5 năm gần đây, Hoa Kỳ và Nga cung cấp hơn một nửa tổng lượng vũ khí đang lưu hành trên toàn thế giới
Đầu tuần qua, viện nghiên cứu SIPRI, có trụ sở tại Stockholm đã công bố phúc trình cho thấy rằng trong 5 năm gần đây, hai nước Hoa Kỳ và Nga đã cung cấp hơn một nửa tổng lượng vũ khí đang lưu hành trên toàn thế giới. Đây cũng chính là khoảng thời gian mà các dịch vụ buôn bán khí giới lên đến điểm cao nhất từ sau cuộc chiến tranh lạnh.
Phúc trình của SIPRI cho biết các vũ khí nhập cảng gia tăng mạnh tại Á châu và vùng Trung Đông. Các nước mua nhiều vũ khí nhất là Ấn Độ, chiếm 13% và Arap Saudi 8% tổng lượng vũ khí bán ra trong những năm từ 2012 đến 2016. Chính quyền Ryad, đang chiến đấu chống phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ trên lãnh thổ Yemen đã tăng gấp 3 lần số lượng vũ khí nhập cảng trong 5 năm từ 2007 đến 2011.
Còn Ấn Độ đã mua từ Nga 68% số lượng vũ khí nhập cảng, tức gấp 5 lần số lượng vũ khí mua từ Hoa Kỳ. Danh sách các nước mua nhiều vũ khí được tiếp tục với Trung quốc, các vương quốc Arap hiệp nhất và Algerie. Việt Nam Indonesia và Philippin mua nhiều tàu chiến, phi cơ chiến đấu và tàu ngầm.
Ông Peter Wezeman, chuyên viên nghiên cứu thuộc chương trình Vũ khí và phí tổn quân sự của học viện SIPRI bình phẩm rằng, trong 5 năm gần đây, đa số các nước Trung đông hướng về thị trường vũ khí Hoa kỳ để gia tăng khả năng quân sự của mình.
Xét về tỷ lệ thị trường buôn bán vũ khí, Hoa Kỳ đứng hàng đầu với 33% tổng số vũ khí xuất cảng bán cho 100 quốc gia, Nga chiếm 23%, bán cho 50 nước. Chiếm hàng thứ ba là Trung quốc với 6,2%. Các nước Âu châu giảm 11% lượng vũ khí nhập cảng vì lý do cắt giảm ngân sách quốc phòng cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa chấm dứt.
(Mai Anh, RadioVaticana 02.03.2017/ ADN 20.02.2017)