5 bài học tiêu biểu
rút ra từ Tông Huấn “Gaudete et Exsultate”
"Hãy vui mừng và hân hoan!” đó là lời Chúa Giêsu đã phán trong Bài Giảng Trên Núi. Đây cũng là tiêu đề tông huấn mới của ĐTC Phanxicô về sự thánh thiện trong đời sống hàng ngày. Tại sao chúng ta phải “vui mừng và hân hoan”? Đức Phanxicô nhắc nhớ rằng bởi vì Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta nên thánh. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đáp trả trước lời mời gọi này?
Dưới đây là 5 bài học tiêu biểu rút ra từ tông huấn mới và rất thiết thực của Đức Phanxicô.
- Sự thánh thiện nghĩa là trở nên chính mình
ĐTC Phanxicô đưa ra nhiều ví dụ về đời sống thánh thiện xuyên suốt tài liệu này: Thánh Têrêsa thành Lisieux, một tín hữu Công giáo người Pháp đã nhận ra sự thánh thiện trong các công việc nhỏ bé; Thánh Inhaxiô thành Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên đã tìm thấy Chúa trong mọi sự; Thánh Philip Neri, đấng sáng lập dòng Oratorian, đã trở nên nổi tiếng vì tính hài hước của mình.
Các thánh cầu bầu cho chúng ta và họ trở nên những mẫu gương về cách sống thánh thiện. Thế nhưng, điều này không có nghĩa chúng ta phải trở thành những phiên bản sao chép của các ngài. Chúng ta được chờ đợi để trở nên chính mình, và mỗi tín hữu được mời gọi “phân định con đường của riêng mỗi người” và từ đó “mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bản thân.” Như Thomas Merton có nói: “Với tôi, là một thánh nhân cũng có nghĩa là trở nên chính mình.”
- Đời sống thường nhật có thể dẫn đến sự thánh thiện
Bạn không cần phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ mới có thể trở nên thánh thiện. Hết thảy mọi người đều được mời gọi làm thánh, như Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta – một người mẹ, một người cha, một học sinh hay một luật sư, một giáo viên hay một người quản gia. Đức Phanxicô gọi họ là “những vị thánh ngay bên ta”. Tất cả những gì chúng ta cần làm là “sống cuộc đời mình trong tình yêu” và “làm chứng” cho Thiên Chúa trong tất cả những gì mình làm.
Điều đó không có nghĩa là những hành động phải lớn lao và kịch tính. Đức Phanxicô đưa ra những ví dụ về sự thánh thiện hàng ngày, ví dụ như một người cha yêu thương nuôi nấng một đứa trẻ, cả “những cử chỉ nhỏ” và những hy sinh mà một người có thể làm, như quyết tâm không ngồi lê đôi mách. Nếu bạn có thể nhận ra cuộc sống của mình là một “sứ mạng”, bạn sẽ sớm nhận thấy rằng một cách đơn giản bạn có thể trở nên biết yêu thương và tử tế để tiến tới sự thánh thiện.
Bạn cũng không cần phải “ngây ngất trong trạng thái xuất thần” hay đi bộ loanh quanh với “đôi mắt nhìn xuống” để trở nên một vị thánh. Bạn cũng không cần phải giấu mình khỏi đám đông. Ngược lại, bạn không muốn bị cuốn vào một cuộc chạy đua, đuổi bắt hết điều này đến điều khác. Điều thiết yếu là tạo cho mình sự cân bằng giữa hoạt động và chiêm niệm.
- Có hai khuynh hướng cần tránh: Thuyết ngộ giáo (Gnosticism) và thuyết Pelage (Pelagianism)
Có thể ĐTC Phanxicô đã kéo người ta vào cuộc tra cứu từ điển hay các sách giáo khoa về thần học khi yêu cầu chúng ta tránh hai mối nguy trong đời sống thiêng liêng.
Đầu tiên là thuyết ngộ giáo, tiếng Hy Lạp gnosis có nghĩa là ‘biết’. Thuyết ngộ giáo là lạc giáo xưa cũ vốn cho rằng điều quan trọng nhất là điều bạn biết. Thế nên, chẳng cần phải bác ái hay làm việc tốt. Tất cả những gì bạn cần là tiếp cận tri thức đúng đắn. Ngày nay thuyết ngộ giáo lôi kéo mọi người nghĩ rằng họ có thể “hiểu rõ hoàn toàn” đức tin, và rồi thúc ép người khác cùng suy nghĩ như họ. “Khi ai đó có một câu trả lời cho mọi câu hỏi, đó là dấu hiệu cho thấy họ không đi đúng đường,” ĐTC nói. Nói cách khác, việc biết-tuốt-tuồn-tuột sẽ không cứu bạn.
Khuynh hướng thứ hai cần tránh là thuyết Pelage, được đặt tên theo Pelagius, nhà thần học thế kỷ V liên quan đến ý tưởng này. Thuyết Pelage cho rằng chúng ta có thể tự cứu độ nhờ những nỗ lực của bản thân. Người theo thuyết này tin vào năng lực của họ, không cảm thấy cần ân sủng của Thiên Chúa, và họ hành xử tốt hơn người khác bởi vì họ tuân thủ các quy tắc nhất định.
Những người theo thuyết Pelage ngày nay thường có “một nỗi ám ảnh với luật lệ, sự say mê với các lợi ích xã hội và chính trị, sự quan tâm thận trọng đối với phụng vụ, giáo lý và uy thế của Giáo Hội.” Đó là mối nguy hiểm thực sự đối với sự thánh thiện bởi vì nó cướp khỏi chúng ta lòng khiêm tốn, đặt chúng ta trên người khác, và chỉ chừa một khoảng nhỏ cho ân sủng mà thôi.
- Hãy tử tế
“Hãy Vui Mừng và Hân Hoan” chứa đựng nhiều lời khuyên thiết thực của ĐTC Phanxicô để có thể sống một cuộc sống thánh thiện. Ví dụ, đừng ngồi lê đôi mách, hãy ngừng phán xét và quan trọng nhất là đừng trở nên tàn nhẫn.
Điều đó cũng áp dụng cho những hoạt động trên mạng. Những nhận xét của Đức Phanxicô về chủ đề này thật đáng nhớ. Ngài viết rằng: “Phỉ báng và vu khống có thể trở nên tầm thường… vì những điều có thể được nói ở đó (trên mạng – người dịch) là những điều không được chấp nhận trong đàm thoại công khai, khi người ta tìm cách bù trừ sự bất mãn của họ bằng cách bôi nhọ người khác … Trong khi tuyên bố tuân giữ các giới răn khác, họ hoàn toàn bỏ qua điều răn thứ tám, vốn cấm việc làm chứng dối hay nói dối và lăng mạ người khác cách tàn nhẫn.”
Để nên thánh thiện, hãy trở nên tử tế.
- Các Mối Phúc cung cấp một lộ trình đưa đến sự thánh thiện
Như bạn có thể đoán ra từ tiêu đề của tài liệu này, danh mục “phúc cho anh em” Chúa Giêsu đưa ra, Bát Phúc, là trọng tâm của tông huấn này. Các mối Phúc không chỉ là những gì Chúa Giêsu dùng để chỉ đến sự thánh thiện, chúng cũng là chân dung của chính Ngài. Vì vậy, chúng ta được mời gọi trở nên nghèo trong tinh thần, hiền lành, người xây dựng hòa bình, đói khát sự công chính, v.v…
Nhưng hãy tập trung vào một mối phúc: “Phúc cho ai xót thương người.” ĐTC Phanxicô nói rằng lòng thương xót, một trong những chủ đề trung tâm trong sứ vụ giáo hoàng của ngài, mang hai chiều kích: không chỉ giúp đỡ và phục vụ người khác nhưng cũng tha thứ và hiểu biết họ. Chúa Giêsu không nói: “Phúc cho những kẻ âm mưu trả thù!”
Vậy đâu là bản tóm lược tổng quan của ĐTC Phanxicô về sự thánh thiện? Bản tóm ấy dựa trên các mối Phúc: “Nhìn xem và hành động với lòng thương xót.”
Fr. James Martin, S.J.
Minh Vương, S.J. chuyển ngữ