Bắc Kinh khăng khăng muốn kiểm soát ý thức hệ của các tôn giáo

Ở Trung Quốc, toàn bộ công nhân viên chức bị cấm không được theo bất cứ một tôn giáo nào, dù họ là cấp dưới. Đảng cộng sản lo ngại sự bành trướng của các tôn giáo, họ sợ các đảng viên mất lòng nhiệt thành với Đảng cộng sản nếu những người này theo một nhóm tôn giáo nào.

Bắc Kinh khăng khăng muốn kiểm soát ý thức hệ của các tôn giáo

Chỉ một thời gian ngắn trước Tết âm lịch, nhà cầm quyền Trung Quốc nhắc cho các nhà chức trách tôn giáo, họ phải đưa đường hướng xã hội của đảng vào các bài giảng của mình. Nhà Nước ra lệnh các đảng viên và nhân viên hưu trí phải tránh mọi hình thức sinh hoạt tôn giáo.

Ngày 15 tháng 2-2016 vừa qua, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng), lãnh đạo năm tôn giáo chính được quốc gia chấp nhận, trả lời cho hãng tin Giáo hội Á Châu (EdA) biết “các tôn giáo phải nỗ lực gấp đôi để cổ vũ cho văn hóa Trung Quốc và đảm bảo sự tương thích với các giá trị đặc biệt của xã hội Trung Quốc. Ngày 4 tháng 2 trước Tết âm lịch, ông Du Chính Thanh ủy viên thường trực của Trung ương Đảng – cấp lãnh đạo tối cao gồm bảy nhân vật -, đã chúc tết các lãnh đạo tôn giáo và “tín hữu toàn quốc”, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết. 

Tìm những điểm tương đồng giữa giáo huấn tôn giáo và đường hướng ‘xã hội’ 

Chính quyền Trung Quốc tìm cách “hán hóa” các tôn giáo ở Trung Quốc đối với tất cả các tôn giáo, nhất là các tôn giáo không mang truyền thống Trung Quốc như kitô giáo và hồi giáo. Năm ngoái nhà cầm quyền đã bắt các người có trách nhiệm trong các chủng viện phải phổ biến chiến dịch này, họ phải suy nghĩ về các điểm tương đồng giữa giáo huấn tôn giáo và đường hướng xã hội. Tháng 5 năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc một bài diễn văn nói về chiến dịch hán hóa này. Sau đó, một bài báo của nhật báo Nhà Nước Zhongguo Minzubao cũng đã nhấn mạnh đến việc tôn giáo phải được kiểm soát từ Trung Quốc, chứ không phải từ nước ngoài. 

Ông Du Chính Thanh kêu gọi các tôn giáo thành lập một “chiếc cầu” giữa Đảng cộng sản và năm tôn giáo được chính thức công nhận ở Trung Quốc (Phật giáo, Lão giáo, Công giáo, Tin lành và Hồi giáo).

Bà Lưu Diên Đông, phó thủ tướng, ông Sun Chunlan, chủ tịch Mặt trận Thống nhất, cơ quan của Đảng có nhiệm vụ quản lý các quan hệ với xã hội dân sự, từ các nghiệp đoàn đến các tôn giáo, đều có mặt trong buổi họp cấp cao cùng với các đại diện tôn giáo này. Đài truyền hình quốc gia CCTV đã phát các chỉ thị của ông Du Chính Thanh trong phần tin tức ngày 4 tháng 2. Trong khi chờ đợi cuộc họp các tôn giáo dự trù sẽ tổ chức vào cuối năm 2015 nhưng vẫn chưa được tổ chức, cuộc gặp gỡ này nhắc lại các tôn giáo phải tôn trọng nội dung đã được đưa ra. 

Trong các nơi thờ phượng, các thông tin về “hán hóa” phải được dịch qua các khẩu hiệu như các khẩu hiệu trên các tường của thành phố, của làng xã, nghĩa là nền đỏ chữ trắng. Ông Michel Chambon, quan sát viên của thành phố Phúc Kiến cho hãng tin Giáo hội Á Châu biết, một nhà thờ tin lành kỷ niệm 150 năm ngày thành lập năm nay, đã loan báo sự kiện này như sau: “Tiến trình hán hóa của nhà thờ kitô giáo Nam Bình”. Ngoài các khẩu hiệu này, khó để biết chiến dịch này có ảnh hưởng trên tín hữu như thế nào. 

Đặc biệt trong các giáo xứ ở Chiết Giang, miền Nam Thượng Hải, nơi từ hai năm nay có chiến dịch triệt hạ các cây thánh giá, tổng cộng có hơn 1’500 cây thánh giá bị phá hủy. Nếu chiến dịch này không còn mạnh như trước tháng 9-2015 nhưng nó cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm 18 cây thánh giá bị triệt hạ. 

Các đảng viên hưu trí không được giữ đạo 

Song song với các việc này, các công nhân viên chức và các đảng viên về hưu được lệnh không được tham dự vào bất cứ một sinh hoạt tôn giáo nào. Theo hãng tin Ucanews, Hội đồng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao đã công bố quy định buộc các nhân viên cấp cao về hưu không được tin vào một tôn giáo nào, không được tham dự vào một sinh hoạt tôn giáo nào và phải dứt khoát chống các tà phái. Các cấp cao về hưu cũng không được tham dự vào các “tập quán sắc tộc” nào, bản tài liệu nhấn mạnh. 

Ở Trung Quốc, toàn bộ công nhân viên chức bị cấm không được theo bất cứ một tôn giáo nào, dù họ là cấp dưới, rất nhiều người trong số họ bị bắt vì tham nhũng, những người này còn bị buộc tội đã tham khảo các thầy phong thủy, theo đạo Lão hay đạo Phật. Nhưng Đảng cộng sản lo ngại sự bành trướng của các tôn giáo, họ sợ các đảng viên mất lòng nhiệt thành với Đảng cộng sản nếu những người này theo một nhóm tôn giáo nào. Trước khi có chiến dịch triệt hạ Thánh giá ở Triết Giang, rõ ràng các nhà chức trách địa phương cho thấy họ dễ dàng với tín hữu Kitô, vì chính họ cũng theo đạo này. Chiến dịch này nhằm để nhà nước nắm lại quyền của một bang tỏ ra quá cởi mở. 

Dù vậy đây là lần đầu tiên một bản thông báo chính thức nêu lên trường hợp của các công chức về hưu, dấu hiệu cho thấy không một thành phần nào có thể tránh khỏi điều mà chủ tịch Tập Cận Bình muốn từ khi ông lên nắm chính quyền. Mặt khác đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm đến các người về hưu, càng ngày càng nhiều trong xã hội Trung Quốc, được xem là thành phần “yêu nước” mà chế độ phải giữ sự ủng hộ của họ. 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 19.02.2016/ 

cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-02-15)