Bình luận về vai trò của Đức Thánh Cha trong sự thống nhất Châu Âu
Ước mơ của một người con
Giải thưởng Charlemagne đã được trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi lễ đơn sơ, minh bạch và trang nghiêm theo đúng mong muốn của ngài. Thực tế những bài diễn văn tôn vinh ngài - đặc biệt là diễn văn của ngài Thị trưởng Aachen - đều thừa nhận một cách thẳng thắn sự khủng hoảng Châu Âu đang phải đối mặt.
Trên tất cả, trong bài diễn văn đáp từ của mình, Đức Thánh Cha diễn tả mong muốn trao lại giải thưởng của ngài cho “Châu lục thân yêu này.” Trong thời điểm mà ý thức về sự mất phương hướng của Châu Âu ngày càng rõ nét, Đức Phanxicô với cách dùng từ ngữ đã hỏi đi hỏi lại ba lần, “Châu Âu, chuyện gì đã xảy ra với các bạn?”, khi ngài lượt qua một loạt rất nhiều những thành tựu của quá khứ.
Một sự kiện rất đáng chú ý là giải thưởng này, một giải thưởng mang biểu tượng chủ đạo của Châu Âu và được thành lập chỉ vài năm sau Chiến Tranh thế giới thứ II, lần đầu tiên được trao cho một vị lãnh đạo tôn giáo vào năm 1989. Vào năm đó, ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ, người nhận giải thưởng là Roger Schutz, sáng lập viên và là cha bề trên của cộng đoàn Taizé, một cộng đoàn trong suốt hơn 30 năm miệt mài dệt lên tấm thảm hòa giải và hòa bình liên tôn, thậm chí đã âm thầm góp một tay trong việc tháo Bức Màn Sắt [biên giới vô hình phân chia Châu Âu thành 2 miền Đông - Tây từ 1945 đến 1991. Bên Đông theo Xô-Viết, phía Tây theo Tư bản chủ nghĩa (chú thích của người dịch)].
Năm 2004, giải thưởng được trao dưới hình thức một “phiên bản đặc biệt” cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào gần cuối triều đại dài của ngài, vinh danh không chỉ công nghiệp của ngài mà thực sự còn là của các vị tiền nhiệm của ngài trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình thống nhất Châu Âu. Động lực của sự đóng góp này đã được làm nổi bật một năm sau đó khi một vị người Đức đã được ngồi vào Ngai tòa Phê-rô, và đó đã đánh dấu cho sự hòa giải giữa Ba Lan và Đức mà điều này đã được dự đoán trước bởi các thành viên Hồng y đoàn đương nhiệm ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị.
Diễn văn đáp từ của Đức Thánh Cha hôm nay là một sự tiếp nối cho những gì ngài đã nói ở Strasbourg năm 2014. Ngài đã nhắc đến một cách dứt khoát 3 “vị tiền nhân đặt nền móng” cho tiến trình thống nhất Châu Âu. Trong sự lộn xộn của bộ mặt châu lục sau chiến tranh, ba vị gồm - Robert Schuman, Alcide De Gasperi, Konrad Adenauer - “đã dám tìm kiếm những giải pháp từ nhiều phía cho các vấn đề vốn đã trở thành vấn đề chung cho tất cả.”
Bảy mươi năm tiếp nối “sự khởi đầu mới” được đưa ra sau một xung đột kinh khủng toàn cầu, vì chiến tranh và những đau khổ đang bùng phát ở Syria, Trung Đông, và Châu Phi gây ra sự gia tăng những làn sóng di cư khổng lồ chưa từng có, trong khi những bước tường vô dụng vẫn đang được dựng lên và những tiếng kêu gào thống thiết vang lên từ mọi hướng.
Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta cần phải thức thời, hay “cập nhật”, ý tưởng về một lục địa Âu Châu để có thể “hội nhập”, “đối thoại”, và “xây dựng”. Bằng cách này, Đức Thánh Cha Phanxicô đối chiếu một “Châu Âu mệt mỏi, già nua” chỉ muốn xây tường lũy xung quanh thoát khỏi những sợ hãi, với một châu lục muốn quay trở lại làm một “người mẹ tận tâm” xây dựng một loạt những “tiến trình” hòa hợp mới và tích cực.
Thật vậy, vị Giáo hoàng người Châu Mỹ đầu tiên của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng giá trị riêng biệt của Châu Âu luôn là sự năng động, vì châu lục này hòa trộn “những đặc điểm văn hóa khác biệt” qua bao năm. Nói đến những tiền nhân người Ý, Đức Phanxicô xem mình “như một đứa con tái khám phá ra những nguồn cội của sự sống và đức tin ở Châu Âu, như mẹ của ngài”; một người con hôm nay mơ về một “chủ nghĩa nhân văn Châu Âu mới” để tái sinh lại một châu lục không thể chối bỏ nguồn cội và lịch sử của mình. Và chính Giáo Hội “có thể và phải đóng góp” vào tiến trình này: nghĩa là, mọi người đều phải làm chứng nhân cho Tin Mừng và và dùng “nước tinh sạch” của Tin Mừng để tắm mát cho “những gốc rễ của Châu Âu”.
g.m.v.
Nguồn: osservatoreromano
Dịch từ phiên bản tiếng Anh: TRI KHOAN 08/05/2016