Irak: Người Kitô hữu cuối cùng ở Mossoul

Mùa hè năm 2014, khi quân của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm thành phố Mossoul, ông Faris, 51 tuổi đã bỏ thành phố ra đi. Ông tìm đến đan viện Mar Matta cách đó vài cây số để trú ẩn. Ông là người duy nhất còn ở đó sau khi đào thoát.

Irak: Người Kitô hữu cuối cùng ở Mossoul

Mùa hè năm 2014, khi quân của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm thành phố Mossoul, ông Faris, 51 tuổi đã bỏ thành phố ra đi. Ông tìm đến đan viện Mar Matta cách đó vài cây số để trú ẩn. Ông là người duy nhất còn ở đó sau khi đào thoát.

Để leo đến Mar Matta thì phải đi trên con đường sỏi, phải cột dây giày thật chặt và đi chầm chậm để không té xuống rãnh trước khi đến một ngôi nhà uy nghi bằng đá trắng. Nằm trên sườn núi, đan viện cổ nhất của Giáo hội chính thống Syria ở Irak được xây trong đá từ thế kỷ thứ 4 để tưởng niệm Thánh Mathêu. Từ sân thượng xinh đẹp chói nắng, khách có thể thấy hết vùng đồng bằng sông Ninivê. Khi trời trong và với ống nhòm thì người ta có thể thấy các ngọn cờ đen của quân Nhà nước Hồi giáo Tự xưng bay phất phới trong các ngôi làng ở ven Mossoul.

“Thủ đô” Irak của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng không xa đây, chỉ cách hai mươi cây số đường chim bay, thủ đô này có hai triệu dân. Các lực lượng Kurde trải rộng suốt mặt trận, họ sẵn sàng báo động cho máy bay của liên minh quốc tế nhất cử nhất động nếu quân Nhà nước Hồi giáo Tự xưng muốn xâm nhập. “Ngày như đêm, chúng tôi nghe tiếng bom dội”, một sĩ quan người Kurde vừa uống trà đường vừa giải thích. Mùa hè 2014, khi các tín hữu Kitô trốn khỏi Mossoul, đan viện đã đón gần 300 người. Các gia đình nằm chen chúc trong sân, nhà bếp nấu 24 trên 24 giờ để phục vụ bữa ăn. Một năm rưỡi sau, đa số các gia đình này đi tị nạn ở vùng Kurdistan của Irak, những người may mắn được đi Âu Châu hay Canada.

Tóc ngắn và râu muối tiêu, ông Faris Yonan Sarsam là người duy nhất còn ở đan viện Mar Matta với gia đình. Ông phụ giúp lễ và làm vài công việc tay chân. Tuần này khi nghe tin Nhà nước Hồi giáo Tự xưng phá hủy đan viện Thánh Êlia, gần Mossoul, ông nhớ lại ngày 19 tháng 7 cách đây một năm rưỡi, nơi cùng với các đồng đạo ông đã phải rời thành phố: “Các quân khủng bố cho chúng tôi 24 giờ để thu xếp hành lý, nhưng họ không tôn trọng thời hạn này. Họ bắt đầu đánh đập, sỉ nhục và lấy đồ đạc của chúng tôi.” Vài ngày trước đó, những người mặc đồ đen đánh dấu các nhà của tín hữu kitô với chữ N (Nadarét) có khi còn thêm chữ đỏ: “tài sản của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng”.

“Cộng đoàn chúng tôi có mặt ở Mossoul từ 1600 năm nay. ra đi là cả một sự xé lòng tột cùng. Đến trạm kiểm soát, các phiến quân lấy hết tiền dành dụm của chúng tôi, tương đương 1500. Họ vứt các vật dụng của chúng tôi ra ngoài xe và làm tung tóe thuốc của mẹ tôi và máy đo huyết áp của bà. Họ thấy vậy thì cười vui thích. Họ để chúng tôi sống nhưng nếu chúng tôi nấn ná lại thêm vài giờ, họ sẽ giết chúng tôi. “Trong vòng sáu tháng, ông Faris vẫn còn liên lạc với các người hàng xóm Hồi giáo của mình trước khi sự trao đổi này bị cắt ở Mossoul. Dần dần, các gia đình sunnit đến ở trong các căn nhà của tín hữu Kitô, các thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tịch thu nhà cửa của họ.

Trước đây có hàng trăm ngàn người Công giáo và Chính thống ở Mossoul và hơn một triệu dưới thời Saddam Hussein. Ông Faris chuẩn bị để viết một trang mới cho cuộc đời mình. “Tôi chờ nhà cầm quyền cho phép đi định cư nước ngoài. Con gái tôi muốn xong chương trình học của cháu ở Pháp hay Anh. Nhưng chúng tôi sẽ đến nơi nào có người nhận chúng tôi.” Ông nói thêm, giọng khàn khàn và xúc động: “Dù cho Nhà nước Hồi giáo Tự xưng có thất bại, tôi cũng sẽ không bao giờ trở lại Mossoul. Có quá nhiều kỷ niệm buồn. Tiếc thay chúng tôi không có chỗ ở đây.” Ở Irak và ở Syria, Kitô hữu Trung Đông phải bị lưu đày một cách khắc nghiệt.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 26.01.2016/
leparisien.fr, Frédéric Gerschel, 2016-01-23)