Brexit: Anh quốc chính thức xin ra khỏi Liên Hiệp châu Âu
Biến cố được chú ý nhiều nhất trong tuần qua có lẽ là việc Anh quốc chính thức xin ra khỏi Liên Hiệp châu Âu, vẫn thường được nói đến với danh hiệu Brexit. Đây là một thời điểm lịch sử. Chưa bao giờ Liên Hiệp châu Âu đã phải đối diện với một quyết định ly khai như thế.
Trưa ngày 29.03, đại sứ Anh quốc cạnh Liên Hiệp châu Âu ông Tim Barrow đã chính thức trao tận tay ông Donald Tusk, chủ tịch Liên Hiệp châu Âu đương nhiệm, lá thư viện dẫn điều khoản 50 liên quan đến việc Anh quốc quyết định rời khỏi Liên Hiệp và khởi đầu tiến trình bàn thảo thương thuyết liên quan đến việc này.
Tiến trình này theo điều khoản 50, sẽ kéo dài 2 năm, có mục tiêu dàn xếp mọi cam kết hay dấn thân của Anh quốc trong những hoạt động của Liên Hiệp châu Âu cho đến nay. Cụ thể là từ ngày thứ sáu 31.03, chủ tịch Liên Hiệp châu Âu Donald Tusk đề nghị những tiêu chuẩn hướng dẫn cuộc thương thuyết đề các quốc gia thành viên nghiên cứu.
Ngày 05.04, các nghị viên quốc hội châu Âu sẽ bỏ phiếu tại nghị viện Strasbourg về vấn đề này. Ngày 20.04, giới lãnh đạo 27 quốc gia thuộc liên hiệp châu Âu, tức là loại trừ Anh quốc, sẽ nhóm một cuộc họp thượng đỉnh ngoại thường ở Bruxelles bên Bỉ để chuẩn y những mục tiêu cần đạt đến.
Vào tháng 5, bộ trưởng đặc trách Liên Hiệp châu Âu của 27 quốc gia này sẽ nhóm họp để đề ra những tiêu chuẩn tiến hành thương thảo chi tiết hơn về những ngân khoản mà Anh quốc phải chi trả khi rời khỏi liên hiệp, quyền lợi của người dân các nước thuộc Liên Hiệp châu Âu sinh sống trên lãnh thổ Anh quốc, cũng như vấn đề Cộng hòa Ailen cùng với vùng Bắc Ailen, tuy là một tỉnh trực thuộc Anh quốc, nhưng lại muốn ở lại trong Liên Hiệp châu Âu.
Các bàn thảo thương thuyết liên quan đến mọi lãnh vực có thể sẽ kết thúc trong thời hạn tháng 10 năm 2018, ngoại trừ những thỏa hiệp liên quan đến vấn đề kinh tế thương mại.
Theo nhiều chuyên viên, Brexit là một cuộc ly dị sau 40 năm kéo dài cuộc hôn nhân vì lý trí thương mại chứ không có tình yêu của Anh quốc với Liên Hiệp châu Âu.
Bà Pauline Schnapper, giáo sư môn Văm Minh hiện đại Anh quốc tại đại học Sorbonne ở Pái nhận định rằng từ năm 1973, liên hệ giữa Anh quốc và Liên Hiệp châu Âu hoàn toàn dựa trên lợi lộc kinh tế, chứ không dính dáng gì đến chính trị tình cảm.
Còn giáo sư Patricia Hogwood, chuyên viên về luật Âu châu tại đại học Westminster Anh quốc thì nhận định rằng ngay từ đầu Anh quốc đã không muốn tháp nhập vào chương trình liên hiệp châu Âu tiên khởi, được thành hình trong thời gian hậu thế chiến thứ hai và trong một viễn tượng hòa giải hòa hợp.
Một chuyên viên khác là giáo sư Anand Menon, dạy môn chính trị Âu châu tại học viện hoàng gia London kiêm giám đốc chương trình Anh quốc trong một liên hiệp Âu châu đang thay đổi, nói: Chúng tôi lúc ấy đang quá mạnh để tháp nhập vào Liên Hiệp châu Âu. Anh quốc là nước chiến thắng thế chiến thứ hai mà. Chúng tôi vẫn hướng về đồng minh Hoa Kỳ và tựa trên thế mạnh của khối thuộc địa còn lại, tuy rằng cũng muốn ủng hộ Liên hiệp châu Âu.
Điều hiếu kỳ là khoản luật số 50 về việc tách ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã do các chuyên viên đa số là người Anh đảm nhận công cuộc soạn thảo hồi năm 2002-2003, với chủ tâm trừng phạt những nước nào muốn ly khai khỏi Liên Hiệp.
Khi nhận thư của chính quyền Anh quốc thông báo quyết định rời khỏi Liên Hiệp châu Âu, ông Donald Tusk, chủ tịch Liên Hiệp tuyên bố rất lấy làm tiếc, nhưng công cuộc thương thuyết sẽ có nhiều cam go vì Âu châu không phải là một đối tác ngây thơ. Brexit là một thảm kịch và Liên Hiệp Âu châu đang phải đối diện với nhiều bất định tương lai, tuy rằng bà thủ tướng Anh Theresa May khẳng định “Chúng tôi rời khỏi Liên Hiệp châu Âu, chứ không rời khỏi lục địa này.”
(Mai Anh, RadioVaticana 04.04.2017)