"Chúng tôi trốn chạy từ cõi chết", một trong các gia đình được Đức Phanxicô đưa về

Rồi Đức Phanxicô đến: “Một thiên sứ đến để cứu thoát chúng tôi.” Trước câu hỏi bằng cách nào họ nhận được tin Đức Thánh Cha sẽ chọn họ là một trong số 3 gia đình, Rami đưa 2 tay lên che mắt và trả lời: “Phải nói sao bây giờ? Một sự ngạc nhiên quá lớn, tôi không thể tin được nữa..."

"Chúng tôi trốn chạy từ cõi chết": Phỏng vấn một trong các gia đình được Đức Phanxicô đưa về từ Hy Lạp

“Tôi hôn và ôm ngài và nói rằng tên tôi có nghĩa là Jerusalem”

Suhila Alshakarji, một trong 12 người tị nạn Syria đã được Đức Thánh Cha Phanxico đưa về Ý với ngài từ đảo Llesbos, có đôi mắt mệt mỏi, thiếu sức sống. Đôi mắt chỉ sống lại khi chị nhìn vào đứa con gái Qudus, 7 tuổi của mình đang chơi tự do trong khu vườn, cô bé có cái tên mà bà mẹ nói rằng “nó có nghĩa Jerusalem,” và cuối cùng chị cười.

Thời gian dường như chẳng trôi qua nhiều kể từ lúc cô bé - trong chiếc xuồng cao su ngưng chạy gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ giữa biển khơi, với 36 người đứng im như tượng để tránh xuồng bị tròng trành hay bị lật - hỏi người mẹ đang kinh hoảng: “Chuyện gì vậy mẹ?”

“Ngay lập tức, tôi làm đủ cách để con gái tôi ngủ trở lại, để nếu chúng tôi có chết, con bé cũng không biết chuyện gì,” Suhila nói với ZENIT.

Tôi đến gặp gia đình, cùng với 2 gia đình đã được Đức Thánh Cha đưa về, đang ở giữa trung tâm Trastevere, tại đây có trường Ngôn Ngữ và Văn hóa Ý thuộc Cộng đồng Sant’Egidio, và tại đây các tình nguyện viên đang dạy tiếng Ý miễn phí cho khoảng 1900 người gồm cả người tị nạn và người nước ngoài.

Tấn bi kịch được người phụ nữ kể lại cho tôi, một người trước đây là thợ may ngót 50 tuổi, chỉ là một trong rất nhiều gia đình Alshakarji từ Deir Ezzor đã phải chịu đựng những đau khổ trong vài năm qua. Vì kể từ đó những lực lượng ma quỷ của Nhà nước Hồi giáo, ISIS, Daesh đã làm loang máu lãnh địa từ xưa đến giờ mang nét đặc trưng của hòa bình và đối thoại.

“Chúng tôi sống thanh bình ở Deir Ezzor 1,400 năm qua,” Rami nói, người trụ cột trong gia đình, một người giáo viên đáng kính trước khi trở thành người tị nạn. Vùng này được gọi bằng một cái tên là ‘Auschwitz của người Armenia’, đã bị ISIS tàn phá và giết chết 300 thường dân, “cả hàng ngàn năm qua chúng tôi tất cả đều bình đẳng với nhau: người Hồi giáo, người Công giáo, người Do thái giáo… chúng tôi không gì bất hòa nhau; chẳng ai bao giờ hỏi bạn theo tôn giáo nào.”

Gia đình Alshakarjis đã phải hối hả trốn chạy khỏi nơi đó cùng với các con của họ: ngoài Qudus còn có Rashid, 18 tuổi, và Abdalmajid, 15, cậu con tria trong cuộc sống mới này tự đặt tên cho mình là Totti, giống như tên một danh thủ bóng đá. “Em rất hạnh phúc được đến nước Ý, em có hai việc phải làm:  bóng đá và học. Cuối cùng, em cũng đã có thể đi học trở lại,” Totti nói, giấu nụ cười rụt rè, trong khi người anh không nói một lời.

Người cha, Rami, giải thích, “Các cháu rất căng thẳng.” Người cha thì khá thoải mái và tỏ ra có cảm tình với tất cả các nhà báo và các tình nguyện viên của Sant’Egidio đến gặp ông. “Ngày nào họ cũng đến phỏng vấn,” Roberto Zuccolini, một trong những giám đốc của cộng đồng chịu trách nhiệm quan hệ với báo chí, giải thích, ‘Thực ra, họ đã yêu cầu được bảo vệ tránh bị đưa lên phương tiện truyền thông quá mức.”

Bị các chiến binh thánh chiến cầm tù

Tuy nhiên, Rami cần phải nói; ông muốn bộc lộ hết tất cả tội ác mà ông phải chịu. Trước tiên, ông bị nhóm chiến binh thánh chiến cầm tù trong suốt 6 tháng. Rami bắt chéo hai cổ tay để cho chúng tôi hiểu rằng điều kiện mà ông đã bị cưỡng bức như thế nào để sống mỗi ngày: tay và chân ông bị cột xích. “Bọn chúng ngáng chân tôi và đánh vào lưng tôi.” Tôi ngây thơ hỏi, “Tại sao?” và rồi tự nói: “Anh cũng là một người Hồi giáo…”

“Bọn chúng không phải theo đạo Hồi,” ông trả lời một cách tức giận, “bọn chúng không có tín ngưỡng. Bọn chúng bắt cóc và hành hạ chúng tôi chỉ vì chúng muốn thể hiện, để làm chúng tôi hiểu rằng ai là người có uy quyền, để làm chúng tôi sợ.” Người anh trai của Rammi, 55 tuổi, cũng bị bắt cóc 3 năm và cũng được thả sau đó. May mắn đó không đến được với những người thân khác của họ. Suhila nói, “Ba người đã mất tích. Chúng tôi không biết họ còn sống hay không. Chín người đã chết. Tất cả mọi người trong gia đình ở tản mác khắp các thành phố ở Syria mà hiện tại các trận chiến đang nổ ra. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe được tin tức của họ, nhiều lúc chẳng nhận được gì. Chúng tôi rất sợ.”

Trong suốt thời gian chồng bị cầm tù, Suhila can đảm chạy trốn cùng với các con đến với những thân nhân ở Leban. Chị không dám nghĩ là họ có cơ hội đoàn tụ trở lại. Khi phép lạ đó xảy ra thì cũng là lúc họ quyết định rời bỏ quê hương. “Tôi quyết định bỏ đi vì tôi muốn cứu sống cả gia đình,” người chồng giải thích. “Chúng tôi chạy trốn vì chúng tôi hiểu rằng cuộc sống của con của chúng tôi đang bị nguy hiểm; chúng còn nhỏ và chúng có thể bị chết bất kỳ lúc nào vì bom đạn hoặc bị bắt buộc gia nhập vào nhóm thánh chiến.”

Họ không còn tin tức gì về nhà cửa của họ. Nó có thể đã bị phá hủy hoàn toàn. “Khi chúng tôi rời đi, ngôi làng bị đốt cháy vì bom.” Nhưng đáng nhớ nhất trong ký ức của họ là là dòng người cam chịu phải rời bỏ quê hương: chuyến bay trong đêm từ Deir Ezzor đi qua Raqqa, Aleppo và những vùng khác bị ISIS chiếm đóng, “quá sức nguy hiểm đến nỗi chẳng có một con thú nào trên đường. Một số người chạy bộ, những người khác giấu mình trong các xe tải chở rau và trái cây,” Suhila nói.

Người chồng phụ họa, “Bọn chúng đối xử thật tồi tệ.” Mỗi lần chúng tôi gặp một kẻ nào đó hét vào mặt chúng tôi, “Đứng lại, mi là ai? Ở vùng nào đến? Mi theo đảng nào? Mi thuộc tôn giáo nào?” làm chúng tôi bấn loạn lên, làm chúng tôi kinh hoảng.”

Tất cả kéo dài suốt 10 ngày, rồi gia đình Alshakarjis cũng đến được Izmir ở Turkey, và cố thử vận may của họ qua cách nhập cư bằng “con đường hợp pháp”, nghĩa là đi thuyền trở về từ Lesbos. “Thuyền ư? Nó chỉ là một cái xuồng hơi cao su,” Rami kêu lên.

“Chúng tôi rời đi lúc 11 giờ đêm; cứ mỗi 100m thì động cơ lại bị đứng. Không ai bị chết; biển khá lặng, nhưng có một lúc, giữa khoảng không của đêm đen, chiếc xuồng dừng lại suốt 90 phút. Chúng tôi chẳng nhìn thấy đường chân trời ở đâu. Chúng tôi gọi cho Bảo vệ Biển nhưng rất khó khăn cho họ để tìm được chúng tôi. Chúng tôi đứng im bất động ở đó: phụ nữ và trẻ em đứng vào giữa và đàn ông đứng vòng chung quanh. Chỉ cần một cơn gió hay một chuyển động nhỏ thì tất cả 36 người chúng tôi đều kết thúc cuộc đời dưới nước.”

Warm again

Sự kinh khủng cứ thế kéo dài thêm 5 giờ nữa cho đến khi chúng tôi cập đảo Lesbos. Những người tị nạn nhìn thấy một cảnh tượng hoàn toàn khác trên đảo của Hy lạp. Mấy đứa trẻ mỉm cười nhớ lại “cảnh chào đón rất ấn tượng: trên bãi biển có những người tình nguyện, thanh niên và người lớn, họ nhảy xuống nước và giúp chúng tôi bước xuống. Ngay cả một phụ nữ lớn tuổi cũng giúp kéo chiếc xuồng cao su vào bãi.” Rồi, khi chúng tôi lên được trên bờ, họ tung hoa trên chúng tôi.

Gia đình ở trên đảo Lesbos 50 ngày, trong khu trại Moria mà Đức Thánh Cha đến thăm. “Chúng tôi đều ổn, nhưng người quá đông - Suhila giải thích - những thức cơ bản đều thiếu thốn, chẳng hạn thức ăn và nước. Chúng tôi ăn không ngon; chúng tôi không có đủ nước để tắm; rất nhiều thanh niên và trẻ em bị ốm. Rất khó tìm được bác sĩ.”

Tuy nhiên, Suhila nói thêm, trên đảo những người tị nạn có thể cảm thấy sự ấm áp tình người mà họ dường như đã quên. “Người ở đó rất tốt, rất dễ mến. Người ta dễ mến đến mức bé Qudus ngay lập tức cảm thấy an tâm. “Con bé đi dạo khắp trại từ 9 giờ sáng đến tận nửa đêm; con bé chung tay với những người tình nguyện để giúp người tị nạn.”

Người cha của tôi…

Rồi Đức Phanxicô đến: “Một thiên sứ đến để cứu thoát chúng tôi.” Trước câu hỏi bằng cách nào họ nhận được tin Đức Thánh Cha sẽ chọn họ là một trong số 3 gia đình, Rami đưa 2 tay lên che mắt và trả lời: “Phải nói sao bây giờ? Một sự ngạc nhiên quá lớn, tôi không thể tin được nữa: một người ở đại vị cao sang mà chúng tôi nhìn thấy trên TV và người đó thậm chí không phải là người Hồi giáo đã đến và đưa chúng tôi đi, cứu thoát chúng tôi… Trước đó chúng tôi không hề dám mong điều như vậy.”

“Chúng tôi cảm thấy một cuộc sống mới trỗi dậy trong chúng tôi, có sự hy vọng,” người vợ nói và hơi cười. Và bé Qudus chen vào nói với tôi: “Khi cháu gặp Đức Thánh Cha, cháu nói với người rằng: “Đó là cha của con, ông cũng là cha của con chứ?’ Cháu hôn người và ôm người và nói với người rằng tên của cháu nghĩa là Jerusalem. Người rất vui, người còn nói chuyện tếu với cháu nữa đấy.”

Từ cuộc gặp gỡ đó với Đức Thánh Cha, họ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác: “Chúng tôi được ăn trưa với ngài, chúng tôi thậm chí ăn món lasagna [ND: một loại mì ống truyền thống của Ý], Rami nói. Rồi sau đó là chuyến bay đến Ý nơi họ gặp những người tình nguyện của Sant’Egidio chào đón họ “như trong một gia đình.”

Cộng đồng cung cấp cho họ thực phẩm và nhà ở và dạy họ ngôn ngữ. “Ngay khi họ đến, gia đình đã yêu cầu được có nơi ở an toàn về chính trị tại sân bay  Ciampino. Họ đã có giấy phép cư trú,” Zuccolini nói. Ông nói thêm, bây giờ họ đang bắt đầu hòa nhập. Họ đã đi mua sắm, họ đang bắt đầu đi tìm một ngôi trường cho con họ. Tôi cũng hết sức ấn tượng vì, mặc dù họ đến từ những nơi rất xa, những nơi đang có chiến tranh, chỉ trong 1 tuần họ đã cảm thấy như đang ở nhà. Nếu ý chí quyết tâm hòa nhập của họ vẫn mạnh mẽ thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.”

Hiện tại gia đình Alshakarji đang sống “một giấc mơ.” Họ không có những viễn cảnh: họ không thể trở về nhà, và đi sang nước khác thì cực kỳ khó khăn. Hy vọng duy nhất theo như Suhila thổ lộ một cách đau khổ rằng, “Tất cả mọi quốc gia, không chỉ Châu Âu mà cả Hồi giáo hãy theo gương của Đức Thánh Cha và giúp đỡ những gia đình Syria. Rất khẩn thiết vì người dân đang chết từng ngày.”

Tôi hỏi họ cho chụp một tấm ảnh để lưu lại giây phút đầy cảm xúc này. Những đứa trẻ cười và nói: “Selfie!”, và Rami yêu cầu chụp một tấm ảnh đứng trước tấm bảng hiệu của Cộng đồng Sant’Egidio: “Đó là điều tối thiểu chúng tôi có thể làm để cảm ơn mọi người.”

Nguồn: zenit.org

Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2016