Lesbos: Phân tích các hoạt động chính trị quốc tế của Đức Phanxicô
Nhà ngoại giao Ý Pasquale Ferrara phân tích các hoạt động chính trị quốc tế của Đức Phanxicô nhân chuyến đi chớp nhoáng đến đảo Lesbos, Hy Lạp của ngài.
“Đức Giáo hoàng! Ngài có bao nhiêu binh đoàn?”. Khi đặt câu hỏi này, nhà độc tài Stalin muốn nhấn mạnh đến việc quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này không có quân đội, như thế muốn nói nó có ít giá trị, nếu không muốn nói chẳng có giá trị gì trên chính trường quốc tế. Sự thật Tòa Thánh chẳng có lợi ích riêng gì để bảo vệ, nhưng sẽ hẹp hòi và bị lừa khi phân tích các hoạt động quốc tế của Tòa Thánh mà chỉ dựa trên thể loại địa chính trị. Dù vậy, điều này không có nghĩa là phải lấy đi mọi giá trị địa chính trị các hoạt động của Tòa Thánh, nhưng đúng hơn phải nhận biết “động lực” nào là nguồn gốc của tất cả mọi tiến trình đối thoại và các nỗ lực bắt cầu khắp nơi trên thế giới và cho mọi người…
Đức Giáo hoàng ưu tiên cho chính trị thế giới
Nhà ngoại giao người Ý Pasquale Ferrara, chuyên gia các quan hệ quốc tế vừa xuất bản một quyển sách có tựa: Thế giới của Phanxicô – Bergoglio và chính trị quốc tế, Thời sự và Lịch sử (Il Mondo di Francesco – Bergoglio e la politica internazionale, Attualità e storia), ông nói về các sự kiện, các chuyến đi và các sáng kiến ngoại giao đánh dấu ba năm đầu triều giáo hoàng của ngài. Theo tác giả, tiếp cận của Đức Phanxicô tách ra khỏi các tiêu chuẩn truyền thống của chính trị nước ngoài. Đúng hơn nó mang một khái niệm ưu tiên cho chính trị thế giới. Người ta sẽ nói ngài ngài hành động theo kiểu “tái-khái niệm hóa” thuần túy hóa công giáo nền chính trị quốc tế.
Quả vậy, các chuyến đi của Đức Phanxicô phải thấy hai mặt, mặt đầu tiên là thực tế của địa phương và của vùng đất với các suy sụp của nó; mặt thứ nhì rộng hơn, với các tiếng vang trên thế giới. Trong tất cả bối cảnh này, Tòa Thánh hướng đến một công chúng rộng lớn hơn là công chúng trước mặt mình, dùng các trạng huống nguy kịch làm ẩn dụ để minh họa các suy sụp trên toàn hành tinh. Trong tác phẩm của mình, Pasquale Ferrara xem lại các thách thức chủ yếu của nền chính trị nước ngoài của Tòa Thánh: từ các công kích đối với nền kinh tế và chính trị hiện nay, rồi đi ngược để giải hòa các vấn đề có từ thời Trung Cổ, không quên các nước Châu Mỹ La Tinh và Nam bán cầu.
“Đặt nhân phẩm ưu tiên vào trọng tâm các vấn đề quốc tế”
Bộ trưởng Ngoại giao Ý Paolo Gentiloni viết trong lời nói đầu, “nhất là Đức Phanxicô đã thay đổi tông giọng đường hướng chính trị thế giới”. Ngài kêu gọi một “đối thoại nghiêm túc, để không ai bị loại trừ”, ngài “lên án sự dửng dưng bị toàn cầu hóa” và đặt “nhân phẩm ưu tiên vào trọng tâm các vấn đề quốc tế”, xem trọng các “vùng ngoại vi” của thế giới.
Theo bộ trưởng Gentiloni, vào lúc mà các rào cản và chủ nghĩa ái quốc tái xuất hiện ở Âu Châu, đứng trước làn sóng người di dân và tị nạn cố gắng đến đây, thì các “khái niệm này là chủ yếu, và cộng đồng quốc tế phải rút điều lợi ích từ các lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng để hành động với tâm hồn và theo lương tâm, chú trọng đến việc các dân tộc liên đới lệ thuộc nhau, trong mục đích cùng chia sẻ lợi ích chung.”
Quan tâm của Đức Giáo hoàng, người di dân bị loại trừ
Tất cả những điều này được thấy một cách rõ ràng khi Đức Giáo hoàng nêu lên vấn đề của những người di dân. Khi chọn đảo Lampedusa là chuyến đi đầu tiên ra khỏi Rôma, ngài ã nói lên nhiều về các ưu tiên của mình. Tác giả Pasquale Ferrara viết: “Lampedusa là hình ảnh tượng trưng, đó là đường ranh phân chia tiếp nhận và loại trừ người di dân. Trong đa số trường hợp, các người di dân này đi trốn khỏi những hoàn cảnh bi thảm – chiến tranh, áp lực, chế độ độc tài, nghèo đói, điều kiện sống cực kỳ khó khăn – trong bầu khí dửng dưng của thế giới mà nhiều lần Đức Phanxicô lên án nạn “toàn cầu hóa của sự dửng dưng”. Điều này đúng với các người di dân muốn tránh các thảm kịch “cổ điển” nhưng cũng đúng với tất cả các nạn nhân của các vấn đề mới, liên hệ với việc thay đổi khí hậu.
Đức Phanxicô có bài chỉ trích nặng các phản ứng quốc gia và quốc tế về hiện tượng di dân. Không dùng ván bài đối kháng, Đức Phanxicô đề nghị phải cơ cấu hóa các can thiệp, vượt lên sự khẩn cấp của vấn đề. Chẳng hạn ngài xin Âu Châu thức tỉnh lương tâm, nhưng là thức tỉnh lương tâm về mặt chính trị: “Chúng ta không thể chấp nhận biển Địa Trung Hải trở thành một nghĩa trang khổng lồ!” ngài lên tiếng ở Strasbourg trước Nghị viện Âu Châu tháng 11 năm 2014.
Theo ngài, các nước lâu đời ở Âu Châu thay vì cố gắng có những “giải pháp theo kiểu đặc thù”, thì nên để “nhân phẩm người di dân” vào trọng tâm các hành động của họ và phải đối diện với các vấn đề dính đến di trú, phải rõ ràng đưa ra “căn tính văn hóa riêng của mình”. Phải có “pháp chế thích ứng, cùng một lúc bảo vệ quyền công dân của người Âu Châu và bảo đảm việc đón tiếp người di dân”. Cũng vậy, Âu Châu phải “có đường lối chính trị công chính, can đảm và cụ thể giúp các nước gốc trong việc phát triển xã hội-chính trị và trong việc giải quyết các xung đột nội bộ – lý do chính của hiện tượng này – thay vì có đường lối chính trị mang tính thủ lợi, chỉ tăng lên và nuôi dưỡng thêm các xung đột này”. Đức Giáo hoàng cương quyết về điểm này: “Chủ yếu là hành động trên các nguyên do chứ không phải chỉ trên kết quả.”
Nhưng ở Strasbourg, Đức Giáo hoàng còn đi xa hơn, ngài khẳng định: “Đã đến lúc phải cùng nhau xây dựng Âu Châu, không phải dựa trên kinh tế nhưng dựa trên tính thiêng liêng của con người, các giá trị không lay chuyển… Đã đến lúc phải phải bỏ ý tưởng một Âu Châu hãi sợ, thu vào chính mình, mà khơi lên, cổ động lên cho một Âu Châu chủ chốt, người mang khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị nhân bản và cả đức tin. Một Âu Châu ngắm bầu trời và theo các lý tưởng của mình; Âu Châu quan sát, bảo vệ và che chở con người; một Âu Châu đi trên con đường vững chắc, điểm chuẩn quý giá cho toàn nhân loại!”.
Theo Đức Phanxicô, làn sóng di dân hiện nay “có vẻ như đang gặm mòn các nền tảng của ‘tinh thần nhân loại’ mà Âu Châu từ lâu vẫn quý trọng và bảo vệ. Nhưng, như trong dịp chúc đầu năm, Đức Phanxicô đã nhắc lại cho ngoại giao đoàn, “người ta không thể cho phép mình đánh mất các giá trị và các nguyên tắc nhân bản, tôn trọng nhân phẩm tất cả mọi người, hỗ trợ và tương trợ nhau, dù có những lúc tưởng chừng như đó là những gánh nặng không thể gánh nổi”. Âu Châu không thể vắng mặt lúc nó được nhắc để tái hành động trong vai trò “người cao lớn giữ di sản văn hóa và tôn giáo”. Vì thế, ngài nói tiếp, Âu Châu phải tìm một “thế quân bình cho hai bổn phận của mình, bổn phận tinh thần phải bảo vệ cho chính công dân của mình, và bổn phận cứu trợ và đón tiếp người di dân”.
Thăm người tị nạn ở đảo Lesbos, Hy Lạp
Chính trong tinh thần này mà Đức Giám mục địa phận Rôma cùng với Đức Thượng Phụ đại kết Constantinople Báctôlômêô I, Đức Giám mục Chính thống Jérôme của Athènes thứ bảy 16 tháng 4 này sẽ đi thăm đảo Lesbos ở Hy Lạp, một hòn đảo tượng trưng cho thảm kịch của người tị nạn và người di dân của cuộc chiến tranh ở Syria và Irak, mà các cuộc truy kích của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã đuổi họ ra khỏi biên giới của mình.
Đức Giáo hoàng, một “quyền lực mềm?” Chữ này có thể hoàn toàn không phù hợp, nhà ngoại giao Ý Pasquale Ferrara giải thích. Tuy nhiên sự hiện diện của Đức Giáo hoàng trên chính trường quốc tế được nhìn nhận như có khả năng “ảnh hưởng liên quốc gia”, được diễn tả qua việc cổ động cho đối thoại, cho diễn văn dưới tất cả mọi hình thức của ngài: lý giải, thuyết phục và lên án khi cần.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 15.04.2016/
aleteia.org, 2016-04-15)