô lập thiếu sức sống và không phong nhiêu. Như thế là chúng ta đã làm trốc rễ và làm chết ngạt, cùng với cỏ lùng mà ta muốn loại bỏ, cả những mầm chồi đang cố gắng vươn lên bất kể những giới hạn của chúng.
233. Thay vì “trình bày hàng loạt quy tắc khiến họ có một hình ảnh thô thiển và nặng tính luân lý về Kitô giáo, chúng ta nên tin vào sự táo bạo của họ, thúc đẩy và dạy họ biết gánh lấy trách nhiệm, đồng thời chúng ta cũng tin chắc rằng sai lầm, thất bại và khủng hoảng là những kinh nghiệm có thể giúp họ lớn lên về mặt nhân bản.” [127]
234. Thượng Hội đồng khuyến khích xây dựng một mục vụ giới trẻ có tính bao quát, có thể tạo chỗ cho mọi tầng lớp người trẻ, qua đó cho thấy thực sự chúng ta là một Hội Thánh mở rộng cửa. Người ta không cần phải chấp nhận tất cả những giáo huấn của Hội Thánh mới được tham dự vào một số hoạt động cho người trẻ. Chỉ cần có một thái độ cởi mở hướng đến tất cả những ai khao khát và sẵn lòng gặp gỡ chân lý mà Chúa mạc khải. Một số hoạt động mục vụ có thể đòi hỏi phải trải qua một hành trình đức tin nào đó rồi. Nhưng chúng ta cần một sứ vụ giới trẻ “đại chúng” mở cửa và dành chỗ cho tất cả mọi người, và cho một số người nào đó còn hoài nghi, bị thương tổn, với những vấn đề và nỗ lực tìm kiếm danh tính của họ, với những lầm lỗi quá khứ, những kinh nghiệm tội lỗi và mọi khó khăn của họ.
235. Cũng phải có chỗ cho “tất cả những người quan niệm cuộc sống cách khác, những người tuyên xưng một niềm tin khác hoặc những người tuyên bố xa lạ với đời sống tôn giáo. Tất cả người trẻ, không trừ một ai, đều ở trong trái tim Thiên Chúa và do đó cũng ở trong trái tim Giáo hội. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta quả quyết trên môi miệng, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thể hiện thực sự điều này trong hành động mục vụ: thường chúng ta vẫn khép kín trong những môi trường của chúng ta, nơi tiếng nói của người trẻ không vang lên thấu; hoặc chúng ta tập trung vào những hoạt động dễ dãi và thú vị hơn, và như thế chúng ta bóp nghẹt niềm thao thức mục vụ tốt lành đang thôi thúc chúng ta phải bước ra khỏi những gì chúng ta cho là an toàn, trong khi Tin Mừng lại yêu cầu chúng ta phải mạnh dạn. Giờ đây, chúng ta muốn trở nên mạnh dạn mà không tự mãn, cũng chẳng có ý lôi kéo ai theo đạo, nhưng chúng ta chỉ làm chứng cho tình yêu Chúa và đưa tay ra cho tất cả người trẻ trên thế giới để họ nắm lấy”. [128]
236. Mục vụ giới trẻ, khi không chỉ dành cho thành phần ưu tú mà mở ra cho “đại chúng”, là một quá trình chậm rãi, đầy tôn trọng, kiên nhẫn, tin tưởng, nhiệt thành và đầy trắc ẩn. Thượng Hội đồng đã đưa ra mẫu gương là các môn đệ Emmau (x. Lc24,13-15) như điển hình cho những gì sẽ xảy ra trong công tác mục vụ giới trẻ.
237. “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ, hai ông không hiểu ý nghĩa của những gì đã xảy ra và đang đi xa khỏi Giêrusalem và cộng đoàn. Để bầu bạn với họ, Chúa Giêsu đã cùng đi với họ trên đường. Người hỏi họ và kiên nhẫn nghe cách họ kể lại các sự việc, hầu giúp họ nhận ra những gì họ đang sống. Rồi với giọng đầy yêu thương và quả quyết, Người loan truyền Lời Chúa cho họ, giúp họ hiểu ra dưới ánh sáng Lời Chúa ý nghĩa của các biến cố họ đã trải qua. Người nhận lời mời dừng chân với họ lúc ngày đã tàn: Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh”. [129]
238. Những biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, nhất là những cuộc hành hương, hấp dẫn người trẻ (họ vốn không cảm thấy dễ dàng tham dự vào các tổ chức Hội Thánh), và là dấu hiệu cụ thể của niềm tin của họ vào Chúa. Những cách tìm kiếm Chúa như thế được thấy cách riêng nơi các bạn trẻ nghèo, nhưng cả nơi những người thuộc các thành phần khác của xã hội. Không được khinh thường những cách thức ấy, nhưng hãy khuyến khích và thúc đẩy. Vì lòng đạo đức bình dân “là một cách hợp lệ để sống đức tin” [130] và “là một biểu hiện của hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa”. [131]
Luôn là những nhà truyền giáo
239. Tôi muốn nhắc lại rằng không cần phải làm một khoá đào tạo dài hạn để biến người trẻ thành những nhà truyền giáo. Ngay cả những người yếu kém nhất, bị giới hạn và nhiều thương tổn, cũng có thể là những nhà truyền giáo theo cách riêng của mình, vì điều tốt lành luôn phải được sẻ chia, cho dù nó tồn tại bên cạnh nhiều giới hạn. Một người trẻ đi hành hương để xin Đức Mẹ phù hộ, và mời một người bạn khác cùng đi, chỉ bằng cử chỉ ấy thôi cũng đã là một việc truyền giáo quý giá rồi. Gắn liền với mục vụ giới trẻ đại chúng là sứ mạng truyền giáo phổ quát, vô định, hoạt động này phá vỡ tất cả những khuôn mẫu thông thường của Hội Thánh. Chúng ta hãy đồng hành, khích lệ, nhưng đừng cố can thiệp quá vào những hoạt động như thế.
240. Nếu biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đang nói với mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mục vụ giới trẻ phải luôn là một mục vụ truyền giáo. Người trẻ sẽ được phong phú hoá rất nhiều khi họ vượt qua tính rụt rè và dám đến thăm các gia đình. Bằng cách này họ giao tiếp với những mảnh đời, và sẽ biết cách nhìn hướng ra khỏi gia đình, nhóm bạn bè của mình, và bắt đầu có một tầm nhìn xa rộng hơn về cuộc sống. Đồng thời, đức tin và cảm thức của họ thuộc về Hội Thánh cũng sẽ lớn mạnh lên. Những sứ vụ người trẻ, thường diễn ra trong những kỳ nghỉ hè sau một thời gian chuẩn bị, có thể dẫn tới kinh nghiệm đức tin mới mẻ và thậm chí cả những suy nghĩ nghiêm túc về ơn gọi.
241. Nhưng người trẻ có thể sáng tạo những hình thức truyền giáo mới trong các hoàn cảnh rất đa dạng. Chẳng hạn như, vì các bạn trẻ quá quen thuộc với các mạng xã hội, họ nên được khuyến khích đem Thiên Chúa, tình huynh đệ và sự nhiệt thành dấn thân, vào tràn ngập các mạng ấy.
Sự đồng hành của những người trưởng thành
242. Người trẻ cần được tôn trọng sự tự do, nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình phải là nơi đồng hành đầu tiên. Mục vụ giới trẻ có thể giới thiệu một chương trình sống dựa trên nền tảng Đức Kitô, như xây dựng một ngôi nhà, một gia đình phải đặt trên nền đá (x. Mt 7,24-25). Đối với phần lớn người trẻ thì ngôi nhà ấy, dự phóng ấy sẽ được xây dựng trên hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Vì thế, Mục vụ giới trẻ và Mục vụ gia đình cần phải phối kết với nhau, để bảo đảm sự đồng hành liên tục và thích hợp trong tiến trình ơn gọi.
243. Cộng đoàn có một vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; toàn thể cộng đoàn phải ý thức trách nhiệm, đón nhận, động viên, khích lệ và thúc đẩy người trẻ. Điều đó hàm nghĩa chúng ta nên nhìn người trẻ với sự thông cảm, trân trọng và thương yêu, đừng cứ mãi phán xét họ hay đòi hỏi họ phải hoàn hảo trước tuổi.
244. Tại Thượng Hội đồng, “Nhiều vị đã nêu lên vấn đề thiếu người vừa có khả năng vừa có thời gian để đồng hành. Nếu chúng ta tin rằng lắng nghe có giá trị thần học và mục vụ, chúng ta phải xem lại và đổi mới những cách thực thi thừa tác vụ linh mục thường làm, và chúng ta cũng phải nhận định xem đâu là những ưu tiên của thừa tác vụ này. Hơn nữa, Thượng Hội đồng nhìn nhận cần phải chuẩn bị cho người thánh hiến và cho cả giáo dân nam nữ để họ có khả năng đồng hành với người trẻ. Đặc sủng lắng nghe mà Chúa Thánh Thần làm nảy sinh trong các cộng đồng cũng có thể được thể chế công nhận cách nào đó như một việc phục vụ của Hội Thánh.”. [132]
245. Ngoài ra, có một nhu cầu đồng hành cách đặc biệt với những người trẻ tỏ ra có tiềm năng năng lãnh đạo, để giúp họ được đào tạo và được chuẩn bị những gì cần thiết. Những bạn trẻ gặp gỡ trước Thượng Hội đồng đã yêu cầu phát triển “những chương trình mới về thuật lãnh đạo trong đào tạo và không ngừng phát triển những người lãnh đạo trẻ. Một số bạn nữ cảm thấy đang thiếu thốn những mẫu lãnh đạo nữ giới trong lòng Hội Thánh, và họ cũng ước ao được cống hiến tài năng trí thức và chuyên môn của mình cho Hội Thánh. Hơn nữa chúng ta cũng tin rằng các chủng sinh và tu sĩ cần có năng lực lớn hơn trong việc đồng hành với những lãnh đạo trẻ”. [133]
246. Chính những người trẻ ấy mô tả cho chúng ta những phẩm chất mà họ hy vọng gặp thấy nơi những người đồng hành với họ, và họ diễn tả điều này rất rõ ràng. “Những phẩm chất của một người đồng hành như thế bao gồm: phải là một Kitô hữu giàu đức tin, dấn thân cho Hội Thánh và thế giới; phải là người không ngừng theo đuổi sự thánh thiện; một người bạn tâm giao mà không phán xét; một người biết lắng nghe tích cực những nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cách thích đáng; một người có lòng yêu thương sâu sắc và có ý thức về chính mình; một người nhìn nhận những giới hạn của mình và biết rõ những niềm vui và sầu khổ trong đời sống thiêng liêng. Một phẩm chất đặc biệt quan trọng nơi những người đồng hành, đó là biết nhận ra thân phận con người của mình, tức là những con người có sai lầm: họ không phải là những người hoàn hảo nhưng là những tội nhân biết mình được tha thứ. Đôi khi những người đồng hành được đặt trên bệ cao, và khi họ vấp ngã có thể gây tác động tàn phá đến khả năng người trẻ tiếp tục dấn thân trong Hội Thánh. Những người đồng hành không nên hướng dẫn người trẻ như những kẻ đi theo thụ động, nhưng phải cùng đi bên cạnh họ, giúp họ thành những thành viên tích cực trên cuộc hành trình. Họ cần phải tôn trọng tự do của người trẻ trong tiến trình phân định của họ và trang bị cho họ những công cụ để làm việc ấy thật tốt. Một người đồng hành phải tin tưởng sâu xa vào khả năng tham gia đời sống Hội Thánh của người trẻ. Một người đồng hành phải vun xới hạt giống đức tin nơi người trẻ, mà không kỳ vọng thấy hoa trái tức thì của công trình Chúa Thánh Thần. Vai trò đồng hành không, và không thể, chỉ dành riêng cho các linh mục và những người được thánh hiến, nhưng các giáo dân cũng phải được bồi dưỡng để đảm nhận vai trò này. Tất cả những người đồng hành nên được huấn luyện cơ bản cách chắc chắn và được huấn luyện thường xuyên”. [134]
247. Các cơ sở giáo dục của Hội Thánh chắc hẳn là một môi trường chung cho sự đồng hành. Các cơ sở ấy giúp hướng dẫn rất nhiều người trẻ, nhất là khi “tìm cách đón tiếp mọi người trẻ, không phân biệt tôn giáo họ lựa chọn, nguồn gốc văn hoá và hoàn cảnh của họ trên phương diện cá nhân, gia đình hay xã hội. Như thế, đóng góp của Giáo hội là căn bản trong việc giáo dục toàn diện cho giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới”. [135] Các cơ sở ấy sẽ cắt giảm mất chức năng này một cách bất cập nếu như đặt ra những tiêu chuẩn cứng nhắc cho việc tuyển sinh hoặc để tiếp tục theo học, vì như vậy những cơ sở này sẽ lấy đi của nhiều người trẻ sự đồng hành vốn có thể giúp làm phong phú đời sống của họ.
[111] VK 123.
[112] Das Wesen des Christentums / Die neue Wirklichkeit des Herrn, Mainz 71991, 14.
[113] Số 165: AAS 105 (2013), 1089.
[114] Diễn từ trong chuyến viếng thăm Casa Hogar del Buen Samaritano, Panama, (27/01/2019): L’Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 10.
[115] VK 36.
[116] X. Tông hiến Veritatis Gaudium (08/12/2017), 4: AAS 110 (2018), 7-8.
[117] Diễn từ tại Cuộc Gặp gỡ Sinh viên và Đại diện Giới Học Thuật ở Piazza San Domenico, Bologna (01/10/2017): AAS 109 (2017), 1115.
[118] VK 51.
[119] Ibid., 47.
[120] Sermo 256, 3: PL 38, 1193.
[121] VK 47.
[122] Diễn văn trước Đoàn đại biểu Olympics Quốc tế Đặc biệt (16/02/2017): L’Osservatore Romano, 17/02/2017, 8.
[123] Ad Adolescentes, VIII, 11-12: PG 31, 580.
[124] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ARGENTINA, Declaración de San Miguel, Buenos Aires, 1969, X, 1.
[125] RAFAEL TELLO, La nueva evangelización, II (Appendices I and II), Buenos Aires, 2013, 111.
[126] X. EG 44-45.
[127] VK 70.
[128] Ibid., 117.
[129] Ibid., 4.
[130] EG 124.
[131] Ibid., 122: AAS 105 (2013), 1071.
[132] VK 9.
[133] Tài liệu kết thúc Hội nghị Giới trẻ Tiền Thượng Hội đồng, chuẩn bị cho khoá họp thường lệ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục, Roma (24/03/2018), 12.
[134] Ibid., 10.
[135] VK 15.