Tròn 3 thập niên Việt Nam có 117 thánh tử đạo được tuyên phong

Tham gia thảo luận có ý kiến của Ðức cha Giuse Nguyễn Năng - Giám mục GP Phát Diệm, Phó Chủ tịch HÐGMVN; Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ - Giám mục GP Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ của HÐGMVN; hai linh mục thuộc TGP.TPHCM là cha Gioan Lê Quang Việt - chánh xứ Mạc Ty Nho, trưởng Ban Mục vụ Giới trẻ và cha Giuse Nguyễn Hữu Triết - chánh xứ Tân Sa Châu, trưởng Ban Mục vụ Văn hóa; hai nữ tu Maria Trần Thị Ngát - Tổng phụ trách dòng Nữ Tử Thánh Phaolô và Emmanuel Phụng Huỳnh Thị Hồng Diễm - dòng Con Ðức Mẹ Cần Thơ; cùng ông G.B Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HÐMVGX Vườn Xoài, hạt Tân Ðịnh...

Tròn 3 thập niên Việt Nam có 117 thánh tử đạo được tuyên phong

 

NHỮNG NGUYÊN NHÂN

Ðiều mà có lẽ nhiều độc giả thường thắc mắc, quan tâm là vì sao còn ít tín hữu Việt Nam nhận các Thánh Tử Ðạo trong nước làm bổn mạng ?

+ Ðức cha Giuse Nguyễn Năng đã nêu ra những lý do sau đây:

“…Dù các Thánh Tử Ðạo Việt Nam đã chính thức được chọn làm Bổn Mạng của Hội Thánh tại Việt Nam, và lễ này được mừng kính vào ngày 24.11 như ghi trong Lịch Công giáo của các giáo phận; nhiều giáo xứ hoặc nhà thờ cũng chọn một vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam làm bổn mạng…, nhưng trên bình diện cá nhân, vẫn còn ít người Công giáo Việt Nam chọn các Thánh Tử Ðạo trong nước làm bổn mạng. Chỉ một số ít người vẫn giữ tên thánh Rửa tội như cha mẹ đã đặt nhưng thêm tên vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Vì sao ?

Theo tôi thì, việc ít người chọn thánh Việt Nam làm bổn mạng phát xuất từ nhiều lý do. Trước hết là vì các tín hữu biết rất nhiều về các vị thánh được sùng kính đặc biệt như Ðức Mẹ, như thánh Giuse, các thánh Tông đồ, các thánh Gioakim, Anna, Augustinô, Phanxicô Assisi, Ðaminh, Antôn…, trong khi đó lại ít được nghe tiểu sử các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Kế đến, tên thánh thường được chọn theo truyền thống của gia đình hay giáo xứ: cha mẹ chọn thánh nào thì cũng thường chọn cho con cái như vậy. Có giáo xứ hầu như tất cả nam giới đều chọn thánh Ðaminh hoặc Gioakim, nữ giới hầu như tất cả đều chọn thánh Anna. Có một lý do thực tế quan trọng nữa là khi chọn thánh Việt Nam, tên của một người Công giáo sẽ trở nên dài và phức tạp, bởi các vị thánh người Việt xưa đã chọn cho mình một tên thánh. Ví dụ: Inê Lê Thị Thành Nguyễn Thị Kim A, Anrê Trần An Dũng Lạc Trần Hoàng Văn B… Dù gọi tắt thì vẫn dài, như Ðức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, thường được gọi là Ðức cha Simon Hòa Hiền…”.

+ Cũng chung suy nghĩ đó, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ nhấn mạnh thêm một ý là nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa, nguồn gốc và truyền thống chọn các thánh làm bổn mạng. Như thánh bổn mạng Thêm sức thường không được nhiều người quan tâm, có người quên luôn cả tên thánh, huống chi nói đến lịch sử, ý nghĩa, cuộc đời của thánh nhân.

+ Ý kiến của hai Ðức cha cũng là quan điểm của các linh mục Gioan Lê Quang Việt, Giuse Nguyễn Hữu Triết và các thành viên còn lại. Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết thêm rằng, việc chọn các vị thánh phương Tây làm bổn mạng đã có từ rất lâu, trong khi ở mình các thánh được tuyên phong 30 năm, thời gian này dù dài nhưng so với 2000 năm lịch sử đạo Công giáo ở phương Tây và hơn 400 năm Ðức tin vào Việt Nam thì vẫn còn ngắn.

+ Với nữ tu Emmanuel Phụng Huỳnh Thị Hồng Diễm thì đơn giản vì sự hiểu biết của giáo dân về các thánh “quốc nội” còn hạn chế. Chị lý giải dù Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều các Thánh Tử Ðạo làm chứng cho đức tin, thế nhưng những mẩu chuyện và giai thoại về các ngài hầu như chưa được phổ biến rộng rãi : “Chúng ta thường ghi nhớ Việt Nam có 117 vị thánh nhưng khi hỏi giáo dân kể ra những tên cụ thể chắc hẳn họ chỉ biết một vài người. Ðó là nhớ tên chứ chưa nói gì thêm về nguyên quán, đời sống, công việc cũng như cách các ngài đã hy sinh vì đạo ra sao”.

+ Còn theo suy nghĩ của ông G.B Nguyễn Trường Sơn thì một phần nguyên nhân do việc giáo dục, tuyên truyền về gương sáng đạo đức và lòng yêu mến Giáo Hội của các ngài đã không được thực hiện thường xuyên nơi các giáo xứ, trong sinh hoạt của các hội đoàn. Ông cũng rất trăn trở khi nhẩm đếm, mỗi giáo phận không có mấy nhà thờ mang tên Thánh Tử Ðạo Việt Nam hoặc có đền Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

 

CÁC THÁNH - NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG GẦN GŨI

Tất cả đều cho rằng, các thánh là những người sống bên cạnh, trong đất nước Việt Nam, cùng nền văn hóa Việt..., nói nôm na là kề cận mỗi tín hữu Việt hơn các vị thánh phương Tây nhiều. Mà, một khi các ngài là đồng bào thì gương nhân đức con cháu cũng dễ noi theo, đời sống thánh thiện của các ngài cũng dễ bắt chước.

 

+ Ðức cha Giuse Nguyễn Năng :

“… Theo giáo luật 1983, việc chọn tên thánh không còn là điều bắt buộc trong việc cử hành Bí tích Rửa tội. Ðối với người Công giáo Tây phương, nhiều người lấy tên của một vị thánh làm tên riêng; đó là tên riêng chứ không phải thánh bổn mạng. Còn ở Việt Nam, do sự hướng dẫn của các vị thừa sai, người giáo dân có thói quen chọn một vị thánh làm bổn mạng. Ðiều đó rất tốt, vì như thế, các tín hữu có một vị thánh cầu nguyện cho mình trước nhan Thiên Chúa, đồng thời có một tấm gương gần gũi thân thiết để bắt chước trong cuộc sống hằng ngày.

Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam thuộc mọi thành phần Dân Chúa: giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh, giáo dân, trùm họ, cha mẹ trong gia đình; và làm nhiều nghề khác nhau trong xã hội: cai tổng, lý trưởng, binh sĩ, y sĩ, thương gia, nông dân… Như vậy, các ngài là những người gần gũi với chúng ta, ở trong môi trường gia đình, xã hội và những bậc sống trong Giáo Hội như chúng ta. Chắc hẳn các ngài được tuyên phong là thánh vì đã can đảm tuyên xưng Danh Chúa và chịu tử đạo, nhưng cũng không nên quên rằng, các ngài đã sống cuộc đời Kitô hữu thánh thiện trước khi chịu chết vì đạo. “Trước khi chết vì Ðạo, các ngài đã sống cho Ðạo, Ðạo làm người và Ðạo làm con cái Chúa” (Thư Mục vụ của HÐGMVN 13.10.2017). Các ngài đã sống đức tin trong môi trường văn hóa và xã hội Việt Nam, nên chúng ta sẽ cảm thấy thân quen và dễ bắt chước đời sống gương mẫu của các ngài…”.

 

+ Nữ tu Emmanuel Phụng Huỳnh Thị Hồng Diễm :

“…Trong cuộc sống đời thường, người Việt vẫn hay gọi nhau bằng hai tiếng thân thương “đồng bào”. Một cách nào đó, từ ngữ đã thể hiện đặc tính của con người và của dân tộc. “Ðồng bào” nghĩa là “cùng một bọc” hay “cùng một bào thai”, là “anh chị em trong một gia đình”. Thế thì, đã là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” nên mẫu gương các Thánh Việt từ đời sống, cách ăn nói, cư xử ít nhiều gì cũng gần gũi với người Việt. Nếu ai có dịp từng bôn ba nơi xứ người, sẽ cảm nhận rõ hơn điều này: khi tha hương, con người ta cảm giác lạc lõng, bơ vơ. Do đó khi chạm mặt hay gặp gỡ một người cùng dân tộc, cái tình quê hương trở nên mặn mà, ấm áp lạ thường. Vậy nên, thiết nghĩ rằng, các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là người Việt, thấm nhuần truyền thống, văn hóa thì khi nghe kể về các ngài, người Việt sẽ cảm nhận sự gần gũi, thân tình hơn. Các giáo lý viên nên lưu ý việc này”.

 

NGƯỜI KITÔ HỮU HỌC HỎI ĐƯỢC GÌ NƠI CÁC THÁNH NHÂN ?

+ Trên cương vị chủ chăn GP Phát Diệm, vùng đất xuất thân của nhiều anh hùng tử đạo, Ðức cha Giuse Nguyễn Năng mong muốn (cũng là ý hướng chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong dịp Giáo Hội kỷ niệm 30 năm Hội Thánh tuyên phong 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam) cộng đoàn Dân Chúa không những chỉ tổ chức những buổi cử hành, mà còn học hỏi gương mẫu của các ngài để sống đạo trong hoàn cảnh hôm nay.

Theo Ðức cha, các Kitô hữu cần nhìn lên mẫu gương của các thánh để can đảm và trung thành tuyên xưng đức tin của mình, với đức bác ái, kiên nhẫn, hiền hòa. Dù ở bất cứ thời nào, việc làm chứng cho Chúa hệ tại ở chỗ “sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, góp phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng, nhân ái” (Thư Mục vụ HÐGMVN).Ngay cả khi không phải thời kỳ cấm cách, nhưng trong bối cảnh xã hội đề cao sự hưởng thụ và chạy theo vật chất, hằng ngày người môn đệ của Chúa luôn bước đi giữa những cám dỗ và thử thách, nên cần nhìn lên gương các thánh để dám hy sinh từ bỏ tiền bạc của cải, địa vị chức quyền, khoái cảm thân xác, để trung thành với Ðức Kitô và đi theo con đường của Phúc Âm. Ðây chính là cuộc tử đạo gay go, mặc dù không đổ máu nơi thân xác. Ðức cha còn nhấn mạnh thêm, dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là thời điểm tốt để tín hữu Công giáo Việt Nam học hỏi và sùng kính các Thánh Tử Ðạo nhiều hơn, cách đặc biệt qua việc chọn các ngài làm bổn mạng.

 

+ Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ thì xác định, thời điểm kỷ niệm 30 năm là lúc để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng, nhân ái.

 

+ Còn ở một khía cạnh khác, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết nhận định, mỗi thánh nhân đều là một tấm gương nhân đức khác nhau, nhưng luôn đi vào một mẫu số chung là Ðức Kitô. Các ngài đã sống đúng với khuôn mẫu của Chúa, theo lý tưởng Tin Mừng, và khi đã được phong thánh, các ngài đều là những gương nhân đức luôn đáng để học hỏi. Các Kitô hữu ngày nay trong tâm tình yêu mến các Thánh Tử Ðạo, cần xin các ngài cầu bầu cho mình. Các ngài đã bắt chước Chúa Giêsu thế nào thì người Kitô hữu cũng xin học theo như vậy để sống và làm chứng cho Tin Mừng.

 

GƯƠNG THÁNH VIỆT TÂM ĐẮC

Nếu có dịp tìm hiểu, đọc tài liệu về 117 vị Thánh Tử Ðạo, dễ nhận ra cuộc đời của mỗi vị đều có những màu sắc rất riêng: các ngài thuộc mọi thành phần Dân Chúa, xuất thân với nhiều ngành nghề, sống trong mỗi thời kỳ, không nhiều người đã từng quen biết nhau trước đó… Dù có điểm chung là lòng mến Chúa, yêu tha nhân, sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng, nhưng mỗi vị cũng để lại những dấu ấn riêng trong lòng mỗi tín hữu.

 

+ Là người phụ trách giới trẻ một giáo phận nên không khó để nhận biết mẫu gương mà cha Gioan Lê Quang Việt quý trọng: Thánh Tôma Trần Văn Thiện. Một vị thánh trẻ, bạn của người trẻ, đầy ắp những khát vọng như bao người trẻ khác. Cha nhắc lại vài nét về cuộc đời thánh nhân :

“Trong một phiên tòa năm 1836, viên quan án xúc động trước người tù trẻ tuổi với dáng dấp thư sinh nho nhã, khuôn mặt khôi ngô, hứa hẹn một tương lai xán lạn, ông nói với anh: ‘Nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho con làm quan’. Chàng thanh niên trẻ tuổi ấy, anh Tôma Trần Văn Thiện, đã thẳng thắn trả lời: ‘Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế’. Tuy mới 18 xuân xanh, lứa tuổi yêu đời, chưa nếm mùi khổ đau, cũng chưa được học tập thâm sâu về giáo lý, anh Tôma Thiện mới vừa tới ngưỡng cửa chủng viện, đã ứng phó khéo léo trước bạo lực, đâu thua kém bất cứ chiến sĩ đức tin nào khác trên hoàn cầu...”. Qua câu chuyện về cuộc đời thánh Tôma Thiện, cha Việt kết luận: “Ngày nay người trẻ cần được tôi luyện chí khí mỗi ngày để can đảm lựa chọn những giá trị cao hơn, đẹp hơn. Chí khí tuổi trẻ nơi thánh Tôma Thiện có từ sức mạnh của niềm tin vào tình yêu Chúa”.

 

+ Ông G.B Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HÐMV giáo xứ Vườn Xoài - giáo xứ chọn tước hiệu Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam - thì cho biết :

“Từ khi được đặt tên là giáo xứ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam do Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ấn ký ngày 20.10.1968, các cha chánh xứ luôn quan tâm đến việc truyền thụ, hướng dẫn giáo dân hiểu biết về gương sáng, đời sống thánh thiện của các Thánh Tử Ðạo bằng nhiều cách như chiếu phim, tổ chức lễ kính, diễn nguyện và suy tôn các Thánh Tử Ðạo, các giáo khu đều chọn một vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam làm quan thầy. Ðặc biệt, với HÐMVGX, Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đã được chọn là đấng bảo trợ cho các ông trùm, bà trùm và mừng kính vào ngày 5.9 hằng năm. Ảnh ngài được treo trang trọng tại phòng họp HÐMV. Còn tôi, nơi bàn làm việc, tôi đặt ảnh ngài để nhắc nhở bản thân noi gương bắt chước các nhân đức..”.

 

+ Với nữ tu Emmanuel Phụng Huỳnh Thị Hồng Diễm thì lòng quý mến lại được “trải rộng” trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là với tất cả các Thánh Tử Ðạo, những người đã hy sinh anh dũng vì đức tin. Vốn người miền Tây, chị cũng ấn tượng với các vị thánh xuất thân từ vùng đất mà bản thân mình thuộc về, như thánh Phêrô Ðoàn Công Quí, thánh Philiphê Phan Văn Minh, thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu… Kế đến là thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, vị thánh bổn mạng cho cả lớp trong ngày các chị lãnh tu phục. Còn dưới góc độ người phụ nữ, đó là thánh nữ Việt Nam duy nhất được ghi danh: bà Thánh Ðê (Annê Lê Thị Thành). Ngài là thánh nữ tiên khởi của Việt Nam, vừa là người mẹ gương mẫu, đồng thời cũng là một nhân chứng đích thực cho niềm tin vào Thiên Chúa.

 

+ Vị thánh mà nữ tu Maria Trần Thị Ngát cảm mến lại không phải người Việt, mà là một người gốc Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris: Thánh Théophane Vénard Ven. Lý do đơn giản vì đó là một trong những Thánh Tử Ðạo Việt Nam đầu tiên chị được biết đến. “Thánh nhân đã rời quê hương phồn hoa và những người thân yêu của mình ở Pháp để đi rao giảng Lời Chúa, và sau cùng sẵn sàng sống chết với gia đình mới trên đất nước Việt Nam xa xôi. Tôi cảm phục ngài vì lòng yêu mến Chúa và dấn thân quên mình”, chị nói.

“…Chúng tôi muốn hướng anh chị em tới một gia đình lớn hơn là Giáo Hội Công giáo Việt Nam, trải dài trong suốt bề dày lịch sử truyền bá đức tin. Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Tòa Thánh nâng 117 vị Tử đạo lên hàng Hiển Thánh. Ðây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Thật vậy, trong lễ phong thánh tại Rôma, ngày 19.6.1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Ðạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Ðức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Ðức Kitô”.

Ðây là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái. Chúng tôi sẽ bàn thảo và đưa ra những đề nghị, nhằm hướng tới một chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa, tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức tin theo gương các Thánh Tử Ðạo là những người trước khi chết vì Ðạo thì đã sống cho Ðạo, đạo làm người và Ðạo làm con cái Chúa…”

(Trích Thư Mục vụ của HÐGMVN tháng 10.2017)

 

Thực hiện: ÐÌNH QUÝ - HÙNG LUÂN - THIÊN LÝ

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc