Đức Thánh Cha gặp Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

“Chúng tôi đã nói với nhau như anh em, chúng tôi có cùng bí tích rửa tội, chúng tôi là Giám Mục, chúng tôi đã nói về các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi đồng ý rằng sự hiệp nhất được xây dựng trong cuộc hành trình, chúng tôi đã nói thẳng chứ không dùng những từ nửa vời. Tôi thú nhận với anh chị em rằng tôi cảm thấy ơn an ủi trong tinh thần cuộc đối thoại này”, ĐTC Phanxicô.

Đức Thánh Cha gặp Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

LA HABANA. Đức Thánh Cha Phanxicô rất hài lòng về cuộc gặp gỡ lịch sử với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga. 

Sau nhiều tháng thương thuyết khẩn trương trong âm thầm và sau hơn 2 thập niên cởi mở từ phía Tòa Thánh, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga đã diễn ra lúc 2 giờ 15 phút chiều ngày 12-2-2016 tại phòng khánh tiết phi trường La Habana, thủ đô Cuba. 

Máy bay cho ĐTC đã đáp xuống phi trường này đúng 2 giờ chiều và ngài được chủ tịch Nhà nước Cuba, Ông Raoul Castro, nồng nhiệt tiếp đón và dẫn vào phòng khánh tiết, rồi từ đây ngài tiến vào phòng hội, trong khi Đức Thượng Phụ Kirill tiến vào phòng này từ một cửa khác. Đức Thượng Phụ mặc áo chùng thâm, đầu đội khăn trắng có thánh giá trên đỉnh. Hai vị Giáo Chủ nồng nhiệt ôm hôn nhau giữa những tiếng lách tách và những chớp sáng của các máy chụp hình. Giới báo chí còn nghe được câu ĐTC nói với Đức Thượng Phụ: "Sau bao chờ đợi bây giờ mới được! Chúng ta là anh em với nhau!” Đức Kirill nói: "Sự việc bây giờ dễ dàng hơn”!, và Đức Phanxicô nói tiếp: "Rõ ràng đây là ý Chúa”.

ĐTC và Đức Thượng Phụ đứng chụp hình chung với nhau, và gần đó có Chủ tịch Castro. Tháp tùng hai vị trong cuộc hội kiến có ĐHY Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cùng với 2 thông dịch viên.

Diễn từ

Sau cuộc hội kiến, hai vị giáo chủ đã ký vào hai bản tuyên ngôn chung một bằng tiếng Nga và một bằng tiếng Ý, rồi trao văn bản cho nhau, hôn áp má nhau lần nữa. Tiếp theo đó là diễn từ ngắn của hai vị. ĐTC nói bằng tiếng Tây Ban nha:

“Chúng tôi đã nói với nhau như anh em, chúng tôi có cùng bí tích rửa tội, chúng tôi là Giám Mục, chúng tôi đã nói về các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi đồng ý rằng sự hiệp nhất được xây dựng trong cuộc hành trình, chúng tôi đã nói thẳng chứ không dùng những từ nửa vời. Tôi thú nhận với anh chị em rằng tôi cảm thấy ơn an ủi trong tinh thần cuộc đối thoại này”.

Và ĐTC cám ơn Đức Thượng Phụ Kirill vì sự khiêm tốn huynh đệ và vì nồng nhiệt ước muốn sự hiệp nhất. Ngài cho biết trong cuộc trao đổi đã nảy sinh một loại các sáng kiến, theo ý ngài, có thể được hiện được. ĐTC không quên nồng nhiệt cám ơn nhân dân Cuba và Chủ tịch Raoul Castro, đang hiện diện đây, vì sự sẵn sàng. Ngài nói: "Nếu tiếp tục như thế, Cuba sẽ là thủ đô của sự hiệp nhất”.

Về phần Đức Thượng Phụ Kirill, ngài cho biết cuộc thảo luận huynh đệ cởi mở đã diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ với đầy tình cảm thông và trách nhiệm đối với hai Giáo Hội và đối với tương lai của Kitô giáo. Đó là một cuộc thảo luận phong phú về nội dung, giúp hiểu và cảm thông lập trường của nhau. Và Đức Thượng Phụ kết luận rằng: "Hai Giáo Hội có thể làm việc với nhau để không còn chiến tranh nữa, để khắp nơi sự sống con người được tôn trọng, để củng cố những nền tảng của luân lý gia đình và của con người”.

Trong phần trao đổi quà tặng, Đức Thượng Phụ Kirill tặng ĐTC một bản sao nhỏ ảnh Đức Mẹ Kazan rất được các tín hữu Chính Thống Nga tôn kính. Ảnh này cũng là một biểu tượng sự hòa dịu quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính Thống Nga. Bản sao cổ kính nhất của ảnh này có từ thế kỷ 18 vốn được treo trong thư phòng của Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng cả chục năm trời, và ngài hy vọng sẽ đích thân trả lại cho Chính Thống Nga, nhưng không thực hiện được dự định này, nên năm 2004, ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã mang ảnh này trao lại cho Chính Thống Nga như một cử chỉ thiện chí của Tòa Thánh.

Về phần ĐTC Phanxicô, ngài tặng cho Đức Thượng Phụ một hộp đựng thánh tích với hài cốt của thánh Cirillo, bổn mạng của Đức Thượng Phụ và một chén lễ, nói lên hy vọng một ngày kia hai Giáo Hội được chia sẻ cùng một chén thánh, được hiệp thông trọn vẹn. Chén thánh này cũng là một dấu chỉ Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận giá trị các bí tích được cử hành trong Chính Thống giáo.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 13.02.2016)