Tượng Đức Mẹ khóc tại California
Theo như các chứng nhân kể lại, một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria ở thành phố Fresno, California đã chảy những những giọt nước mắt kì diệu.
Gia đình sở hữu bức tượng nói rằng Mẹ đã khóc và điều này vẫn đang tiếp diễn từ khoảng một năm rưỡi nay.
Theo các chứng nhân cho biết có những giọt nước mắt xuất hiện ở bên khóe mắt phải của Mẹ Maria và chảy xuống gương mặt của Mẹ. Bà Maria Cardenas, chủ sở hữu của bức tượng, đặt một chiếc ly dưới cằm bức tượng để hứng những giọt nước mắt kì diệu đã chảy ra và chia sẻ với những người đến để chứng kiến việc này.
Bức tượng được tặng cho bà nhân Ngày Của Mẹ cách đây 10 năm trước, bà nói với đài tin tức địa phương ABC30 Action News. Tuy nhiên, bức tượng bắt đầu rơi nước mắt từ khi hai người anh em họ của bà bị sát hại.
Mặc dù gia đình không công bố về nơi họ sống, họ đã mời nhiều người đến nhà họ để chính những người này xem bức tượng khóc.
“Chúng tôi không che giấu Mẹ, nhưng đồng thời, chúng tôi không muốn bất cứ điều gì xảy ra với Mẹ”, một người ẩn danh sau khi chiêm ngắm bức tượng Mẹ khóc nói với ABC30.
Các phóng viên đã ở lại để chứng kiến bức tượng khóc, và họ tường thuật rằng những giọt nước mắt là dầu, có mùi hương giống như hoa hồng, và chảy liên tục.
Vị chứng nhân cũng nói rằng một số linh mục đã đến chiêm ngắm bức tượng và cho rằng bức tượng là một phép lạ.
Trong một thông cáo, Đức Giám Mục Armando Ochoa của Giáo Phận Fresno nói rằng ngài “chỉ mới biết” về bức tượng xuất hiện những phép lạ này.
Đức cha Ochoa nói: “Vẫn chưa biết có ai đưa tin tức này trên truyền hình, vì cho đến nay tại Giáo Phận chưa có linh mục nào báo cáo về vấn đề này cho Văn Phòng Tòa Giám Mục cả”.
Giáo phận sẽ liên lạc riêng với gia đình để đưa ra sự hướng dẫn mang tính mục vụ khi nói đến hiện tượng lạ này, ngài nói thêm.
Mức độ nhận biết cao nhất mà Giáo Hội công nhận đối với một phép lạ đó là “phép lạ là điều đáng phải tin”. Những cuộc điều tra báo cáo về các phép lạ (điều mà, trong trường hợp của các bức tượng khóc, chính thức bao gồm xét nghiệm DNA những giọt nước mắt, trong số những điều khác nữa) sẽ cho kết quả phủ nhận nếu biến cố được cho là có sự gian lận hoặc thiếu tính cách siêu nhiên.
Còn không, Giáo Hội có thể tuyên bố rằng không có gì trái với niềm tin trước hiện tượng được cho là phép lạ – nhưng không đưa ra quyết định về việc có tính hiện diện siêu nhiên hay không.
Micheal O’Neill, người đặc biệt nghiên cứu về các phép lạ Công Giáo nói: “Giáo Hội Công Giáo rất cẩn trọng với những vấn đề phép lạ và sử dụng khoa học để có thể để loại trừ những vụ lừa đảo hoặc những giải thích không có chiều kích siêu nhiên”.
Trong một email gởi cho CNA, ông O’Neill nói thêm rằng: “Nước mắt thu thập được và kiểm tra để xem liệu là nó có phải là của con người hay không (như mỡ heo được thấy trong những trường hợp giả mạo) và bức tượng có thể cần được chụp tia X-quang để xem có một cơ chế bên trong nào dùng để tạo ra dòng chảy nước mắt cách lừa đảo hay không”.
“Một số bức tượng khóc đã được cho thấy là có những yếu tố tự nhiên – có sự ngưng tụ nước và rò rỉ nước trong sau tượng. Trong một vài trường hợp hiếm hoi có cả những giọt nước mắt đã tìm thấy mà không thể giải thích được và đáng tin đó là phép lạ”.
Đã có nhiều trường hợp tuyên bố về những bức tượng khóc hoặc tượng Mẹ Maria và các thánh khác trong lịch sử, với một vài trường hợp trong số đó đã được Giáo Hội chuẩn nhận là đáng tin.
Một trong những vụ điển hình nổi tiếng nhất và gần đây xảy ra ở Syracuse, Ý vào năm 1953. Một người phụ nữ Ý, Antonina Janusso, đã được chữa lành khỏi những cơn đau trong khi chứng kiến một bức tượng Đức Mẹ khóc ở nhà của bố mẹ chồng bà, ông Angelo.
Những giọt nước mắt được cho là nguồn của nhiều phép lạ trên khắp nước Ý. Vào năm 1954 trên đài phát thanh đã công bố về việc Bậc Đáng Kính Piô XII đã chuẩn nhận một phép lạ về một bức tượng khóc sau khi những giọt nước mắt được bốn bác sĩ xác định đó là nước mắt của con người.
Một trường hợp khác gây tranh cãi nhiều hơn vào những năm 1970 và đầu những năm 1980 ở Akita, Nhật Bản, nơi Nữ Tu Agnes Sasagawa của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể đã tuyên bố là đã nhận được 101 những chứng từ về một bức tượng Mẹ Maria bằng gỗ chảy máu và khóc.
Những cuộc xét nghiệm từ phía các bác sĩ Kitô Giáo cũng như ngoài Kitô Giáo đã cho thấy máu trên bức tượng thuộc nhóm B và mồ hôi và nước mắt nhóm AB. Những tuyên bố của vị nữ tu, bao gồm cả những chứng từ, đã bị đức Tổng giám mục của Sơ từ chối, nhưng rồi lại được chuẩn nhận bởi vị Giám mục địa phương khác là Đức Cha John Shojiro Ito giáo phận Niigata, là người vào ngày 22.04.1984, sau nhiều năm nghiên cứu kĩ càng đã tuyên bố đó những giọt nước mắt siêu nhiên và cho phép tôn kính tượng Mẹ Akita. Toà Thánh Vatican đã không đưa ra một thông cáo chính thức nào về vấn đề.
Ông O’Neill nói: “Không giống như những cuộc hiện ra của Mẹ Maria với tín hữu và trao ban sứ điệp, các bức tượng khóc đòi hỏi người tín hữu tìm kiếm những giải thích về phép lạ”.
“Những bức tượng khóc thường tạo nên một sự khuấy động và khích lệ người dân suy tư về ý nghĩa của một hiện tượng như thế”.
Trong khi chờ đợi kết quả từ những cuộc điều tra chính thức từ Vatican, ông O’Neill nói rằng, người tín hữu có thể cầu nguyện và suy tư về những giọt nước mắt như là biểu tượng của sự đau khổ.
“Giống như trường hợp của tất cả mọi phép lạ, mục đích chắc chắn là để lôi cuốn người dân đến gần hơn với Đức Kitô và suy suy ngẫm về những giọt nước mắt của Mẹ Sầu Bi, thật hữu ích để suy tư về sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô cũng như là các tội lỗi của chúng ta. Những sự lạ như thế giúp nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta và có thể dẫn chúng ta đến ơn hoán cải”.
(GNsP, 13.05.2016/ theo CNA)