Giáo dục Việt Nam đến lúc phải lột xác

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Một vấn đề quan trọng chưa được quan tâm ở Việt Nam là xây dựng một xã hội học tập, làm sao để người dân có thể học tập suốt đời để phục vụ công việc cũng như thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của mình... Ngoài ra, để góp phần phát triển nền giáo dục toàn diện, chúng ta cần phải dành vị trí xứng đáng cho công nghệ thông tin. Trong chương trình, đây phải là môn học công cụ bắt buộc, trang bị cho các trường sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Các thầy cô phải lấy kiến thức trên mạng chứ không thể trông vào tài liệu đã biên soạn cả chục năm trước".

 

Giáo dục Việt Nam đến lúc phải lột xác

Chỉ ra hàng loạt bất cập của nền giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đã đến phải đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục. Chương trình phổ thông nên theo cơ cấu "9+2" thay vì 12 năm - quá lãng phí.

- Hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm được nhiều nhà khoa học cho là không phù hợp, cần rút ngắn. Là người tham gia biên soạn sách giáo khoa, giáo sư chia sẻ với quan điểm này như thế nào?

- Xét hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước, kéo dài đến 12 năm học phổ thông là không phù hợp, lãng phí. Phần lớn các em học hết 12 năm rồi thì vẫn quay về lao động chân tay bình thường. Để được đào tạo nghề, các em lại phải đi học nghề. Trong khi đó, nếu xác định học nghề từ đầu thì chỉ cần học hết lớp 9, không cần đến hết 12.

Tất nhiên, đã học thì cái gì cũng bổ, như học toán, nhưng học đến lớp 9 là đã đủ rèn tư duy, không cần đến các kiến thức toán nâng cao. Với một gia đình bình thường, bớt một năm nuôi con đi học là bớt được món tiền cực lớn, đó là chỉ tính đóng góp bình thường chứ chưa kể "tiêu cực phí".

- Theo giáo sư, chương trình phổ thông rút ngắn bao nhiêu thì hợp lý?

- Tôi đã đưa ra đề xuất giảm bớt một năm học, theo cơ cấu "9 + 2". Hệ thống giáo dục bắt buộc của mình là 9 năm, đây là chương trình phổ cập, ai cũng phải học và dần dần nhà nước phải miễn học phí. Sau 9 năm, thay vì học 3 năm THPT như hiện nay với đầy đủ các môn, thì bậc học này để cho học sinh tự chọn học các môn phù hợp với tương lai. Đây là 2 năm để định hướng, trên thế giới, nhiều nước cũng đã đi theo hướng này.

Thêm nữa, thanh niên Việt Nam hiện trưởng thành sớm hơn thế hệ trước, học hết 11 năm tức là đã 17 tuổi. Ở tuổi này, thanh niên đã có nhận thức xã hội tốt và làm việc được. Đây cũng là lứa tuổi tâm sinh lý phát triển và phải chịu trách nhiệm về các hành vi.

Thực tế các trường trung học hiện cũng chỉ dạy đến 11 năm, vì sau lớp 11, học sinh chỉ học các môn thi đại học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại việc các thế hệ trước đây học 11 năm, thậm chí thế hệ kháng chiến chỉ 10 năm nhưng vẫn sản sinh ra rất nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi.

Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục Việt Nam cần một cuộc cải cách toàn diện. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Ngoài những bất cập ở bậc phổ thông, ở bậc đại học, Việt Nam đang đi theo quy trình ngược với các nền giáo dục tiên tiến là“siết đầu vào nhưng lỏng đầu ra”, chất lượng sinh viên ra trường không cao. Theo ông, cần thay đổi điều gì?

- Việt Nam là nước nghèo, đi sau thiên hạ, muốn đuổi kịp thiên hạ mà ngành nào mình cũng dàn trải như hiện nay thì không thể nào đuổi được. Chúng ta không phải là nước sản sinh ra các phát minh về khoa học cơ bản nên mình cũng đừng ham cái đấy mà cần tập trung vào khoa học ứng dụng, có tác dụng thực tế, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Những người học ngành khoa học cơ bản hết sức quan trọng, một đất nước không thể không có những chuyên gia như vậy. Nhưng chỉ nên đào tạo ít, chọn những người thực sự giỏi, đam mê và nhà nước phải bù tiền cho đào tạo. Tránh tình trạng người không thi được cái gì thì học khối C... Những ngành gì thị trường gánh được thì thị trường gánh, gắn chặt các trường đào tạo với xã hội theo phương thức hợp tác đối với người sử dụng lao động. Đây là cách làm của các nước tiên tiến.

Ví dụ, hệ đào tạo công nhân kỹ thuật của Đức, 70% là thực hành ở công xưởng, 30% học ở trường và doanh nghiệp gánh cho sinh viên 70% học phí. Sinh viên thực hành được trả lương và nhận vào làm nếu làm tốt. Cách làm này rất hiệu quả vì không trường học có thể sánh kịp các doanh nghiệp về công nghệ, máy móc. Trong các ngành hiện nay ở Việt Nam, tôi thấy mỗi ngành y là gắn được thực hành với đào tạo vì có các cơ sở thực hành là bệnh viện. Còn tất cả là đào tạo một đằng, làm một nẻo.

Một điểm quan trọng nữa là tuyển sinh, chúng ta cần trao lại quyền tuyển sinh cho các trường, để các trường tự quyết định phương thức tuyển sinh. Tức là có những trường chỉ xét tuyển thôi theo kết quả thi tốt nghiệp, không cần thi tuyển chung, cồng kềnh, tốn kém. Còn tất nhiên, có những trường tốt thi tuyển rất khắt khe. Ngày xưa sở dĩ phải thi đại học khắt khe thế là vì chỗ học ít, cả nước chỉ có 70 - 80 trường với chỉ tiêu hạn chế, thi là tất nhiên để đảm bảo công bằng cho mọi người. Còn bây giờ có tới 450 trường đại học, cao đẳng, thiếu gì chỗ học?

- Giáo dục phổ thông và giáo dục đại học như ông phân tích còn rất nhiều điểm bất cập. Vậy tư duy, mục tiêu của ngành giao dục đang lạc hướng ở đâu?

- Căn cứ vào từng mặt để phân tích ưu, khuyết của giáo dục thì nói được rất nhiều. Tôi chỉ tổng kết 4 điểm yếu của giáo dục là giải quyết chưa tốt các mối quan hệ giữa: quy mô - chất lượng; giáo dục - xã hội và thị trường lao động; tích cực - tiêu cực của cơ chế thị trường; tập trung - phân cấp trong giáo dục.

Trong xã hội, phải có người giỏi cái này và kém cái kia, còn nếu mọi thứ bằng bằng thì không được. Ở nước mình, cách đào tạo là, vào lớp học trò ngồi khoanh tay, trả lời đúng ý cô giáo. Và chúng ta cũng mong đào tạo ra các em có kiến thức, kỹ năng như nhau. Ở các nước phương Tây, giáo viên chỉ định hướng, còn học sinh tự hoạt động, tự hoàn thiện. Mục tiêu quyết định chương trình và phương pháp. Nếu để hoàn thiện nhân cách cá nhân thì phải tôn trọng dân chủ. Chúng ta phải thay đổi, đặt mục tiêu giáo dục phát triển hoàn thiện nhân cách.

Trên thế giới có 2 trường phái về mục tiêu giáo dục là bản vị xã hội tức là giáo dục nhằm đào tạo nhân lực phục vụ xã hội, chỉ chú ý đào tạo con người phục vụ xã hội. Trường phái thứ hai là bản vị cá nhân - giáo dục nhằm hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của con người và khi mà mỗi một cá nhân phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách thì xã hội hài hòa, xã hội đó sẽ phát triển. Chính Carl Marx đã nói chính sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều cho xã hội phát triển.

Từ mục tiêu này, chi phối tính chất của nền giáo dục. Đó phải là một phải là nền giáo dục thực học và dân chủ. Người Việt được đánh giá thông minh, học để thi thì không thua kém ai nhưng đi làm thì kém, đặc biệt óc tưởng tượng rất kém. Chúng ta có rất ít phát minh sáng kiến lớn, điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì không có tự do tư tưởng sao mà có năng lực tưởng tượng?

- Gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã nói tới tính cấp bách của một cuộc cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam. Ông nghĩ sao?

- Khi mà xã hội có những bước chuyển mình thì lại đặt ra nhiệm vụ lớn cho giáo dục. Tôi cho giáo dục của Việt Nam cần phải "lột xác". Ba lần cải cách giáo dục trước đều liên quan tới các biến động chính trị. Lần này, chúng ta đang tăng tốc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và công nghiệp hiện đại vào 2050, ngày càng hội nhập sâu vào thế giới. Để thực hiện 2 mục tiêu đó phải đáp ứng mục tiêu phát triển con người.

Ngoài ra, khi mà các hiện tượng tiêu cực trở nên phổ biến, kéo dài thì cẩn phải nghĩ đến chính sách sai chứ không phải chỉ ở khâu thực hiện. Gốc gác của vấn đề là có cả những chuyện về quan điểm điều hành giáo dục. Trong chỉ đạo, tôi cho có những cái không chuẩn như để cho phát triển tràn lan các trường đại học, gấp rút tăng số lượng sinh viên để cải thiện vị trí xếp hạng nhân lực (HDI), giáo dục chạy theo thành tích, không chú ý chất lượng...

Quan điểm phổ biến về khâu đột phá trong giáo dục hiện nay là quản lý và cán bộ (giáo viên). Thay đổi được quản lý, giáo viên thì rất tốt nhưng nó không phải là cái quyết định và hơn nữa đòi hỏi rất nhiều thời gian. Chúng ta có hơn hai triệu giáo viên, để nâng cao chất lượng đội ngũ này đâu phải dễ. Tôi cho rằng, khâu đột phá là phải làm sao xử lý được và xử lý đúng mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo với xã nói chung và nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục là một bộ phận của xã hội, gắn được giáo dục với xã hội thi thì xã hội sẽ phát triển giáo dục.

Còn thay đổi cơ cấu bậc học phổ thông, tuy không phải là khâu đột phá nhưng là một bước đổi mới chắc chắn phải làm. Đây là giải pháp cụ thể, còn gốc gác là mối quan hệ giữa đào tạo và xã hội. Chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục, nhưng cả 3 lần đều không động đến giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây là điều cực dở, cần tránh lặp lại.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Một vấn đề quan trọng chưa được quan tâm ở Việt Nam là xây dựng một xã hội học tập, làm sao để người dân có thể học tập suốt đời để phục vụ công việc cũng như thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của mình. Ở nước ta, gần như chưa có xã hội học tập như vậy. Ta có hệ thống giáo dục thường xuyên bên cạnh hệ thống giáo dục ban đầu nhưng thực ra đang bị lệch. Những người tham gia giáo dục thường xuyên học lớp riêng, chương trình cắt gọn và đi học chủ yếu nhằm hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác. Còn xã hội học tập thực sự là xã hội mà người dân luôn luôn có nhu cầu đi học, đi học để đáp ứng công việc là chính chứ khong phải bằng cấp, xã hội như thế mới phát triển lành mạnh được.

Ngoài ra, để góp phần phát triển nền giáo dục toàn diện, chúng ta cần phải dành vị trí xứng đáng cho công nghệ thông tin. Trong chương trình, đây phải là môn học công cụ bắt buộc, trang bị cho các trường sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Các thầy cô phải lấy kiến thức trên mạng chứ không thể trông vào tài liệu đã biên soạn cả chục năm trước".

Nguyễn Hưng

Nguồn : vnexpress
 

Đôi điều về giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ

 

Theo Vusta.vn

Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt, cơ cấu kinh tế, văn hóa thay đổi cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về tư duy, lối sống và giá trị đạo đức… như chúng ta vẫn thường nói “mỗi cơ hội bao hàm cả thách thức”.

1. Bước vào thế kỉ mới, đất nước ta đang trên đà hội nhập, nhiều cơ hội được mở ra và không ít thách thức gần kề. Một trong những thách thức đó là sự thay đổi các quan điểm về đạo đức vốn được xem là truyền thống, là chuẩn mực từ ngàn xưa của cha ông.

Nếu ngày xưa, người anh hùng Lý Tử Trọng từng nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không có con đường nào khác”. Và trên thực tế, trong chiến tranh cứu nước, đã có lớp lớp thanh niên “lên đường” với lí tưởng “Tất cả vì tiền tuyến, vì độc lập tự do của đất nước”, họ đã không tiếc máu xương để giữ gìn nền độc lập, thực hiện lý tưởng sống cao cả đó.

Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt, cơ cấu kinh tế, văn hóa thay đổi cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về tư duy, lối sống và giá trị đạo đức… như chúng ta vẫn thường nói “mỗi cơ hội bao hàm cả thách thức”.

Thế hệ trẻ ngày nay năng động, thông minh và ham học hỏi. Chắc chúng ta còn nhớ hai thắng lợi liên tiếp của đội tuyển Robocom Việt Nam, hay những tấm huy chương vàng, huy chương bạc từ những cuộc thi Olimpic toán, lý, hóa, sinh…, những cuộc thi đấu thể thao hàng đầu ở các châu lục và trên thế giới. Những bạn trẻ vượt lên số phận, dùng đôi chân để viết nên cuộc đời khi không có đôi tay… Đó là những tấm gương của tuổi trẻ Việt Nam, những con người đã góp sức mình cho đất nước, để tuổi trẻ không trôi qua hoài phí.

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận thanh niên sống hững hờ, “được chăng hay chớ”…; một số người bị cuốn theo cơn lốc của nền kinh tế thị trường, chạy theo những giá trị vật chất, hưởng thụ cuộc sống tiện nghi… Con người như một cỗ máy guồng chân chạy theo mưu cầu ích kỷ, chà đạp lên khuôn mẫu giá trị tinh thần cao đẹp của truyền thống cha anh…

Thực tế xã hội Việt Nam đã đưa ra nhiều con số cảnh báo về xu hướng gia tăng các hành vi “lệch chuẩn” của học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngoài xã hội có nhiều thanh niên vi phạm pháp luật như: đua xe trái phép, bạo lực học đường, cờ bạc, quay cóp… Theo thống kê năm 1986 có 3.607 trẻ ở độ tuổi vị thành niên phạm tội thì đến năm 1996, con số này là 11.726 em; trung bình cả nước là 4.746 người/ năm trẻ vị thành niên phạm tội… Tại Hà Nội, năm 2006, trong 600 sinh viên thuộc 5 trường đại học có: 69,7% sinh viên được hỏi cho rằng sinh viên hiện nay chưa có khát vọng lập thân, lập nghiệp vì tương lai; 21,8 % cho là sinh viên có biểu hiện mờ nhạt về hoài bão lý tưởng… Vậy nên đánh giá thế nào về các “căn bệnh”, nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho sự thay đổi về lối sống, đạo đức của thanh niên hiện nay?

2. Các “căn bệnh” của giới trẻ hiện nay có thể khái quát như sau:

2.1. Tự do cá nhân thiếu tôn trọng cộng đồng:

Tự do là một điều quý với con người, nhiều dân tộc đã đấu tranh không thương tiếc máu xương để giành được tự do… Nhưng hiện nay, một số thanh niên đang hiểu sai chữ “tự do” và lạm dụng điều này để làm những chuyện chưa đúng đắn như: thiếu kính trên, nhường dưới, không nghe lời phải của mẹ cha, vi phạm luật lệ, ăn mặc nhố nhăng khác người…

2.2. Thích “hơn người”:

Thích hơn người là một điều tự nhiên, nhất là tuổi trẻ, lứa tuổi muốn khẳng định cái “tôi” lớn lao của mình. Nhưng vì thích “hơn người” mà một số người trẻ tuổi khẳng định mình bằng bạo lực, bằng những hành vi phạm pháp…

2.3. Sống xa hoa, lãng phí và lười lao động:

Ngày nay, một số thanh thiếu niên được bố mẹ nuông chiều hoặc có khả năng tự kiếm việc làm, khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên cũng có một bộ phận thanh thiếu niên chạy theo đồng tiền, xem đó là mục đích sống cuối cùng, bằng mọi cách để đạt được mục đích. Và khi có được những thứ đó quá dễ dàng lại sống xa hoa, lãng phí, chạy đua cho bằng bạn bằng bè, đi đến buông thả…

2.4. Sống gấp – sống “vội vàng”:

Nhịp sống hiện đại đã tạo cho con người lối sống vội vàng. Vội vàng trong đi đứng, ăn uống, học tập, kiếm tiền…; sống thiếu thời gian. Song, họ lại không ý thức được những giá trị mà mình đang theo đuổi cũng đồng nghĩa với việc không ý thức được những gì mình đang có – một cuộc sống thiếu chiều sâu.

2.5. Cuộc sống buông xuôi:

Cuộc sống hiện đại nhiều lo toan đã lấy đi của con người sự thư thái, bình an hằng ngày, thay vào đó là những dằn vặt, chán chường, mệt mỏi… nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, những người chưa tìm được hướng đi phù hợp cho mình. Khi đứng trước những khó khăn trong cuộc sống gia đình, học tập, nghề nghiệp, tình cảm… dẫn tới tâm trạng cô đơn, chán chường, muốn thoát khỏi thực tại, trốn tránh cuộc sống.

3. Nguyên nhân dẫn đến những “căn bệnh” đó của tuổi trẻ:

3.1. Sự buông lỏng trong việc quản lí, giáo dục con cái của gia đình:

Gia đình đóng vai trò quan trọng trọng việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Gia đình là môi trường đầu tiên mà đứa trẻ được học nhân cách làm người. Một gia đình ổn định, các thế hệ chung sống hòa thuận, thương yêu và quan tâm lẫn nhau thì đứa trẻ cũng nhận thức, học hỏi được tình cảm trìu mến đó…

Hiện nay, khi cơn lốc của nền kinh tế thị trường tràn đến cuốn theo sự thay đổi của “tế bào xã hội” ấy, một số bậc làm cha, làm mẹ dành nhiều thời gian kiếm sống và các công việc xã hội khác mà bỏ bê việc chăm sóc gia đình, dạy bảo con cái, phó mặc trách nhiệm đó cho ông bà, nhà trường và xã hội… Vậy, một đứa trẻ lớn lên trong môi trường đó có dễ dàng nhận thức được giá trị của tình yêu, lòng khoan dung… hay không?

Như vậy, gia đình – nền tảng cơ bản, nơi lưu giữ các giá trị truyền thống đang dần mất đi chức năng của mình, các thành viên trong gia đình ít quan tâm đến nhau hơn. Thực tế – theo nhận định của các nhà xã hội học – trong những năm gần đây có hai hiện tượng xảy ra ở tuổi vị thành niên: Một là sống cô độc, luôn có một niềm khắc khoải vô cớ, hành động không có mục đích sống rõ rệt, tâm trạng chán chường, mệt mỏi tựa hồ như lớp người đã qua cuộc sống phức tạp, nặng nề… Hai là họp nhau lại thành nhóm, thành băng đảng, dùng bạo lực để đối xử với nhau hoặc gây rối loạn trong cuộc sống hàng ngày. Hai trạng thái này dường như trái ngược hẳn nhau nhưng về bản chất là biểu hiện một thực trạng – con người đang mất dần nhân cách của mình.

3.2. Sự tác động của xã hội hiện đại.

Toàn cầu hóa cũng bao hàm cả ưu và nhược điểm. Xã hội thông tin cung cấp cho con người nhiều khả năng lựa chọn, “thượng vàng hạ cám” đủ loại, đủ cách. Một mặt, qua xa lộ thông tin đó, chúng ta có thể liên lạc với nhau dễ dàng, nhanh chóng, đồng thời cũng nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng trong thời gian ngắn. Mặt khác, trong những luồng thông tin đó còn có những điều trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong hoàn cảnh đó, trẻ em là lứa tuổi dễ bị tác động nhất. Họ tiếp thu cái mới nhanh chóng nhưng lại không định hướng được những gì là đúng đắn nhất để noi theo. Vì vậy, các quan điểm, cách suy nghĩ của họ về giá trị đạo đức truyền thống cũng dần dần bị biến mất.

3.2. Ảnh hưởng của tình trạng quá thiên lệch về mục tiêu nghề nghiệp:

Xã hội ngày càng năng động, hiện đại thì yêu cầu về tri thức càng lớn. Vì vậy, việc đào tạo cũng chú ý nhiều hơn các tri thức khoa học – công nghệ, ít chú tâm về giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em.

3.3. Do đặc điểm tâm sinh lý – lứa tuổi:

Tuổi thanh niên, lứa tuổi có sự chuyển biến về tâm sinh lý – lứa tuổi mà các nhà khoa học gọi là “tuổi khủng hoảng”, “tuổi nổi loạn”, muốn khẳng định cái “tôi” cá tính của mình. Trong lớp trẻ, có nhiều cách thể hiện cá tính như: học giỏi, say mê thể thao… nhưng cũng lại có những đứa trẻ, thanh niên thể hiện mình bằng lối ăn mặc khác người, cư xử thô bạo với bạn bè do không chế ngự được cảm xúc của mình, hoặc ngược lại – thờ ơ với cuộc sống xung quanh, vô cảm, sống thiếu trách nhiệm với bạn bè, gia đình…; lại có những em hay lo âu, trầm cảm, sống thu mình trong một thế giới riêng…

4. Giáo dục đạo đức, liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội – phương thuốc cho “căn bệnh” của tuổi trẻ:

4.1. Giáo dục gia đình:

Gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình giữ được “gia phong” thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh. Các thành viên trong gia đình, ông bà, cha mẹ là “tấm gương” cho chính con em mình. Cổ ngữ có câu: “Ở nhà phải thói, ra đường khỏi lo” – nghĩa là một đứa trẻ ngoan, tốt trong gia đình sẽ được “miễn dịch” với thói xấu ngoài xã hội.

4.2. Giáo dục trong nhà trường:

Nhà trường là nơi đào tạo con người không chỉ về mặt kiến thức mà cả về đạo đức, lối sống. Tổng thống Thevdove Roosevelt từng nói: “Giáo dục một người về trí não mà không giáo dục về tâm hồn, đạo đức thì coi như giáo dục một kẻ gây họa cho xã hội”.

Trong nhà trường, bất kì một bậc học nào, lớp học nào cũng có môn học liên quan đến giáo dục đạo đức. Trực tiếp như: đạo đức, giáo dục công dân… là các môn học trang bị cho các em những tri thức, kỹ năng và chuẩn mực về hành vi đạo đức. Ngoài ra, các môn học khác cũng có tác dụng giáo dục đạo đức cho học sinh như: văn học, hóa học, vật lý… rèn luyện cho các em tính nhân văn, tính chính xác, cần cù, chăm chỉ, vượt khó, yêu sự thật, yêu khoa học,…cảm phục tinh thần lao động, sáng tạo không ngừng của các nhà khoa học….

Cũng trong quá trình học tập đó, các mối quan hệ liên nhân cách giữa học sinh – giáo viên, giữa học sinh – học sinh, học sinh – tập thể học sinh tạo ra môi trường lý tưởng cho học sinh hình thành và phát triển nhân cách, làm các em được thực hành những chuẩn mực về đạo đức đã được học.

Như vậy, dạy học không chỉ có tác dụng cung cấp tri thức cho học sinh mà còn có tác dụng phát triển toàn bộ phẩm chất đạo đức ở học sinh, nhà giáo dục “thông qua dạy chữ để dạy người” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

4.3. Giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Hoạt động ngoài giờ lên lớp giúp học sinh thực hành và thể nghiệm các bài học về đạo đức trong xã hội, rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần, trách nhiệm… Cũng thông qua các hoạt động nói trên, các em có cơ hội mở rộng mối quan hệ, giao lưu với các tầng lớp khác nhau trong xã hội: người lao động, nhà khoa học, văn nghệ sỹ…; nhờ vậy mà tâm hồn, tình cảm, ước vọng của các em phát triển cao hơn.

Các hoạt động hằng ngày như: lau dọn trường lớp, chăm sóc sinh vật, ủng hộ đồng bào bão lụt, giúp đỡ bạn nghèo… Từ đó, học sinh được làm quen, phát triển tình cảm với môi trường tự nhiên, sinh vật, con người…; nhờ đó, học sinh biết trân trọng cuộc sống, tình bạn, có tinh thần trách nhiệm…

4.4. Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh:

Cùng với việc giáo dục đạo đức, chúng ta cần giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Bởi lẽ, pháp luật và đạo đức có mối liên hệ mật thiết với nhau, đều là phương thức nhằm điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Chúng ta cần xem “pháp trị” làm gốc, đóng vai trò quyết định trong việc điều chỉnh hành vi, nhất là trong xã hội hiện đại. Ví dụ: tình trạng học sinh gây gổ, đánh nhau, lười lao động… thì cần phải có những quy định thích đáng, cụ thể để ngăn chặn, răn đe các hành vi xấu, khuyến khích các hành vi tốt….

Vì vậy, cùng với các môn khoa học, đạo đức phải được xem là một trong những nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục, ở tất cả các bậc học.

5.5. Cùng với việc tăng cường công tác giáo dục trong gia đình, nhà trường, chúng ta còn cần tạo ra môi trường xã hội thuận lợi để phát huy truyền thống về đạo đức của cả dân tộc.

Giá trị đạo đức truyền thống của mỗi dân tộc biểu hiện không đồng đều giữa các cá nhân, nhóm, tập thể… do hoàn cảnh sống quyết định. Việc giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của mỗi dân tộc chính là làm phong phú thêm các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại mới, là đem sức mạnh truyền thống để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Như vậy, để xã hội phát triển bền vững những người đi trước cần có biện pháp đúng đắn để định hướng cho tuổi trẻ – lứa tuổi thật đẹp đẽ với nhân cách mới định hình, rất mong manh do thiếu kinh nghiệm và chưa định hình được mục đích sống, giúp họ có lí tưởng sống tích cực, có nhân cách vững vàng trước sự chuyển biến của xã hội và thách thức của cuộc sống. Như lời một nhà văn cách mạng, trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” tác giả Nicolai Ostrovsky từng nói: “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”./.

Võ Thị Hạnh.