CHUYỆN VỀ “NHÀ THƯƠNG MÙI CHIÊN”…

Chia sẻ của một linh mục khi phải vào bệnh viện đi mổ... Cha quyết định không nằm phòng dịch vụ để nếm trọn mùi chiên với những “bất tiện” đương nhiên phải có, và cảm nhận về giá trị của nó, vì khi người ta càng trao đổi nhiều, thì tình nghĩa càng đậm….

CHUYỆN VỀ “NHÀ THƯƠNG MÙI CHIÊN”…

Người Sài-gòn và bà con  trọng tuổi sống ở miền Nam có lẽ khá quen miệng với tên gọi “Nhà Thương”…hơn là bệnh viện... Quen gọi như vậy…chắc chắn không phải vì đấy là nơi dành cho những người “bị thương” do ngàn lẻ một các loại tai nạn xảy ra mỗi ngày trong sinh hoạt của bà con trên khắp mọi miền đất nước, nhưng đấy là một nơi mà mọi người lấy chữ THƯƠNG làm trọng tâm của mọi sinh hoạt từ chuyện khám chữa cũng như phục vụ nơi những người có trách nhiệm lẫn việc ứng xử, giao tiếp giữa những người được điều trị…

Người viết được yêu cầu lột bỏ tất cả những gì là của mình và ở trên người mình – một sự lột bỏ chạnh nghĩ tới Gióp : “Thân trần truống sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng Đức Chúa.” ( G 1 , 21)…Chị hộ lý giúp choàng cho một chiếc áo choàng màu xanh bèo nhèo với một nút buộc lỏng lẻo ngay bụng và lời rỉ tai : Hiếm khi được mang chiếc váy này lắm đó nghe, ông ngoại ! Vậy là đầu óc người viết quay ngay về với thủa ban đầu của Tạo Dựng…Khi từ nhúm bụi đất nặn nên hình hài Adong…thì Thiên Chúa Tạo Hóa đâu có cần đến “chiếc váy màu xanh bèo nhèo” này đâu…Thậm chí cả lúc choáng váng chiêm ngưỡng E-và cũng vậy… Chiếc váy “vảy lá” là của con người tận dụng sự thông mình Thiên Chúa ban để - thay vì làm đẹp Địa Đàng - thì lại đi mày mò ken-xỏ mà che đi cái “biết-thiện-ác” không nên “biết” của mình – một cái biết đeo đẳng phận người và nặng nề kiếp nghiệp, bởi vì nó sẽ biến tất cả “hồng ân” của Thiên Chúa Tạo Hóa thành sự tận dụng ngu ngốc và hủy diệt con người tạo nên cho chính mình và đồng loại của mình – một sự ngu ngốc và hủy diệt ngày càng trầm trọng mà con người hôm nay vừa mày mò phương cách để thoát khỏi, vừa la oai oái để cảnh báo lẫn nhau, nhưng có vẻ như vẫn chỉ là những tiếng la hoảng vô vọng, chẳng được mấy ai quan tâm để ý, đơn giản…vì – nếu để ý – thì sẽ phải điều chỉnh “chính mình” – một việc khá là khó đối với con người trong hôm nay…

“Tề chỉnh” trong chiếc váy “hiếm” của cô hộ lý  bắt giang tay để choàng và cột giây cho, người viết tò mò nhìn quanh…và hài lòng thấy ai cũng như ai : đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ - tất cả đều vui vẻ với tư thế “hiếm” giữa muôn người này… Vậy là những mẩu chuyện vui làm quen được dịp chia sẻ trong khi đợi thang máy lên phòng mổ…Thì ra mỗi đợt mổ như vậy, đội ngũ các cán bộ, y, bác sĩ phòng mổ nào thì lo phòng mổ ấy…Mà cả một khu phòng mổ dài dằng dặc có lẽ đến năm sáu phòng mỗi bên… Nghĩa là một lần mổ cũng phải ít nhất trên dưới mười bệnh nhân…

Sau khi được các người có trách nhiệm trong “cas” mổ thăm hỏi, động viên, vị bác sĩ gây tê yêu cầu người viết thu gọn người trong tư thế “bào thai”… để chích mũi gây tê vào tủy sống…Vị bác sĩ chịu trách nhiệm mổ an ủi : Bắt đầu nghe, cha ! Vậy là người viết không có cảm giác gì nữa về phần thân thể bên dưới của mình, mặc dù tiếng cưa, tiếng đục, tiếng mài, tiếng búa, tiếng trao đổi vật dụng cùng những mẩu chuyện đùa giỡn giữa nhóm vẫn rõ ràng từng chi tiết…Gần hai giờ đồng hồ sau… thì vị bác sĩ mổ vừa tháo “găng”, vừa chào: Xong rồi, nghen cha ! Ông vui vẻ bước ra khỏi phòng mổ… để công việc dọn dẹp lại cho nhóm…

Xong xuôi mọi sự, người viết được đẩy ra qua một hành lang hun hút những phòng mổ…để rồi hai cô bé điều dưỡng khoảng cỡ trên dưới 20 tuổi nhận và vừa đẩy, vừa xoa xoa cái bụng…mà cách đây vài chục năm nó còn ở hàng thứ nhất – thứ nhất bụng bầu - và nay…thì lại trở thành nỗi “ám ảnh” : Ê bay, giống bụng Phật Di Lặc chưa bây ! Mình bật cười… Cô bé dạn miệng hơn : Ông ngoại cười cũng giống Di Lặc nữa ! Không biết cô bé nghe được tiếng cười của Đức Di Lặc ở đâu – có lẽ trong những youtube trình bày lại cuộc sống của Ngài, bởi vì – thời gian gần đây – trên những chuyến xe liên tỉnh, người viết cũng được nghe các sáng tác ca tụng Quan Thế Âm, Đức Phật… với những ca từ đậm đà rút ra từ những câu kệ trong Phật Giáo…Điều đó cho thấy có một sự chuyển mình trong sáng tác âm nhạc nhằm đưa văn hóa Phật Giáo vào đời sống hằng ngày của người Phật tử… Và dĩ nhiên là cũng có những nhạc sĩ, những ca sĩ quan tâm đến lãnh vực sáng tác này… Một suy nghĩ không biết có “nông nổi” lắm không, nhưng – qua những sáng tác nghe được trên xe khách – thì có vẻ mọi người khá là gần gũi với những tâm tình và ca từ trình bày… Nghĩa là – với tầng lớp bà con dân dã – thì Phật Giáo có một ảnh hưởng nhất định trong cuộc sống của họ…

Người viết được đẩy về phòng số 2 lầu 6 khoa chấn thương chỉnh hình… Người chị em công tác trong bệnh viện thương và muốn đăng ký cho mình một căn phòng bên khu dịch vụ có điều hòa và ở một mình, không chung chạ với ai…cho đỡ phiền toái…Thế nhưng – theo yêu cầu của bác sĩ trực cũng như hai giường bệnh bên cạnh – thì mình quyết định trụ lại căn phòng “không tính tiền” này… cho nó trọn vẹn “mùi chiên”… với những “bất tiện” đương nhiên phải có như hai phòng dùng chung một nhà vệ sinh, mọi thứ đều có thể là của chung khi cần : bình nước nóng, cái xe lăn… Dễ thương ở chỗ người ta càng trao đổi nhiều…thì tình nghĩa càng đậm… Ngày người viết rời phòng xuất viện đã có những cái nắm tay, những lời chúc…

Chiếc giường sát vách phía trong là của một bà cụ đã 94 tuổi, bị ngã bể khớp háng và chờ thay…Bà cụ chỉ có một người con trai một năm nay cũng đã 71 tuổi… và – mỗi lần gặp nhau – người con trai luôn có những hằn học, khó chịu với mẹ mình… Dần dần thì người viết được cho biết là anh con trai từ thủa còn thanh niên đã hoang phí tiền của của bà cụ khá nhiều…nên đất đai cũng như tiền bạc, bà cụ đều trao lại cho hai người cháu nội… Do đó, công việc chăm sóc đều do hai người cháu dâu đảm nhiệm… và các chị đã rất tận tâm tận lực với bà cụ…Họ là những con người có nghĩa và trọng nghĩa…

Chiếc giường ở giữa là của một anh “thợ đụng” bách nghệ… Anh bị tai nạn trên đường từ ruộng muối đi về… với tốc độ có lẽ cũng kha khá… Đến đầu cầu thì một chiếc tải ào tới ép anh phang vào hàng cọc sắt an toàn…Vậy là ống quyển của anh gãy vụn và bắp thịt cũng như lớp giây chằng bị bóc… Chiếc xe tải bỏ chạy… Một chiếc ta-xi được bà con chặn lại nhờ đưa vào bệnh viện, nhưng tài xế từ chối… Anh được sơ cấp cứu với khung sắt gắn vào chân và  năm sáu khúc sắt như những cần “ăng-ten” nhằm giúp dễ nâng chân anh lên mỗi khi thay băng, sát trùng… Vợ anh bị mù… nên chăm sóc chồng qua sự hướng dẫn của đứa con gái mười tuổi… Cô bé đảm đang lạ lùng… Bà mẹ hầu như chỉ làm công việc duy nhất là ở bên cạnh chồng và bóp chân, tay cho anh… Còn chuyện lo ăn, uống, thuốc men…đều do cô con gái nhỏ nhoi, đen nhẻm đảm nhiệm…

Tạ ơn Chúa về cái “Nhà Thương mùi chiên”…

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp (www.conggiaovietnam.net)