Năm vừa qua một tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới, tượng Đức Bà Lên Trời đã được khánh thành. Và điều kỳ lạ trong sự kiện này là gì? Đó là bức tượng không phải được dựng lên trong một nước có truyền thống Kitô giáo, nhưng trong một nước có số tín hữu Hồi giáo nhiều nhất thế giới.
Đức Mẹ Maria mở dần các cánh cửa của thế giới hồi giáo…
Lần này là ở Iran, với một tình mẫu tử vô bờ Mẹ Maria thúc cho công việc chạy.
Năm 1963, Các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Chaldée đến Téhéran. Nhà Dòng mở một trường học ở thủ đô Iran. Đan viện Chaldéen lúc đó còn gắn với giáo xứ Trinh Nữ Maria ở gần tu viện. Tuy nhiên, sau cuộc Cách mạng hồi giáo năm 1979, mọi chuyện trở nên rất khó ở Iran không những khó cho các nữ tu và cho người công giáo nói chung, nhưng cũng khó cho cả người Hồi giáo, do áp dụng chặt chẽ luật Hồi giáo, quyền tự do tôn giáo đã bị hạn chế rất nhiều. Vì thế năm 2013, đan viện Dòng Con Đức Mẹ phải bị đóng cửa.
Vậy mà sau một thời gian nghỉ hai năm, đan viện vừa được mở lại! Chỉ một hôm trước hôm Tổng thống Iran gặp Đức Phanxicô ở Vatican, cách đây vài ngày! Bây giờ các nữ tu có thể sinh hoạt mục vụ giữa giáo dân và ở các giáo xứ.
Đây không phải lần đầu tiên Mẹ Maria cho một cú thúc khi Mẹ kín đáo làm việc trong thế giới Hồi giáo.
Thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ở Liban
Ngày 13 tháng 6-2013, Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được thánh hiến ở Liban. Năm ngoái Thượng phụ Bechara Boutros Rai đã mở rộng Dòng ra trong toàn vùng Trung Đông. Trong một bài giảng can đảm và sắc bén ở Vương cung thánh đường Harissa ở Liban, thượng phụ đã tố cáo các “người làm thuê đã nhận sự hỗ trợ tài chánh, chính trị và quân sự của những nước Đông phương và Tây phương” và thượng phụ cũng tố cáo các “thế lực của sự khủng khiếp”, ngài tuyên bố:
Chúng ta làm mới lại sự thánh hiến dân tộc và tổ quốc Liban của chúng ta, cũng như tất cả các nước ở Trung Đông cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, một trái tim tràn ngập lòng dịu dàng âu yếm và tình yêu cho con người, anh em của Người Con Duy Nhất của Mẹ.
Giao phó cho tín hữu “lần hạt cầu nguyện mỗi ngày để thế giới được hòa bình”, Hồng y người Liban nhắc lại các tín hữu Kitô đã cố gắng cùng với người Hồi giáo xây dựng từ 1400 năm nay, “một nền văn minh kiểu mẫu cho tất cả các xã hội đa-văn hóa và đa-tôn giáo”. Ngài hết lòng mong cố gắng cho hòa bình này không bị các cuộc xung đột đẫm máu hiện nay trong vùng làm cho quên. Sau Bêyrút, bức tượng Đức Mẹ Fatima đi hành hương từ Tòa Thượng Phụ Hy Lạp-công giáo đến một đan viện Syria-công giáo, rồi đến trụ sở Tòa Thượng Phụ Armênia-công giáo.
Tượng Đức Trinh nữ Maria nhìn xuống ngôi làng Maaloula
Mẹ Maria chưa bao giờ hiện diện ở Đông phương như bây giờ
Trong thời gian này ở nước Syria bên cạnh, vào tháng 6-2015, Đức Mẹ có một dấu chỉ hy vọng cho các tín hữu Kitô bị bách hại: ở trên một ngọn đồi cao của thành phố nhỏ Maaloula, một tượng Đức Mẹ đã được dựng lên một cách can đảm, sau khi bị các quân khủng bố của Mặt trận Front al-Nosra phá hủy. Thành phố nhỏ Maaloula có 4 000 dân, đa số theo Kitô giáo, đây là một trong những cộng đoàn hiếm hoi ở Trung Đông còn giữ tiếng Armênia, ngôn ngữ của Chúa Giêsu.
Cũng trong vùng Syria, cũng tháng 6-2015, một sự kiện chưa từng xảy ra ở thế giới Hồi giáo: khánh thành một nguyện đường ở thành phố duyên hải Tartous hoàn toàn dâng kính Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô!
Mẹ Maria được đạo Hồi xem là mẹ của “tiên tri Giêsu”. Tên của mẹ được kinh Coran nhắc đến 34 lần – hơn bất cứ tên nào khác của gia đình tiên tri Mahomet. Và còn hơn nữa: Mẹ Maria là phụ nữ duy nhất có một tên trong một chương của kinh Coran: chương 19 có tên là Maryam, Maria trong tiếng Ả Rập.
Thêm nữa, năm vừa qua một tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới, tượng Đức Bà Lên Trời đã được khánh thành. Và điều kỳ lạ trong sự kiện này là gì? Đó là bức tượng không phải được dựng lên trong một nước có truyền thống Kitô giáo, nhưng trong một nước có số tín hữu Hồi giáo nhiều nhất thế giới: nước Nam Dương có 250 triệu dân (còn hơn cả Ba Tây chỉ có 205 triệu dân), mà 87% dân số là người Hồi giáo!
Mẹ Maria không đùa…
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 21.02.2016/
aleteia.org, 2016-02-11)