Hoa Đạo - Đạo Về Bình Đẳng Và Tu Tâm Dưỡng Tính

Người ta tốn bao nhiêu giấy mực để tru tréo, rằng những người con gái đẹp thế, sao lại thường bạc mệnh. Nhưng họ đâu có chịu hiểu cho giùm, những bông hoa đẹp đẽ thế kia, thượng đế mặc vào trái đất, hà cớ gì lại bị con người gieo cho cái số phận bất hạnh đến vậy.

Image result for cắm hoa nhật bảnNhật Bản, một quốc gia phương Đông. Nhờ vậy, thừa hưởng được nhiều tinh hoa Phật giáo Thiền tông (Zen). Tương tự trà, từ lâu, người Nhật cũng sớm đặt ra đạo sùng bái hoa - tức là Hoa Đạo. Thật, trong thế giới bị thiên nhiên phẫn nộ thế này, đạo về kính mến cỏ cây cần thiết biết là bao. Hoa đạo - “Kadō” (華道) còn được gọi là Ikebana. Nhật ngữ: 生け花 hay いけばな, có nghĩa “hoa sống”. Lòng sùng kính của họ, có người nói, cũng thiêng liêng như với đạo giáo. Vì thế, họ không hái hoa bừa; họ thận trọng kén từng nhành. Khi buộc phải ngắt, trong đầu họ luôn nghĩ tới cái thế mà họ sẽ phối hợp làm sao cho nghệ thuật. Lỡ cắt quá số lượng cần thiết, họ tự thấy hổ thẹn trong lòng. Đáng trọng ở chỗ, họ cắm, nhưng không đơn thuần chỉ là thuật cắm, mà còn ẩn chứa trong đó biết bao kiến thức về tôn giáo, con người và vũ trụ… Kỹ thuật đó, đơn giản đến mức tinh tế, có thể nâng lên thành nghệ thuật, đòi hỏi bình đẳng cho vạn vật và cuối cùng trở thành con đường tu tâm dưỡng tính.

Nhiều người chê rằng phương Tây họ không biết thưởng lãm hoa, nên cắm rất đơn giản, xuề xoà. Tôi thì không nghĩ vậy. Sở dĩ, xứ họ thường cắt những cuống dài, cắm vào các bình cao thẳng đứng hoặc ít cách điệu, là vì để hoà hợp với kiến trúc xây dựng gạch đá đặc trưng của họ. Trường phái cắm hoa theo bố cục tự nhiên đó, gọi là “Mageire”. Phương pháp này, chỉ cho phép tỉa bớt những cành lá thừa theo nguyên tắc các cành không được nương tựa vào nhau và phải đứng một cách tự nhiên. Những bình bông như thế, đem đặt trong các sảnh lớn hoặc các biệt điện sang trọng, tôi thấy không có trường phái nào phù hợp hơn.

Thực ra, ở thế kỷ thứ 15, trong các cung điện rộng lớn của phương Đông; mà rõ rệt nhất là từ thế kỷ thứ 16 trở đi, thời điểm mà Bồ Đào Nha đã thiết lập các cơ sở mậu dịch và các tiền đồn từ bờ biển châu Phi sang Trung Quốc, thì trường phái cắm hoa tự nhiên này đã rõ nét. Sở dĩ phương Đông thường ưa tạo dáng linh hoạt, kết hợp nhiều loại hoa khác nhau hoặc thêm thắt lá cành,... là vì nó rất ăn ý với lối kiến trúc gỗ nứa ở chốn thiền môn và nơi trà thất. Buổi đầu, hoa chủ yếu được dùng để thờ cúng. Người ta chưng theo một nguyên tắc, các bông hoa đều vươn lên theo một trục, gọi là “Rikka” hoặc “Tattebana”. Dần dần, người ta dùng những bông, cắm so le cao thấp, nhưng bố cục chính vẫn theo kiểu Rikka, tạo thành các “biến thể” trong vô số tên gọi ngày nay. Nào “thác đổ”, “kim tự tháp”, “mặt trăng”, “lưỡi liềm”, “rẻ quạt”,... cho đến tạo hình theo các ký tự “T”, “L”, “S”... kính thưa các kiểu.

Ngày nay, để hoà hợp, nhân loại xuất hiện một phương pháp mới, thuộc “sở hữu” của Nhật bản nhưng khởi hứng từ văn hóa Phương Tây, đó là phương pháp Moribana. Lối này, họ thường sử dụng các loại bình đáy phẳng, miệng thấp vừa phải nhằm hoàn thiện được những khuyết điểm của Rikka và Mageire, nhưng vẫn mô phỏng được cảnh quan một cách tự nhiên và tôn lên vẻ đẹp của hoa ở trình độ thẩm mĩ cao nhất (tính tới hiện tại). Nhưng dù theo trường phái nào, vẫn phải ẩn chứa ít nhất một thông điệp; tất cả đều phải lấy đường nét làm căn bản, và cấu trúc phải theo nguyên tắc: THIÊN – ĐỊA-NHÂN thì mới gọi là “biết cắm” được.

Hồi nhỏ, các anh em trai nhà tôi, ai cũng theo học võ. Riêng tôi, vào lớp cắm hoa. Những năm trung học, tôi còn tự kiếm tiền bằng cách kết hoa cưới, cắm hoa cho các đám tiệc tùng giỗ chạp; rủ bạn bè mua tre nứa về chế tạo thành vỉ hoa treo tường, mua dầu điều và sơn PU về quét cho đẹp rồi đem “bỏ mối” cho các cửa hàng bông vải trong khắp cả huyện. Tết đến, còn được mấy cửa hàng bông trên chợ mượn về cắm thuê. Thậm chí, hè năm cuối cấp, trong lúc chờ giấy trúng tuyển, tôi còn đứng lớp dạy cắm hoa cho bạn bè. Nhưng sau này, qua một lần chứng kiến người ta đối xử tệ bạc với hoa, tôi bỏ hẳn. “Nghiệp” cắm hoa của tôi từ đó xem như chấm dứt. Riêng ngày cưới, được chị gái tha thiết nhờ kết hoa cô dâu để có cái làm kỷ niệm chị em, tôi miễn cưỡng nhận lời, nhưng cũng chỉ dùng duy nhất một loài kèn trắng kèm chút măng để tránh cho hoa khỏi đau đớn. Hôm rước dâu, vì chị tên Hồng, nên tôi chỉ kèm thêm vào giữa chút hồng son. Còn, trừ khi mẹ nhờ rước bông lên bàn thờ tổ tiên thì tôi mới cắt kéo, chứ rất ít khi tôi đương tâm hạ gục một nhành hoa. Thế nên, giờ mà nói cắm, tôi chỉ cắm bừa. Ai chê “lụt nghề” tôi cam chịu. Thành thử, về Đà Lạt, tôi cứ thích ra chơi ở những nơi có bông cỏ dại thế này.

Đầu năm 2019, Chi hội Nhà văn Sài Gòn tổ chức giới thiệu tác phẩm cho tôi ở đường sách Thành phố, xe chở hoa về xếp kín phòng khách, tôi mệt quá, nằm xoà ra đó. Bạn tôi vào, thấy thế vội kéo ngay vô phòng ngủ, sợ tôi “chết ngộp vì hoa”. Còn tôi thì cắn rứt, không biết tới khi nào mới trả nợ bằng ấy hoa cho đủ. Chỉ thầm ước có một khu vườn, trồng cấy dăm ba năm tuổi già, để trả nghĩa cho hoa. Nhật bản quan niệm rằng, cũng như con người, mỗi bông hoa đều có cuộc đời riêng của nó. Cái đẹp nhất, thanh tao nhất của Hoa Đạo cũng chính là triết lý Phật giáo: “Sinh – Trụ - Hoại – Diệt“. Hoa khác nào chúng ta, cũng sinh ra, lớn lên tồn tại trên đời, bệnh tật, già nua và cuối cùng là tiêu vong. Cái đẹp của cuộc sống chính ở chỗ cảm nhận được sự thay đổi của vòng đời, bình thản thưởng thức chu kì tuần hoàn của tạo hoá và tôn trọng vạn vật. Cây cối che chở, nuôi dưỡng chứ làm hại gì chúng ta đâu. Chính vì những ý nghĩa sâu xa đó, người Nhật họ ít dùng những loài hoa rực rỡ và thường chọn những chồi búp, theo nguyên thổ và tuần tự xoay chuyển bốn mùa, xem hoa quý cũng như hoa dại “Nhất thiết bình đẳng“. Thành thử, cứ nhìn vào bình hoa, sẽ biết tấm lòng và trường phái thưởng lãm của gia chủ ra sao.

Thật đáng khen cho người thích trồng trọt. Họ là những người có tấm lòng cao thượng biết chừng nào. Ít ra, họ cũng “nhân đạo” hơn những người cầm kéo bận đầu hoa xuống, vặn cổ, cắt ngang thân mình trong khi chúng đang vô tư đùa giỡn với ong bướm chim muông (đó là thiển ý của tôi, tôi không có dụng tâm lên án người sinh sống bằng hoa và nghề của nó). Sở dĩ tôi có cái cảm nhận hạn hẹp, đa sầu - đa cảm đó, là vì tôi tin cỏ cây - hoa lá cũng có linh hồn; cũng biết đau khổ. Cho nên, ngay cả khi người ta đem hoa trồng trong chậu nhỏ, rồi bỏ quên cho hoa tàn úa đi, tôi cũng có sự nghi ngờ về lòng ích kỷ của họ. Vì cớ làm sao mà loài người chúng ta tự cho mình cái quyền ly hương chia cắt cây cối giữa nơi nguyên thổ vui buồn cùng tổ tiên, bạn bè của chúng, mà lại đem nhốt vào cái bồn nhỏ xíu xìu xiu. Khác gì giăng bẫy, đem chim giúi vào lồng, đánh cắp sự tự do mà thượng đế trao cho giống nòi ấy, rồi lại bắt chúng ca hát phục vụ và nhìn ngắm cả cái sự chúng nó yêu đương nhau mà chờ cuộc sinh sản.

Người ta tốn bao nhiêu giấy mực để tru tréo, rằng những người con gái đẹp thế, sao lại thường bạc mệnh. Nhưng họ đâu có chịu hiểu cho giùm, những bông hoa đẹp đẽ thế kia, thượng đế mặc vào trái đất, hà cớ gì lại bị con người gieo cho cái số phận bất hạnh đến vậy. Con người, hoặc như những loài động vật, trời cho cái chân mà chạy đi được đã đành. Đằng này, khả năng tự vệ của loài hoa là con số không to tướng. Chịu chết. Đứng yên cho bọn ác hạ màn. Thật đáng thương tâm! Thà bảo con người không biết điều đó là nhẫn tâm đi, đằng này họ biết, biết rõ, rõ đến độ họ còn có cái “thành tựu” thanh cao là đặt tên cho hoa là “cánh bướm”, “phi điểu”, “ong” (Ophrys apifera) hay “mặt khỉ”,... để mà chạy đi. Nhưng khổ cái thói đời, có chạy được đâu. Tất cả đều đứng trơ ra bất lực trước kẻ thù. Trời ơi, xưa nay có điều tàn ác nào mà người ta không nhân danh “văn hoá, tôn giáo và phẩm hạnh” để làm không? Bởi, cái đẹp muôn đời bị rình rập.

Nhìn kìa, trong khi người ta hớn hở ôm hoa về nhà, họ có biết không, đằng sau, là những giọt nước mắt của hoa đang tủi hờn nhỏ xuống. Và kìa, những người nói “yêu” hoa, họ kéo đến xứ sở hoa Anh đào, chỉ chờ cho một làn gió thoáng qua, xác hoa tan tác, là họ cười lên khoan khoái, nâng máy chụp hình ghi lại nụ cười tươi. Thấy chưa, họ cười trên sự đau khổ của hoa. Họ hoan hỉ trước cái chết. Trong khi, loài hoa ấy đang lấy cái chết làm “vinh” cho loài người. Thế mà họ bảo là “yêu”. Thật ngộ nhận, họ chỉ “thích” thôi. Cũng như khi con người đối xử với nhau, nếu yêu, họ sẽ nâng niu giữ gìn; nếu thích, họ sẽ tìm cách chiếm đoạt. Ôi, thương cho hoa, tiếc cho hoa.

Giữa rừng người thực dụng đang khát khao và săn lùng, cái đẹp muốn quay phía nào, đều chạm trán kẻ phá hoại ở phía ấy. Nhưng ít ra, vẫn còn Hoa đạo, để sót lại ít “tín đồ”, chịu tiếng là “điên dại” mà giữ chút lòng ái hữu với hoa, tôn trọng thọ tạo và nhờ đó, tu tâm dưỡng tính.

Ls Nguyễn Hoàng Trung Hiếu.