Chiến thắng của Trump và tương lai chính trị Mỹ

...Vẫn còn phải chờ xem nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ ra sao. Trong khi giai đoạn chuyển tiếp đang diễn ra và nhiều quyết định bổ nhiệm sẽ được đưa ra để hoàn thành những chức vụ quan trọng của chính phủ, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Chiến thắng của Trump và tương lai chính trị Mỹ

Bất ngờ và ngạc nhiên là phản ứng dễ thấy nhất trước kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ. Về mặt thực tiễn, tất cả các chuyên gia đều sai lầm khi dự đoán Hillary Clinton sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.

Tại sao các kết quả thống kê và các học giả lại sai lầm? Tại sao Donald Trump giành chiến thắng? Điều đó có ý nghĩa gì với tương tai của chính trị Mỹ? Tổng thống Trump sẽ tạo nên điều gì khác biệt? Vai trò của Giáo hội tại Mỹ sẽ ra sao trong bốn năm tới? 

Tại sao các kết quả điều tra và các học giả sai lầm?

Thực sự mà nói các điều tra quốc gia không sai. Hillary Clinton đã chiến thắng số phiếu phổ thông. Chiến thắng đó sít sao hơn phần lớn các cuộc điều tra có thể dự đoán nhưng kết quả cuộc bầu cử nằm trong biên độ sai số của cuộc điều tra. 

Các nhà điều tra chỉ khảo sát một mẫu dân số nên không thể lúc nào cũng đạt được sự chính xác hoàn hảo. Thường thường có biên độ sai số trong một vài phần trăm, khoảng 2 đến 3%. Biên độ sai số là chỉ số cho thấy mức độ sai lệch lớn nhất có thể trong kết quả thu được dựa trên các mẫu điều tra so với kết quả của toàn thể đối tượng điều tra. 

Tùy vào cách tập hợp các kết quả điều tra, sai khác giữa kết quả bầu cử và tập hợp các kết quả điều tra là 1,2 hoăc 3%, nằm trong biên độ sai số. Theo Nate Silver, một nhà phân tích số học nổi tiếng nhất tại Mỹ, các kết quả điều tra cũng đạt đến mức độ chính xác như tại cuộc tranh cử của ông Obama bốn năm trước, chỉ có điều ông Obama giành chiến thắng lớn hơn dự đoán. 

Mọi người quên rằng các cuộc bầu cử tổng thống từ năm 2000 đều là những cuộc chạy đua sít sao. Trong cuộc bầu cử năm đó, ứng cử viên Dân chủ, Al Gore, đã chiến thắng số phiếu phổ thông nhưng thua trong bầu cử của cử tri đoàn, giống như Clinton đã thua cuộc vừa rồi. 

Trong hầu hết các nền dân chủ khác trên thế giới, Gore và Clinton có lẽ đã trở thành tổng thống tân cử, nhưng tại Hoa Kỳ, số phiếu phổ thông không quan trọng mà là số phiếu của cử tri đoàn. Số phiếu cử tri đoàn của mỗi bang phụ thuộc vào sự hiện diện của bang đó tại Lưỡng viện – hai thượng nghị sĩ cho mỗi bang cùng với số đại diện theo tỉ lệ dân số tại Hạ viện. 

Trừ hai bang nhỏ, tất cả số phiếu cử tri đoàn của mỗi bang được dành cho ứng viên thắng số phiếu phổ thông tại bang đó. Đó là lý do mà cuộc bầu cử năm 2000 được quyết định bởi một số không lớn phiếu phổ thông tại Florida. 

Trong khi các cuộc điều tra toàn quốc nói chung có kết quả chính xác, các cuộc điều tra tại các bang không đạt được mức độ như thế. Chẳng hạn, như các cuộc điều tra tại Wisconsin chưa bao giờ cho thấy Trump dẫn đầu cuộc tranh cử nhưng thực tế ông ta đã giành chiến thắng tại bang này. Hầu hết kết quả điều tra tại các bang Florida, North Carolina, Pennsylvania và Michigan đều quá sít sao để có thể dự đoán. Trong những tuần ngay trước ngày bầu cử, kết quả điều tra tại những bang này càng sít sao hơn và cơ hội để Trump giành chiến thắng chỉ nằm trong biên độ sai số, tuy nhiên, để giành chiến thắng, ông phải giành chiến thắng tại tất cả các bang này. Không ai nghĩ rằng ông ta sẽ làm được điều đó. 

Trong khi kết quả điều tra rất sít sao, các chuyên gia lại không thể tưởng tượng ra viễn cảnh Trump giành chiến thắng. Suốt năm qua họ đã đánh giá thấp ông. Mỗi tuần trong kì tranh cử sơ bộ, họ đều đưa ra dự đoán về sự nghiệp chính trị chết yểu của ông, nhưng ông đã trở thành ứng viên của Đảng Cộng hòa. Đó hoàn toàn là do sự ngạo mạn của các chuyên gia. 

Nate Silver thừa nhận rằng những dự đoán của mình sai lầm trong các đợt tranh cử sơ bộ là do mình đã suy nghĩ giống như các chuyên gia hơn là các nhân viên thống kê và không tin rằng Trump có thể chiến thắng. Trong đợt tranh cử toàn quốc, ông đã thay đổi suy nghĩ và do đó bị chỉ trích vì chỉ cho rằng Clinton có 71% cơ hội chiến thắng, có nghĩa là Trump có tỉ lệ chiến thắng là 1:3. Bất kì tay cá cược nào cũng có thể nói rằng 71% cơ hội chiến thắng không thể chắc chắn điều gì. 

Một số bên khác đưa ra khả năng Clinton giành chiến thắng là 85% (New York Times), 89% (Predict Wise), 92% (DailyKos), 98% (Huffington Post) và gần 99% (Princeton Election Consortium). Các trang cá cược đặt tỉ lệ chiến thắng 18% dành cho Trump trong đêm trước ngày bầu cử. 

Mark Gray tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Vận động Tranh cử tại Đại học Georgetown nói rằng: “The New York Times, The Huffington Post— cũng như tất cả các hãng tin nghĩ rằng họ có cách để dự đoán kết quả bầu cử – đều sai lầm. Họ sẽ đổ lỗi cho các kết quả điều tra, nhưng các kết quả đó đều không cho thấy khả năng thắng đến 98%. Đó không phải là cách hiểu có thể rút ra từ kết quả điều tra. Các điều tra dựa trên những giả thiết và biến chúng thành điều mà tôi gọi là những khao khát”.

Một trong những giả thiết chính trong các cuộc điều tra là đám đông. Hầu hết các chuyên gia đánh giá quá cao đám đông của những người ủng hộ đảng Dân chủ và đánh giá thấp những người ủng hộ Trump. Điều này dẫn tới câu hỏi thứ hai sau đây. 

Tại sao ông Trump giành chiến thắng?

Điều đầu tiên cần nhận thức được là bà Clinton phải đối diện với một rào cản lớn trong cuộc tranh cử tổng thống của mình. Trong lịch sử, các đảng chính trị tại Hoa Kì thường chỉ nắm quyền tại Nhà Trắng một hoặc hai nhiệm kì trước khi đảng khác giành chiến thắng. Chỉ có một ngoại lệ hiếm hoi trong cuộc bầu cử năm 1988 khi ông George H. W. Bush kế nhiệm Ronald Reagan. 

Lịch sử chống lại bà Clinton. Không có một cơ sở là nền kinh tế quốc gia mạnh mẽ, rất khó cho bà Clinton có thể đảo ngược xu hướng lựa chọn sự thay đổi của các cử tri muốn thấy sự thay đổi. Mặc dù nền kinh tế đã cải thiện rất nhiều so với thời điểm tám năm về trước, tốc độ cải thiện vẫn ở mức thấp và dân chúng không hài lòng. Thông điệp bà đưa ra vẫn là những điều đã có từ trước trong khi ông Trump là ứng viên đưa ra thông điệp về sự thay đổi. 

Trong một nền kinh tế đang trên đà hồi phục, một số người sẽ giàu lên trong khi rất nhiều người khác không được như vậy. Đặc biệt, những người bị loại ra bên lề của sự hồi phục là những người có trình độ giáo dục thấp hơn, những công nhân và người dân tại các vùng nông thôn. Rất nhiều công nhân đã bầu cho ông Barack Obama nhưng rồi họ thấy cuộc sống của mình không được cải thiện. Họ nhớ về những ngày tươi đẹp trong quá khứ khi một công nhân có thể kiếm đủ cho cuộc sống trung lưu của mình. Họ cũng lo lắng về tương lai của con cái của mình, lo rằng chúng sẽ không có điều kiện kinh tế tốt như họ từng có. 

Những người này cảm thấy bị cả hai đảng bỏ rơi và phản bội. Họ rất cởi mở với những ứng viên như Bernie Sanders và Donald Trump, những người giúp họ bày tỏ sự giận dữ của mình đối với các nhà đầu tư, nhà ngân hàng và các chính trị gia đã phớt lờ mối quan tâm của họ. 

Cả Sanders và Trump đều đổ lỗi cho toàn cầu hóa và tự do thương mại về sự sụt giảm việc làm. Dần dần Clinton cũng có thái độ tương tự với các áp lực chính trị. Các nhà kinh tế học, các chuyên gia tại Washington và các chính trị gia của cả hai đảng đều ủng hộ tự do thương mại. Nhưng họ chẳng làm gì cho những công nhân Mỹ đánh mất việc làm vào tay Mexico và Trung Quốc hoặc tiến trình cơ giới hóa tại các công xưởng mà đây lại là những điều mà các nhà kinh tế học cho rằng có tác động làm suy giảm việc làm hơn cả toàn cầu hóa. 

Dù tồn tại lí do gì dẫn đến tình trạng việc làm suy giảm, trong mọi cuộc tranh cử, các đảng đều hứa sẽ giúp các công nhân tại vùng thượng Trung Tây (một vùng trải rộng từ thượng Đông Bắc Hoa Kỳ, hồ Lớn và các bang Trung Tây – thuật ngữ này có thể hiểu là những nơi chứng kiến sự suy giảm của nền kinh tế, dân số cũng như các đô thị suy tàn do sự suy giảm của khu vực công nghiệp vốn một thời phát triển mạnh mẽ tại đây). Tuy nhiên không có gì được cải thiện. Họ cảm thấy bị phản bội và không được tôn trọng. Họ bị thu hút bởi những ứng viên như Donald Trump, người giúp họ bày tỏ sự giận dữ của mình. 

Trump có lối nói dễ hiểu đối với họ. Ông ta nói lỗ mãng, nói toạc móng heo, nói ngoa dụ và lên án kiểu cách chính trị chỉn chu. Ông có thể dễ dàng hòa mình vào bất cứ quán bar hay các tụ điểm nào trong các khu phố. Ông ta học được lối sống đó từ những công nhân xây các tòa nhà của cha mình. Trong khi dân chúng không đến được các khách sạn trên cao của ông ta, họ đi đến các sòng bài và sàn đấu cũng như xem các chương trình truyền hình của ông ta. Trump thực sự biết cách kết nối với họ. 

Các nhà chuyên môn đã bất ngờ khi một nhà tỉ phú tại New York trở thành tiếng nói đại diện cho những người Mỹ công nhân và ở các khu vực nông thôn. Trên thực tế, những người đó căm ghét những người có chuyên môn hơn là những người giàu có. Họ hiếm khi tiếp xúc với những người giàu như Donald Trump nhưng họ lại thường xuyên phải tiếp xúc với những người có chuyên môn – những người không ngớt bảo họ phải làm điều này hay không được làm điều kia. Bác sĩ bảo họ có thể ăn gì và không thể ăn gì. Nhà giáo chỉ cho họ cách nuôi dạy con mình. Các luật sư quấy nhiễu họ vì lý do này lí do khác. Hollywood và giới truyền thông lấy tôn giáo và những giá trị họ tôn thờ ra làm trò đùa. Tất cả những chuyên gia đó nghĩ rằng mình biết điều gì là tốt nhất cho dân chúng. Dân chúng thì chán ngấy với những kẻ tự phụ cho rằng mình biết tất cả như vậy. 

Các chuyên gia đã đánh giá thấp sự nhiệt tình của những người ủng hộ Trump. Mark Gray nhớ lại có lần ông lái xe qua Pennsylvania vài tháng trước ngày bầu cử. Khắp nơi là những biển hiệu ủng hộ Trump mà không có cái nào của Clinton. “Đó là những vùng nông thôn, cứ cho là như vậy, nhưng tôi nghĩ nhiều người trong giới truyền thông không chịu đi đến đó và chứng kiến sức mạnh của họ. Tôi nghĩ ở Michigan và Winconsin cũng tương tự như vậy. Lá phiếu của khu vực nông thôn là điều mọi người không cần nghĩ tới. Chúng không được quan tâm một cách chính xác trong các cuộc điều tra”.

Những người ủng hộ Trump thường bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc. Chắc chắn có những người phân biệt chủng tộc trong đó, và chiến dịch tranh cử của ông không loại trừ họ. Chắc chắn rằng, luận điệu chống người nhập cư là nhắm đến nỗi lo sợ của “những người khác”. Nhưng khi mọi người đang lo lắng kiếm việc làm, không bất ngờ khi họ lo sợ một ai đó có thể trở thành đối thủ của mình trên thị trường việc làm. 

Đảng Dân Chủ đưa ra một chiến lược tham vọng bảo vệ cho người da đen, người Hispanic, cộng đồng LGBTQ và phụ nữ. Khi một người da trắng nghe những đảng viên Dân chủ trình bày lập luận này, họ nhìn thấy rằng mình sẽ bị tước đoạt việc làm và trao nó cho một trong những người thuộc các cộng đồng thiểu số này. Hoặc anh ta sợ rằng những người kia sẽ được ưu tiên trong công việc hay trường học hơn so với con cái của mình. Người nào lo cho anh ta và gia đình của anh ta, anh ta ủng hộ họ. Nếu anh ta nói ra điều đó, anh ta sẽ bị coi là phân biệt chủng tộc, dựa theo các tiêu chuẩn của chủ nghĩa tự do. 

Các đảng viên Cộng hòa đã khai thác nỗi sợ này ít nhất là từ thời Richard Nixon, nhưng họ cũng không làm lợi về kinh tế cho tầng lớp lao động là bao nhiêu so với lời hứa rằng việc làm sẽ được tạo ra nhờ cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu. Điều đó không có hiệu quả. Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ hứa hẹn mang lại sự đào tạo việc làm, dù chẳng bao giờ đầu tư xứng đáng, và bảo dân chúng di chuyển ra khỏi nơi sống cũ của mình để tìm kiếm việc làm ở những nơi mà họ còn không đủ khả năng chi trả tiền nhà. Không ngạc nhiên khi thấy tầng lớp lao động cứ chuyển từ ủng hộ đảng này sang ủng hộ đảng khác sau mỗi cuộc tranh cử. 

Không chỉ có những người ủng hộ Trump thiếu nhiệt tình, cả người ủng hộ Clinton cũng không đi bầu cho bà như mong đợi. 

Chẳng hạn, các chuyên gia đã dự đoán một số lượng lớn cử tri Hispanic sẽ trừng phạt Trump và các đảng viên Cộng hòa vì luận điệu chống người nhập cư của họ. Số lượng cử tri Hispanic đi bầu có tăng lên một chút, nhưng họ không trừng phạt Trump. Thực tế, họ bầu cho Trump (29%) nhiều hơn một chút so với Mitt Romney (27%) bốn năm trước. (Một số người Hispanic tham dự điều tra tin rằng kết quả nói trên là sai và người Hispanic bầu nhiều hơn cho bà Clinton, nhưng cuộc tranh luận đó nên để lại cho các nhà thống kê). 

Có thể thấy sự thay đổi thái độ của người Hispanic đã tăng lên từ bốn năm trước. Mọi người quên rằng quan điểm của cộng đồng người Hispanic không đồng nhất. Những người Mỹ gốc Cuba có xu hướng bầu cho đảng Cộng hòa. Là những người tị nạn hay con cháu những người tị nạn, họ được hưởng quy chế đặc biệt và không lo sợ bị trục xuất. Cũng vậy, những người gốc Puerto Rico là công dân Mỹ và không chịu sự trục xuất. Cộng đồng người gốc Cuba và Puerto Rico chiếm phần lớn dân Hispanic tại Floria. Rất nhiều người Hispanic khác là công dân từ lâu đời và không sợ bị trục xuất. 

Những người da đen cũng không đi bầu cho Clinton như đã bầu cho Obama. Thực sự họ có bầu cho Clinton, nhưng không đạt đến số lượng như mong đợi. Ví dụ, người da đen từ các thành phố như Philadelphia và Detroit không đủ đông để áp đảo số phiếu dành cho ông Trump tại các vùng nông thôn ở hai bang này. 

Cuối cùng, phụ nữ không bầu cho bà Clinton như đã dự đoán. Chỉ có 51% phụ nữ da trắng có bằng đại học bầu cho Clinton. Hầu hết phụ nữ tin rằng họ sẽ được chứng kiến một nữ tổng thống trong đời mình. Cho nên, họ không cảm thấy phải vội vàng bầu cho một người phụ nữ như những người Công giáo thấy cần phải bầu cho John Kennedy vào năm 1960 hay những người da đen bầu cho Obama vào năm 2008. Rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là thuộc đảng Cộng hòa và có trình độ giáo dục thấp hơn nói họ muốn có một nữ tổng thống, nhưng không phải Clinton. 

Trong khi đó, những người bảo thủ thuộc tôn giáo, như những người phái Phúc Âm da trắng, bầu cho Trump (81%) mạnh hơn là Romney (78%) vào năm 2008. 

Hầu hết các lãnh đạo phái Phúc Âm đều phản đối Trump trong các vòng sơ bộ và ủng hộ những ứng viên như thượng nghị sĩ Ted Cruz. Họ nghi ngờ sự thành thật của ông trong việc chuyển sang phe bảo vệ sự sống trong thời gian gần đây và lo ngại về cuộc ly dị cũng như các sòng bài của ông ta. Họ thấy rằng đối với Trump tôn giáo không phải là điều quan trọng. Nhưng tín đồ của họ quý mến Trump. Nên nhớ rằng các lãnh đạo phái Phúc Âm đã không thành công vào năm 2008 cũng như 2012. Họ là những tướng lãnh không có lính trong tay. Sau khi được đề cử, rất nhiều nhà lãnh đạo đó đã quay sang ủng hộ ông, chính trị trở nên quan trọng hơn thần học. 

Cuộc bầu cử thậm chí còn làm thay đổi quan điểm của tín đồ phái Phúc Âm về tầm quan trọng của đạo đức cá nhân trong chính trị. Trong thời tổng thống Bill Clinton, vụ lùm xùm về tính dục bị các tín đồ phái Phúc Âm coi là không xứng đáng với cương vị tổng thống. Khi Trump trở thành ứng cử viên, họ không còn cảm thấy như vậy nữa. Họ không tin lời những người chỉ trích ông ta về điều đó và sẵn sàng tha thứ cho bất kì lời nói hớ hênh nào của ông ta. 

Chiến thắng của Trump cũng là thất bại của chiến lược chính trị tham vọng của đảng Dân chủ khi định giành chiến thắng bằng việc sử dụng cơ sở dữ liệu cử tri. Chiến lược này cho rằng có thể đặt thông tin của tất cả ứng viên tiềm năng (người da đen, Hispanic, phụ nữ, LBGTQ và các cộng đồng thiểu số khác) vào một cơ sở dữ liệu và thường xuyên liên lạc với họ, như thế có thể khiến họ đi bầu cho đảng này. Chiến lược này xem ra hoạt động tốt đối với Obama và năm 2008 và 2012. 

Clinton cũng có hệ thống xử lý dữ liệu khổng lồ tại các bang chủ chốt. Trump không có nhưng ông lại chiến thắng. Điều này khiến Mark Gray đặt câu hỏi rằng liệu những cỗ máy hay là chính ứng cử viên đã mang lại phiếu bầu cho Obama. Máy móc không thể che đậy những khuyết điểm của Clinton trong tư cách một ứng cử viên. Trump không cần một cỗ máy như thế. Cử tri ủng hộ ông tự mình đi bầu cho ông. 

Chiến thắng của Trump có ý nghĩa gì đối với tương lai của nền chính trị Hoa Kỳ?

Nhìn bề ngoài, dường như chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sẽ giúp cho đảng này thực thi các mục tiêu của mình. Tuy nhiên Trump không phải là một người Cộng hòa kiểu mẫu. Ông chống lại những giá trị của đảng này và đưa ra quan điểm về thương mại, phố Wall, chi tiêu xây dựng và chương trình An sinh Xã hội bị các lãnh đạo đảng này chống đối. Ông ta không tập trung vào vấn đề hôn nhân đồng tính và phá thai trong chiến dịch tranh cử. Rất nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa chống đối ông ta ngay cả khi đã được đề cử làm ứng viên tổng thống, và thậm chí khi ông đã thắng cử, họ vẫn chống đối ông. 

Trong cương vị tổng thống, liệu Trump có hàn gắn sự rạn nứt với đảng Cộng hòa để làm việc với Lưỡng viện do đảng này kiểm soát để vượt qua quá trình lập pháp truyền thống dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa hay không? Cũng có thể. Chắc chắn họ sẽ đồng ý giảm thuế nhưng vẫn phải chờ xem cách họ xử lý nguy cơ thâm hụt ngân sách đến từ việc giảm thuế này. Mong muốn hủy bỏ chương trình Obamacare của họ chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối dân chúng trong một số vấn đề, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm cần thiết cho việc chi trả cho những bệnh nhân vốn đang được hưởng trợ cấp trước khi hủy bỏ chương trình đó. Vẫn phải chờ xem họ làm thế này để duy trì chính sách được lòng dân của mình trong khi tránh được những điều kiện không được dân chúng tán đồng, chẳng hạn như mọi người đều phải mua bảo hiểm. 

Dù trong trường hợp nào, trong bối cảnh đảng Cộng hòa kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện, họ khó có thể đổ lỗi cho đảng Dân chủ về các vấn đề của đất nước. Đảng Dân chủ sẽ quy trách nhiệm cho đảng Cộng hòa về bất kì vấn đề sai trái nào. Trump cũng có thêm vấn đề khi phải tìm cách xử lý xung đột lợi ích giữa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước của mình với việc thực hiện vai trò tổng thống. 

Trump cũng phải đối diện với một vấn đề chung mà các ứng viên đều gặp phải đó là tìm cách để thực hiện tất cả các lời hứa viễn vông mà ông đưa ra trong khi tranh cử. Ông Trump không phải là người theo đuổi lý tưởng như những người tự do theo đảng cộng hòa hay những người bảo thủ trong các tôn giáo. Ông có thể thay đổi quan điểm hoặc cam kết về vấn đề nào đó trong khi những người kia không thể làm như vậy. Ông ta đã bắt đầu quay lưng lại với một số lời hứa gây tranh luận như đưa Hillary Clinton vào tù hay trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép. 

Nhưng nếu ông ta thực hiện các lời hứa của mình, ông cũng chỉ làm theo kiểu một chính trị gia hứa trời hứa biển nhưng thực hiện chẳng đáng là bao. Nếu ông ta đánh mất uy tín với những người ủng hộ mình, có thể ông sẽ chẳng thể nào tại vị hết bốn năm. Mặt khác, vì mọi người đã đánh giá thấp Trump, nên cũng đừng mong đợi gì ở ông ta. 

Cũng có một câu hỏi được đặt ra là liệu những người ủng hộ ông có thực sự mong muốn ông thực hiện mọi điều mình nói. Một nhà quan sát chính trị lưu ý rằng những người ủng hộ Trump ủng hộ một cách nghiêm túc những gì ông nói nhưng không phải theo cách hiểu nghĩa đen, trong khi những người phản đối Trump hiểu những gì ông nói hoàn toàn theo nghĩa đen nhưng không quan tâm đến chúng một cách nghiêm túc. 

Nếu hiểu những gì Trump tuyên bố theo nghĩa đen, những người nhập cư trái phép sắp bị trục xuất, các quy định về môi trường sẽ bị phá hủy tận căn, tình trạng trái đất nóng lên sẽ bị phớt lờ, người Hồi giáo sẽ bị buộc phải chứng minh mình không phải là những phần tử khủng bố hay cảm tình viên khủng bố, các quốc gia trong NATO sẽ phải chịu chi phí quân sự nhiều hơn và các thỏa thuận thương mại sẽ phải trở nên có lợi cho Hoa Kỳ nhiều hơn. 

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ lo sợ rằng Trump sẽ đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh thương mại có thể làm suy giảm nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng khoa học Mỹ sợ rằng ông ta sẽ bỏ qua bất kì thực tế nào không phù hợp với quan điểm của mình. Các cơ quan an ninh Mỹ sợ rằng ông ta sẽ xa cách với các đồng minh và Putin sẽ kè kè bên cạnh Trump. Họ cũng sợ rằng những tuyên bố chống Hồi giáo của ông sẽ góp phần củng cố luận điệu của ISIS cho rằng có một cuộc chiến tranh nhắm đến thế giới Hồi giáo. 

Mặt khác, Trump tự hào mình là một nhà đàm phán và ký kết hợp đồng. Liệu ông ta và Putin có thể đàm phán về việc tiếp tục cắt giảm nhiều hơn nữa các vũ khí hạt nhân? Nên nhớ rằng, dưới thời Ronald Regan, Hoa Kỳ và Liên Xô đã ký kết hai hiệp ước cắt giảm vũ khí quan trọng, Hiệp ước Xô-Mỹ về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tên lửa tầm ngắn INF (1987) và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược START 1 (1991). Liệu Trump và Putin có giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Syria? Liệu họ có thể mang lại sự dịu bớt cho những căng thẳng tại châu Âu? 

Tuy nhiên trừ khi tình hình kinh tế được cải thiện đáng kể, không có nhiều cơ hội cho đảng Cộng hòa nắm giữ Nhà Trắng lâu dài. Các nghiên cứu nhân khẩu học cho thấy nước Mỹ đang ngày càng trở nên đa dạng hơn và có ít người da trắng hơn không chỉ do tác động từ số người nhập cư nhưng còn bởi các cộng đồng thiểu số sinh nhiều con hơn người da trắng. Thêm vào đó, người trẻ đang trở nên bao dung hơn bố mẹ của mình. Các bang có truyền thống ủng hộ đảng cộng hòa hiện đang bỏ phiếu cho đảng cộng hòa có thể có những lá phiếu ủng hộ cho đảng dân chủ. 

Mặc dù tương lai của đảng Dân chủ tại Nhà Trắng có vẻ tươi sáng, nhưng tại Hạ viện thì vẫn ảm đạm. Vấn đề là hầu hết các đảng viên Dân chủ đều cư trú tại hai bờ đại dương và các khu vực đô thị, do đó, lá phiếu của họ không có giá trị. Trong khi đó, ở phần còn lại rộng lớn hơn của đất nước, lá phiếu của các cử tri nông thôn vẫn chiếm ưu thế. Nước Mỹ sẽ tiếp tục bị chia cắt bởi những lằn ranh đảng phái cao độ. Sự bế tắc tại Washington sẽ vẫn tiếp diễn nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát. 

Vai trò của Giáo hội trong những năm tới sẽ ra sao?

Sẽ rất thú vị khi theo dõi vai trò của các giám mục Mỹ trong những năm sắp tới. Giáo hội Công giáo Mỹ là một số ít những cơ chế toàn quốc có số tổng số thành viên gần bằng tổng số đảng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ bao gồm người Hispanic, da trắng, da đen, cũng như những thành viên đến từ mọi tầng lớp giáo dục và kinh tế. Do đó giáo hội sẽ có thể hòa giải và hàn gắn quốc gia chia rẽ này. Khi viếng thăm Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích các giám mục đối thoại với xã hội và tránh ngôn ngữ thô bạo và gây chia rẽ. Tuy nhiên rất nhiều người dân chủ tin rằng các giám mục đã ủng hộ đảng cộng hòa trong những năm gần đây. 

Theo truyền thống, các giám mục Công giáo Mỹ sẽ không công khai ủng hộ các ứng viên hay đảng phái chính trị mặc dù một số vị đã gián tiếp có những cử chỉ bày tỏ sự ủng hộ đối với đảng Công hòa vì họ có lập trường chống đối phá thai và hôn nhân đồng tính. Cũng như đối với các nhà lãnh đạo phái Phúc Âm, Trump không phải là một ứng viên được họ ưu tiên nhất. Họ không tin tưởng sự thay đổi quan điểm của ông ra khỏi lập trường ủng hộ phá thai. Và họ cũng lo ngại luận điệu chống đối người nhập cư. Các giám mục nhận ra rằng tương lai của đạo Công giáo tại Hoa Kỳ nằm ở cộng đồng người Hispanic trong bối cảnh 54% người Công giáo ở đây (những người sinh từ năm 1982 trở đi) là người Hispanic hoặc Latino. 

Nhưng khi Trump trở thành người được đảng Cộng hòa đề cử, thái độ chống đối với lập trường của Clinton về vấn đề phá thai và quyền của người đồng tính đã khiến một số ít giám mục đưa ra những tuyên bố nói rằng nếu người Công giáo bầu cho người có lập trường ủng hộ phá thai, đó là điều sai trái. Các vị trích dẫn đoạn số 34 thư mục vụ “Lương tâm công dân của người tín hữu” (Forming Consciences for Faithful Citizenship) nói rằng: 

Một người công giáo không thể bầu cho một ứng cử viên ủng hộ một chính sách thúc đẩy một hành động hoàn toàn là tội ác như phá thai, cái chết êm dịu, trợ tử, cố tình đè nén người lao động hoặc người nghèo trong những điều kiện sống không xứng đáng với nhân phẩm, định nghĩa lại ý nghĩa của hôn nhân nhằm xâm phạm vào ý nghĩa quan trọng của hôn nhân hoặc hành vi phân biệt chủng tộc, trong trường hợp ý định của cử tri là nhằm ủng hộ lập trường đó”. 

Các vị từ chối thừa nhận rằng những tuyên bố như thế là để ủng hộ Trump, nhưng như thường lệ, họ lại trích dẫn tiếp đoạn số 35, nói rằng: 

Cũng có những khi một người Công giáo từ chối quan điểm không thể chấp nhận được của một ứng viên về những chính sách thúc đẩy tội ác cũng có thể có lý do để quyết định bầu cho ứng viên đó vì những lý do đạo đức khẩn thiết khác”. 

Rõ ràng, những giám mục này không nghĩ rằng có những lý do đạo đức khẩn thiết khác có thể vượt qua thực tế rằng Clinton ủng hộ phá thai. Theo điều tra của giới truyền thông, chỉ có hơn một nửa số người Công giáo (52%) bầu cho Trump. 

Tại cuộc họp thường niên của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ tại Baltimore sau cuộc bầu cử, các giám mục dường như ngạc nhiên và không có sự chuẩn bị trước chiến thắng của Trump giống như những người Mỹ khác. Hồng y Daniel DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston, tân chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nghĩ rằng các giám mục nên vui mừng với các quyết định bổ nhiệm hợp hiến của tân tổng thống. Các giám mục nghĩ rằng đảng Công hòa sẽ dễ tiếp nhận lập trường phản đối của họ đối với các chương trình của chính phủ ép buộc các cơ sở Công giáo phải thực hiện những điều đi ngược lại lương tâm, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức sinh học. 

Tuy nhiên các giám mục cũng gửi một lá thư kêu gọi tân tổng thống “tiếp tục bảo vệ phẩm giá vốn có của những người tị nạn và di dân”. Các giám mục cũng bầu Tổng Giám mục Jose Gomez của Los Angeles, một người nhập cư Mexicô, làm phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Chắc chắn ngài sẽ được bầu làm chủ tịch trong ba năm tới. Trong bối cảnh hai vị lãnh đạo hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đến từ California và Texas, hai bang có nhiều người nhập cư nhất, vấn đề nhập cư sẽ không bị các giám mục Hoa Kỳ bỏ rơi. 

Phản ứng quốc tế trước chiến thắng của Trump

Phản ứng quốc tế trước tin Trump trở thành Tổng thống đi theo nhiều chiều hướng. Các lãnh đạo tại châu Âu lo lắng về sự chỉ trích của ông đối với NATO và các hiệp định thương mại. Họ cũng lo ngại chiến thắng của ông sẽ tiếp sức cho cánh hữu, các đảng chống nhập cư tại châu Âu. Các quốc gia châu Á lo ngại việc ông phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương, một hiệp định khuyến khích thương mại tự do nhiều hơn giữa các nước này với Hoa Kỳ. Hiện nay Trung Quốc đanh rình rập để trở thành nhà lãnh đạo thế giới về tự do thương mại. 

Thái độ chỉ trích của các chính phủ đối với việc Trump trở thành tổng thống sẽ giảm bớt nếu họ có thể chung tay trong việc chống khủng bố và trở thành những đối tác thương mại. Việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền có lẽ sẽ trở thành những ưu tiên cao hơn dưới thời Tổng thống Clinton hơn là thời Tổng thống Trump. 

Vẫn còn phải chờ xem nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ ra sao. Trong khi giai đoạn chuyển tiếp đang diễn ra và nhiều quyết định bổ nhiệm sẽ được đưa ra để hoàn thành những chức vụ quan trọng của chính phủ, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trump có thể sẽ tập trung vào việc đưa những tuyên bố chung cũng như những viễn cảnh to lớn trong khi các cộng sự của ông xử lý các công việc hành chính. Rất nhiều người trong đảng Cộng hòa tin rằng họ có thể kiểm soát Trump, và chắc chắn ông sẽ phụ thuộc vào những người góp phần thực thi công việc hành pháp của ông. Nhưng chưa có ai thắng cuộc khi đánh giá thấp Donald Trump. 

Thomas J. Reese

(P.B. chuyển ngữ, dcctvn.org 01.01.2017)