NGƯỜI TRẺ VỚI CỘI RỄ
179. Đôi khi tôi bắt gặp những cây nhỏ xinh xinh, nhánh chúng hướng lên trời cứ vươn lên cao mãi, tựa như một bài ca hy vọng. Và rồi, sau một cơn bão tôi thấy chúng gục ngã và đã chết. Bởi lẽ, với bộ rễ lưa thưa chúng vươn cành lên cao trong khi rễ không được bén sâu vào lòng đất, nên nhanh chóng bị vùi dập dưới sức mạnh của thiên nhiên. Bởi thế tôi đau buồn khi thấy những người trẻ được gợi ý xây dựng một tương lai mà không có cội rễ, như thể thế giới mới chỉ bắt đầu hôm nay vậy. Vì “chúng ta không thể lớn lên nếu thiếu đi những bộ rễ mạnh mẽ để nâng đỡ mình đứng vững và gắn chặt vào mặt đất. Thật dễ bị cuốn bay đi mất khi chúng ta không có một nơi nào để bám víu, không có chỗ nào để định cư.” [98]
Đừng để mình bị bật rễ
180. Đây không phải là một vấn đề thứ yếu, tôi thấy cần dành một chương ngắn để thảo luận về nó. Nếu hiểu vấn đề này cho đúng, chúng ta sẽ nhận ra sự khác biệt giữa niềm vui của tuổi trẻ với sự sùng bái tuổi trẻ đầy sai lầm – đó vốn là điều một số người đã sử dụng để dẫn dụ người trẻ và lợi dụng họ phục vụ cho mục đích của mình.
181. Chúng ta hãy thử nghĩ về điều này: Nếu có ai đó đề nghị và nói với các con rằng hãy phớt lờ lịch sử và không cần trân trọng kinh nghiệm của các bậc tiền bối; khinh thường quá khứ mà chỉ nhắm đến tương lai được họ thêu dệt nên, thì chẳng phải đó là cách thức dễ dàng để họ lôi kéo các con làm điều họ bảo hay sao? Họ muốn các con nông cạn, mất gốc và hoài nghi mọi sự, để các con chỉ biết tin vào lời hứa và tuân theo theo những kế hoạch của họ mà thôi. Đó chính là cách thức mà các ý thức hệ khác nhau thực hiện. Họ tiêu hủy (hoặc phân rã) mọi sự khác biệt để có thể thống trị mà không bị phản kháng. Để đạt được điều đó, họ cần làm cho người trẻ xem thường lịch sử, chối bỏ kho tàng thiêng liêng và nhân bản được truyền lại qua các thế hệ, và không biết đến tất cả những gì có trước mình.
182. Đồng thời, những kẻ lừa mị còn dùng một nguồn khác, đó là “sự sùng bái tuổi trẻ”, như thể coi tất cả những gì không còn trẻ thì đáng chê bai và lỗi thời. Thân xác trẻ trung trở thành biểu tượng cho trào lưu sùng bái này; và tất cả những gì thuộc về thân xác đó đều được thần tượng hoá và đáng ham muốn vô hạn, trong khi những gì “không trẻ trung” thì bị coi thường. Thế nhưng, đó là một thứ vũ khí rốt cuộc chỉ làm hạ cấp đặc biệt là người trẻ, tước mất của họ những giá trị thực và lợi dụng họ để đạt được những lợi ích cá nhân, kinh tế hoặc chính trị.
183. Các bạn trẻ thân mến, đừng cho phép người ta lợi dụng tuổi trẻ của các con, đẩy các con đến một lối sống nông cạn đồng hoá cái đẹp chỉ với dáng vẻ bên ngoài. Nhưng hãy biết rằng có một vẻ đẹp tuyệt vời nơi một người lao động trở về nhà với vẻ lấm lem phờ phạc, nhưng lại chan chứa niềm vui khi đem cơm bánh về cho con cái. Có một vẻ đẹp kỳ diệu của một gia đình nhỏ hoà hợp quây quần bên mâm cơm gia đình dù rất đạm bạc nhưng biết chia sẻ quảng đại cho nhau. Có vẻ đẹp nơi một người vợ, dẫu hơi nhếch nhác và hình hài đã in dấu thời gian, nhưng vẫn tận tụy chăm sóc người chồng ốm đau, mặc cho đã tuổi cao sức yếu. Dẫu mùa xuân của thời “lưu luyến ấy” đã qua đi, vẫn có một vẻ đẹp của các cặp đôi trung thành yêu thương nhau đi qua mùa thu của cuộc đời và vẻ đẹp của các cụ ông cụ bà vẫn nắm tay sánh bước bên nhau đến cuối cuộc đời. Có một vẻ đẹp, vượt trên cái đẹp ngoại hình và thời trang, nơi những người nam và người nữ theo đuổi ơn gọi của mình với tình yêu, để phục vụ quên mình vì cộng đồng và đất nước, nơi những người làm việc quảng đại để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nỗ lực làm việc chăm chỉ trong âm thầm vô vị lợi để tái thiết một xã hội hoà hợp tiến bộ. Khám phá, bộc lộ và biểu dương những vẻ đẹp này, vốn là những phản chiếu sống động vẻ đẹp của Đức Kitô trên thập giá, là ta đã đặt nền tảng cho sự liên đới xã hội đích thật và cho nền văn hoá gặp gỡ.
184. Cùng với những chiến lược sùng bái tuổi trẻ và vẻ bề ngoài sai lạc, ngày nay người ta còn cổ võ một thứ linh đạo không có Thiên Chúa, một kiểu tình cảm không cộng đồng và không dấn thân đến với những người đau khổ, nỗi sợ người nghèo xem họ như một mối nguy hiểm, và rất nhiều đề nghị làm chúng con tin vào một tương lai thiên đường ngày càng xa vời. Cha không muốn giới thiệu với các con những đề nghị như thế, và với cả tấm lòng, cha xin các con hãy cẩn trọng đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ đó, bởi nó không những không làm các con nên trẻ trung hơn, mà còn biến các con thành nô lệ. Cha đề nghị với các con một con đường khác, khởi đi từ sự tự do, nhiệt huyết và sáng tạo, hướng tới những chân trời mới, và đồng thời, giúp chúng con chăm sóc những cội rễ nuôi dưỡng và nâng đỡ mình.
185. Theo hướng đó, tôi muốn lưu ý rằng “nhiều Nghị phụ Thượng Hội đồng đến từ những bối cảnh không phải Tây phương đã cho thấy là, tại những quốc gia của họ, hiện tượng toàn cầu hoá cũng đồng thời hình thành nên một hình thức thực dân văn hoá, tách người trẻ ra khỏi những cội rễ văn hoá và tôn giáo của mình. Hội Thánh cần quan tâm đồng hành với những người trẻ trong tiến trình này giúp họ không đánh mất những nét quý giá nhất trong căn tính của họ”. [99]
186. Ngày nay chúng ta thấy một xu thế “đồng dạng hoá” người trẻ, làm mờ nhạt đi những nét độc đáo về nguồn gốc của họ, và biến họ thành những thứ sản phẩm dễ uốn nắn hàng loạt. Điều này tạo ra một sự hủy hoại văn hoá nghiêm trọng tương tự như sự tuyệt chủng của các loài động thực vật. [100] Vì lý do này, khi nói chuyện với các bạn trẻ bản địa quy tụ tại Panama vừa qua, tôi đã khuyến khích họ “chăm sóc cội rễ của mình, bởi vì từ chính cội rễ ấy sẽ phát sinh nguồn sức mạnh, giúp các con lớn lên, triển nở và trổ sinh nhiều hoa trái”. [101]
Tương quan của các con với người cao niên
187. Tại Thượng Hội đồng, chúng ta đã nghe nói rằng “Giới trẻ vươn mình đến tương lai và đầy nghị lực cùng sức năng động để đối phó với cuộc sống. Tuy nhiên […] đôi khi họ có khuynh hướng ít để ý đến ký ức của quá khứ mà mình xuất thân, đặc biệt là những điều tốt họ đã lãnh nhận được từ ông bà, cha mẹ, và hành trang văn hoá mà xã hội đã đem lại cho họ. Giúp người trẻ khám phá một quá khứ phong phú và sống động, bằng cách nhớ đến quá khứ và dựa trên đó để thực hiện những chọn lựa và để phát triển tiềm năng, đó là một hành vi yêu thương đích thực dành cho họ, tạo điều kiện cho họ trưởng thành và để họ thực hiện những chọn lựa nên làm”. [102]
188. Lời Chúa khuyên chúng ta đừng quên tiếp xúc với những bậc cao niên, để có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các vị: “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó… Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ” (Hc 6,34.36). Dù sao đi nữa, những tháng năm dài họ đã sống và tất cả những gì họ đã trải qua trong cuộc sống đều đáng để chúng ta kính trọng các ngài: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên” (Lv 19, 32). Vì, “sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão” (Cn 20, 29).
189. Kinh Thánh nói với chúng ta: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu” (Cn 23, 22). Lệnh truyền tôn kính cha mẹ là “điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa” (Ep 6,2, x. Xh 20,12; Đnl 5,16; Lv 19,3), và lời hứa đó là: “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 3).
190. Điều đó không có nghĩa là con phải đồng ý tất cả những gì mà các ngài nói, hoặc phải chấp nhận mọi hành động của họ. Một người trẻ cần phải luôn có tinh thần phê bình. Thánh Basiliô Cả khuyên những người trẻ biết quý trọng các tác giả Hy Lạp cổ, nhưng chỉ chấp nhận những gì tốt đẹp mà họ dạy. [103] Vấn đề đơn giản chỉ là mở lòng ra để đón nhận sự khôn ngoan được lưu truyền qua các thế hệ, một sự khôn ngoan gần gũi với thân phận khốn khổ của con người, và không có lý do gì để tan biến trước những cái mới lạ của xã hội tiêu thụ và thị trường.
191. Thế giới chưa bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ hưởng lợi ích gì từ sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ. Đó là những bài ca quyến rũ làm mê ngủ về một tương lai không cội rễ và mất gốc. Đó là một sự dối trá lừa gạt các con tin rằng chỉ có những gì mới mẻ mới là tốt đẹp. Khi có mối liên kết giữa các thế hệ, thì người ta sẽ nuôi giữ một ký ức tập thể trong các cộng đồng, vì mỗi thế hệ khi ấy sẽ tiếp nhận những giáo huấn từ những người đi trước, rồi chuyển giao những di sản đó cho thế hệ theo sau. Bằng cách này, người ta sẽ có các khung tham chiếu để kiến thiết một xã hội mới vững chắc. Như châm ngôn người xưa có nói: “Nếu như người trẻ có sự hiểu biết và người già có sức mạnh, thì không có gì không thể làm được”.
Những giấc mơ và những thị kiến
192. Tiên tri Giôen có một lời loan báo giúp ta hiểu vấn đề này một cách tuyệt vời. Với lời ấy Đức Chúa phán: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành các tiên tri; người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (Ge 3,1; x. Cv 2,17). Khi cả người trẻ lẫn người già đều mở lòng ra đón nhận Thánh Thần, họ sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời. Người già mơ về những ước mơ và người trẻ thấy những thị kiến. Hai sự việc này bổ túc cho nhau như thế nào?
193. Người cao tuổi có những giấc mơ được dệt nên từ những ký ức và hình ảnh mang dấu ấn những trải nghiệm qua dòng thời gian của họ. Nếu người trẻ biết bén rễ mình từ trong những giấc mơ đó của người già, thì họ sẽ có thể thấy được tương lai, có được những thị kiến mở rộng tầm nhìn đến chân trời và tìm thấy được những lối đi mới. Nhưng nếu người già không mơ, thì người trẻ sẽ không còn có thể nhìn thấy rõ được chân trời đích.
194. Thật tuyệt vời nếu chúng ta tìm thấy được, trong những gì cha mẹ chúng ta lưu giữ được trong ký ức, kỷ niệm nào đó giúp ta hình dung được những giấc mơ mà ông bà nội ngoại đã từng mơ về chúng ta. Mỗi người chúng ta, ngay cả trước khi sinh ra, đã nhận được như phúc lành từ ông bà, một ước mơ đong đầy tình yêu và hy vọng, về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và nếu đó không phải là ông bà của chúng ta, thì chắc chắn có ông bà cố tổ trước đó của chúng ta đã mơ giác mơ hạnh phúc ấy khí ngắm nhìn con cái hay cháu chắt mình nằm trong nôi. Giấc mơ đầu tiên là giấc mơ tạo dựng của Thiên Chúa, Cha chúng ta, đi trước và đồng hành với đời sống của con cái Ngài. Ký ức về phúc lành này, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, là một gia sản quý báu chúng ta phải biết giữ gìn cho sống động để rồi chúng ta có thể tiếp tục chuyển giao.
195. Đó là lý do vì sao chúng ta nên để cho những vị lớn tuổi kể những câu chuyện dài của họ, những câu chuyện đôi khi tưởng chừng như mang tính thần thoại, huyễn tưởng. Nhưng, thực ra, chúng là những giấc mơ của người già, thường cũng chứa đầy những kinh nghiệm quý báu, với những biểu tượng hùng hồn và những thông điệp ẩn sâu dưới đó. Những câu chuyện này thường dài cần có một khoảng thời gian để kể lại, chúng ta cần sẵn sàng kiên nhẫn lắng nghe, và hãy để cho chúng lắng đọng, cho dù những câu chuyện ấy thường dài dòng hơn, khác với cách mà chúng ta vẫn quen nghe nhìn trên các mạng xã hội ngày nay. Chúng ta phải nhìn nhận rằng mọi sự khôn ngoan cần thiết cho cuộc sống vượt ra khỏi ranh giới của những nguồn thông tin truyền thông hiện nay.
196. Trong quyển sách “Sự Khôn ngoan của Thời gian” [104] tôi đã diễn tả một số suy tư của mình dưới hình thức các câu hỏi. “Tôi xin gì với các vị cao niên, thuộc nhóm thế hệ của tôi? Tôi xin chúng tôi là những người lưu giữ ký ức. Chúng ta, những người ông người bà, cần phải lập một ca đoàn. Tôi hình dung những người già như một ca đoàn thường trực của một ngôi đền thánh thiêng liêng quan trọng, ở đó các lời cầu nguyện khẩn nài và những bài thánh ca chúc tụng nâng đỡ toàn thể cộng đồng đang làm việc và chiến đấu trong cuộc sống”. [105] Thật là tốt đẹp khi “nam thanh nữ tú, bô lão cùng nhi đồng, cùng ca tụng thánh danh Đức Chúa” (Tv 148,12-13).
197. Chúng ta, những người cao niên có thể truyền lại những gì cho thế hệ trẻ? “Chúng ta có thể nhắc cho những người trẻ hôm nay, những người đang sống những tham vọng táo bạo và cả những bất an, rằng một cuộc sống thiếu vắng tình yêu là một cuộc đời cằn cỗi”. [106] Chúng ta có thể nói gì với họ? “Chúng ta có thể nói với những người trẻ đang sợ hãi rằng họ có thể vượt qua những lo lắng về tương lai”. [107] Chúng ta có thể dạy họ điều gì? “Chúng ta có thể dạy những người trẻ, vốn quá bận tâm về bản thân mình, rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh. Rằng tình yêu không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động nữa” [108]
Cùng nhau mạo hiểm
198. Một tình yêu hiến thân và hành động, nhiều lúc sai lầm. Kẻ hành động, mạo hiểm, thường mắc sai lầm. Ở đây chúng ta có thể nhận ra chứng tá rất hay của bà Maria Gabriella Perin, bị mồ côi cha sau khi chào đời. Bà đã kể lại ảnh hưởng của biến cố này như thế nào đối với cuộc sống của mình, trong một mối quan hệ không dài lâu nhưng đã biến bà thành một người mẹ và giờ đây là người bà. “Những gì tôi biết đó là Thiên Chúa là Đấng đã làm ra những câu chuyện. Trong quyền năng và lòng thương xót của Ngài, Ngài dùng những chiến thắng cũng như những thất bại của chúng ta, để dệt nên một tấm thảm tuyệt đẹp đầy hài hước. Mặt trái tấm thảm trông có vẻ lộn xộn với những sợi chỉ rối rắm – tức các sự kiện xảy đến trong cuộc sống chúng ta – và có lẽ đây là phía mà chúng ta cảm thấy mất bình an khi có những nghi ngờ. Nhưng mặt phải của tấm thảm thì cho thấy một câu chuyện tuyệt vời, đây chính là mặt Thiên Chúa nhìn thấy”. [109] Khi những người già chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, họ thường trực giác thấy những gì phía sau mớ chỉ rối rắm đó. Và họ nhận ra những gì Thiên Chúa có thể thực hiện sáng tạo ngay cả từ những sai lầm của chúng ta.
199. Nếu chúng ta cùng đi trên cuộc hành trình, người trẻ và người già, chúng ta sẽ có có thể cắm rễ sâu trong hiện tại, và từ đây để cùng nhìn về quá khứ và hướng về tương lai. Ôn lại quá khứ để học bài học lịch sử và chữa lành những vết thương cũ đôi khi còn tái phát. Hướng tới tương lai để nuôi dưỡng lòng hăng hái, để làm cho những giấc mơ nẩy mầm, khơi lên những viễn tượng và làm cho hy vọng nở hoa. Bằng cách đó, chúng ta được hiệp nhất, có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm con tim, khơi động tâm trí với ánh sáng của Phúc âm, và thêm sức mạnh mới cho đôi tay của mình.
200. Cội rễ không phải là những mỏ neo cột chặt chúng ta vào quá khứ, ngăn cản không cho ta nhập thể trong thế giới hiện tại để sáng tạo điều gì đó mới mẻ. Ngược lại, chúng là một căn cứ điểm xuất phát, cho ta lớn lên và đương đầu với những thách thức mới. Bởi thế, cũng sẽ chẳng ích gì khi “chỉ ngồi đó mà hoài niệm thời đã qua; chúng ta phải đón nhận nền văn hoá của chúng ta cách thực tế với tình yêu, và làm đầy nó bằng Phúc âm. Ngày hôm nay chúng ta được sai đi để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thời đại mới. Chúng ta cần phải yêu thời đại này, với cả những cơ hội và rủi ro; với những niềm vui và những nỗi buồn; những sự giàu có và những giới hạn; những thành công và những thất bại của nó”. [110]
201. Trong Thượng Hội đồng, một bạn trẻ trong các dự thính viên đến từ đảo Samoa, đã nói về Hội Thánh như một chiếc thuyền nhỏ, trong đó, người già giúp dẫn đường chỉ lối, bằng việc định vị các ngôi sao, trong khi người trẻ tiếp tục chèo, và hình dung những gì đang chờ họ phía trước. Chúng ta đừng để mình đi lạc đường bởi những người trẻ cho rằng người lớn chỉ là một quá khứ không còn ý nghĩa gì, cũng như những người lớn, vốn tin chắc rằng mình luôn biết người trẻ cần phải hành động như thế nào. Thay vào đó, tất cả chúng ta hãy bước lên cùng một chiếc thuyền và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với sức năng động luôn luôn mới của Chúa Thánh Thần.
[98] Huấn từ trong buổi Canh thức với Giới trẻ, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (26/01/2019): L’Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 6.
[99] VK 14.
[100] X. Thông điệp Laudato Si’ (24/05/2015), 145: AAS 107 (2015), 906.
[101] Sứ điệp video gửi đến Hội nghị Thế giới về Giới trẻ bản xứ Panama (17-21/01/2019): L’Osservatore Romano, 19/01/2019, 8.
[102] VK 35.
[103] X. Ad Adolescentes, I, 2: PG 31, 566.
[104] X. La saggezza del tempo. In dialogo con Papa Francesco sulle grandi questioni della vita. A cura di Antonio Spadaro, Venezia 2018.
[105] Ibid., 12.
[106] Ibid., 13.
[107] Ibid.
[108] Ibid.
[109] Ibid., 162-163
[110] EDUARDO PIRONIO, Thông điệp cho Giới trẻ Argentina tại Hội nghị Giới trẻ Quốc tế tại Cordoba, (12-15/09/1985), 2.