“Việc nhà văn Y Ban từ chối giải thưởng không có gì ngạc nhiên…”

Trả lời về những ồn ào quanh việc nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam liên tiếp từ chối Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012, người phát ngôn của Hội - nhà văn Đình Kính khẳng định: “Việc rút ra khỏi giải thưởng là quyền của mỗi người”.

“Việc nhà văn Y Ban từ chối giải thưởng không có gì ngạc nhiên…”

Giải thưởng Hội Nhà văn 2012 đang gây xôn xao dư luận khi có tới 2 tác giả đồng thời lên tiếng từ chối… giải thưởng. Nhà văn Y Ban, tác giả của cuốn tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả của Thế kỷ bị mất đều đồng loạt gửi thư ngỏ từ chối bằng khen của Hội dành cho tác phẩm của mình.

Trong lá thư ngỏ được đăng tải trên mạng ngày 18/1, nhà văn Y Ban bức xúc về những người cầm cân nảy mực “thiếu tâm và thiếu tầm”. “Trò chơi hủy diệt cảm xúc được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu bằng khen và 2 phiếu trắng. Nếu tôi sáng suốt, nếu tôi không đi trên con đường dại thì ngay từ đầu tôi phải từ chối ban giám khảo này. Họ không đủ tâm, đủ tầm để bỏ phiếu cho tác phẩm. Họ chỉ đủ tâm, đủ tầm để bỏ phiếu cho tên tác giả. Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì? Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy?”, Y Ban nói trong thư ngỏ.
 
Nhà văn Y Ban (Ảnh: ST)
Nhà văn Y Ban (Ảnh: ST)

Không chỉ thể hiện sự thiếu tin tưởng về những người chấm giải, nhà văn Y Ban còn hé lộ nhiều chuyện hậu trường xoay quanh công tác xét giải thưởng nhiều năm qua của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo bức thư ngỏ khá dài của nhà văn Y Ban, Hội đồng chấm giải đã không dùng cái tâm và con mắt xanh để nhìn nhận, đánh giá tác phẩm. Họ cũng không chịu đọc, không chịu nhìn nhận hay chấp nhận xu hướng mới, tác phẩm mới. Thậm chí quy trình xét giải của Hội đồng giám khảo giải thưởng cũng không trình tự, rất mù mờ và tùy tiện…

Tác giả của I am đàn bà cũng thể hiện sự bất bình, thậm chí tức giận trước “2 phiếu trắng” của Hội đồng giám khảo dành cho tác phẩm của mình: “Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì?  Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy? Vậy tại sao họ vẫn thích ngồi ở ghế ban giám khảo?”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều ngày 21/1 nhà văn Y Ban thể hiện sự mệt mỏi khi nhận được quá nhiều sự quan tâm từ dư luận. “Những điều cần nói tôi đã nói hết trong thư ngỏ rồi. Tôi khép lại rồi, không quan tâm nữa”, Y Ban chia sẻ về những thông tin trái chiều xung quanh việc chị từ chối nhận giải.

Trước câu hỏi, sao chị không gửi thư chính thức tới Hội Nhà văn Việt Nam mà lại dùng thư ngỏ để từ chối nhận giải, Y Ban khẳng định: “Trước khi cho đăng thư ngỏ, tôi đã gửi thư đóng gói đàng hoàng tới Hội Nhà văn. Còn nói chưa nhận được hay không thấy gì đó là cách trả lời của họ!”.

Nhà văn Y Ban cũng khẳng định, từ lúc chị gửi thư tới Hội đồng giám khảo giải thưởng văn học 2012 và cho đăng thư ngỏ, bên Hội Nhà văn chưa có trả lời cũng như bất cứ liên hệ nào với chị. Ngay sau khi có câu trả lời chính thức từ phía Hội, chị sẽ quyết định lên tiếng tiếp hay là không.
 
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (Ảnh ST)
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (Ảnh ST)

Cho đến thời điểm này, không chỉ Y Ban mà nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Thế kỷ bị mất cũng chọn thư ngỏ để từ chối nhận bằng khen. Lý do ông đưa ra là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, “cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học”.

Trả lời phóng viên Dân trí chiều ngày 21/1 về những ồn ào xung quanh giải thưởng Văn học Việt Nam 2012, những đánh giá về Hội đồng giám khảo thiếu cái tâm và cái tầm, quy trình xét giải thiếu minh bạch…; thành viên ban chung khảo kiêm người phát ngôn của Hội về giải thưởng - nhà văn Đình Kính nói mọi việc sẽ được làm sáng tỏ tại buổi họp báo sáng ngày 22/1 tại Hà Nội.

Về bức thư của nhà văn Y Ban gửi tới Hội, nhà văn Đình Kính nói cho tới buổi sáng ngày 21/1, Hội vẫn chưa nhận được, cũng như chưa nhận được phản hồi chính thức, trực tiếp nào từ phía nhà văn Y Ban.

Về việc hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam cùng từ chối giải thưởng, nhà văn Đình Kính cho rằng đó là chuyện bình thường. “Việc trao giải thưởng là quyền của Hội và ban chấp hành. Việc nhà văn Y Ban hay Phạm Ngọc Cảnh Nam rút khỏi giải thưởng cũng là quyền của mỗi người. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ai đó từ chối nhận giải thưởng. Không chỉ trong nước mà các giải thưởng quốc tế từ trước đến nay vẫn có người từ chối đấy thôi”, nhà văn Đình Kính nói.

Danh sách tác giả, tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 được đăng tải chính thức trên trang web của Hội:

Văn xuôi:

Giải thưởng: Tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Bằng khen: Tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc của nhà văn Y Ban; Tiểu thuyết lịch sử Thế kỷ bị mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Thơ:

Giải thưởng: Tác phẩm Trường ca chân đất của nhà thơ Thanh Thảo; Tập thơ Màu tự do của đất của nhà thơ Trần Quang Quý và Tập thơ Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương.

Bằng khen: Tập thơ Hoa hoàng đàn nở muộn của nhà thơ Khuất Bình Nguyên và Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng.

Lý luận phê bình:

Giải thưởng: Cuốn sách Đa cực và điểm đến của nhà văn Văn Chinh.

Dịch: Không có.

Lễ trao giải và kết nạp Hội viên năm 2012 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 29/1/2013 tại hội trường Bảo tàng Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội.

 

 

Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án vụ kiện đòi 55 triệu USD

Cho rằng bản án sơ thẩm không đánh giá đúng bản chất vụ việc, ông Ly Sam không chứng minh được mình thắng số tiền 55 triệu USD, phía bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án lên TAND TPHCM để xét xử phúc thẩm lại vụ án.

Sáng 22/1, đại diện pháp lý của bị đơn trong vụ án kiện đòi 55 triệu USD tiền thắng qua máy đánh bạc, Công ty Liên doanh Đại Dương cho biết, trong ngày hôm nay (21/1) sẽ nộp đơn kháng cáo bản án mà TAND quận 1 vừa tuyên ngày 7/1 lên TAND TPHCM. Phía bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm đã không đánh giá đúng bản chất, nội dung vụ việc, vi phạm các trình tự thủ tục tố tụng… nên đã kháng cáo toàn bộ bản án.

Như vậy, sau 14 ngày bản án sơ thẩm do thẩm phán Mai Xuân Bình, TAND Quận 1 tuyên ông Ly Sam thắng kiện, buộc công ty Liên doanh Đại Dương phải trả cho ông Ly Sam hơn 55 triệu USD, phía bị đơn đã nộp đơn kháng cáo. Điều này không làm ai bất ngờ vì với số tiền quá lớn, bị đơn không dễ dàng buông xuôi.
 
Phía bị đơn cho rằng máy đánh bạc bị sự cố lỗi nên trò chơi vô hiệu
Phía bị đơn cho rằng máy đánh bạc bị sự cố lỗi nên trò chơi vô hiệu

Trước đó, ngay khi bản án sơ thẩm được tuyên, đại diện pháp lý của bị đơn đã bày tỏ sự thất vọng về bản án. Phía bị đơn đã mời các phóng viên đến Palazzo Club để “trải nghiệm” thực tế về các nội quy của câu lạc bộ, cách chơi và quy tắc trúng thưởng…

Luật sư Ngô Thanh Tùng (Công ty Luật TNHH quốc tế Việt Nam), đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng tòa đã có cái nhìn phiến diện, giản đơn trong vụ án này. Ông Ly Sam là nguyên đơn nên phải có nghĩa vụ chứng minh ông thắng cuộc trong trò chơi này nhưng nguyên đơn đã không làm được. Tài liệu, bằng chứng ông Sam trình trước tòa đủ nói rằng ông ấy không thắng. Trong khi đó, tòa buộc bị đơn phải chứng minh máy hỏng thì đó là cách nhìn sai của tòa án. Luật sư bị đơn cho rằng, tòa phải yêu cầu ông Ly Sam chứng minh số tiền ông thắng trước khi bắt bị đơn chứng minh. Tòa phải hỏi nhà sản xuất về trường hợp máy số 13 như vậy là trúng thưởng hay không. Tòa không nắm kỹ thuật, không kinh nghiệm. Thẩm phán không có kiến thức về bài bạc vì vậy cần phải có ý kiến nhà sản xuất, nhờ cơ quan giám định độc lập… trước khi tuyên án.

Phía bị đơn cho biết, không chỉ kháng cáo toàn bộ bản án mà còn đề nghị tòa phúc thẩm triệu tập đại diện Bộ Tài chính, nhà sản xuất máy, cơ quan giám định độc lập để xét xử khách quan.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Liên doanh Đại Dương được cấp giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại Palazzo Club (khách sạn Sheraton, 88 Đồng Khởi, Q.1). Đêm 25/10/2009, ông Ly Sam, một thành viên VIP 5 năm liền của câu lạc bộ Palazzo đã đến chơi trò Landlord. Ly Sam chọn chơi ở máy số 13. Sau những lượt thua, bất ngờ ông Ly Sam nhận được thông báo hiển thị ngay trước màn hình là ông đã trúng số tiền hơn 55,5 triệu USD. Tuy nhiên, phía công ty Liên doanh Đại Dương đã từ chối chi trả khoản tiền trúng thưởng này vì lý do máy bị sự cố lỗi nên trò chơi vô hiệu. Không chấp nhận những giải thích của phía Công ty liên doanh Đại Dương, ông Ly Sam đã khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi cho mình.
 
Ông Ly Sam mới đặt được một tay lên số tiền 55 triệu USD
Ông Ly Sam mới đặt được một tay lên số tiền 55 triệu USD

Trong quá trình xét xử và bản án đều lập luận, sau khi có tranh chấp, phía bị đơn tự động gửi máy và bo mạch đi giám định mà không thông qua ý kiến của ông Ly Sam là thiếu khách quan. Đoạn camera trình chiếu trước tòa, không chứng minh được ông Ly Sam dùng tay đập mạnh vào màn hình như phía bị đơn “cáo buộc”…

Từ những lập luận trên, bản án sơ thẩm đã đi đến kết luận là chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn trả ngay 55,5 triệu USD và thanh toán bằng tiền Việt Nam hơn 1.154 tỷ đồng. Về khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản tương ứng với số tiền và thời gian mà phía công ty Liên doanh Đại Dương chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật từ ngày 25/10/2009 đến thời điểm xét xử sơ thẩm (28/12/2012) mà phía nguyên đơn yêu cầu, tòa sơ thẩm hướng dẫn phía nguyên đơn kiện thành một vụ án khác. Lý do là vì nguyên đơn chưa nộp tiền tạm ứng án phí cho phần yêu cầu đòi bồi thường khoản tiền lãi nên không được xem xét trong phiên tòa đòi trả tiền trúng thưởng này. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là đình chỉ từ 3 tháng đến 1 năm điều kiện kinh doanh trò chơi có thưởng của Công ty Liên doanh Đại Dương vì yêu cầu này không thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền, quyền hạn của tòa nên không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án. Tòa sơ thẩm buộc bên thua kiện là công ty Liên doanh Đại Dương phải chịu mức án phí sơ thẩm hơn 1,1 tỷ đồng.

Công Quang

Vụ trúng số độc đắc: Mua ngay Airblade cho con đi bán vé số

Con trai bán vé số, mẹ và bà ngoại trúng số bạc tỷ. Đó là niềm vui của gia đình nghèo khó nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, đang nợ chồng nợ chất này.

Anh Hứa Hoàng Hôn người bán 5 trong 7 tờ vé số đặc biệt.

Người bán vé số mang lại may mắn cho cả gia đình là anh Hứa Hoàng Hôn (31 tuổi, trú tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ), là người có thâm niên bán vé số hơn 10 năm qua tại khu vực chợ Cái Răng. Anh Hôn là người rất đáng thương, bị thiểu năng trí tuệ từ lúc tấm bé.

Gặp người bán 5 tờ số đặc biệt

Chiều 18/1, anh Hôn đã bán một lốc vé số hết sức may mắn cho 5 người trúng giải độc đắc, mệnh giá 1,5 tỷ đồng/1 tờ.

Trong đó, mẹ ruột anh trúng 1 tờ, bà ngoại trúng 1 tờ và 2 người khác trúng 3 tờ. Những người trúng thưởng đều trú tại quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.

Ngoài ra, còn 2 người khác cũng trúng 2 tờ trong lốc vé số có 7 tờ độc đắc mở thưởng ngày 18/1 của Xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long.

Sau "sự kiện lớn"' này, tại khu vực chợ Cái Răng, "nhất cử, nhất động" của anh Hôn đều được người dân quan tâm. Bởi, anh là người mang lại may mắn cho gia đình mình và nhiều người khác với số tiền hàng tỷ đồng.

Anh Hôn kể lại: “Chiều 18/1, khi bán hết xấp vé số, tôi đến đại lý mua vé số Triều Phát để xem đài quay số. Khi biết lốc số mình bán trúng giải độc đắc, tôi chạy một mạch về nhà báo cho mẹ, bà ngoại và mấy người mua. Ai cũng vui mừng”.

Khi mua vé số, những người sau này trúng độc đắc đều bảo với anh Hôn: “Nếu trúng giải đặc biệt, tao cho mày 10 triệu đồng…”. Theo anh Hôn, từ hôm biết tintrúng số đến này, có một người trúng 2 tờ đã cho anh 10 triệu đồng và một người cho 1 triệu đồng.

Người trúng 2 tờ vé số do anh Hôn bán là anh D. và chị M., bán gas, cùng trú tại phường Lê Bình, Q.Cái Răng. Mặc dù gia đình có 2 người trúng số đặc biệt, nhưng anh Hôn vẫn miệt mài làm việc, tiếp tục bán vé số, phụ làm thêm tại quán bún ở góc chợ như anh đã làm gần 7 năm qua.

Nhiều người vui vì được phát quà từ thiện từ gia đình ông Hương.

Trả hết nợ, cả nhà "quên ăn, quên ngủ"

Con trai bán vé số, mẹ và bà ngoại trúng số bạc tỷ. Đó là niềm vui của gia đình nghèo khó nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, đang nợ chồng nợ chất này.

Chúng tôi tìm đến nhà gặp bố mẹ anh Hôn là ông Hứa Huệ Hương (SN 1963, trú tại phường Lê Bình) và bà Tô Thị Yến Phượng (SN 1965) trúng 1 tờ vé số đặc biệt. Bà Phượng là người bán thịt heo tại chợ Cái Răng. Được khách hỏi về cái tên như con gái, bố Hôn bảo: “Lúc trước cha mẹ thích con gái nên đặt tên con thế”.

Tay bắt mặt mừng, ông Hương kể, vừa dùng tiền vé số "mua một con xe" Air blade mới cóng gần 45 triệu đồng về cho con trai.

Ông nhớ lại lúc vợ báo tin trúng số đặc biệt: “Buổi chiều, nghe vợ gọi điện nói lắp bắp không thành tiếng, một lúc sau mới rõ: ‘Em trúng số độc đắc rồi anh ơi…’. Tôi cũng bủn rủn chân tay, không tin vào tai mình. Mừng vui khôn tả, có tiền để trả nợ gần 100 triệu nhiều năm qua làm ăn không trả nổi” – anh Hương nói.

Ông Hương còn cho biết, gia đình nghèo túng suốt nhiều năm qua. Vợ bán thịt heo ngoài chợ, ông Hương và em trai Hôn hàng ngày thu mua ve chai, chở thịt heo tại lò mổ ở phường Bá Láng đến giao hàng tại chợ Cái Răng và một số chợ lân cận.

“Gia đình chỉ bán thịt heo chứ không làm thịt. Bởi trước khi ông bà đang sống có dặn: “Con có nghèo đến mấy cũng không được làm nghề giết mổ” – ông Hương nhớ lại.

Từ khi nhận được được khoản tiền hơn 1 tỷ đồng, vợ chồng, con cái ông gia đình ông Hương không thể diễn tả hết niềm vui ấy: “Cầm số tài khoản tiền trong tay, tui không thể tin được vào mắt mình. Vợ chồng quên ăn, quên ngủ vì vui quá”.

Ông Hứa Huệ Hương vui trước con xe mới cóng tậu về cho con trai.

Trúng số đi làm từ thiện

Sau khi nhận được khoản tiền tỷ từ tấm vé số đặc biệt, gia đình ông Hương đã mua gạo, thịt và phát tâm làm từ thiện. Ngày 19/1, gia đình đã mua hơn 1 tấn gạo, 130 kg thịt heo mang về nhà chia nhỏ thịt, gạo phát miễn phí cho tất cả những người già, người bán vé số nghèo khổ, trẻ em lang thang ở khu vực quận Cái Răng.

Ngoài ra, khi đi trên đường, bắt gặp bất kỳ ai là trẻ em ăn xin, người già,…ông Hương và bà Phượng đều rút tiền ra cho từ 100 đến 200 ngàn đồng. Ông Hương cho biết trước việc làm của mình: “Lúc khó khăn ai cũng cần được giúp đỡ, giờ có cái "lộc trời ban" thì mình chia sẻ cho mỗi người nghèo một ít. Dù là ít, nhưng làm việc thiện để tích đức là chuyện lâu nay gia đình thường làm”.

Theo dự định, sắp tới gia đình ông Hương sẽ tiếp tục trích ra một khoản tiền để làmtừ thiện tại các ngôi chùa, đền tại khu vực quận Cái Răng. Rời nhà ông Hương, chúng tôi tiếp tục tìm đến những gia đình trúng số đặc biệt khác. Tuy nhiên, họ đều từ chối nói chuyện và tỏ thái độ "khó chịu" khi tiếp xúc báo chí.

Theo Dân Trí