Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về việc nên thánh

"Trong mọi bậc sống: người thánh hiến, người sống trong bậc vợ chồng, công nhân, các vị có trách nhiệm... đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường, tô màu, không có chất lượng cao”, ĐTC Phanxicô.

Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về việc nên thánh

VATICAN. Sáng ngày 9-4-2018, Tông huấn mới của ĐTC về ơn gọi nên thánh của tất cả mọi người trong thế giới ngày nay đã được công bố tại Vatican.

Văn kiện dài 44 trang chữ nhỏ (hay 110 trang chữ lớn) mang tựa đề “Gaudete et Exsultate”, (các con vui mừng và hân hoan), trích từ lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu (5,12) khi ngài nói về các Mối Phúc Thật: “Hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời! Chính như thế người ta đã bách hại các ngôn sứ đi trước các con”. 

Văn kiện được viết trong một ngôn ngữ đơn sơ và trở thành như một cuốn cẩm nang nhỏ về đời sống thiêng liêng, có thể áp dụng cho tất cả mọi người. 

Tông huấn chia làm 5 chương với 177 đoạn, mang chữ ký của ĐTC ngày 19-3-2018, lễ kính Thánh Giuse, trong phần nhập đề, ĐTC cảnh giác rằng “Đây không phải là một cuốn khảo luận về sự thánh thiện”, nhưng là làm vang dội một lần nữa lời kêu gọi nên thánh nơi dân Chúa: đó là sự thánh thiện nơi những người sống cạnh chúng ta, sự thánh thiện “của giai cấp trung lưu”. 

Một đặc điểm của Tông Huấn là được soạn ra, như ĐTC đang nói với người đối diện, trong một cuộc đối thoại, và nhắm đến mọi bậc sống: người thánh hiến, người sống trong bậc vợ chồng, công nhân, các vị có trách nhiệm. “Đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường, tô màu, không có chất lượng cao”. 

Theo nghĩa này, Văn kiện lấy hứng từ thánh Phanxicô đệ Salê sống vào thế kỷ 17 và được trích dẫn ngay trong trang đầu tiên, qua đó thánh nhân nói về “cuộc sống hoàn hảo với những công việc thường nhật”. 

ĐTC nhắc đến khoảng 30 “vị thánh” trong Tông Huấn, nhưng không phải mọi người đều đã được tôn phong. Đặc biệt ĐHY Nguyễn Văn Thuận cũng được trích dẫn: 

“Khi ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận ở trong tù, Người đã từ khước mòn mỏi chờ đợi được trả tự do. Chọn lựa của Người là: “Tôi sống giây phút hiện tại, tràn đầy tình thương”; và cách thức cụ thể hóa điều này là: “Tôi lợi dụng những cơ hội xảy ra mỗi ngày, để hoàn thành những công việc thông thường một cách ngoại thường” (n.17, trích từ “Cinque pani e due pesci. Dalla sofferanza del carcere una gioiosa testimonianza di fede, Milano, 2014, 20 - 5 "chiếc bánh và hai con cá”). 

Chống lại sự giả mạo sự thánh thiện 

Trong Tông Huấn, ĐTC cảnh giác chống lại hai thứ giả mạo chân lý công giáo, hai kẻ thù tinh vi và rất thời sự chống lại sự thánh thiện, vì nó tạo nên một thứ duy ưu tú yêu mình và độc đoán (E.G). Trước hết đó là thuyết ngộ giáo (gnosticisme) làm băng hoại mầu nhiệm bằng cách khép kín nó trong kiến thức chủ quan. Tiếp đến là thuyết Pélage, quên rằng ơn thánh của Chúa chiếm vị trí thứ nhất, chứ không phải ý chí con người. Hai lạc giáo này xuất hiện trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo và tái xuất hiện ngày nay, và mới đây Bộ giáo lý đức tin đã vạch trần trong văn kiện tựa đề “Placuit Deo”. 

Trong Tông Huấn, ĐTC khai triển 8 con đường nên thánh, dựa trên 8 mối phúc thật, và trong số này, ngài đặc biệt đề cao mối phúc: 'Phúc cho ai có lòng thương xót' như con đường tuyệt hảo để nên thánh. Phúc thật này chứa đựng qui luật lớn nhất về cách hành xử của các tín hữu Kitô, như được mô tả trong chương 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu về cuộc phán xét chung. Trang này chứng tỏ rằng “nên thánh không có nghĩa là mở to đôi mắt trong một tình trạng gọi là xuất thần (n.96) nhưng là sống Thiên chúa qua tình thương đối với những người rốt cùng”. 

ĐTC nhận xét rằng rất tiếc là có những ý thức hệ cắt xén Tin Mừng. Một bên là những Kitô hữu không có tương quan với Thiên Chúa, họ biến Kitô giáo thành một thứ ONG, một tổ chức phi chính phủ (n.100). Đàng khác có những người nghi kỵ sự dấn thân xã hội của những người khác, như thể đó là điều hời hợt, tục hóa, cộng sản hoặc mỵ dân, hay là họ tương đối hóa sự dấn thân ấy nhân danh một thứ luân lý đạo đức. Tại đây, ĐTC tái khẳng định rằng đối với mỗi tầng lớp người yếu ớt hoặc vô phương thế tự vệ, cần phải có sự bảo vệ cương quyết và hăng say (n.101). Cũng vậy, sự đón tiếp người di dân mà một số người Công Giáo muốn coi điều này kém quan trọng hơn đạo đức sinh học - đó la một nghĩa vụ của mỗi Kitô hữu, vì nơi mỗi người ngoại quốc, có Chúa Kitô, và đây không phải chỉ là một phát minh của một Giáo Hoàng, hoặc là một sự điên sảng chóng qua (n.103). 

G. Trần Đức Anh OP

(RadioVaticana 09.04.2018)