Trung Phi: Đức Giáo hoàng là thiên thần của Chúa

"Cũng một cách như Chúa Giêsu xuống thế làm người, cuộc viếng thăm Trung Phi gần đây của Đức Phanxicô là vinh danh của Chúa xuống cho chúng ta. Đây là chuyến viếng thăm của một thiên thần được Chúa gởi đến cho chúng ta, các mục đồng ở bờ Oubangui”, Tổng Giám mục Nzapalainga.

Trung Phi: Đức Giáo hoàng là thiên thần của Chúa

Đây là sứ điệp lễ Giáng sinh mang tính cách chính trị và để vinh danh Đức Giáo hoàng mà Tổng Giám mục Bangui, Dieudonné Nzapalainga đã công bố vào ngày thứ sáu 25 tháng 12-2015.

Một tháng sau khi Đức Phanxicô đến Trung Phi và mở Cửa Thánh ở Nhà thờ Chính tòa Bangui trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh đến hai sự kiện lớn của Trung Phi năm 2015: Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng và việc bầu cử Tổng thống.

Cuộc bầu cử ngày 27 tháng 12 sẽ chấm dứt cơn khủng hoảng chính trị mà Trung Phi đã trải qua từ năm 2012. Đức Tổng Giám mục Nzapalainga cho biết “cơn khủng hoảng này đánh dấu bởi bạo lực, bởi bệnh tật, bởi cuộc di dân hàng loạt, bởi sự phá hủy tài sản người khác. Tất cả những việc này đã gieo thất vọng và làm mất tin tưởng”.

Nhân dịp lễ Giáng sinh, Tổng Giám mục địa phận Bangui so sánh nước mình với lịch sử thánh. Cũng một cách như Chúa Giêsu xuống thế làm người, “cuộc viếng thăm Trung Phi gần đây của Đức Phanxicô là vinh danh của Chúa xuống cho chúng ta”. Tổng Giám mục Nzapalainga thấy “đây là chuyến viếng thăm của một thiên thần được Chúa gởi đến cho chúng ta, các mục đồng ở bờ Oubangui”.

Vì “những gì xảy ra ở Trung Phi hôm nay thì giống như đã xảy ra với các mục đồng thời Chúa Giêsu. Một xứ nhỏ những các xứ nhỏ khác, Trung Phi được xem là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Bị chia rẽ bởi chiến tranh, bạo lực, man rợ, không ai còn muốn chú ý đến Trung Phi. Trung Phi bị xem như miền đất của khốn cùng, của thất vọng, nơi có các lực lượng vũ trang không chính thức, họ không có một chút gì tôn trọng sự sống. Dù vậy, nước nghèo nàn nhỏ bé không ai chú ý này lại được Đức Phanxicô, như thiên thần của các mục đồng, chọn để mang Tin Mừng Chúa đến, Chúa của vinh quang và của lòng thương xót.”

TrungPhi-2.jpg

Đức Giáo hoàng, người mang Tin Mừng

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga nhắc lại bầu khí sợ hãi và an ninh trước chuyến đi. “Mọi người xem chuyến đi này là chuyến đi mạo hiểm, một chuyến đi rất nguy hiểm có thể lấy đi mạng sống của Đức Giáo hoàng. Nhưng phó thác vào Chúa và tin chắc vào tình thương của Ngài, Sứ giả của Hòa bình vượt lên sợ hãi và dè dặt đã đến với chúng tôi. Như Thiên thần của Chúa đến báo tin cho các mục đồng, mang cho chúng tôi Tin Mừng. Ngài đã gặp các người đàn ông, đàn bà, trẻ con, người già, người trẻ, người giàu, người nghèo, người bệnh, thăm những người phải bỏ nhà ra đi vì các cuộc xung đột. Với mỗi người chúng tôi, ngài nói đến hòa bình, đến giải hòa, đến tình thương, đến lòng thương xót. Ngài an ủi chúng tôi, mang lại hy vọng cho những người đã mất hy vọng”.

Đức Tổng Giám mục Bangui nhấn mạnh, để chuẩn bị cho chuyến đi của Đức Phanxicô, một làn gió đoàn kết đã được khơi dậy lên. “Trước chuyến đi, bối cảnh chính trị và xã hội của Trung Phi bị thống trị bởi những cảnh bạo lực, đốt cháy nhà. Các khu vực, các thành phố bị chia rẽ. Người này sợ người kia, dè chừng người kia. Khi Đức Giáo hoàng đến, họ không còn dè chừng nhau. Chúng tôi đã biết vượt lên các bất đồng của mình để đoàn kết với nhau cho cùng một mục đích. Làm chứng cho chữ “Hiệp nhất” của linh mục Barthélemy Boganda để lại.” 

TrungPhi-3.jpg

Bầu khí hợp tác của cả nước

Nhân dịp này Đức Tổng Giám mục Nzapalainga cũng ngỏ lời cám ơn Nhà Cầm quyền chuyển tiếp, các anh em “hồi giáo và tin lành”. Đức Tổng Giám mục cũng cám ơn các lực lượng của Liên Hiệp Quốc (MINUSCA) đã hợp tác với lực lượng địa phương “để bảo đảm an ninh cho Đức Giáo hoàng. Dù phương tiện hạn chế nhưng họ đã cho thấy tính nghề nghiệp và hiệu quả rất cao của mình”.

Nhưng một trong các biểu tượng mạnh nhất của sự thành công và bầu khí mới được thiết lập tại Trung Phi sau đó chính là tình trạng có được ở khu vực Km5, “trước đây khu phố bị xem là khu vực “lọt thỏm”, có nghĩa là vùng tự cô lập, chỉ có anh em hồi giáo ở với nhau”.

“Khu vực này đã chứng kiến nhiều người được cảm hứng, đã thấy các băng rôn, các tín hữu Kitô, Công giáo và Tin lành lẫn lộn với các anh em hồi giáo để cùng nhau chào đón Đức Phanxicô khi ngài đến nguyện đường trung ương. Và khi Đức Giáo hoàng đọc xong bài diễn văn của mình, anh em Hồi giáo đã đứng dậy nhiệt liệt vỗ tay. Ngày hôm đó, một cách tự phát, một đám đông khổng lồ đi theo đoàn xe của Đức Giáo hoàng hướng về sân vận động nơi Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ ngày 30 tháng 11-2015”.

Từ khi Đức Giáo hoàng về không có những vụ quá lố

Một bằng chứng khác cho sự thay đổi thái độ và tâm thức là có được bình yên theo sau vụ một người hồi giáo bị giết ngay ngày hôm sau chuyến đi của Đức Giáo hoàng. “Bình thường sau những vụ như thế này là sẽ có các vụ trả đũa ghê gớm: giết nhau, đốt xe đốt nhà. Mà như phép lạ, ngày hôm đó không có chuyện gì xảy ra”, Đức Tổng Giám mục giải thích.

Ngài mô tả, “ngược lại, người dân trong khu vực Km5 muốn các nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo lên tiếng về sự kiện này. Các lời kêu gọi nên làm dịu vấn đề được đưa ra. Vì thế chúng tôi có thể gặp và đối thoại với người anh em của chúng tôi”. Đức Tổng Giám mục Nzapalainga lấy ví dụ này để làm gương: “Từ nay chúng tôi phải dùng con đường đối thoại này để giải quyết các tranh chấp. Vì những vụ trả đũa mù quáng chỉ gây thêm vấn đề và chết chóc vô ích. Chúng tôi cảm tạ Chúa, qua chuyến đi của Đức Giáo hoàng đã cho chúng tôi những chuyện kỳ diệu để sống”. Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Tổng Giám mục Bangui ước gì “chúng ta mở lòng mình cho lòng thương xót này để hòa bình đến với chúng ta”.

TrungPhi-4.jpg


Lời kêu gọi các ứng viên Tổng thống

Chính trong bối cảnh hòa dịu này mà cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra ở Bangui. Và theo Tổng Giám mục Nzapalainga, “điều khẩn cấp là chúng ta đi bầu để làm giảm bớt các đau khổ của dân chúng và để có được một chính quyền quản trị tốt. Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta phải được đi bầu trong an ninh và chính trực, chọn ứng viên, không phải dựa trên sắc dân, vùng miền hay tôn giáo nhưng dựa trên dự án xã hội, tài năng và đạo đức của họ”.

Vì thế Tổng Giám mục Bangui không ngần ngại trực tiếng lên tiếng với “các chính trị gia chủ trương duy trì tình trạng bất ổn, đi hàng hai bằng các thủ đoạn và bằng khiêu khích”, ngài mời gọi họ “có lòng yêu nước để kiến tạo hòa bình và hòa hợp xã hội. Rằng họ không được kéo người trẻ vào các cuộc xung đột do chính họ tạo ra vì ước muốn ích kỷ chiếm đoạt quyền lực, phung phí tài nguyên quốc gia vào túi tiền của họ và cho những quyền lực đen tối!”

Nhắc lại lời của Đức Phanxicô, Tổng Giám mục Nzapalainga mời gọi “các chính trị gia phải là những người đầu tiên thể hiện sự nhất quán trong đời sống của họ, tôn trọng các giá trị của hiệp nhất, của phẩm cách và của lao động, họ phải là gương mẫu cho đồng bào của họ”.

“Chúa Giêsu đến để làm mọi sự nên mới” (Cv 21, 5). Chúng t a phải dám hy vọng có một Trung Phi ổn định và mới mẻ.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 28.12.2015/

Radio Vatican, 2015-12-26)