Một em bé 16 tháng tuổi, người Rohingya, Miến Điện, nằm chết bên bờ sông Naf

Báo chí thế giới phát hành hôm 05.01 vừa qua đã đăng tải hình ảnh một bé 16 tháng tuổi, người Rohingya, Miến Điện, nằm chết bên bờ con sông Naf. Bé tên là Mohammed Shohayet, chết đuối trên đường chạy trốn định mệnh thê thảm của dân tộc bé, dân tộc Rohingya Hồi giáo.

Một em bé 16 tháng tuổi, người Rohingya, Miến Điện, nằm chết bên bờ sông Naf

Báo chí thế giới phát hành hôm 05.01 vừa qua đã đăng tải hình ảnh một bé 16 tháng tuổi, người Rohingya, Miến Điện, nằm chết bên bờ con sông Naf. Bé tên là Mohammed Shohayet, chết đuối trên đường chạy trốn định mệnh thê thảm của dân tộc bé, dân tộc Rohingya Hồi giáo, chỉ có khoảng 1 triệu người nằm giữa đất nước Myanmar rộng lớn hầu như toàn tòng phật giáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài CNN, bố của bé ông Zafor Allam cho biết ông cùng với trọn gia đình dắt dìu nhau chạy trốn khi làng của ông bị trực thăng quân đội tấn công, xả súng bắn xối xả rồi đến lượt bộ binh xung phong vào làng. 

Ông kể: chúng tôi không thể ở lại trong làng. Ai ở lại thì bị lính giết chết rồi đốt bỏ, như là ông bà của tôi đã bị giết. Tôi và gia đình đã chạy qua bao làng mạc, qua bao nhiêu khu rừng cho đến ven sông Naf. Bên kia sông là trại tiếp đón Leda ở Ternaf, trên lãnh thổ Bengal. Chúng tôi đang lên thuyền sang bên kia sông, thì cảnh sát ập tới nổ súng bắn chúng tôi. Mọi người nhốn nháo hoảng sợ, khiến thuyền lật nhào. Ai không biết bơi, bị cuốn theo dòng nước xoáy và rồi xác tấp vào bãi bùn ở hạ lưu dưới xa. Đó là những gì xảy ra cho con trai tôi mới 16 tháng tuổi. 

Dân tộc Rohingya là một dân tộc thiểu số, chỉ gồm khoảng 1 triệu người theo hồi giáo sống giữa đất nước Myanmar hay còn gọi là Miến Điện. Họ sinh sống từ nhiều đời nay tại bang Rakhine, cực tây nước này, nhưng vẫn bị chính quyền địa phương xem như là một nhóm nhập cư bất hợp pháp và bị truy nã bách hại. 

Từ nhiều năm nay, các hiệp hội bảo vệ nhân quyền như Ân xá quốc tế và Quan sát quyền con người cố gắng vén mở bức màn che phủ thảm kịch của dân tộc Rohingya, nhưng xem ra không đạt được thành quả nào. Thế giới hy vọng nhiều từ khi bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bầu cử và lên nắm chính quyền Myanmar hiện nay. Thế nhưng các cuộc tàn sát bừa bãi, oanh kích các làng mạc và truy nã người Rohingya vẫn tiếp tục, thúc đẩy họ tìm cách trốn chạy sang các nước lân cận. 

Cho đến nay, khi được hỏi về vấn đề này, chính quyền Myanmar chỉ có một câu trả lời bất di bất dịch “Đây là điều bịa đặt, là chuyện tuyên truyền”. Mới đây nhất, trên 10 nhân vật được giải Nobel hòa bình, đã đồng ký một bức thư gửi bà Aung San Suu Kyi, người cũng đã được nhận giải Nobel hòa bình, để yêu cầu bà làm một điều gì đó hầu thể hiện ý muốn chấm dứt cuộc bách hại người Rohingya. Nhưng bà San Suu Kyi, trước đây được toàn thế giới xem như người đi tiên phong trong lãnh vực bảo vệ nhân quyền, hình như hoàn toàn dửng dưng với vấn đề này. Bà giới hạn trong việc định nghĩa những tin tức về cuộc diệt chủng người Rohingya là những đồn thổi quá độ của các phương tiện truyền thông Tây Phương. 

Hình ảnh thi hài chú bé Mohammed nằm sấp mặt chết trên bãi bùn sao quá giống với hình ảnh một chú bé khác tên là Aylan chết trên bờ biển ven bờ Địa Trung Hải hồi tháng 9 năm 2015, khi cùng với cha mẹ trốn chạy chiến tranh Siria. Hồi đó hình ảnh bé Aylan nằm chết trên bờ biển đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ cảm thương. 

Mọi người đồng thanh tuyên bố sẽ không bao giờ để cho những thảm kịch tương tự xảy ra nữa. Thế mà trong những tháng sau đó cho đến cả ngày nay nữa, bao nhiêu trẻ em vẫn còn bỏ xác dưới bom đạn chiến tranh ở Siria, Yemen và nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Thảm kịch các thánh anh hài sẽ còn kéo dài cho đến bao giờ? 

(Mai Anh tổng Hợp Báo Chí 05.01.2017/ RadioVaticana 09.01.2017)