Người phụ nữ cảm tạ nhà hiền triết và lập tức lên đường tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên, bà tìm đến một căn nhà rất lớn và sang trọng. Bà gõ cửa và hỏi: “Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạt từ ngôi nhà không bao giờ biết đến đau khổ. Có phải nơi này không?” Họ trả lời rằng bà đã nhầm chỗ và kể với bà những chuyện bi thảm đã xảy ra đến với mình. Nghe chuyện, bà ngồi lại và an ủi họ.
Rồi bà lại tiếp tục cuộc tìm kiếm. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, từ những căn nhà cao sang hay gác xép tồi tàn, bà đều được trả lời bằng những câu chuyện buồn. Bà trở nên quan tâm và muốn giúp đỡ, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác, đến nỗi sau cùng bà đã quên đi việc tìm kiếm hạt giống cây mù tạt thần kỳ. Và rồi, không biết tự bao giờ, hạt giống thần kỳ đó cũng đã mang nỗi đau trước kia ra khỏi cuộc đời bà. Bà bắt đầu nhận ra rằng trên đời này không phải chỉ một mình bà là người gánh chịu đau khổ và mất mát. Vẫn có nhiều người có thể sống vui vẻ và lạc quan ngay trong những mất mát và đau khổ của họ. Chính khi biết cảm thông với người khác, nỗi đau của bà cũng dần dần được nguôi ngoai.
Quý vị và các bạn thân mến,
Mù tạt là một loại gia vị tạo ra sự thơm nồng cho món ăn nên thường gặp thấy trong tủ bếp của nhiều gia đình. Có lẽ do vậy mà việc tìm hạt giống cây mù tạt có lẽ không phải là điều khó khăn lắm. Thế nhưng, loại “hạt giống mù tạt từ ngôi nhà không biết đến đau khổ” mà vị hiền triết yêu cầu lại là thứ mà người phụ nữ đang đau khổ không thể nào tìm thấy được. Bất cứ ngôi nhà nào mà bà đến, không biết có hạt giống của cây mù tạt hay không, nhưng những đau khổ đều hiện diện nơi những căn nhà đó cách này hay cách khác. Do vậy, dù có tìm được hạt giống mù tạt ở những nơi đó thì chúng cũng không đáp ứng được yêu cầu của vị hiền triết, và cũng không thể làm cho con trai của người phụ nữ trong câu chuyện này sống lại được.
Bất cứ ai cũng có những niềm đau và nỗi khổ trong cuộc đời. Đó là những niềm đau khi mất đi những người thân yêu, khi gánh chịu những đau đớn, mất mát nơi thân xác và tâm hồn, hay nỗi khổ khi gặp phải sự lừa dối, phản bội… Đại thi hào Nguyễn Du đã nói trong tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của mình rằng: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Trong ý thơ này, từ ngữ “đoạn trường” đề cập đến một nỗi đau đớn như đứt từng khúc ruột, và cả câu thơ đã nói lên một kinh nghiệm rất sâu xa đó là chỉ khi chính mình trải qua những nỗi đau khổ nào đó như người khác, chúng ta mới có thể đồng cảm và hiểu được nỗi đau của họ.
Đau khổ là một thực tại gắn liền với cuộc sống của mọi người, và luôn thấp thoáng ở mọi môi trường sống. Do vậy mà, nhiều người vẫn thường than thở rằng: “đời là bể khổ”. Bằng cái nhìn đức tin đã được ươm mầm và vun trồng từ những trang Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội, người Kitô hữu chúng ta có thể tìm ra được những lối suy nghĩ tốt lành và niềm hy vọng tươi sáng ngay trong những đau khổ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Về Sự Sống đã khẳng định rằng: “đau khổ là gánh nặng vốn đè trên cuộc nhân sinh nhưng cũng là khả năng giúp con người tăng trưởng” (Evangelium Vitae, số 23). Thật vậy, đau khổ là phương tiện để chúng ta biết gia tăng niềm cậy trông vào Thiên Chúa, và cũng là cơ hội để chúng ta mở lòng ra với tha nhân. Chính khi biết chia sẻ những đau khổ của chính mình và cảm thông được những đau khổ của người khác, chúng ta sẽ nhận ra rằng những đau khổ đang được vơi đi, những niềm vui và sự an ủi sẽ lại tràn ngập trong tâm hồn của mình.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết cố gắng thực hành bài học yêu thương mà Chúa dạy qua thái độ cảm thông và chia sẻ với tha nhân khi gặp những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, chúng con có thể kiến tạo được những niềm vui và làm vơi đi những đau buồn cho chính mình và những người xung quanh. Amen.
Duy An