Có một quan niệm phổ biến cho rằng nếu chúng ta có đức tin mạnh mẽ, chúng ta sẽ không sợ khi đứng trước cái chết, chúng ta bình tĩnh, yên tâm và thậm chí còn biết ơn vì chúng ta không có gì phải sợ Chúa hoặc sợ thế giới bên kia. Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết. Cái chết đưa chúng ta lên thiên đàng. Vậy tại sao chúng ta phải sợ?
Trên thực tế, đây là trường hợp của đàn ông cũng như đàn bà, của những người tin cũng như không tin. Nhiều người ít sợ khi đối diện với cái chết. Tiểu sử của các thánh chứng minh điều này, và nhiều người trong chúng ta chứng kiến cái chết của những người sẽ không bao giờ được phong thánh, nhưng họ bình thản và không sợ khi đối diện với cái chết.
Vậy thì vì sao Chúa Giêsu lại sợ? Và gần như là như vậy. Ba trong số các Tin mừng mô tả Chúa Giêsu không được bình tâm nhiều giờ trước khi chết, Ngài đã đổ mồ hôi máu. Phúc Âm Thánh Mát-thêu đặc biệt mô tả giây phút đau đớn của Chúa Giêsu trước khi chết: Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con! Phải nói gì thêm về điều này?
Linh mục Dòng Tên Michael Buckley ở California có một bài giảng nổi tiếng, ngài đưa ra sự tương phản trong cách đối diện cái chết của triết gia Socrate và của Chúa Giêsu. Kết luận của linh mục Buckley có thể làm chúng ta bối rối. Socrate dường như can đảm đối diện với cái chết hơn Chúa Giêsu.
Cũng như Chúa Giêsu, triết gia Socrate cũng bị kết án oan cho đến chết. Nhưng ông hoàn toàn không sợ, ông bình tĩnh đối diện với cái chết, nghĩ rằng người công chính không có gì phải sợ, kể cả sự phán xét của con người cũng như cái chết. Ông bình tĩnh nói chuyện với các môn sinh, nói cho họ biết ông không sợ, chúc lành cho họ rồi ông uống chén thuốc độc và chết.
Chúa Giêsu thì ngược lại: Những giờ trước khi chết, Ngài cảm thấy mình bị môn đệ phản bội, ngài đổ mồ hôi máu trong đau đớn, và chỉ vài phút trước khi chết, Ngài đau khổ khóc khi thấy mình bị bỏ rơi. Dĩ nhiên chúng ta biết, tiếng khóc bị bỏ rơi của Chúa Giêsu không phải là giây phút cuối cùng của Ngài. Sau giây phút lo lắng sợ hãi, Ngài đã phó linh hồn mình trong tay Đức Chúa Cha, rồi Ngài có được bình an, nhưng các giây phút trước đó, đã có lúc Ngài đau khổ tột độ, nghĩ mình bị Chúa Cha bỏ rơi.
Nếu không xem xét sự phức tạp bên trong của đức tin, các nghịch lý của nó, thì thật vô lý khi Chúa Giêsu là người vô tội và trung thành, lại đổ mồ hôi máu và kêu lên trong nỗi đau đớn bên trong khi phải đối diện với cái chết. Nhưng đức tin thực sự không phải lúc nào cũng giống như bên ngoài. Rất nhiều người, và thường là những người đặc biệt trung thành nhất, phải trải qua một thử thách mà các nhà thần nghiệm gọi là đêm tối tâm hồn.
Và đêm tối tâm hồn là gì? Đó là một thử thách của Chúa trong cuộc sống, chúng ta bàng hoàng và lo lắng, chúng ta không còn hình dung được sự hiện diện của Chúa cũng như cảm nhận Chúa yêu thương mình. Theo nghĩa cảm nhận bên trong, đây là cảm nhận của hoài nghi như người vô thần. Dù cố gắng, chúng ta không hình dung có sự hiện diện của Chúa, lại càng không nghĩ Chúa yêu thương mình. Tuy nhiên, như các nhà thần nghiệm nhấn mạnh và chính Chúa Giêsu làm chứng, đây không phải là mất đức tin, nhưng thực sự là một thể sâu sắc hơn của chính đức tin.
Cho đến bây giờ, trong đức tin chúng ta, chúng ta nối lại quan hệ với Chúa chủ yếu qua hình ảnh và cảm xúc. Nhưng hình ảnh và cảm xúc của chúng ta có về Chúa không phải là Chúa. Vì vậy, tại một số thời điểm, với một số người, nhưng không phải tất cả mọi người, Chúa lấy đi các hình ảnh và cảm xúc, để lại một khái niệm trống rỗng và cảm xúc khô khan, tước bỏ tất cả hình ảnh chúng ta đã tạo ra về Chúa. Trong khi trong thực tế, đây thực sự là một ánh sáng chói lòa, nhưng được cảm nhận như bóng tối, như nỗi thống khổ, sợ hãi và nghi ngờ.
Như thế chúng ta có thể chờ con đường đến với cái chết và cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa cũng liên quan đến việc phá vỡ suy nghĩ và cảm nhận chúng ta có về Chúa qua nhiều cách. Và điều này sẽ mang lại sự nghi ngờ, bóng tối và sợ hãi cho cuộc sống chúng ta.
Linh mục Henri Nouwen đưa ra một bằng chứng mạnh mẽ khi ngài nói về cái chết của mẹ mình. Bà là người có đức tin sâu đậm, mỗi ngày bà cầu nguyện với Chúa: Xin cho con sống như Chúa và xin cho con chết như Chúa. Hiểu đức tin mẹ mình có cơ sở, cha Nouwen nghĩ bà sẽ bình thản và đối diện với cái chết mà không sợ. Nhưng bà đã lo âu tột cùng và hãi sợ trước cái chết làm cho cha Nouwen bối rối, cho đến khi cha nhận ra lời cầu nguyện của mẹ mình đã được nhận lời. Bà đã cầu nguyện được chết như Chúa Giêsu và bà đã được.
Một người lính thường chết không sợ; Chúa Giêsu chết hãi sợ. Và nghịch lý thay, nhiều người có đức tin cũng như vậy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch