"Tôi sẽ làm gì nếu em bé đó là con của tôi?"

Khi nhìn xác em bé này, tôi tự hỏi tại sao lại có những chuyện này. Tại sao cuộc chiến ở Syria không bao giờ dứt. Tôi giận điên lên vì các chính trị gia đã tạo nên thảm kịch này, giận những người tổ chức vượt biển đã đưa bao nhiêu người đều chỗ chết...

"Tôi sẽ làm gì nếu em bé đó là con của tôi?"

Çanakkla (Thổ Nhĩ Kỳ), 2016-02-01 – Khi tôi đến trên bãi đá cuội thì xác đầu tiên tôi thấy là của một em bé. Em khoảng 9-10 tháng tuổi, ăn mặc ấm và đầu đội mũ. Một nuốm vú giả màu cam móc ở áo em. Bên cạnh em là xác một em khoảng 8-9 tuổi và thêm một người lớn, có thể là mẹ của em.

Một em bé, nạn nhân vụ đắm tàu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Hy Lạp Lesbos 
nằm trên bãi của làng Bademli, Thổ Nhĩ Kỳ, 30 tháng 1-2016 (AFP/Ozan Köse) 

Ngay khi đó, tôi không biết làm gì. Tôi chụp vài tấm hình. Tôi chạy khắp bãi, tôi thấy một em bé khác nằm trên đá. Sau đó thì tôi bị ác mộng, cả hàng giờ tôi không nói gì được, nhưng ngay lúc đó thì tôi không có cảm giác gì đặc biệt. Các lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ lo thu lượm các người bị đắm tàu đêm hôm trước. Rất nhiều xác, tôi không đếm xuể.

Khi đó, không có ai lo cho em bé bị chết. Tôi đến gần em, tôi thinh lặng ở bên cạnh em, tôi ngồi đó cũng cả giờ. Tôi có hai đứa con, một con gái 8 tuổi, một con trai 5 tháng. Tôi tự hỏi, tôi sẽ làm gì nếu em bé này là con tôi. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra với nhân loại. 

Từ vài ngày nay, tôi ở vùng Çannakale, phía bờ Thổ Nhĩ Kỳ của biển Egée, nơi hàng ngàn người tị nạn Syria, Irak hay các nước khác đang tìm cách đến đảo Lesbos của Hy Lạp, đảo này ngay trước mặt. Tình hình ở đây rất căng thẳng. 

Tối hôm trước, tôi đến trong rừng, nơi có mấy chục người di dân ngồi co mình sau khi bị những người tổ chức vượt biển lường gạt. Họ bắt người di dân trả một số tiền lớn để lên tàu đi Hy Lạp, nhưng khi cập bến thì một chiếc tàu nhỏ hơn chiếc tàu họ đã hứa đến. Sợ bị chìm, người di dân không chịu lên tàu. Họ cự lại với những người tổ chức vượt biển, những người này lấy súng ra dọa họ.

Người tị nạn chờ trong bụi gần bãi biển sau khi bị những người tổ chức vượt biển Thổ Nhĩ Kỳ lường gạt, 29-1-2016 (AFP/Ozan Köse)

Trong trại dã chiến, họ ngồi chung quanh bếp lửa sưởi ấm để chờ một chiếc tàu khác đưa đi Âu Châu, các người tị nạn mừng khi họ gặp tôi, họ kể cho tôi nghe các vấn đề của họ. Các trẻ em liên tục hỏi cha mẹ chúng: “Khi nào mình lên tàu?” 

Đêm 29 rạng 30 tháng 1, một vài người trong số người tôi gặp ở trong rừng đã lên chiếc ghe nhỏ chật ních người, họ bị đắm chỉ cách bờ vài trăm mét lúc biển lặng? Chắc chắn. Có thể. Không thể nào biết được.

Xác thuyền đắm của người tị nạn ở bờ phía Thổ Nhĩ Kỳ, 30-1-2016 (AFP/Ozan Köse) 

Sáng thứ bảy 30-1, tôi bật dậy khoảng 7 giờ sáng khi nghe tiếng còi xe cứu thương hú. Khách sạn của tôi ở ngay bên cạnh căn cứ tuần duyên. Có chuyện gì nghiêm trọng đang xảy ra.

Các lính tuần duyên khiêng xác người tị nạn xuống (AFP/Ozan Köse) 

Khi tôi đến căn cứ, một chuyến xe vừa đến. Các xác người bọc trong bao nhựa được đem xuống. Tôi đếm cả hàng chục. Cũng có nhiều người sống sót, đa số là đàn bà và trẻ em. Tôi đến gần. Họ đến từ Syria, Irak, Afghanistan và cả Miến Điện, Bangladesh. Họ hoảng hồn. Họ kể cho tôi nghe, trời tốt, biển êm nhưng vì có quá nhiều người trên tàu. Đó là một chiếc thuyền nhỏ dành cho khách du lịch mà khả năng chở tối đa là 20 đến 30 người. Khi tàu chìm có cả trăm người tị nạn chen chúc trên bong tàu. Một người phải trả 1200 Euro cho người tổ chức vượt biển để lên tàu.

Những người sống sót chờ nhận xác người thân ở làng Küçükkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ, 30 tháng 1-2016 (AFP/Ozan Köse) 

Những người sống sót được đưa vào trạm cảnh sát để cảnh sát hỏi chi tiết. Tôi đến gần nơi đắm tàu. Thảm kịch xảy ra chỉ cách bờ không đầy một cây số, gần làng Bademli. Khi tôi đến nơi, tôi thấy chiếc thuyền bị chìm một nửa, nó chỉ cách bờ khoảng năm mươi mét. Bãi đá vương vãi áo cứu hộ, vật dụng cá nhân và xác bị sóng lạnh của biển Egée đánh dạt vào, trong đó có em bé mà tôi tìm thấy. 

Trong cuộc đời ký giả nhiếp ảnh của tôi, tôi đã từng tường thuật nhiều vụ khủng hoảng, nhiều cuộc nổi dậy, nhiều vụ tấn công. Tôi đã thấy người chết. Nhưng cảnh này là cảnh khủng khiếp nhất. 

Khi nhìn xác em bé này, tôi tự hỏi tại sao lại có những chuyện này. Tại sao  cuộc chiến ở Syria không bao giờ dứt. Tôi giận điên lên vì các chính trị gia đã tạo nên thảm kịch này, giận những người tổ chức vượt biển đã đưa bao nhiêu người đều chỗ chết. 

Rồi một người lính đến, ông bồng em bé lên và cho vào túi nhựa. Ông cũng khóc.

Ozan Köse là ký giả của hãng tin AFP có trụ sở ở Istanbul. Bài này ông cùng viết với Roland de Courson ở Paris.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 02.02.2016/ afp.com, Ozan Köse, 2016-0020)