Can thiệp vào nạn diệt chủng Kitô hữu: 400.000 người ký tên yêu cầu khẩn thiết lên Liên Hiệp Quốc

“Vì vậy chúng tôi có mặt ở đây để ủng hộ cho những anh chị em của chúng tôi, những Kitô hữu và những người theo các tôn giáo khác đang chịu bách hại, đang bị hành quyết, đang chịu những sự kỳ thị ở trong khu vực này của thế giới, vùng Trung Đông", Ignacio Arsuaga, chủ tịch của Hội Luật Sư CitizenGO.

Can thiệp vào nạn diệt chủng Kitô hữu: 400.000 người ký tên yêu cầu khẩn thiết lên Liên Hiệp Quốc

New York City, N.Y., 30 tháng 4, 2016 / - Các luật sư đã gửi hàng trăm ngàn chữ ký lên Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, kêu gọi cơ quan này công bố nạn diệt chủng đang nhắm vào người Ki-tô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.

“Chúng tôi có mặt ở đây tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc để đệ trình hơn 400.000 chữ ký của các công dân trên toàn thế giới yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc công bố những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại với ISIS ở Syria và Iraq là một nạn diệt chủng,” Ignacio Arsuaga, chủ tịch của Hội Luật Sư CitizenGO, đã cho biết trong một buổi họp báo hôm thứ Sáu bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Thỉnh đơn yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải “tiến thêm một bước để bảo vệ những Ki-tô hữu và các cộng đoàn tôn giáo thiểu số khác sống ở đó,” để “sự tự do tôn giáo có thể được thực hiện trong vùng đó của thế giới.” Thỉnh đơn đã được gửi tới văn phòng Tổng Thư Ký Liên hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm thứ Sáu.

Những nhà lãnh đạo tôn giáo như Đức Giám Mục người Nigeria Joseph Danlami Bagobiri và Tổng Giám Mục Jean-Clement Jeanbart thuộc thành phố Aleppo, ở Syria cũng tham gia làm đại diện của CitizenGO bên ngoài Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này là một phần của Hội nghị kéo dài 3 ngày về Tự do Tôn giáo, #WeAreN2016, hay “Tất cả chúng tôi là người Nazaret.”

Các thành viên ISIS đã dùng sơn phun ký tự Ảrập “nun” có nghĩa là “Nazaret” trên các nhà của người Kitô hữu ở Mosul, Iraq, đánh dấu họ là mục tiêu đặc biệt để bách hại.

Đặc biệt, thỉnh đơn yêu cầu Văn phòng của ông Ban Ki-moon ra sức ép với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để công bố nạn diệt chủng người Kitô hữu và những nạn nhân tôn giáo khác của ISIS, và thúc ép “những cơ chế” để bảo vệ các nạn nhân của nạn diệt chủng và truy tố các thủ phạm.

Thỉnh đơn cũng kêu gọi các quốc gia thành viên có hành động để “dừng chiến tranh ở Syria” cũng như giúp những người di tản trong nước ở Iraq và Syria có thể trở về nhà của họ. Phải xây dựng được những “nơi ở an toàn” cho những người di tản trong nước, cũng như một “kế hoạch hành động để giải cứu những người bị bắt cóc và các phụ nữ và trẻ em gái người Kitô hữu và Yazidi bị bắt làm nô lệ.”

Những người Kitô hữu đã rời bỏ Iraq và Syria thành từng đoàn trong những năm gần đây, và chiếm 80% những nạn nhân cộng đồng thiểu số của nạn bách hại tôn giáo, thỉnh đơn “Lời Kêu Gọi Hành Động” cho biết.

Người Kitô hữu, người Yazidis, và các cộng đồng thiểu số khác là “những nạn nhân của tình trạng cưỡng bức những điều kiện sống có chủ đích nhằm cố tình mang đến sự hủy hoại về thể lý cho họ gây ra bởi một tổ chức được gọi là ‘ISIS/Daesh’: Các nạn nhân đang bị giết, bị chặt đầu, bị đóng đinh, bị đánh đòn, bị tống tiền, bị bắt cóc, và bị tra tấn,” thỉnh nguyện đơn nói thêm.

Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em đã bị bắt làm nô lệ, phụ nữ bị cưỡng ép tình dục và bị đem bán, trẻ em thì bị “ép buộc đầu quân,” và các nhà thờ và các cộng đoàn bị phá hủy.

Kitô hữu ở Nigeria cũng là mục tiêu của nhóm khủng bố có tên Boko Haram. Theo một nhóm có tên Open Doors, có trên 4.000 Kitô hữu bị giết chết và gần 200 nhà thờ bị tấn công ở Nigeria trong năm 2015.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị viện Anh, và Quốc Hội Liên Minh Châu Âu cùng công bố tình trạng diệt chủng đang diễn ra ở Iraq và Syria. Thỉnh nguyện thư cũng lưu ý rằng có nhiều cơ quan cố vấn của Liên Hiệp Quốc cũng công bố rằng nạn diệt chủng thể đang xảy ra.

“Vì vậy chúng tôi có mặt ở đây để ủng hộ cho những anh chị em của chúng tôi, những Kitô hữu và những người theo các tôn giáo khác đang chịu bách hại, đang bị hành quyết, đang chịu những sự kỳ thị ở trong khu vực này của thế giới, vùng Trung Đông,” Arsuaga thông báo tại buổi họp báo.

Sau buổi họp báo, Đức Tổng Giám Mục Jeanbart giải thích với CNA lý do tại sao việc Liên Hiệp Quốc phải có hành động cho vấn đề này là rất quan trọng.

“Chúng tôi đang phải trải qua tình trạng diệt chủng thật sự,” ngài nói về giáo phận của ngài ở Aleppo, “và chúng tôi sợ rằng họ muốn đuổi chúng tôi ra khỏi cuộc sống của chúng tôi, ra khỏi đất nước của chúng tôi, ra khỏi nơi chúng tôi đã sinh ra, nơi Giáo Hội sơ khai ra đời.”

“Có hai loại diệt chủng, diệt chủng con người và diệt chủng Giáo Hội,” ngài nói. Không chỉ con người bị giết, mà chính Giáo Hội cũng đang bị “biến mất” khỏi Syria.

Ngài nói, “Giáo Hội của những Kitô hữu tiên khởi đang sụp đổ,” nhấn mạnh rằng những Kitô hữu Syria tiên khởi là những người Do Thái phân tán đã đi hành hương tới Jerusalem trong ngày lễ Ngũ Tuần, và là những người trong số 3.000 người được Thánh Phêrô Tông đồ rửa tội.

Ngài tiếp tục, “Họ trở về thành phố của họ và bắt đầu đời sống Ki-tô hữu ở đó, và họ đã giúp đỡ Thánh Phaolô khi ngài trở lại. Ngài nói, đó là lý do rất quan trọng tại sao cần phải giữ Giáo Hội này tồn tại.”

Nguồn: catholicnewsagency.com
Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/05/2016